Người Đọc: TIỂU NGUYỆT
Tôi được tham dự buổi ra mắt tập thơ Phù Sa của anh Lê Phương Nguyên trong dịp về thăm quê ở Tuy Hòa. Tôi rất vui và biết được rằng, mình có duyên may được gặp gỡ quý thân hữu, bạn văn của anh, cùng quý Thầy trường Trung học Bồ Đề HX và các bạn học cũ của tôi buổi sáng hôm ấy, trong sân chùa Phi Lai Hòa Thịnh - Phú Yên.
Anh Lê Phương Nguyên đã ghi tặng tôi tập thơ Phù Sa, vừa được xuất bản trong tháng trước (Tháng 6.2017). Tập thơ có nét đẹp trang nhã với tranh bìa của Họa sĩ tài danh Đinh Cường, họa sĩ Nguyễn Sông Ba trình bày; và bốn phụ bản mầu của Đinh Cường - Nguyễn Sông Ba; càng làm tăng thêm nét gợi cảm cho tập thơ. Tác phẩm đầu tay nầy của anh, do nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành.
Được biết nhà thơ Lê Phương Nguyên là bạn văn cũ của quý Thầy tôi, cho nên tôi đã hăm hở đọc ngay Phù Sa với lòng trân trọng, quý mến. Tôi yêu thích những bài thơ về “Tình riêng” của Lê Phương Nguyên, bởi vì, đó là mảng thơ sâu lắng, da diết, đã đem lại cho tôi nhiều cảm xúc bồi hồi, rung cảm sâu lắng theo từng lời thơ tâm sự của tác giả..
Về tình yêu - gởi một người em gái nghìn trùng xa cách, là những vần thơ dạt dào, dịu êm; như bản tình ca dịu vợi xa xăm. Em đến, mùa xuân đã mất cũng trở về với đôi cánh nhịp nhàng bay. Em đến, có thể gọi mùa xuân đến thấp hơn, để gió lùa thơm tóc biếc, để nghe nhịp tim nồng bất tuyệt, để sợi tơ trời phải run rẩy vui theo. Và em đến, dẫu xa cách muôn trùng vẫn có thể nhìn thấy nụ cười em qua làn tóc rối:
“Em đến gọi mùa xuân đã mất
Trở về đây đôi cánh nhịp nhàng bay
Em đến gọi mùa xuân xuống thấp
Ngày bao dung, hoa nở nước sông đầy
Em đến gió lùa thơm tóc biếc
Trời hân hoan trong vắt mắt em cười
Lòng nghe vỡ nhịp tim nồng bất tuyệt
Sợi tơ trời run rẩy cũng vui lây”
(Em đến – trang 64).
Tác giả ví mình như cây Ngô Đồng và em là loài chim Phượng Hoàng cao quý, để rồi tương tư, để rồi chờ đợi, để đớn đau ngút ngàn và ước mơ một ngày nào đó được trùng phùng, thật mênh man sâu thẳm:
“Cây ngô đồng đã quen trời mưa bão
Mà phượng hoàng ơi, em đã bay xa
Em cứ bay cao... mong đừng lảo đảo
Còn có anh đứng đợi giữa quê nhà...”
(Phượng Hoàng Và Cây Ngô Đồng – trang 51).
Rồi ghi lại niềm cô quạnh một buổi chiều cuối năm, ngắm ánh hoàng hôn nhớ người xa xăm, biền biệt; nghe nỗi buồn chảy đầy trong tim, sao mà ray rứt, xót xa:
“Trời đã cuối đông, ngày ngắn lại
Ta ngồi thở khói ngắm hoàng hôn
Bên kia núi biếc, mênh mông biển
Hết biển là em với nỗi buồn...”
(Chiều Cuối Năm – trang 43).
Để rồi từ đó nhớ người, mơ về người, đưa người vào cõi mộng; lòng bâng khuâng với thuở ban đầu, biết bao cảm xúc
“Ngẩng mặt ... gọi em về...
