Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.112
123.142.220
 
Lại nói về Sách : Tin hay Ngờ ?
Phan Văn Thạnh
 
 
1-“Sách là nguồn kiến thức của con người,do đó cũng là sức mạnh của con người.Vì vậy,sách và kiến thức có mối quan hệ rất mật thiết với nhau.Trong cuộc đời,người nào đọc nhiều,hiểu rộng có thể làm được nhiều hơn với người lạc hậu,ít văn hóa” - (M.I Xa-cốp-xki).
 
Giá trị của sách là thế nhưng dường như ít ai được biết công khó nhọc của người làm sách.
Suốt từ trước 75 đến nay,thường dùng làm tài liệu tham khảo bộ 4 quyển Nhà Văn Hiện Đại(1) của Vũ Ngọc Phan nhưng mãi đến sau 75,đọc hồi ký “Những năm tháng ấy” (2) của chính tác giả,tôi mới biết tác phẩm được viết từ tháng 12-1938 đến cuối năm 1940 hoàn thành trong thời gian ba năm (1940-1942) tất cả 1650 trang trên giấy học trò.Tư liệu dùng vào bộ sách lấy ở 50 sổ tay do ông ghi chép về văn học Việt Nam,văn học nước ngoài,lịch sử Việt nam,lịch sử mấy nước (Pháp,Đức,Ý,Anh và Trung quốc,Nhật Bản).Giấy nháp thảo bút là đơn xin học và đơn xin nghỉ học của học sinh trường Thăng Long đã bỏ.Suốt đời viết văn,ông thường thu nhặt những tờ đã viết,hoặc đã đánh máy một mặt để dùng làm giấy nháp. Ông làm việc độc lực từ 6g sáng đến 1g trưa,chiều từ 2g rưỡi đến 6g;tối từ 8g đến 11g. Buổi tối thường dành để đọc các tác phẩm,tìm tư liệu và xem báo…
 
Trường hợp Học giả Nguyễn Hiến Lê - thật kỳ công.Tính đến 1975,ông đã xuất bản đúng Một trăm tác phẩm(100).Từ năm 1975 cho đến khi qua đời (1984),ông còn viết hơn 20 tác phẩm khác như: Tourguéniev,Gogol,Tchékhov,Đời Nghệ sĩ,Để tôi đọc lại,Kinh Dịch đạo của người quân tử,Mặc học,Luận ngữ…Nhất là bộ sử lớn Sử Trung Quốc (1000 trang).(Theo Nguyễn Q.Thắng)
Và rồi cũng phải xem hồi ký(3)của chính tác giả,bạn đoc mới rõ: ông viết sách là để tự học -  “Khi muốn học về một vấn đề nào thì cứ viết sách về vấn đề ấy.Chúng ta ai cũng có tính làm biếng,học cái gì cũng chỉ mới biết qua loa mà đã cho là mãn nguyện,không chịu suy nghĩ kỹ,tìm tòi thêm.Nhưng khi viết sách,ta cần kiểm soát từng tài liệu,cân nhắc từng ý tưởng rồi bình luận,sau cùng sắp đặt lại những điều đã tìm kiếm,hiểu biết để phô diễn cho rõ ràng.Trong khi làm những công việc ấy,ta nhận thấy tư tưởng của ta còn mập mờ,ta phải tra cứu để hiểu thêm,đọc nhiều sách nữa,do đó sự học của ta cao thêm một bực.Càng đọc nhiều sách thì càng gặp những ý tưởng mâu thuẫn nhau,và ta phải xét xem đâu là phải,đâu là trái và ta lại đào bới cho sâu thêm; nhờ vậy ta thấu triệt được vấn đề,nhớ lâu hơn,có khi phát huy điều mới lạ…”
 
