Đứng bên này cửa Lở nhìn sang bờ nam cuối sông Vệ, xa xa những lũy tre, rặng dừa vươn lên trên nền trời, xóm làng mênh mông bên bờ biển thơ mộng. Đó là ký ức về Đức Lợi, một làng quê còn trong tôi của những ngày tháng chưa xa. Đức Lợi (còn gọi là Đức Hải) thuộc huyện Mộ Đức tỉnh Quảng Ngãi, vùng quê nhỏ bé nghèo khó này, nơi sinh ra và lớn lên của nhà thơ họa sĩ Nghiêu Đề, nhà thơ Phạm Huệ, Lê Văn Sơn, Mạc Trường Thiên, Lê Thanh Phách và Bùi Minh Vũ...
Lê Thanh Phách sinh năm 1964. Lúc nhỏ, quê hương bị chiến tranh tàn phá, phải tản cư sống cách quê gần 20 cây số, theo học tại trường Cây Da ở Điện An. Lớn lên, Lê Thanh Phách có một tâm hồn nhạy cảm, anh từng viết:
"Tôi của hôm nào thường trễ học
Với những ngày Thu lá rơi đầy
Hồn cứ ngẩn ngơ bên trời biếc
Giờ còn nhìn lại với mây bay."
Từ năm 2006, Lê Thanh Phách đã xuất bản thi phẩm đầu tay "Về giữa làng Yên". Năm 2007, với "Viễn du". Đến 2017, Nhà xuất bản Văn Học in và phát hành "Bến sông quê" của Lê Thanh Phách. Trong vòng khoảng 10 năm, Lê Thanh Phách đã xuất bản được 3 tập thơ. Điều này chứng tỏ Lê Thanh Phách là một người say mê và gắn bó với thơ ca.
Thơ Lê Thanh Phách không có nét phiêu bồng, cách tân. Ngữ nghĩa không mang chiều sâu ẩn dụ như những cây bút cùng thời. Người đọc nhận ra thơ anh dung dị, chân thật, lời thơ nhẹ nhàng, thấm đẫm tình cảm. Chính vì vậy, người đọc yêu mến thơ anh như yêu mến sự chân tình, thiết tha trong cuộc sống. Thơ Lê Thanh Phách thấm đẫm hơi thở cuộc sống, tình người, vùng trời quê hương của anh, một làng quê cuối dòng sông Vệ thân thương. Những hình ảnh: Cánh buồm vôi nhấp nhô trên sóng biển mênh mông, lũy tre làng, hàng dừa xanh lả ngọn trong mùa gió nam gió bấc, con đò nằm cô đơn trên bến vắng đìu hiu mưa bay, bóng mẹ về liêu xiêu trong ngõ vắng. Và, nỗi nhớ làng quê nghèo của những đứa con đi xa... bàng bạc trong thơ anh.
Ký ức, hiện tại và tương lai đan xen hiện hữu trong thơ Lê Thanh Phách. Dòng sông trôi như đời người, dù trôi về đâu trong hồn vẫn có một bến quê:
"Tôi chạy hết bến sông
Đón tháng Ba về trên chiếc bè tâm tưởng
Vì trót yêu màu hoa gạo đỏ
Tiếng tu hú kêu suốt mương dài chiều quê thôi gió
Khói trên đồng bay tản mạn cuối thôn
Tôi biết làm thơ khi gié lúa nghiêng bờ đâm buốt vào hồn
Mẹ tảo tần cất lên giàn ủ khói mùa đông
Sự sống từ những cây lúa ma yếu ớt
Giữa đồng chiều mênh mông
Với tao nôi đưa bập bềnh lời ru bên sông
Rồi những con chữ đánh vần theo thời cơm áo khó
Gió không mùa hoa tan tác tầng không
Tháng Ba tôi tiễn người qua sông
Đợi chờ chi con nước lớn
Đò cứ trôi xuôi mà lời ru vọng ngược
Áo chàm xanh xanh lên tuổi bờ thương
Chợt cơn mưa chiều hối hả
Trú ngụ quãng đường nẻo gió đêm qua
Vết thầm chân xa
Bước thăng trầm ngang bến đời chật chội
Tình cờ tôi tấm áo thâm nâu
Biết thân phận đèo bòng chi gối rơm thưa thốt
Thương bờ xa thao thức mấy nhịp
Thân đơn ngày đi qua miền tối sáng
Đời son trẻ nhưng nghe mình chạng vạng
Mùa cũng sông trôi theo nỗi nhớ quay về
Chiếc bè hồn tôi neo bến sông quê".
("Bến sông quê")
... Trong những năm 50, 60 của thế kỷ trước, khi mà kỹ nghệ sản xuất hàng tiêu dùng chưa phát triển như hôm nay, những vật dụng làm bằng tre làng rất phổ biến và thân thiết với cuộc sống của chúng ta. Ở quê tôi, người dân thường dùng đôi Bầu (còn gọi là đôi Thùng) được đan bằng nan tre, phết một lớp dầu rái bóng loáng rất đẹp. Hai chiếc Bầu hình tròn cao khoảng từ 40 đến 50 xăngtimét, có nắp đậy hình quả trám, được thắt gióng bằng sợi dây mây hay sợi dây dừa để gánh. Đôi bầu được dùng làm đựng quà tặng. Thời ấy, phương tiện vận chuyển bằng ôtô xe máy... còn hạn chế, người dân quê tôi dùng đôi bầu để đựng vật dụng gánh đi tặng sính lễ trong những ngày thành hôn. Lê Thanh Phách đã tinh tế đưa vào thơ anh những vật dụng thân thiết một thời đã xa, làm sống lại biết bao kỷ niệm thân thương trong lòng người yêu thơ:
"Trên đôi vai mẹ
Gánh gồng chạy giặc triền miên
Gánh cả quê hương
Vào trong giấc ngủ ưu phiền
Tuổi tôi
Đôi bầu Quảng nhọc nhằn
Im dài bóng nắng
Xuôi ngược núi sông
Rồi một hôm tin em lấy chồng
Giấy hồng đính đôi bầu Quảng
Là ngày sính lễ sang sông
Mưa mãi đầy đêm thao thiết trên đồng
Đường xa em thương về quê cũ
Chòng chành bến lở sông sâu
Ai gánh tình duyên qua mấy nhịp cầu
Ơi đôi bầu Quảng
Quản chi đèo vắng sông dài
Mẹ ruổi rong quên tuổi xuân thì
Giờ quen với tiện nghi
Shop thời trang
Thời gian mặc áo thay màu
Chỏng chơ một chiếc
Phía đầu kia lệch bóng vai gầy
Tôi gánh bên lòng
Đưa chân mòn mỏi quê người"
("Đôi bầu Quảng")
Những người yêu thơ chợt nghe lòng chùng xuống khi bắt gặp những câu thơ của Lê Thanh Phách viết về nỗi nhớ cố hương:
"... Cánh vạc ven trời bỏ lại bến quê
Trăng gầy vỡ xót xa niềm cố xứ
Người xa lắm buồn khuya về nhớ núi
Một ngày qua biển đợi dưới non ngàn..."
Và chúng ta nhận ra rằng, tâm hồn thơ của Lê Thanh Phách vẫn neo đậu "bến sông quê". Đây là mạch nguồn sáng tác của anh và còn là nghĩa tình thủy chung của Lê Thanh Phách đối với quê hương thân yêu!...
Phố biển La Gi 25/1/2018