Cuộc thi bút ký văn học khu vực ĐBSCL phát động từ tháng 8/2016 đến 31 tháng 01 năm 2017. Sau đó do tình hình thực tế, Ban tổ chức quyết định thời gian nhận bài tham gia dự thi được kéo dài thêm 02 tháng nữa, đến ngày 31/3/2017. Đây là cuộc thi sáng tác văn học do Hội LH VHNT Long An đăng cai tổ chức theo phân công trong cuộc họp giao ban thường kỳ của 13 hội LHVHNT khu vực ĐBSCL. Tác giả tham gia dự thi chủ yếu là những cây bút sáng tác văn học trong khu vực. Thành phần Ban giám khảo như sau. Ban Sơ Khảo gồm ba nhà văn: Phan Trung Nghĩa (Bạc Liêu), Nguyễn Ngọc Tư ( Cà Mau), Hào Vũ (Long An) . Ban Chung Khảo gồm ba nhà văn: Huỳnh Như Phương ( T.phố Hồ Chí Minh), Trần Đức Tiến ( Bà rịa -Vũng tàu), Trần Văn Tuấn, chủ tịch Hội Nhà Văn thành phố Hồ Chí Minh.
Cuộc thi đã có kết quả chấm giải,dự kiến làm lễ “Đăng Quang” cho các tác giả đoạt giải vào ngày 2/9/2017. Tuy nhiên, do trục trặc về kinh phí, nên, mặc dù danh sách trúng giải được công bố, lễ trao giải phải lùi đến giữa quý Một năm 2018 theo thông báo của BTC.
Cuộc thi đón nhận 138 tác phẩm của nhiều tác giả. Quy định chấm thi khá chặt chẽ. Tác phẩm khi gửi về Hội LHVHNT Long An đều được Ban tổ chức ghi số thứ tự, coi đây là mã số của tác phẩm. Tên tác giả được xóa đi ở các bản photo gửi cho từng vị giám khảo. Các vị giám khảo chấm bài theo thang điểm từ MỘT đến MƯỜI , có số lẻ cách nhau từ 0,25 điểm trở lên, và tự gửi bảng điểm chấm của mình về Ban tổ chức. Ban tổ chức có trách nhiệm tập hợp, cộng điểm của các giám khảo. Tác phẩm vượt qua vòng sơ khảo, tính điểm từ cao xuống thấp, sẽ được gửi về tửng vị của Ban chung khảo để chấm xét giải. Đã có 34/138 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo. Trong số 34 tác phẩm lọt vào chung khảo, sẽ chọn ra 11 tác phẩm để trao giải tính theo thứ tự số điểm từ cao xuốngthấp.Để tránh những sơ xuất đáng tiếc, 34 tác phẩm lọt vào chung khảo được giới thiệu công khai ( nhưng không công khai tên tác giả và số điểm) trên trang web của Hội LHVHNT Long An để lấy ý kiến độc giả.Sau thời gian thăm dò dư luận, một tác phẩm bị phát hiện trích dẫn nhiều tài liệu khác nhau nhưng không chú dẫn nguồn tài liệu, gây ra nghi ngại về vi phạm bản quyến. Ban tổ chức sau đó đã quyết định rút tác phẩm này khỏi danh sách xếp giải.
Sau khi các vị trong Ban chung khảo gửi bản chấm điểm vể Ban tổ chức, Ban tổ chức đã “ráp phách” xác định tên tác giả của những tác phẩm được xếp giải cũng theo nguyên tắc tính điểm từ cao xuống thấp. Theo tiết lộ của Ban tổ chức sau khi xét xếp giải, ở các tác phẩm trung bình và khá, số điểm của từng vị giám khảo, kể cả sơ khảo và chung khảo, còn có những khác biệt, nhưng ở những tác phẩm hay điểm tập trung rất cao, đặc biệt đối với tác phẩm đoạt giải nhất.
( Một phần) do tên tác giả được “ giữ bí mật” đến phút chót nên đã nảy sinh một việc. Sau khi ráp phách và cộng điểm, có một tác giả “ ẵm” tới ba giải. Đã có ý kiến rằng trường hợp này nên đề nghị tác giả trúng ba giải chỉ nhận một giải cao nhất, còn lại… nhường cho các tác giả đạt điểm “thấp hơn chút xíu”. Ban tổ chức đã thăm dò ý kiến của nhiều nguồn khác nhau. Phần lớn đều có câu trả lời như sau. Đã gọi là thi thì phải sòng phẳng. không có chuyện ai nhường ai. Ban tổ chức đã thuận theo ý kiến này.
