Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.224
123.153.134
 
…Vài kỷ niệm với những văn nghệ sĩ tôi quen biết
Phạm Thanh Chương
 
   Sau năm 1975 đời sống bị xáo trộn, gia đình tôi lâm vào hoàn cảnh khó khăn,túng quẫn, tôi đem tủ sách nhà ra trải tấm bạt ở vỉa hè đường Lê Lợi để bán, tại đây tình cờ tôi gặp các thầy học cũ cũng ra đây bán sách như tôi : thầy N. thầy VC, thầy L.L.Y. Thầy trò gặp nhau trong hoàn cảnh như vậy, tôi mừng mừng, tủi tủi,  nghe lòng rưng rức một nỗi xót xa …
 Chợ sách tự phát dọc đường  Lê Lợi tồn tại không được bao lâu thì nhà nước dồn vào con đường Đặng thị Nhu sau hãng máy may Sinco, một con đường vắng vẻ  của Saigon. Tôi chán nản về đóng một chiếc xe giống như xe hủtiếu  để  bán trước cổng nhà và cũng để tiện bề chạy trốn khi bị  đuổi.
      Một buổi sáng, Đoàn thạch Biền đến thăm tôi, cùng đi với anh có một người đàn ông đứng tuổi, tầm thước, đểhàng ria mép rậm trongt6 rất ngầu. Đoàn thạch Biền giới thiệu là Mường Mán, anh chững chạc, ít nói, chỉ nói khi cần thiết và khi có người nào hỏi.
Trông anh không giống một chút nào với Mường Mán mà tôi đã  mường tượng lúc chưa gặp mặt.  Đọc anh, tôi gặp một Mường Mán nho nhã, thư sinh, qua những bài viết thơ mộng, mượt mà, hợp với tâm trạng tuổi trẻ lúc bấy giờ chứ không phải “rừng rú” như bút hiệu “ngồ ngộ” của anh, âu cũng là điều thú vị giữa văn thơ và người viết.
 
    Khi tờ Áo Trắng ra đời, Đoàn thạch Biền đến  kêu tôi về phụ anh một tay trong khâu thực hiện. Ban biên tập gồm : Đoàn thạch Biền, Đinh tiến Luyện, Đỗ trung Quân, sau này có Mường Mán. ‘Tòa soạn” được anh Lê Hoàng cho “tạm trú” tại NXB(Nhà xuấtbản) Trẻ. Biên tập Áo Trắng là một nữ biên tập viên trẻ trung, xinh đẹp của Nhà xuất bản, cô Trần Hữu Khánh. Hầu như tất cà sách của Nguyễn nhật Ánh xuất bản tại đây đều do cô biên tập. Ngoài công việc biên tập cô còn là dịch giả nhiều tác phẩm nổi tiếng do Nhà Xuất bản Trẻ phát hành.
   Một buổi trưa  Nhà Xuất bản tổ chức sinh nhật cho cô, ngồi làm việc tôi để ý thấy chút chút lại có người mang quà đến gởi, tôi lặng lẽ ra chợ Bến Thành lựa một giỏ hoa thật đẹp mang về tặng như món quà Áo Trắng gởi cô rồi chuẩn bị ra về. Bỗng Khánh nói như ra lệnh :
- Anh đứng đó, chưa được về đâu.
Rồi cô quay lại nói với các biên tập viên đang ngồi gần :
- Ông này nhát gan lắm, phải làm cho ổng sợ.
Tôi chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra thì Khánh đến gần ôm hôn tôi một cái làm chân tay tôi run lập cập.
Bây giò nhớ lại thấy thật tiếc, tự hỏi tại sao lúc đó mình không biết ôm hôn lại?
Tại đây có một “ căn tin” lợp tôn thấp lè tè do con gái anh Phạm chu Sa đứng bán. Nhờ khoảng sân khá rộng, sát vách báo Tuổi trẻ và báo Phụ nữ nên là nơi tập trung nhiều phóng viên,  nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ tới đây  trao đổi, lấy tin, tán dóc rất ồn ào.
