Sáng nay Huyền vào sân bay Cam Ranh sớm để đón cô bạn thân ở Mỹ về, có mang theo món hàng của Lê Hiền, chồng Huyền gửi về. Cô bạn không xuống sân bay Tân Sơn Nhất mà xuống sân bay Cam Ranh cho tiện, vì quê cô ở Nha Trang.
Bảy giờ chiếc xe Mercedes màu đen bóng loáng của Huyền đã vào đến cảng hàng không Cam Ranh. Chiếc xe vừa vào đến bãi đậu xe của nhà ga, người lái xe đỗ xe vào nơi quy định, xuống xe, nhanh nhẹn mở cửa xe cho Huyền bước ra, Huyền lộng lẫy trong bộ váy màu vàng nhạt lung linh trong nắng sớm. Vừa đặt chân xuống sân bãi, Huyền bất chợt thấy một người đàn ông trung niên, vận bộ đồ công nhân màu xanh lá cây đã cũ, đội chiếc mũ bảo hiểm cũng cũ kỹ, gương mặt đen sạm, ria mép lởm chởm, người khắc khổ, ngồi trên chiếc xe máy màu đen lấm láp bùn đất, môi phì phèo điếu thuốc. Huyền ném cái nhìn về phía người đàn ông, bất chợt nhận ra ngay đó là Tào, chồng cũ của mình. Mặc dù đã gần năm năm, Huyền từ giã anh ta. Nhưng cái dáng người cao lênh khênh, gương mặt chữ điền với cái nốt ruồi to như hạt bắp ở dưới cằm thì không sao Huyền quên được, hơn nữa hai người đã chung sống với nhau ngót chục năm trời, có với nhau một mặt con. Huyền bước đến bên Tào:
- Chào anh Tào!
Tào giật mình ngẩng lên, nhìn thấy Huyền, Tào nhận ra nhưng giả bộ làm ngơ.
- Cô... lầm rồi. Tôi..., tôi không phải tên... Tào. Tào xuống xe, định dắt xe lánh đi nơi khác, tránh mặt Huyền thì Huyền nhanh tay giữ lấy tay lái xe của Tào và nói:
- Anh đừng giả bộ làm ra vẻ chúng ta không quen biết nhau. Tuy bị anh đuổi ra khỏi nhà, đã lâu nhưng tôi vẫn nhận ra anh, nhiều năm nay tôi luôn theo dõi và biết rõ về anh, về hoàn cảnh của anh hiện giờ ra sao. Đi, vào quán nước kia ta ngồi nói chuyện, dẫu sao anh cũng là ba của con Mai.
Tào cảm thấy xấu hổ, không còn mặt mũi nào để gặp lại Huyền. Tào lên xe, nổ máy phóng xe vội ra phía các hàng cây dương, phía đông bãi xe, nơi có khá đông các bác xe ôm đang đứng đón khách. Lúc này máy bay đã hạ cánh xuống đường băng, Huyền mở bóp lấy ra một sấp tiền có mệnh giá năm trăm ngàn đồng, đưa cho người lái xe của mình nói:
- Anh mang số tiền này lại đưa cho anh xe ôm kia giùm tôi.
Anh lái xe cầm tiền, giọng lễ phép:
- Dạ. Thưa cô, tôi làm ngay.
Anh lái xe rảo bước đi về phía mấy ông xe ôm, Huyền đi vào nhà ga đón khách.
Anh lái xe đến bên Tào, đưa xấp tiền, nói:
- Cô chủ tôi gửi anh số tiền này.
Tào xua xua tay:
- Không, tôi không nhận, tôi với cô chủ anh có quen biết, nợ nần gì nhau mà nhận số tiền này.
- Anh nói thế nào ấy chứ, ban nãy ngồi trong xe tôi đã nghe được câu chuyện của hai người. Giờ anh nói không quen biết cô chủ của tôi sao. Nè, cầm lấy, ngần này đối với cô chủ tôi nhằm nhò gì. Nói cho anh hay, cô chủ tôi làm kinh doanh nhưng rộng lượng và tốt bụng. Với những người nghèo, cuộc sống cơ nhỡ cô giúp đỡ một vài triệu là chuyện thường. Cầm đi - Anh lái xe nhét xấp tiền vào túi áo ngực Tào. Mấy ông xe ôm ở quanh đó cười ồ lên, nói: “Nghèo khổ phải chạy xe ôm kiếm sống qua ngày nay có người cho tiền xài mà còn sĩ. Quan hệ thế nào mà tốt rứa. Họ hàng bà con hay...?”.