Dưới đây là danh sách giải thưởng cùng nguyên văn tác phẩm đoạt giải nhất.
1. Giải nhất (1 giải): 8 ( tám) triệu đồng.
- Tác phẩm "Man mác Vàm nao" của tác giả Trương Chí Hùng (Hội VHNT tỉnh An Giang)
2. Giải nhì (2 giải): mỗi giải 6 ( sáu) triệu đồng
- Tác phẩm "Trở lại Bình Bắc" của tác giả Nguyễn Phấn Đấu (Hội LH VHNT tỉnh Long An)
- Tác phẩm " một đời người, một đời biển" của tác giả Huỳnh Văn Nguyệt (Hoài Phương) (LH các Hội VHNT TP Cần Thơ)
3. Giải ba (3 giải): Mỗi giải 4 ( bốn) triệu đồng
- Tác phẩm "Cây Chiêu Riêu bảy thân trong rừng Lò Gò" của tác giả Nguyễn Phấn Đấu (Hội LH VHNT tỉnh Long An)
- Tác phẩm "Nhớ lắm mùa nước quê tôi" của tác giả Văn Hiến Vĩnh (Hội VHNT tỉnh Vĩnh Long)
- Tác phẩm "Những người sống giữa hai bầu trời" của tác giả Lương Ngọc Thơ (Nam Kha) (LH các Hội VHNT tỉnh Bạc Liêu)
4. Giải khuyến khích (5 giải): Mỗi giải 2 ( hai) triệu đồng.
- Tác phẩm "Đau đáu sông mẹ" của tác giả Trần Chí Thành (Thanh Chí) (LH các Hội VHNT tỉnh Bạc Liêu)
- Tác phẩm "Chờ đò" của tác giả Nguyễn Văn Lộc (Nhật Hồng) (LH các Hội VHNT TP Cần Thơ)
- Tác phẩm "Thương sao một kiếp thương hồ" của tác giả Nguyễn An Cư (Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu, Bến tre)
- Tác phẩm "Những nẻo đường anh đi" của tác giả Hồ Văn (Hội LH VHNT tỉnh Đồng Tháp)
- Tác phẩm "Phiên chợ Ba Tri" của tác giả Lâm Triều An (Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu, Bến Tre)
5. Giải đặc biệt viết về Long An:
Tác phẩm "Trở lại Bình Bắc" của tác giả Nguyễn Phấn Đấu (Hội LH VHNT tỉnh Long An)
Hào Vũ¬
_____________________________________________________________________
Địa chỉ liên hệ:
ĐT: 0918 350 889
Email: vuhaosvhttdl@gmail.com
Có file bài và ảnh kèm theo đĩa CD.
MAN MÁC VÀM NAO
Ký của Trương Chí Hùng - Hội viên Hội VHNT tỉnh An Giang
Hiện là giảng viên trường đai học An Giang
Thuộc thế hệ 8X
(Giải nhất cuộc thi bút ký văn học khu vực ĐBSCL)
Dân quê tôi đảm bảo ai cũng từng nghe qua địa danh “Vàm Nao”, nhưng khi hỏi Vàm Nao nghĩa là gì, chắc chắn 99,99% người dân không biết. Ngay cả tôi, hồi nhỏ tắm sông lặn hụp dưới dòng Vàm Nao này không biết bao nhiêu bận, vậy mà khi bạn hỏi, tôi mới chưng hửng, “Vàm Nao nghĩa là gì?”.
