Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
661
123.167.981
 
Những người không biết mình tham gia chiến dịch Điện Biên rất sớm
Tô Hải

Mùa xuân 1953 - 1954 - mùa xuân kháng chiến cuối cùng của trận đánh 9 năm ấy, Đoàn văn công Bộ Tư lệnh IV chúng tôi (lúc ấy chưa gọi là quân khu) được phân tán về "ba cùng" với các đại đội, tiểu đoàn độc lập địa phương, đang tích cực luyện quân trong không khí vô cùng khẩn trương của giai đoạn chuẩn bị tổng phản công. Nửa thế kỷ đã trôi qua, các đồng đội của tôi, hôm nay, một số đã trở thành người thiên cổ, một số trở thành những diễn viên, đạo diễn, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Một số đã chẳng còn ai nhắc tới … nhưng trong tôi họ là những con người yêu nghệ thuật và thực sự có tài. Những Nguyễn Phiên, Nguyễn Đãi, Xuân Bình, Đặng Văn Khoáng, Vĩnh Cường … tất cả đều trải qua những năm tháng ăn đói, mặc rách, đi bộ hàng ngàn cây số, mang tiếng hát, tiếng cười đến cho các đơn vị, một mùa xuân đáng nhớ đó, đang sôi sục trong niềm tin chiến thắng, hòa trong niềm vui của anh "nông dân mặc áo lính" được tin vui cải cách ruộng đất bắt đầu ở quê nhà … Niềm vui đó trong chúng tôi không hề chỉ là tin tưởng một cách giáo điều. Nó được cụ thể hóa ở ngay trên bãi tập, ở nội dung học của các đơn vị như : công kiên chiến, như các chiến thuật "nhất điểm lưỡng diện", "bao vây vu hồi"… mà chúng tôi chưa từng thấy diễn ra ở các đơn vị địa phương từ trước tới nay… Cũng chưa bao giờ chúng tôi lại dám hành quân giữa ban ngày, ngay trên đường số 1. Cũng chưa bao giờ chúng tôi được ăn cơm tập trung (dù ăn đứng), nhưng cũng có bàn đóng tạm thời bằng tre, nứa, với những bữa ăn "thi đua nuôi quân", có khi tới ….7, 8, thậm chí 10 món (!) do sáng kiến cải tiến của các anh nuôi : biến củ giong, bột gạo, củ riềng …thành món giả tôm, giả cá …mà Thanh Tịnh gọi đùa là món "ăn chơi" (amuse geule) còn Phùng Quán thì làm hẳn một bài độc tấu nội dung rất vui nhộn để ca ngợi các "anh nuôi", rất dí dỏm ; "Rằng ngon thì cũng là ngon, nhưng buông bát xuống vẫn còn đói meo" … Kỷ niệm này, đối với nhà văn Xuân Thiều, lúc đó làm đại đội trưởng một đơn vị mà chúng tôi thâm nhập, chẳng hiểu có nhắc tới trong một tác phẩm nào của anh không ? Tóm lại, niềm tin chiến thắng "trông thấy, sờ thấy" hẳn hoi, vậy mà các vị "tham  mưu con" các nhà "đoán tướng số đất nước" vẫn không ngớt phán đoán : Đoàn văn công Bộ tư lệnh IV này sẽ có nhiệm vụ gì ? sẽ theo đơn vị nào ? sẽ tiếp quản thành phố nào ? Không ít dự định cá nhân cũng đã được "bật mí" : Những anh bộ đội quê ở Huế như Thanh Tịnh, Phùng Quán, Vĩnh Cường, Nguyễn Phiên …. đều hướng về Nam. Những người quê ở Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh đều hướng về miền Bắc… Giữa lúc đang phán đoán mộng mơ đủ kiểu thì chúng tôi có lệnh về ngay Bộ Tư lệnh, nhận nhiệm vụ mới.