Mộng bình yên qua giấc ngủ đơn sơ
Dưới tán lá lung linh chùm hoa nắng
Dăm đóa hồng nở giữa chiều xa vắng
Lòng bâng khuâng chợt nhớ nụ hôn đầu”
(Một Ngày Tại Điền Trang Xuân Lộc – trang 35).
Và dù có nghìn trùng xa cách, anh luôn tin và biết rằng, em vẫn còn đó, như một vì sao nhỏ, tiếp sức cùng anh trên mỗi dặm đường; nên anh an vui sống, để đợi chờ một ngày sẽ tương phùng.
“Ta biết còn em trong cõi mộng
Nụ cười sóng sánh ánh trăng trong
Nên ta vẫn cứ vui và sống
Hương của ngày xưa đủ ấm lòng”
(Ta Biết Còn Em – trang 114).
Trong tình yêu, thơ của Lê Phương Nguyên còn nhiều bài rất đặc biệt, rất sâu lắng thắm thiết; như bài “Chiều Tưởng Nhớ” (trang 65), “Em Ngồi Đó” (trang 59), “Đã Được Mười Năm” (trang 52) , nhưng vì giới hạn của bài viết, nên hy vọng một ngày nào đó, có thể sẽ trở lại với những dòng thơ tâm huyết của anh.
Thật đau lòng, thật xót xa, khi có cuộc hội ngộ giữa hai thầy trò như trong bài thơ “Cuộc Hội Ngộ Đau Lòng”. Thầy là người đạp xích lô, trò là khách. Chỉ mấy câu thơ đơn giản thôi mà tác giả đã diễn tả trọn vẹn tâm trạng của hai nhân vật như một bức tranh sống động. Đọc xong, tôi đã phải ngậm ngùi, xót xa, rơi lệ.
“Anh gò lưng đạp xích lô
Một bàn tay vẫy...
- xin cô mười đồng
Khách chết trân, như trời trồng
-Thưa Thầy...
Bỏ chạy,
Anh không kịp nhìn”
(Cuộc Hội Ngộ Đau Lòng – trang 27).
Sau năm 1975, những trường hợp chua xót như thế không phải hiếm. Với ngòi bút sắc sảo, với cảm nhận rất chí tình, tác giả vẽ lại bức tranh của cuộc hội ngộ không bao giờ quên nầy rất thành công, mà không phải ai cũng có thể ghi lại được.
Với các con, tác giả đã “dành lòng” cho các con chén rượu đời đắng nghét, bởi vì theo anh, uống chén đắng để nên người, còn thơm và ngọt chỉ là hảo vị mà thôi. Uống chén rượu đời bất hạnh rồi tự mình đứng lên, thật mạnh mẽ trên đôi chân của chính mình; để tự mình bước đi giữa cuộc đời đầy gian trân này.
“Thơm và ngọt vẫn chỉ là hảo vị
Chén rượu đời rất đắng, thế mà hay
Uống lấy sức rồi gượng mình đứng dậy
Để cho ta lớn giữa thế gian này”
(Chén Rượu Đời – trang 22).
Để rồi chiều cuối năm anh lại nhớ các con da diết, nhớ thương chỉ là nhớ thương bởi nghìn trùng xa cách, khó mà gặp nhau.
“Hai con nương náu bên trời
Chiều quê năm hết cha ngồi đăm đăm
Không buồn vì chuyện cách ngăn
Sợ đau vì nỗi xa xăm tấc lòng”
(Gửi Hai Con Ở Xa – trang 97).