Tào im lặng không nói năng gì. Vẻ mặt buồn, lên xe, nổ máy phóng đi trong sự hoài nghi của mọi người.
*
Tào ngày hôm đó bỏ không chạy xe, về nhà, người bỗng dưng sốt đùng đùng, lên giường nằm rên hừ hừ, nằm cho mãi tới chiều tối, mặt trời đã lặn vẫn chưa dậy. Thằng con trai ở trường mẫu giáo không có người đón. Mấy người bà con hàng xóm thấy bên nhà Tào im ắng, mỗi bận vào giờ này, hai cha con đã la lối om sòm. Tào có tính hay nổi cáu, chửi bới thằng con trai thậm tệ. Sao hôm nay im lặng thế. Hẳn có chuyện gì khác thường. Bà Cầm, nhà ở kế bên lo lắng chạy sang. Đẩy cánh cửa liếp ọp ẹp bước vào nhà, nhìn thấy Tào nằm cuộn tròn trên chiếc giường tre ọp ẹp, mồ hôi trên trán vã ra, mắt lờ đờ nhìn lên nóc nhà. Bà đến bên nói:
- Nè, chú Tào. Sao giờ này không đón thằng cu Phèn. Trời sắp tối rồi?
Tào quay mặt nhìn bà Cầm, mệt mỏi, ể oải nói ngắt quãng:
- Tối... rồi... hả... cô?
- Chú bệnh hả. Thế còn thằng Phèn thì sao? Ai đón?
- Cháu... bệnh quá, không dậy được. Nhờ... Cô... đón giùm con!
- Trời. Sao không nói sớm. Giờ này thấy cha không đến đón hẳn thằng bé khóc xưng cả mắt rồi. - Bà Cầm quay về nhà lấy xe máy đi đón thằng Phèn. Vừa đi, miệng bà lẩm bẩm: “Rõ khổ. Giá như nó không đuổi con Huyền. Hai vợ chồng cứ sống vui vẻ, thuận hòa với nhau như xưa thì thằng Tào đâu ra nông nỗi này. Cảnh gà trống nuôi con...”.
Bà Cầm là tổ trưởng dân phố. Lại ở sát vách nhà Tào, bà chứng kiến ngay từ ngày đầu Tào về ở khu Tháp Bà này lập nghiệp. Khi Tào lấy Huyền, bà là người đứng ra quán xuyến mọi công việc tổ chức đám cưới. Bà Cầm lại là người đồng hương với Huyền. Bà là người Quảng Nam cùng cha mẹ vô đây sinh sống từ ngày bà mới chín mười tuổi. Huyền quê ở Hòa Vang, người cùng xã với nhà bà. Bà Cầm là người hiểu rất rõ từng chân tơ, kẽ tóc của vợ chồng Tào. Bà chứng kiến mỗi bước thăng trầm của vợ chồng Tào từ ngày đầu hai đứa đến với nhau. Ngay từ những ngày đầu quen biết Tào và Huyền bà đã có cảm tình với cặp vợ chồng trẻ này. Bà rất quý Huyền, một cô gái hiền thục, nết na, một cô giáo thông minh, giỏi giang rời quê vô đây sống độc thân. Bà từng kể cho mọi người nghe về mối tình của Tào và Huyền trước đây. Bà Cầm có lối kể chuyện truyền cảm, hấp dẫn. Bà vốn là giáo viên dạy Văn. Mỗi khi bà kể chuyện là mọi người chỉ biết há hốc mồm ra mà nghe. Giọng Quảng Nam trầm ấm:
