« L’érotisme est une poétique corporelle et la poésie une érotique verbale
(Tính nhục cảm là một thi pháp thân thể và thi ca là một nhục cảm pháp ngôn từ) »
(Octavio Paz)
Nhục cảm, trước hết, không phải là thân xác.
Vì bên cạnh cái thô nguyên, trần trụi của từ nhục (肉) còn có cái phóng khoáng, trữ tình của từ cảm (感): tất cả trình độ văn minh của một tập thể hay đẳng cấp một tác phẩm, ở góc độ này, đều tùy thuộc vào sự chuyển hóa (transfiguration) của thân xác dưới sức mạnh của cảm thức.
Trên con đường đi tìm sự thật nhân tính và chinh phục tự do của mỗi cá thể, nhục cảm từ lâu đã là vùng cấm địa. Vì thế, con người phải vượt qua những định kiến, thành kiến – trước tiên là ở chính mình –, phải đạp đổ những thành lũy đạo đức, thật hoặc giả, bởi xã hội lúc nào cũng được rào quanh bằng mặt nạ. Một nỗ lực không được phép ngưng nghỉ trong hành trình hướng về chân lý.
Tại Việt Nam, trên dòng thời sự đó đây, có không ít những sự kiện đáng chú ý bắt nguồn từ nhục cảm. Theo sau, thường là những phản ứng ồn ào, đầy ác ý, nhằm bóp chết trong trứng nước mọi toan tính phá lệ, mọi « mưu đồ lật đổ » cái thường nhật. Bởi không riêng gì chế độ, mà ngay cả ở mức cá thể – khi phải đối diện với chính mình – người ta vốn sợ sự thật. Nhất là khi nó đến tự bên trong, từ sâu thẳm cõi lòng…
Nhưng nhục cảm xuất hiện không phải chỉ mới đây, mà ngay từ khi có loài người. Và – đối với nó – hội họa, điêu khắc rồi văn chương, triết học, đã lần lượt tích cực đóng vai trò chứng nhân, khai hóa, sáng tạo, làm tiền đề hoặc khơi nguồn cho nhiều phát hiện quan trọng trong các ngành nhân văn, đặc biệt là phân tâm học, cũng như một số bộ môn khoa học thực nghiệm, thuộc vào hàng tiên tiến nhất hiện nay, lấy con người làm đối tượng.
Để gạn đục khơi trong, vượt lên trên những bức xúc có thể bị gây ra bởi nạn khai thác thị hiếu tầm thường, xin mời bạn đọc hãy thử cùng nhìn lại hiện tượng nhục cảm qua một số trường hợp khá tiêu biểu ở nước ta, trước khi đối chiếu với cách tiếp cận thân xác ở những chân trời khác – chủ yếu là qua các hệ quả đáng ghi nhận trên phương diện nghệ thuật, tư duy và tri thức của họ – nhằm cuối cùng tiến tới một cái nhìn có cơ sở, rộng thoáng và nhân bản hơn, về vấn đề này.
I. Một vài ví dụ biểu hiện nhục cảm tại Việt Nam
« Ngày 20/11, ngày Nhà giáo Việt Nam, một nhóm sinh viên Học viện Ngân hàng Hà Nội đã post lên Facebook những bức ảnh chụp kỷ yếu của khoa mình. Tạo dáng khác lạ nhưng rất phản cảm : nữ sinh dạng chân, vạch áo cử nhân khoe thân trá hình trước Hoàng thành Thăng Long, một tập thể lớp xếp chữ "SEX", phía sau là cột cờ Hà Nội »1.
Sinh viên Học viện Ngân hàng xếp hình tại Hoàng thành Thăng Long
Câu chuyện « nổ » ra năm 2013 trên báo chí như vậy. Đúng là đã khá xa rồi, nhưng – đến từ thế hệ tuổi trẻ hôm nay – nó là một sự kiện xã hội ít nhiều có tính « lịch sử », đáng nói ở nhiều khía cạnh : một sự táo bạo mang chất đột phá về đề tài, phong cách và hoàn cảnh thể hiện.
