(Tập thơ của Nguyên Vi, Hội VHNT Ninh Thuận, 2011)
-------------------------------------------------------------------
Sau Nỗi chiều Kinh Kha (NXB Thanh Niên, 2003) , đây là tập thơ thứ hai của nhà thơ Nguyên Vi (Nguyễn Văn Hùng). Hơn ba thập kỉ “hái lượm thơ”, gom góp, sửa chữa, trình bày nắn nót, cẩn trọng hàng nghìn bài, vậy mà nghe đâu, tác giả mới chỉ “trình làng” khoảng hơn 1/10 những thi phẩm từ “kho thơ” của mình. Đúng là ‘mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”; có nhà thơ in tác phẩm sòn sòn, lại có nhà thơ thích “show” nhẩn nha 10 năm/1 tập, cũng có thi sĩ xem thơ như “của quí để dành” sống để dạ chết mang theo…, “đời thế mà vui”!
Thoạt nhìn ngoại hình hai ‘đứa con tinh thần” của Nguyên Vi, Nỗi chiều Kinh Kha (NCKK) và Nguyên Vi đêm hoàng lệ (NVĐHL), thấy cả hai giống như anh em sinh đôi. Nhìn kĩ mới rõ “đại đồng tiểu dị”. Có lẽ, người cha thi sĩ mong muốn con mình đi đâu, về đâu người ta cũng dễ, cũng nhanh nhận ra khuôn mặt riêng tư của nó. Có điều, khuôn mặt của tác phẩm thi ca và đi kèm là cá tính sáng tạo của nhà thơ còn toát lên từ đề tài, thể loại, cấu tứ, ngôn ngữ, giọng điệu…của chính nó. Theo tôi, Nguyên Vi nằm trong số ít thi sĩ, ngay từ tập thơ đầu tiên, đã bỏ nhiều tâm lực, bút lực nghiền ngẫm, thể hiện cái tôi sáng tạo/thi sĩ của mình. Bạn hãy cùng tôi đọc lại những bài từ tập Nỗi chiều Kinh Kha như Xương rồng, Nhớ từ chân con sóng, Tranh, Chân dung tự họa, Thơ-nhạc, Thơ ngày được viết về đêm, Nhà thơ, Ngôn ngữ, Nửa đêm thức giấc, Hai nửa cuộc đời, Sáng tác, Lời ca…Có thể những nghiền ngẫm của anh đôi khi chưa thật sâu sắc, những thể hiện của anh lắm lúc chưa đủ để thuyết phục bạn đọc chúng ta. Tuy nhiên, nói như nhà thơ/nhà nghiên cứu Inrasara, “chỉ thái độ thơ của anh thôi cũng đủ cho kẻ yêu thơ trân trọng lắm rồi”[1]
So với NCKK, NVĐHL có những khác biệt căn bản về mặt thế giới nghệ thuật [2]. Nếu như NCKK mở ra với nhiều đề tài, hướng nội cũng như hướng ngoại, của cái tôi trữ tình Nguyên Vi thì NVĐHL chủ yếu thu về cùng đề tài “trăng”. Đây là một thế giới đầy trăng, đẫm trăng bởi “NVĐHL là sản phẩm nghệ thuật của trăng”[3]. Những bài thơ trăng “không ngày không tháng không năm” vì từ lâu trăng đã hiện hữu trong anh, anh đã là “một phần đời của trăng” thuở “ngày thơ” cho “đến bây giờ”. Vậy là, với thi tập thứ hai, thi đề trong thơ Nguyên Vi đã qui về một mối, những bài thơ của anh tự nhiên liền mạch, nhất quán trong suốt cả tập, điều này đánh dấu một bước phát triển mới trong tư duy nghệ thuật thơ Nguyên Vi.
Nhận thức, suy ngẫm về mối quan hệ hữu cơ gắn bó giữa cái tôi sáng tạo/thi sĩ của nhà thơ và thế giới nghệ thuật trong tập thơ thứ hai của anh, chúng ta sẽ hiểu vì sao tác giả lại đặt cho đứa con tinh thần của mình một cái tên độc đáo, kì lạ đến thế: Nguyên Vi đêm hoàng lệ.