- Tào là sinh viên Đại học Thủy sản Nha Trang, học khoa cơ khí, ở trọ trong nhà tôi. Cùng ở trọ trong nhà còn có hai cậu sinh viên nữa, sau khi đến ở tìm hiểu tôi mới biết cả ba cậu cùng quê Quảng Bình. Trong ba cậu tôi quý Tào hơn cả. Tào là một thanh niên đẹp trai, nhanh nhẹn. Ngoài đi học trên lớp ra, về nhà thường giúp gia đình tôi làm các công việc trong nhà như quét nhà cửa, xách nước, những ngày nghỉ cuối tuần còn cùng vợ chồng tôi lên rẫy cách nhà cả chục cây số tỉa bắp. Các con tôi rất mến chú Tào, bởi chú giỏi toán, thường kèm cặp chỉ bảo sắp nhỏ làm toán. Ngoài ra Tào còn có khiếu đờn hát. Buổi tối chú Tào dạy các con tôi cùng với lũ trẻ trong xóm học hát. Vào những đêm trăng sáng mấy chú cháu tụi nó kéo nhau lên sân thượng hát hò cho tới khuya mới đi ngủ. Giọng hát của Tào ngọt ngào. Tụi nhỏ thích nhất mỗi khi chú Tào hát bài: “Quảng Bình quê ta ơi” của cái ông nhạc sĩ Hoàng Vân. “Quảng Bình quê ta / Lòng dân son sắt câu ca hát rằng...” mỗi lần chú Tào cất lên, ngay cả tôi cũng phải chăm chú lắng nghe. Giọng hát như hút hồn người nghe.
Sau năm năm học, tốt nghiệp ra trường những chú học khoa nuôi trồng, khoa hàng hải đều xin được việc làm, riêng Tào học cơ khí rất khó xin việc, mặc dù Tào là sinh viên đỗ vào loại giỏi.
Không xin được việc làm, Tào mượn vợ chồng tôi ít tiền, mua sắm đồ nghề, dựng một túp lều nhỏ ở đầu phố sửa xe máy, xe đạp. Vào giữa thập niên chín mươi, nhờ có chính sách đổi mới của nhà nước, đời sống của nhân dân, cán bộ công nhân viên chức khá lên, nhiều gia đình sắm xe gắn máy... Cái nghề sửa xe của Tào cũng làm ăn được. Học ngành cơ khí nên tay nghề của Tào sửa chữa xe máy, hon đa khá thành thạo, làm có uy tín nên khách hàng đông. Bà con trong phường, cán bộ công nhân viên trong các cơ quan ban ngành có trụ sở làm việc ở trong phường Vĩnh Hải, mỗi khi xe hỏng đều mang đến Tào sửa.
Huyền khi ấy là giáo viên tiểu học, trường của Huyền nằm ở cách tiệm sửa xe của Tào chừng hai trăm mét. Hàng ngày hai buổi lên lớp đều đi ngang qua tiệm của Tào. Mỗi khi xe hỏng hóc đều mang đến cho Tào sửa. Dần dà hai cô cậu quen nhau, rồi tình yêu của hai người đến lúc nào chẳng hay. Khi tình yêu đã chín mùi, Tào và Huyền quyết định đi đến hôn nhân, Tào có hỏi ý kiến vợ chồng tôi. Chúng tôi thấy cô giáo Huyền là người hiền lành, nết na. Huyền ngày đó là cô gái ngoài hai chục tuổi, gương mặt trái xoan, sống mũi dọc dừa, nước da trắng như trứng gà bóc, có đôi môi lúc nào cũng hồng tươi chẳng cần trang điểm vẫn đẹp. Ai nhìn cũng yêu. Được Tào hỏi ý kiến, vợ chồng tôi tán thành ngay. Hai người yêu nhau chừng hơn một năm là quyết định làm đám cưới. Gia đình Tào ở xa, hôm cưới chỉ có ông anh họ ở Gia Lai xuống. Mọi việc Tào nhờ vợ chồng tôi đứng ra lo liệu. Ngày ấy cuộc sống còn thiếu thốn, đám cưới tổ chức giản đơn, họ hàng, bạn bè đến dự đãi bằng kẹo bánh, trà thuốc. Ông chồng tôi đứng ra làm chủ hôn.