 

Sau đúng một ngày, một đêm hành quân từ Thạch Hà (Hà Tĩnh), cả 36 người chúng tôi (lúc ấy đoàn văn công chúng tôi là một đoàn đông đủ và mạnh nhất với cả một dàn nhạc đầy đủ trompette, trombone, saxo, violon, Flute …và một đội kịch đủ khả năng diễn cả những vở lớn như "Cai Tô", "Nhật Xuất" …) đã có mặt tại Bộ tư lệnh đóng quân tại khu vực Thanh Chương hoặc Nam Đàn gì đó (vì bước sang tuổi 78, nên tôi không còn nhớ rõ). Nhưng những gương mặt và tên những con người khi giao nhiệm vụ cho tôi thì không bao giờ có thể quên. Đó là Tư lệnh Lê Nam Thắng, là chủ nhiệm chính trị Nguyễn Đình Tùng. Hai ông, khác hẳn với mọi lần, gọi tôi lên. Bằng một giọng nói hết sức nghiêm trang, (thậm chí nghiêm trọng nữa) lần lượt các ông giao nhiệm vụ : "Lần này, Tô Hải dẫn anh em đi theo các "đơn vị lớn", không trực thuộc Liên khu. Tất cả mọi sự chỉ đạo sẽ do đơn vị đó chịu trách nhiệm. Thời gian không biết mau lâu ra sao. Hãy cố phát huy tinh thần khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ. Tất cả nhạc cụ, phông màn đạo cụ cần cho các buổi biểu diễn lớn nhỏ, nhớ mang đi hết. Riêng những đồ đạc cá nhân, sách vở cồng kềnh thì gửi lại. Tất cả mọi người đều phải sẵn sàng, chỉ cần một ba lô là bôn tập ngay cùng bộ đội. Những ai, xét thấy sức khỏe kém, có thể cho ở lại!" Tới khi bắt tay tôi ra về, Tư lệnh trưởng còn nói thêm : "Có thể chúng mình không gặp lại nhau ở đây nữa, nhưng nhất định ở đâu, tớ sẽ báo cho cậu biết …có thể ở ngay Hà Nội cũng nên … (Điều này trở thành hiện thực khi sau này ông về làm Tư lệnh trưởng Bộ Tư lệnh Thủ đô) … Thế là rõ : Chúng tôi đã được lệnh làm nhiệm vụ mới từ cấp trên - cấp cao hơn ông ! … Có nghĩa là chúng tôi được vinh dự tham gia vào "trận đánh cuối cùng" chăng ? ….

           

Nếu khi phổ biến cho toàn Đoàn nhiệm vụ mới đã gây một không khí phấn khởi cho "người đi" bao nhiêu thì mang tới nỗi buồn cho "kẻ ở" (không nhiều lắm) bấy nhiêu. Và cũng là dịp cho các "phán đoán gia" tha hồ mà tranh cãi. Xu hướng "tiến ra Bắc' lúc này có vẻ thắng thế, nhất là khi biết đơn vị đầu tiên mà chúng tôi sẽ "ba cùng" là Trung đoàn 10 (sau này sát nhập cùng E269, E18, E95 thành Sư 325) đang rải quân khắp Hậu Hiền, Đông Sơn, Quảng Xương (Thanh Hóa). Người tiếp tôi đầu tiên để giao nhiệm vụ là Trung đoàn trưởng Tống Thái, một vị chỉ huy cao to, tướng trông rất "quân sự" nhưng giọng nói rất nhẹ nhàng và bao giờ cũng điểm một nụ cười chân thành. Ông nói : Các đồng chí hãy bám sát các đơn vị đang luyện tập công kiên chiến. Tất cả các tối đều biểu diễn cho các anh em xem. Sáng hôm sau lại phải hành quân ngay đi nơi khác. Tối lại tiếp tục, cứ thế cho đến khi có lệnh mới. Tôi hỏi ông : Biểu diễn nhỏ lẻ hay tập trung ? Ông trả lời đanh thép : "Tập trung, càng tập trung, càng ồn ào càng tốt ! Có cái gì hay nhất, đẹp nhất, to nhất, các cậu cứ cho ra mắt phục vụ anh em". Chúng  tôi thật vô cùng phấn khởi khi lần đầu tiên được tuyên huấn trung đoàn trang bị cho 2 chiếc đèn măng-xông, một điều mà chỉ cách đây ít tháng, nếu có trong tay, cho kẹo cũng chẳng dám dùng vì sợ máy bay "bà già" chỉ điểm …rồi sẽ ăn bom, ăn đạn 12 ly 7, 13 ly 2 của các máy bay Junker, Spitfre của giặc Pháp ngay tức khắc.