Với thế giới NVĐHL, nhà thơ buộc phải huy động tối đa trí tưởng tượng mãnh liệt, đa dạng của mình để thưởng lãm, miêu tả, biểu cảm, thức nhận về trăng. Có thế anh mới tránh được mối nguy cơ lặp lại, người khác và cả chính mình, về từ ngữ, cấu tứ, giọng điệu, hình ảnh…bao giờ cũng luôn lửng lơ trước mắt. Trăng vốn là hình ảnh của thiên nhiên có nhiều duyên nợ cùng bao thi nhân, thi sĩ xưa nay. Vào thơ, trăng trở thành điểm nhìn không gian, điểm nhìn nghệ thuật. Nguyên Vi nhìn trăng tưởng tượng, liên tưởng vô vàn hình ảnh khác. Do vậy, bên cạnh những hình ảnh quen: mảnh trăng, ánh trăng, gương trăng, trăng hạ huyền, trăng rằm, trăng non, trăng thượng tuần, trăng già, trăng tà, trăng mười sáu, trăng thanh, trăng tròn…, NVĐHL có cả một hệ thống hình ảnh lạ lùng về trăng: lưới trăng, liềm trăng, miếng trăng, mồi trăng, suối trăng, lòng trăng, thuyền trăng, mắt trăng, hạt trăng, nguyệt khúc, sóng trăng, trăng mùa hiện sinh, sợi trăng già, trăng cong mày liễu, vành trăng, trăng chìm cát mọng …làm phong phú, tinh tế thêm cái nhìn của chúng ta về hình ảnh rất quen và rất xưa của chị hằng .
Những hình ảnh về trăng vừa quen vừa lạ, vừa cũ vừa mới trên được xây dựng, hình thành theo một thi pháp riêng, tạm gọi là thi pháp thơ Nguyên Vi. Nhìn chung, tác giả thường cấu trúc hình ảnh theo hai kiểu sau: 1) Dùng lại hình ảnh cũ song đưa ra cách sắp xếp mới nhằm tạo ra những tầng nghĩa mới. Chẳng hạn những hình ảnh “mảnh trăng” (Trăng khuyết, Viết giữa mùa trăng), “nguyên tiêu” (Ánh trăng), “gương trăng” (Trăng phai), “trăng sương” (Cỏ rối trăng sương), “trăng tà” (Đường xưa), “trăng non” (Khuyết, Đêm Cà Ná), “nguyệt thực” (Những mùa trăng cũ), “trăng già” (Cánh cò đêm trăng, Góc nhìn), “trái trăng” (Nhắn bác Hàn), “trăng mười sáu” (Tranh trăng)…2) Xây dựng những ẩn dụ về trăng, đồng thời đặt chúng vào cấu tứ của bài thơ để tăng sự hàm súc, ám gợi của thi phẩm: Lưới trăng, Liềm trăng, Trăng phai, Miếng trăng, Ký ức trăng, Khuyết, Đêm thức, Sóng trăng, Viết giữa mùa trăng, Cánh cò đêm trăng, Nhắn bác Hàn, Không đề với trăng, Đường trăng, Tranh trăng, Bài thơ cho nón bài thơ, Một góc đêm, Cỏ đợi, Lối nhớ…Những tên bài minh họa thỉnh thoảng trùng nhau cho thấy ranh giới giữa hai kiểu cấu trúc không phải bao giờ cũng thật sự rạch ròi. Tùy theo góc nhìn để mà nhận ra từng kiểu cấu trúc và sự phối kết giữa chúng. Những bài thơ của NVĐHL, do vậy, chỉ có thể đọc chậm rãi, nhẩn nha, mỗi ngày một ít cốt để lắng đọng, thấm thía cấu tứ, chữ nghĩa của nó. Thơ Nguyên Vi trước giờ, theo tôi, thuộc vào loại thơ kén chọn bạn đọc. Một loại thơ chủ yếu hướng về những ai tri kỉ, tri âm…
Chân dung tự họa của Nguyên Vi (Nguyễn Văn Hùng), qua hai tập thơ, trước giờ vẫn vậy. Đó là một người đàn ông thường xuyên trầm tư mặc tưởng, một nhà thơ đau đáu, khổ công tìm tứ, chọn chữ. Nên chi, với anh thi sĩ là “người lữ hành cô đơn – Lầm lũi đi, lầm lũi khai phá” ( Nhà thơ – NCKK ); sáng tạo thi ca chính là “khỏa thân…bước vào pháp trường trắng” ( Thực phẩm của nàng thơ – NCKK ). Anh có nhiều đồng cảm, ngưỡng mộ với những tác giả nổi tiếng tìm từ, chọn chữ xưa nay như Lý Bạch, Hoàng Cầm, Hàn Mạc Tử, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Inrasara…[4]dĩ nhiên với cả Lê Đạt, tác giả tập thơ Bóng chữ mà anh từng viết:
-Xẻ chữ ra tìm bóng
Thấy mặt mình lấm tấm mồ hôi
Ấp úng lời nói ngọng.
