Nắng bờ sông như màu trang vở cũ
Thuở học trò em làm khổ ai chưa?
(NTN, ‘nên sầu khổ dịu dàng’, thiên tai )*
1. Màu trang vở cũ…
Có lẽ những ai đã từng đi qua ngày tháng học trò những năm 70 ở Sài Gòn, Biên Hòa và một số vùng lân cận không thể nào không biết cái tên Nguyễn Tất Nhiên. Đặc biệt, và trước cả thơ, là những bài hát được phổ nhạc của nhà thơ lãng tử cuồng si này. Những tình khúc dịu dàng tuổi học trò hồn nhiên trong trẻo, lắm khi nghịch ngợm hoang tàng, có điều gì đó rất mới, rất lạ…, rất nồng thắm đắm si mà cũng cùng cực chán chường, bi quan, tuyệt vọng trong một tâm cảm hoang mang và một tâm cảnh rã rời những ngày Sài Gòn còn trong vòng quay lửa đạn “đại bác đêm đêm dội về thành phố, người phu quét đường dừng chổi đứng nghe…”. Mãi đến bây giờ, những ca từ và giai điệu ấy vẫn cứ thức dậy mỗi khi ai đó nhắc nhớ, ai đó chạm vào… Lứa chúng tôi, nhiều đứa 15, 16 chưa từng biết yêu là gì, thoảng có chút xôn xao chi đó chưa gọi thành tên thì cũng chỉ dám tò mò rụt rè lấm lét “em tan trường về anh theo Ngọ về, gót giầy lặng lẽ đường quê” (Phạm Thiên Thư) chỉ “đứng ngẩn trông vời” (Đinh Hùng) một bóng dáng nào đó trong mộng tưởng… Lắm khi, vô cớ, cũng nghêu ngao: “Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá, có còn hơn không, có còn hơn không…?” hay cắc cớ đùa đùa trả lời câu ỡm ờ của ai đó: “Em hiền như ma soeur…”. Hồi đó, hình như chúng tôi “lớn chậm” hơn học trò bây giờ ? (Thật tình cờ, khi viết xong bài này, trở lại trang web Trường Ngô Quyền để ghi chú nguồn vài ý trích từ đó, tôi bắt gặp một truyện ngắn khá đặc biệt của Nguyễn Tất Nhiên có nhan đề Vì tôi lớn chậm, từng đăng trên Tuổi ngọc số 127!) Hay do hệ thống giáo dục thời ấy chủ trương chia trường nam, trường nữ như hai thế giới biệt lập đầy bí ẩn nhưng cũng đầy ma lực ám ảnh cuốn hút mà tình mới lớn tuy chỉ là thứ tình “phơ phất chung quanh” (NTN, Vì tôi lớn chậm) nhưng lại là một thứ trái cấm đầy quyến rũ ở vườn địa đàng đối với lũ học trò nhất quỷ nhì ma…chúng tôi. Thấy đó. Biết đó. Mơ mộng đó. Nhưng giấu kỹ. Giấu biệt. Hiếm có cô cậu nào dám biểu lộ một dấu hiệu cỏn con nào. Phần sợ bè bạn trêu chọc, phần lo cha mẹ rầy la cấm đoán, (và đối với tuổi nhỏ thời đó có khi còn đau khổ, sĩ diện, nhục nhã khi bị đối tượng ấy chối từ), chứ đừng nói còn thổ lộ công khai một cách hồn nhiên, chân thành và cuồng nhiệt như Nguyễn Tất Nhiên. Thậm chí nhà thơ còn nổi tiếng bởi… thất tình. Chính anh trong tập thơ thứ 3 xuất bản năm 1970: thiên tai cũng thừa nhận chỉ mới là “tập tành” yêu. Còn trong truyện Vì Tôi Lớn Chậm thì tác giả tự dằn vặt: “Bởi ta dại dột yêu người. Khi yêu ai đắm đuối, là lúc mình khó lòng dấu che chân tướng mình ”. Tình mới lớn không biết chua ngoa tráo trở. Bởi chính người trong cuộc còn không kịp nhận ra…Thơ tình học trò nắn nót màu mực tím, ân cần dịu dàng chép vào trang vở kẻ ôly hình con nai hay Cyclo…còn thơm mùi giấy trinh nguyên, bồi hồi ngập ngừng mang đến rồi lại mang về…
tôi vẫn đợi như ngày tôi đã đợi
vẫn ngậm tình về như buổi ngậm tình đi
nghĩa là tôi ấp úng chuyện yêu người
rất cơ khổ như những lời thú tội
(tình một hai năm, thiên tai, tr.31)
Đó là những rung động thanh xuân dễ thương đến ngạc nhiên ngượng nghịu, vụng về mà thích thú như chú bé nhút nhát lần đầu soi gương…chợt thấy lạ với chính mình:
tình mới lớn phải không em rất thích?
