Từ xưa đến nay, trong văn học, hình ảnh nhân vật nữ luôn mãi là nguồn sáng tạo của biết bao tác giả. Có thể, đó là những công chúa, những nàng tiên bị đọa đày trong truyện cổ; có thể đó là những Thúy Kiều, Nguyệt Nga, những Anna Karenina, Juliet…; có thể đó là chị Dậu, Thị Nở, Thị Mịch, là những phụ nữ trong “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ”. Mỗi nhân vật thể hiện được phong cách riêng của từng người viết. Và cũng thế, hình ảnh nhân vật nữ trong tập truyện “Những cuộc hẹn bên lề” (NCHBL) - Nxb Hội Nhà Văn, 2017 - hiện lên với nét riêng mang đậm cách viết của Trần Trung Sáng.
Trước tiên là hình ảnh những nhân vật nữ rất dịu dàng, nhân hậu hiện lên trong từng trang sách. Đó là Quỳnh trong “Ga nhỏ”, là “đứa con gái bé bỏng, xinh xắn… mà rất lễ phép (từ đầu đã gọi chúng tôi bằng “anh”. Xưng “em”) vẫn thường ngày đến vui đùa với hai anh em tôi bên dòng suối” (trang 27). Đó là Hoành với thân phận dì ghẻ, là bé Hai - con riêng của chồng đã cho người đọc cảm nhận được cái tình ấm áp của hai dì cháu. Không còn cái cảnh “Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”. Thử đọc lại phần cuối truyện ngắn “Dì ghẻ” để thấy chỉ có tình thương yêu, lòng nhân hậu mới tạo hạnh phúc của mọi thành viên trong gia đình:
Phố đã về chiều. Dưới ánh nắng hoàng hôn, trong tiếng nhạc xập xình, tiếng cười nói xôn xao, giọng cô bạn của bé Hai vẫn vang lên rang rảng:
- Dì ơi, mai mốt bé Hai đậu Đại học dì thưởng chi không?
- Ừ, dĩ nhiên là có thưởng…
Tự nhiên, lần đầu tiên lòng Hoành cảm thấy lâng lâng, nhận ra hai tiếng “dì ghẻ” nghe cũng ngộ ngộ, ấm áp, vui vui, rồi buộc miệng: “Đậu đại học, bé Hai sẽ được thưởng một chuyến đi Hà Nội… Nơi đó, tuổi trẻ của dì…” (trang 71).
Đó còn là Ngọ trong truyện “Chuyện Ngọ xưa”. Mới đọc cái tên truyện, tôi cứ tưởng là có cô Ngọ dễ thương, một thời làm xao xuyến bao trái tim những cậu học trò vấn vương trong “Ngày xưa Hoàng thị…” của Phạm Thiên Thư, được Phạm Duy phổ nhạc. Nhưng rồi đọc cả truyện, một nhân vật Ngọ từ từ hiện ra. Từ một người dịu dàng, đằm thắm nhưng đầy cá tính thời con gái, một phụ nữ đầy nghị lực, nhân hậu lo cho cuộc sống gia đình khi có chồng con, đến “trong những giây phút cuối cùng, trước khi bước sang thế giới bên kia”, nhân vật Ngọ vẫn luôn nghĩ về người thân, luôn nhớ về quãng đời sống với cha mẹ nuôi, cũng như cha mẹ ruột; rồi cả cái tình yêu dành cho anh chị em ruột thịt, với chồng con, với bạn bè thân hữu và với cả ân nhân.