           

Và cứ thế, đêm diễn, ngày ra thao trường kiến tập. Có điều lạ là hầu hết các bãi tập đánh công kiên, diễn tập tiểu đoàn tiến công, bộc phá nổ ầm ầm, từng tổ tam tam tiến lên vượt cửa mở, chiếm đánh lô cốt … đều diễn ra giữa ban ngày ban mặt, ngay bờ biển mà chả thấy một cái bóng ma Junker, Spitfre nào làm vẩn đục bầu trời. Cái cảnh "ngày quân sự, tối văn nghệ" cứ thế diễn ra cả tháng trời khiến "vốn liếng" của đoàn chúng tôi cứ cạn dần. Bộ đội thì mệt lử, văn công thì hết vốn ! Một phong trào "viết như điên" để có cái mới phục vụ lính, không ai phát động cũng tự nhiên hình thành. Chính những năm tháng này mà tài độc tấu của Thanh Tịnh và Phùng Quán có đất dụng võ, nhất là độc tấu ngẫu hứng, ứng khẩu thành ….văn vần. Không một mẩu chuyện gì hay hay xảy ra hàng ngày, mà chúng tôi không biến thành hoạt cảnh, nhạc cảnh, thành độc tấu, song tấu, ca dao, hò, vè ….để động viên bộ đội. Chính trong thời gian đó, tôi đã cho ra đời hàng loạt những ca khúc "Tổ tam tam quyết chẳng rời nhau", "Bộc phá của ta nổ giòn" …Những hoạt cảnh "Kéo lưới ban mai", "Nông dân biết ơn Bác", "Chú bê sa hố" … đã ra đời rất nhanh chóng, thậm chí chưa ráo …nước bọt (vì đâu đã kịp ghi ra giấy !) đã được "trình làng" góp phần không nhỏ làm quên đi cuộc sống vất vả của bộ đội sau một ngày đổ mồ hôi ở thao trường. Sau này, mỗi lần gặp lại các chú lính trẻ đã trở thành tá, tướng, tôi không ngờ rất nhiều người còn hát lại không sai một nốt những bài hát mà chính người "vẽ" ra nó cũng đã quên đi như quên một bức tranh vẽ vội. Sở dĩ họ đều nhớ như in trong lòng vì nó là những kỷ niệm đẹp nhất của một thời đạn bom, nó gắn liền với chiến công và cả hàng ngàn cái chết vì độc lập tự do của những đồng đội có tên, có tuổi, có quê quán cụ thể của họ. Vậy mà chúng ta không ít người (trong đó có cả tôi) đã coi những sáng tác đó như những đứa "con rơi", để chúng lìa bỏ chúng ta, bỏ lịch sử âm nhạc ra đi mãi mãi …Thật là một lỗi lầm !

           

