Bất chợt chiếc xe máy cà tàng đời cũ khục khục lên mấy tiếng rã rời mệt nhọc như muốn dừng lại, tôi bình tĩnh tay phải hãm bớt thắng, chân trái tôi nhanh nhẹn trả số rồi chống vội xuống cặp lề đường. Sáng nào cứ đến gần giờ lên lớp của thầy cô giáo ở trường học, nơi ngả tư đường quen thuộc cũng tấp nập xe cộ và khách bộ hành qua lại. Trong ánh nắng buổi sáng xuân màu thủy tinh trong vắt, hình bóng ngôi trường cũ thân yêu hiện ra trước mắt. Tôi cảm thấy trong lòng vừa ấm áp lại vừa gợn lên một thoáng bâng khuâng.
Sừng sững, trang nghiêm ba dãy dài một tầng, trường trung học Phan Thanh Giản khiêm tốn nằm tọa lạc giữa một trung tâm sầm uất được mệnh danh là khu La -Tin của Tây Đô, bao bọc bởi những con đường rợp bóng sao lão mang tên những nhà yêu nước đáng kính, những phong trào cách mạng và cơ quan văn hóa, trường học. Kiến trúc theo phong cách Pháp, ngôi trường cũ với mái ngói mốc đã rêu phong, vách tường cũ vàng nhạt, lổ đổ vệt mờ thời gian nhắc tôi chạnh nhớ đến bao kỷ niệm của một thời cấp sách xa lăng lắc khi mới vào trung học.
·
Hai tiết học Việt văn cuối buổi sáng thứ bảy của giáo sư Dương Du Cam tạo nên không khí dễ chịu cho học trò lớp đệ Thất. Theo thông lệ, non nửa giờ học còn lại, thầy cho đám đệ tử áp dụng phần thi pháp mà thầy đã hướng dẫn thêm trong tuần trước. Đứng nghiêm trang trên bục giảng, với vẻ mặt phúc hậu hiền từ, thầy Dương Du Cam đưa tay chỉnh lại gọng kính lão, vừa thân mật rảo mắt nhìn học trò trong lớp, vừa buông giọng chẫm rãi như lúc giảng bài:
- Buổi sáng nay, các em thực hành ngay tại lớp thể thơ tứ tuyệt trong thời gian ba mươi phút.
- Thưa thầy, đề tài chi ạ ? Nhanh nhẹn, một cậu trong lớp hồ hởi lên tiếng.
Chưa vội trả lời học trò, thầy Dương Du Cam ngó bâng quơ ra cửa sổ với vẻ đâm chiêu suy nghĩ như thầy đang cố tìm đề tài. Thầy giáo trở lại ngồi trên bục giảng. Học trò cả lớp lên nhìn thầy, yên lặng chờ đợi trong nỗi háo hức thú vị. Bỗng chốc, thầy Dương Du Cam nhìn lại lớp, thân mật:
- Đề tài tự do ! Cả lớp ồ lên một tiếng rồi dần dần yên lặng như tờ.
Buổi trưa ngày cuối đông, từng vạt nắng xanh trong lách qua khung cửa sổ vào phòng. Gió hiu hiu lành lạnh, xào xạc đám lá khô ngoài sân trường. Có khuôn mặt trầm ngâm, chờ mong nàng Thơ đến cũng có người tỏ ra sốt ruột. Trong không khí tĩnh lặng gần hết giờ quy định, gần cuối lớp có người lên tiếng:
- Thưa thầy, em làm xong rồi ạ ! Nguyễn Đồng, cận thị, học khá Việt văn, tính nhanh nhẹn đem bài thơ lên cho thầy xem : Gió lạnh đông về đã thoáng qua / Xuân mang vui đến tận muôn nhà / Chúc Thầy sống đặng dư trăm tuổi / Mạnh khỏe an lành dạy chữ ta (Xuân về).
