KIM TUẤN
…những bước chân âm thầm
Khoảng 9,10 giờ sáng một ngày vào năm 1972, khi đi ngang qua khán đài phía ngoài sân vận động thành phốVũng Tàu. Thượng Thuật đưa tay chỉ lên nói :
- Ông bận áo chemie ngắn tay ngồi phía trái trên khán đài là
Kim Tuấn, ông ngồi bên cạnh bận đồ lính là Du Tử Lê.
Tôi nhìn theo ngón tay Thượng Thuật thấy một người đàn ông đứng tuổi, mập mạp, nước da hơi đen, mang kiếng, giờ tôi mới biết đó là nhà thơ Kim Tuấn. Người mà tôichỉ biết tên chứ chưa bao giờ gặp mặt và người ngồi bên cạnh ông cũng là người nổi tiếng trong giới văn học lúc bấy giờ, nhà thơ Du Tử Lê.
Hôm đó là ngày “ NGƯỜI CÀY CÓ RUỘNG” được tổ chức tại Vũng Tàu, quan chức và giới Văn nghệ sĩ Saigon xuống dự rất đông.Thượng Thuật rủ tôi đi coi.
Hồi còn ở Vũng tàu tôi rất “nể” Thượng Thuật, cái gì anh cũng biết nhất là giới Văn nghệ sĩ, anh rành rẽ và nói vanh vách tên tuổi từng người. Tôi nể nhất là anh quen biết Mường Mán, có lần Mường Mán xuống Vũng tàu thăm anh. Mãi sau này khi làm việc chung với Mường Mán tôi mới biết người mà Thượng Thuật quen là Mường Mán giả.
Mười chín năm sau, tôi gặp lại người đàn ông ngồi trên khán đài ngày nào ở Vũng Tàu tại “tòa soạn” tập san Áo Trắng, nhà thơ Kim Tuấn. Tôi vui mừng được gặp lại anh. Anh hiền lành, nói năng nhỏ nhẹ, lúc nào cũng cười và có cái tật là… hút thuốc liên tục. Anh sốnghòa đồng, dễ gần gũi và không hề có khoảng cách giữa một người đã thành danh, nổi tiếng với những người thuộc thế hệ lớp sau mình.
Kim Tuấn có một người con traitheo học trường chuyên văn Nguyễn Du, hàng ngày anh phải đưa đón. Trong lúc chờ đợi cậu “ quí tử” anh thường ghé chỗ xe bán báo của tôi ở đầu đường Nguyễn Trãi ngồi chơi, anh đem theo những bài thơ vừa viết xong còn đầy dấu bôi xóa đọc cho tôi nghe, đó là những năm 1994-1995. Thơ anh óng ả, mượt mà, thấp thoáng một nỗi buồn man mác, không giống khuôn mặt rắn rỏi pha chút gì hơi “bụi” của anh.
Chuyện Kim Tuấn đọc thơ gợi tôi nhớ lại một giai thoại.
Sau năm 1975,nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng với một số văn nghệ sĩ đi “thực tế” . Đó là khoảng thời gian anh viết nhạc phẩm” Em ở Nông trường, em ra biên giới”, trong số văn nghệ sĩ đi thực tế với Trịnh Công Sơn có nhà thơ Hải Bằng, hằng đêm ông làm thơ và cứ vừa thức dậy, việc làm đầu tiên là Hải Bằng tìm Trịnh Công Sơn để đọc thơ cho anh nghe, đến nỗi Trịnh Công Sơn phải làm 2 câu thơ gởi cho Hải Bằng để nói lên tâm trạng của mình:
“ Ở đời sợ nhất đau răng.
Nhì là mỗi sáng Hải Bằng đọc thơ”
Thơ Kim Tuấn đầy tình người và tình yêu quê hương nên đã được những nhạc sĩ nổi tiếng như: Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Từ Công Phụng… phổ nhạc nhưng chỉ có hai tác phẩm được nhiều người biếtđến, đó là:“Anh Cho Em Mùa Xuân”của Nguyễn Hiềnvà “Những Bước Chân Âm Thầm” của Y Vân.
Năm 2003 Áo Trắng dời về đường 3 tháng 2, quận 11.
Vì hơi xa, nên những người cộng tác thỉnh thoảng mới đến chứ không thường xuyên như lúc còn ở đường Lý Chính Thắng.
