Cái “ăn cơm nhà...” lần trước viết về cụ giáo Đản với việc cấm nuôi chó trong làng in ra, một anh bạn đọc xong gọi điện cho tôi bảo: “Chuyện cụ giáo ấy của làng cậu chắc không chỉ có thế. Sao chỉ kể mỗi một chuyện mà thôi?”. Tôi bảo đúng là còn nhiều lắm, nếu có dịp, tôi sẽ xin được phép kể thêm. Sau đây là một câu chuyện khác có liên quan đến cụ.
Lại nói ông trưởng thôn sau khi đã thành công trong việc cấm nuôi chó, công việc nhà ông ngày càng phát đạt, ăn nên làm ra trông thấy. Ông bèn nghĩ đến việc xây cho mình một ngôi nhà khang trang, bề thế nhất làng. Ngôi nhà được kiến trúc sư tận Hà nội về đo đạc, vẽ kiểu... vừa to đẹp, vừa lạ mắt, quả là có một không hai. Song đến khi xây cổng thì gặp rắc rối. Số là ngõ vào nhà ông trước nay chình ình một cái vũng có từ lâu lắm. Cái vũng không rộng, chỉ khoảng non chục bước chân, xung quanh cây dại um tùm, gai góc chằng chịt. Chẳng biết dưới đáy có nước không vì xưa nay chưa ai từng lội xuống bao giờ. Thỉnh thoảng dưới đó lại vọng lên tiếng oe oé của một con ngoé đang bị rắn nuốt, hay tiếng chít chít lục sục của lũ chuột cống đuổi nhau. Những đêm trở giời, mưa gió hoặc tối tăm ẩm thấp, người đi qua phải rùng mình bịt mũi vì một mùi khắm lặm như mùi mắm tép thối từ đáy vũng xông lên, người làng gọi đó là “ma mắm”.
Thế mà cổng vào nhà ông trưởng thôn lại được thiết kế nằm đúng giữa cái vũng ấy. Tất nhiên chỉ việc lấp nó đi là xong. Ông trưởng thôn thuê người gánh đất đổ từ sáng đến chiều tối thì đầy. Lạ thay sáng hôm sau, vừa đúng chu vi cái vũng cũ xuất hiện một vết nứt. Chỗ đất mới đổ võng hẳn xuống, vài ngày sau thì gần như không thấy đâu nữa, cái vũng lại sâu hoắm như xưa. Tuy có hơi kinh ngạc song không nản chí, ông trưởng thôn quyết tâm lấp cho bằng được. Đất được ùn ùn gánh tới, cái vũng lại lún... Lấp đến lần thứ ba mà vẫn thất bại thì ông trưởng thôn vừa lạ, lại vừa sợ, dân làng cũng kinh ngạc không kém. Cứ như thể cái vũng ấy là một lỗ thủng của quả đất vậy.
Rốt cuộc phải đến hỏi ý kiến bậc cao nhân. Cụ giáo Đản vẫn ngồi nhà, vừa thấy bóng ông trưởng thôn tới đã bảo ngay:
- Cái vũng ấy không tầm thường đâu. Đó là cái mồi của con cá...
Ông trưởng thôn không hiểu cụ nói thế là nghĩa lý gì, vội vàng chạy về xem lại. Bấy giờ mới nhận ra. Bên kia cái vũng, cách một con đường nhỏ, quả có một cái ao lớn y hình một con cá chép đang há miệng vờn mồi. Phía đối diện cách đó khoảng trăm mét, cái ao rẽ làm hai nhánh gần như đối xứng, rõ ràng hình cái đuôi con cá ấy. Thế mà làng sống trên đất này đã bao nhiêu năm lại không hề nhận ra. Nay được cụ giáo chỉ cho biết cái mồi, bấy giờ mới nhìn thấy con cá. Ao đó vốn là ao thiên tạo có từ đời nảo đời nào. Không lấp được cái vũng, chẳng lẽ nhà ông trưởng thôn không xây được cổng? Lại phải nhờ đến mưu cụ giáo Đản. Cụ bảo:
- Triệt con cá đi thì cái mồi tự nhiên hết lý do tồn tại chứ còn sao nữa.