Hai người lấy nhau, nhà trường của Huyền dành cho một căn phòng nhỏ trong khu tập thể của trường để hai người ở. Tào và Huyền sống với nhau rất hạnh phúc. Công việc sửa xe của Tào ngày một phát đạt. Từ một tiệm sửa chữa nhỏ, Tào đã phát triển lên thành một tiệm lớn, thuê cả căn nhà cấp bốn rộng cả năm chục mét vuông, ngay mặt đường 23/10 Vĩnh Hải làm thành gara sửa chữa xe máy Quảng Quảng. Bởi lấy tên Quảng Quảng là hai vợ chồng đều là dân xứ Quảng. Tào quê Quảng Bình, Huyền quê Quảng Nam. Gara của Tào có tới chục người làm, trong đó có tới ba thợ có tay nghề cao, còn lại bảy người là học trò vừa học, vừa làm. Thu nhập của gara ngày một cao. Sau hai năm, Tào đã dành được tiền mua đất dựng nhà. Một năm sau khi có nhà mới, Huyền sinh con đầu lòng, một bé gái kháu khỉnh. Vợ chồng Tào Huyền đặt tên con là Mai. Thời điểm này công việc của Tào khá bận rộn. Tào cần có người lo cơm nước hàng ngày cho thợ. Tào đã bàn với vợ, nghỉ dạy học, ở nhà chăm con, lo việc nhà và nấu cơm nước phục vụ thợ. Huyền là cô giáo yêu nghề, yêu học sinh, yêu trường lớp không muốn bỏ nghề. Tào đã nhờ đến vợ chồng tôi tác động với Huyền. Vợ chồng tôi thấy Tào nói cũng hợp nhẽ. Chúng tôi đã gặp Huyền nói chuyện, phân tích thiệt hơn, cuối cùng Huyền cũng ưng thuận nghỉ dạy, ở nhà chăm lo công việc gia đình.
Hàng ngày, Tào làm việc ở gara. Huyền dậy sớm đi chợ mua đồ về nấu ăn, chăm con. Cuộc sống cứ thế trôi đi êm đềm, hai vợ chồng với cô con gái, ba người sống bên nhau hạnh phúc. Hàng ngày làm việc hăng say, tối về trong nhà lại đầy ắp tiếng đờn, tiếng ca, tiếng cười khúc khích của bé Mai. Trong khu phố ai nhìn vào cũng khen. Họ nói đây là một cặp vợ chồng trẻ lý tưởng.
Cuộc đời ai ngờ có sự thay đổi nhanh chóng. Khi bé Mai tròn hai tuổi, Huyền ở nhà lao động vất vả chăm lo cho chồng, cho con, hàng ngày nấu ăn phục vụ thợ thuyền, người ngày một sa sút, xuống sắc, không còn trẻ đẹp như ngày còn là cô giáo. Tào làm ăn có tiền, chiều đến ăn diện cùng bạn bè tìm đến nhà hàng bia ôm bù khú với gái gú. Rất nhiều tối cơm nấu xong bày ra, hai mẹ con ngồi đợi. Đêm nào cũng tới tận khuya mới về. Khi về đến nhà say mèm, chẳng thèm nhòm ngó đến vợ con, lao vào phòng ngủ như chết. Thấy chồng có sự thay đổi khác thường, Huyền đã lựa lời khuyên nhủ, nhưng Tào bỏ ngoài tai. Đã không ít lần Tào chửi vợ: “Tôi là người làm ra tiền, tôi phải hưởng thụ. Tôi làm gì, ở đâu mặc tôi. Cô làm ra được đồng nào mà dám lên mặt dạy đời. Biết phận thì im đi mà sống, nếu không... thì”.
Thấy chồng cư xử với vợ con quá quắt, Huyền buồn lắm, nhiều đêm Huyền bế con sang nhà tôi ngồi khóc. Nhìn hoàn cảnh của gia đình Huyền có sự rạn nứt. Vợ chồng tôi đã gặp Tào khuyên bảo nhưng xem chừng Tào vẫn không thay đổi. Ông Thà, chồng tôi lắc đầu nói: “Thanh niên bây giờ có không ít đứa hư hỏng quá! Có tiền là lao vào ăn chơi sa đọa... Buồn, buồn cho cái xã hội đang có dấu hiệu xuống cấp, xáo trộn, giống như biển sóng chẳng lúc nào bình yên!”.
