Đọc “Đêm Thơm Lựng Mùi Sen” của Nguyễn Thị Liên Tâm, tôi chú ý đến hai hình ảnh “ánh trăng và hoa sen”. Với tôi, tôi đã “yêu” trăng từ thuở nhỏ, nên trong nhiều truyện ngắn (cũng như tạp bút) đã nói đến “ánh trăng mầu nhiệm” ấy khá nhiều. Còn hoa sen lại là một hình ảnh rất thân thiết với tôi từ ngày tôi gắn bó với những ngôi chùa. Trăng hồn nhiên, và sen tinh khiết, là hai hỉnh ảnh, có lẽ, tất cả chúng ta đều yêu quý, không riêng gì nhà thơ?
Nguyễn Thị Liên Tâm đã dành 23 bài thơ nói đến Sen (20) và Trăng (3) trong số 60 bài nói đến nhiều cảm xúc, tâm trạng khác.
Nguyên do tại sao?
Lắng nghe Liên Tâm tâm sự:
“Tôi chỉ là một cọng Sen. Mẹ sinh tôi ra từ khi người hai mươi tuổi.
Trải qua bao mùa gió nổi. Trải qua bao mùa mưa giăng. Mẹ tôi thành chiếc lá khô cong. Cho tôi Sen nở. Cho tôi thong dong mang đôi hài đỏ. Ngọt ngào đi tìm tình yêu của Sen”
(Tôi Sen)
Em là Sen.
Sen là Em.
Liên Tâm đã tự nhận mình là “một cọng Sen”, nhánh sen, hoa sen - từ thuở mới được Mẹ sinh ra. Đóa Sen đã vượt lên từ bùn đất, để “thong dong mang đôi hài đỏ”, và “đi tìm tình yêu của Sen”; thì ắt rằng Tình Yêu đó sẽ rất thiêng liêng, thao thiết:
“…Lung linh trăng hát gọi rằm
Cho đêm thơm vọng nguyệt cầm
Du dương
Này em, sen đã ngậm sương
Thoát thai mấy nụ vô thường
Mong manh
Thuyền ta lạc giữa đêm xanh
Mái chèo khua nhẹ
Tròng trành cùng sen…”
(Đêm Thao Thức Cùng Sen)
Tác giả đã “hóa thân” thành Sen để cùng Trăng “cười nghiêng ngã gió mây” thật nồng nàn, man mác:
“ (...) Lời nầy sen hát cho anh
Lời nầy sen hát tròng trành nguyệt ca
Hồng đào mấy độ phôi pha
Đêm hằng đêm, nhớ, mặn mà ngày xưa(..)”
(Đêm Sen Hát)
Rồi tàn đêm “tỉnh ra, một chút hương thừa, vẫn say”. Một chút hương, một chút âm vọng, cũng đủ để “Sen” ngất ngây nhớ tưởng rồi. Bày tỏ Tình Yêu Thương thế tưởng không còn gì thắm thiết hơn. !
Sự lãng mạn, thơ mộng trong “Thuyền Trăng Phạm Lại Đợi Người” dầu có tính tượng trưng, nhưng phần nào cho thấy tác giả đã rất nhạy cảm để dệt nên những vần thơ bằng mộng tưởng rất xao xuyến:
“Thuyền đang đợi
Đi cùng anh nhé
Tây Thi ơi
đêm ngày Phạm Lãi vẫn hoài mong
Buông chèo thôi
Thuyền sẽ trôi trong gió mơ mòng
Chuyện xưa ấy, quyện tình ta như khói
…Chỉ có hương em, thơm đêm chờ đợi
Cho dại khờ anh, si đắm...hoa ngâu (…)”
Chuyện tình đẹp và nhiều trắc trở, gay cấn của đôi trai tài gái sắc Phạm Lãi (Đào Chu Công) - danh sĩ của nước Việt ở Trung Hoa thời Xuân Thu Chiên Quốc, với người đẹp Tây Thi đã được tác giả “mượn” để gởi gắm tâm sự thao thức đợi chờ của mình thật tinh tế, thú vị: “Thuyền đang đợi/đi cùng anh nhé” và “Đi cùng nhau đi em, cho tơ tóc kết se/ buông chèo thôi, ta lãng du khắp bến sông mê/ rồi cập bến/ Tây Thi ơi, nhớ, đây thuyền anh, Phạm Lãi”.
Ánh trăng trong “Bàu Trắng Đêm Trăng” thêm một lần nữa cho người đọc hiểu rõ thêm niềm ước mơ và tâm hồn rộng mở, nhạy cảm của tác giả đã bàng bạc thể hiện sáng trong, trong “Đêm Thơm Lựng Mùi Sen” ngời sáng như ánh trăng rằm:
“Đêm huyền diệu trăng rơi đầy trên cát
Loang loáng dòng xanh, Bàu Trắng lung linh
Rừng thông như tự hát ru mình
Cho đêm trắng trải khắp đồi cát trắng
…Mùi cát thơm như mùi hoa cỏ mật
Đang nhởn nhơ xô sóng nước ven bàu
Những búp sen cười, trong gió lao xao
Nghiêng cánh mỏng, hồng hào khoe nhan sắc” .
Nỗi khát vọng của một tâm hồn đơn côi tràn đầy sức sống đã được bày tỏ, chia sê, bằng những hình ảnh gợi cảm, những xúc cảm tinh tế, như một bức phác thảo được khắc chạm:
“ (…) Mùa thu để lại gì?
Một chiếc lá chơi vơi trên dòng suối
Người để lại gì?
Một vành trăng non
(…) Mùa thu qua rồi
Bờ ao sen trắng
Chấp chới chiều, vỗ cánh thiên di
(..) Trăng đã chín một vầng thơm
Người vẫn phương trời biền biệt
Sen nở ngọc ngà, Tình ơi có biết
Đáo hạn mấy mùa trăng
Khép lá mỏng xanh ngời”
(Bên Bờ Ao Sen Trắng)
Điều còn đọng lại trong tôi sau khi đọc xong “Đêm Thơm Lựng Mùi Sen” của Nguyễn Thị Liên Tâm là sự sáng tạo, cách tân thơ đã được thể hiện rõ nét. Sự quan tâm đổi mới được chăm chút từ kiến tạo ý tưỏng, tình cảm diễn đạt, cho đến hình ảnh, ngôn từ bày tỏ, thật vi tế, sâu sắc; của một tâm hồn tinh khiết, nhạy cảm …
Quê nhà, tháng 10.2017
(1) Nhà XB Hội Nhà Văn – tháng 6.2017