Rồi một ngày hay tin mẹ mất, anh bàng hoàng đau đớn vì không thể về thọ tang mẹ. Anh luôn tin rằng, mẹ anh vẫn sống như mặt trời, thật uy nghi và ấm áp; như vầng trăng thiên cổ, luôn dịu hiền tỏa sáng khắp muôn nơi; như trường sơn trác tuyệt, hồn mẹ bay lên cao quyện cùng trời xanh, mây trắng; như dòng sông thơ ấu, dù có muôn trùng bến đậu vẫn quay về tắm giữa giòng sông ấy; để rồi mẹ mãi mãi là ngàn thu vĩnh cửu, soi sáng đời con, là bóng cội tùng để con tựa nghỉ:
“Mẹ mãi mãi là ngàn thu vĩnh cửu
Soi đường con trên nhân thế điêu linh
Bóng cội tùng giữa lòng con hiện hữu
Đời gian truân vẫn có phút thanh bình”
(Mẹ Vẫn Sống – trang 109). Ngày trở về, anh đốt nén hương trên mộ cha và ông, ngậm ngùi giữa đất trời hoang vu, cô tịch:
“Quê cũ cha nằm nghỉ với ông
Hoang vu trời đất, chiều mênh mông
Vội vàng con ghé về thăm mộ
Đốt nén hương lên nặng trĩu lòng”
(Về Quê Thăm Mộ - trang 77).
Những vần thơ khóc hai người chị thân thương đã về với ông bà, tổ tiên đã làm tôi rưng rưng. Nước mắt tôi chảy theo những vần thơ anh viết, đau đớn biết bao khi người thân ra đi mà không thể gặp mặt lần cuối. Có lẽ tôi đồng cảm với anh khi nhớ về hai đứa em thân yêu của tôi đã ra đi khi tuổi còn quá trẻ. Còn đau đớn nào hơn, khi biết rằng sẽ không bao giờ còn có thể gặp lại nhau. Rồi anh thầm thì với chị anh rằng:
“Sẽ có một ngày em về quê cũ
Trở lại làng xưa viếng mộ cha
Còn đâu nữa để em cùng chị
Đốt nén hương và cắm một cành hoa”.
(Khóc Hai Chị - trang 68).
Lời thơ như tiếng bật khóc, đau xé lòng với những giòng cuối:
“Người ở lại ngậm ngùi thương tiếc chị
Em nghe lòng tê tái đến đau thương...
Có đủ cả:
Tàu lửa, tàu bay;
Giao thông thủy, bộ...
Vẫn cứ thiếu một con đường,
Để em về gặp chị phút lâm chung!”
(Khóc Hai Chị - trang 68).
Tình bạn trong thơ Lê Phương Nguyên cũng thắm thiết, chân thành không kém. Những vần thơ nhớ da diết bằng hữu, thèm vô cùng một ngày nào đó cùng bạn bè nâng ly, ngây ngất bên thềm trăng ngày ấy. Trong niềm cô độc, tác giả khóc cười cho vơi nỗi buồn, vơi nỗi nhớ:
“Ta thèm dăm chén bên bằng hữu
Ngây ngất thềm trăng đêm cố hương
Cười khóc cho vơi niềm cô lữ
Lẫn trong địa ngục, bóng thiên đường...”.
(Cùng Bạn – trang 53).
Và rồi tác giả buồn nhớ bạn hơn khi có rượu mà không có bạn uống cùng. Hãy lắng nghe tâm sự của anh:
“Đêm nay rượu có không người uống
Lạnh cả vầng trăng lạnh chiếu nằm
Khói thuốc lên xanh đèn thắp muộn
Mới mà như chuyện đã trăm năm!”
(Nhớ Bạn – trang 75).
Và rồi một ngày trở về, bạn anh có người đã ra người thiên cổ. Viếng mộ bạn, anh thắp nén hương nói cùng bạn những lời ngậm ngùi, chia phôi; quê cũ giờ quạnh hiu vì thiếu bạn. Hãy nghe anh thì thầm cùng bạn:
“Hãy cùng tôi dăm chén
Nhớ một thời buồn vui
Chén trao ngày hội ngộ
Chén tiễn chiều chia phôi”
(Viếng Mộ Bạn – trang 123).
Trong thơ Lê Phương Nguyên, ngoài “tình riêng” còn bàng bạc, mênh man tình yêu quê hương đất nước tha thiết, sâu lắng; luôn đọng lại trong lòng người đọc một “khối tình” chung thủy tha thiết, dành cho cả một đời người…
Tháng 10/2017