Ông nhấn mạnh :“khi viết mục đích của ta là để tìm hiểu,chứ không phải để cầu danh.Cầu nó,nó sẽ trốn và sự học của ta cũng hóa ra nông nổi - Làm nhà biên khảo thì việc đầu tiên là phải kiếm tài liệu.Viết về nhiều môn cần phải đọc rất nhiều sách,báo…”. Hầu hết sách dùng để biên khảo ông phải mua ở ngoại quốc – đặt trước một  số tiền dự trữ (provision) độ 200 quan mới cho nhà Rayonnement du livre francais ở Paris - nhận tập thư mục sách hàng tháng (Livres du mois) - mỗi năm nhận khoảng năm sáu chục cuốn.Riêng về sách cổ học Trung Hoa,ông yêu cầu tiệm sách Hương Cảng tìm cho những bản tốt nhất,chú giải kĩ nhất của một học giả có tiếng và do một nhà xuất bản có tiếng in ra,dùng những bản đó giá tiền đắt gấp hai,gấp ba,cũng có lợi hơn là dùng những bản tầm thường,không tin được,chỉ làm mất thì giờ của mình.Khi đã có một chủ đích,định tìm hiểu hoặc viết về một vấn đề nào ông bắt đầu gom hết các tài liệu (sách,báo) có liên quan trong nhiều năm.Viết cuốn Kinh Dịch,ông gom tài liệu từ năm1960 đến năm1975,khoảng 15-16 cuốn của Trung Hoa,Việt,Pháp,Anh,Đức (dịch ra tiếng Pháp).Mỗi cuốn đọc qua một lượt,xem giá trị,giúp được gì,đánh dấu những chương quan trọng,để riêng một chỗ.Năm1978-1979,khi bắt tay viết,ông đọc kĩ lại,so sánh các thuyết,các bản dịch,định hướng nghiên cứu và cách làm việc…
 
Về từ điển,tôi còn lưu giữ hai bộ,biên soạn cách đây hơn nửa thế kỷ.Sách giờ đây “già nua”,sút chỉ khâu,long gáy,giấy ngã màu vàng xỉn,con chữ khô quắc nhưng “nội lực” vẫn tràn trề,thâm hậu.
-Việt-Nam Tự-Điển - Hội Khai Trí Tiến Đức(4) - tác phẩm biên soạn thật công phu,dày 663 trang,tra cứu cả chữ Nho lẫn tiếng Pháp nhằm tạo chữ để diễn tả những tư tưởng mới du nhập vào Việt Nam,nhất là những danh từ kỹ thuật,những danh từ thổ ngữ địa phương ba miền Nam,Trung,Bắc. Sang thế kỷ XXI Việt Nam Tự Điển vẫn thường được lấy làm mẫu mực chính tả và từ mục,nói lên giá trị bền vững của sách.Đây là công trình tập thể - Tiểu ban phụ trách soạn thảo gồm các tay bút cự phách đương thời: Phạm Quỳnh (chủ bút), Nguyễn Văn Vĩnh,Trần Trọng Kim,Bùi Kỷ,Nguyễn Văn Luận, Phạm Huy Lục,Dương Bá Trạc,Nguyễn Hữu Tiến,Nguyễn Đôn Phục,và Đỗ Thận.(nguồn Wikipedia)
-Hán Việt Tự Điển(5) - tác phẩm đồ sộ,vững chãi của Thiều Chửu (1902–1954).Ông tên thật Nguyễn Hữu Kha,quê làng Trung Tự, Đông Tác cũ,nay thuộc quận Đống Đa,Hà Nội - là nhà văn hóa,dịch giả và cư sĩ Việt Nam,tác giả  và nhiều bộ sách về Phật giáo nổi tiếng khác (nguồn Wikipedia).
Trong lời mở đầu,tác giả nói về quá trình biên soạn:“…ròng rã trong năm sáu năm trời,vắt hết cái óc cặn,vặn hết khúc ruột khô,mới xong bản thảo,lại in luôn trong một năm bốn tháng trời mới xong một phần Bị-yếu.Tôi(TC) tự biết trong bộ Tự-điển này còn cơ man nào là sự lầm lặt,công không bù tội,cho đến công việc in cũng nhiều bề khuyết điểm,vì rằng một cái nhà in chữ Nho không có,chữ Quốc ngữ cũng ít,máy móc đã cũ rích,thợ thuyền chưa lành nghề,chúng tôi tuy hết sức đôn đốc,mà đồ không tốt,người không tài,thì muốn cũng chẳng được.Tôi tự biết thế,không biết tính sao,chỉ còn một cách là vận hết trí hèn,gắng hết lòng mọn và mong cầu các bậc cao minh phát tâm quảng đại mà xem xét đến cho,chỗ nào lầm thì sửa lại và bố thí cho tôi biết,để đến lần sau in lại được hoàn toàn,thì tôi được nhờ phúc lành nhiều lắm lắm vậy” .
 