Một bên chữ SEX, một bên cột cờ ! « Cú sốc » tương đối dễ hiểu đối với dư luận trong xã hội Việt Nam vốn được xem là truyền thống. Song, đáng sốc và đáng tội hơn nhiều, chính là sự kiện quái gỡ được mô tả rất ngắn gọn : « chiều 22/11, A83 bộ Công An sẽ làm việc với nhà trường ».1
Chính vì vậy, trên Blog Đoan Trang 2, người ta được đọc ngay sau đó những phân tích chí lý về tình huống « dư luận của đất nước vốn tìm kiếm từ khóa “sex” nhiều nhất thế giới này đã ném một núi đá lên đầu các bạn sinh viên ». Thông tin trong phần đầu câu tuy có thể không hoàn toàn chính xác về con số sắp hạng thật sự3 nhưng vẫn rất thích đáng về nội dung cốt yếu, bởi nó đặt mọi người trước một thực tế không thể chối cãi trong đời sống hừng hực ham muốn – lại thêm đầy giả dối, mâu thuẫn giữa cái tôi với cái ta – ở thời đại internet hiện nay và, do đó, đáng suy ngẫm.
Tác giả bài viết dưới bút danh Nguyễn Anh Tuấn đã nghiêm túc phản biện, bác bỏ từng điểm một trong lập luận kết tội các sinh viên « có hành vi đi ngược lại thuần phong mỹ tục » ngay giữa « Hoàng Thành là nơi linh thiêng » ấy. Trung thành với « ngữ cảnh » câu chuyện và mượn thủ thuật châm-biếm-diễu-nhại rất ư « hậu hiện đại », tác giả đã thẳng tay kết thúc bằng một gợi ý « phản đòn » đích đáng, đầy… ép-phê :
« Nếu các bạn sinh viên kể trên đọc được những dòng này, hi vọng các bạn nghĩ đến khả năng xếp thêm chữ FUCK, dành tặng cho tất cả, nhất là cho cái phòng PA83 đang muốn đè bẹp quyền tự do biểu đạt của các bạn ».
Trong cùng bối cảnh và gần như cùng khuôn khổ phạm trù, những cuộc tranh luận gần đây hơn về tranh ảnh lõa thể 4-6 – tuy không « ấn tượng » bằng, nhưng nằm ở một bình diện cao và rộng hơn – cho thấy nhiều điều không kém phần ý nghĩa.
Khởi đầu từ sự kiện Thông tư số 01/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt ra những quy định cấm đoán rất tùy tiện về cách thể hiện, trình diễn đối với một số bộ môn bị coi là « nhạy cảm », các ý kiến chung – kể cả của nữ giới5– đã vạch trần tính chất hão huyền, phi lý, trong ý đồ của giới « lãnh đạo văn hóa » nhất mực muốn đi lùng soát nhằm thủ tiêu mọi dấu hiệu « khả nghi » của nhục cảm cho kỳ được, dĩ nhiên cùng với những phản ánh nghệ thuật của nó : những ý đồ mà ngay trong chính họ, mới đây, có người cũng đã phải công nhận là do mắc « bệnh quyền lực ».7
Nhưng dù gì đi nữa, Bộ « Văn Hóa Du Lịch » và cái Phòng PA83 kia làm sao có thể chạm được đến tinh thần bay bướm của một Bùi Xuân Phái chẳng hạn, thể hiện qua loạt tranh ông đã từng ngẫu hứng cho hội họa theo thơ Hồ Xuân Hương leo đỉnh Bồng Lai 8 ?
Họa phẩm Bùi Xuân Phái theo cảm hứng từ bài « Tranh hai Tố nữ » của Hồ Xuân Hương
Làm sao họ có thể đi ngược lại những sự thật tâm lý xã hội rành rành, những khát khao dân dã, hồn nhiên – xưa cũng như nay –, bộc lộ qua nỗi háo hức của quần chúng hàng năm đổ xô đi xem lễ hội phồn thực 9 ?
Cảnh người đi xem lễ hội Trò Trám tại xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao (Phú Thọ)
Chẳng lẽ cái Bộ Văn Hóa … Du Lịch quá rành rỏi này lại không biết đến hình tượng nam nữ giao hợp nổi tiếng trên thạp đồng Đào Thịnh được chưng như một « quốc bảo » tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Hà Nội, hay những linga/yoni đặc thù vẫn kiêu hãnh tồn tại ở nhiều vùng đất nước 10 ?
