Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.114
123.141.728
 
Hội Quán Thủy Thủ
Nguyễn Lê Hồng Hưng

 

          Hồi chiều Edy và Rischar rủ tôi đi nhậu, hai đứa muốn giới thiệu tôi với vị linh mục bên In-đô mới qua thực tập trên hội quán. Khi xe bus của hội quán xuống cảng đón, trên xe thủy thủ đoàn bên chiếc Blue Sea đã ngồi chật ém. Chúng tôi lên sau phải chen mông mới ngồi lọt. Mùa hè hơn bảy giờ chiều trời vẫn còn nắng chói chang, nóng nực mồ hôi tươm như mỡ. Thấy không thoải mái, tôi nhảy xuống và kêu hai đứa đi trước, tôi thả tà tà lên sau. Đi bộ là thói quen của tôi, hơn nữa đi chơi phải thảnh thơi chớ có đâu ngồi ém như ém mắn.

 

      Lúc nhỏ ở quê nhà tôi thường đi chùa, dạo đó tôi đọc được kinh Phật và vài ba cuốn sách thiền nhưng lãnh hội chẳng được bao nhiêu. Hồi mới nhập cảnh Hòa Lan, khai lý lịch lại, trong phần tôn giáo tôi điền đạo Phật. Từ đó trở đi ai hỏi tôi theo đạo nào, tôi không ngần ngại trả lời tôi theo đạo Phật. Sau khi làm thủy thủ tôi đi đó đi đây, thường lênh đênh trên biển khong chùa chiền,  không kinh Phật. Bù lại ghé nhiều hải cảng, tôi gặp những người truyền giáo, các vị nầy có mặt khắp nơi, vừa giảng kinh vừa hướng dẫn và giúp đỡ thủy thủ những lúc gặp khó khăn. Nhờ họ mà tôi có kinh thánh, sách, báo tiếng Việt, mặc dầu sách  rao giảng về nước thiên đàng, nhưng  đã giúp tôi đỡ buồn trong những tháng ngày lênh đênh trên biển. Đọc riết rồi thắm,  đoạn nào hay tôi phải đọc đi đọc lại nhiều lần. Có lẽ vì thấy tôi nghiền ngẫm kinh thánh nên hôm nay Edy và Rischar muốn rủ tôi lên hội quán ‘đàm đạo’ với vị linh mục của tụi nó chăng.

 

     Tại tụi nó không để ý đó thôi, vì những người tôi thường gặp là những nhà truyền giáo do tổ chức của đạo Tinh Lành hoặc Thiên Chúa đưa ra. Những phòng truyền giáo (Seamen’s Mission) sinh hoạt rất lành mạnh; có thư viện chứa sách, báo và thánh kinh được dịch ra nhiều thứ tiếng. Ngoài ra còn có phòng điện thoại, phòng thể thao. Trong ba có bán bia nhưng không nặng độ. Những hải cảng lớn, có phòng ngủ dành cho thủy thủ lở chuyến tàu, hoặc trên đường về mà chưa tới chuyến bay.

      

    Còn cái Hội Quán ở Hamburg, phải chi trên bảng hiệu đừng đề thêm chữ Mission và trước sân đừng treo cờ truyền đạo thì trông đỡ chướng mắt hơn. Ở những phòng truyền giáo người ta trang hoàng căn phòng nhỏ vừa đủ để cầu nguyện, trên tường treo thánh giá, hoặc tượng chúa Jêsus vừa sạch sẽ vừa tôn nghiêm. Còn ở đây họ dành ra hết một từng lầu. Trong căn phòng rộng được chia ra nhiều ngăn, mỗi ngăn dành cho một tôn giáo; bàn thờ Phật có lư hương, chuông và treo ảnh phật Thích Ca cạnh bên tượng phật bà Quan Âm. Ngăn dành cho đạo Hồi có bục quì và chiếc bàn vừa đủ để cuốn kinh Koran khổ lớn, dầy cộm. Bên góc trong treo tượng chúa Jêsus với quyển thánh kinh lật ngữa nằm trên kệ. Ngoài ba mối đạo lớn ra, còn có hình ảnh thần thánh khắp nơi được sưu tầm treo ngăn nắp trên một bức tường. Vì ít người lai vãng nên không khí trong phòng lạnh lẽo, ẩm uớt và phảng phất mùi mốc meo, thoạt nhìn thấy giống phòng triển lãm hơn là nơi thờ phượng.