Còn đây là nhân vật “người vợ” trong “Chiếc nhẫn cưới”. Trong phần mở đầu truyện, người đọc hình dung được lòng bao dung, vị tha của người vợ để giữ lấy hạnh phúc gia đình: Bao năm qua, chỉ còn chiếc nhẫn này là kỷ vật duy nhất em còn giữ lại từ ngày cưới. Anh hãy đeo nó vào ngón tay vừa nhất để sau này mỗi lần ra đường gặp ai khác… thì nhìn thấy nó mà trở về. Tôi thở phào nhẹ nhõm, khi vợ nói ra câu ấy. Vậy là cuối cùng vợ đã tha thứ cho tôi, sau những tuần lễ dài gia đình tôi đắm chìm trong những xung đột dai dẳng, khi cô ấy phát hiện ra tôi có một vụ tình cảm lăng nhăng mà cô ấy cho là “quá mức giới hạn” (trang 32). Chỉ có yêu gia đình, muốn giữ bình yên cuộc sống, người vợ mới nhân hậu như vậy. Và khi chiếc nhẫn tuột khỏi tay nhân vật tôi trong dịp đi tắm biển, người vợ “không buồn, không vui, không nhắc chuyện chiếc nhẫn”, nhưng rồi trong lần người vợ bị tai biến, bán thân tê bại, trong cơn mê cô ấy lại thầm hỏi về chiếc nhẫn cưới ngày nào. Rõ ràng sự khao khát về một tình yêu vẹn toàn, về một mái ấm gia đình vẫn sống mãi trong con người cô.
Hầu hết các nhân vật nữ trong tác phẩm NCHBL, theo tôi, quá trong sáng, quá đẹp. Chính cái phẩm giá muôn đời của người nữ làm nên vẻ sáng, vẻ đẹp của họ. Đọc truyện “Những cuộc hẹn bên lề”, tên truyện cùng tên cho cả tác phẩm, nhân vật Hồng đã vượt qua bao gian truân, lận đận trong cuộc sống gia đình, trong công việc, để rồi tuổi xuân phai tàn. Thế nhưng, ở con người này, cái sáng, cái đẹp chính là tìm lại con người thật của mình chứ không phải là những bài viết ngợi ca phù phiếm.
Và trong cuộc sống, mỗi con người thường luôn nhớ về quá khứ. Nhớ về quá khứ là nhớ những kỷ niệm. Có thể là kỷ niệm vui, cũng có thể là buồn. Nhưng hầu như kỷ niệm thời đi học, đối với bọn con trai, ai cũng nhớ và mang, nhất là yêu cái đẹp, cái sáng của bao nàng. Này là Thu Ba trong “Bức tranh thiếu nữ” để lại bao nỗi niềm cho nhân vật “tôi” và Phúc. Thu Ba vẫn như ngày nào, hiện ra qua những dòng chữ: “Đó chính là bức tranh Thu Ba đã ngồi làm mẫu cho tôi vẽ hồi mấy chục năm về trước. Cũng vẫn cô gái có gương mặt trái xoan, đôi mắt thiên thần mặc áo dài trắng ngồi trên chiếc ghế mây với chùm hoa nhỏ trên tay” (trang 92).
Còn đây là Đông Hà trong “Họp lớp”. Chính nàng đã gieo mầm tình ái cho bao chàng. Và chính điều ấy đã làm cho nhân vật tôi phải thốt lên trong sự bàng hoàng: “Tôi muốn gào lên, than khóc với đất trời: Tại sao thế giới rộng lớn, bao la là vậy, Thượng đế lại chỉ có một người con gái duy nhất cho chúng tôi?” (trang 60). Không một dòng miêu tả về nhân vật Đông Hà, nhưng lạ thay cho các chàng trai đều ao ước sau này đỗ đạt thành tài, sẽ tìm về phố cũ, tìm lại người con gái mà họ thích đã khẳng định nàng rất đẹp và trong sáng. Đẹp và trong sáng đã khiến Hiệp làm thơ tặng nàng hồi còn đi học và hình như cả đời chờ đợi nàng; ám ảnh nhân vật tôi, đến độ khi lấy vợ, tìm người có tên Hà; và kể cả nhân vật là một gã khá xa lạ trong ký ức của nhân vật tôi, tìm cách gọi Đông Hà thường xuyên bằng cách đặt tên cho con gái đầu, mang tên người con gái gã thích nhất. Ôi, hình ảnh của một thời con gái sao mà đáng yêu quá vậy!
Và trong “Thị trấn bên kia suối”, nhân vật nữ chính là Trinh. Cô bỏ thị trấn vào rừng buôn bán phục vụ những kẻ tìm, đãi vàng. Dù tiếp xúc với nhiều loại dân đãi vàng, nhưng Trinh vẫn giữ nét đẹp đáng yêu, giữ lòng trong sáng. Cô quen Trứ như là duyên nợ. Cuối truyện, dù có chút tiếc vàng trong chiếc xách bị trôi mất, nhưng qua những dòng chữ, tôi như thấy Trinh và Trứ tìm về thị trấn để sống cuộc sống mới: “Đâu đó, những tiếng gà trưa vọng lại rất gần. Đôi tình nhân tiếp tục bước đi. Qua những đồi dốc cây lá xanh tươi, họ nhận ra thấp thoáng những mái nhà thị trấn…” (trang 184).
