Họa sĩ Hoàng Như Thủy An
Tôi gặp Bứa vào năm 1983 ở Đà-Lạt. Thủa ấy bạn bè nói rằng “ Bứa là người sống lập dị “, theo ý nghĩa “ lập dị “ của những người làm văn chương chưa tới muốn thể hiện với cuộc đời trước 1975.
Bứa và tôi có những ngày tháng cảm xúc bên ly cà-phê buổi sáng huyền mộng ở Đà-Lạt hoặc những ngày lên “ Đồi Cù “ mang theo thức ăn và rượu cùng Huy, Nhơn [đã chết] rong rêu hoang dã, nhìn những đồi thông cao vút. . .nhìn hồ Xuân Hương ngọc ngà cùng trăm hoa đua nở của xứ sở anh đào mà mơ về “cái đẹp”.
Bứa sống thật với bản chất không hề lập dị bao giờ. . .có khi Bứa để tóc dài đến quá vai, đi đứng như người vượn, có khi hớt cua tóc chỉ còn năm ba phân, có khi trọc lóc như thầy tu thỏng tay vào chợ. Thủa ấy Bứa làm thơ chưa đùa chơi với màu sắc. Thơ Bứa có những cung đàn như thế nầy :
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
con đường tráng lệ
chìm qua đêm bóng đổ
ngàn lẻ một đêm kỳ tích
mưa rắc hoa phủ kín chân trời
có lá cỏ nào trong tôi
vừa xanh xao bên vệ đường
có trẻ thơ tôi ngồi ưu tư mệt nhọc
có trẻ thơ tôi ngồi khóc
mưa mất hút chân trời.
[ Những chân trời trẻ thơ tôi]
Năm 1985 sau hồi về cố hương [Huế] vài tháng tôi lại lên Đà-Lạt ở trong nhà vợ chồng nhạc sĩ Phan-Bá-Chức. Thủa ấy áo cơm gạo tiền là việc lớn, thủa ấy Bứa từ Tùng-Nghĩa, Đức-Trọng đã đổi lên dạy môn văn ở trường trung học Quang-Trung, Đà-Lạt, Bứa thường chia xẻ với tôi từng phiếu cơm ở nhà hàng “ Mộng Đẹp” trước chợ Đà-Lạt. Một buổi trưa “Minou” con gái đầu lòng của Chức và Lĩnh đi học về mới bỏ cặp đã nói :” Ba ơi!Ba! Thầy Bứa chi lạ. . .” Chức hỏi con : “ Thầy Bứa lạ sao con ?” “Thầy mới vô lớp chưa dạy chi cả, tự nhiên thầy đấm ngực nói: Thầy một vợ một con, rồi thầy ôm mặt khóc.”
Cái điên chân thật của Bứa là thế đó nên bạn bè sống trong vòng quy ước của thời thế có gặp Bứa thì cũng chào hỏi cho qua. Vợ phụ bạc, con nuôi không nổi phải gởi gắm nơi nầy nơi kia, Bứa cô độc và gởi lòng vào thơ.
Hoàng Như Bứa sinh năm 1948 tại làng Thủy-An, Phú-Lộc, TT-Huế, nằm dưới chân núi Bạch-Mã, hồn thơ có tự bẩm sinh, hội họa thì tự học, không trường lớp, tốt nghiệp trường cao đẳng Nông-Lâm-Súc – Sài-Gòn, lên Đà-Lạt dạy văn và toán từ năm 1971, làm thơ và vẽ Bứa lấy bút hiệu là Hoàng-Như Thủy-An.
Ban giám hiệu trường trung học Quang-Trung về sau phân công cho thầy Hoàng-Như-Bứa chuyên lo trang trí, viết vẽ hình ảnh khẩu hiệu để làm đẹp cho trường, đồng thời cho thầy Bứa khoảng góc dưới chân cầu thang đủ cho thầy lót ván ngủ nghỉ bốn mùa sương lạnh Đà-Lạt. Thủa ấy Bứa chỉ vẽ bằng màu nước trên giấy croquis như là bước khởi đầu khám phá hội họa.