Một đêm cuối thu, trời mưa gió, tôi đang ngồi ở nhà xem ti vi thì nghe bên nhà Tào tiếng chửi bới ầm ĩ. Tào lớn giọng: “Cô cút đi, cút đi cho khuất mắt tôi. Tôi có bồ đấy. Cô làm gì được tôi. Không sống được với nhau thì xéo, xéo đi cho khuất mắt tôi...”. Tôi cùng với mấy bà con trong phố chạy sang khuyên can. Nhưng Tào bỏ ngoài tai, miệng không ngớt chửi vợ, Huyền ngồi ở góc nhà ôm con khóc đỏ cả mắt. Tào gầm lên như con sói bị thương, mặt đỏ bừng, lao vào buồng lấy chiếc va ly đựng đồ tư trang của Huyền ném ra sân. “Mày xéo đi, xéo mau!”. Huyền tay bế bé Mai, tay xách chiếc va ly ra đi trong đêm mưa. Chúng tôi chạy tới nắm lấy tay mẹ con Huyền. Tôi nhỏ nhẹ nói:
- Cháu đi đâu, về đâu trong đêm tối gió mưa này? Mẹ con sang bên cô ở, mai chồng nguôi giận rồi về...
Huyền gỡ tay bà Cầm ra khỏi tay mình:
- Cô để mẹ con cháu đi. Đã đến nước này mẹ con cháu chẳng thể ở trong ngôi nhà này được nữa. Hồi hôm anh ấy đưa gái về nhà và nói với cô ta cháu là người giúp việc. Anh ấy coi cháu chẳng ra gì. Tủi nhục vậy cô bảo còn ở lại làm gì.
Bà Cầm cùng với mấy người bà con trong phố thương mẹ con Huyền, người năm chục, người một trăm dúi vào tay mẹ con Huyền.
Huyền chào mọi người, lững thững bế con ra đầu phố gọi một chiếc xích lô, hai mẹ con ngồi lên xe, bác xích lô gò người đạp xe đi trong đêm mưa gió, ngoài khơi sóng lớn vỗ vào bờ cát!
Mẹ con Huyền ra đi được mấy hôm Tào đưa về một cô gái trẻ đẹp, con gái miền Tây, mắt to, môi tương ớt (danh từ của mọi người dùng để gọi những cô gái làm nghề bia ôm) về sống trong nhà. Cô gái suốt ngày ở trong nhà, mặt lúc nào cũng trát đầy son phấn. Tối lại ngồi lên sau xe, ôm chặt thắt lưng Tào, hai người đi đến các nhà hàng, sàn nhảy. Cô này có tên là Lê Mộng Tuyết, theo trong giấy khai báo tạm trú của cô tại phường. Hai người ăn ở với nhau như vợ chồng, không cưới xin gì. Sau một năm, Mộng Tuyết sinh được một thằng con trai đặt tên là Phèn. Thằng Phèn được chừng hơn một tuổi, lúc này gara của Tào làm ăn kém, tiền bạc không xủng xỉnh như xưa. Mộng Tuyết không có tiền tiêu xài. Hai người thường xuyên xảy ra xung đột. Mộng Tuyết chua ngoa, một cô gái đáo để, những khi không có tiền chửi Tào như hát hay: “Tao tưởng mày là người ga lăng, có nhiều tiền bạc bà đây mới theo, ai ngờ mày chỉ là một kẻ rỗng tuếch, “trên răng dưới c...”, bà còn ở với mày làm gì...? Mộng Tuyết khăn gói bỏ ra đi, để lại thằng Phèn cho Tào nuôi. Mộng Tuyết bỏ đi tròn một tháng, một buổi sáng đầu tuần, mùa hạ, Tào nhận được tờ giấy báo của Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn, thông báo, nội dung thông báo viết: Chị Lê Mộng Tuyết phải trả lãi suất cho ngân hàng năm tháng, mỗi tháng với số tiền là... Cầm tờ giấy thông báo đòi nợ của ngân hàng, Tào vã mồ hôi hột, ngã quỵ xuống đất. Lúc này Tào mới nhận ra Mộng Tuyết đã mang nhà của mình đi thế chấp ngân hàng. Vậy mà lâu nay làm được bao nhiêu tiền bạc mình tin tưởng đưa hết cho cô ấy nắm giữ. “Con lừa đảo!” Tào gào lên trong tuyệt vọng!