cách tập tành nào cũng thật dễ thương
thuở đầu đời chú bé soi gương
và mê mải dĩ nhiên làm lạ
tình mới lớn phải không em rất lạ?
cách tập tành nào cũng ngượng như nhau
thuở đầu đời chú bé ôm phao
và nhút nhát, dĩ nhiên ngộp nước
Cái đẹp bao giờ cũng rất mỏng manh, dễ hư hao, đổ vỡ. Ở tuổi chớm vào yêu ấy, người ta mơ mộng nhiều hơn thực tế, người ta ngây thơ nhiều hơn xảo trá, hy vọng nhiều hơn tuyệt vọng, mọi ranh giới trên cõi đời này, bằng tình yêu họ ảo tưởng có thể xóa nhòa, mọi ràng buộc họ nghĩ có thể bước qua… Có biết đâu, chú bé ấy dẫu có “ôm phao” mà vẫn bị “ngộp nước” ngay từ thuở đầu đời. Song, chàng vẫn yêu. Yêu bởi vì yêu. Yêu không toan tính. Chỉ khi bị vấp ngã, tuyệt vọng rồi mới đi sang một cực đối lập khác: hoàn toàn sụp đổ. Và ôm vết thương đau tưởng chừng mãi mãi không bao giờ có thể nguôi quên. Cuộc đời lắm nỗi…, làm sao dung hết “tình non cùng giấy mới” những người còn rất trẻ, tỉnh tỉnh điên điên ngược đời, quá chân thật cả tin, chẳng so đo toan tính cao thấp bao giờ:
tình mới lớn phải không em rất mỏng ?
cách tập tành nào cũng dễ hư hao
thuở đầu đời cầm đũa thấp cao
và nâng chén, dĩ nhiên, đổ vỡ
(Bài thấm mệt đầu tiên, Thiên tai, tr.10)
Trách sao được những ngu ngơ khờ khạo thời thơ trẻ con nít ấy! Cậu học trò ngơ ngác 15 tuổi đã làm thơ tình đem tặng bạn học cùng trường – thiên tai êm đềm của anh - với bao nhiêu mộng đẹp cháy bỏng và chạm vào thú đau thương:
tuổi mười lăm giữa con trai, con gái
đã rõ ràng ai khờ khạo hơn ai
nên bao giờ tôi cũng phải thương tôi
(những ích kỷ nảy sinh sau lần nhục nhã)
Tự nhủ mình “tôi phải thương tôi”, tự nhủ mình phải “ích kỷ”…không biết bao nhiêu lần sau những vấp ngã ấy, nhưng trái tim chàng có bao giờ làm được. Nhà thơ vẫn phơi trải lòng mình, vẫn “chắt mót” cho đi tận cùng, đến lúc “như cây cột đèn gãy gập”, “như xe tang ngừng ngập”, “như tường vôi luống tuổi”, “như căn nhà nám lửa”, “như dòng sông yên lặng”, “một mình trong nghĩa địa” vẫn không đành “quên đời khổ đau”. (thiên thu, tr. 57-9)
Với Nguyễn Tất Nhiên, trên những trang vở học trò viết ra rồi vò nát, xé bỏ không biết bao nhiêu lần, tình mới lớn còn gây ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc bởi những liên tưởng độc đáo, được thánh hóa một cách tự nhiên trong không gian giáo đường uy nghi và huyền thoại kinh thánh của Chúa dầu anh là người ngoại đạo. Theo lịch sử giáo phận ghi nhận, Biên Hòa - Đồng Nai là một trong những địa bàn được truyền giáo sớm ở Đàng Trong và đã từng có những giáo sĩ Thừa sai nổi tiếng đương thời hoạt động truyền giáo ở đây từ thế kỷ 17. Nhưng từ ngày đầu truyền giáo đến năm 1954, Biên Hòa là vùng đất mới vốn có truyền thống tín ngưỡng tôn giáo hỗn dung nhiều nguồn, nhiều phía nên khi tiếp nhận đạo Công giáo, người giáo dân Biên Hòa - Đồng Nai cũng không hoàn toàn có niềm tin "tinh dòng", lễ nghi, phong tục, tập quán cũng không quá rườm rà, hình thức. Chưa có vùng tập trung đông giáo dân, các xứ họ không phải là một lãnh địa khép kín, giáo dân sống xen kẽ với người ngoài đạo chan hòa cởi mở. Trong một dòng họ, một gia đình cũng có người đi lương, người đi giáo. Sau 1954, một số giáo xứ từ Bắc di cư vào Nam, thành lập các xứ đạo mới như Hố Nai (Biên Hòa), Gia Kiệm, Phương Lâm…Tính chất tập trung này đã hình thành cộng đồng giáo dân đông đảo, nổi tiếng là rất sùng đạo và lưu giữ được nhiều giá trị truyền thống của miền Bắc. Sinh trưởng trong môi trường ấy, mảnh đất Biên Hòa vừa phóng khoáng vừa đầy đức tin ấy, ảnh hưởng Công giáo trở nên khá gần gũi và thấp thoáng trong nhiều câu thơ tạo thành một nét độc đáo có một không hai trong thơ Nguyễn Tất Nhiên.
