Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
956
123.197.246
 
Cõi Hồng, thăm thẳm phận người
Lê Thành Văn
 
 
Là một nhà nghiên cứu văn hóa, đến với thơ cũng từ rất sớm, năm 1996, Bùi Minh Vũ đã có tập thơ Ngủ mơ trên cát khá ấn tượng, trong đó có những câu thơ giàu cảm xúc mà tôi vẫn nhớ, vẫn thuộc cho đến bây giờ: "Anh là cây si trước cửa nhà em/ lá rụng xuống xin em đừng quét vội/ hồn anh đó xác xơ như lá/ rắc vàng dưới gót chân em.".Thơ tiếp nối thơ: Ngày về quê ngoại (2004), Tình một thuở (2006), Dòng sông mùa xuân (2009), Chim sơn ca (2010)...,và mới đây nhất là tập thơ Lão ngư Kỳ Tân (2014) đầy sung sức, cách tân và dày dặn đến 300 trang in như một sự kiếm tìm, bứt phá để vượt lên chính mình, cố gắng chiếm lĩnh một khoảng trời thi ca sáng lóa giữa vũ trụ thơ rộng lớn vô biên.
Thế mà đột ngột, tháng 5.2017, tiểu thuyết Cõi hồng xuất hiện - như một tiếng vang lớn vọng âm khiến tất cả bất ngờ, từ địa hạt thơ ca, Bùi Minh Vũ xông pha nhảy phắt qua lằn ranh để đến với vùng trời tiểu thuyết. Bao con mắt bạn văn đổ dồn nghi ngại, không biết 132 trang in Cõi hồng của thi sĩ Lão ngư Kỳ Tân kia có là tiểu thuyết hay không? Tôi đã không ngần ngại đọc bản thảo của anh, rồi đến bản chính, ban đầu vẫn chưa thấu cảm được gì. Đọc đi đọc lại nhiều lần tìm cảm hứng để viết, để cảm thông và sẻ chia cùng đứa con tinh thần vừa mới hạ sinh khá tân kỳ và lạ lẫm của một người anh đồng hương, một bạn thơ vong niên - Bùi Minh Vũ. Quả vậy, cái gì ta cố gắng kiếm tìm, rồi đến lúc sẽ gặp. Điều tôi bắt gặp đầu tiên là một quan niệm tiểu thuyết khá mới mẻ của Bùi Minh Vũ. Nếu không thấy được điều này, chắc rồi tôi cũng chẳng viết được gì ngoài việc tóm tắt nội dung tác phẩm. Bùi Minh Vũ quan niệm tiểu thuyết như "một trò chơi cấu trúc", một "trò chơi người" giữa cuộc bể dâu trần thế. Hiện tượng giải trung tâm, giải đại tự sự để ném vào đó những buồn vui thế sự đời thường, thậm chí tầm thường; những mảnh vỡ đời tư, những u uẩn kiếp người, ai bảo điều đó không làm đau lòng nhân thế qua thể loại tiểu thuyết? Tiểu thuyết Cõi hồng, đến Bùi Minh Vũ, không còn kiểu kết cấu truyền thống, kiểu viết tuyết tính đơn giản mà tất cả đều để ngỏ như một trò chơi sắp đặt giữa tác giả và độc giả, cả hai đồng hành đi về phía sáng tạo, như ánh sáng vô lượng soi chiếu trong nhau giữa các tinh cầu trong bầu trời đêm lấp lánh. Hút và đẩy, giản cách rồi đồng hành giữa một vòng quay bồng bềnh, hỗn loạn. Có lẽ cũng xuất phát từ quan niệm rất hiện đại về thể loại tiểu thuyết ở nước ta từ đầu thế kỷ XXI, như một số nhà văn khác, nhà thơ Bùi Minh Vũ, qua những mảnh vỡ cảm xúc của riêng mình trước đời sống hiện thực lắm nghiệt ngã, đã lắp ghép và xây dựng nên cuốn tiểu thuyết Cõi hồng đầy ma lực, dù rằng "có thể hợp với lớp người này nhưng cũng có thể khó gần với lớp người kia. Dẫu sao thì đây cũng là trò chơi thú vị trong chặng đường tiếp theo của tác giả." (Dẫn theo Dutule.com)
 