Triệt con cá? nghĩa là phải mua đứt cái ao rồi lấp đi. Việc này không khó đối với ông trưởng thôn. Có điều ao ấy có hai chủ, năn nỉ mãi, ông trưởng thôn cũng chỉ mua được một nửa. Thôi cũng được, con cá bị lấp một nửa thì còn ra hình thù gì nữa. Thế là phần đầu của nó được ông trưởng thôn cho người gánh đất đổ xuống. Bỗng một sự kiện xảy ra, suýt nữa gây nên kiện cáo lằng nhằng. Ấy là ngự trên nền đất phía lưng con cá, sát phần đuôi của nó, xưa nay chính là nhà thờ tổ của ông trưởng thôn. Khi những sọt đất đang được ào ào đổ xuống phần đầu con cá, thì bất ngờ phía đằng kia, cái nhà thờ bỗng rung lên rồi đổ ụp. Cả làng kinh ngạc, nhất là những bà con họ hàng có chung nhà thờ tổ với ông trưởng thôn thì hoảng hốt thực sự. Xưa nay tuy là họ hàng với nhau, song những người ấy vẫn ngấm ngầm ghen ghét với địa vị và sự phát đạt của ông trưởng thôn. Nay thấy nhà thờ bị sập, rõ ràng có liên quan đến việc lấp ao của ông. Họ bèn họp nhau lại, định kiện ông ra toà. Nhưng trước tiên phải nhờ cụ giáo Đản khẳng định điều đó, nếu không thì lấy lý đâu mà kiện. Cụ giáo nghe họ trình bày xong thì bảo:
- Những mạch đất có hình “long” (rồng), “phụng” (phượng), “hổ”, “ngư”(cá), đều là những ni gọi là “linh địa”, tốt thì tốt thật nhưng độc, phải có đức dày mới lâu dài được. Huống chi chẳng có gì là vĩnh cửu ở đời. Nay mạch đã triệt thì không còn độc nữa. Kiện cáo nhau làm gì cho thiên hạ chê cười. Về mà xây lại nhà thờ khác đi.
Quả nhiên khi nửa cái ao được lấp xong, hình thế con cá không còn thì cái vũng cũng không lún xuống nữa. Rốt cuộc ông trưởng thôn yên ổn hoàn thành cả ngôi nhà lẫn cổng một cách mĩ mãn. Ông mở tiệc lớn khao làng, già trẻ không chừa một ai. Cụ giáo Đản tất nhiên cũng được mời đến. Bấy giờ ông cụ lưng đã còng rạp xuống, gần như song song với mặt đất. Cụ chống gậy tới, ngắm chiếc cổng tam quan (3 cửa) uy nghi sừng sững. Cánh cổng giữa vừa cao, vừa rộng lại đóng im ỉm. Dân làng lũ lượt kéo vào bằng hai cổng hai bên, thấp đến nổi phải cúi lom khom mới khỏi chạm đầu. ấy là do ông trưởng thôn làm cổng theo thước Lỗ Ban bên Tàu, chiều cao buộc phải như thế mới hợp cách. Thành ra mọi người muốn vào nhà ông phải cúi đầu mới đi lọt được. Cụ giáo cứ đứng ngoài chứ không chịu vào. Mấy anh người nhà ông trưởng thôn thấy thế chạy ra mời thì cụ bảo:
- Cổng giữa cao thế kia, sao không mở? Ta không thể chui qua cái cổng thấp như vậy được.
Mấy anh người nhà ngắm lưng cụ vốn đã còng rạp, vậy mà còn chê cổng thấp thì buồn cười quá. Có anh không giữ được buột miệng phì cười mà bảo:
- Chẳng phải suốt ngày, lúc nào cụ cũng cúi rạp sẵn rồi đấy sao?. Ai chứ cụ thì còn lâu mới bị chạm đầu cụ ạ.
Cụ giáo nghe xong chống một tay xuống đầu gối, một tay trỏ gậy, nhã nhặn bảo:
- Còng với cúi là hai việc khác nhau, các anh không phân biệt được đâu. Ta còng là còng khi đi giữa trời đất, còng với trời đất. Chứ không phải cúi trước con người. Vào bảo chủ nhà các anh mở cổng giữa ra. Nếu không thì ta đành về vậy.
Ông trưởng thôn nghe báo, phải lập tức sai mở cổng giữa, rước cụ vào nhà. Mấy anh dân làng nhân đó cũng bám sau lưng cụ mà vào theo, khỏi phải cúi lom khom như những người khác...
Sau bữa tiệc ấy ít lâu thì cụ giáo Đản mất. Cái cổng kì dị của ông trưởng thôn bây giờ vẫn còn, hai cánh giữa vẫn đóng im ỉm. Phía bên kia, vẫn là cái nền đất trước đây. Nhưng nhà thờ thì đã được xây lại theo kiểu khác, chẳng giống nhà thờ cũ tý nào.