…tín đồ là người tình
người tình là ác quỉ
ác quỉ là quyền năng
quyền năng là tín đồ
tín đồ là người tình
thiêu hủy lầu chuông tôi
(vì tôi là linh mục
giảng lời tình nhân gian)
vì tôi là linh mục
không biết rửa tội người
nên âm thầm lúc chết
tội mình còn thâm vai.
(linh mục, thiên tai, tr 26-7)
Anh gọi người tình là thánh nữ, là ma soeur, là ác quỷ…và người tình si là kẻ yêu dĩ vãng nên nghe lời quỷ sa-tăng, giáng thế thêm một lần làm “linh mục - không mặc áo dòng”, “không có thánh kinh”, cũng “không biết mặt thánh thần” giữa lầu chuông bị thiêu hủy lang thang phổ lời tình nhân gian thành câu thơ buồn bã…trong bài thơ độc đáo “linh mục”. Nhiều lần, Nguyễn Tất Nhiên còn ví von “người tình thiêng liêng”, “người tình như ngựa quý” “người tình là ác quỷ đầy quyền năng”…Nhà thơ còn cực đoan và tuyệt đối cho rằng tình thơ ấy trong trẻo, thánh thiện đến mức:
nhìn em buổi chiều mất trinh vì có người nắm tay
lẽ ra tôi phải rất buồn
và hát bài con quỳ lạy chúa trên trời
hay nhẹ nhàng lắm cũng
đôi tiếng thở dài…
(phẳng lặng, thiên tai, trang 54)
Chỉ nắm tay thôi… trinh tiết đã không còn. Chỉ nắm tay thôi… đã là một nỗi buồn mất mát to lớn thiêng liêng. Người tình trong mắt anh thánh thiện như Thiên Chúa rạng rỡ trên ngôi cao, “người tình có hào quang”… sáng láng và thanh khiết (sức tôi dựng tình, thiên tai, tr.52). Bây giờ đọc lại chắc có người sẽ bật cười: Con nít! Vâng. Con nít thật. Nhưng con nít mới đáng yêu trong sáng như thế… Yêu. Không yêu. Giận. Không giận. Chỉ là chuyện học trò…
Cậu bé 15 tuổi đã tự nhận trong phần tóm tắt tiểu sử mình “bắt đầu cuộc đời lang bạt đầy tai ương”. Không biết chàng có nói quá lên không nhưng qua những lời kể của các bạn đồng môn đệ nhị cấp Ngô Quyền - Biên Hòa, đúng là Nguyễn Tất Nhiên đã sống khá ngoài khuôn khổ đời thường, thành thực đến lập dị, ngớ ngẩn, luôn hồn nhiên đuổi theo những mối tình đơn phương để rồi để vuột đi như chiếc bóng. Phải chăng tai ương của anh là ở đó?
tình cứ đuổi theo người như chiếc bóng
người thì không bắt bóng được bao giờ
anh muốn khóc trong buổi đầu niên học
bởi yêu em nên sầu khổ dịu dàng.
(nên sầu khổ dịu dàng, tr.41)
Khổ đau của kẻ tình thua biết mình vụng dại, lắm khi còn bị đẩy đến chỗ hận thù:
ba năm vuốt sợi tình dài
ừ tôi còn vụng ngón tay dậy thì
thuở nào sầu đã lâm ly
giờ thêm già héo (nhiều khi hận thù)
(nên thời gian ấy ngùi trông, thiên tai, tr.29)
Nếu xét ở góc độ thơ tình học trò - bởi người viết nó còn chưa qua tuổi đôi chín- thì tình mới lớn trong thơ Nguyễn Tất Nhiên lại không phải thứ tình e ấp vẩn vơ mông lung chỉ “chiếm hồn ta bằng nắng nhạt/bằng mây dìu dịu gió hiu hiu”; giữa những bé - anh, anh - nhỏ… nũng nịu giận hờn dành dỗ ủy mị đầy dẫy trong Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc… thời ấy. Ngôn ngữ và hình ảnh Nguyễn Tất Nhiên ghi trên những trang vở học trò có một nét độc đáo lạ lùng. Rắn rỏi, mạnh mẽ. Táo bạo, riết róng, và đau tủi lạ. Ngôn từ và hình tượng ấy khiến người đọc dễ dàng cảm nhận sự tận cùng của xúc cảm, khổ đau, tuyệt vọng... Theo Ngô Nguyên Nghiễm, thơ Nguyễn Tất Nhiên có nét sáng tạo thật lạ, có “những ví von so sánh lạ lùng, ngây dại trong ngôn ngữ chứa đầy biểu tượng sáng hóa: người từ trăm năm/về ngang sông rộng/ ta ngoắc mòn tay…, hoặc nào hay đời cạn vì người từ trăm năm/ về khơi tình động/ ta chạy vòng vòng/ ta chạy mòn chân. (Khúc Buồn Tình)”. (Ngô Nguyên Nghiễm, NTN, thà như giọt mưa rớt trên tượng đá).
