Hai anh nhà giàu ngồi nói chuyện. Một anh nhà nghèo ngồi nghe như vịt nghe sấm, vì thế đâm ra chán chẳng buồn nghe nữa, bèn bảo với hai anh kia:
- Các vị toàn nói chuyện viển vông. Tôi nghe chẳng hiểu gì sất.
Hai anh nhà giàu nhìn nhau, lưỡng lự gây lát rồi một anh thò tay vào túi, móc ra một ngàn lượng, đưa cho anh nhà nghèo. Anh kia cũng làm theo y hệt. Thoắt cái, anh nhà nghèo có ngay trong tay hai ngàn lượng, lập tức cũng trở thành người giàu. Anh ta bỗng reo lên:
- Bây giờ thì tôi hiểu các vị vừa nói chuyện gì rồi. Té ra chẳng có gì là viển vông cả...
Đoạn trên vẫn trích lời “tựa” trong “Luận ngữ tân thư”. Sau đây, lại xin trích một đoạn trong bộ sách đó:
- Học trò có bao giờ hiểu sai lời dạy của Thánh nhân không?
- Thánh nhân đối với mỗi học trò, đều có những lời dạy khác nhau về cùng một việc, chính vì sợ có người hiểu sai lời mình vậy.
- Sai như thế nào?
- Tử Hâm (một học trò của Khổng Tử) cưới hết vợ này đến vợ khác, cứ được vài ngày lại bỏ. Khổng Tử lấy làm lạ, bèn hỏi:
- Sao trò thay vợ như thay y phục vậy. Những người đàn bà ấy có tội lỗi gì?
Tử Hâm thưa:
- Ấy là con theo đúng lời dạy của Phu Tử. Phu Tử bảo: “quân tử bất khí” (người quân tử không phải là một thứ dụng cụ). Nay mỗi khi gần đàn bà, con lại thấy mình hình như bị biến thành cái “dụng cụ”... gì ấy đối với họ. Điều đó trái với đạo của người quân tử. Vì thế con đành phải bỏ.
Khổng Tử nghe xong, thấy lời dạy của mình quả có chỗ hớ. Bèn bảo:
- Thế thì đối với những kẻ như trò, ta bổ sung thêm cho câu ấy thành ra như sau: “quân tử bất khí, ngoại tác phu” (người quân tử không phải là một thứ dụng cụ, trừ lúc làm chồng).
Tử Hâm được câu đó mới thấy yên tâm, từ bấy giờ không bỏ vợ nữa.
- Thánh nhân có giàu không?
- Thánh nhân có nhiều của cải hay không thì không biết. Nhưng kiến thức thì chắc chắn là giàu, cả thiên hạ dồn lại cũng không bằng được.
- Giời sinh Thánh nhân, có bao giờ lãng phí đến mức để hai Thánh nhân sinh cùng thời không?
- Có
- Thánh nhân cùng thời thì làm sao?
- Thì thường sinh ra những thứ trái khoáy. Ví dụ: Lão Tử đọc hết sách chứa trong kho nhà Chu, mà tuyệt không viết ra một chữ nào, cũng không bàn đến một lời nào. Người đời thấy thế cho là bí hiểm. Một đồn mười, mười đồn trăm... đồn đến tai Khổng Tử. Khổng Tử bèn dắt học trò tìm đến. Đến một lần rồi, lại đến lần nữa. Chung quy vẫn hỏi về Lễ. Hỏi: “Lễ dùng làm gì?” Lão Tử bảo: “chẳng để làm gì”. Lại hỏi tiếp: “dùng được không?”. Trả lời: “tuỳ!”. Hỏi tiếp: “ích gì không?”. Trả lời: “chẳng ích cho ông, chẳng ích cho ai”. Khổng Tử ngoảnh lại bảo học trò: “chép lấy, chép lấy”. Các học trò hí hoáy chép. Bỗng nghe phía sau nhà có tiếng cú rúc. Khổng Tử hỏi: “tiếng gì vậy?” Lão Tử bảo: “tiếng cú”. Lại hỏi: “con cú ở đây, hình thù nó như thế nào?” Lão Tử bèn dẫn Khổng Tử ra sau nhà, trỏ tay bảo: “nhìn thấy gì không?” Khổng Tử trả lời: “thấy bụi rậm”. Lão Tử bảo: “cú đấy!”.