1. Cái nết con sông, tấm lòng con cá
Sông Vàm Nao chỉ dài độ 6,5km, tả ngạn hầu như nằm gọn trong xã Tân Trung, huyện Phú Tân, hữu ngạn thuộc xã Kiến An, huyện Chợ Mới. Đó là cái chiều dài địa lí của Vàm Nao. Chứ dân nơi này thường không quan tâm con sông dài bao nhiêu, chỉ biết nó bắt đầu từ vàm Cái Đầm, ngay chợ Tân Hòa, và kết thúc ở vàm Cây Mít, gần chợ Đình, thuộc thị trấn Phú Mỹ hiện nay. Dân nơi đây “đo” con sông bằng ký ức, bằng kỷ niệm, bởi vậy con sông cứ đằng đẵng, bạt ngàn. Vàm Nao là con sông nối liền sông Tiền và sông Hậu. Cơ hồ hai đứa con của mẹ Cửu Long bất hòa, trôi song song mà chẳng thèm chạm mặt nhau, đến nỗi phải có một Vàm Nao kết giao hai dòng nước. Ấy vậy mà bất thành. Tiền Giang và Hậu Giang vẫn điềm nhiên chảy, bỏ mặc Vàm Nao như đứa con ngoài giá thú, nằm gối đầu lên hai dòng Tiền-Hậu, đêm ngày nghe vang vọng ngân nga tiếng kinh giảng sấm truyền, tiếng quết bánh phồng và tiếng nện búa rèn ở làng nghề Hòa Hảo. Chẳng biết có phải nguyên do đó, mà Vàm Nao được bù đắp lại bằng những con cá bông lau trắng hếu, thịt thơm ngon độc nhất vô nhị. Cũng anh em dòng họ với cá tra, cá ba sa hay cá hú, cũng thuộc loại cá da trơn nhưng thịt cá bông lau không béo ngậy mà lại ngọt bùi, thớ thịt săn chắc. Khi khứa ra từng khứa bông lau nấu chua hay kho lạt, lúc chín hai thỏi thịt trên lưng cá có những thớ tròn đồng tâm như hai cái hoa tay của những ai khéo léo. Đó cũng là dấu hiệu đặc biệt để “nhận diện” cá bông lau trên bàn ăn của “dân ngoại đạo”. Chớ dân miệt này, nhìn thoáng qua là biết ngay. Dân nơi đây quen mặt với con cá bông lau hàng trăm năm rồi. Trước đây, vào mùa cá bông lau, mỗi gia đình đi giăng lưới một đêm được chừng vài chục ký như chơi. Con bông lau nhỏ cũng cỡ 2 – 3 ký lô, con nào bự cỡ 10 ký lô. Giăng được chừng chục ngoài con là khẳm xuồng, sáng ra tha hồ mà đếm tiền. Phải chăng đây là sự ban tặng của tự nhiên?
Cái nết của con cá này cũng chẳng phải vừa đâu. Hễ vào mùa nào đẹp trời, như độ tháng Chạp đến tháng Tư âm lịch thì nó mới xuất hiện. Chứ còn những tháng khác đôi khi kiếm một cái nhớt cũng không có. Mà bông lau chỉ có ở sông Vàm Nao, duy nhất con sông này. Cùng lắm là lấn sang sông Tiền sông Hậu vài trăm mét, chớ đi xa hơn đừng hòng bắt được con nào. Bởi vậy, có người nói bông lau từ Biển Hồ trôi xuống là thiếu căn cứ, bởi thượng nguồn và hạ nguồn sông Tiền sông Hậu đều không có cá bông lau, chỉ duy nhất đoạn Vàm Nao có. Nếu từ Biển Hồ thì chắc cá bông lau “nhảy” hàng trăm cây số rồi rớt ngay Vàm Nao, chứ “trôi” kiểu gì kì cục. Cá mà còn bày đặt làm mình làm mẩy như thế đúng là “sang chảnh”. Bởi vậy, dân hạ bạc sống nhờ con cá bông lau nhiều, mà khổ cũng vì con cá bông lau nhiều lắm.
Chợt nhớ, hai năm trước có lần tôi theo ghe anh sáu Tánh ở ấp Thượng I, thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân đi giăng lưới bông lau. Đi ba đêm ròng, bủa chừng 20 mẻ lưới mà chẳng dính con nào, tôi chán quá, viết mấy câu thơ thả trôi trên dòng nước:
“Con cá bông lau không nhớ lời hẹn ước
bằn bặt tăm hơi
để đêm về,
mái chèo ai buông lơi.”
(Đêm trên sông Vàm Nao)
Người đời ít ai ngờ, sự hào phóng của thiên nhiên vậy mà cũng có giới hạn, chẳng phải vô tận vô cùng. Trò chơi cút bắt của con cá bông lau trên sông Vàm Nao, hay cá cóc, cá sủ trên sông Tiền, cá hô sông Hậu là những thông điệp cảnh báo sắc lẻm của tự nhiên. Đến một lúc nào đó, chúng ta phải trả giá cho cái sự hoang phí của con người. Mà cảnh ngộ cô gái tôi sắp kể ra sau đây, là một minh chứng day dứt.