Càng đọc thơ tình Nguyễn Tất Nhiên, người đọc càng bắt gặp những biểu hiện rất đỗi chân thành mà có lẽ chỉ tình mới lớn mới có: tự thú, tự lý giải, tự trách, tự xót, tự đau…
Tình chóng vỡ khi gần nhau quá vội
(vì sự lọc lừa khéo léo - gã con trai
vì phút giây lãng mạn nhất thời
xanh ánh mắt non khờ - nàng con gái)
(tình một hai năm, tt, tr.32)
Trong truyện ngắn Tôi tình cờ đắng cay, Nguyễn Tất Nhiên đã viết: “Thượng đế đã dành tình yêu cho con người để bóp tắt nụ cười nhân gian”. Nghĩa là, tình mới lớn trong quan niệm-mặc định-của anh là sầu khổ, là thất bại, là đổ vỡ theo “luật định trời dành”. Cho nên, với anh, “luyến tiếc một thời trong quá khứ là quà tặng êm đềm nhất mà Thượng đế cũng chỉ dành riêng cho loài người. Đó là thứ tình cảm âm thầm như sương đêm rơi xuống lạnh linh hồn, dịu dàng như dải lụa thắt nhè nhẹ trái tim mình đến không còn giọt máu.” Ngô Nguyên Nghiễm, trong bài viết đã dẫn ở trên, cho rằng đó là “sự giải tỏa uẩn ức của cuộc sống, bằng sự huyền diệu thanh khiết và ngây thơ cực điểm của dòng thơ Nguyễn Tất Nhiên, và âm thanh phù thủy Phạm Duy, thì không gian như trôi chảy giữa bốn bề âm vọng tình yêu”.
Ở đó, có sự hóa thân, tôi - người tình=linh mục, ác quỷ, satan, tên vô đạo và em - ma soeur hiền lành, thánh thiện nhưng mặt khác, lạnh lùng vô tình như tượng gỗ, và chua ngoa…như con gái Bắc Kỳ…”Chuyện tình đầu của tôi còn vương vít đâu đây, trên con đường nầy, bốn năm chưa đủ lãng quên người. Thuở mười lăm mười sáu, yêu thương, tự ái, giận hờn, ngâm thơ Xuân Diệu, hát bản “Thu vàng”… hình như còn nhiều mảnh vỡ, mà tôi là người tìm kiếm cô đơn.” (Nguồn: Tôi tình cờ đắng cay, http://www.ngo-quyen.org/p97a2725/nguyen-tat-nhien-toi-tinh-co-dang-cay)
mình hãy trách đời nhau nhiều hư hỏng
rồi giận hờn cho kỷ niệm đầy tay
thu miền nam không thấy lá vàng bay
anh phải nói: buồn chúng ta màu trắng
(nên sầu khổ dịu dàng, tt, tr.40)
Ôi, màu trắng học trò tinh khôi trong trẻo. Màu hồi ức những trang vở cũ…Tình mới lớn cũng là tình đầu. Đẹp thánh thiện sáng lòa và mong manh như sương khói. Như thơ.
2. Thà như giọt mưa...
Bài đầu tiên trong tập Thiên tai xuất bản ở Đồng Nai Biên Hòa năm 1970 của Nguyễn Tất Nhiên có tựa là Phác họa. Bức chân dung nhà thơ hiện lên- qua những dòng gọi là thơ - một cậu trai 18 tuổi đầy màu sắc tự kỷ qua cách ví von thật ngộ nghĩnh:
tôi không đủ kiên nhẫn đọc hết cuốn truyện dài
vì truyện dài không thể đọc vội vã
người chắc cũng không đủ kiên nhẫn yêu tôi
vì tôi còn dễ chán hơn truyện dài
tôi là một kịch bản
trường thiên.
(phác họa, TT, tr.9)
Tự cho mình chỉ là một kịch bản. Ngay cả tên họ chính mình anh cũng ghi một cách ngang tàng: tên cha mẹ gán: nguyễn hoàng hải. Tưởng Dung, một người bạn thời trung học Ngô Quyền của anh đã chia sẻ khi đọc những dòng tự “Phác họa” trên: “Anh đã tự thu mình lại, khiêm nhường đi, chọn cho mình con đường cam phận, chịu thua thiệt, hay dùng đó để xác định rõ về bản tính, về chủ năng của chính mình, một “thiên tài” không dễ ai hiểu biết và cảm thông? (Tưởng Dung, Sao thiên thu không là… Nguồn: http://www.ngo-quyen.org). Nguyễn Tất Nhiên thì chỉ tự ví mình như “giọt sương sắp tan”, trong tình yêu anh cũng ví mình là một “xạ thủ tồi”, là “người tình thua”, là “kẻ dại khờ” bên lề những cuộc tình đau. Ở cuộc tình tìm kiếm nào hình như anh luôn mặc cảm đau nhói trái tim:
vì hiểu rằng
muôn đời
em vẫn ngó tôi nửa mắt
có gì đâu
thiên hạ lâu nay cứ nhạo báng tôi khùng.”