 

     Đi đây đi đó tiếp xúc với nhiều hạng người,  chứng kiến những trò đời bịp bộm. Vì  vậy đối với tôi ba cái chuyện mượn đạo tạo đời, buôn thần bán thánh không khác nào chuyện các cô gái bán dâm.  Mấy năm nay đi đi lại lại cảng nầy, cũng thường ghé hội quán, nhưng tôi chẳng thấy vị linh mục hay ông cha nhà thờ nào léo hánh tới truyền đạo. Toàn một nhóm người bày biện bán buôn. Treo cờ truyền giáo, bán rượu, bia, bán tạp hoá...và có cả phụ nữ bán dâm. Tôi không hiểu mục sư từ In-đô bay qua đây học hỏi cái ‘đạo’ gì trên đó ?

 

     Tuy nhiên phải công nhận hội quán ở cảng Hamburg sinh hoạt rộng ràng, vui vẻ hơn những phòng truyền giáo. Khi tôi bước vào, thủy thủ đông nghẹt, mùi thuốc lá, bia rượu pha lẩn mùi dầu thơm con gái ngây ngấy.  Lúc nào mấy anh Phi-luật-tân cũng rậm đám; tiệc tùng, ăn uống, nói năng ồn ào. Trên bàn của thủy thủ đoàn bên chiếc Blue Sea đầy bia, rượu và thức ăn, cạnh mỗi anh một em gái Phi-luật-tân trẻ trung môi son, má phấn ngồi ăn uống rất tận tình, có em phì phèo thuốc lá. Các em nầy đến từ hộp đêm bên kia bờ sông Elbe, sinh hoạt thường ngày của các em trong những căn phòng đèn màu hồng của khu St. Pauli. Khi nào mấy anh thủy thủ không đủ thời gian qua chơi với các em, chỉ cần một cú điện thoại, thì các em sẵn sàng tới vui với các anh vài giờ. Nhìn các anh bày tiệc tại đây, tôi cũng đoán được chiếc Blue Sea sẽ khởi hành nội trong đêm nay.

        Trong lúc tôi đứng ngó dáo dác tìm chổ nhập bọn, Edy tới đập lên vai tôi, tôi day lại, nó liền chỉ tay vô phía trong góc phòng:

         - Anh vô trong kia kìa.

     Tôi đi theo Edy tới chiếc bàn thấp trong góc, ghế ngồi là bộ sa-long bọc nhung, bia rượu đã sẵn và có mấy cô gái ngồi tiếp chuyện. Người đàn ông có gương mặt hiền hậu ngồi vắt chéo chưn, day người ra ngoài làm như không dính dáng gì trong bàn tiệc. Thấy tôi tới anh ta bỏ chưn xuống, đứng dậy bắt tay. Edy giới thiệu anh là mục sư và gả thanh niên bận đồ đen tay trái đeo đồng hồ dây mạ vàng, tay phải đeo chiếc lắc vàng và trên cổ dây chuyền cũng vàng tên Frank, trong tương lai Frank sẽ thành linh mục. Sau màn giới thiệu mục sư kéo ghế mời tôi ngồi cạnh ông. Edy ngồi ngồi xuống băng nệm cạnh Bilia, lani ngồi kế Rischar, Frank ngồi bên Erika và Erika ngồi kế tôi. Bilia và Lani người Phi Luật Tân hai người nhỏ thó, ốm tong ốm teo, Erika người Đức mập thù lù, mấy cô đóng đô trong hội quán nên tôi đã lờn mặt.