Linga –Yoni tại tháp Pô Sah Inư
(Phan Thiết) được xây dựng từ thế kỷ (tk) IX
Thạp đồng Đào Thịnh (có niên đại ~2500/2000 năm)
Lại càng khó hơn nữa cho họ, nếu cứ muốn…cắm đầu phủ nhận những bằng chứng lịch sử, đặc biệt được khai quật dưới ngòi bút sắc bén của một Tạ Chí Đại Trường qua loạt bài « Sex và Triều Đại »11 : những triều đại đã nối tiếp nhau « xây tổ uyên ương » trên cái nơi mà họ (làm ra vẻ trịnh trọng) gọi là « Hoàng Thành linh thiêng » ấy !
Đó là chưa nói đến địa hạt văn học mênh mông (mà chắc mười cái Bộ « Văn Hóa Du Lịch » và Phòng PA83 kia cũng không sao bén mảng tới nổi, hiển nhiên do thiếu trái tim và bị quá tầm12,13) : đất màu giao thoa giữa hư cấu và hiện thực, nó là địa đàng kỳ hoa dị thảo của muôn loài chữ nghĩa, mà trong đó có biết bao hoa thơm cỏ lạ đã vươn lên từ chính những xuyến xao nhục cảm…
Nhưng nói cho cùng, ngay trong xã hội dân sự cũng không thiếu kẻ thích chưng… bình phong mỹ tục, mà ta chẳng lạ gì. Trước đây, ngay một cây bút uy tín như Nguyễn Văn Trung, khi xuất bản cuốn Ca tụng thân xác (Sài Gòn, 1967) cũng đã từng bị gán cho tội « viết khiêu dâm » (nên mới có một Tam Ích phải lên tiếng bênh vực13). Mặc dù, vào thời đó, Cung Tiến dưới bút hiệu Thạch Chương – theo Nguyễn Vy Khanh15– đã từng đi trước và đi xa hơn nhiều, trong bài « Giới thiệu một nhận thức siêu thực về nghệ thuật » (Sáng Tạo, bộ mới, số 5, 11-1960, tr. 97-102) với lời tuyên bố :" Chúng tôi muốn quay lại vũ trụ hoang sơ dục tình nguyên vẹn mà tâm hồn mỗi kẻ còn trinh như sữa. Nhưng là cái tinh khiết đáng sợ của con bò rừng. Nghệ thuật hôm nay là sự biểu lộ một "furie du total", một tiếng gọi quay trở về rừng sâu thẳm mà ở đó còn vẳng lên những tiếng cười điên mê, những tiếng la cuồng dại vọng về từ trăm thế kỷ của bản năng thuần túy […] ».
Ở Miền Nam trước 1975 có bài Hạ Hồng cũng ví von những câu « trần truồng yêu nhau trong trời đất, mùa hè của uyên ương », nhưng dẫu sao cái phóng túng nổi tiếng ấy của Phạm Duy, ít ra là qua câu hát, vẫn không thể nào sánh được với tuyên ngôn táo bạo – như một mặt khác nổi trội, nổi loạn – của tác giả những Thu Vàng, Hoài Cảm, Hương Xưa.
Ngược dòng thời gian thêm nữa, ta sẽ gặp một Vũ Trọng Phụng sừng sững trong vị trí độc đáo của ông trên văn đàn16-18. Lập trường tiến bộ, nếu không muốn nói là cách mạng, của con người tài hoa này – đặc biệt trên chủ đề nhục cảm17– đã khiến ông phải chịu bao « giông tố » trong hoạt động nghề nghiệp, nhưng đồng thời cũng đã khách quan cứu vãn danh dự cho trí thức Việt Nam trong cuộc tranh đấu chung nhằm bảo vệ những giá trị phổ quát, bị chà đạp chẳng những ở thập niên 30 thế kỷ trước mà ngay cả bây giờ : độc lập tư duy, đa nguyên tư tưởng, tự do sáng tác và sự thấu cảm với con người.