(chỗ tôi, thiên tai, tr 21)
Điểm từ Thiên tai, Chuông mơ, Tâm dung, đến mười một bài Minh khúc cuối cùng của Nguyễn Tất Nhiên, người đọc không khó khăn gì để bắt gặp những ẩn ức mặc cảm thua thiệt ấy trong thơ Nguyễn Tất Nhiên.
Có người nói bài thơ này viết về cô Bắc Kỳ nho nhỏ Hoàng Thị Kim Oanh. Có người nói là Bùi Thị Duyên. Nhưng tôi nghĩ có yêu Duyên, yêu Oanh, hay yêu Thủy gì anh cũng mang cùng mặc cảm ấy. Thực tế là vậy. Biết nàng đâu đoái hoài, vậy mà, bài thơ “tình một hai năm” trong tập thiên tai, anh vẫn cứ đợi, đơn phương đợi:
tôi vẫn đợi, đợi người thêm chút nữa
tự an ủi mình khi cắn nỗi sầu đau:
tình một hai năm…chưa bạc mái đầu
chưa tuyệt vọng (bởi vì chưa hy vọng)
Và tự anh ủi lấy chính mình:
tình còn đầy là tình xa xôi
tình im lặng là tình không chết yểu
Nhà thơ đã không ngần ngại rút những sợi tơ lòng gom cho hết. Cho không tính toán. Nhưng anh được gì? Cuộc tình tội nghiệp như “giòng sông nước cạn”:
và thơ tôi gom hết cho người
rất tội nghiệp như giòng sông nước cạn (tình một hai năm, tr.30)
Cuối cùng, không tự dối lòng, “người tình thua” phải đau đớn thừa nhận“chết tôi một cuộc vong tình” (thiên tai, tr.46)
hỡi ơi tình đã sương mù
bỏ tôi hiu quạnh mái đầu trông mong
Và cũng lạ, như một điềm báo, như số phận sẵn dành, ngay từ những năm 70, chỉ mới 18 tuổi hoa niên mơ mộng, khi Thiên tai ra đời, ngay trong trang bìa sau người ta thấy anh đã ngang tàng ghi rõ: 1970: nuôi ý hướng tự sát. Và bốn mươi năm sau, có ai ngờ đó là lời định mệnh cho chàng thi sỹ tài hoa bạc mệnh này.
Con người có hai bản năng tồn tại song song. Bản năng sống và bản năng chết. Song từ bao đời nay, bản năng sinh tồn (struggle for life) luôn chiếm thế áp đảo. Walter Hurst, nhà tâm lý học người New Zealand, cho rằng việc đưa ra quyết định tự tử thường bị thúc đẩy bởi ý muốn chấm dứt sự sống hơn là muốn chết. Tự tử là một sự lựa chọn quả quyết khi phải đối diện với một nỗi đau khổ cùng cực, dường như vượt quá mức chịu đựng của cá nhân và tự thân không thể nào giải quyết được. Khuynh hướng thu những cảm xúc cay đắng vào chính bản thân này có lẽ là một yếu tố khiến Nguyễn Tất Nhiên lúc nào cũng nghĩ đến thế nào rồi tôi cũng giết tôi, vì theo phân tâm học, tự tử là hướng cái bản năng hủy phá vào chính bản thân mình. Trong một lần trả lời phỏng vấn của tuần báo Tuổi Ngọc trên số 141 phát hành ngày 5-8-1974 - khi anh 22 tuổi, đang là sinh viên trường Luật (do Trần Hoài Thư sưu tầm từ thư viện đại học Cornell, trích lại từ tạp chí Thư Quán Bản Thảo số 45 tháng 1-2011), khi được hỏi về cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của nhà thơ đang nổi tiếng với một loạt thơ tình yêu mới lớn phổ nhạc khá ăn khách, Nguyễn Tất Nhiên hờ hững trả lời vắn tắt:
- Học Luật. Cô đơn. Túng thiếu. Lang thang. Khổ tâm. Sinh hoạt chính hàng ngày: buồn bã và tìm cách đùa bỡn trên nỗi buồn của mình.
Buồn bã. Và tìm cách đùa bỡn trên nỗi buồn của mình. Ôi, tuổi 22 của chàng thơ!