( Lê Đạt – NCKK )
Ngay hình ảnh “pháp trường trắng” ở câu thơ trên chắc nhiều người đã nhận ra đó là một trong những từ ngữ độc đáo của “nhà phù thủy ngôn ngữ” Nguyễn Tuân khi bàn về công việc sáng tạo chữ nghĩa của nhà văn nói chung.
Bản thân tôi hết sức ấn tượng trước những lối dùng chữ tạo nghĩa của tác giả NVĐHL. Mở đầu tập thơ là bài Trăng khuyết (TK); mở đầu TK là câu thơ: “Một mảnh trăng treo cũng tròn trong tâm tưởng” thấm đẫm nghịch lí giữa thực và ảo, bên ngoài và bên trong, thiên nhiên và tâm trạng. Câu thơ “đề từ” gián tiếp ấy báo hiệu một nguyên tắc tư tưởng- nghệ thuật rồi đây sẽ bao trùm, chi phối thế - giới – trăng trong cả tác phẩm. Hình tượng trăng xuyên suốt tập thơ sẽ được nhìn từ những hồi ức, hồi tưởng, hoài niệm, ngưỡng vọng của cái tôi trữ tình Nguyên Vi. Thế nên, vốn là một hình tượng không gian, trăng trong thi tập lại thường chứa đựng cảm thức về thời gian. Dễ thấy nhất là những câu thơ trăng ám dụ thời gian bàng bạc suốt tập:
- Vói tay khỏa trăng tròn khuyết đến bây giờ ( Trăng khuyết )
- Tóc người nhận một phần đời của trăng ( Từ trăng thả bóng )
- Trăng hạ huyền thuở hẹn thề vẫn ngoan ( Trăng biển Khánh Nhơn )
- Sao không quen nhau thuở trăng rằm ( Tri âm )
- Từng đuổi theo trăng rằm trên đỉnh mộng ( Du mục )
- Suối trăng chảy qua ghềnh sương lạnh
Ùa về ký ức thuở hai mươi ( Ký ức trăng )
- Người buổi trăng tràn trải hương lên hoa ( Thuở nụ trăng sao )
- Đáy cốc sóng sánh trăng thượng tuần ( Trăng trong đêm bè bạn )
- Nhật nguyệt luân hồi nắn gầy tháp cổ ( Ngàn năm hồn đất )
- Gởi lại người tất cả mùa trăng cũ ( Những mùa trăng cũ )
- Trăng sương bàng bạc tóc râu ( Lầm lụi trăng sương )
- Trăng lu vọng thời mông muội ( Đêm Cocktail )
- Lối xưa lạc bóng trăng mười sáu ( Đường trăng )
- Lúng liếng mắt trăng mười sáu ( Tranh trăng )
- Từ em chớm biết trăng rằm ( Chớm rằm )
Riêng bài Góc nhìn cảm thức thời gian về trăng đọng thành tứ thơ giàu sức liên tưởng, biểu cảm. Cảm thức thời gian về trăng cũng sẽ chi phối ít nhiều đến cách gọi tên những bài thơ của thi sĩ Nguyên Vi: Trăng khuyết, Rằm, Từ trăng thả bóng, Đêm hoàng lệ, Ký ức trăng, Thuở nụ trăng sao, Trăng mùng một, Trăng trong đêm bè bạn, Viết giữa mùa trăng, Những mùa trăng cũ, Trăng mùa hiện sinh, Cánh cò đêm trăng, Mưa mùa trăng, Đường trăng, Chớm rằm…Mang cảm thức ấy, hình ảnh con người “thức canh” thường trở đi trở lại:
- Bù đêm thức suốt thày lay phận mình ( Đêm thức )
- Ta thức canh không ngã giá ( Trăng ngủ )
- Nằm ngồi đợi một tiếng gà còn không ( Trăng mùa hiện sinh )
- Sớm khuya giở sách đốt đèn ( Cánh cò đêm trăng )