Hãy nghe nhà phê bình văn học Thụy Khuê nhận định :
« Vũ Trọng Phụng không phải là một tác giả dâm ô, kích dục, ông chỉ là nhà văn đầu tiên dám đề cập đến vấn đề xác thịt và tính dục của con người mà điều kiện viết của thập niên 30 cho là những cấm kỵ ».17
Vâng, không phải ai cũng có thể nói được như thế – nhất là từ một đại diện phái nữ – về họ Vũ, mà những lời lẽ trong Thay lời tựa của tiểu thuyết Làm đĩ (1936) có thể không làm vừa lòng một số người19, kể cả vào thời điểm hôm nay :
“ Vì sao người ta lại coi tình dục là không quan trọng, là điều nhơ bẩn ? Sao người ta lại cam tâm ngu dốt như thế, lại đạo đức giả đến như thế ? Sao lại không dám nói lên cái sự nó vẫn ám ảnh hết thảy mọi hạng người ? Sao lại không dám vứt bỏ cái sự hổ thẹn vô lý để giảng dạy về những bộ phận sinh dục là những cái mà đấng Thượng đế dám ban cho nhân loại mà không hổ thẹn ? Nói hay im, bảo nhau biết điều hòa cái dâm để tô điểm cuộc đời, hay là cứ mặc quách để cái dâm của loài người làm loạn loài người, ấy chỉ do đó mà ra sự hưng thịnh, suy của nòi giống ? ”
Chính vì vậy, đánh giá sau đây có lẽ là đóa hoa đẹp nhất mà Thụy Khuê đã xứng đáng dành cho tác giả Số đỏ :
« Vũ Trọng Phụng là nhà văn đã vẽ nên Con người toàn diện (L'homme total) theo nghiã của Sartre, nghiã là ông nhìn thấy toàn diện mọi khía cạnh của con người, của mọi hạng người, như trường hợp Nguyễn Du ».17
Con người toàn diện ấy không những được vẽ nên trong văn xuôi, mà cả trong thơ. Nhờ đó mới hé lộ phần góc khuất thường lẫn chìm trong bán ảnh mộng-thực, nơi trú ngụ của khát khao ước muốn, dưới muôn dạng xuân thì, mà những vần điệu tài hoa của thi sĩ họ Hàn đã hơn một lần làm thành bất tử :
“Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi ” (Bẽn Lẽn) 20
Hoặc :
“Bóng nguyệt leo song rờ rẫm gối
Gió thu lọt cửa cọ mài chăn”… (Thức khuya) 21
Chạm chiếc đũa thần nhà thơ, nhục cảm bỗng chốc hóa ra những tuyệt tác gợi tình trong thi ca hiện đại, mà Bích Khê – ngôi sao xứ Quảng – là « nghệ nhân » hàng đầu, được ngay chính Hàn Mặc Tử ngưỡng mộ và phong cho danh hiệu thi sĩ thần linh. Không nên quên rằng tác giả Tinh huyết là người đầu tiên – và có lẽ duy nhất – đã có một tuyên ngôn nghệ thuật chân thành và triệt để, vinh danh nhục cảm như nguồn lạc thú vô biên, vô giá của con người :
“ Thơ loã thể ! Giai nhân tuần trăng mật
Nữ thần ơi ! Ta nô lệ bên người ” (Duy tân)
Tuyên ngôn đó, có thể đến từ một cơn mơ :
“ Ôi đi ! Đoàn tiên lột khỏa thân
Hoan hô xác thịt chiếm ngôi thần” (Mộng lạ),
hay bộc phát tự nhiên, như khi chàng đối diện với bức họa khỏa thân gợi ra một Giáng Kiều diễm tuyệt trong Bích Câu Kỳ Ngộ :
“ Hai vú nàng ! Hai vú nàng ! Chao ôi !
Cho tôi nút một dòng sâm ngọt lộng ” (Tranh lõa thể),
cũng như có lúc nó được tung hô lên thiên đỉnh, giữa bao la non nước :
“Có ai biết trên cao
Da trời màu thịt sứa
Da trời se chất sữa
Truyền cảm hứng mênh mông ” (Ngũ Hành Sơn - bài hậu).