- Bài thơ tả tình của trò Đồng (nay là họa sĩ hải ngoại ở Mỹ) có ưu điểm: làm nhanh, đúng luật bình trắc. Chủ đề trong sáng, lành mạnh. Lời thơ dung dị, dễ hiểu và cảm động. Rõ là tác giả có khả năng xuất khẩu thành thi. Tuy nhiên bài thơ tứ tuyệt chỉ gói trọn ý trong 28 chữ, các trò nên rất kiệm lời, đôi khi cũng cần sử dụng tu từ cho ngôn ngữ trong thơ có màu sắc, bay bướm để tăng thêm sự thuyết phục. Cần hơn cả là cố tìm được tứ thơ hay, lạ để diễn đạt. Thầy tôi nhìn tác giả dịu dàng trao dổi. Nguyễn Đồng đứng nghiêm trang, nhìn thầy, lắng nghe như thầm cảm ơn người thầy dạy văn chương tận tụy, đáng kính.
Bài thơ tôi làm nộp chung trong đợt sau cùng nhiều bạn khác thuộc loại tả cảnh thực ngoài sân trường hôm ấy, được thầy đánh giá khá, không sai vần luật nhưng cần trau chuốt thêm ở từ ngữ và sâu sắc về thi tứ : Gạch chất chập chồng một góc sân / Thợ thuyền bàn bạc tiếng vang rân / Vô tình lưỡi xuổng đành đâm đất / Anh thợ mệt nhoài, đứng chết trân (Cảnh xây dựng). Mới vào trung học, Tôi có duyên văn tự gặp ngay thầy dạy Văn mà hồn cốt thêm dạt dào chất văn nghệ thực sự. Thầy Dương Du Cam, ngoài dạy học, còn là nguyên soái của tao đàn Dương Chi, nơi gặp gỡ của nhiều tao nhân mặc khách trong thành phố tìm đến để bàn bạc văn chương và ngâm thơ vịnh phú. Thầy tôi cũng đã xuất bản nhiều tác phẩm văn chương và sách dạy tiếng Việt. Như ta biết, tiếng Việt có có nguồn gốc từ chữ La Tin, loại đơn âm nhưng chính tả không đơn giản, lại có nhiều dấu nên nó không phải là loại ngôn ngữ dễ học, dễ viết. Độc đáo hơn hết ở thầy Dương Du Cam là những sách dạy về luật hỏi ngã về chính tả khi nào viết c, t,.. khi nào viết ă, â,…khi nào viết có ô, không ô, có g hay không g,…soạn bằng những bài thơ ví von có vần, có tiếng bình, tiếng trắc cho học trò dễ nhớ : Ác vàng vừa ló bóng đằng đông / Chim ác là kêu dội cánh đồng / Mỏ ác trẻ con còn chửa cứng / Ác nhơn phơi nắne g để đầu không / … Đường trơn ướt at khó đi giày…/
Thầy Bùi Văn Nên, bút danh Hiếu Văn, tốt nghiệp sư phạm Huế, dạy Văn lớp đệ Ngũ, mà hồn cũng rất thơ, hay đọc thơ tình thời trẻ của thầy cho học trò chép : Tha thướt như tơ liễu rũ cành / Dáng em thơ mộng, miệng em xinh / Tóc em lả lướt theo vành nón / Mắt đẫm sông Hương ngát diễm tình…(Cô gái Huế). Thầy Phan Văn Kha, con của nhà thơ Phan Văn Dật - tác giả thi phẩm ’Bâng khuâng’ - được nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan nhắc tới trong ‘Nhà văn hiện đại’ - dạy Văn lớp Đệ Tứ thường cho học trò chép những bài dịch ra tiếng Pháp từ những bài thơ nổi tiếng của Huy Cận (Dấu chân trên đường), Vũ Hoàng Chương (Phương xa)…