2. Vàm Nao, bông lau nao lòng người xa xứ
Năm 2013, tôi tình cờ gặp được cô Nguyễn Thị Tuyết Mai tại Đào Viên, Đài Loan. Cô này lấy chồng Đài Loan và định cư quê chồng hơn chục năm, chưa lần nào về thăm quê mẹ. Mai mở một quán ăn nhỏ gần Trường Đại học Trung Ương (Trung Ương Đại học), nơi tôi lưu học nên chúng tôi biết nhau. Hỏi ra mới biết cô quê ở ấp Vàm Nao, xã Tân Trung, Phú Tân, An Giang, cách nhà tôi chừng ba cây số. Cái tình đồng hương ở xứ người nó mặn nồng lắm. Tôi nhớ có lần, cũng ở Đài Loan, tôi gặp một bà dì quê ở Bạc Liêu sang đó nuôi cháu ngoại. Dì hỏi quê tôi ở đâu, tôi nói dạ con ở An Giang. Dì cười tươi rói, nói dì ở Bạc Liêu nè con ơi. Trời ơi, dì cháu mình ở kế một bên, An Giang với Bạc Liêu là miền Tây Nam Bộ hết con ơi. Chợt bồi hồi thương những cánh chim Việt bay đi khắp mọi phương trời vô định, nhưng vẫn mang tâm thức cành Nam. Cuộc hội ngộ ngẫu nhiên với Tuyết Mai khiến chúng tôi vui mừng khôn xiết, nói toàn chuyện quê nhà. Tôi nhắc từng gốc cây ngọn cỏ, từng bãi lúa bờ sông cho Mai nghe. Nói đến đâu cô cũng xuýt xoa, dạ dạ em nhớ, hồi đó em hay hái rau ở đó. Dạ dạ em nhớ, hồi đó em đi mót lúa ở đó. Dạ dạ em nhớ, hồi đó em... Ấy vậy mà, khi tôi nhắc món canh chua cá bông lau đặc sản xứ Vàm Nao quê mình, Mai lại ngồi yên lặng rất lâu, hai khóe mắt đỏ hoe rồi lăn xuống vài giọt nước mắt. Mai nói, anh nhắc chi hổng biết, em nhớ chớ làm sao quên được con cá xứ mình. Nhưng...
Sự hào hứng của tôi bỗng nhiên biến mất, như một người mải mê ngắm nhìn hoa thơm cỏ lạ đã lỡ chân đạp gãy một cành hoa quý trong vườn. Tôi tính chào Mai ra về, vì tôi thường bối rối khi gặp người phụ nữ rơi nước mắt. Rồi Mai níu tôi lại, níu lại bằng chính ký ức của cô. Mai nói, mắt nhìn vào một nơi nào đó rất xa, bàng bạc dòng nước cuộn. Ông nội và ba của Mai đều theo nghề giăng lưới cá bông lau. Thuở trước, cá dày đặc trên khúc sông này. Vào mùa cá bông lau sông vui như hội, những ánh đèn ghe lưới và trên các chiếc phao thả theo dòng nước như ngàn vạn chiếc hoa đăng. Tiếng cười đùa của dân hạ bạc vang động cả khúc sông dài. Hồi nhỏ, Mai cũng thỉnh thoảng theo ghe ba đi giăng lưới bông lau. Nhưng ba vừa bủa lưới xong là Mai nằm trên bộ vạc tre phía sau ghe ngủ ngon lành, đến khi thức giấc là cả bầu trời sao đêm lấp lánh, và cả một bầu trời đang lấp lánh dưới mặt nước sông. Mai dụi mắt nhìn ba kéo lưới, kéo theo cả những niềm vui cuồn cuộn trên tay. Lớn lên một chút Mai không theo ghe, nhưng vào mùa cá cô thường hay xuống bờ sông rửa chén, chùi nồi hay giặt áo. Có bao mái chèo đã lơi nhịp khi ngang qua bến sông cô. Tim cô cũng bao lần rạo rực trên bến sông này, khi câu hò của mấy anh chàng hạ bạc bồng bềnh trên dòng nước. Gia đình Mai khi ấy sung túc lắm, sắm được cả cái tivi màu đầu tiên trong xóm mà vừa gì. Thế nhưng, bầu vú nào thì cũng đến ngày cạn sữa. Những con cá bông lau ngày càng thưa vắng. Ông nội của Mai bán mấy tay lưới, chiều chiều ra bờ sông ngồi rít những hơi thuốc thật dài, phả khói vào mảng trời ký ức xa xăm. Ba Mai kiên trì hơn nhưng vẫn thường hay nén tiếng thở dài sau những đêm trở về tay trắng. Đồ đạc trong nhà Mai bán đổ bán tháo chạy gạo. Mai ít khi xuống bến sông. Rồi đến một ngày, cô phải gạt nước mắt chấp nhận dạt trôi xứ người để có tiền xoay sở cho cả đàn em nheo nhóc.