Sóng nhục cảm truyền khắp không gian, đến như trời cao cũng phải hiện nguyên hình da thịt là vậy. Cho nên, ta chỉ có thể đồng tình với phát biểu sau đây của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên trong hội thảo Bích Khê tại Quảng Ngãi, năm 2006 :
“Thân xác, nhục thể tắm gội trong một tâm hồn mang khí vị thần linh của thi sĩ đã biến thành hào quang lung linh. Thơ loã thể của Bích Khê đã phát quang như vậy. Và đó là phép thơ riêng của ông. Một phép thơ đã để lại những lời thơ đầy hơi hám, nghĩa là có mùi vị, nghĩa là không bị tiệt trùng, nghĩa là sống, mà Bích Khê tin chắc là tay khách đa tình sẽ chuyển trao.” 22
Nhục cảm, mà thi sĩ là thiên sứ loan truyền, đã gợi hứng cho nhiều nhà phê bình đương đại. Trong số đó, Trần Đình Sử có lẽ là người đầu tiên đã du nhập vào văn học Việt khái niệm lẫn thuật ngữ « ngôn ngữ thân thể », dựa đặc biệt trên nền tảng hiện tượng luận của Merleau-Ponty kết hợp với quan điểm xã hội học mới đây của John O'Neill. Họ Trần nhận xét : « Bích Khê là nhà thơ có ngôn ngữ thân thể táo bạo nhất, mới mẻ nhất […]. Tất cả các phần thân thể trong thơ Bích Khê đều trở thành ngôn ngữ của đam mê, khoái lạc, của mơ mộng, ước ao, của cái đẹp trong trắng và vĩnh viễn ».23
Tuy chỉ đánh giá rất nhẹ nhàng rằng « Bích Khê có thể là nhà thơ muốn bước qua cấm kị », Trần Đình Sử đã xuất sắc đi tới một công thức bén nhọn, dễ ăn sâu : « quan niệm truyền thống đã lấy cái dâm mà che mất cái đẹp, nhà thơ muốn qua cái dâm nhìn ra cái đẹp trần gian ».
Trong cuộc hòa ca thú vị đó giữa các chuyên gia, Thụy Khuê – qua một tiểu luận giàu ý sắc sảo về nhà thơ núi Ấn sông Trà – cũng đã tỏ ra nhất trí với các đồng nghiệp nam và đồng thời nêu bật thêm hai khía cạnh tự do và hiện đại, có ý nghĩa vừa như là thuộc tính vừa như là động lực của nhục cảm :
“Chàng đã vượt ra trên lễ giáo cổ truyền để tiến tới tự do nghệ sĩ, dám phô bày nhục cảm xác thịt của mình trên trang giấy : Tú Uyên đã "hiện đại hoá tư tưởng" của mình qua thơ Bích Khê ; Bích Khê nói hộ người xưa những ẩn ức dục tình của họ bằng tiếng thơ đời nay.” 24
Ẩn ức tình dục, đó cũng là một đề tài được đề cập khá nhiều trong văn chương Việt những năm gần đây 23-25. Nếu Đoàn Cẩm Thi, trong một bài viết năm 2004,25 chỉ đưa ra những nhận xét khá chung chung, như việc « các tác giả đều tập trung phân tích những tổn thất do chiến tranh gây ra về mặt tình yêu và tình dục » thì Nguyễn Huy Thiệp, sau đó, đã nói rõ ràng « phải ghi công cho các nhà văn nữ với việc khai hoá đề tài tính dục » 25 : một lần nữa, ta lại được chứng kiến vai trò tiên phong của phụ nữ Việt Nam.
Họ Nguyễn nêu đích danh « người đầu tiên có những đóng góp đáng kể là Phạm Thị Hoài với một loạt truyện ngắn như “Năm ngày”, “Thuế biển”, “Chín bỏ làm mười” v.v… ». Tuy nhiên, ông cho rằng « lối viết “gia giáo” của Phạm Thị Hoài vẫn là một lối tiếp cận từ xa, sex trong tinh thần chữ nghĩa nhiều hơn là ở những cảm giác trực tiếp ».
Điều này tương phản hẳn với Đỗ Hoàng Diệu, mà Nguyễn Huy Thiệp nhìn nhận là đã tạo ra, qua tác phẩm Bóng đè, « một sự bứt phá hiện đại và quyết liệt hơn ở trong ý thức của người viết về đề tài này ».