Một hôm Kim Tuấn bất ngờ xuất hiện, anh nói :
- Lâu quá, lên thăm chơi chứ chẳng có bài vở gì.
Nhìn thấy anh có vẻ mệt mỏi, tôi hết sức cảm động.Gần trưa, tôi tiễn anh ra về, không bao giờ tôi nghĩ đó là lần gặp gỡ cuối cùng.
Anh mất vào một đêm tháng 9 năm 2003 sau khi tham dự buổi văn nghệ và phát quà cho trẻ em nghèo tại trường Thăng Long ở quận 4. Đó là ngôi trường Anh văn và dạy nghề dành cho trẻ em lang thang, cơ nhỡ do người Anh tài trợ mà anh là Hiệu trưởng.
Bây giờ, mỗi lần đi ngang qua đường Sương Nguyệt Ánh ở quận 1, tôi lại nhớ đến anh, vì lúc sanh tiền, anh thường nói với tôi: “ đây là con đường đẹp nhất Saigon, hai bên có hai hàng cây cổ thụ cao vút, cành lá tỏa ra như một vòm cung che mát suốt ngày”.
Kim Tuấn không còn nữa nhưng mỗi lần Tết đến cùng với Xuân Và Tuổi Trẻ của La Hối, Ly Rượu Mừng của Phạm Đình Chương, Xuân Miền Nam của Văn Phụng, Hoa Xuân của Phạm Duy, Anh Cho Em Mùa Xuân, thơ Kim Tuấn được Nguyễn Hiền phổ nhạc vẫn là những nhạc phẩm không thể thiếu vì những giai điệu, những ca từ đã thấm đẫm trong lòng người yêu nhạc. Saigon, những ngày lập đông
PHẠM THANH CHƯƠNG
VÀI KỶ NIỆM VỚI NHỮNG VĂN
NGHỆ SĨTÔI QUEN BIẾT (tiếp theo)
Nhà văn SƠN NAM
&
Ông KHAI TRÍ
( hai chuyên gia đi bộ)
Viết về nhà văn Sơn Nam thoạt nhìn như chuyện dễ nhưng thật sự là việc làm cực kỳ khó vì suốt một thời gian dài ông sống “bàng bạc” với tất cả mọi người. Theo Đào Tăng, (anh của nhà văn Đào Hiếu) người đã cưu mang nhà văn Sơn Nam trong hơn 10 năm trên căn gác trong ngôi nhà cấp 4 của mình tại Gò Vấp thì suốt ngày ông la cà từ quán cà phê này qua quán xép nọ, hết đám giỗ nhà này qua đám giỗ nhà khác với những người lao động nghèo trong xóm và hầu như ông không bao giờ tham dự tiệc tùng, sinh nhật, đám giỗ của những nhà giàu. Nên khi được tin tại Bình Quới có dựng tượng của Sơn Nam, mấy bà bán quán, bán hàng xén, những chị bán cà phê xáo xào bàn tán, hỏi nhau :
- Ông Sơn Nam còn sống mà sao người ta lại dựng tượng vậy cà?
Năm 2004 nhà điêu khắc Trần Thanh Nam tạc tượng nhà văn Sơn Nam tại làng du lịch Bình Quới thuộc bán đảo Thanh Đa trong lúc Sơn Nam còn mạnh khỏe, năm đó ông vừa tròn 78 tuổi.
Đây là một việc hi hữu, vì thường tình người ta chỉ ca tụng, viết sách, dựng tượng cho một người nổi danh khi đã qua đời nhưng với nhà văn Sơn Nam là một điều ngoại lệ, chưa từng có.
Đào Tăng nói khi chở Sơn Nam ra Bình Quới xem tượng, lần đầu tiên ông thấy Sơn Nam cười rạng rỡ và liền gọi điện thoại về cho con gái ở Mỹ tho ;
- Trời ơi !trên này ba còn sống mà họ tạc tượng cho ba rồi, đẹp lắm, gia đình và hết thảy con cháu sắp xếp lên đây ba dẫn đi xem.
