*
Dân tộc Việt Nam ai cũng là thi sĩ. Từ nghìn xưa, trên đất nước ta, từ anh nông dân lao động cần cù đến người chiến sĩ đánh giặc giữ nước đều biết làm thơ để nói lên tâm tư tình cảm mình. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp gian khổ hào hùng trong giai đoạn từ sau Cách mạng tháng Tám đã được minh họa lại như một áng sử thi rực rỡ sắc màu, bởi những tác giả thuộc đủ c.tầng lớp. Nổi bật nhất là những bài thơ mang dấu ấn chiến tranh, được sáng tác bởi những tác giả chính là những chiến sĩ, cán bộ đang trực diện chiến đấu với kẻ thù trên trận địa : Tố Hữu, Huỳnh Văn Nghệ, Chính Hữu, …Quang Dũng. Trong số đó, được xem đứng ở một cõi riêng như một ốc đảo, rất độc đáo về nghệ thuật là nhà thơ chiến sĩ Quang Dũng.
Nhà thơ Quang Dũng (1921-1988), tên thật trong khai sinh là Bùi Đình Diệm (1) (còn gọi là Dậu vì sinh ra nhằm năm Dậu), người huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây. Theo học Ban Trung học trường Thăng Long (Hà Nội), khi tốt nghiệp Trung học, ông đi dạy tư ở Sơn Tây. Vợ là bà Bùi Thị Thạch (có nơi ghi là Trạch), biết gieo vần và từng họa thơ lại với chồng. hai vợ chồng nhà thơ có được 5 con ( 2 trai, ba gái), tất cả đếu thành đạt sau này. Hai con trai : Bùi Quang Vinh và Bùi Quang Thuận khi trưởng thành đều là nhạc sĩ. Các con gái là Bùi Phương Hạ, Bùi Phương Lê…Riêng, con gái út nhà thơ, chị Bùi Phương Thảo cũng làm thơ, là Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Võ Thị Sáu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Sau Cách mạng tháng Tám, khi thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, với tinh thần yêu nước sẵn có như bao thanh niên thủ đô khác, ông hăng hái gia nhập quân đội, công tác tại phòng Quân vụ, Bắc bộ, làm phóng viên tiền phương cho báo Chiến đấu khu II. Sau đó, Quang Dũng được điều đi học trường Bổ túc Trung cấp Quân sự Sơn Tây (1947), khi mãn khóa, ông được phân công làm Đại đội trưởng Tiểu đoàn 212, Trung đoàn 52 Tây Tiến, từng làm quân địch ở sân bay Cát Bi, Bạch Mai kinh hồn bạt vía và kiêm thêm vai trò Đoàn phó Đoàn Võ trang Tuyên truyền Việt-Lào. Cuối năm 1948, sau chiến dịch Tây Tiến, ông làm Trưởng ban Tuyên huấn của Trung đoàn 52 Tây Tiến, rồi làm Trưởng đoàn Văn nghệ Liên khu III.
Những năm sống và chiến đấu ở Trung đoàn Tây Tiến là khoảng thời
1
gian oanh kiệt, hết sức ý nghĩa trong đời thơ Quang Dũng. Bài thơ hay nhất “Tây Tiến” sáng tác trong giai đoạn này, theo lời tác giả kể lại cho bạn bè : “Hồi ấy trong đoàn chúng tôi có rất nhiều người sốt rét trọc cả đầu. Trong điều kiện gian khổ, thiếu thốn nên bộ đội không những đau ốm mà còn chết vì sốt rét cũng nhiều. Chúng tôi đóng quân ở nhà dân, cứ mỗi lần nghe tiếng cồng nổi lên, lại tập trung đến nhà Trưởng thôn để tiễn một con người vĩnh biệt núi rừng”.
Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài. Ngoài làm thơ, ông còn viết kịch, xuất bản truyện ngắn và vẽ tranh triển lãm củng các họa sĩ nổi tiếng. Ông cũng sáng tác nhạc : ca khúc nổi tiếng Ba Vì của Quang Dũng, được trình bày nhiều lần trong khu kháng chiến. Bài thơ đỉnh cao Tây Tiến được sáng tác khi ông đi dự Đại hội Toàn quân ở Liên khu III (1948) tại Phù Lưu Chanh, Hà Đông. Tháng 8 năm 1951, Quang Dũng xuất ngũ và tiếp tục công tác trong ngành văn nghệ. Sau khi làm Biên tập viên báo Văn nghệ, nhà thơ Quang Dũng chuyển về làm việc tại nhà xuất bản Văn học rồi phải đi chỉnh huấn vì dính vào vụ Nhân văn-Giai phẩm. Thơ Quang Dũng nhất là bài Tây Tiến được nhiều người yêu thích, xuất bản và phổ biến rộng rãi ngay cả ở miền Nam lúc bấy giờ. Dù nổi tiếng, nhà thơ Quang Dũng rất chơn chất, khiêm tốn, sống đạm bạc và không thích khoa trương hoặc nói về mình, tác phẩm của mình. Trong trò chuyện, quan hệ giữa bạn bè, ông hay lắng nghe người khác nói, hơn là đặt vấn đề dù ai cũng biết Quang Dũng có vóc người tầm thước, đẹp trai và rất giỏi về văn nghệ Nhiều người đã biết nhà thơ lãng tử Nguyễn Bính không thích bọn nhiều tiền lắm của háo danh, hay khoe khoang : “Trọc phú ti toe bàn thế sự/ Đĩ già tập tễnh nói văn chương/ Vốn xe đồng bạc cao hơn núi/ Còn học đòi theo kiểu Mạnh Thường”. Quang Dũng cũng coi trọng sứ mệnh cao quý của nghệ thuật văn chương nên rất đố kỵ với hạng nhà giàu muốn đánh đổi tác phẩm văn chương bằng tiền bạc. Khi nhận được thư của một đại gia mời nhà thơ nổi tiếng đến tận nhà sáng tác thơ để được biếu tiền, Quang Dũng không ngại từ chối và chua chát “Văn chương chữ nghĩa rẻ rúng đến thế ư ? ”
Người ta hay nhắc lại tính mê chủ nghĩa xê dịch kiểu Nguyễn Tuân của tác giả Tây Tiến. Nhà văn Đỗ Chu, trong một lần hợp mặt bạn văn kháng chiến đã bật mí về một quãng đời đầy chất lãng mạn của Quang Dũng. Nhà thơ rủ một người bạn họa sĩ nổi tiếng ở Thủ đô, tạo một chiếc xe trâu định hành phương Nam. Trên
đường đi, hai người định kiếm ăn độ nhật bằng cách ghé vào những nơi phố xá, chỗ đông người vẽ tranh bán vì Quang Dũng cũng là một tay vẽ giỏi. Đi giữa đường thì
2
trâu bị bệnh, không kéo xe được nữa, hai người phài bán trâu và xe đi. Ông bạn họa sĩ đồng hành nản lòng, bỏ về Bắc. Quang Dũng một mình, sang xe lửa tiếp tục vào Nam. Khi đến tận Sài Gòn, nhà thơ lại đáo sang Kampuchia, rồi cuối cùng quay về Hà Nội. Sau đó, vì mê cách mạng, Quang Dũng sang Trung Quốc để tìm cách mạng hoạt động nhưng cũng không xong nên đành trở lại quê nhà. Với gia đình, vốn có thể lực khỏe mạnh, Quang Dũng gánh vác hết mọi công việc nặng nhọc trong nhà, lúc nào cũng thể hiện sự quan tâm và lòng yêu thương vợ con.
Với bạn bè, nhà thơ Quang Dũng rất nể trọng và thường lui tới với các văn nghệ sĩ nổi tiếng như Nguyễn Đình Thi, Văn Cao, Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Trần Lê Văn, cô Xuân Quỳnh, họa sĩ Phan Kế An… Nhà cửa đơn sơ trang trí với vài bức tranh trên vách do Quang Dũng vẽ bằng mực tàu. Cả nhà thường ăn uống đạm bạc. Theo lời người con gái út Bùi Phương Thảo, nhiều khi khách đến chơi nhà, chỉ có vài đĩa đậu phọng, đậu nành để tiếp khách nhưng mọi người vẫn trò chuyện nhau vui như bắp rang.