Gần đây hơn, tiểu thuyết Tình cát của Nguyễn Quang Lập được Nguyễn Trọng Bình đặc biệt chú ý và dành cho một tiểu luận 27 với những phân tích đi vào chiều sâu. Ông cũng ghi nhận việc tác giả « đã bàn trực diện và quyết liệt hơn về những ám ảnh, mặc cảm cùng những ẩn ức về dục tính của người Việt Nam trong chiến tranh ». Nhưng nổi bật hơn là giả thuyết mà nhà phê bình đề xuất, ở mức độ xã hội và lịch sử Việt Nam, về mối quan hệ giữa ẩn ức tình dục và sự « tha hóa, băng hoại thậm chí là vô đạo trong hành xử, ứng xử » của con người, một mối quan hệ không phải không có cơ sở lý thuyết – chủ yếu được xác lập từ Freud – mà ta sẽ đề cập sau.
Nhìn chung như vậy, trên dải giang sơn chữ S quen thuộc – từ câu chuyện sinh viên « tạo dáng khác lạ » trên kia đến cái « bi kịch của đất nước và con người » như Nguyễn Trọng Bình nhận định –, nhục cảm, quả thật, mang dáng dấp một địa đạo xuyên suốt đời sống vật chất và tinh thần từng cá thể.
Nó râm ran kêu đòi quyền sống. Nó lật tẩy các chiêu bài giả dối nhân danh đạo lý làm ngạt thở xã hội và đè nén con người, đi ngược với chiều hướng thế giới cởi mở, với bản chất nhân loại hồn nhiên.
Bởi từ nhiều nơi trên trái đất, bất chấp những ý thức hệ dù thuộc loại toàn trị khống chế hay gật gù « phải đạo », nhục cảm – với tư cách là bộ phận cấu thành của nhân tính, với chiều kích văn hóa không chối cãi –, đã để lại trong lịch sử loài người một thông điệp nhất quán nồng nhiệt, lạc quan, ngang hàng với sự sống, qua những dấu ấn nghệ thuật và tư tưởng vừa táo bạo, phong phú vừa sinh động, vượt thời gian.
(còn tiếp)
Chú thích (phần I)
1/ Sinh viên xếp chữ phản cảm ở Hoàng thành Thăng Long (22/11/2013),
http://ione.vnexpress.net/tin-tuc/nhip-song/sinh-vien-xep-chu-phan-cam-o-hoang-thanh-thang-long-2913978.html
2/ SEX chưa rõ nghĩa..., Nguyễn Anh Tuấn (30/11/2013),
http://www.phamdoantrang.com/2013/11/sex-chua-ro-nghia-cac-ban-can-fuck.html
3/ Việt Nam thuộc top các quốc gia tìm kiếm "sex" nhiều nhất thế giới,
http://www.doisongphapluat.com/xa-hoi/viet-nam-thuoc-top-cac-quoc-gia-tim-kiem-sex-nhieu-nhat-tg-a26116.html#.UywHAKh5Ml8
4/ Ảnh nude có cần thiết đối với đời sống cộng đồng ?,
http://vov.vn/van-hoa-giai-tri/anh-nude-co-can-thiet-doi-voi-doi-song-cong-dong-520727.vov
5/ Khỏa thân hay nude nghệ thuật ? (27/05/2016),
http://antg.cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/Khoa-than-hay-nude-nghe-thuat-394080/
Đặc biệt có phát biểu của nữ nhạc sĩ Giáng Sơn.
(xem thêmThế nào là tác phẩm 'nude lành mạnh'? ở http://thanhnien.vn/van-hoa/the-nao-la-tac-pham-nude-lanh-manh-830968.html).
