Ngay từ thập niên đầu thế kỷ 19, các đế quốc phương tây Anh, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và cả Pháp đã đưa quân xâm chiếm các nước nhỏ bé trên thế giới, với chiêu bài khai hóa văn minh và mở rộng đức tin truyền đạo! Đến giữa thế kỷ 18, đế quốc Anh đã thiết lập bộ máy cai trị, chế độ nô dịch trên một phần lớn diện tích Ấn Độ. Các cường quốc phương Tây đã chia xẻ đất nước Trung Hoa rộng lớn. Hà Lan chiếm đóng Inđônêxia, Tây Ban Nha cũng đã đặt ách cai trị lên Philipin.
Ở Pháp, nhờ liên minh với hội thánh Thiên Chúa giáo, dòng họ Bourbon đã đánh bại Napoléon, triều đại phong kiến trở lại ngai vàng đã đưa em trai của vua Louis XVI lên nắm quyền là Louis XVIII. Lập tức, triều đình Pháp được hậu thuẫn và chi phối các chính sách chiến lược từ giáo hội Thiên Chúa giáo Pháp và Rôma.
Ở Việt Nam, trong suốt những năm trị vì đất nước, vua Gia Long áp dụng chính sách hòa hữu với người Pháp và các giáo sĩ Thiên Chúa giáo. Nhưng, trong thâm tâm nhà vua đã cảnh giác với nước Pháp và một số giáo sĩ Thiên Chúa giáo người Pháp. Không thể chi phối chính sách và triều đình của vua Gia Long theo ý của riêng mình, nhất là khi Gia Long nhường ngôi cho hoàng tử thứ 4 là Nguyễn Phúc Đảm, một số giáo sĩ người Pháp đã phản ứng. Nhiều giáo sĩ Thiên Chúa giáo người Pháp bắt đầu đổi chiến thuật để làm cho triều đình và đất nước Việt Nam rối ren, suy yếu. Cụ thể, triều đình Pháp và các giáo sĩ ủng hộ con hoàng tử Cảnh kế vị. Đây là một con bài của người Pháp mong muốn đặt triều đình và đất nước Việt Nam trong chiếc đũa thần thánh của họ.
Đến khi Minh Mệnh lên ngôi, một số giáo sĩ Thiên Chúa giáo người Pháp đã lợi dụng công việc truyền đạo, lợi dụng đức tin của nhân dân theo đạo, tuyên truyền chống đối các chính sách, chủ trương của Minh Mệnh. Thậm chí, còn tích cực tham gia ủng hộ vào các nhóm phản loạn, chống đối Minh Mệnh. Vua Louis XVIII và triều đình Pháp xem vua Minh Mệnh là một tên chống đạo Thiên Chúa. Minh Mệnh đã cương quyết không quan hệ với nước Pháp, áp dụng chủ trương "bế môn tỏa cảng" và cấm đạo Thiên Chúa giáo. Thời gian đầu còn tương đối, nhưng đến năm 1826, 1836 và năm 1839 khi nhận được bản sớ kiến nghị của Bộ Lễ và Bộ Hình và nhiều quan đại thần, Minh Mệnh càng đẩy mạnh chủ trương cấm đạo. Tình hình càng rối ren, thảm cảnh tàn phá nhà thờ, bắt tù, tội đồ và giết người dân vô tội và các giáo sĩ càng thê thảm hơn!
Đến năm 1841, Hoàng thái tử Miên Tông lên ngôi kế vị, đặt niên hiệu là Thiệu Trị. Thời vua Thiệu Trị vẫn giữ chủ trương cấm đạo và không giao thiệp với các nước phương Tây; chủ yếu là tuyệt giao với Pháp. Nhưng, tình trạng cấm đạo Thiên Chúa có phần không căng thẳng như thời vua Minh Mệnh. Những năm đầu triều Thiệu Trị, vẫn còn một số giáo sĩ bị giam giữ. Năm 1847, triều đình Pháp đưa 2 tàu chiến do Đại tá De Lapierre và Trung tá Rigoult de Geneouilly chỉ huy tiến vào hải cảng Đà Nẵng, cử người tiến đến Huế yêu cầu triều đình Huế bãi bỏ lệnh cấm đạo cho dân tự do theo đạo Thiên Chúa và trả tự do cho các giáo sĩ đang bị giam giữ. Trong khi hai bên đang thương lượng chưa tìm được tiếng nói chung, thì ở trên tàu chiến Pháp nghi ngờ quân ta đánh úp chúng ở biển Đà Nẵng nên nổ súng đánh chìm tàu của triều đình, rồi nhanh chóng nhổ neo kéo nhau chạy ra biển. Vua Thiệu Trị được cấp báo tình hình đã xảy ra, tức giận và ban lệnh: Cấm người ngoại quốc vào nước giảng đạo. Đồng thời, trừng trị người dân nào theo Thiên Chúa giáo. Đến tháng 9 năm 1847, vua Thiệu Trị băng hà. Tháng 10 năm 1847, hoàng tử thứ 2 là Hồng Nhậm nối ngôi, lấy niên hiệu Tự Đức.
Đến thời Thiệu Trị và Tự Đức, vị thế và tình hình Đại Nam không còn mạnh. Tình hình nội bộ triều đình và đất nước bắt đầu có những rối ren, bất ổn... không còn hưng thịnh như thời kỳ vua Minh Mệnh trước đây!