Một buổi sáng cuối tháng 11.2004, khi đến làm việc tôi thấy một nhóm người vây quanh đang nghe Sơn Nam nói chuyện gì trong sân Nhà xuất bản Trẻ, tôi dựng xe và chen vào đám đông nghe ké. Khi biết ông bức xúc nói với các biên tập viên về việc hai ngôi mộ cổ ở đường Nguyễn tri Phương trong quận 10 bị đập bỏ.( Theo ban quản lý di tích thì đây là 2 ngôi mộ có từ đầu thế kỷ 19 nhưng vì nằm trên lề đường làm mất vẻ mỹ quan đô thị nên quận xin di dời ).
Thấy vậy, tôi nói với ông :
- Chuyện nhà nước họ làm, chú bận tâm làm chi cho mệt.
Ông huơ huơ điếu thuốc đang hút dở, nói như luyến tiếc một điều gì từ trong sâu thẳm lắm :
-Đúng như người xưa đã nói, chẳng sai chút nào. Rồi ông đọc :
“ Vị qui tam xích thổ
Nan bảo bá niên thân
Ký qui tam xích thổ
Nan bảo bá niên phần”
Dịch Nghĩa:( Khi chưa về với ba thước đất
Mạng sống chắc gì được trăm năm
Khi đã về với ba thước đất
Chắc gì giữ được phần mộ một trăm năm)
Phỏng dịch :“ Khi chưa về với đất nhà
Chắc gì sống đến tuổi già trăm năm
Nhưng khi về với đất nằm
Chắc gì giữ được trăm năm mộ phần”
Một lần đi làm về tình cờ tôi thấy ông từ trong chiếc xe 7 chỗ đang xách đồ bước xuống, tôi dừng lại hỏi thăm mới biết ông ở miền Tây vừa về đến đây thì chiếc xe bị thủng lớp, tôi phụ ông đưa túi đồ lỉnh kỉnh vào vệ đường để ông đón xe về Gò Vấp. Tôi nói :
- Trời sắp mưa, để tôi chở chú về kẻo ướt hết.
Ông lục tìm gói thuốc :
-Nó nói đưa tao về tận nhà, ai dè đến đây xe nổ bánh.
-Chú về Mỹ Tho thăm cháu à?
-Không, họ mời tao về dự khánh thành nhà truyền thống Nam Bộ, có diễn văn, tiệc tùng, xe đưa đón, nhưng nghĩ lại thấy tức cười…
-Là sao vậy chú?
-Tao Sơn Nam mà họ cứ gọi là Nam Sơn, không lẽ họ tưởng tao là chủ hãng xe đò…!Rồi ông cười ha hả.
Nhà xuất bản Trẻ là nơi gắn bó mật thiết với ông. Trong một thời gian dài Áo Trắng “đóng đô” tại đây nên tôi may mắn có nhiều cơ hội được tiếp xúc với ông, tôi chưa bao giờ thấy ông chạy xe, dù bất cứ loại xe gì, lúc thì ông Đào Tăng chở, lúc thì ông đi bộ hay xe ôm, có một thời gian tôi thấy nhà thơ Bùi Chí Vinh hay chở ông trên chiếc Honda cup. Ra đường ông ăn bận đàng hoàng, áo bỏ trong quần, đội mũ phốt trắng và lúc nào trong túi áo cũng có gói thuốc lá mang theo. Tôi có một điều thắc mắc mà hồi đó không biết hỏi ai: là lúc nào tôi cũng thấy ông cũng thiếu tiền, mặc dù với ngòi bút sung mãn cùng với tên tuổi của ông, nhuận bút sách cũng như những bài viết trên các tờ báo lớn họ trả cho ông không hề nhỏ.
Sau này, khi nghe ông Đào Tăng kể lại thì mỗi lần Nhà xuất bản ứng tiền hay ông nhận nhuận bút một bài báo, ra đường gặp ai nghèo khó là ông cho, có khi về đến nhà chẳng còn đồng nào. Đào Tăng là người viết báo tự do, ông cũng là người gần gũi Sơn Nam trong trong một quãng thời gian dài,ông cho biết Sơn Nam chỉ viết vào buổi sáng. Ông chuẩn bị giấy, máy chữ để sẵn trên bàn khoảng 9 giờ tối thì ông đi ngủ, 3 giờ sáng ông thức dậy pha một ly cà phê uống rồi đánh máy liên tục cho đến 6,7 giờ thì ông ngưng, nếu không có việc phải đi đâu thì ông ra đường la cà các quán cóc vỉa hè, thăm chỗ này, viếng chỗ nọ cho đến tối.