• Đáng mừng là phản ứng của xã hội dân sự đã thành công trong việc khiến nhà cầm quyền cuối cùng phải đi đến việc hủy bỏ cái Thông tư số 01/2016 quái gỡ :
http://thanhnien.vn/van-hoa/bo-quy-dinh-cam-nguoi-dep-chup-va-pho-bien-anh-khoa-than-765195.html
6/ Làm sao để cảm nhận vẻ đẹp của hình ảnh khỏa thân trong nghệ thuật ?, Uyên Huy ( viết trênTạp chí Sông Hương, đăng lại ở:http://reds.vn/index.php/nghe-thuat/my-thuat/2576-lam-sao-de-cam-nhan-ve-dep-cua-hinh-anh-khoa-than-trong-nghe-thuat )
7/ Cần bỏ “bệnh quyền lực” trong quản lý văn hóa !,
http://laodong.com.vn/van-hoa-giai-tri/can-bo-benh-quyen-luc-trong-quan-ly-van-hoa-657226.bld
8/ Đỏ mặt xem tranh Bùi Xuân Phái minh họa thơ Hồ Xuân Hương,
http://reds.vn/index.php/nghe-thuat/my-thuat/4178-do-mat-tranh-bui-xuan-phai-minh-hoa-tho-ho-xuan-huong
“Đó là bộ tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ theo ý thơ của Hồ Xuân Hương, được cố danh họa thực hiện từ năm 1982 đến 1986. Bộ tranh này hiện do người con trai của ông là họa sĩ Bùi Thanh Phương lưu giữ. Gầy đây, nhiều tác phẩm trong bộ tranh đã được giới thiệu trên mạng”
9/ Đu cửa miếu Đụ Đị xem “chuyện ấy” lấy may (08/02/2017), http://baotiepthi.com/Du-lich/Du-cua-mieu-Du-Di-xem-chuyen-ay-lay-may-72920.html
10/ a- Một ví dụ Linga-Yoni loại thường:
http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/so-linga-yoni-cau-may-20110207091930336.htm ; trường hợp một Mukha - Linga trong ngôi tháp chính thờ vua Po Klong Garai (1151-1205) ở Ninh Thuận : Mukhalinga, Tháp Chăm Ninh Thuận, Trần Tấn Vịnh, Heritage (Vietnam Airlines magazine), tháng 12/2016, tr.107-108) ;
http://www.vncgarden.com/di-tich---danh-thang-bai-da-luu/ninh-thuan/thappoklonggaraidamnetchamoninhthuan ;
Xem thêm ở : ,http://www.universalis.fr/encyclopedie/linga/
b- Về thạp đồng Đào Thịnh, xem chi tiết và niên đại ở http://www.dsvh.gov.vn/pages/news/preview.aspx?n=481&c=28 ;
hình trong bài được trích từ: http://kienthuc.net.vn/di-san/tan-muc-canh-lam-tinh-cua-nguoi-viet-2000-nam-truoc-636586.html#p-3
11/ Sex Và Triều Đại[I], https://www.vanhoanghean.com.vn/component/k2/sex-va-trieu-dai-i , Tạ Chí Đại Trường (viết cho Văn học số 195, tháng 7/2002, đăng lại trên mạng vào tháng3/2014) […] Sex Và Triều Đại[IV] , https://www.vanhoanghean.com.vn/component/k2/sex-va-trieu-dai-iv
12/ Một tựa đề tương đối khôi hài cho một thực tế ít đáng nực cười hơn: Sách vi phạm thuần phong mỹ tục: phạt cũng... bí mật! (28/9/2016),
http://www.thesaigontimes.vn/151961/Sa%CC%81ch-vi-pham-thuan-phong-my-tuc--pha%CC%A3t-cu%CC%83ng-bi%CC%81-ma%CC%A3t.html
13/ Một triệu chứng khác cũng phát ra từ cùng ngòi bệnh lý: Phạt nhạc cấm, khởi đầu của ‘Cách mạng Văn hóa’ ở Việt Nam? http://www.voatiengviet.com/a/luu-hanh-nhac-cam-bi-phat-25trieu-khoi-dau-cua-cach-mang-van-hoa-o-vietnam/3776973.html
14/ Văn học hiện tượng luận có phải là văn học khiêu dâm không ?, Tam Ích, Đặc san Văn, số 1, tr. 31-48 (Sài Gòn,1967), đăng lại trên mạng ở:
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=13818&rb=0301
15/ Tản mạn về dục-tính và nữ quyền, Nguyễn Vy Khanh,
http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=15890
16/ VŨ TRỌNG PHỤNG - TÀI HOA BẠC MỆNH, ĐỖ NGỌC THẠCH,
http://newvietart.com/index4.721.html
17/ Mặt khuất của con người: cái dâm và cái ác trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, Thụy Khuê,
http://thuykhue.free.fr/stt/v/VuTrongPhung2.html
18/ Văn học và ngữ cảnh văn hóa, Cao Kim Lan (11/11/2010)
http://toquoc.vn/van-chuong-va-du-luan/van-hoc-va-ngu-canh-van-hoa-105908.html
- “Khi tiếp nhận văn học được coi là một tiêu chí quan trọng để định giá một tác phẩm văn học nghệ thuật, thì có thể nói những cách hiểu khác nhau về tác phẩm của Vũ Trọng Phụng tuy tạo ra những xung đột (đôi khi kéo theo những định kiến thật sai lầm), song nó lại là cánh cửa để ngỏ cho những cơ hội phát hiện những giá trị mới từ những mã ngôn ngữ, mã nghệ thuật và văn hoá kết tinh ở trong đó.”