Thế giới thơ Nguyễn Tất Nhiên lẽ dĩ nhiên cũng không tránh khỏi tâm trạng buồn bã ngạo mạn đầy ẩn ức tuyệt vọng của một kẻ ngay từ những rung động đầu đời đã bị từ chối thẳng thừng đến độ phũ phàng bởi người tình học trò tuổi nhỏ quá ngây thơ. Điều đó làm nỗi tự kiêu của một chàng trai mới lớn tâm hồn lãng đãng nuôi mộng văn chương bị tổn thương sâu sắc. Điều đó làm anh càng hoang đàng, cuồng si đến bất cần số phận. Rất tiếc, tôi chưa tìm được đầy đủ toàn bộ tác phẩm đang thất lạc rải rác của nhà thơ thiên tài yểu mệnh đáng thương này để có một khảo sát đầy đủ hơn. Song, qua các tập Thiên tai (1970), Chuông mơ (1984) Tâm dung (1989) và tập thơ chưa từng xuất bản Minh khúc (1990) do Vũ-Xuân, học trò cũ của tôi tìm kiếm và gửi tặng, tôi bắt gặp những ám ảnh trong thơ anh: Mưa-Nước-Sông-Sương. Các biểu tượng này thường xuyên trở đi trở lại ngay từ những bài thơ năm 18 tuổi đến 32, 37, 38 tuổi của anh, hay là suốt cuộc đời 40 năm ngắn ngủi bạc mệnh của anh. Tập trung rõ nét nhất là ở tập thơ thiên tai khi nhà thơ chỉ vừa tròn 18.
Trong Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Jean Chevalier và Alain Gheerbrant cho rằng “Nước (eau) là dạng thức thực thể của thế giới, là nguồn gốc sự sống và là yếu tố tái sinh vật chất và tinh thần (…) nước là nguồn gốc và phương tiện chuyển tải sự sống”(tr.710). Mưa (pluie) nước từ trời rơi xuống “là tác nhân làm cho đất sinh sản, nhờ mưa mà đất được phì nhiêu màu mỡ (…) là sự phong nhiêu của tinh thần, ánh sáng và các tác động tâm linh” (tr.608). Huyền thoại Hy Lạp còn coi mưa là biểu tượng tính dục, coi nước mưa là tinh dịch. Cây cỏ cần mưa để phát triển sinh sôi nảy nở. Mặt khác, “mưa, con của mây và giông, kết hợp các biểu tượng của lửa (chớp) và nước”, “mưa từ trên trời rơi xuống, cũng là ơn của các thần linh ban cho theo cả 2 ý nghĩa: tinh thần và vật chất. (tr.609). Còn Sông (fleuve) hay dòng nước chảy đều là biểu tượng của khả năng vạn vật, của tính lưu chuyển mọi dạng thể. Dòng chảy là sự sống và sự chết (tr.829). Theo nghĩa tượng trưng của từ ngữ, “bước xuống con sông chính là để cho linh hồn nhập vào thân thể. Chỉ có một con sông cho mỗi người” mà thôi… (tr.830). Nếu Mưa có tính âm thì Sương (rosée) có tính dương tuy nói chung cả hai gần ý nghĩa với nhau. Sương là biểu hiện phước lành của trời ban, là hiện thân của thiên ân hồi phục sự sống, là mồ hôi của trời, là sự kết hợp hài hòa giữa Trời và Đất. (tr.840)
Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà hệ thống hình ảnh, ngôn ngữ trong thơ Nguyễn Tất Nhiên thường nhắc đến những biểu tượng này. Có thể với anh yêu - được yêu khác nào một hồng ân từ trời ban xuống như mưa. Nhưng khốn nỗi, những giọt mưa xanh/mưa nhiều/mưa mãi của anh (xuất hiện 19 lần trong tập thiên tai) lại cứ rơi rồi vỡ, rồi khô trên tượng đá rồi tự tan biến mà thôi. Hình tượng sông được nhắc 5 lần dẫu có lồng lộng rộng nhưng chỉ là giòng sông nước cạn. Nhà thơ cũng chỉ đứng bên bờ sông mà mòn tay ngoắc gào thét đợi mong trong vô vọng. Khát khao ân điển phước lành thì than ôi, biểu tượng sương xuất hiện 6 lần trong Thiên tai cũng không đem lại sự hồi sinh, hy vọng nào cho anh, bởi chỉ là những giọt sương-sắp-tan, những giọt sương-cuối-cùng được chắt mót trên lá, trên cành không đủ để hồi sinh một linh hồn tội nghiệp như chành trai si tình tuyệt vọng này. Những ám ảnh về Sông, dòng chảy của sự sống và sự chết cũng bật lên từ một hiện thực đớn đau như một sự bế tắc không thể dung hòa chuyển xoay tình thế nhiều lần xuất hiện trong các tập thơ khác của NTN. Trong Chuông mơ: mưa (11 lần) sông (12 lần); Minh khúc: hình ảnh được nhắc nhiều nhất là sông (8 lần), sương (3 lần) nhưng rõ ràng sông và dòng không còn đứng cạnh nhau…
Dẫu sao, tôi cũng như thế hệ của tôi và chắc chắn rất nhiều người sau tôi vẫn cứ yêu thích bài Thà như giọt mưa rơi trên tượng đá Phạm Duy phổ từ bài thơ Khúc tình buồn anh viết cho Duyên - mối tình trong sáng 5 năm đã từng là động lực để anh sống, là nguồn cảm hứng để anh viết những trang bất hủ cho đời hôm nay.