       Erika day ngang nói với tôi:

-         Từ ngày biết xếp tới nay, chưa bao giờ xếp mời tôi một ly bia.

      Nếu tôi đoán không lầm, tuổi Erika khoảng trên bốn mươi, vì cô tô lên mặt lớp phấn dầy cộm nhưng không dấu được những nét nhăn hai bên khoé mắt, môi thoa son nhưng không còn bóng mộng, răng vàng khói thuốc và nụ cười luôn héo hắt. Khi nào cần những món cần thiết tôi nhờ cô mua dùm, hoặc nhờ láy xe đưa ra phố, được cái lúc nào cô cũng sẵn lòng. Kể ra tôi cũng không công bằng với Erika lắm. Trước kia cô có rủ tôi về nhà ngủ miễn phí, nhưng nghĩ tới cảnh tối nằm ôm cái đống thịt bủng xì bủng xịt, nặng gần cả tạ của cô ta, tức thì cái thằng đàn ông của tôi nó thụt mất tiêu như rùa rút cổ. Thật ra không phải tôi keo kiệt đến đổi không dám mời cô một ly rượu, ăn vài cây xúc xít. Ngặt một điều, cách mời của thủy thủ khác hơn những người thường. Mỗi khi nhập bọn mạnh thằng nào nấy mua bia, rượu để đống lên bàn, mỗi người tự lấy bia khui rồi giơ chai lên hô một tiếng, đồng lượt ngước cổ chổng chai tu. Tôi bưng chai lên:

 - Vậy thì bây giờ tôi mời cô.

        Thấy tôi cầm chai lên cụng với Erika, mấy người ngồi chung bàn cũng đưa chai lên ngang mài rồi hô lên một tiếng, ngữa cổ, chổng chai nốc bia ừng ực. Khi để ly xuống, Frank day qua hỏi tôi:

-         Anh có đạo không?

      Ngồi chỗ nầy khơi chuyện đạo tôi cảm thấy kỳ khôi, tôi nghĩ ra câu trả lời cho Frank đừng phăng vô chuyện đạo nữa:

-         Có,  tôi đạo Phật nhưng sống theo kinh thánh.

      Nghe tôi trả  phân hai, Frank không nói được thêm gì. Tôi day qua ông  mục sư , hỏi:

-         Qua đây ông thấy thế nào?

    Ông đưa ngón tay cái ra gặt gặt:

-          Tốt thôi.

-         Như vầy ông thấy tốt sao?

        -     Sao lại không?

    Tôi nghĩ ông chưa hiểu hết ý tôi, nên tôi khoa tay một vòng, lập lại câu hỏi:

       -      Truyền đạo như vầy ông thấy tốt sao?

     Mục sư chưa kịp trả lời, thì Rischar chen vô:

       -      Nếu đi tới đâu cũng Chúa không thôi, chắc thủy thủ mỗi khi thèm đàn bà phải tự giải quyết lấy.

     Nhìn cái điệu bộ của nó, ngã người vựa ra sau băng nệm, nắm nắm tay để ngang dạ bụng cong người lại làm dấu sụt vô sụt ra... Mấy cô ngồi cạnh bên cười ha hả. Tôi đương hớp bia cũng không nín được cười, làm bia tràn lên mũi sặc văng tùm lum, cái sặc của tôi làm mọi người im bặt. Bây giờ  Frank mới nói:

-         Nếu mầy thủ dâm thượng đế sẽ giết mầy.

     Cái ông con chưa thành mục sư, mở miệng ra là muốn truyền đạo. Tự dưng Erika day qua tôi, cô đưa tay ra dấu cứa ngang cần cổ, nói:

-         Vậy thì thượng đế sẽ giết xếp trước.