Ở Pháp, từ năm 1843, Pháp quan tâm đến Đại Nam và cả vùng Viễn Đông và Đông Dương hơn. Thượng quan Guizot đã kiến nghị với triều đình Pháp: "Nước Pháp cần phải chiếm lấy vùng Viễn Đông, phía Nam Trung Hoa và Đại Nam (Việt Nam)".
Cuộc cách mạng 1848 và tình trạng tranh giành quyền lực ở Pháp đã đưa dòng họ Napoléon trở lại ngai vàng và chính trường nước Pháp. Vua Napoléon III cương quyết với ý đồ và lên kế hoạch đánh chiếm Đại Nam. Như thế rõ ràng từ triều đình Louis Philip đến Napoléon Đệ tam, nước Pháp đều có dã tâm xâm chiếm và biến Đại Nam thành thuộc địa của Pháp. Từ chiêu bài xâm lăng bằng lợi dụng đức tin Thiên Chúa, Pháp đã ra mặt dùng vũ lực đối với đất nước Đại Nam. Kế hoạch của triều đình Pháp được đông đảo tướng lãnh quân đội ủng hộ như Cécille, Fourichon, Jaurès, các nhân vật ngoại giao như De Couruy, Bourboulon và cả một số giáo sĩ trong giáo hội ủng hộ và tán thành. Như thế, nước Pháp bằng nhiều biện pháp từ con bài tôn giáo đến súng đạn tàu chiến và đại bác với ý đồ xâm lược đất nước ta, không chỉ với mục đích "tôn giáo" và "khai hóa văn minh" gì cả! Thế là! Đến rạng sáng ngày 01/9/1858, hạm đội tàu chiến của Pháp gồm 14 tàu và 3000 quân, 500 quân Tây Ban Nha do R. de Genouilly chỉ huy nổ súng tiến đánh Đà Nẵng. Quân Pháp chọn đánh vào Đà Nẵng chỉ cách Huế 100 km và là cổ họng của kinh đô Đại Việt.
Khi tấn công Đà Nẵng, Pháp bị quân triều đình và nhân dân chống trả quyết liệt. Quân Pháp bị bao vây, giam chân tại chỗ gần 5 tháng liền, không thể tiến công đánh chiếm Đại Nam như kế hoạch ban đầu. Quân Pháp phải chia quân, để lại một ít đóng ở Sơn Trà (Đà Nẵng), còn lại huy động đi đánh Gia Định. Ngày 9/2/1859, quân Pháp tiến vào Vũng Tàu với lực lượng hùng hậu, vũ khí tối tân tấn công thành Gia Định. Quân ta vũ khí thô sơ, không địch lại tàu chiến, đại bác và vũ khí hiện đại của Pháp nên từ 16 đến 17/2/1859 quân Pháp đã hạ đồn Gia Định, mở đầu cho một trang sử buồn đau của đất nước, Cả Gia Định và Nam Kỳ trở thành thuộc địa của Pháp và cả đất nước sau này!...
01/9/1858 là ngày lịch sử của đất nước, ngày nhân dân Việt Nam khởi đầu cuộc kháng chiến chống đế quốc Pháp xâm lược. Và, cuộc chiến đầy hy sinh tính mạng, tài sản, nước mắt... và cực kỳ gian khổ kéo dài gần 100 năm! Sau gần 1 thế kỷ, cả dân tộc Việt Nam đã vượt qua muôn vàn gian nan, thử thách và đau thương, đã hy sinh biết bao xương máu, tài sản quý báu, một lòng anh dũng kiên trì đấu tranh với thực dân Pháp. Và, cả dân tộc Việt Nam đã buộc Pháp phải ký kết Hiệp định Giơnevơ kết thúc chiến tranh và rút khỏi đất nước Việt Nam cùng các nước ở Đông Dương vào ngày 20/7/1954.
Sau này, khi đọc về những sự kiện lịch sử của đất nước và dân tộc, trong chúng ta thường có ý tự hỏi: "Tại sao Minh Mệnh lại chọn chủ trương "cấm đạo" và "bế quan tỏa cảng"? Tại sao triều đình không tìm ra đối sách mềm dẻo và hiệu quả hơn?...". Lịch sử chỉ là sự thật. Không thể tự hỏi hồi hay, tại sao và ước gì, làm như thế này, thế kia?! Chủ trương "cấm đạo" và tuyệt giao với phường Tây là cách mà Minh Mệnh và cả triều đình Huế lựa chọn để bảo vệ chủ quyền đất nước và vương quyền. Minh Mệnh là một vị vua chuyên chế. Cấm mà không được ắt phải xử tội chết, để thể hiện uy quyền và răn đe! Đây cũng là chủ trương và là nhân sinh quan trong bối cảnh lịch sử thời kỳ đó, kể cả từ vua cho đến các quan đại thần của triều đình và cả nho sĩ, trí thức thời ấy!... Những sự kiện lịch sử trong quá khứ của một triều đại, một đất nước là những bài học quý giá được viết bằng máu và nước mắt của cả một dân tộc. Mỗi người trong chúng ta hôm nay đọc, học và tự rút ra một kinh nghiệm, một bài học quý gia và một kết luận của riêng mình.
Tài liệu tham khảo & trích dẫn:
1/ Việt Nam sử lược
của Trần Trọng Kim.
2/ Từ lịch sử Việt Nam nhìn ra thế giới
của TS Nguyễn Quang Lê
3/ Tiến trình lịch sử Việt Nam
của Nguyễn Phan Ngọc
4/ L'Empire d'Anam
của C. Gosselin - NXB Paris 1904
5/ La geste Française en Indochine
của G. Taboulet (Paris 1955)