3. Gã hoang đàng si tình chân thật nhất thế kỷ
Năm 1971, “tạp chí Sáng Tạo của nhà văn Mai Thảo bắt đầu xuất hiện những vần thơ của một người tự cho mình là “kẻ hoang đàng”, “tên vô đạo” bất tín đồ trong tình yêu, Nguyễn Tất Nhiên. Ngay sau đó, lời thơ với ý tưởng và những hình ảnh kỳ lạ, hư hư thật thật, những thú nhận ngông cuồng nhưng cũng rất nồng nhiệt, đã đi vào nhạc của Phạm Duy, Nguyễn Đức Quang, Anh Bằng, trở thành một hiện tượng trong làng thơ và nhạc Việt Nam thời kỳ bấy giờ”. (Cát Linh, Nguyễn Tất Nhiên). Vĩnh Hảo cũng nhận định "Anh nổi tiếng rất sớm. Vì thơ anh đi sớm hơn bước chân còn ngại ngùng bỡ ngỡ của thế hệ trẻ thời ấy trước sự tràn ngập của văn hóa phương Tây, qua hình ảnh người lính viễn chinh Mỹ và qua phong trào hiện sinh mô phỏng trễ tràng trên đất nước đói nghèo chiến tranh. Anh mạnh dạn nói được tiếng nói của tình yêu tuổi trẻ với sân trường, kỳ thi, chiến tranh, mất mát, hoài vọng, tuyệt vọng...Chẳng phải sớm gì trong thể loại thơ mà sớm trong phong cách biểu hiện. Anh dùng thứ ngôn ngữ của thời đại, rất hiện thực, không đẽo gọt. Vậy mà thứ ngôn ngữ ấy bỗng nhiên mới, lạ và được đón nhận nồng nhiệt.” (Dẫn theo Nguyễn Mạnh Trinh, Nguyễn Tất Nhiên, thơ như lời thiên định. Nguồn: http://www.ngo-quyen.org/p89a907/3/nguyen-manh-trinh-nguyen-tat-nhien-tho-nhu-loi-thien-dinh)
Ba tiếng quen thuộc Nguyễn Tất Nhiên gần như đồng nghĩa lâm thời với kẻ tình si như nhà thơ tự nhận nhiều lần trong sáng tác của mình: “kẻ dại khờ”, khờ khạo” “cuồng si” “lận đận”, hay vui vẻ chấp nhận những biệt danh mọi người gán cho mình”gã điên”, “ngáo”, “khùng”… Gần nửa thế kỷ qua, tôi cũng nghĩ về Nguyễn Tất Nhiên như thế. Rất bất ngờ xúc động khi đọc Lời tựa anh viết trong tập nhạc tự tay anh kẻ khuôn, viết nốt và phổ nhạc một số thơ của chính mình, bên cạnh những bài thơ được nhạc trước 75 từng làm nên tên tuổi một Nguyễn Tất Nhiên – thơ - kỳ lạ và độc đáo: Vì tôi là linh mục, Thà như giọt mưa, Em hiền như masoeur, Hai năm tình lận đận, Cô Bắc kỳ nho nhỏ…qua những tâm hồn đồng điệu đã phổ thành những giai điệu ma mị quyến rũ lạ lùng như Nguyễn Đức Quang, Phạm Duy, tôi thật sự ngạc nhiên, có một Nguyễn Tất Nhiên khác. Một quan niệm văn chương nghiêm túc và đầy ý thức dấn thân .
…Tôi vẫn hằng quan niệm, tác phẩm có tầm vóc không đòi hỏi những cái cầu kỳ, làm dáng. Nên ai cũng thấy thơ của tôi chẳng có gì quái dị cả - hay nói một cách khác, rất sáng sủa, bình dị. Thơ hay nhạc đều xuất phát từ những tiếng rung đơn điệu của tâm hồn. Tôi không bóp méo những rung động tâm hồn của tôi để làm "tác phẩm vĩ đại'. Vì tôi tôn trọng sự thật.
Điều sung sướng nơi tôi là được nhìn thấy hầu hết các tác giả lớn của nhân loại đều tôn trọng sự thật.