Trước hết, tôi xin nói về nhan đề của tiếu thuyết Cõi hồng. Nhan đề tác phẩm thường bao giờ cũng gói gút một quan niệm, một tư tưởng, một ước mơ và khát vọng, thậm chí có khi là cả nỗi đau đời được "nén" lại của tác giả. "Cõi hồng" chính là cõi trần gian đầy đau khổ, bởi dưới lớp lớp bụi hồng nhân thế kia, con người đã phải vật lộn mưu sinh, kiếm tìm hạnh phúc cho bản thân mình và bao người yêu mến khác. Vâng, "cõi hồng trần xoay vần quá ngán" là một thông điệp mà tác giả muốn "bén tiếng" với người đọc chăng? Thông qua cuộc đời và số phận của các nhân vật trong tiểu thuyết, chúng ta nhận ra biết bao tang thương, nghịch cảnh, biết bao khổ lụy trần gian ê chề bủa vây lấy kiếp người trần thế. Một thế giới nhân vật không nhiều mà bi ai và nước mắt, dằn vặt và xót xa; mà âm dương chia lìa đứt đoạn, mà nghịch cảnh trớ trêu; mà sự phi lý bày ra "đàng hoàng" như một "trò chơi người" lũng đoạn... Đó là "cõi hồng" của hiện thực trần gian giữa thời đại ba đào mà tác giả đang sống và chứng kiến, là những mảnh vỡ của cảm xúc và trải nghiệm vang lên từ chính cuộc đời tác giả Bùi Minh Vũ. Bên cạnh đó, tôi còn nhận thấy một "cõi hồng" khác nữa hiện lên qua nhan đề tác phẩm. Trong thế giới phân mảnh của nhân vật Thân sau khi người tình đã chết, một khát vọng hiện sinh vẫn tràn trề tâm thức, nó vẫy gọi, dẫn dụ anh qua bao khúc quanh của cuộc sống thường ngày. "Cõi hồng" ấy được đánh thức, vực dậy với bao điều tốt đẹp từ tình yêu thánh thiện của Tùng và Vân, của người lính quả cảm Thành năm xưa sau khi giải trừ quân ngũ, của những cơn mơ hoang hoải mà Thân thường gặp Hưng để hai người tiếp tục cuộc yêu đương trần thế nhuộm thắm sắc hồng, "tất cả diễn ra trong không khí hồng kiệt tác". Như vậy, nhan đề "Cõi hồng", với sắc thái vừa có tính đối lập, vừa bổ sung cho nhau, đã chuyển tải một thông điệp tư tưởng giàu giá trị hiện thực và cũng hết sức nhân văn của tác giả: Cuộc trần ai dù nhiều đau thương và chua xót, nhưng con người vẫn luôn hướng đến những gì tốt đẹp, biết buông bỏ để vọng tưởng đến một "cõi hồng" thanh cao, an yên thấm đẫm tình người.
 
Về nội dung, tiểu thuyết Cõi hồng được tác giả Bùi Minh Vũ chia thành ba chương với 132 trang in. Câu chuyện xoay quanh cuộc đời của hai nhân vật chính, Hưng và Thân - đôi tình nhân lãng mạn giữa một xã hội vô tâm, thất đức "cứ lại nhân lên, mọc lên như nấm" một cách đáng sợ. Hưng, cô gái xinh đẹp, có nước da trắng hồng, đôi bàn tay thon thả, học sư phạm ra trường nhưng không có việc làm vì thiếu tiền chạy chọt. Thân, người lính trở về sau cuộc chiến, làm viên chức ở một cơ quan, nghèo nên đành bất