Qua cửa ải Trung học Đệ nhất cấp - tốt nghiệp Trung học Cơ sở bây giờ - lên lớp đệ Tam, chúng tôi được học Văn với thầy Nguyễn Tri Hựu, bút danh Anh Pha. Thầy là tác giả thi phẩm ‘Hoa muộn Tây Đô’ trong đó có bài thơ dịch ‘Tình tuyệt vọng’ rất có hồn và sát nghĩa từ bài thơ tình nổi tiếng “Sonnet” (*) của thi sĩ Pháp Félix d’Avers (1806-1850) . Nhưng ấn tượng nhất là bốn bài thơ Tứ đổ tường làm theo thể Đường luật thất ngôn bát cú, theo vận Từ Thứ - một lối gieo vần bắt buộc rất khó: Rượu nhập lời ra, cụ hóa thằng / Sống nào vì lẽ uống cùng ăn…/ Cất chén Lưu Linh, tay lập cập / Xem thơ Lý Bạch, chữ lăng nhăng (Tửu), loại vần : thằng, ăn, măng, nhăn, răng; Sắc bất ba đào, vẫn bũa xô / Sông Tương rộn rịp, cậu tìm cô / Nguồn ân lạch cạn, ai say đắm / Bể ái thuyền đầy, nước chảy vô… (Sắc), vần : Xô, cô, vô, ô, rô ; Canh bài xào xạc suốt canh gà / Hốt của lòng tham, khó bỏ qua…/ Cạn lưng, con quyết khiêng rương bố / Sạch túi, cháu toan cạy tủ bà…(Tài) với vận : gà, qua, nhà, bà, già ; Vàng bạc ai đem dốt lửa lò / Ra-dio một bóng văn tò mò…/ Nha yên huyền diệu mê hồn bướm / Kiều diễm tiên nâu, khéo dỡ trò (Khí) với vận : lò, mò, lo, cho, trò. Thầy Nguyễn Tri Hựu hay đùa với học trò : vì cảm xúc nhiều nên thầy bị bệnh tim. Thầy Nguyễn Tri Hựu mất sớm khi chưa tới tuổi hưu vì bệnh uyết áp.
Sang lớp đệ Nhị, tôi học Văn với thầy Phạm Thế Ngũ, tác giả bộ sách biên khảo vănhọc 3 quyền có nhan đề ‘Việt Nam văn học sử giản ước tân biên’ một công trình biên soạn giá trị và một số quyển sách văn học khác.
Năm 1958, trường trung học Phan Thanh Giản tại Cần Thơ chưa mở lớp đệ Nhất. Một phần rất ít học sinh sau khi đỗ Tú Tài I phải chuyển trường lên học ở Sài Gòn. Đa số các cậu cô Tú I vào trường Pétrus Ký. Riêng tôi theo ban Toán, nhờ học tập, hạnh kiểm tốt nên được thầy hiệu trưởng kiêm giáo sư dạy tiếng Pháp Nguyễn Văn Kính gởi lên học trường trung học Chu Văn An – đường Trần Bình Trọng, gần Trung tâm học liệu lúc bấy giờ - Được nhận vào học lớp đệ Nhất B3 ban Toán, vì thầy tôi bảo ở trường đó có giáo sư Toán giỏi, tôi may mắn được học môn Triết ở lớp đệ Nhất với giáo sư Trần Bích Lan, tốt nghiệp cử nhân Triết ở Pháp về. Ban đầu, nghe nói, bạn bè tưởng đâu Trần Bích Lan là nữ giáo sư. Về sau, mới biết thầy dạy Triết này là một nam giáo sư dáng dấp phong độ, khỏe mạnh nhưng vẻ mặt hơi buồn. Thầy có cái tên rất ‘con gái’ này là một nhà thơ trên thi đàn miền Nam vào những năm cuối thập niên 1960. Nguyên Sa - bút danh của giáo sư Trần Bích Lan - là nhà thơ lãng mạn tài hoa nổi tiếng với những bài thơ tình của lứa tuổi yêu hoa cúc và thích viết mực mồng tơi : Nắng Sài Gòn, anh đi mà chợt mát / Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông / Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng / Thơ anh viết bằng muôn nong lụa trắng… (Áo lụa Hà Đông) ; Paris có gì lạ không em / Mai anh về em có còn ngoan / Mùa xuân hoa lá vương đầy ngõ / Em có tìm anh trong cánh chim / Paris có gì lạ không em / Mai anh về giữa bến sông Seine / Anh về giữa một dòng sông trắng /Là áo sương mù hay áo em.