Màu hoa cũ
Mười năm hoa rụng mình ra quét
Quét hết hoa lẫn rác vườn nhà
Mười năm hoa vẫn hồn nhiên nở
Cây vẫn điềm nhiên cây rụng hoa
Mười năm vót cọng dừa bện chổi
Đi chán về ôm chổi quét sân
Quét sạch chiều cho hoa nắng rụng
Rồi nhìn mỏi mắt một sân không
Mười năm vẫn mới màu hoa cũ
Ráng nửa mùa rơi cây mệt già
Mình về ôm chổi không đành quét
Thương khoảng sân nghèo chút đỉnh hoa.
(Lê Minh Chánh)
Đôi lời cảm nhận của Phan Nam:
Những mùa hoa luôn ám ảnh trong tâm trí mỗi người, có lẽ vì giá trị của cái đẹp luôn đánh thức nỗi niềm tiềm tàng ẩn sâu trong trái tim. Chỉ cần bắt gặp một cánh hoa đẹp, một mùi hương lạ cũng đủ khiến lồng ngực bổi hổi bồi hồi, chắp hai tay lên mà nâng niu trân quý. Không hiểu sao khi đọc bài thơ “màu hoa cũ” của tác giả Lê Minh Chánh, tôi có một cảm giác lạ lắm, những rung động thẩm mỹ tựa như hàng ngàn mảnh vỡ rơi rớt trong hồn tôi, bất giác ngước mắt nhìn bầu trời xa thẳm, cảm thấy mình nhỏ bé như hạt cát giữa sa mạc, hay một ánh chớp lóe sáng cuối chân trời thắp sáng cõi giới nghệ thuật xa xôi, diệu vợi nhưng cũng đầy gần gũi, thân thuộc. Ấn tượng bài thơ qua một tâm hồn nhạy cảm, một điểm nhìn sâu sắc tràn đầy vị tha, bao dung. Mới đọc bài thơ “mười năm vẫn mới màu hoa cũ” tôi cứ ngỡ tác giả bài thơ là một lão nào đó nhấm chén trà ngẫm ngợi chuyện thế nhân, viết nên những vần thơ lạ lùng, giong điệu đặc biệt như thế.
Nhưng không phải, Lê Minh Chánh là chàng trai trẻ sinh năm 1983, ở tận miệt vườn Tháp Mười lấp lánh vẻ đẹp huyền bí của một thuở cha ông mở cõi đất phương Nam. Đọc bài thơ tôi chợt nhớ đến hình ảnh “Tháp Mười đẹp nhất hoa sen”, nhưng ở đây tác giả chỉ nhắc đến màu hoa cũ, màu hoa là mạch chủ đạo của bài thơ và cũng là cái tôi trữ tình làm nổi bật nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Điệp khúc “mười năm” được lặp lại ở toàn bộ bài thơ chỉ mốc thời gian tác giả lột tả, cây đã đứng đó từ mười năm trước hay tác giả bỏ nhà đi xa mười năm mới quay trở lại? Dù là thế nào đi nữa, thì mười năm là khoảng thời gian ước lệ đặc trưng để chỉ một thoáng đời người trôi qua như cánh hoa rụng ngoài kia, nếu không được trân trọng nâng niu thì chắc chắn sẽ khiến ta tiếc nuối suốt cả cuộc đời. Ở khổ thơ đầu, nhà thơ bày tỏ nỗi niềm của mình qua hành động “quét hết hoa”:
Mười năm hoa rụng mình ra quét
Quét hết hoa lẫn rác vườn nhà
Mười năm hoa vẫn hồn nhiên nở
Cây vẫn điềm nhiên cây rụng hoa
Bằng một chi tiết rất thực là cầm chổi quét hoa, nhưng qua lăng kính của tác giả, chi tiết ấy lại giản dị tràn đầy mơ mộng, có lẽ tác giả không thể cầm lòng hơn được nữa khi nhìn thấy hoa rụng mà nuối tiếc, u buồn để nhịp thở còn vấn vương tà áo. Hoa có thực hay chỉ là hoa của lòng người muốn dọn sạch bao cát bụi hồng trần lấm lem nhơ nhuốc, cõi người muốn vươn tới cái cao đẹp, tịnh tâm giữa dòng đời vạn biến. Mốc thời gian “mười năm” để chỉ một cuộc rong chơi của người và khoảng thời gian khoe sắc của hoa. Điểm nhìn tác giả vẫn hồn nhiên, trong sáng như ngày nào. Tác giả gác lại bao vướng bận, lo âu nhưng qua sự chuyển động ung dung, thong thả của cây và hoa, neo giữ hồn thơ của thi sỹ một cách nguyên vẹn.