lực nhìn người yêu dạy chui với dăm đứa học trò để kiếm sống một cách kham khổ. Cuộc đời của Hưng là một nỗi buồn thương kéo dài từ lúc còn là một bào thai trong bụng mẹ mà có lần Thân đã phân trần cùng Nguyễn: "Đừng cúi mặt, em ấy không phải là kẻ cuồng dâm, một cô giáo đúng nghĩa, từ khi nhỏ xíu em đã ở trong ngục tù của bụng mẹ, lớn lên một chút là đầu đường xó chợ, lớn chút nữa là vừa kiếm cơm và đi học bằng cách bưng bê phở bún dâng cho thượng đế ngồi mát ăn bát vàng, thêm tuổi nữa phải dạy kèm dạy chui, chưa hân hoan hạnh phúc thì lại về làm cô giáo ở cõi phan âm u huyền nhiệm". Hưng bị tên côn đồ Lê Anh Núi cưỡng hiếp rồi giết chết gần nhà hàng sang trọng T & T, nhưng sự sống, nỗi đau thương và khát vọng dạy học của cô vẫn đeo đẳng bên cạnh cuộc sống dằn vặt và đau khổ của Thân. Thân cũng là hiện thân cho một viên chức có tài năng, có học thức, sống một cuộc đời ngay thẳng, chính trực nhưng lại bị thất sủng. Lời sếp hứa đề bạt như gió thoảng mây bay, cuối cùng cái ghế trưởng phòng kia cũng rơi vào người khác. Anh trống trải, hụt hẫng, tang thương và trôi như một bóng mờ nơi "cõi hồng" xoay vần quá ngán: "Gần đây chú rất tốt, cố gắng giữ gìn và phát huy. Anh sẽ xem văn bản và điện thoại cho chú". Sau cái chết đau đớn của người tình, Thân gần như sống trong trầm cảm, đau khổ dai dẳng, những cơn chấn động tinh thần của anh đã đẩy câu chuyện sang màu sắc liêu trai, hoang tưởng. Thân gặp Hưng bất kể khi nào, lúc ngồi nói chuyện với bạn bè, khi nằm một mình trong căn phòng cô đơn, hay trong đêm vắng lang thang một mình qua "khu nhà ổ chuột... bên cạnh một gốc cây cổ thụ, có một bàn thờ nhỏ". Có khi trong những giấc mơ huyền hoặc, người tình Hưng "trong bộ váy lộng lẫy, rất đông người nhìn, có người chụp ảnh, có người xin chữ ký. Hóa ra em có đôi cánh trắng, như con bướm bay đậu vào phòng tôi". Vẫn trong căn phòng cô đơn và lạnh lẽo, nhưng có lúc Thân lại thấy mình và Hưng bên dòng sông Srêpok như ngày vừa mới quen: "Hưng và tôi ngồi bên triền sông, trên một tảng đá, em thòng đôi chân trắng nõn xuống nước, dưới bóng một cây si già. Tôi chạm môi lên bàn tay trắng và mịn. Em run, tôi run, lá si già run nghiêng bóng xuống dòng sông run rẩy." Có thể xem cuộc đời của Hưng, dù chết đi nhưng oan hồn chưa giải thoát, vẫn bám víu lấy Thân mà khát khao, mơ ước, tơ vò giữa cuộc hồng trần quá nhiều cạm bẫy và cay đắng. Kể cả sau này, khi Thân và Nguyễn có chút tình lưu luyến, Hưng vẫn chen ngang, đay nghiến, ghen tuông, dù không mãnh liệt nhưng âm ỉ khiến đôi lúc Nguyễn bần thần, lo sợ. May thay, ở bên kia thế giới khác, Hưng vẫn tiếp tục đi dạy theo lời chỉ bảo của một ông già, từ 7 học sinh rồi đến 77, 777 em ngoan ngoãn để cô Hưng truyền đạt kiến thức mà mình đã học được ở trường sư phạm. 