Cali, 29.6.84
(Tình khúc những năm lận đận, Ca: Nxb Tiếng hoài Nam, 1984)
Đúng là vậy. Thơ của chàng trai xứ bưởi Biên Hòa bình dị chân chất như nắng mưa phương Nam Nguyễn Tất Nhiên đã đi vào lòng người chính từ những ngôn từ mộc mạc giản dị, từ những rung động chân thật đầu đời hồn nhiên đẹp như một giấc mơ. Không đẹp, không chân thật và không bình dị sao được khi thơ Nhiên cứ trào ra như chàng nghĩ, như chàng nói, và được viết ra khi chàng chỉ vừa tuổi mộng 15. Mặc dù việc sử dụng ngòi bút thì trong bìa sau tập thơ Thiên tai in năm 1970, chính thi sỹ nói đã bắt đầu viết từ 1963, nghĩa là mới 11 tuổi (NTN tuổi Thìn, sinh ngày 30-5-1952). Mà cho dù 11 hay 15 thì cũng vẫn thế. Cái tuổi quá đẹp, quá ngoan chưa kịp để biết lọc lừa dối trá… Và cũng quá đỗi nồng nàn. Rất tiếc là cho đến nay, thời gian và sự lãng quên bởi những bận rộn lo toan thường nhật, khi chúng ta giật mình tìm lại thì than ôi, sương mù quá khứ đã quá dầy đặc. Những trang viết đầu tay của NTN giờ không biết lưu lạc phương nao. Những năm tháng hoa niên ấy, tâm hồn đầy hoa mộng và chắc chắn ai cũng rất đỗi thật thà…Thật thà yêu. Thật thà si. Thật thà hận. Thật thà đau.
Tôi muốn trải hết lòng mình, đời mình ra giấy trắng chữ in. Tôi muốn thấy những quyển truyện đời tôi được tiểu thuyết hóa trưng bày đầy các nhà sách, mà đọc giả chỉ cần khen: “văn thằng ấy viết dễ thương quá” đủ rồi.
(Trần Hoài Thư- Khi Nguyễn Tất Nhiên nói)
Vâng. Sẽ như anh đã trải lòng và mong muốn, Nguyễn Tất Nhiên. Thơ văn anh quá đỗi dễ thương. Bởi quá chừng chân thật. Không son phấn lọc lừa đôi mắt trần gian. Và mãi đẹp. Bởi anh đã cho đi bằng cả cuộc đời. Dẫu đời anh quá nghiệt ngã đau thương cho đến giây phút cạn cùng…
Nhưng thôi. Đó là chọn lựa của chính anh.
Và anh hạnh phúc trong sự chọn lựa ấy.
trên thánh giá tình em
ta treo đầu dọng ngược
chết như một phúc âm
dẫu cầm bằng địa ngục
chết như một bình minh
ta cầm bằng hạnh phúc
yêu em, ta làm thơ…
(Ngồi ngoài sân, quán, Văn học số ngày 28.1.1975)
Nguyễn Tất Nhiên ơi, tôi đã ngồi một mình rất lâu bên dòng sông rộng Đồng Nai nắng lóa lăn tăn nước ròng đợi nước lớn. Tôi đã gặp và ngồi bên Duyên của anh, cùng anh Tùng – người thầy chung của anh, của Duyên, cũng là người bạn đời tuyệt vời của Duyên nữa. Nhìn sâu vào đôi mắt đẹp trong sáng hồn hậu của Duyên để cám ơn đời đã cho anh một hồng nhan tri kỷ có một không hai. Cám ơn “Khúc tình buồn” của anh đã giúp chúng tôi hiểu thế nào là giá trị tuyệt đối và vĩnh cửu của tình yêu…
Người từ trăm năm về ngang sông rộng…
Người từ trăm năm về khơi tình động…
Người đã về. Không chỉ ngang sông “trùng trùng gió lộng” mà còn qua cả một đại dương vời vợi. Nhưng anh không cần phải “ngoắc mòn tay” nữa. Duyên và anh Tùng đã về đây, chìa đôi tay yêu thương nắm lấy tay các bạn bè của anh, độc giả của anh để cùng được hát mãi về anh…khúc hát của gã tình si chân thật đáng yêu nhất mà cũng đáng thương nhất của văn chương Việt nửa thế kỷ tao loạn mất mát này…
thà như giọt mưa/ vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa/ khô trên tượng đá
có, còn hơn không/ mưa ôm tượng đá
Một lần yêu, một lần vĩnh viễn Có, dẫu đời cạn, đời buồn…
Có, còn hơn không… Có, còn hơn không…
Sáng sớm nay, thứ bảy cuối cùng của tháng tư - hai mươi lăm năm sau ngày anh từ chối cuộc đời này, thách thức định mệnh của chính mình - khi tôi đặt dấu chấm cuối cùng cho bài viết này, Sài Gòn cũng bất ngờ đổ mưa to.
Mưa. Mưa. Mưa.
Coi như là anh đã chứng giám…, phải không?
Thị Nghè,
3:20 am ngày 28.4.2017
Viết để nhớ, 25 năm ngày mất Nguyễn Tất Nhiên.
*Chú thích: tôn trọng bản gốc các bài thơ theo cách viết của Nguyễn Tất Nhiên, toàn bộ bài viết này, tôi không viết hoa tên tác phẩm và đầu các dòng thơ như quy định chính tả hiện hành.