-         Tại sao? Tôi hỏi:

-          Hồi biết xếp tới giờ tôi chưa thấy xếp đi với ai hết. Nếu xếp không thủ dâm thì

 xếp sẽ làm gì mỗi khi thèm đàn bà ?

     Không đợi tôi trả lời, cô ta chộp tay vô giữa háng tôi bóp mạnh một cái, may nhờ cái quần Jean dầy ngăn cản bàn tay thô bạo cô ta, bằng không tôi bị dập dái như chơi. Ông mục sư ngồi ngó cái bầy chiên con của chúa cử chỉ lố lăng, thô bạo, nói năng tục tằng. Nhìn qua tôi, ông lắc đầu mĩm cười... hết ý!

 

    Năm nay Âu châu tranh giải bóng đá. Bên phòng thể thao ghế xắp hàng ngang giống như rạp hát. Đặt biệt có gắn máy thu hình,  màn ảnh được phóng đại chiếu lên chiếm gần hết bức tường. Những người ham mộ đá banh không thể bỏ qua, tới giờ họ ùa sang phòng bên theo giỏi trận đấu. Những người không khoái đá banh thì rút vô phòng coi phim con heo. Trong ba bây giờ lèo tèo vài mống ngồi trên hàng ghế cao cẳng trước quày rượu, vừa uống vừa trò chuyện với cô gái ốm nhôm ốm nhách đứng trong quày.

     Bàn chúng tôi cũng kéo nhau coi đá banh,  còn tôi với ông linh mục ngồi lại. Chúng tôi vừa uống rượu vừa trò chuyện. Mục sư cho tôi biết, ông sẽ qua hội quán bên Anh thực tập vào tuần tới, sau đó ông về In đô mở một hội quán ở Jakarta và một ở Batam đúng theo tiêu chuẩn Âu châu.

    Nghe những dự tính của ông, tôi không thắc mắc  nữa, mục sư cũng phải làm kinh tế mới có tiền nuôi vợ, nuôi con chớ. Tôi hỏi sang câu chuyện:

-         Ông mở hội quán như vầy không bị chánh quyền In-Đô cấm sao?

        -    Không,  không ai cấm hết, mình làm, mình đóng thuế đàng hoàng thôi.  

     Câu chuyện được chuyển sang tình hình xã hội ở In Đô. Chuyện Hồi giáo chơi xỏ đạo Tinh Lành; chuyện chánh quyền phần đông là Hồi Giáo, chuyện dân chúng In-Đô sống trong cảnh nghèo đói và chuyện tham nhũng, hối lộ khắp nơi....

 

      Không khí trở nên náo động khi hai đội banh đá hết hiệp đầu. Bà con ùa ra, người mua bia, người đi toilet... Trong khi chờ trận đấu tiếp tục, họ xôn xao bàn tán chuyện đá banh. Có nhóm đánh cuộc, phe nào thua phải trả tiền bia, rượu. Còn thủy thủ đoàn bên chiếc Blue Sea sắp sửa khởi hành, các anh tụ ra bãi đậu xe. Sau khi anh tài xế hối thúc liên hồi mỗi anh ôm mỗi em  hôn vội hôn vàng hôn tới tấp rồi mới chịu buôn ra. Cuộc chia tay vui như đốt pháo, khi  xe lăng bánh tiếng hô rân giả từ và cả chục cánh tay đưa ra vẫy vẫy.

 

     Trận banh kết thúc đã gần mười một giờ, đúng ra mười một giờ hội quán đóng cửa. Nhưng những hôm có đá banh họ mở cửa trể hơn thường ngày. Những đám đông lúc nào cũng vậy, khi sắp kết cuộc người ta bắt đầu rời rạc, kẽ lo mua sắm, người lo điện thoại...

 

     Tôi trong toilet đi ra định tới từ giả bạn bè về tàu. Chợt thấy Frank đứng trước máy bán condom tự động treo trên tường cạnh chậu rửa tay, anh rút một hơi ba bao. Thấy tôi ra anh lắc lắc cái đầu cười gượng, nói:        

-         Mấy đứa trong nầy dơ lắm, phải cẩn thận mới yên tâm.

