TS. Ngô Thị Minh
Thơ và nhạc có những khuôn mặt chung, tiếng nói chung. Thơ rất giàu tính nhạc và ca từ cũng rất giàu ý thơ. Cứ vậy, cả hai hòa quyện vào nhau. Mỗi nhà thơ đều có giọng thơ riêng, giọng hát riêng để làm nên phong cách không lẫn vào đâu của mình. Chúng tôi cũng đã tìm thấy một giọng thơ, một giọng hát rất riêng của Bùi Minh Vũ trong tập thơ “Tôi hát về ngày không em”(*)
1. Quan niệm sáng tác của Bùi Minh Vũ
Trong 153 trang của tập thơ “Tôi hát về ngày không em’, tác giả đã thể hiện nhiều chủ đề khác nhau: về quê hương, về thân phận, về niềm hạnh phúc và bất hạnh trong tình yêu… Mỗi một bài thơ đều để lại cho người đọc những dấu ấn riêng. Với người cầm bút, Bùi Minh Vũ luôn khắc khoải:
Làm thơ là dự một bữa ăn
Sáng ăn, mai ăn, tháng ăn, đời ăn
“Làm thơ”, trang 108
Nhà thơ hiểu rằng, làm thơ là công việc mỗi ngày, mỗi ngày được cầm bút, được sống và thăng hoa. Mỗi ngày, Bùi Minh Vũ:
“Lấy từ con chữ trong các ký hiệu thông minh
Sắp thành bài thơ
Những mảnh vỡ
Những vệt máu
(…)
Mỗi con chữ kiếp người
Vang lên tiếng nấc đâu đó
“Ký hiệu”, trang 145
Trước hết có thể lý giải giọng thơ riêng của tác giả từ quan niệm sáng tác. Chúng ta đã có nhiều cách nói về thơ. Theo nhà thơ Bạch Cư Dị , “Với thơ, gốc là tình cảm, mầm lá là ngôn ngữ, hoa là âm thanh, quả là ý nghĩa.”. Ở góc độ nhà nghiên cứu ngôn ngữ, Phan Ngọc định nghĩa: "Thơ là cách tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản để bắt người tiếp nhận phải nhớ, phải cảm xúc và suy nghĩ do chính hình thức ngôn ngữ này". Dù nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau, chúng ta đều thấy rằng ngôn ngữ thơ có tính hàm xúc và truyền cảm.
2. Tín hiệu thẩm mỹ trong thơ
Cũng như nhiều nhà thơ khác, tín hiệu thẩm mỹ trong thơ Bùi Minh Vũ là trăng sao, là dòng sông, rừng cây, là mùa xuân… Nhưng mỗi tín hiệu ấy lại mang tiếng nói riêng, hàm chứa ý nghĩa riêng. Như bài “Trăng”, nhà thơ viết:
Tôi ngồi với trăng. Chơi với trăng. Ngủ với trăng
Tôi uống trăng no đầy
Nõn nà ánh sáng
Như hạt nước biển đọng trên má
“Trăng” trang 51
Nhà thơ chìm ngập vào “trăng” như hòa quyện vào thiên nhiên để diễn tả cảm xúc rất mạnh trong bài thơ. Tuy vậy, người đọc vẫn thấy rất dịu dàng trong từng con chữ “nõn nà ánh sáng…như hạt nước biển đọng trên má”
“Giọt sương” trong thơ anh cũng rất lạ:
Thật sự em đã đi giọt sương
Trú ẩn khúc quẹo không có bầy đàn
Nửa đêm vì sao thét
Dòng sông tóe lên
Nước mắt biến mất giương mặt đêm
Người thầy hiện ra
Mô Phật
Những ký ức nằm trong khói nhang
“Giọt sương”, trang 33
Giọt sương ấy là sự ra đi của người con gái, như thân phận của một kiếp người. Đời người như sương khói.