Con người trữ tình trong thơ anh “say trăng”, “mơ trăng” nên hay có những “động tác trữ tình” cùng trăng: “khỏa trăng”, “…nhận một phần đời của trăng”, “vác mặt trời đêm địch cùng trăng sáng”, “vớt trăng”, “khạc trăng”, “khều trăng”, “soi gương trăng”, “cắn miếng hườm”- “mồi trăng”, “gởi sao, trăng”, “gởi bóng trăng tà”, “đuổi theo trăng”, “gõ buốt lòng trăng”, “gởi lòng theo nhịp võng trăng non”, “ngóng một mảnh trăng”, “thăm biển đêm trăng”, “ôm trăng ngủ”, “chải sợi trăng già”, “xúc vác đầy trăng”, “ngồi vót vành trăng”, “tắm trăng tung tóe”…Còn trăng thì “rung hương rụng vướng đôi đầu tóc xanh”, “viền đăng- ten cho lá - dát bạc cho hoa”, “rủ rê giấy trắng mực đen hẹn thề”, “rót men suýt tràn cốc đắng”, “tẩy muộn gội phiền”, “rót sữa vàng”, “cấp cứu phần hồn”, “tưới ngọt làn da…”, “ngủ nhờ qua đêm”, “giành ngắm em hộ tôi”, “lạ cảnh tần ngần”, “phớt vàng áo người dung dăng”, “lúng liếng”, “kể bao điều mộng mị”, “cũng tìm môi má – … đắm mình trong hồ mắt đêm”, “chảy lên hoa, lăn dài trên suối tóc êm, bơi lặn trong hồ mắt em, trải thảm mọi nẻo đường làm say lòng ngòi bút thi nhân” , “chảy ròng như suối - …vướng tóc em dài”, “đông thành đá cuội – trải vàng lối nhớ về ai”…bởi trăng hiện lên trong “đôi mắt xanh non” và trái tim tinh tế, nhạy cảm, đa tình của “người thơ” Nguyên Vi!
Từ đôi mắt và trái tim của cây bút tài hoa ấy, nhiều câu thơ lay động nhân tình, lấp lánh vẻ đẹp trí tuệ; nhiều bài thơ tinh tế, gợi cảm – “nhiều trái vàng mơ đáng thưởng thức”[5] đã ra đời đến với “khách thơ”, “người thơ” gần xa. Với tập thơ thứ hai này, dường như tác giả Nguyên Vi bắt đầu có ý thức tiết chế, dồn nén ngôn từ và ý tưởng vào những cấu trúc thi phẩm ngắn gọn, hàm súc. Do vậy, so với NCKK, NVĐHL thưa hẳn những bài thơ dài nghiêng về lí lẽ và những kiểu diễn đạt cầu kì, mòn sáo. Nếu tôi nhớ không lầm thì NVĐHL chỉ có một bài thơ văn xuôi duy nhất – Trăng – và đó cũng chưa phải là một bài thơ thành công, theo tôi…•
------------------------------------------------------------
[1]: Inrasara ( Nguyên Vi – kẻ hái lượm thơ ), thay lời giới thiệu cho tập thơ NCKK, NXB TN, 2003, tr. 7.
[2]: “ Khái niệm chỉ tính chỉnh thể của sáng tác nghệ thuật (một tác phẩm, một loại hình tác phẩm, sáng tác của một tác giả, một trào lưu). TGNT nhấn mạnh rằng sáng tác nghệ thuật là một thế giới riêng, được tạo ra theo các nguyên tắc tư tưởng và nghệ thuật, khác với thế giới thực tại vật chất hay thế giới tâm lí của con người, mặc dù nó là phản ánh các thế giới ấy. TGNT có không gian riêng, thời gian riêng, có quy luật tâm lí riêng, có quan hệ xã hội riêng, quan niệm đạo đức, thang bậc giá trị riêng…chỉ xuất hiện một cách ước lệ trong sáng tác nghệ thuật.” (Từ điển thuật ngữ văn học – Chủ biên: Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi – NXB GD, 1992, tr. 201-202)
[3]: Inrasara (Tôi, sau Nguyên Vi Đêm Hoàng Lệ và trăng), thay lời giới thiệu cho tập thơ NVĐHL, HỘI VHNT Ninh Thuận, 2011, tr. 5.
[4]: Những tác giả mà nhà thơ Nguyên Vi đề cập trong nhiều bài thơ của cả hai tập NCKK và NVĐHL.
[5]: Bài đã dẫn của Inrasara từ tập thơ NCKK tr. 7.