-         Dĩ nhiên rồi.

      Frank đem condom phát cho Edy và Rischar mỗi thằng một gói, còn một gói anh nhét túi quần. Nhìn Frank tôi nghĩ tới một điều này này, trong tương lai, thủy thủ tàu buôn ghé cảng Jakarta và Batam, lên hội quán sẽ thấy những mục sư được đào tạo bên Âu châu về  nước vừa giảng đạo vừa bán bia, bán  rượu và bán... condom.

 

      Đêm vui chơi trên hội quán coi như tàn. Bilia và lani đêm nay chộp được Edy và Rischar, nên hai cô lẹ làng đứng dậy điện thoại gọi tắc xi. Erika biết phận ế ẩm của mình, cô đứng dậy dọn dẹp ly tách trên bàn. Tôi bắt tay từ giả ông mục sư và Frank rồi quay gót. Khi tôi bước ra cửa, xuyên qua ánh đèn trước sân, nước trên trời trúc xuống rào rào làm ướt đẩm cỏ cây hoa lá. Bổng nhiên trời mưa dầm dề như vầy thì làm sao tôi thả bộ xuống tàu được. Đành quay trở vô nhờ xe bus của hội quán, nhưng phải chờ vì chưa có chuyến xe.

     

        Trong khi chờ đợi tôi kêu một ly bia và leo lên ngồi trên chiếc ghế cao cẳng trước quầy rượu.  Nhân viên hội quán tắt hết đèn các phòng bên ngoài, chỉ trong ba còn đèn sáng. Ông mục sư theo những người hết phận sự ra xe về trước. Mấy cô gái Phi-luật-tân của các anh bên chiếc Blue Sea để lại vẫn còn ngồi tụm nhau bên chiếc bàn tròn, các cô nói cười dòn tan.  Ngót hơn hai chục năm qua tôi thường tiếp xúc với dân Phi-luật-tân.  Nhưng tôi không hiểu bằng cách nào mà các cô gái nầy có mặt khắp nơi trên thế giới. Đi tới đâu tôi cũng thấy hộp đêm của Phi-luật-tân. Lúc ra ngoài làm ăn các cô đi từng nhóm. Trai thủy thủ, gái giang hồ quấn quít với nhau mỗi khi găp mặt, cùng chia sẻ vui buồn và thụ hưởng những gì hiện có.

    Trên bước lãng du, đôi khi tôi cũng có gặp vài cô gái Việt Nam làm trong những hộp đêm của người ngoại quốc. Nhưng khi tiếp chuyện, biết tôi là người đồng hương, các cô liền lánh đi đâu mất. Tôi không nghĩ các cô khi dể tôi  không đủ tiền bao. Có lẽ vì tự ái dân tộc, nên gặp đồng hương các cô mặc cảm không dám hết mình với nghề nghiệp. Giữa thời buổi các thầy tu còn phải tìm đủ mọi cách moi tiền bá tánh. Trong khi đó các cô bán thân  mình cho thiên hạ mua vui, thì lại sợ mang tai mang tiếng, làm ô danh nòi giống. Chụp giựt như mấy cô gái Phi luật tân kia có khi còn phải đói meo. Huống hồ các cô, mần ăn cái kiểu đó thì làm sao mà khá nổi. 

           - Chào ông!