Trở lại với cuộc biểu diễn bôn tập kéo dài gần hai tháng trời mệt bã người, nhưng vui và tin tưởng ở thắng lợi của cuộc trường kỳ kháng chiến đã thực sự chuyển sang giai  đoạn Tổng phản công, chúng tôi mê say sáng tác và biểu diễn, sẵn sàng cùng các đơn vị chủ lực lao vào cuộc "chiến đấu cuối cùng". Có điều làm cho các vị "tham mưu con" luôn phải tranh cãi là : Tại sao lại đi vào ? Tại sao hôm qua đi vào thì hôm sau lại bôn tập đi …ra ? Cứ luẩn quẩn mãi dọc bờ biển Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh. Chẳng có vượt U Bò, Ba Rền như phán đoán của Phùng Quán, Vĩnh Cường, chẳng có tiến vào đồng bằng Bắc Bộ như tôi hằng hy vọng! Và tới một ngày đầu năm 1954 ấy, (tôi không còn nhớ rõ) khi đang kiến tập ở tiểu đoàn của đồng chí Bùi Ủy (cái tên và con người ít khi tôi quên) thì nhận được điện hỏa tốc của tiểu đoàn bộ chuyển tới : "Tất cả các Đoàn văn công quân đội về tập trung tại Bộ Tổng tham mưu chậm nhất là ngày 30 tháng 3 năm 1954". Tất cả chỉ có 15 ngày, chúng tôi lập tức lên đường hành quân từ Thanh Hóa hướng đường núi Cẩm Thủy, qua Hòa Bình lên Tuyên Quang để được hướng dẫn về nơi tập kết : Núi Hồng ! Đó là An Toàn Khu với những ngôi nhà sàn to đẹp khang trang, có cả máy phát điện ban đêm, có một hội trường to, rộng và có cả một hệ thống giao thông hào và những căn hầm hết sức kiên cố. Chúng tôi, chưa từng bao giờ có cái niềm vui to lớn đến thế. Vì ở xa nhất, chúng tôi đến muộn mất một ngày, sớm hơn đoàn Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (từ Côn Minh về) 3 ngày. Chính ở chân núi Hồng này chúng tôi đã gặp lại (hoặc lần đầu tiên thấy mặt nhau). Những Đỗ Nhuận, Nguyễn Đức Toàn, Văn An, Xuân Hòa, Tường Sơn, Quốc Bảo, Thúy Nga … từ Việt Bắc ; Đàm Linh, Mai Sao, Hoàng Bội từ Tây Bắc sang ; Huy Du, Vũ Trọng Hối, Nguyễn An, Hải Hồ, Trần Minh …từ Hữu Ngạn, Tả Ngạn lên; Doãn Nho, Vũ Tự Lân, Lê Đóa, Hồng Lập …từ bên kia biên giới về. Thật là một cuộc  hội tụ đầy đủ nhất của mọi nhân tài văn nghệ thời bấy giờ. Chưa kể đến các nhà văn, nhà thơ đang ở ngay Tổng cục Chính trị, có lẽ cũng phải cả gần 1000 "nghệ sỹ mặc áo lính" từ khắp đất nước đã về nằm ngay sát bên Trung ương, bên Bác Hồ chờ lệnh mới. Tính chất của cuộc "Đại Hội Tụ" này cũng khác thường. Chẳng có báo cáo, chẳng có tham luận, chẳng có nghị quyết mà chỉ có biểu diễn và biểu diễn cho nhau xem ! Ngày 3 buổi (trừ những đêm chiếu các phim mới nhập (chẳng hiểu bằng con đường nào) những bộ phim như "Công phá Bá Linh", Moussorsky" … đã làm chúng tôi vô cùng hứng khởi, quên đi mệt nhọc do phải xem nhau và diễn cho nhau xem quá nhiều. Thì ra đây là dịp để kiểm điểm lại vốn liếng, tài năng của từng đoàn, của từng người. Cho đến một hôm, đúng khi các Đoàn đang tranh thủ truyền lại cho nhau những tiết mục hay nhất, "tủ"nhất thì đồng chí Võ Hồng Cương triệu tập toàn thể lên hội trường để phổ biến : "Chiến dịch Điện Biên đã mở màn" tất cả các Đoàn văn công lên  đường ! Hoãn Đại hội :"Đó là một ngày đáng ghi nhớ ngày 13 tháng 3 năm 1954 ! (Toàn là con số 3 xui xẻo cho người phương Tây. Theo sự phân công của Tổng cục, Đoàn chúng tôi lại phải đi ngược về Hòa Bình để phục vụ các đoàn dân công. Lần này thì chúng tôi vừa đi vừa hát hò giữa ban ngày. Qua đèo Khế, Giốc Cun còn loang lổ vết bom chặn đường của quân thù thả xuống cách đây 1 tháng, chúng tôi chẳng thấy có một chiếc máy bay nào giở trò "chích, đốt" cả. Chúng đang tập trung vào xung quanh bầu trời Điện Biên để ứng cứu một cách vô vọng lũ "cá nằm trên thớt". Dấu hiệu quá rõ ràng về sự "hết hơi" của kẻ địch và ngày tất thắng của ta đã đến gần. Tuy nhiên, việc "phục vụ chiến dịch từ xa" này chỉ kéo dài được có đúng 32 ngày. Lại có lệnh mới : "Trở lại núi Hồng ! Tiếp tục Đại hội !" Nhưng lần này đại hội theo một kiểu khác. Vẫn là biểu diễn nhưng chỉ còn một buổi. Hai buổi dành để học tập, để dàn dựng lại những tiết mục cũ nhưng với quy mô, với nội dung và hình thức được nâng cao hơn, trau chuốt hơn. Lại có sự tham gia truyền đạt kinh nghiệm, luyện giọng, luyện nghề của những chuyên gia hàng đầu từ Văn công nhân dân sang như : Thế Lữ, Năm Ngũ, Cả Tam… bồi dưỡng các đội chèo, đội kịch những điều rất cơ bản trong nghề nghiệp …Tin chiến thắng hàng ngày từ mặt trận bay về được "Phát thanh viên thượng thặng" Thanh Tịnh trịnh trọng "độc tấu" trước hội trường làm mọi người reo hò đến khản cả giọng … Cho đến cái ngày mong đợi, ngày 7-5 ấy, khi nghe quân ta đã kéo cờ trên nắp hầm Đờ-cát-tơ-ry thì, niềm vui đã vỡ òa lên thành cơn đại sóng thần ! Chúng tôi, chẳng cần nghe thêm gì Thanh Tịnh đang "bình luận bằng thơ" nữa ! Tất cả ôm lấy nhau, nhảy cẫng cả lên, có người như điên, chạy băng xuống suối, vứt bỏ hết quần, áo, cho trôi theo dòng nước rồi hò hét như điên, như cuồng :"Chiến thắng ! chiến thắng rồi ! Chết cha mày rồi Đờ-cát ơi !" Mọi sự đã quá rõ ràng : Té ra chúng tôi đã làm nhiệm vụ nghi binh, đánh lừa địch để quân ta  có thể chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên. Chúng tôi đã tham gia chiến dịch ngay từ đầu mà không biết.