19/ Xem thêm để nắm bối cảnh: “Để đáp lời báo Ngày nay: Dâm hay không dâm?”, Vũ Trọng Phụng (Báo Tương lai, số 9, ngày 25/3/1937); đăng lại trên mạng ở:
http://chuyenvanlqd.blogspot.fr/2010/03/e-ap-loi-bao-ngay-nay-dam-hay-khong-dam.html
20/ Xin được nêu ra đây chỉ vì nó chứng tỏ mối quan tâm còn có đó và được cập nhật : Trữ tình gợi cảm trong điên cuồng đau thương (22/03/2017),
http://news.zing.vn/han-mac-tu-tru-tinh-goi-cam-trong-dien-cuong-dau-thuong-post729253.html
21/ Mời đọc những nhận xét thâm thúy của Thụy Khuê trong tiểu luận
Hàn Mặc Tử, http://thuykhue.free.fr/stt/h/hanmactu.html
22/ Bích Khê, “thi sĩ thần linh” - “thơ loã thể”, Phạm Xuân Nguyên,
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=6492&rb=0101
23/ NGÔN NGỮ THÂN THỂ, MỘT PHƯƠNG DIỆN VĂN HÓA (TRƯỜNG HỢP BÍCH KHÊ), Trần Đình Sử, Văn hóa Nghệ thuật.-2006.-Số 8,tr.66-69, đăng lại trên mạng ở:
http://www.bichkhe.org/home.php?cat_id=146&id=338
Nhiều người đã không ngần ngại “mượn” thuật ngữ (tương đối) mới này của Trần Đình Sử trong các bài viết của họ, chẳng hạn như:
a/ Ngôn ngữ thân thể trong tiểu thuyết "Mẫu Thượng Ngàn" của Nguyễn Xuân Khánh, TRỊNH THỊ LAN (18/ 5/ 2012),
http://vanhoanghean.com.vn/index.php?option=com_k2&view=item&id=4526:v%E1%BB%81-m%E1%BB%91i-quan-h%E1%BB%87-gi%E1%BB%AFa-gi%C3%A1o-s%C6%B0-tr%E1%BA%A7n-%C4%91%E1%BB%A9c-th%E1%BA%A3o-v%E1%BB%9Bi-%C3%B4ng-ph%E1%BA%A1m-v%C4%83n-%C4%91%E1%BB%93ng-m%E1%BB%99t-v%C3%A0i-n%C3%A9t-ch%E1%BA%A5m-ph%C3%A1-*
b/ NGÔN NGỮ THÂN THỂ VÀ HÀNH TRÌNH ĐI TÌM CÁI ĐẸP CỦA NGUYỄN HUY THIỆP, Đoàn Tiến Dũng (13/06/2013)
http://nguvan.hnue.edu.vn/Nghiencuu/VanhocVietNamhiendai/tabid/103/newstab/23/Default.aspx
24/ Bích Khê, Thụy Khuê, http://thuykhue.free.fr/stt/b/BichKhe3.html
25/ Chiến tranh, tình yêu, tình dục trong văn học VN đương đại, Đoàn Cầm Thi,
http://tonvinhvanhoadoc.vn/van-hoc-viet-nam/phe-binh/1789-chien-tranh-tinh-yeu-tinh-duc-trong-van-hoc-vn-duong-dai.html
26/ Tính dục trong văn học hôm nay, Nguyễn Huy Thiệp (15/4/2006)
http://vietbao.vn/Van-hoa/Tinh-duc-trong-van-hoc-hom-nay/20563695/103/
27/ ẨN ỨC TÌNH DỤC VÀ MẶC CẢM CHIẾN TRANH TRONG “TÌNH CÁT” CỦA NGUYỄN QUANG LẬP, Nguyễn Trọng Bình (10/10/2016),http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/an-uc-tnh-duc-v-mac-cam-chien-tranh-trong-tnh-ct-cua-nguyen-quang-lap/