Tôi ngồi lặng im, nghe Mai thổn thức bao cung bậc khắc khoải của cuộc đời cô, chợt như hiển hiện trước mắt hình ảnh của những người con quê tôi đang bị bứng đi phiêu dạt khắp xứ. Kẻ lên Bình Dương, người đi thành phố, người ra tận Đồng Nai, Ban Mê... Tôi và Mai cũng là hai con người phiêu bạt tha hương, nhưng ngay cả trong giấc mơ cũng chập chờn tiếng mẹ.
Mai còn kể, cô có anh người yêu cũng làm nghề giăng lưới cá bông lau, thương Mai lắm nhưng gia cảnh nghèo không giúp gì cho Mai được. Cái đêm nhà Mai nhóm họ, ảnh uống say quắc cần câu rồi một mình chèo xuồng ra giữa dòng Vàm Nao, ngửa mặt lên trời cất giọng hò lao xao sóng nước:
“Hò....ơ....
Ngó lên Châu Đốc, ngó xuống Vàm Nao
Thấy con cá bông lau nhảy nhào vô lưới
Anh ngồi chắc lưỡi....
(Mà) hò ơ...........
Anh ngồi chắc lưỡi....
Không biết chừng nào mới cưới đặng em” (1)
Câu chuyện của Mai ở lại trong lòng tôi rất lâu mà không nhạt. Đến nỗi, khi về nước, tôi lập tức chạy về nhà, xuống cây cầu ván bắc dưới bến Vàm Nao, thọt hai chân xuống nước rồi điện thoại cho Mai. Tôi mô tả cho Mai hình dung cảnh vật quanh tôi, những chiếc ghe chở gạch chạy xuôi dòng, những bông lục bình vô tư tím, bờ bãi xanh um những luống hành luống hẹ, những liếp đậu liếp cà. Và nước sông Vàm Nao vẫn trong vẫn mát, như những ngày thơ ấu tôi trầm mình cùng chúng bạn mặc tía má rầy la, có khi còn bị vài roi nổi lằn dưới đít. Tôi nói nhiều, nhiều lắm, đến khi nghe bên kia Mai sụt sịt mới thôi. Mai bảo cảm ơn cái cách tôi mang quê hương qua cho Mai, Mai hứa khi về sẽ đãi tôi một chầu canh chua cá bông lau ăn cho cành hông. Nói vậy chớ tới nay Mai vẫn chưa về, dù lúc nào tôi cũng tin rằng Mai sẽ về, nhất định sẽ về.