 
Thế giới nhân vật của tiểu thuyết Cõi hồng được tác giả Bùi Minh Vũ đưa vào thật đa dạng và phong phú, tạo nên một "thế giới người" nhiều cá tính, số phận trong "cuộc chơ ngườii" dâu bể trò đùa. Nhân vật chính là Hưng - cô sinh viên mới ra trường với biết bao mơ ước nhưng lại chết ngay từ trang đầu tiên của tác phẩm: "Cạnh nhà hàng T & T sang trọng trên đường Nguyễn Khuyến, nơi tập trung những người có tiền đến để thưởng ngoạn, du hí, có một cô gái ra đi đêm qua. Đó là em". Từ đó, cuộc đời, số phận và bao hoài bão của Hưng chỉ đồng hiện qua nhân vật Thân - người mà Hưng thiết tha yêu thương. Song trùng có tính bổ sung cùng hai nhân vật Thân, Hưng là Tùng và Vân đẹp đôi trong mối lương duyên của cuộc tình nở muộn, nhưng họ là những con người lương thiện, bình dị, thật thà. Tùng là một cựu binh trở về sau cuộc chiến, vợ anh tham lam phú quý mà chạy theo ảo vọng từ người đàn ông khác để lại anh với đứa con thơ dại và chiếc xe cà tàng chở khách kiếm sống mỗi ngày. Vân - người thiếu phụ bất hạnh mất chồng khi còn quá trẻ đã đồng cảm và đến sẻ chia cùng anh bằng một tình yêu sáng trong, thanh khiết. Món rượu làng Vân trắng tinh khiết, thơm dịu như một áng mây bay đã đưa hai người vượt qua những giông tố đời mình, chắp cánh ước mơ bằng một đám cưới vui tươi nơi nhà hàng sang trọng. Đối lập với các nhân vật trên, một thế giới "nửa người nửa ngợm" hiện lên qua các nhân vật sếp Tân, cô Thanh tài vụ, cô Ngân tổ chức, ông Thịnh trưởng phòng nơi công sở. Có cả bọn chợ búa và côn đồ ngoài đời, đó là lũ thanh niên mình đầy những vết chạm trổ, nhất là tên Lê Anh Núi đâm thuê chém mướn và sẵn sàng cưỡng hiếp để rồi giết chết cả Hưng. Trong thế giới nhân vật phản diện kia, ta bắt gặp một ông Tân cửa quyền, hách dịch, tham nhũng. Cô Thanh dâm đãng, nước da phớt hồng, dáng đi nhún nhảy như rắn, sẵn sàng làm tình ngay trong phòng với sếp giữa ban ngày. Cô Ngân cặp bồ hết sếp này đến sếp khác chỉ để vì tiền và thỏa mãn dục vọng. Nhất là Thịnh, một tên tham quyền chức, ton hót, sẵn sàng cúi đầu núp dưới váy của vợ sếp và đút lót để được ngoi lên cao, cao nữa.  Rõ ràng, qua hệ thống nhân vật trong tiểu thuyết, dù tác giả không viết theo sự sắp xếp của môtip truyền thống, song người đọc vẫn nhận ra hai thế giới nhân vật đối lập nhau. Thế giới nhân vật hiền lương, đạo đức, sống ân tình, thủy chung, cả trong chiến tranh và thời bình. Đó là phẩm chất của cõi người hướng thiện - "cõi hồng" trong mơ ước của tác giả. Người đọc nhận ra vẻ đẹp tâm hồn ấy thông qua các nhân vật Thân, Hưng, Tùng, Vân, Thành. Bên cạnh đó, tuyến nhân vật bất lương, vô đạo, sẵn sàng giết người cướp của, nhất là bọn quan tham "ngồi mát ăn bát vàng" dâm ô, xảo quyệt, phỉnh nịnh, chui rúc để mong có chút chức quyền mà khoe khoan với người đời. Bùi Minh Vũ chỉ ném gần một chục nhân vật vào tiểu thuyết Cõi hồng nhưng đã dựng lên cả chân dung thời đại chúng ta đang sống, một "thế giới người" giữa cơ chế thị trường trắng, đen lẫn lộn. Tôi nghĩ, tất cả những hình tượng mà Bùi Minh Vũ bóc trần trong tiểu thuyết Cõi hồng  phần nào được phản ánh từ đời sống hiện thực nhố nhăng, rệu rã, vô đạo, hoàn toàn tác giả không hư cấu một cách sống sượng, thiếu thực tế. 