… (Paris có gì lạ không em) ; Không có anh, lấy ai đưa em đi học về / Lấy ai viết thơ cho em mang vào lớp học / Ai lau nước mắt cho em ngồi khóc / Ai dắt em đi chơi trong chiều mưa …(Cần thiết) ; Sài Gòn đi rất chậm buổi chiều / Cánh tay tà áo sát vòng eo / Có nghe hơi thở cài vương miện / Năm ngón thơ buồn đứng ngó theo…/ Sài Gòn ngồi thư viện rất nghiêm / Tờ hoa trong sách cũng nằm im / Đầu thư và cuối cùng trang giấy / Những chũ y dài trông rất ngoan…(Tám phố Sài Gòn) ; Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc / Áo nàng xanh, tôi mến lá sân trường / Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương /Tôi thay mực cho vừa màu áo tím … (Tuổi mười ba). Thầy Trần Bích Lan yêu thơ, nổi tiếng về thơ nhưng trong lớp ít khi thầy nhắc đến chuyện văn chương chắc là để cho học trò được yên tâm học.
Năm tôi học Văn khoa tại Cần Thơ, môn Văn chương bình dân (nay gọi là Văn học dân gian) do giáo sư Ngô Văn Phát giảng dạy. Thầy cũng là một nhà thơ nổi tiếng từ lâu. Chính thầy Thuần Phong – bút danh của thầy Ngô Văn Phát (1910-1983) – là người đã sâu sắc, điêu luyện họa lại 10 bài thơ ‘Khuê phụ thán’ làm theo kiểu thập thủ liên hoàn vô cùng hiểm hóc của nhà thơ Thượng Tân Thị (1879-1966), gây nên tiếng vang lừng lẫy một thời trong làng thơ Nam bộ. Giáo sư Thuần Phong, còn có bút danh khác là Tố Phang, Đồ Mơ, tác giả của nhiều công trình biên khảo, giảng luận văn chương và sáng tác phẩm hay cho sinh viên của thầy làm thơ tại lớp.
Thầy bảo trợ cho chúng tôi ở ban Cao học Văn chương tại trường Đại học Văn khoa Sài Gòn là giáo sư Bửu Cầm (1920-2010), trưởng ban Hán Nôm trường Đại học Văn khoa Sài Gòn và Huế, cũng là một nhà giáo mang tầm hồn thi sĩ. Giáo sư Bửu Cầm là tác giả của 10 ấn phẩm văn học thể hiện một kiến thức uyên thâm về Hán và Nôm và để lại một tác phẩm phiên dịch những bài thơ Đường rất dào dạt hồn thơ.
Tôi chọn con đường văn không phải do một định mệnh mà với cả một niềm đam mê cháy bỏng đã dẫn dắt tôi ngay từ thuở nhỏ. Ra trường, tôi dạy Văn cho học trò rồi lân la đến với xóm Văn tức là đi theo con đường các thầy tôi như một chọn lựa bình tĩnh và sáng suốt của
mình. Đã bao lần trong thâm tâm tự nhủ : tôi vô cùng biết ơn tất cả những thầy dạy Văn đã không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn gieo vào tâm thức tôi cả cái phong cách giảng dạy đằm thắm,với niềm đắm say văn học nghệ thuật và tấm lòng yêu thi ca vô tận của các vị ân sư – những người thầy học mang tâm hồn những khách thơ ngay khi tôi còn ngu ngơ tập tễnh gieo vần từ trên ghế nhà trường.
Tháng 11. 2017
(*) Xem ‘Danh sĩ và giai nhân’ - tạp chí KTNN số 834 ra ngày 10.10.2013