  Bảo vệ NXB Trẻ là một phụ nữ, chị Định. Chị vui tính và đặc biệt là hầu như chị quen mặt, biết tên tất cả các phóng viên cũng như những người hay ra vào căn tin trong khuôn viên Nhà xuất bản
   Một buổi sáng, khi tôi vừa đến thì thấy chị đứng khóc trước cổng, cùng lúc đó có Bùi Giáng mang bị, đeo đồ lỉnh kỉnh trên người vung gậy đi tới. Ông ngạc nhiên dừng lại hỏi thăm, khi biết chị Định vừa bị mất chiếc xe đạp, ông lặng lẽ ngồi xuống, mở bị lấy gói Basto, lột vỏ bao thuốc làm giấy, mượn tôi cây bút viết gì đó rồi trao cho chị Định, chị mếu máo cầm tờ giấy đưa lại cho tôi, trước cảnh tượng như vậy tôi không biết làm gì hơn là đọc cho chị nghe hai câu thơ của Bùi Giáng vừa làm tặng chị :
“ Bài thơ gởi tặng chị hai
 Người còn thì của lai rai vẫn còn”
Khi tôi quay lại tìm Bùi Giáng thì ông đã đi xa rồi, đang vung gậy múa may phía trước. 
  Sài gòn là một thành phố sôi động, người tứ xứ dổ về đây mưu sinh đủ mọi thành phần, đường phố lúc nào cũng kẹt xe, người ta chen lấn lưu thông tất bật, hối hả trên mọi nẻo đường, nhưng với Bùi Giáng thì  ông không hề bị ảnh hưởng chút nào, ông xem thế giới ta bà này như một cõi để ông đến giải khuây và thưởng ngoạn :
 
Sài gòn, Chợ lớn rong chơi.
                                             Đi lên đi xuống đã đời du côn
Những gì bắt gặp, trông thấy bên ngoài của một Bùi Giáng như say như tĩnh, như điên đảo ấy còn có một  con người khác, trong một cảnh giới khác, đầy ắp tình người, bao dung và lãng mạn :
                                             Tuổi thơ em có buồn nhiều
                                             Hãy xin cứ để bóng chiều bay qua”
    Đọc hai câu thơ Bùi Giáng tôi rùng mình, khắp người nổi da gà, bỗng dưng tôi nhớ  mấy câu thơ Tố Hữu viết về Nguyễn Du :
                                            Tiếng thơ ai động đất trời
                                             Nghe như non nước vọng lời nghìn thu
Thơ ông đã làm lay động lòng người, rúng động đất trời như một cơn giông bão
Bên chiếc bàn nhỏ sát góc căn tin có một người đàn ông đứng tuổi ngồi uống bia một mình với bịch đậu phộng rang, ông đạp xe đến đây đúng giờ và đều đặng mỗi ngày, người đàn ông đó là nhà văn, dịch giả Trần Phong Giao nhưng anh lại nổi tiếng với vai trò một Thư ký tòa soạn. Thập niên trước năm 1975 người viết trẻ nào được anh chọn bài đăng trên Bán nguyệt san VĂN coi như đã bước một chân vào ngưỡng cửa văn học, đó là điều bất thành văn nhưng người viết nào cũng đều ngầm hiểu như vậy.
Anh ngồi đó nhâm nhi ly bia trông cô độc như một thiền sư, tôi hay lân la bên anh hỏi chuyện xưa, anh nói năng từ tốn, nhỏ nhẹ, tôi thích thú
như ngày nào cứ trông chờ VĂN ra để tìm đọc mục Tin Văn… Vắn Những người xuất hiện trên Văn đa số đều thành danh và nổi tiếng như ; Y Uyên, Nguyễn Mộng Giác, Kinh Dương Vương, Trần Hoài Thư, Mường Mán, Ngụy Ngữ,  Mang Viên Long, Nguyễn Lệ Uyên,  Hạc Thành Hoa, Vũ Hữu Định, Nguyễn Bạch Dương, Đynh Trầm Ca, Phạm Chu Sa, Nguyễn Nho Sa Mạc, Nguyễn Đức Sơn, Cao Thoại Châu, Tần Hoài Dạ Vũ, Hoàng Đình Huy Quan, Phạm Cao Hoàng, Võ Chân Cửu, Đặng Tấn Tới, Yên My, Phạm Ngọc Lư…(dĩ nhiên trong một bài viết như thế này sự thiếu sót các tên tuổi không làm sao tránh khỏi )