3. “Tang điền biến vi thương hải”
Một người con của đất Phú Tân mà tôi rất ngưỡng phục chính là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hữu Hiệp, nhà ở ngay thị trấn Phú Mỹ. Hồi tháng 10 năm 2016, tôi gặp chú Hiệp tại Hội thảo “Phát triển Phú Tân – An Giang trở thành điểm đến du lịch văn hóa sinh thái” do Trường Đại học Tôn Đức Thắng phối hợp với UBND huyện Phú Tân tổ chức. Tôi nói, chú nghiên cứu văn hóa dân gian, viết hơn 20 đầu sách về An Giang rồi, vậy mà chưa có bài nào lí giải về tên gọi Vàm Nao, ngay cái mảnh đất mà chú sống. Cháu tìm hiểu sách cũ, thấy mỗi người lí giải mỗi kiểu, càng thêm rối rắm trêu ngươi. Tỉ như, sách Gia Định thành thông chí gọi Vàm Nao là “Vàm Giao”(2), nghĩa là nơi cửa sông nối nhau, giao nhau giữa hai con sông; Đại Nam nhất thống chígọi là “Thuận Cảng”(3), hàm chỉ nơi bến sông yên ả, nước êm đềm, thuận lợi cho ghe tàu neo đậu lưu thông; các nhà nghiên cứu gần hơn như Nguyễn Văn Hầu(4), Nguyễn Hiến Lê(5), Vương Hồng Sển gọi Vàm Nao là “Hồi Oa”(6), nghĩa là vùng nước xoáy... Nói thật, cháu thấy mấy cái tên này có phần xa lạ, như một sự áp đặt khiên cưỡng với Vàm Nao. Kiểu như cho một anh nhà quê quanh năm chân lấm tay bùn khoác lên mình bộ áo mão cân đai quyền quý, áo cứ ra áo, người cứ ra người, chẳng ăn nhập gì nhau cả. Chưa nói tới, cùng một con sông, sao người cho là sông hiền (Thuận Cảng), người cho là sông dữ (Hồi Oa)? Còn nữa nhé, một học giả Khmer là thầy Chau Mô Ni Sóc Kha, người có nghiên cứu về địa danh An Giang khá nhiều, cho rằng chữ Vàm Nam có gốc Khmer. Thầy Kha nói, nó phát xuất từ chữ “Peam Ta Nau”, nghĩa là “Vàm sông Ông Nau”. Có thể nơi này xưa kia có một ông nào đó cũng nổi tiếng người Khmer, tên là Nau, nên dân gọi vậy. Sau này “Peam Ta Nau” biến âm thành Vàm Nao. Cái chuyện biến âm từ Khmer sang tiếng Việt thì ở xứ này nhiều lắm. Ví như gọi “srok chek” thành “Sóc Chét” (địa danh ở huyện Chợ Mới, An Giang) hay “Svay Von” thành “Xà Tón” (địa danh ở huyện Tri Tôn, An Giang) và hằng hà sa số địa danh khác nữa. Nhưng từ tên của một “Tà Nau” nào đó mà thành “Vàm Nao” thì thật sự nghe cũng chưa có đã đời cho lắm.
Chú Hữu Hiệp cười khà khà nói mấy ông kia giải thích sai hết rồi, “Vàm Nao” là cái nơi cửa sông nước chảy làm “nao lòng” người ta mà thôi. Chú mày thử xuống dưới đó ngó dòng nước khi chiều tà bóng xế coi, buồn đứt ruột đứt gan chớ chẳng chơi à. Chẳng phải Hán ngữ, cũng chẳng phải Khmer ngữ gì đâu, người miệt mình nghĩ sao nói vậy người ơi. Chú còn nói thêm, sông này trước kia nhỏ xíu hà, cây cối hai bên bờ nhiều khi chạm đọt nhau, người dân nơi đây gọi là “cây giao đu”, nhưng mà “tang điền biến vi thương hải” hết rồi (ruộng dâu biến thành biển cả, ý nói sự biến chuyển khôn cùng của tạo vật). Vàm Nao là một con sông buồn man mác đến nao lòng, nhưng chắc chắn không phải là con sông dữ, mà có dữ thì cũng dữ với kẻ thù chứ không dữ với dân mình. Ý chú muốn nhắc đến hai trận thủy chiến vào tháng Chạp năm 1833 và tháng Giêng năm 1834, khi sông phẫn nộ nhấn chìm nhiều chiến thuyền của quân Xiêm, đập tan mưu đồ cướp nước ta(7). Nói đến đây, tôi bỗng liên tưởng đến con sông Bạch Đằng lừng lẫy, con sông Nhật Tảo oai hùng, con sông Thạch Hãn kiên cường, và bao con sông khác trên đất Việt. Khi có ngoại xâm thì sông kiên cường chống giặc, nhưng đất nước thanh bình thì sông trở về với nét dịu dàng đôn hậu như chính bản chất con người Việt Nam ta. Có khác biệt chăng là, hiện nay sông Vàm Nao không bận tâm “làm sử”, chỉ âm trầm bổn phận “làm sông”.