2- Có thể ví làm từ điển là công việc “đội đá vá trời”.Chúng ta vô cùng trân quý công khó nhọc, khâm phục sự hiểu biết,trình độ kiến thức ngôn ngữ,vốn trải nghiệm kiến văn và sự cần mẫn,cẩn trọng của người biên soạn.Họ đã miệt mài tìm tòi tra cứu,truy tận nguồn“thủy tổ”các khái niệm ngữ nghĩa của từng con chữ,biên tập hàng ngàn trang sách.
 
Đặc thù của từ điển là loại sách cẩm nang tra cứu,kho cứ liệu chuẩn mực,chỗ dựa tin cậy để người dùng vận dụng chính xác từ ngữ,khái niệm,vấn đề cần tìm.Do vậy mặc nhiên phải thật chuẩn xác.Quá trình in ấn có thể sơ suất vướng lỗi morasse chính tả,nhưng nhất thiết không thể để mắc đầy rẫy những sai sót về mặt tri thức ngôn ngữ,học thuật,làm phá sản toàn bộ công trình.
 
Gần đây trên các trang mạng cá nhân,nhiều bài viết“dọn vườn”sách từ điển của Gs Nguyễn Lân, đã thu hút sự chú ý của bạn đọc bốn phương :“Đọc lướt Từ điển Từ và Ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân (Huệ Thiên - An Chi)” ; loạt bài:“Những sai lầm mang tính hệ thống trong“Từ Điển Thành Ngữ và Tục Ngữ Việt Nam” của GS Nguyễn Lân” – (Dĩ Hư Truyền Hư 1,2,3,4,kỳ cuối) -“Từ Điển Từ và Ngữ Việt Nam của GS Nguyễn Lân” – “Mục Chữ Cái Nào Cũng Có Sai Sót” – “Thử lý giải những sai sót để đời của Nhà biên soạn từ điển – GS Nguyễn Lân” … (Hoàng Tuấn Công)
Người đọc không khỏi giật mình trước những sai sót khó tin.Lấy ví dụ vài mục từ được ông An Chi nêu ra góp ý chỉnh sửa :
«Ẩn dụ (H. ẩn: kín; dụ: rõ ràng)»./Thực ra, ở đây, dụ có nghĩa là sự so sánh chứ không phải là «rõ ràng»
«Âm vị (H. âm: tiếng; vị: nói)»/Vị ở đây không phải là «nói» mà là đơn vị.
«Ấm sinh (H. ấm: con quan; sinh: học trò)»/Ấm không phải là «con quan» mà là quyền lợi con cháu được hưởng nhờ công lao của cha ông. 
«Bạch đái (H. đái: đeo lấy)»/Đái là tên một chứng bệnh phụ khoa mà Mathews’ Chinese-English Dictionary dịch là«a discharge or flux»(sự tiết ra hoặc sự băng huyết) còn Dictionnaire classique de la langue chinoise của F. S. Couvreur thì dịch là «leucorrhée» (khí hư). Vậy đái ở đây không phải là «đeo lấy».
«Cầm loan (cầm: đàn; loan: keo gắn dây đàn).Tình nghĩa keo sơn»/ Loan là chim loan chứ không phải «keo gắn dây đàn». Keo loan mới là keo gắn dây đàn».
«Chúng sinh (chúng: số đông; sinh: sống)»./ Sinh ở đây là sinh vật chứ không phải là «sống».
«Chức vị (H. vị: đơn vị)»./Chữ vị ở đây mà giảng là «đơn vị» thì người đọc đành phải... chào thua vì vị ở đây thực ra là «ngôi thứ».
«Con én đưa thoi (Cái thoi khung dệt đưa đi đưa lại như chim én bay lượn)»./Tác giả đã giảng hoàn toàn ngược với chữ nghĩa thông thường vì đây là chim én liệng đi liệng lại giống như cái thoi khung dệt đưa đi đưa lại chứ đâu phải «cái thoi khung dệt đưa đi đưa lại như chim én bay lượn.»
«Cộng hòa tư sản (sản: sinh ra)»./Ở đây sản không phải là «sinh ra» mà là của cải.
«Chữ đinh (Chữ Hán có nét ngang và nét sổ dọc) (... )»./Thực ra, nét thứ hai của chữ đinh 丁 không phải là «nét sổ dọc» ( | ) mà lại là nét sổ móc亅.Nếu nét đang xét đúng là «nét sổ dọc» như Nguyễn Lân khẳng định thì ta sẽ có chữ T và đây là cổ văn của chữ hạ 下,chứ chẳng có liên quan gì đến chữ đinh 丁 cả.
«Cua thâm càng nàng thâm môi.Chê một người phụ nữ môi không đỏ»./Cua thâm càng là cua óp,ít gạch;nàng thâm môi là nàng có dấu hiệu bệnh lý gì đó nên chàng phải cẩn thận chứ làm gì có chuyện chê nàng không đỏ môi  v.v…
 