Năm 1987 tôi lại về Huế. Hè năm ấy Bứa ở Đà-Lạt về thăm mẹ rủ tôi về Phú-Lộc chơi. Mẹ Bứa thương lo cho con hết mực, Bứa nói với mẹ vài câu nhỏ nhẹ thôi, tôi biết Bứa khóc trong lòng vì không nuôi được mẹ lúc tuổi già sức yếu. Bứa gởi chữ hiếu vào thơ :
Con trở về thăm mẹ mẹ ơi !
Bao nhiêu buồn vui mong mẹ hiểu
bông hoa phượng còn mùa trăng tím
con trở về có một đóa trăng vui
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Mẹ đưa con qua cầu cây phượng
con qua cầu chẳng thấy mẹ đâu
mẹ lặn lội tìm con trong giấc mộng
giấc mộng tàn lối cũ đêm thâu
.. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Con trở về mái nhà xưa thế đấy
mẹ ôm con ấp ủ tháng ngày
cha tôi mất ngày tôi ba tuổi
tuổi thơ con sao thấy dại khờ.
[Thư gởi mẹ]
Cuối năm 1987 khi hội Văn-Học Nghệ-Thuật – Đà-Lạt thành lập, thầy Bứa đã xin chuyển về hội. Ngày ấy nhà thơ Bùi-Minh-Quốc quyết tâm ra tạp chí “ Lang Biang “, biết Bứa là người tài hoa cả về thơ lẫn hội họa nên ông giao cho Bứa trình bày tạp chí. Bứa hứng khởi tưởng rằng đã có đất dụng võ nên để hết tâm huyết phục vụ nghệ thuật. Tạp chí “ Lang Biang “ thu hút độc giả khắp nơi như tiếng chuông vang vọng từ “ phố núi cao, phố núi đầy sương “. Nhưng than ôi ! Tạp chí mệnh yểu, chỉ ra được ba số rồi tắt tiếng cũng như số phận người khai sinh ra tạp chí.
Hội VHNT/Đà-Lạt ngưng hoạt động, Bứa không còn việc để làm, tháng năm ấy thi sĩ lang thang đói đói no no với Đà-Lạt mộng mơ. Bứa làm thơ, Bứa vẽ đến hồi tranh của Hoàng-Như Thủy-An không còn vẽ trên croquis nữa mà vẽ trên toile với sơn dầu, màu sắc trong tranh huyền hoặc với gam xanh, lục nhạt, hồng hạc, vàng trăng. . .làm mát lòng người xem, và ngày ấy Bứa làm thơ :
Ngày ấy
tôi đi về đâu ?
Tôi cõng trên vai chữ nghĩa phù phiếm
tôi nhảy nhót như một tên hề giữa chợ
tôi có hai con mắt mù lòa
Ngày ấy – tôi đi
là một gã trời đánh
tôi khinh bỉ tôi
tôi khinh bỉ nước mắt
nhỏ xuống trái tim tôi.
[Bài hát cho tôi]
Năm 2000 ngàn khi tôi ở Sài-Gòn thì Bứa về báo tin : “ mình sắp cưới vợ “. Tôi hoảng, Bứa tứ cố vô thân, bà con ruột thịt không có, tiền bạc cũng không . . .nhưng rồi những người bạn chân tình cùng chung lòng nên đám cưới của Hoàng-Như-Bứa và Nguyễn Phương-Dung được tổ chức hoành tráng ở nhà hàng Đất Phương Nam – Phú-Nhuận. Bà con nhà gái đều vui vì có chàng rễ chân thật hết biết.
Phúc lành đến với Bứa khi lấy Phương-Dung. Người vợ lo cho chồng hết dạ. Sau ngày cưới, chị Dung mua một căn nhà ở đường Nguyễn-Văn-Lượng – Gò-Vấp để Bứa ở nhưng sống được ba tháng Bứa than với vợ : “ Sài-Gòn nóng quá không vẽ được “, thế là Phương-Dung vội vã lên Đà-Lạt mua căn nhà ở 41 – Đào-Duy-Từ, nơi hiện nay là Gallery của họa sĩ Hoàng-Như Thủy-An.
Sau ngày tạp chí “ Lang Biang “ chết yểu, Bứa tiếp tục thất nghiệp ở hội VHNT/ĐL thêm năm năm nữa, nhưng rồi chán cái cảnh tranh giành đấu đá nên Bứa xin ra khỏi hội về hưu non. Sống bên người vợ chăm lo cho chồng rất mực, cuộc đời Bứa mới biết thanh thản là gì và toàn tâm toàn ý cùng thi ca – hội họa cho đến năm 2012. . .
