(Qua nhận xét của những nhà văn cùng
thời với ông và những người viết trẻ lớp hậu bối))
… Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ ?(Vũ đình Liên)
Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ nói rằng : “ nhiều người đang và sẽ viết về Bùi Giáng dưới nhiều góc độ khác nhau, thậm chí có người nhắc đến ông là để“ tự nâng mình lên” (1). Không biết anh nói vậy có đúng không?
Viết về Bùi Giáng không hề là chuyện dễ nếu không đủ “ nội công thâm hậu”,kiến thức uyên bác về các vấn đề liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của ông chứ không phải chuyện kể bên lề những lần gặp gỡ cùng những câu thơ ngẫu hứng ông viết trong quán cốc ven đường hay trong một lần tình cờ chạm mặt. Vì vậy có những người viết về Bùi Giáng đôi khi lại là “tự hạ mình xuống”.
Bài viết nầy chỉ ghi lại những nhận xét về Bùi Giáng của những nhà văn cùng thời và cũng là bạn của ông trong những thập niên trước 1975 và nhận xét của những người viết trẻ thuộc lớp hậu bối.(Những nhận xét được trích dẫn dưới đây với tư liệu ít ỏi mà chúng tôi có được.)
.
Bùi Giáng có quá nhiều giai thoại khi ông còn sống và cũng có rất nhiều huyền thoại khiông đã mất.Thường thì người ta tôn vinh, viết những bài ca ngợi, kể những giai thoại hay những câu chuyện liên quan đến nhân vật nổi tiếng trong một lảnh vực nào đó khi họ không còn nữa.Nhưng với Bùi Giángthì là một ngoại lệ.
Nhiều tuyển tập sáng tác văn học, nhiếu tờ nguyệt san, bán nguyệt san, trước và sau năm 1975 đã viết về ông, đã làm những đặc tuyển cho riêng ông khi ông còn sống cũng như những bài viết, phân tích về ông trên các tờ báo văn học trong nước và hải ngoại khi ông đã mất
Người ta dùng nhiều tên gọi để gán cho Bùi Giáng, như : Hiện tượng của sự phá hủy, Nhà hiền triết, Trung niên thi sĩ, Bồ tát giáng trần…nhưng dù với bất cứ tên gọi nào thì ông vẫn là một người trần tục đến đây, cõi ta bà nầy để rong chơi và thưởng ngoạn…
Nhà biên khảo, dịch giả Huỳnh ngọc Chiến trong một bài viết đã nhận xét:“Bùi Giáng là bậc thượng trí, hầu như “vô sư tự ngộ”.Ở miền trung du hẻo lánh xứ Quảngđó ông chỉ đọc sách mà “phát minh tâm địa” như trường hợp thiền sư Huyền Giác đọc kinh Duy Ma Cật…” (2) Anh viết:“Trước 1975 ông thường sống trong lô cốt trước viện Đại học Vạn Hạnh với các lon cơm bẩn thỉu. Lối sống kỳ dị đó cũng không ảnh hưởng đến sự sáng tạo phi thường của ông. Ngay vào giai đoạn người ta xem như ông bị điên nặng thì ông cho ra đời tập thơ : Bài ca Quần đảo mà theo nhà xuất bản thì đây là cả một đại dương thi ca” (3). Anh viết tiếp :“Như Kim Mao Sư vương Tạ Tốn đột nhiên xuất hiện trên Vương Bàn Sơn đảo dùng thần công vô địch trấn áp quần hùng và đoạt thanh đao Đồ Long của Thiên Ưng giáo gây chấn động kinh hoàng cho hai phe hắc bạch thì Bùi Giáng xuất hiện trong nền văn học miền Nam cũng bất ngờ như thế. Nhà thơ gầy gò nhỏ bé của xứ Quảng đã đột nhiên hiện ra sừng sững như một cây đại thụ giữa cõi thi ca và triết học Đông – Tây trên vùng đất “hàn lâm”mà xưa nay người ta nghĩ rằng chỉ dành riêng cho những kẻ học phiệt và khoa bảng (4).
Bùi Giáng với bút pháp tài hoa khi viết những câu thơ làm lay động lòng người :
« Em về giũ áo mù sa
Trút quần phong nhụy cho tà huy bay”
Nhưng ông lại viết những câu thơ thật dễdãi , như :
“ Gặp nàng, nàng ở Già Lam
Gặp cô, cô ở Lê Quang Định đường”
Hoặc : « Một con vịt, hai con gà
Thêm ba con lợn gọi là chăn nuôi »
Đúng là ông đã bỡn cợt với thi ca mà Huỳnh Ngọc Chiến gọi là « đùa bỡn với thi ca đến độ quỉ khốc thần sầu »
Nhà văn Mai Thảo, người cùng thời và cũng là bạn của Bùi Giáng, viết: “… Tôi chỉ kể tới Bùi Giáng, bởi suốt thời kỳ đó, có thể nói, thầy Thanh Tuệ (Giám đốc nhà xuất bản An Tiêm) chỉ in Bùi Giáng, dành trọn phương tiện cho ưu tiên xuất bản Bùi Giáng trước mọi tác giả khác. Và giai đoạn có thể đặt tên là giai đoạn Bùi Giáng này, An Tiêm đã in đêm, in ngày, in mệt nghỉ vì những năm tháng đó chính là những năm tháng đánh dấu cho thời kỳ sáng tác kỳ diệu sung mãn nhất của Bùi Giáng, cõi văn, cõi thơ Bùi Giáng bấy giờ ào ạt vỡ bờ, bát ngát trường giang, mênh mông châu thổ, Bùi Giáng bấy giờ mỗi tuần viết cả ngàn trang khiến chúng tôi bàng hoàng khiếp đảm, ngôn ngữ và tư duy của Bùi Giáng bấy giờ hiển lộng tới không bến không bờ, vô cùng vô tận, và tài năng của ông cũng vậy. ..