 
Trên FB cá nhân,ông Chu Mộng Long có ý kiến :“Tôi dám chắc không có từ điển nào một cá nhân tự hoàn thành.Các từ điển dù đứng tên một cá nhân vẫn luôn có sự kế thừa,phát triển từ nhiều nguồn để đi dần đến sự hoàn chỉnh trong tính tương đối của nó.Cụ Lân lại không làm thế.Gần như các từ điển của cụ đều là sản phẩm đoán mò và suy diễn một cách chủ quan,vô căn cứ nên sai là tất yếu.Căn cứ tốt nhất là thực tiễn sống động của ngôn ngữ và đời sống văn hóa,từ sự ghi nhận của các từ điển trước đó,nhưng cụ vẫn không làm như người ta vẫn làm”.(6)
Về phía người dùng sách - Tận tín thư, tắc bất như vô thư - Mạnh Tử ( 盡信書,則不如無書 - 孟子) -"Thà không có sách,còn hơn (có sách để đọc rồi) nhắm mắt tin sách. 
Với lòng trân quý tác giả,thú thực tôi thật ‘điếng’ người khi đọc những sai sót của từ điển do các “chuyên gia”dọn dẹp giữ vườn văn chương chữ nghĩa của dân tộc gom về chất đống.Khâu biên tập của NXB không rõ : biết hay không (?) để lọt lưới,trình làng những “hạt sạn” dưới cái vỏ đồ sộ hoành tráng của sách.
“Uy tín của người viết sai càng lớn thì cái hại càng lớn vì người ta dễ tin theo những người đã thành danh”.(An Chi)
 
      (Saigon,10/10/2017)
 
(1) Nhà Văn Hiện Đại - NXB Thăng Long,Saigon1969 - tái bản lần III – nguyên bản NXB Tân Dân Hà Nội,1942.
(2) Hồi ký Những năm tháng ấy - NXB Văn Học Hà Nội – 1987,trang 174,175)
(3) Hồi ký Nguyễn Hiến Lê - NXB Văn Học – 1993,trang 387,388).
(4) Việt-Nam Tự-điển - Hội Khai Trí Tiến Đức ,Nhà in Trung-Bắc Tân-Văn xuất bản năm 1931
(5) HÁN VIỆT TỰ ĐIỂN - Nhà in ĐUỐC TUỆ,73 Phố Richaud,HÀ NỘI xuất bản 1942 
(6) “Bộ từ điển Nguyễn Lân chỉ là đoán mò, thiếu cung khiêm và theo cách dạy bình dân học vụ”- FC Chu Mộng Long.
 
 
 
 
 
 
 
 
Phan Văn Thạnh
Số lần đọc: 2057
Ngày đăng: 25.10.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Loạt suy tư "Thức tỉnh cùng H. Béla" Bài 01: Ánh sáng từ trong tâm hồn - Nguyễn Văn Thượng
Nơi cuối cùng ba tôi đến - Lâm Bích Thủy
Trò chuyện với cây bút nữ Tiểu Nguyệt “Con đường đến với văn chương” - Mang Viên Long
Tổng quan nghệ thuật rối nước - Tuấn Giang
Dọc đường văn nghệ ( phần 20) Ông Khai Trí với tuyển thơ Tình Việt Nam và Thế giới. - Trần Dzạ Lữ
Buổi sáng đầu tiên - Sâm Thương
Cuộc đời yêu dấu - Nguyễn Đức Tùng
Giới thiệu tác phẩm (23) - Hoa vỡ - thơ của Hoàng Vũ Thuật (HVT) - Từ Sâm
Giới thiệu - tác phẩm (24) - Mùi hương của...cát - Từ Sâm
Chân dung 99 nhà văn Việt Nam đương đại - Nguyễn Khôi
Cùng một tác giả
Tự khúc cuối năm (truyện ngắn)
Đà lạt & Tôi (tạp văn)
Tản mạn với CAFE (tiểu luận)
Trôi trong mơ (truyện ngắn)