 
Đọc tiểu thuyết Cõi hồng, điều làm chúng ta thú vị và mê đắm trước hết chính là nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ giàu chất thơ của tác giả Bùi Minh Vũ. Chất thơ thấm đẫm qua hình ảnh, nhịp điệu, ca từ âm nhạc và cả trong các thủ pháp nghệ thuật. Tôi đã đọc và khảo sát khá kỹ, tác giả đã không dưới năm lần sử dụng ca từ của các ca khúc bất hủ của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Vũ Thành An, Trần Thiện Thanh, Trần Lê Quỳnh... Phần lớn ca từ của các ca khúc nổi tiếng ấy được tác giả chêm xen vào đúng lúc, đúng chỗ thành ra hàm súc và đầy dư vị. Mở đầu tiểu thuyết, lúc cõi hồn Thân bị vết thương đời bắn gục: người tình chết trong tức tưởi, anh đến cơ quan "như người không có mắt, gục đầu trong khoảng không", ca từ nhạc phẩm Cõi hồn thương đau của Phạm Duy lại ngân lên da diết: "Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa/ cho tôi về đường cũ nên thơ/ Cho tôi gặp người xưa ước mơ...". Còn đây là ca từ trong Ru em từng ngón xuân nồng mà Thân hát cho Hưng nghe khi hai người đang du hí trên chiếc xe máy đến tận Đắk Nông để dự lễ Tâm nghếch (Lễ mừng được mùa): "Ru mãi ngàn năm dòng tóc em buồn/ Bàn tay em năm ngón ru trên ngàn năm/ Trên mùa lá xanh ngón tay em gầy/ Nên mãi ru thêm ngàn năm". Lãng mạn và giàu chất thơ nhất vẫn là những đoạn viết về tình yêu nồng nàn say đắm giữa Thân và Hưng qua giấc mơ đời còn sót lại, đâu đó treo lơ lửng giữa hồn Thân như một ám ảnh ngậm buồn. Mường tượng giây phút được ôm Hưng vào lòng, Thân nghe như muôn ngàn suối hương cuộn chảy bên mình, Bùi Minh Vũ đã có được những trang văn giàu cảm xúc trào trên ngòi bút: "Anh biết, nhưng đêm nay, anh thực sự thở trong hương bồ kết, mà hình như em là một khối hương, chung quanh này là một rừng hương, nhìn lối nào cũng thấy sắc hương bay." Lãng mạn và tình tứ, lúc cả hai quyết định rời Đắk Nông để đi Đà Lạt ngay trong đêm khuya khoắt, họ đắm đuối quấn quýt bên nhau, say đắm nhìn nhau. Trong mắt Thân lúc này, cả thế nhân dường ngân nga khúc tình si của con tim biết hát, đường rừng đêm tối cũng hóa thành thơ: "Tôi nhìn em, em nhìn tôi đắm đuối. Tôi và em như vũ công giữa đường rừng thơm nức hương đêm". Ngoài ra, Cõi hồng thấm đẫm chất thơ nhờ tác giả có ý thức sử dụng câu văn trùng điệp về mặt cấu trúc, sử dụng phép điệp nghe luyến láy các thanh âm từ câu chữ nên nghe tràn trề và ngân nga tiếng nhạc: "Đèn sáng hồng một cõi nhân sinh. Gương mặt các đôi nam nữ sáng lên màu hồng. Những đám đông ngày càng hồng xinh nhộn nhịp. Phố đi bộ hồng tấp nập. Mọi người hồng, Hưng hồng. Tôi bước vào phòng hồng, điện hồng, gối hồng, ga hồng, vách hồng... Tất cả diễn ra trong không khí hồng kiệt tác". Chính những câu văn cách điệu, hoặc tác giả cố tình lược bớt đi các từ nối giữa các ý, các vế làm cho câu văn nhòe đi về mặt ngữ nghĩa thành ra đọc lên nghe thật êm dịu và giàu tính nhạc. Có lúc chính ý thức ngắt nhịp câu văn, sự luân phiên các thanh bằng, trắc làm cho câu văn có giọng điệu rất thơ: "Tôi chạm môi lên bàn tay trắng và mịn. Em run, tôi run, lá si già run nghiêng bóng xuống dòng sông run rẩy" (T. 66). Viết tiểu thuyết mà tạo dựng được chất thơ như thế quả là không dễ, bởi ở thể loại này, thường các nhà văn hay chú ý đến các tình tiết, các sự kiện rồi nối kết chúng lại để bùng vỡ một vấn đề tư tưởng, một triết lí, một quan niệm nhân sinh, qua đó giúp người đọc vui hay buồn, hạnh phúc hay khổ đau nổi trôi theo cuộc đời và số phận nhân vật.