Theo nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, một biên tập viên nhiều năm gắn bó với ông thì Sơn Nam có thói quen rất lạ: là không bao giờ tặng sách cho ai dù người đó thân quen đến cỡ nào, ông cho rằng nếu người đọc quí trọng người viết thì phải bỏ tiền ra mua và ông sẵnsàng ký tên trong sách để lưu niệm.
Trong một bài viết về Sơn Nam, nhà thơ Phan Hoàng nhắc lại một giai thoại, khi Nguyễn Quang Sáng chưa viết văn thì Sơn Nam đã là một nhà văn có tiếng . Nguyễn Quang Sáng đem những câu chuyện li kỳ ở quê mình kể cho Sơn Nam nghe để ông làm cốt truyện. Sơn Nam nói;
-Vùng đó tao không biết, tao thấy rặng cây từ xa thôi, mày cũng có chữ nghĩa, viết đi!
Từ đó, Nguyễn Quang Sáng cầm bút viết và trở thành một nhà văn tên tuổi sau này.
Ở Sài Gòn có hai người tiếng tăm lừng lẫy mà người ta thường thấy hay đi bộ ngoài đường là nhà văn Sơn Nam và ông Khai Trí.
( Ông Khai Trí tên thật là Nguyễn Hùng Trương chủ nhà sách Khai Trí tại Saigon từ năm 1952 đến 1975).
Người ta ít biết tên thật của ông mà chỉ gọi ông là “ông Khai Trí”. Năm 1991 ông sang định cư tại Hoa Kỳ đến năm 1996thì về lại Sài gòn. Ông bỏ công sưu tầm, tuyển chọn, biên soạn đủ loại bộ môn và in thành sách như một cách gìn giữ những truyền thống và tinh hoa của dân tộc mà ông sợ rồi sẽ bị mai một.
Năm 1998 ông xuất bản một tập sách “hoành tráng” có tựa đề là : THƠ TÌNH VIỆT NAM VÀ THỀ GIỚI CHỌN LỌC trên một ngàn trang do ông đứng tên tuyển chọn.
Khi ra đường ông Khai Trí thường xách chiếc giỏ lác, áo quần tề chỉnh, ông đi khắp hang cùng ngõ hẻm, bất cứ chỗ nào có bán sách cũ là ông đến để tìm mua những cuốn sách cỗ, thuộc loại quí hiếm, người ta nói ông có một đam mê sách kỳ lạ mà không một người nào có.
Nhà sách Khai Trí nay là nhà sách Sài Gòn trực thuộc hệ thống Fahasa từ năm 1976
Một buổi chiều tôi đến căn phòng hơi tối ở đường Phan Thanh Giãn cũ theo thư hẹn để nhận sách biếu, ông ký tên vào sách và nói lời xin lỗi vì trích bài đăng vào tuyển tập mà chưa có” sự đồng ý” của tác giả.Khi tiếp xúc tôi mới cảm nhận được sự “dễ mến” và cách làm việc cẩn trọng của ông.
Ông Khai Trí mất năm 2005 với cả tấm lòng vì sách và trọn một đời cũng dành cho sách mặc dù chỉ là để "gió cuốn đi”
Ba năm sau khi ông Khai Trí, người thường đi bộ khắp các nẻo đường, hẻm hóc ở Sài Gòn qua đời, tháng 8.2008 Sài Gòn mất thêm một người cũng thường đi bộ nữa, nhà văn Sơn Nam.
Hai người nổi danh trong hai lĩnh vực khác nhau nhưng hai ông cùng sống chết, gắn bó một đời với sách.
Tôi chưa bao giờ thấy Sơn Nam khen ai hay chê ai, duy có một lần ông nói:
- Có tay này ở An Giang, không biết đọc ở đâu, tao chỉ nhớ được 2 câu:
\ “Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà”
-Thằng này… được đómậy !
- Hai câu ấy của Phạm Hữu Quang, ảnh mất rồi chúạ !
Ông hút thuốc, im lặng không nói gì, dường như mọi việc được thua, còn mất đối với ông là chuyện bình thường, hẳn nhiên trong cuộc sống phù du tạm bợ của kiếp làm người.
Saigon, những ngày cuối đông