Cứ mỗi khi thấy nhà Tào có chuyện, ông Thà lại lắc đầu nói: “Biển sóng chẳng lúc nào bình yên!”.
*
Không có tiền trả cho ngân hàng, ba tháng sau ngân hàng phát mãi nhà. Tào cùng thằng con trai dựng một túp lều ở cạnh nhà bà Cầm để trú mưa, trú nắng. Gara xe cũng phải nhượng lại cho người khác, Tào trắng tay, quay sang làm nghề chạy xe ôm, cha con nuôi nhau.
*
Huyền bỏ nhà ra đi trong cái đêm mưa gió ấy, hai mẹ con Huyền đến ở nhờ một cô bạn thân, cùng là giáo viên, đồng hương với Huyền. Cô bạn tên là Thanh, hơn Huyền một tuổi. Sống ở nhà Thanh được chừng hơn một tuần, Huyền tĩnh tâm trở lại, Huyền nhờ vợ chồng Thanh kiếm cho một công việc làm để kiếm tiền nuôi con.
Một buổi tối, sau khi cơm nước xong, có mặt hai vợ chồng Thanh, Huyền nói:
- Mình rất biết hơn hai bạn, hai bạn đã cho mẹ con mình tá túc lúc lỡ vận. Bây giờ mình phải kiếm công việc gì làm, chẳng nhẽ bám lấy vợ chồng bạn mãi sao?
- Huyền định làm gì - Thanh hỏi.
- Làm chi cũng được. Ô sin, rửa bát thuê... Việc gì mình cũng làm. Miễn là có tiền.
Nghe Huyền nói vậy, Thanh nghĩ ngay tới bà cô ruột hiện đang là chủ một nhà hàng ăn trong Phan Thiết. Thanh liền gọi điện cho cô.
- A lô! Cô ạ? Con, Thanh đây. Chỗ cô có cần nhân viên không? - Từ đầu máy bên giọng một phụ nữ vang lên:
- Có. Cô đang cần một nhân viên nữ có trình độ văn hóa, biết tính toán để làm công việc thâu ngân. Cô gái thâu ngân chỗ cô xin nghỉ sanh, khoảng sáu tháng nữa mới đi làm trở lại. Cô đang không biết kiếm ai!
- Vậy tốt quá, bạn cháu tên Huyền, là giáo viên đã nghỉ dạy, người cùng quê ta. Hiện đang ở nhà cháu. Ngày mai cháu đưa Huyền vào gặp cô được không?
- Vào đi, vào đi!
- Vâng! Con cảm ơn cô nhiều ạ!
Sáng hôm sau Thanh và mẹ con Huyền bắt xe đò vô Phan Thiết.
Nhà hàng của cô Thanh có tên là Thanh Ngọc, nằm ở mặt đường QL 1. Một nhà hàng có tiếng ở vùng.
Huyền được bà chủ nhà hàng cho hai mẹ con ở ngay trong nhà hàng. Huyền làm việc rất chăm chỉ. Ngoài việc thâu ngân, Huyền còn tìm kiếm trên mạng học cách nấu các món ăn ở các miền quê khác nhau, bởi nhà hàng Thanh Ngọc phục vụ đa phần là khách du lịch. Sau khi học được cách thức nấu ăn trên mạng, Huyền trực tiếp vào bếp cùng với đầu bếp nấu các món mới. Có nhiều món ăn mới, nhà hàng đông khách hơn, thu nhập ngày một cao. Bà chủ mừng lắm. Bà rất yêu quý Huyền, coi Huyền như con cháu trong nhà.
Làm cho nhà hàng được hai năm, bà chủ nhà hàng gợi ý với Huyền đứng ra mở nhà hàng riêng, vốn ban đầu bà giúp. Khi nào làm ăn có tiền trả lại bà.