Hình ảnh quê hương rất đậm nét trong tập thơ “Tôi hát về ngày không em”. Nhà thơ định nghĩa “quê hương” rất giản dị:
Nếu một thứ gì đó
Ngày càng rõ dần rõ dần
Hiện hữu và không bao giờ mất
Trong đôi mắt và trong trái tim
Đó là quê hương
“Quê hương yêu thương”, trang 19
Nhà thơ khắc khoải, đau đáu nỗi niềm trước sự tham lam của người đời, trước giông bão của xã hội trong thời buổi kinh tế thị trường:
Quê hương không có chân nhưng có mắt
Nhìn rõ mặt ai cắn vào quê hương ăn quê hương
Vò xé linh hồn quê hương
Lỗ tai của quê hương là đỉnh cao trên dãy Trường Sơn
Nghe tiếng thầm thì bàn tán chia phần
“Quê hương yêu thương”, trang 19
Trong bài thơ, “Tiếng thét”, nỗi chua xót của nhà thơ như những con sóng không giữ nguyên hình hài:
Sóng tan thành bọt trắng
Phân thân đến tận cùng chua xót
Ném mình vào mỏm đá
Tiếc những con sóng không bao giờ giữ nguyên hình hài
(…)
Mỗi ngày con sóng vỡ tan ra
Ngàn tiếng thét
Từ em bé mồ côi”
“Tiếng thét”, trang 115
Tín hiệu “mùa xuân ” trong thơ Bùi Minh Vũ mang những nét riêng trong cảm xúc của nhà thơ:
Mùa xuân
Không bao giờ trần truồng
Vì có hương hoa che kín
“Mùa xuân”, trang 27
Trong tập thơ “Tôi hát về ngày không em”, nổi bật nhất vẫn là những dòng thơ viết về tình yêu của tác giả. Anh đã dành nhiều bài thơ nhất để ca ngợi tình yêu, dù đó là nỗi đau xót trước sự chia ly: “ngày không em”:
Tôi hát về ngày không em
Tiếng đàn đêm
Rót vào tôi mềm nhũn
Tôi hát về ngày không em
Trăng vỗ tay bất thần
Quên nhặt những vì sao rụng muộn
“Tôi hát về ngày không em”, trang 4
Đối với Bùi Minh Vũ, tình yêu hiện hữu trong mùa xuân, mùa thu:
Mùa xuân là bài thơ môi em
Có vị ngọt của quá khứ
Lên men trong đôi mắt mù.
Tôi đọc một sáng mùa thu
Trên những chiếc lá đỏ như lửa
Có chút chua xót nhưng cảm xúc về nỗi đau của nhà thơ cũng thật dữ dội:
Ngày ngắn một ngón tay
Đêm dài hơn ánh sáng
Tôi mắc kẹt trong núi lỡ của nụ hôn đà đận
Tôi ngập vùi trong cuồng dại tim em
Đôi khi “nước mắt” và “nỗi cô đơn” của tác giả cũng như tiếng thở nhẹ. Mỗi bài chỉ có ba câu thơ:
Bài “Nước mắt”
Nỗi buồn
Không bao giờ
Uống cạn nước mắt
“Nước mắt:, trang 27
Bài “Cô đơn”
Biển cô đơn
Khi chiếc ghe
Ngủ
“Cô đơn”, trang 27
Nghe như tiếng thở nhẹ nhưng sâu lắng biết bao! Đó là sự kết tinh của cảm xúc, sự trải nghiệm rất riêng của nhà thơ.
3. Mấy trang viết trên chưa đủ để nói về tiếng nói riêng, giọng điệu riêng trong thơ của Bùi Minh Vũ. Hy vọng sẽ đón đọc những tác phẩm mới của anh! Chúc bút lực của nhà thơ luôn sung sức và có nhiều đóng góp mới cho văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lak và khu vực.
(*) Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, 2017, 160 trang