4. Vàm Nao, bông lau – làm sao thu hút khách?
Khi lần đầu nghe nói chuyện sông Vàm Nao sắp thực thi một sứ mạng mới là làm du lịch, tôi băn khoăn lắm. Bởi tôi từng chứng kiến, biết bao khu du lịch mọc lên, mang cái “mác” du lịch sinh thái nhưng chẳng bao lâu đã băm nát quang cảnh thiên nhiên mỹ lệ. Rồi còn bao hệ lụy khác về môi trường, về văn hóa xã hội nữa, liệu dòng Vàm Nao có gồng gánh nổi hay không!?
Từ Long Xuyên, tôi xách xe máy chạy về Phú Tân, ghé ngay Lòng Hồ, nơi đặt “trụ sở” khu du lịch sinh thái Vàm Nao tại xã Tân Trung, Phú Tân. Nơi đây có mấy hầm nuôi cá, mấy liếp trồng hoa màu. Bạn Nguyễn Thu Tâm là hướng dẫn viên duy nhất tiếp chúng tôi. Tâm nói nơi này mới mua lại từ một trung tâm sản xuất giống của địa phương, hiện tại chưa thể trực tiếp tổ chức đón khách du lịch mà chỉ liên kết với một vài Công ty du lịch khác để cho gói tuor thêm đa dạng. Từ khi đi vào hoạt động, khu này mỗi tháng đón được khoảng 3 đoàn khách. Du khách đến đây chủ yếu ngắm cảnh, săn cá bông lau, thưởng thức đặc sản. Tâm là cô gái trẻ, đôi mắt sáng với ánh nhìn cương nghị. Nghe giọng cô nói, tôi cứ nghĩ đến sự trong trẻo của nước sông Vàm Nao. Tâm vừa tốt nghiệp chuyên ngành Du lịch tại Đại học Cần Thơ, trở về công tác cống hiến cho quê hương vì cô cũng là người con của đất Phú Tân, nhà ngay chợ Đình, Phú Mỹ. Tôi nói sự băn khoăn của tôi về đề án phát triển du lịch Vàm Nao, Tâm im lặng rất lâu, chừng như suy nghĩ của cô đang bao chứa cả một ý tưởng cao rộng và một hành trình dài. Rồi Tâm dẫn tôi xuống chiếc xuống chiếc xuồng nhỏ đậu dưới bến, bơi dọc theo sông Vàm Nao. Chúng tôi vừa bơi xuồng vừa trò chuyện với nhau. Tâm giới thiệu cho tôi biết những mô hình kết hợp trong gói du lịch mà công ty cô đang triển khai, về những ý tưởng sắp tới sẽ cho du khách trải nghiệm đặc sắc của Vàm Nao. Tôi ngồi nghe Tâm nói, nhận ra cả một bầu nhiệt huyết của cô gái trẻ này. Tôi hỏi Tâm có người yêu chưa, Tâm bảo ai chịu về Vàm Nao với em thì em mới yêu. Câu nói đùa của Tâm duyên quá, khiến tôi thoáng bần thần. Rồi Tâm cười, nói em cũng chưa biết nữa, nhưng chắc em yêu cái xứ Vàm Nao này mất rồi, nên khi chưa làm được gì cho nơi này thì em chưa nghĩ đến chuyện tình cảm của riêng em. Ôi, cái tình đất tình người mới cao đẹp làm sao!