       Tôi day qua thấy người con gái Phi-luật-tân, tôi chào lại. Sẵn trớn cô ta bắt chuyện hỏi tôi là người nước nào. Tôi nói tôi người Viêt Nam. Cô chìa tay ra bắt và chỉ tay lên bắp tay nói Việt Nam và Phi-luật-tân giống nhau, ý cô ta nói màu da của tôi và cô giống nhau. Bây giờ tôi mới nhìn thẳng cô gái, mặt tròn trịa, hai má bầu bĩnh, đánh phớt lớp phấn mỏng màu hồng, môi son màu tim tím. Cô bận chiếc áo thung màu trắng cổ rộng, áo choàng cũng màu trắng và chiếc váy màu đen. Khi cô cười khoe hàm răng đều như hột bắp, trông duyên dáng quá chừng. Tôi chưa kịp mở lời tán tỉnh, cô ta đã cất tiếng hỏi tôi:

-         Đêm nay ông đi với em. Ok.?

      Cô vừa hỏi vừa giơ hai tay câu cổ tôi ghì mạnh, ưỡn lên cho phần trên cặp ngực phồng ra cổ áo, mùi dầu thơm ngào ngạt làm lòng tôi rạo rực. Tôi giơ tay bợ chiếc vú tròn, mềm mại và nắm vừa bàn tay. Hai tay cô gái vẫn bấu cổ, hai mắt tự tin nhìn thẳng mặt tôi, chờ câu trả lời.

 

      Chậc! Mới hồi chiều trời trong vắt, chín mười giờ nắng vẫn còn vàng và đường đi khô ráo, không có dấu hiệu chuyển mưa. Đợi tôi sắp sửa ra về thì mưa như trúc nước, làm tôi phải trở vô hội quán. Rồi chợt nhiên xuất hiện một cô gái đẹp như thiên thần tới câu tôi cứng ngắc như vầy.  Quả thật, nếu mọi chuyện trên cõi đời nầy đều do bàn tay của thượng đế sắp đặt, thì tôi cũng sẵn sàng chịu theo sự sắp xếp Ngài.

Nguyễn Lê Hồng Hưng
Số lần đọc: 3532
Ngày đăng: 25.08.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đồng sàng dị mộng - Đổ Thị Hồng Vân
Cát trắng - Trầm Hương
Cô Tễnh ở Lục Đầu Giang - Nguyễn Văn Hoa
Nhân cách đói - Trọng Huân
Về một sự thật - Trần Văn Bạn
Không nói nữa - Phan Tử Nho
Những viên gạch nhà Văn miếu - Dương Ðình Hùng
Định mệnh trong ngôi nhà xưa . - Dương Ðình Hùng
Mùi Tôm Bạc Đất - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Người Thầy của những tuyên ngôn - Đặng Thân
Cùng một tác giả
Trên một dòng sông (truyện ngắn)
Mùi Tôm Bạc Đất (truyện ngắn)
Hội Quán Thủy Thủ (truyện ngắn)
Mùa cá đường hội (truyện ngắn)
Giáng Sinh Trắng (truyện ngắn)
Chuyến Ðò Tốc Hành (truyện ngắn)
Tâm Bịnh (truyện ngắn)
Anh cũng sẽ về (truyện ngắn)
Trên Bến Grega (truyện ngắn)
Thư Không Viết (truyện ngắn)
Chiều Lên Hội Quán (truyện ngắn)
Đêm bảo Tuyết (truyện ngắn)
Kỷ Niệm Sông Elbe (truyện ngắn)
Cháo Chuột (truyện ngắn)
Trên Một Chuyến Tàu (truyện ngắn)
Sáng nắng chiều mưa (truyện ngắn)
Bốn Biển Là Nhà (truyện ngắn)
Gái Nga Gốc Việt (truyện ngắn)
Hết Mê (truyện ngắn)
Thủ Đô Helsinki (tiểu luận)
Đêm Thánh Nữ Lucy (truyện ngắn)
Chôn đi quá khứ (truyện ngắn)
Con chim bay lạc (truyện ngắn)
Thuyền Nhân (truyện ngắn)
Miền Kinh Rạch (truyện ngắn)
Thủy thủ về nhà (truyện ngắn)
Thời lưới gộc (truyện ngắn)
Thủy thủ ăn chơi (truyện ngắn)
Chuyến đi cuối cùng (truyện ngắn)