Về mặt kết thúc truyện trong tập NCHBL, theo tôi, có nét chung trong nhiều truyện. Đó là nhân vật nữ ở cuối truyện như tan biến vào không gian, thời gian nghệ thuật. Chẳng hạn, trong “Con mèo ngái ngủ”, cô gái được đặt tên là Nga, có con mèo ngái ngủ thường kề cận bên, trong phần cuối truyện, chẳng biết cô về đâu. Cũng thế, trong “Ga nhỏ”, hình ảnh Quỳnh vẫn biệt tăm… như theo lời nhân vật tôi: “Đã mấy chục năm dài… Mỗi lần có dịp đi tàu lửa, tôi vẫn thường ghé xuống thẫn thờ ngóng mắt bên những sân ga nhỏ hẻo lánh miền Trung, với niềm tin mãnh liệt: Sẽ có lúc gặp Quỳnh, dù chỉ một lần” (trang 31). Còn đây, trong “Những cuộc hẹn bên lề”, nhân vật Hồng như mất hút ở cuối truyện. Tất cả những gì được viết bởi ngòi bút của tay viết giới thiệu về Hồng trong đại hội tổng kết phong trào thi đua trước đó như là chuyện bên lề. Tay viết giới thiệu tự hiểu là: “Sẽ không bao giờ gã còn gặp lại chị” (trang 39).
Còn trong “Bức tranh thiếu nữ”, phần cuối truyện, nhân vật tôi đã nhận ra bức tranh thiếu nữ trong một quán cà phê ở Đà Lạt, hy vọng sẽ gặp được người trong tranh – Thu Ba; nhưng nào có gặp được, chỉ có mong ước: “Tôi chỉ còn niềm hy vọng cuối cùng: bức tranh thiếu nữ mà tôi là tác giả cùng với chủ nhân của nó cũng là người trong tranh sẽ vẫn còn ở lại một nơi nào đó tại thành phố sương mù, với một tuổi trẻ vĩnh viễn chẳng thể tàn phai” (trang 93).
Và trong “Trái tim con rồng đá”, Bạch Dương, nhân vật một thời làm xao động nhân vật “tôi” (ở phần cuối truyện), bóng dáng vẫn thấy đó, nhưng sao lại như mất hút vào cái truyền thuyết tuổi mạng con rồng, mạng vua chúa cao sang: “Mùa xuân. Dọc hai lối đi trên sân vườn nhà Bạch Dương, lặng lờ từng đàn bướm muôn màu sắc. Những cánh bướm bao giờ cũng làm lòng người xao xuyến nhớ đến một thời yêu đương hò hẹn. Kề vai cùng Bạch Dương ra cổng, mấy lần tôi toan siết chặt tay nàng, nhưng nàng cứ rụt bảo:
- Không được, không được đâu anh.
Tôi hụt hẫng. Khi còn lại một mình ngoài cổng sắt cứ mãi thẫn thờ. Tự dung, nhìn theo cái dáng đi còm cõi đến xót xa của Bạch Dương đang lẩn khuất, tôi bỗng oán giận người xưa đặt ra chi cái truyền thuyết cao sang về một con vật vốn chẳng có thật, để có những kẻ ghép mình trong chiếc vỏ của nó, cách biệt, lịm chết trước cuộc đời đầy sống động bao la…” (trang 45).
Tóm lại, cách xây dựng nhân vật nữ trong NCHNL đã góp phần tạo thành công cho tác phẩm, mang dấu ấn riêng trong cách viết, đánh dấu thêm cột mốc sáng tác của nhà văn Trần Trung Sáng. Riêng tôi, cũng có chỗ tôi chưa thích cho lắm, nhưng vẫn hy vọng rằng tác phẩm sẽ mang lại nhiều ý kiến của bạn đọc, bạn viết.
Đà Nẵng, tháng 10/ 2017