Vắn tắt là Bùi Giáng chằng làm gì hết, chẳng ai một lần nhìn thấy Bùi Giáng làm gì hết. Mà hoàn toàn phiêu bồng, hoàn toàn rong chơi.
Vậy mà cái sức viết hồi đó đến như Bùi Giáng là tột đỉnh, là không tiền khoáng hậu. Vậy mà cái lực viết đến như Bùi Giáng là ngàn người không một, là phi phàm, là vô địch rồi” (5)
Mai Thảo môt nhà văn nổi tiếng, cùng thời và suýt soát tuổi với ông (Bùi Giánghơn Mai Thảo một tuổi), đã “ bàng hoàng ,khiếp đảm” trước lực viết “tột đỉnh, không tiền khoáng hậu” là “ngàn người không một”, là “phi phàm, vô địch” của Bùi Giáng làm cho chúng ta vô cùng kinh ngạc như nhận xét của nhà thơ Đinh Hồi Tưởng:
“ Thiền sư xuống núi bỏ chùa
Dìu trăng cà rỡn mút mùa lang thang
Huơ tay chọc thủng địa đàng
Múa chân dẫm nát niết bàn nề chi
Hay : ......
Một lời đảo lộn ngàn chương
Trợn trừng đôi mắt mộng trường ngời xa
Rong rêu giữa cõi ta bà
Ngõ về im lặng đập ra não phiền
Dấu tìm, rối rắm, thơ điên
Siêu phàm nhập thánh, dĩ nhiên là Người (6)
Nhà văn Mai Thảo đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, ông đem những thắc mắc của mình ra hỏi thầy Thanh Tuệ.
“ Thanh Tuệ nói : Tôi cũng lấy làm lạ, anh lang thang suốt ngày, chẳng thấy lúc nào ngồi viết. La cà hết nơi này đến nơi khác, uống rượu say ngất rồi về lầu lăn ra sàn ngủ, nhiều ngày bỏ cả bữa ăn. Đêm cũng không thức, chỗ nằm tối thẳm. Tôi in không kịp, nói ảnh tạm ngừng thì ảnh ngừng. Nói có máy, có giấy, nói buổi sáng buổi chiều ảnh đã tới ném bịch xuống cả năm, bảy trăm trang. Cứ thế đem sắp chữ thôi, đâu có thì giờ đọc. Điều kỳ lạ là không riêng một thể loại mà thể loại trước tác nào anh cũng có ngay sách, dễ dàng và nhanh mau vô tả. Từ thơ đến văn. Từ một cuốn tiểu luận về Camus đến một cuốn tiểu luận về Nguyễn Du. Từ dịch thuật tiểu thuyết đến phê bình triết học. Tất cả như đùa như chơi vậy.” (7)
Rồi Mai Thảo lại đem những thắc mắc này ra hỏi chính Bùi Giáng thì ông chỉ : « Cười cười, đốt điếu thuốc, cầm lấy ly rượu, nói: “vui thôi mà”. Ừ vui, ba chữ “vui thôi mà” là câu trả lời mơ hồ nghịch ngợm duy nhất cuả Bùi Giáng trước mọi tìm hiểu lực thơ và số lượng thơ không thể tưởng tượng được ở nơi ông, cõi thơ vô bờ của ông trăm phương nghìn ngã mênh mông và chính ông là hiện thân của mênh mông nghìn ngã trăm phương ấy.” (8)
Cho dù là Bồ tát giáng trần, cho dù là thiên tài kiệt xuất thì Bùi Giáng cũng chỉ là một con người nhưng là một con người phi thường mà bao nhiêu trăm năm nữachúng ta mới có một người như vậy?
Xin mượn hai câu thơ của nhà thơ Nguyễn Hữu Thụy để khép lại bài trích dẫn ngắn này:
“ Dẫu cho sinh bất phùng thời
Còn trong thiên hạ những lời thơ bay…”(9)
Saigon, những ngày cuối năm Đinh dậu
__________________________________________________________________
(1) (2)(6)Thời Văn số 19 (đặc tuyển về Bùi Giáng)
(5)(7)(8) Mai Thào (Vài kỷ niệm với Bùi Giáng)
(3)(4) Huỳnh ngọc Chiến (Bùi Giáng thi sĩ kỳ dị)
(1) (2)(3)(5)(6)(7)(9)(10) trích từ Thời Văn số 19 (Đặc tuyển thi sĩ Bùi Giáng)
(4)(8) Mai Thảo ( Một vài kỷ niệm với Bùi Giáng )