 
Bên cạnh chất thơ thấm đẫm qua ngôn từ nghệ thuật, tiểu thuyết Cõi hồng của Bùi Minh Vũ cũng rất thành công trong nghệ thuật kể chuyện (nghệ thuật trần thuật). Tác phẩm có ba chương, đều do một nhân vật xưng "tôi" đứng ra kể chuyện. Có điều, hai chương đầu là do điểm nhìn từ nhân vật Thân - người kể ở ngôi thứ nhất xưng "tôi". Đến chương thứ ba nhân vật xưng "tôi" lại chính là Nguyễn. Tại sao tác giả lại thay đổi ngôi người kể chuyện? Lý giải cho điều này, tôi nghĩ rằng, vì tiểu thuyết Cõi hồng dù viết khá mới mẻ về mặt cấu trúc và cách tân trong thủ pháp dựng chuyện, kể chuyện, nhưng tinh thần chung vẫn nằm trong cảm hứng và bút pháp lãng mạn. Hai chương đầu phần lớn xoay quanh cuộc đời và số phận của nhân vật Thân và Hưng, bao biến cố, đau buồn, mất mát, nghịch cảnh trớ trêu đều xảy ra xoay quanh cuộc tình xinh tươi như mộng của hai người. Thế rồi Hưng bị giết chết, giấc mơ dạy học bị đứt gãy; Thân bơ vơ, sống lờ mờ như cái xác không hồn, lúc đến cơ quan, lúc trên đường phố, lúc nằm một mình giữa căn phòng trơ trọi. Trần thuật qua điểm nhìn của Thân giúp cho Bùi Minh Vũ phát huy tối đa sức mạnh của bút pháp lãng mạn, giải tỏa ẩn ức và phóng chiếu những ước mơ, khát vọng cũng như thỏa sức đay nghiến trước những xấu xa, băng hoại của đời sống xã hội mà chính Thân là người chứng kiến một cách thảm hại trong tiểu thuyết Cõi hồng. Trái lại, ở chương ba, phần lớn tác giả tập trung khắc họa cuộc đời và số phận của Nguyễn - người tình thứ hai trong cuộc đời Thân. Nguyễn buôn bán bất động sản, nhưng làm ăn thất bại, nhà cửa bị người ta đến thu để xiết nợ, chồng của cô gọi về thì Nguyễn lại đang đi câu cá lăng ở dòng Srêpok với Thân rồi qua đêm giữa một không gian đại ngàn mơ tưởng. Cuối cùng, chồng và con Nguyễn bỏ đi, nhà cửa bị tịch biên. Hạnh phúc vụt biến trong khoảnh khắc, tang hoang hoang như một trò đùa của số phận: "Tôi nhìn căn nhà như nhìn một điều gì đó vớ vẩn, một trò chơi của trẻ con. Tôi từng vào ra, anh vào ra, con trú ngụ, rồi chỉ một chiều nó mang bộ mặt khác...". Thật vậy, tất cả những đau thương, mất mát ấy của Nguyễn chỉ có thể được nhìn dưới con mắt, qua lời kể của chính Nguyễn là nhân vật xưng "tôi" mới đau đớn, vụn vỡ và xa xót biết nhường nào: "Tôi rùng mình như sắp đẻ ra tôi lần thứ hai". Tất cả nhập nhòa hư thực, tan hoang trong một nỗi buồn chát đắng.  
Về phương diện nghệ thuật, một thành công nữa của tiểu thuyết Cõi hồng là tác giả đã sử dụng bút pháp nhòe mờ, đồng hiện qua ngôn ngữ, nhân vật; xáo trộn cõi âm và trần thế, phảng phất màu sắc liêu trai, đôi lúc làm người đọc ngạt thở, mệt lả trong một cõi hoang liêu của trí tưởng tượng ảo diệu và nhuốm màu siêu thực. Hưng chết rồi mà như vẫn sống, cứ đồng hiện bên cuộc đời Thân, lúc nói cười vui đùa hí hửng, khi xót xa chua xót phận mình, thậm chí Hưng còn ghen tuông đay nghiến, cãi vã với Nguyễn. Hưng "xuất quỷ nhập thần" khiến cho Nguyễn mơ hồ nghi ngại đến hoảng sợ: "Tôi thấy hắn lẫn trong bóng hồng. Tôi cố nhìn để xem cho rõ mặt, hắn lá ai? Hắn từ đâu đến? Bằng cách nào mà hắn vào từ cái cửa then cài? Một lần, hai lần và nhiều lần tôi gặp hắn cũng những đêm màu hồng". Lời thoại của các nhân vật có lúc cũng chồng lên nhau khiến người đọc phải tinh ý mới nhận ra. Chính những nét "nhòe mờ" của không gian, thời gian, lời thoại, tính cách và số phận nhân vật đã mở ra nhiều hướng tiếp cận mới cho người đọc. Bởi lẽ bạn đọc là những người đồng hành sáng tạo cùng với tác giả. Văn học hiện đại không bao giờ đóng khung một cách hiểu, mà luôn mở ra nhiều chân trời tiếp cận khác nhau. 