Vào một buổi chiều, thi-sĩ – họa-sĩ Hoàng-Như Thủy-An dạo quanh bờ hồ Xuân-Hương, nhớ về quá khứ, tưởng đến tương lai, chàng thi-sĩ của xứ sở hoa anh đào bỗng thấy những hàng thông quay cuồng, rồi chàng gục ngã bên bờ hồ - đột quỵ. . .
Từ đó Bứa tuyệt vọng, khi cọ vẽ, màu sắc từ biệt Bứa. Một đêm Bứa than với Thân-Đình-Châu từ Australia về thăm vào năm 2013 : “ cánh tay phải của mình bây giờ mình nói nó không nghe nữa “ và Bứa khóc.
Đầu tháng 7/2017 tôi lên Đà-Lạt, đứng trước nhà 41 – Đào-Duy-Từ tôi gọi : “ Bứa ơi ! Bứa “. Nghe âm thanh tôi biết Bứa đang “ cà giựt, cà giựt “ cái chân phải đi ra mở cửa. Bứa vẫn hồn nhiên, cười ha hả khi thấy tôi lâu quá mới mò lên Đà-Lạt. Chân trái và tay trái mọi động tác đều bình thường nên Bứa đã phục sinh đam mê hội họa sau thời gian kỳ khổ công luyện tập.
Thiếu nữ 2- Vẽ bằng tay trái sau tai biến
Trong cuộc triễn lãm đầu năm 2017, trên hai mươi bức tranh vẽ bằng tay trái đã được trưng bày. Diễn từ khai mạc phòng tranh Bứa nói : “ . . .người nghệ sĩ không có cách nào khác hơn là sự chân thật, chân thật trong tác phẩm, chân thật trong đời sống. Chuyện áo cơm đôi khi làm người ta dối trá. Như thế người nghệ sĩ phải có bản lĩnh vượt lên. . . “.
Bé và ngựa - Vẽ bằng tay trái sau tai biến
Lạ thật những tác phẩm sau thời tuyệt vọng, màu sắc, ý tưởng lại huyền ảo hơn những tác phẩm vẽ bằng tay phải ngày trước. Đó là sự bí ẩn của khát vọng sáng tạo khi họa sĩ bị liệt mất hết nửa người.
Trường hợp của Hoàng-Như Thủy-An làm tôi liên tưởng đến Alexandre Grin, nhà văn Xô-Viết, sống trong tận đáy thời Staline mà ông đã để lại tác phẩm “ Cánh Buồm Đỏ thắm “ đẹp như bài ca muôn thủa của ước mơ, hoặc như danh họa Van-Gogh mà văn hào André Malreaux đã viết về bức tranh “ Cánh Đồng Lúa Rợp Trời Bóng Quạ “ [Champ de blé aux corbeaux] : “những đường bút dữ dội hướng về chân trời Auvers với khát vọng cuồn cuộn, không phải bị lôi cuốn vì cơn điên mà là tiếng kêu thương thống thiết phát ra từ khúc bi tráng từ những cơn đau, quằn quại mà họa sĩ đã trút ra từ cuồng điên “cốt tủy”
Bứa hiện tồn ngày và đêm bên chị Phương-Dung, người vợ lấy niềm vui lo cho chồng bệnh tật là chính. Và cả hai đều hân hoan mỗi khi Bứa cầm cọ để vẽ một tác phẩm mới hoặc cảm hứng làm bài thơ mới. Đó là niềm hạnh phúc trong suối nguồn sáng tạo.
“ Có những con đường tôi đi mệt mỏi. Có những con đường tôi đi không mệt mỏi.”
“ có những đêm rất dài. Có những đêm rất ngắn”
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . ..
“tôi trở về nằm dài trên cỏ. Tôi bắt gặp mặt trời kia soi rọi khuôn mặt em như tấm gương reo trong gió.
, . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
“cuối cùng thì tôi cũng trở về bên em để tìm cho mình chút nắng – tôi không sợ gió nhưng tôi cũng khộng sợ mọi điều cám dỗ”
[Ngày và Đêm]
Huế, tháng 10/2017
.