Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
868
123.366.626
 
Vị thế nổi bật và ảnh hưởng của Việt Nam đối với các nước lân bang dưới thời Minh Mệnh
Lê Ngọc Trác
 
 
 
Trước khi băng hà, vua Gia Long đã di chiếu truyền ngôi cho Thái tử Nguyễn Phúc Đảm. Nội dung bản di chiếu nêu rõ: "... Nghĩa Xuân Thu thống nhất ở chổ chính danh. Mưu đấng thánh nhân quang thủy, trước ở việc kiến tự. Nay, Hoàng thái tử bẩm sinh thông minh, nhân hiếu, có thể gánh vác công việc của nước nhà. Chí trẫm đã xác định trước, trăm quan đều hiệp theo. Nói về tư cách, Thái tử là người xứng niên, xứng đức. Rõ ràng thiên hạ đắc nhân nhằm về tương lai quốc gia để với cảnh trùng nhuận, trùng quang, dồi dào, xã tắc đại phú...". Rõ ràng, Gia Long đánh giá cao và kỳ vọng nhiều về Minh Mệnh, người còn kế vị mình trong công cuộc lãnh đạo triều đình và đất nước. Trước khi được nối ngôi, Minh Mệnh đã có nhiều năm giúp phụ hoàng trông coi việc triều chính và đất nước, thể hiện được năng lực và có kinh nghiệm. Minh Mệnh là một vị vua siêng năng, chăm lo công việc lãnh đạo đất nước. Trong thời gian ngồi trên đỉnh cao quyền lực, trị vì đất nước, vua Minh Mệnh có nhiều vị quan cận thần phò giúp. Nhiều vị đại quan là những người văn võ song toàn, đầy tài năng như Lê Văn Duyệt, Nguyễn Công Trứ,Thoại Ngọc Hầu, Trương Minh Giảng, Trương Tấn Bửu, Nguyễn Huỳnh Đức, Phan Văn Thúy, Nguyễn Tri Phương, Tạ Quang Cự, Phạm Văn Điển, Lê Văn Đức... Tài năng và những đóng góp của nhiều vị đại thần trong thời Minh Mệnh đã được lưu danh vào sử sách.
Minh Mệnh có những cải cách nổi bật về kinh tế, quản lý hành chính, văn hóa, giáo dục, xây dựng một nền quốc phòng hùng mạnh có ảnh hưởng to lớn, sâu rộng đến các nước láng giềng xung quanh. Từ nhà Lê trung hưng, thời các chúa Nguyễn, quan hệ giữa nước ta với các nước Trung Hoa, Ai Lao, Chân Lạp, Xiêm La được duy trì. Đến thời Minh Mệnh, nước ta tiếp tục duy trì mối quan hệ về ngoại giao là nước, bảo hộ cho Ai Lao và Chân Lạp trên lĩnh vực quân sự an ninh quốc phòng.( Ai Lao tức Nước Lào, Chân Lạp còn gọi là nước Miên, Khme )
Đối với Trung Hoa một đất nước rộng lớn, như các vương triều trước, Minh Mệnh vẫn giữ quan hệ mật thiết và chịu lễ "thụ phong" của "thiên triều" phương Bắc! Tuy nhiên, việc triều cống cho Trung Quốc, thời Minh Mệnh chỉ còn một nửa số lượng, giá trị cống phẩm không đáng kể so với các triều trước và triều Lê. Và 4 năm mới triều cống một lần.