Chúng tôi tới căn chòi của anh Nhân, ngay đầu cồn gần vàm Cái Đầm. Anh Nhân cất chòi này để coi chừng rẫy. Anh bảo, nói là “coi chừng” vậy chớ xứ này cũng ít ai phá lắm, tại anh “mê” rẫy và “mê” cái quang cảnh nơi này nên ra đó ở vậy thôi. Bốn bề gió lộng, bên sông chảy miên man, bên những luống rẫy xanh mượt mà thì còn gì bằng nơi đây. Ai cũng biết, đất cồn phù sa dữ lắm, trồng rẫy là bá cháy bù chét. Anh Nhân trồng được một công khoai cau, một công hành với hơn một công ớt. Anh cũng tận dụng mấy liếp đất trống trồng thêm vài thứ khác như rau càng cua, ngò gai, cà chua, đậu bắp... Mấy rãnh nước thì anh thả rau muống và nuôi cá rô, cá lóc. “Đó, cả giang san của tui đó!”, anh Nhân “quảng cáo”, miệng lúc nào cũng cười thật tươi. Ảnh hỏi tôi: - Anh là dân thành phố về hả? Tôi bảo, tôi cũng là dân quê mình, đầu tôi còn hôi khét nắng, chân tôi còn dính phù sa sông Vàm Nao nè anh ơi... Anh cười lớn, nói sẽ đãi tôi một chầu đúng chất quê. Anh kêu tôi với Tâm đi hái rau, anh thì đắp một rãnh nước lại tát cá. Anh bắt cá rô cá lóc cả thau nhưng chỉ lựa một con cá lóc bự và vài con cá rô đủ ăn, còn bao nhiêu anh thả lại rãnh, rồi xả nước vào nuôi tiếp. Anh xỏ con cá lóc, cắm đứng lên đốt rơm nướng. Đây là cách nướng cá tôi thích nhất. Rơm cháy hết là cá chín. Bên ngoài con cá nhìn khét đen nhưng cạo nhẹ lớp vảy sẽ hiện ra lớp da vàng tươi. Nướng rơm giữ được độ ngọt của cá, cộng thêm cái thơm của rơm vàng thì ngon hết sẩy. Tôi lấy dao cắt mấy tàu lá chuối hột, trải xuống bờ sông, sau đó để con cá vừa nướng lên. Tâm cũng vừa nấu xong tộ canh chua cá rô với toàn rau rác đúng nghĩa cây nhà lá vườn. Chúng tôi hái thêm nắm rau càng cua, mấy đọt rau muống, vài trái đậu bắp ăn sống với cá nướng. Anh Nhân lấy trong góc chòi ra chai rượu nếp để tôi với anh “cưa”. Anh rót một li rượu đầy, nhưng không uống ngay mà khấn đất đai viên trạch, ông tà bà cậu, rồi anh đổ vài giọt rượu xuống đất, xuống dòng nước sông, còn lại hơn nửa li anh nốc cái ực, vỗ đùi cái đét đầy sảng khoái. Tôi nhận ra cái lòng tri ân thành kính của anh với nơi anh đang sống, và cả cái dư vị đẹp đẽ trong cách uống rượu của anh.
Tôi với anh Nhân lắc gần hết chai rượu nếp thì ngà ngà say. Tôi và Tâm từ biệt anh ra về khi trời đã xế chiều. Ánh nắng dát vàng trên mặt sông lấp lánh, tựa hồ như ai chơi ác, đem hàng ngàn mảnh kính màu rải khắp mặt sông. Hai bên bờ sông, các bà các chị đem đồ ra sông giặt. Mấy đứa con nít tắm lội lủm chủm xung quanh chân cầu. Tôi hỏi đùa, Tâm có sợ ông Năm Chèo không Tâm?(8) Tâm nói hồi nhỏ cũng sợ lắm, đâu có dám đi tắm sông mình ên. Lớn lên một chút, biết suy nghĩ một chút thì hết sợ. Bởi dân gian dựng lên câu chuyện có ông cá sấu năm chân bự chảng thần hồn, đang nằm im lìm dưới đáy Vàm Nao, đợi sau này tận thế ai hiền thì cho lên lưng vượt dòng nước cuộn, ai dữ thì “ông” nuốt vô bụng cho xuống âm phủ, chẳng qua đó cũng là cách người dân muốn con cháu phải biết nhân từ, làm lành lánh dữ. Ông Năm Chèo và bao hình tượng siêu nhiên khác tồn tại trong tâm thức dân gian trên mảnh đất này, không gì ngoài mong muốn chân phương và cao đẹp của người dân.
Tôi nhìn Tâm say đắm, cứ như đứa học trò ngồi say sưa nghe cô giáo giảng bài học vở lòng. Trong bãng lãng chiều, Tâm đẹp như một dòng sông. Tôi chợt nhớ đến Tuyết Mai và nghe văng vẳng bên tai hình như tiếng Mai khe khẽ hát trong thổn thức:
“Sông vẫn in màu mây, vẫn hay vơi đầy, vẫn đem phù sa làm đẹp thêm làng quê yêu dấu... Ôi những con thuyền giấy, những năm tuổi thơ đã đi về đâu, còn mình tôi nhớ thương vô bờ.”(9)
Bất giác tôi thầm gọi: “Về với quê mình, về với Vàm Nao đi, Mai ơi!”
T.C.H
Ghi chú:Bài lấy từ trang Web của Hội LHVHNT Long An.
Ảnh lấy từ FB của tác giả