Khổng Tử ra về, bảo với học trò rằng: “Nay ta thấy bụi rậm phát ra tiếng cú. Lại thấy Lão Tử như con rồng.”
Khổng Tử về rồi, người nhà mới hỏi Lão Tử: “Lễ - là cái gì vậy?” Lão Tử bảo: “là cái muốn mọi người theo ý mình”. Người nhà lại hỏi: “như thế hay hay dở?” Lão Tử bảo: “không bằng theo ý mọi người”.
Câu chuyện trên do Tử Hư, một học trò đi sau cùng của Khổng Tử chép lại theo kiểu “văng ngôn” (không đúng nguyên văn), chỉ cốt giữ lấy ý mà thôi. Khổng Tử tình cờ đọc thấy, bèn than rằng: “khi nào hết đạo của ta, thì đến đạo của Lão Tử chăng?”.
Rốt cuộc, các học trò vẫn không hiểu nổi cuộc trao đổi ấy giữa hai vị có ý nghĩa ra làm sao. Thế là dậy lên những thắc mắc, tranh luận chẳng đâu vào đâu. Khổng Tử bèn tập trung lại giảng:
- Suy cho đến cùng, đạo của ta với Lão Tử chẳng qua cũng là một mà thôi. Ví như tấm thẻ bài, mặt trước ghi tên tuổi, quan tước... còn mặt sau thì chẳng ghi gì. Phải chăng vì trời tối, nên mới phải soi đèn. Bởi chúng sinh vô lễ, nên mới phải dùng đến “lễ”. Thiên hạ bất nhân, mới phải bàn đến chữ “nhân’. Thế gian bất nghĩa, mới phải nêu ra điều “nghĩa”. Nhân nghĩa sở dĩ được đề cao, chính vì đời đầy bất nhân, bất nghĩa... Hình phạt sở dĩ đặt ra càng nhiều, chính vì có nhiều trộm cắp, bất lưng. Kẻ khao khát tự do, chính là kẻ đang mất tự do... Tóm lại chính vì đời vô đạo, nên mới sinh ra “đạo” kia vậy.
Đời sau có kẻ bình luận rằng bài giảng ấy của Khổng Tử chính là chỗ gặp nhau, giao nhau giữa “đạo” của Ngài và “đạo” của Lão Tử. Bởi Ngài chủ trưng: “Đạo vị nhân” (đạo sinh ra cốt vì người), cho nên mới phải đề cao Đạo. “Danh vị nhân” (danh sinh ra cốt vì người), nên mới phải chính Danh. Lời than trên của Ngài chứng tỏ trí tuệ Ngài đã thấu suốt cả lẽ huyền cơ nhân thế. Rằng đạo lý của Ngài trùm suốt cả thời “dân” có “chủ”, chúng sinh luôn có người cai quản, chăn dắt. Có lúc chia ra kẻ trên, người dưới rõ ràng, có lúc mập mờ, dơi, chuột khó phân. Mà cái “thời” ấy thì dài lắm, mấy nghìn năm rồi, dài như một đêm trường... Đến khi nào “dân” tự mình là “chủ”, chúng sinh tự bảo nhau cai quản lấy nhau... thì đến lượt đạo lý của Lão Tử kia chăng?...
Khổng Tử có nhiều học trò, tự mình lại chịu khó làm sách, soạn ra kinh, sử... đủ cả. Sách cốt để dạy đời, dạy làm người, làm quan, dạy cả những bậc đế vương... Lúc Ngài chết thân gửi về với Đất. Những lời nói của Ngài, về sau đều được các học trò chép lại, rồi dựa theo ý mà thêm thắt vào... thành ra nhiều vô kể, không có việc gì là không bàn đến, mà phải bàn đến tận cùng mới thôi. Đời sau không ai có thể đọc hết.
Lão Tử thì ngược lại, không có học trò. Về sau, Ngài vì nể người mà phá lệ, gượng làm đúng một bộ sách, chỉ vỏn vẹn già năm nghìn chữ. Năm nghìn chữ ấy, đọc mãi cũng không hết. Nhưng “đạo” mà “tán” ra đến chừng ấy, đối với Ngài kể cũng hơi dài. Ngài làm xong thì chép miệng bảo: “chẳng để làm gì”. Rồi bỏ đó mà đi. Nghe nói Ngài về Trời làm Thái Thượng Lão Quân. Chẳng biết thực hay hư, chỉ biết bặt tin đã lâu./.