Đối với nước Xiêm La (còn gọi là Tiêm La, tức Thái Lan ngày nay), thời bấy giờ, Xiêm La luôn luôn muốn mở rộng và tranh giành ảnh hưởng với  ta đối với các nước như Ai Lao, Chân Lạp. Thậm chí Xiêm La còn đưa quân xâm phạm đất nước ta, khi mượn cớ giúp đỡ Lê Văn Khôi phản loạn và đánh phá Ai Lao. Năm 1827, năm Minh Mệnh thứ 8, quân Xiêm La đưa quân đánh phá nước Ai Lao, tiến chiếm Vientiane. Vua A Nỗ của Ai Lao phải chạy sang nước ta cầu cứu vua Minh Mệnh đưa quân sang giúp. Vua sai Thống chế Phan Văn Thúy làm Kinh lược đại thần đem 3.000 quân binh sang cứu A Nỗ, đưa A Nỗ về Ai Lao. Minh Mệnh nhận thấy nội tình tình hình của Ai Lao rối rắm, chia rẽ, lại bị quân Xiêm La đánh phá liên tục. Nhà vua liền ra lệnh cho Lê Đăng Doanh tiếp tục đưa quân sang giúp đỡ Ai Lao. Đồng thời, cử phái bộ ngoại giao sang Xiêm La đưa thư trách cứ việc Xiêm La gây bất ổn tình hình các nước láng giềng. Thấy lực lượng Đại Việt hùng hậu với 2 cánh quân tiến sang, tướng Xiêm La nhận thư của vua Minh Mệnh và trả lời, hứa rút quân về, bảo đảm sẽ hòa hiếu. Đến cuối năm 1833, nhân vụ Lê Văn Khôi dấy binh phản loạn ở Gia Đình cầu cứu, quân Xiêm La đưa 5 đạo quân thủy bộ với danh nghĩa là trợ giúp Lê Văn Khôi, đồng loạt tiến sang tiến đánh nước ta.
Minh Mệnh khẩn cấp ban chiếu hạ lệnh cho Trương Minh Giảng và Nguyễn Xuân đưa quân phòng ngự ở An Giang và các tỉnh biên giới phía Nam. Nhà vua cho các tướng Lê Văn Thụy, Phạm Văn Điển bố trí phòng thủ biên giới giáp Ai Lao. Đồng thời, điều động bổ nhiệm Nguyễn Văn Xuân làm kinh lược sứ đưa quân tiễu trừ quân Xiêm đóng ở Ai Lao. Ở miền Nam, quân của Trương Minh Giảng và Nguyễn Xuân đánh tan quân Xiêm. Đồng thời, đưa đại quân truy kích quân Xiêm ở Nam Vang, Chân Lạp. Đến năm 1834, đoàn quân dũng mãnh của Đại Việt đã đánh tan quân Xiêm trên đất Nam Vang và Ai Lao, ổn định tình hình.
Đối với Ai Lao (Lào), thường bị quân Xiêm sang đánh phá nên xin thần phục và nhờ Đại Nam bảo hộ. Vua Minh Mệnh liền chia một phần diện tích Ai Lao làm các thành trấn, gồm Trấn Biên, Trấn Định và Trấn Man (Gồm các vùng đất: Sầm Nưa, Trấn Ninh, Cam Môn, Savanakhét tiếp giáp với các tỉnh biên giới Việt Nam). Ở Chân Lạp, sau khi bình định xong, tướng Trương Minh Giảng và tham tán Lê Đại Cương theo chỉ đạo của Minh Mệnh lập các đồn đóng quân tại đây. Cuối năm 1834, vua Chân Lạp là Nặc Ông Chân từ trần, không có con trai kế vị. Năm 1835, tướng quân Trương Minh Giảng lập Angmeuy là con gái của Nặc Ông Chân lên làm quận chúa Chân Lạp. Đồng thời, chia Chân Lạp ra làm nhiều phủ, huyện, thành lập trấn Tây Thành vào bảo hộ Chân Lạp.
Từ thời triều Lê, các nhà buôn người Pháp, Bồ Đào Nha, một số nước phương Tây và châu Á đến nước ta buôn bán, làm ăn. Nhiều địa phương như Phố Hiến (Hưng Yên), Hội An (Quảng Nam) và Gia Định đã trở thành đặc khu kinh tế. Khi Gia Long giành được vương quyền, nhà vua cũng dành tình cảm đặc biệt cho các giáo sĩ Thiên Chúa giáo phương Tây và những người bạn Pháp trong đội lính đánh thuê đã giúp vua trong những năm tháng đấu tranh với nhà Tây Sơn. Nhưng trong thâm tâm, vua Gia Long bắt đầu nghi ngờ người Pháp có âm mưu, tham vọng xâm chiếm Việt Nam, ảnh hưởng đến vương quyền và chủ quyền đất nước, bắt đầu xa lánh họ dần. Chính giáo sĩ Le Labouse đã từng nhận xét về Gia Long: "Tài năng của nhà vua không thua gì tâm địa của ông!". Le Labouse còn nhận định: "Ông vua kế vị quyết định cự tuyệt người phương Tây".