Ngoài tranh vẽ và một nhạc phẩm, Quang Dũng có tác phẩm những tác phẩm tiêu biểu : + Bài thơ : Tây Tiến; Đôi mắt người Sơn Tây; Quán bên đường ; Lính râu ria ; + Truyện ngắn : Mùa hoa gạo (1950) ; Bài thơ sông Hồng (1956) ; Rừng biển quê hương (1957) ; Nhà đồi (1970); Làng Đồi đánh giặc (1976) ; Gương mặt Hồ Tây (Bút ký, in chung 1984) ; Mây đầu ô (1986) ; + Quang Dũng (Tác phẩm chọn lọc, 1988)… Nhiều bài thơ hay của nhà thơ Quang Dũng được các nhạc sĩ nổi tiếng phổ nhạc : Tây Tiến (Phạm Duy phổ nhạc); Đôi bờ và Đôi mắt người Sơn Tây (Phạm Đình Chương phổ nhạc và phát hành ở Paris, Pháp); Kẻ ở (Cung Tiến phổ nhạc); Không đề (được 4 nhạc sĩ khác nhau phổ nhạc : Việt Dũng, Phạm Trọng Cầu, Khúc Dương, Quang Vinh).
Số bài thơ làm tuy không nhiều, nhưng Quang Dũng đã có những áng thơ được coi là xuất sắc, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng người yêu thơ như các bài : Tây Tiến, Đôi bờ, Đôi mắt người Sơn Tây… Ông được Nhà nước tặng giải thưởng về Văn học Nghệ thuật (2001).
Hành trình vào thế giới bút mực, minh họa chân dung cuộc đời và sự nghiệp của Quang Dũng, ta thấy mạch tư tưởng nổi bật lên trước hết là lòng yêu đất nước. Nội dung chủ đề ấy tiềm ẩn trong một bài thơ tiêu biểu Tây Tiến qua nỗi nhớ triền miên ray rứt của tác giả về một địa danh lịch sử oai hùng cùng với hình ảnh
3
không thể nào quên những chiến sĩ của yêu nước. Bức tranh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ hoang sơ mà thơ mộng ấm áp với núi rừng hiểm trở. Điểm xuyết vào thế núi sông hình sông hùng vĩ hữu tình với là những cô sơn nữ xiêm y đẹp màu hoang dã , e ấp trong tiếng khèn man dại mang mang tạo nên một bầu không khí mơ màng nửa hư nửa thực. Miền Tây còn là một vùng đất tạo nguồn cảm hứng sáng tác cho văn nghệ sĩ : Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên), Truyện Tây Bắc (Tô Hoài), Cô gái Hưng Yên đi mở mang Tây Bắc (Huy Cận)…Nơi đó là địa bàn hoạt động của đoàn quân Tây Tiến, thành lập từ năm 1947 có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào, để bảo vệ biên giới Việt-Lào, đánh tiêu hao quân đội Pháp ở Thượng Lào và miền Tây Bắc bộ Việt Nam. Trong đoàn quân Tây Tiến đa phần là thanh niên Hà Nội, chiến đấu trong hoàn cảnh rất gian khổ, thiếu thốn về vật chất lại bị bệnh sốt rét hoành hành ghê gớm. Dù vậy, chiến sĩ Tây Tiến vẫn chiến đấu dũng cảm với tinh thần lạc quan cách mạng. Từng là đại đội trưởng của đoàn quân anh hùng đó nên tác giả không thể nào quên biết bao kỷ niệm về vùng đất lịch sử chan hòa tình đất tình người và tình đồng chí trong thời gian hoạt động cho sự nghiệp giải phóng.