Một buổi trưa giữa tháng năm, trời nóng như đổ lửa, tôi thấy Đoàn thạch Biền ngồi đọc bản thảo trong căn tin, mồ hôi nhễ nhại, thỉnh thoảng anh lấy tay quẹt mồ hôi trên trán, dường như anh để tâm hết vào trong xấp bản thảo,  tôi có cảm tưởng anh chẳng hề biết nóng là gì. Bàn bên cạnh, Nguyễn văn Hiên và Vũ Hoàng đang ngồi uống bia. Nguyễn văn Hiên lấy giấy viết gì đó đưa cho con gái anh Phạm chu Sa, dường như trên môi cô bé có thoáng nụ cười, cô bé mang bia và ly đá để trước mặt Đoàn thạch Biền cùng tờ giấy của Nguyễn văn Hiên vừa trao cho cô lúc nãy, tôi dòm vô đọc ké :
“ Một chai cho chú Thạch Biền
              Nói rằng chú Nguyễn văn Hiên tính rồi”
  Vừa lúc đó Mường Mán từtrong NXB.Trẻ bước ra, vẻ mệt mỏi, anh hấp tấp lấy xe, giơ tay chào rồi chạy thẳng. Tôi nói với Vũ Hoàng và Nguyễn văn Hiên :
       -  Nghe nói Mường Mán đang chuyển nhà từ Cần thơ về Saigon, chắc vì vậy nên vội vã.
   Nguyễn văn Hiên khều tôi :
- Hôm nào gặp Mường Mán nhờ cậu nói là tớ khuyên ông ấy đổi cái bút hiệu, may ra cuộc đời sẽ sáng sủa hơn.
       -   Nghĩa là thế nào ?
      -   Làm chủ bao giờ cũng khá hơn… làm mướn    
Rồi Nguyễn văn Hiên cười hề hề :
- Mường Mán là Màn Mướn, mà màn mướn thì làm sao khá được…hôm nào Mường Mán ở Cần thơ lên cậu nói giúp tớ như vậy.
Tôi xua tay :
      -  Nói giúp kiểu này dễ bị ăn đòn, tôi ớn lắm !
-  Cậu phải giải thích và đưa ví dụ cho Mường Mán hiểu..như Vũ Hoàng là Vãng Hù, mà Vãng Hù tức hủ vàng, nhờ  vậy nên Vũ Hoàng mới tậu chiếc Dream mới cáu...đây nè.
 Nguyễn văn Hiên vừa nói vừa cầm chùm chìa khóa bấm một cái, bỗng còi báo động của chiếc xe Vũ Hoàng kêu lên inh ỏi. Đoàn thạch Biền làm rớt xấp bản thảo xuống đất, quay lại nhìn chằm chặp vào Nguyễn văn Hiên 
- Làm hết hồn…
Vũ Hoàng, Nguyễn văn Hiên là  nhạc sĩ trong nhóm “ Những người bạn”, Nguyễn văn Hiên tính tình phóng khoáng, hào sảng, tôi gọi anh là “chuyên gia nói lái”.  Nói lái như Nguyễn văn Hiên là kiểu nói lái mà Vũ Đức Sao Biển gọi là nói lái “trời sầu đất thảm”.Khi Trịnh Công Sơn và Từ Huy mất, nhómNhững người bạn” cũng tan rã.
Góp ý vui của Nguyễn văn Hiên cho Mường Mán không ngờ như một lời tiên tri.Hiện giờ Mường Mán làm chủ một nhà hàng nổi tiếng ở Phú Nhuận.Đó là nhà hàng Ruốc. Nhà hàng của anh chuyên về ẩm thực truyền thống Huế
Buổi chiều cuối năm, bộ mặt Sài gòn bỗng dưng thay đổi, đường phố thênh thang, xe cộ thưa thớt. Sài gòn như một người quanh năm tất bật giờ được nghỉ ngơi.Tôi và em tôi đến nhà hàng Ruốc vào buổi chiều ngày cuối năm lúc trời còn những vạt nắng sót lại trên những tòa cao ốc. Anh em tôi mỗi năm găp nhau có một lần, anh Mường Mán đưa chúng tôi đi xem tranh, anh giải thích và nói chủ đề từng bức, khoảng hơn 40 bức tranh được anh vẽ trong vòng 10 năm, đến nhà hàng Ruốc, đúng hơn là vào một ngôi biệt thự, yên tĩnh, thanh lịch đẹp nhất nhì thành phố,  vào đây như lạc đến một thế giới khác, yên ả khác hẳn cảnh xô bồ náo nhiệt ở bên ngoài. Tôi cảm tưởng đây là nơi trưng bày tranh sơn dầu của Mường Mán hơn là một nhà hàng.