           

Những ngày sau đó là những ngày chẳng ai giấu diếm gì chúng tôi nữa : Chuẩn bị tiếp quản Thủ đô. Tất cả các Đoàn văn công Quân đội sát nhập thành 3 Đoàn văn công Tổng cục. Đoàn 1, Đoàn 2 về Hà Nội, Đoàn 3 đi Sầm Sơn trao đổi tù binh … Niềm vui cũng kèm theo vài nỗi buồn nhỏ. Đó là cảnh chia tay nhau về đoàn này đoàn khác, do yêu cầu của biên chế mới (như các cây kèn phải về quân nhạc). Đó là nỗi nhớ, sự tiếc nuối khi lại phải tạm biệt vợ con người thân, người yêu còn ở lại khu IV, mảnh đất tuy nghèo, tuy "quanh năm gió Lào, mắm nhút" nhưng vô cùng giàu có về tình người, đã nuôi Đoàn văn công Tư lệnh IV chúng tôi trưởng thành trong sáng tác và biểu diễn. Không biết giờ này, những Xuân Bình, Đặng Khoáng, bác Căn, bác Đính, chú Thường, Mai Huyên, bác Quảng, chị Minh Trâm, cô Tần, cô Hoa, …ai còn ai mất? Nếu chưa ra đi cùng các anh Thanh Tịnh, Phùng Quán hãy nhận lấy ở tôi một câu biết ơn ngắn ngủi : Tuy là nghệ sỹ vô danh trên báo chí, truyền hình, các anh có thể tự hào về cuộc đời hiến dâng cho nghệ thuật quân đội ! Các anh là nghệ sỹ đích thực vì chúng ta là chiến sỹ văn nghệ tham gia chiến dịch Điện Biên ngay từ khi chiến dịch chưa nổ súng mà không hề có trên ngực tấm Huy hiệu Điện Biên.

 

-----------------------------------

Nhạc sỹ TÔ HẢI

Nguyên Trưởng đoàn văn công

Bộ Tư lệnh IV

Tô Hải
Số lần đọc: 2340
Ngày đăng: 24.08.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một tháng ở Nam kỳ-Phần I - Phạm Quỳnh
Một tháng ở Nam kỳ-Phần II - Phạm Quỳnh
Vĩnh biệt giáo sư Trần Quốc Vượng - Hồ Tĩnh Tâm
Vang dội Cái Ngang - Lê Tương Ứng
Dấu ấn Điện Biên Phủ : Tại sao Điện Biên Phủ ? - Lê Phú Khải
TRẬN ĐÁNH chỉ được THẮNG không được BẠI - Lê Phú Khải
Di tích lịch sử Côn Đảo - - Nguyễn Đình Thống
Tiềm năng biển và đảo - Nguyễn Trọng Tín
THỊ XÃ TRÀ VINH, XƯA & NAY - Trần Dũng
Xem “Những hình ảnh chưa biết về chiến tranh Việt Nam” - Minh Trường