Nỗi nhớ thể hiện một nét son đẹp trong tâm hồn của Quang Dũng : tình cảm về nguồn, triền miên kéo dài bắt đầu từ câu cảm thán đầu tiên : “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi !”, của bài thơ ban đầu chịu số phận long đong nhưng có giá trị đỉnh cao và rất được nhiều người ưa thích. Ở bài thơ ấy Quang Dũng, đã thể hiện một bút pháp tài hoa độc đáo và phong cách lãng mạn ấn tượng của một nhà thơ có chân tài. Tác giả có những nhận xét tinh tế, sáng tạo, đầy chất lãng mạn “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm/ Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Tư tưởng thâm thúy, lắng đọng đầy ắp tính nhân văn “Anh bạn dãi dầu không bước nữa/ Gục lên súng mũ bỏ quên đời”. Chọn lọc chi tiết, từ ngữ đắt giá, cô đọng gợi ý tượng hình : Mường Hịch, Pha Luông, Mai Châu, đời xanh….Nhịp thơ, tiết tấu âm thanh thích hợp, luôn chuyển biến lên xuống như một âm ba để thích nghi với thi tứ, thi cảnh : “Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây, súng ngửi trời/ Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống/ Nhà ai Pha Luông, mưa xa khơi”. Nhạc thơ du dương vốn có sẵn vì nhà thơ sử dụng thể thơ mới bảy chữ đã có tính nhạc truyền thống theo âm bình trắc. Trừ một đôi chỗ phá cách để bất ngờ tạo cảm giác mơ hồ, chơi vơi và mênh mang cho người đọc “Nhà ai Pha Luông, mưa xa khơi” nhà thơ chỉ sử dụng toàn thanh bằng - một liệu pháp nghệ thuật cũng được sử dụng ở các nhà thơ nổi tiếng : “Giang hồ mê chơi quên quê hương” (Thăm mả cũ bên đường -Tản Đà) hoặc
4
“Sương nương theo trăng ngừng lưng trời/ Tương tư nâng lòng lên chơi vơi” (Nhị hồ -Xuân Diệu). Ta cũng không thể không biết nhà thơ Quang Dũng từng có những vần thơ tuyệt bút về tình yêu “Em mãi là hai mươi tuổi/ Ta mãi là mùa xanh xưa/ Những cây ổi thơm ngày ấy/ Và vầng hoa ngâu mưa Thu/ Tóc anh đã thành mây trắng/ Mắt em dáng thời gian qua…” (Không đề - Quang Dũng).
Thẩm định về thơ Quang Dũng, ông hoàng thơ tình Xuân Diệu có cảm nhận “nghe như ngậm nhạc trong miệng” vì thơ Quang Dũng rất giàu tính nhạc (và cả tính họa). Nhà thơ Vũ Quần Phương và Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nêu ý kiến cần phải có thời gian để đánh giá cho đúng lại thơ kháng chiến trong đó có thơ Quang Dũng từng bị coi là vấn đề nên không được công khai phổ biến. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng có lời khen dành cho nhà thơ “Một người chiến sĩ trẻ, tài hoa trong đoàn quân Tây Tiến ngày đó, sau này là nhà thơ Quang Dũng”. Tóm lại, ta có thể nói : nhà thơ Quang Dũng khu biệt độc lập như một ốc đảo cheo leo giữa biển khơi xa vắng và lẻ loi hiu quạnh như một vì sao cô độc trong không gian văn chương kháng chiến, nhưng là một người thơ (2) tài năng hiếm hoi, không khác chi một loài hoa lạ ngan ngát hương rừng. Với những bài thơ xuất sắc được nhiều người, đa phần là sinh viên học sinh và cả những chiến sĩ cách mạng và lính cộng hòa ưa thích, Quang Dũng , tác giả “Tây Tiến” xứng đáng là ngòi bút thơ áo lính tài hoa trong thi đàn dân tộc.
Cuối chạp. 2017
(1) Nhà văn Vũ Bằng đã xác định lại trong hai số Văn học 125 (1/4/1971) và 140 (15/11/1971) , tạp chí do Phan Kim Thịnh chủ trương (tại Sài Gòn) : Trấn Quang Dũng và Nguyễn Khắc Phục không phải là nhà thơ Quang Dũng .
(2) Từ dùng của nhà văn Nguyễn Tuân
Tham khảo : - Từ điển tác giả văn học Việt Nam thế kỷ XX (Trần Mạnh Thường,
NXB Hội nhà văn, 2003 -Hà Nội
-Nhà văn Việt Nam hiện đại : Chân dung và phong cách (Nguyễn Đăng Mạnh, NXB Trẻ, 2005- Tp. HCM.
- Và một số tài liệu khác trong sách báo, tạp chí văn nghệ trước và sau 1975