Nhà hàng của Huyền nằm ở gần khu du lịch Mũi Né lấy tên là Huyền Mai, tên của hai mẹ con ghép lại. Một nhà hàng nhỏ, xinh xắn, có khoảng mươi bàn. Huyền là chủ, trực tiếp làm đầu bếp, Huyền thuê năm nhân viên phục vụ chạy bàn. Các món ăn trong nhà hàng Huyền Mai được khách du lịch trong và ngoài nước yêu thích. Khách đến với nhà hàng ngày nào cũng đông. Nhiều ngày phục vụ không xuể. Huyền vui lắm!
Thấy Huyền là một cô gái giỏi giang, xinh đẹp hai mẹ con ở đơn thân, nhiều quý ông trung niên sống độc thân lân la làm quen, muốn ngỏ ý kết duyên cùng Huyền. Huyền đã lỡ một lần đò, không màng tính đến chuyện lập gia đình lại, Huyền chỉ chú tâm vào công việc làm ăn và nuôi con.
Trong nhà hàng của Huyền có những vị khách tới ăn thường xuyên, liên tục. Những người nghỉ dưỡng trong khu nghỉ mát Mũi Né ngày ba bữa đến ăn ở nhà hàng Huyền Mai. Nhiều người Huyền và nhân viên nhà hàng đã quen mặt, quen tên. Trong số đó có chú Lê Hiền, một người đàn ông chừng năm chục tuổi, người to cao, phong độ. Tóc đã muối tiêu, đôi mắt sáng, hiền lành.
Chú Hiền ít nói, đến ăn ở Huyền Mai, chú chỉ ngồi cố định ở một chiếc bàn góc trái của nhà hàng, nhìn ra biển. Nhân viên trong nhà hàng biết ý, luôn dành cho chú chiếc bàn đó. Dù đông khách mấy nơi đó cũng vẫn dành riêng cho chú Hiền. Nhiều hôm đông khách chú Hiền còn tham gia bưng bê giúp nhân viên.
Mưa lâu thấm dần. Trái tim Huyền đã có rung động với Lê Hiền. Lê Hiền cũng có cảm tình với Huyền, trái tim mách bảo với Hiền, đây sẽ là một người bạn đời mà Hiền mong đợi. Nhưng Huyền nghĩ đến mối tình đầu đổ vỡ, Huyền rùng mình khi nghĩ đến chuyện đi bước nữa.
Vào một buổi tối, sau khi nhà hàng đã hết giờ bán, nhân viên cũng ra về, chỉ còn lại mẹ con Huyền và Lê Hiền. Huyền và Lê Hiền đã ngồi trò chuyện với nhau cho mãi tận khuya. Hiền nói:
- Anh trong thời gian qua đã tìm hiểu khá kỹ về hoàn cảnh của em. Giữa anh và em cũng có hoàn cảnh khá tương đồng. Anh cũng đã có một đời vợ và một người con. Sau năm một ngàn chín trăm bảy lăm sang Mỹ định cư, vợ chồng và con chung sống với nhau được vài năm, vợ anh là người không chịu lao động, muốn hưởng thụ. Cô ấy đã bỏ cha con anh đi theo một gã người Mỹ da đen, một đại gia chuyên kinh doanh thuốc tây. Anh ở vậy nuôi con. Định bụng ở vậy suốt đời chứ không muốn kết hôn với người ngoại quốc. Con gái Mỹ họ không lấy người da vàng, vả lại họ có lấy người da vàng thì phải là người giàu sang, quyền quý. Mấy năm trở lại đây, con trai anh đã lớn, đã tự lập được, anh có ý định về nước lập lại gia đình. Anh nghĩ quê hương vẫn hơn ở nước ngoài. Ông trời xui khiến cho anh được gặp em. Anh muốn ngỏ ý cùng em xây dựng lại một gia đình. Ý này đã nẩy sinh trong đầu anh từ lâu rồi, nhưng hôm nay mới có dịp thổ lộ với em. Ý em thế nào? Anh không muốn em trả lời ngay. Em cứ suy nghĩ kỹ đi, khi nào thấy được thì cho anh hay.
Huyền không nói gì. Đôi mắt ngấn lệ, nói nhỏ đủ để cho Hiền nghe được.
- Dạ. Anh...!