Cuối cùng, xin nói đến nghệ thuật xây dựng các biểu tượng mang màu sắc ẩn dụ như khẩu súng, cây bút, màu trắng, màu hồng, lắp ghép... mà theo tác giả đó là sự sắp đặt của trò chơi số phận trong cõi vô thường. Với tôi, hơn thế nữa, đó chính là các biểu tượng có tính đối lập giữa ân và oán, sự bạo tàn và khả năng chống trả, giữa sự vô cảm và lòng hướng thiện để rồi tự động quay về trong một cấu trúc định mệnh của "trò chơi người" nghiệt ngã.  
 
Tiếu thuyết Cõi hồng lấy không gian Tây Nguyên làm không gian nghệ thuật để tác giả xây dựng thế giới nhân vật của mình với biết bao buồn vui của số phận. Nhận diện từ góc độ văn hóa, Cõi hồng tích hợp được nhiều vẻ đẹp mang màu sắc bản địa. Thiên nhiên nên thơ qua những cung đường thông reo bát ngát, những dòng sông, con suối uốn lượn muôn nẻo đi về. Lễ hội Tâm ngếch với các nghi lễ đâm trâu, uống rượu, múa hát của đồng bào dân tộc thiểu số đã tạo sự thích thú, hấp dẫn chúng ta như lần đầu được đi du lịch đến vùng đất Đắk Nông huyền thoại. Thành phố Đà Lạt mộng mơ đẹp lung linh với phiên chợ đêm dặt dìu giấc mộng tình nhân... Qua đó, người đọc sẽ hiểu biết nhiều hơn, am hiểu sâu sắc hơn về một không gian văn hóa khi đọc cuốn tiểu thuyết Cõi hồng từ những am tường của một nhà thơ - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Minh Vũ. Tiểu thuyết Cõi hồng, do đó, không những thành công về mặt nội dung tư tưởng và cả phẩm chất nghệ thuật mà nó còn là cuốn tiểu thuyết hiện đại phá bỏ ranh giới thuần túy để dung nạp tất cả các chất liệu văn hóa đời sống làm nên một tiểu tự sự từ những mảnh vỡ cảm xúc, những ám ảnh đời tư. Giữa một thời đại quá nhiều bất trắc, qua khúc xạ tâm hồn nhiều khao khát, thương yêu, Cõi hồng là tiếng nói thiên lương nhưng cũng đầy phản kháng để giành lại cuộc sống chính đáng cho mỗi con người.
 
Lê Thành Văn
Số lần đọc: 1476
Ngày đăng: 09.01.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ý nhỏ về giai thoại Vua Minh Mệnh - Lê Ngọc Trác
Từ chuyện viết mới tiếng Việt đến nhà văn Nguiễn Ngu Í - Phan Chính
Định niệm - Võ Công Liêm
Vị thế nổi bật và ảnh hưởng của Việt Nam đối với các nước lân bang dưới thời Minh Mệnh - Lê Ngọc Trác
Thị độc Trần Phương - Nguyễn Thanh
Suy ngẫm về nghệ thuật hậu hiện đại Việt Nam trong thời kỳ hội nhập - Tuấn Giang
Nghệ sĩ Thanh Sang – Tiếng hát buồn thiên cổ - Nguyễn Thanh
Nhà thơ Tố Phang – danh sĩ đất Nam bộ - Nguyễn Thanh
Thế giới nguyên vi đêm hoàng lệ. - Phan Đình Dũng
Hoàng Như Thủy An "Từ thơ đến họa" - Vương Kiều