Ngay khi Minh Mệnh vừa lên ngôi, kế vị, tình hình đối xử và quan hệ với các giáo sĩ Thiên Chúa giáo và người phương Tây nói chung và Pháp nói riêng không còn như thời Gia Long. Lịch sử từng chứng minh các sự kiện lịch sử và chính tác giả Buttinger và Etienne Danis đã từng viết: "Các chính sách của Minh Mệnh thực chất chỉ là sự thực hiện đường lối chính trị cơ bản của Gia Long mà thôi!". Chính vì vậy, khi lên ngôi, Minh Mệnh đã tuyệt giao, đối xử cứng rắn với người Pháp. Trong khi các nước láng giềng, kể cả Trung Hoa, hoặc tự nguyện hay bị cưỡng ép đã mở cửa cho tàu thuyền và ảnh hưởng phương Tây, thì chính sách của vua Minh Mệnh là thẳng thừng cự tuyệt.
Bối cảnh lịch sử Việt Nam từ xa xưa đến thời Minh Mệnh, về văn hóa giáo dục và tôn giáo, kể cả đời sống chính trị xã hội đều ảnh hưởng sâu đậm và lấy học thuyết Khổng Mạnh làm nền tảng xã hội, làm giá trị mẫu mực trong đời sống xã hội và gia đình. Từ Minh Mệnh đến các quan lại trong bộ máy triều đình đến tận làng xã đều am hiểu Nho giáo, tôn sùng học thuyết Khổng Mạnh, xem Nho giáo như một học thuyết kim chỉ nam. Thời bây giờ, từ vua cho đến nhiều quan quân đều có tư tưởng tự cao bảo thủ, xem các nước có những đức tin khác với mình đều là tà đạo, thậm chí còn gọi người phương Tây là "lủ bạch quỷ, hồng mao" với ý xem thường.
Trong lúc ấy, thì tình hình chính trị và trật tự xã hội có những diễn biến phức tạp như: Một số giáo sĩ người phương Tây đã lợi dụng tôn giáo và việc truyền đạo có những âm mưu chống lại, làm ảnh hưởng đến vương quyền, đạo đức nếp sống xã hội truyền thống của Việt Nam. Cụ thể, có một số giáo sĩ Thiên Chúa giáo chống lại sự truyền ngôi của Gia Long, chống đối Minh Mệnh, giúp đỡ Lê Văn Khôi phản loạn. Thậm chí, khi truyền đạo trong dân còn rao giảng bài xích lại những nét đẹp truyền thống về đức tin và việc thờ cúng tổ tiên của người Việt trong hàng ngàn năm bao đời nay. Đặc biệt là xuyên tạc và kích động giáo dân từ bỏ 10 Điều Huấn dụ của vua Minh Mệnh dạy nhân dân trong cuộc sống xây dựng xã hội tốt đẹp theo truyền thống Việt Nam.
Chính vì vậy, đầu năm 1821, khi triều đình Pháp cử Chaigneau làm lãnh sự đến Đại Nam trình quốc thư và tặng phẩm của vua Louis, vua Minh Mệnh đã trả lời giữa Đại Nam và nước Pháp không có việc gì phải làm điều ước về thương mại. Năm 1822, có tàu chiến của Pháp có tên Cléopatre và tàu buôn nước Anh vào cửa Đà Nẵng xin yết kiến nhà vua đề nghị được thương lượng, Minh Mệnh cương quyết cự tuyệt và không tiếp. Năm 1825, có đại tá thủy quân Bougainvill đưa 2 tàu chiến vào cửa biển Đà Nẵng, đem theo quà tặng và quốc thư xin yết kiến nhà vua. Minh Mệnh từ chối khéo bằng cách thông báo triều đình không có ai biết ngoại ngữ, nên không tiếp.
Từ đầu năm 1825 (Ất Dậu), vua đã ra chỉ dụ: "Đạo phương Tây là tà đạo, làm mê hoặc lòng người và hủy hoại phong tục, nên phải nghiêm cấm". Đồng thời, ngay sau khi Lê Văn Khôi dấy quân làm phản, nhà vua ra lệnh đóng cửa các hải cảng và cấm giao thương mua bán với người Pháp và các nước phương Tây.