Từ cái đêm hôm đó tình cảm của Huyền và Hiền gắn bó nhiều hơn. Hiền đã mua một căn nhà khang trang ở cách nhà hàng của Huyền chừng một cây số. Có nhà nhưng Hiền chỉ nghỉ đêm, ban ngày vẫn đến ăn ở nhà hàng của Huyền. Huyền nhận thấy Hiền đối với mình thực tâm. Vả lại sống ở một nơi xa gia đình, xa quê hương, một cô gái đơn côi cùng với đứa con còn nhỏ dại cũng cần có một bờ vai để dựa. Huyền nhận lời làm vợ Hiền. Bốn tháng sau hai người làm đám cưới. Tiệc cưới của Hiền và Huyền tổ chức hoành tráng ở khách sạn Hoa Hồng, trung tâm thành phố Phan Thiết. Vợ chồng Thanh và bạn bè của Huyền ở Nha Trang vô đông. Bà Cầm, tổ trưởng dân phố, người thân của Huyền ngày ở Nha Trang cũng vô dự.
Cưới nhau được một tháng, Hiền đầu tư cho Huyền một cửa hàng bán đồ nữ trang cao cấp và bán đồ tắm cho khách du lịch. Tuy nhiên Hiền vẫn muốn Huyền giữ lại nhà hàng ăn Huyền Mai. Hiền nói:
- Em ạ. Anh vẫn muốn em giữ lại Huyền Mai, nó là công sức của em; hoài bão của em. Còn cửa hàng bán đồ nữ trang bán được nhiều hay ít không tính toán. Đồ không bán hết để cho em dùng hoặc tặng bạn bè tùy ý.
Huyền rất có duyên buôn bán, nhà hàng Huyền Mai và cửa hàng nữ trang của Huyền làm ăn rất phát đạt. Doanh thu của cả hai cửa hàng ngày một cao. Vợ chồng Huyền đã xây được một khách sạn cao ốc năm sao và mua xe hơi tiền tỷ. Hiền và Huyền thành lập Công ty TNHH Thương mại du lịch lấy tên Huyền - Hiền.
Tên tuổi của Lệ Huyền thường xuyên được lên báo đài. Những bài báo được rút tít lớn: “Nữ doanh nhân thành đạt”; “Người phụ nữ từ vực thẳm đứng lên”...
*
Trở lại với Tào, lao động quá sức, ăn uống thất thường, không đủ chất, Tào bị ung thư phổi. Không có tiền chạy chữa, người gầy gò ốm yếu như một con mèo hen suốt ngày ngồi nhà ho ùng ục. Thằng Phèn đã lên mười, thất học, hàng ngày theo mấy bà trong xóm đi lượm ve chai, sắt vụn, túi ni lông bán kiếm tiền về nuôi cha.
Một buổi sáng mùa đông, trời Phan Thiết có mưa nhỏ, gió từ biển thổi vào se lạnh. Vừa mở cửa văn phòng công ty thì chuông điện thoại của Huyền reo... Điện của Thanh.
- Thanh à. Có chuyện gì mà bồ điện cho mình sớm vậy? - Từ trong máy, tiếng Thanh vọng ra:
- Huyền. Mình báo cho bạn một tin nhưng với bạn không biết là buồn hay... đây.
- Chuyện chi, nói mau lên!
- Thông báo cho Huyền hay, lão Tào tử rồi. Theo cô Cầm điện báo cho mình, Tào chết hồi mười hai giờ đêm. Sáng nay nhập quan, sáng mai đưa.
- Vậy à. Cảm ơn Thanh nhé.
Huyền mang chuyện Tào chết nói với chồng. Không chút do dự, Hiền nói:
- Nghĩa tử là nghĩa tận. Em nên sắp xếp công việc cho con Mai về nhìn mặt cha đẻ lần cuối. Dầu sao Tào cũng là cha của con em. Từ đây về Nha Trang hơn ba trăm cây, đi chừng vài giờ thôi. Nếu cần anh đi cùng em và con.
- Dạ. Em cảm ơn anh nhiều, chồng cưng của em. Huyền hôn nhẹ vào môi Hiền.
Huyền gọi điện cho lái xe chuẩn bị xe đưa cả nhà ra Nha Trang.
Ngoài trời mưa gió mỗi lúc một lớn. Mặt biển không bình yên!
Nha Trang, Thu - 2017