Khổ thơ tiếp theo, tác giả miêu tả tuần tự hành động “quét hoa”, tiếp nối cho khổ thơ đầu theo tuyến tính thời gian, nhưng dường như có chút bùi ngùi, thổn thức trước khung cảnh không có gì lấy làm khác thường. Có lẽ, tác giả Lê Minh Chánh không còn mặn mà đến chuyện thưởng lãm vẻ đẹp của hoa nữa, tác giả muốn dùng quỹ thời gian của mình hòng xoay chuyển chiều kích không gian và thời gian, nâng niu hồn hoa sống lại cùng đất trời, nhân thế. Nhưng có lẽ, không ai là không bất lực trước cảnh đẹp quá ngắn ngủi, sớm chìm vào quên lãng, huyền hoặc như giấc mơ cổ tích. Sự chuyển biến giữa hình ảnh “hoa” khơi dòng thẩm mỹ và nghĩ suy của người đọc và tác giả còn “ngộ” ra một điều gì đó muốn gửi gắm qua hình ảnh “sân không”. Sự chân thật, giản dị không kiểu cách làm nên dấu ấn của khổ thơ, thông điệp của một người trẻ sớm nhuốm màu sắc lãng mạn, u hoài và cũng đầy đổi thay bất trắc: “Mười năm vót cọng dừa bện chổi/ Đi chán về ôm chổi quét sân/ Quét sạch chiều cho hoa nắng rụng/ Rồi nhìn mỏi mắt một sân không”.
Ở khổ thứ ba cũng là khổ thơ cuối, tác giả đã vượt thoát ra khỏi lòng mình, để nhìn thấy nét “mới” mà đóa hoa tận hiến, nhân vật trữ tình không đành lòng “quét hoa” nữa:
Mười năm vẫn mới màu hoa cũ
Ráng nửa mùa rơi cây mệt già
Mình về ôm chổi không đành quét
Thương khoảng sân nghèo chút đỉnh hoa.
Vẫn mốc thời gian “mười năm” xuyên suốt cả bài thơ, vạch định khoảnh khắc hư ảo, không kém phần vô định giữa dòng đời. Bóng người đã in trên quê cha đất tổ mà dấu chân còn ký gửi trên đất khách quê người nên sự xáo trộn trong tâm thức vẫn diễn ra dạt dào và nặng trĩu. Tác giả bỗng thương cây và nhớ mình cõi còm theo năm tháng, sự mệt mỏi in hằn trên thân xác. Thế là bỏ luôn công việc thường nhật đã trở thành thói quen, người thưởng hoa lẳng lặng thở dài cho cuộc đời, cho số phận. Tác giả chạnh nghĩ đến mình quá mệt mỏi trước bao bộn bề lo âu của dòng đời ngược xuôi, nên tiên liệu trước cho cảnh đời của cây sớm không còn đủ sức ra hoa, tỏa hương cho người. Hoa trên cây khi rụng xuống sẽ dẫn đến sự chuyển biến giữa cái đẹp và cái không đẹp, giữa nghệ thuật và rác rưởi, giữa tái sinh và hoại diệt. “Thương khoảng sân nghèo chút đỉnh hoa” giữa mạch tràn của cảm xúc hợp tình hợp lý, đong đầy kỷ niệm. Mảnh sân nghèo chuyên chở những tâm hồn đang vươn lên giữa muôn vạn cây đời...
Bên bờ Hàn giang, 19.01.2018