Lâu quá mới gặp, anh lan man nói về ngày xưa. những lận đận giờ cũng đã qua rồi. Trong câu chuyện Mường Mán có nhắc đến Trần từ Duy (Đông Ki Rét), đã mất năm 2015, người có công quyên góp anh em trong giới văn nghệ để in thơ và xây mộ cho nhà thơ tài hoa mệnh yểu Vũ hữu Định.
      Trần từ Duy là người có những lời  phát ngôn gây chấn động, trên chẳng sợ trời, dưới không sợ đất, giữa chẳng nể thần linh, tính anh bộc trực, trong đầu nghĩ gì, miệng phán ra câu đó.  
Một lần Trần từ Duy đang nhậu, có nhóm bạn đồng hương từ Quảng nam bước vào, người quen dắt Trần từ Duy qua giới thiệu, vừa bắt tay nhóm bạn mới anh vừa nói : 
                            “Khổ vì bạn 
                         Khốn nạn vì đồng hương “
 
Một người trong nhóm nổi giận, đập bàn, xách ghế muốn ăn thua đủ với Trần từ Duy, nhờ bạn bè ra tay can ngăn, nếu không chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra.  
  Hồi mới mở nhà hàng Quán xay gió, bạn bè đồng nghiệp đến ủng hộ rất đông, anh nói với tôi
- Tao có nguy cơ bị giàu rồi.
    Sau này,  lúc đến thăm Mường Mán tại nhà hàng Ruốc,  Trần từ Duy có thêm nhà hàng Đất sét, anh lại nói với Mường Mán ;
- Không biết làm sao cho nghèo bớt 
 Trần từ Duy “ tính khí ầm ào như gió bão miền Trung, nói năng rổn rảng như sóng vỗ vào ghềnh đá” đúng như Trần Hoàng Nhân đã nhận xét.
  Nhưng ở trong  một “cảnh giới” khác anh lại rất nghiêm túc :
«Lên non làm sãi quét chùa
             Tiện tay quét những được thua đời mình
              Sân chùa ta quét sạch tinh
              Tâm ta quét mãi vô minh vẫn còn vô minh »
     Hoặc lãng mạn, đầy ắp chất thơ của một người nghệ sĩ :
   «    Anh biến mất những cũ mèm tháng chạp
                 Nghe đời mình hớn hở những giêng hai
     Anh thấy anh ngồi với ban mai
                  Rất nhiều nắng và rất nhiều chim chóc nữa »
         Trần từ Duy thường đọc hai câu thơ của Bùi Giáng làm tặng anh để tự giới thiệu về mình. 
« Gã tên là Trần Từ Duy
                    Lão Bùi Giáng gọi là Duy Từ Trần »
    Hai câu thơ của Bùi Giáng không ngờ lại ứng nghiệm với Trần từ Duy, anh lìa bỏ trần gian đầy những đau thương và sầu muộn nầy lúc tuổi đời còn rất trẻ.
 
      Saigon, những ngày cuối đông 2017
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Phạm Thanh Chương
Số lần đọc: 1872
Ngày đăng: 09.01.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Gửi chiều Đông nào nhung nhớ ! - Phan Văn Thạnh
Với quê nhà yêu dấu ( Nhật Ký Hành Trình ) - Trần Dzạ Lữ
Hoa ôm - Phạm Nga
Thầy Văn và Thơ - Nguyễn Thanh
Con Người Và Hành Trình Miên Man Của Lòng Tham - Nguyễn Hàng Tình
Nhà thơ Yến Lan và sự hâm mộ : Trích Hồi ký “Người thi sĩ của Bến My Lăng” - Lâm Bích Thủy
Dọc đường văn nghệ (phần 22) - Ở Đà Lạt mênh mang sương khói cuộc tình - Trần Dzạ Lữ
Làm vợ thi sĩ - Lâm Bích Thủy
Trường Sainte Marie, Phú Xuân, ký ức một thời xa vắng - Sâm Thương
Sao ứng với đời tôi đến thế - Lâm Bích Thủy