Từ năm 1825 mãi đến năm 1838, suốt một thời gian dài, nhiều giáo sĩ  truyền đạo và người theo Thiên Chúa giáo bị bài xích và truy bắt, cầm tù và giết chết rất đau thương. Thậm chí nhiều giáo sĩ và giáo dân phải chạy trốn vào những nơi hoang vu tận miền Nam hay núi rừng Tây Nguyên để lẩn trốn. Tình trạng cấm đạo, bế quan tỏa cảng kéo dài, nhiều người chết vì bị giết, cầm tù, lưu đày, nhà thờ bị triệt phá... Nhưng, tình hình xã hội và đất nước không tiến triển tốt, đã bộc lộ nhiều chia rẽ trong nội bộ nhân dân. Minh Mệnh tự thấy không thể tiếp tục chính sách như trước, không thể nào đóng cửa và cấm đạo được nữa, cần phải có giải pháp mới nhằm bảo vệ vương quyền và bảo vệ đất nước. Theo chính sử Đại Nam và Histoire de la Cochinchine Française của tác giả Cultru, năm 1838 (Mậu Tuất), nhà vua bằng cử phái đoàn ngoại giao sang Pháp để thăm dò và điều đình. Khi đoàn sứ thần của Đại Nam đến Pháp thì vua Louis Philippe không tiếp. Nguyên nhân do Hội truyền đạo Thiên Chúa đã khuyên vua Louis Philippe không nên tiếp kiến đoàn sứ giả Đại Việt. Đoàn đành phải quay về, sau chuyến hành trình lênh đênh trên biển nhiều năm, khi trở về Huế thì nhà vua đã từ trần. Minh Mệnh mất vào năm 1840 (Canh Tý)!
Nhìn lại lịch sử, công cuộc nội trị và đối ngoại dưới triều Minh Mệnh có nhiều thành tựu rực rỡ nhất trong 13 triều Nguyễn. Bên cạnh , những thành tựu to lớn cũng có phần hạn chế nhất định do bối cảnh lịch sử thời bấy giờ. Sở dĩ, Minh Mệnh có những thành tựu mang tầm lịch sử trong công tác đối nội và đối ngoại là nhờ từ vua cho đến các quan cận thần là những người thực sự tài giỏi và một lòng lo cho triều đình và đất nước. Chính vì vậy, trong công tác đối ngoại và an ninh quốc phòng, xây dựng quân đội hùng mạnh, công cuộc bang giao với các nước lân bang trong thời Minh Mệnh đã được tạo dựng vị thế nổi bật và ảnh hưởng của Đại Nam đối với các nước xung quanh. Đây là một bài học lịch sử quý báu cho các nhà lãnh đạo, quản lý, xây dựng đất nước hôm nay và mai sau ./.
 
 
 
Tài liệu tham khảo và trích dẫn:
- Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim (1999).
- Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam của Nguyễn Quang Thắng & Nguyễn Bá Thế (1999).
- Minh Mệnh - ngự chế văn (Viện Nghiên cứu Hán Nôm - 2000)
- Minh Mệnh chính yếu (Thuận Hóa - 1994)
- Đại Nam chính biên liệt truyện
- Vương triều cuối cùng (Phạm Minh Thảo - NXB VHTT - 2007)
- Chân dung các vua Nguyễn (Đỗ Bang và Nguyễn Minh Tường)
- Triều Nguyễn những vấn đề lịch sử tư tưởng và văn học (ĐH Sư phạm Huế - 1994)
---------------------------------------------------------------
 
Lê Ngọc Trác
Số lần đọc: 1737
Ngày đăng: 24.11.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thị độc Trần Phương - Nguyễn Thanh
Suy ngẫm về nghệ thuật hậu hiện đại Việt Nam trong thời kỳ hội nhập - Tuấn Giang
Nghệ sĩ Thanh Sang – Tiếng hát buồn thiên cổ - Nguyễn Thanh
Nhà thơ Tố Phang – danh sĩ đất Nam bộ - Nguyễn Thanh
Thế giới nguyên vi đêm hoàng lệ. - Phan Đình Dũng
Hoàng Như Thủy An "Từ thơ đến họa" - Vương Kiều
Bob Dylan và những hòn đá lăn - Phan Nam
Những vụ trọng án dưới thời vua Minh Mệnh - Lê Ngọc Trác
Lại nói về Sách : Tin hay Ngờ ? - Phan Văn Thạnh
Loạt suy tư "Thức tỉnh cùng H. Béla" Bài 01: Ánh sáng từ trong tâm hồn - Nguyễn Văn Thượng
Cùng một tác giả