Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.063
123.165.713
 
Nhân HTV 7 chiếu bộ phim TIẾNG CHUÔNG TRÔI TRÊN SÔNG (*)
Nguyễn Võ Khang Hạ

TỪ TRUYỆN NGẮN ĐẾN KỊCH BẢN

           

Truyện ngắn Tiếng chuông trôi trên sông của nhà văn Vũ Hồng là truyện đạt giải Nhì của Tạp chí Văn Nghệ Quân đội (1996) và cũng một phần nhờ vào tác phẩm này Vũ Hồng được tặng thưởng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam (1999). Trong báo cáo của Hội đồng chung khảo do nhà văn Ma Văn Kháng đọc trong buổi lễ trao giải có đoạn: “Tập truyện ngắn “Tiếng chuông trôi trên sông” của cây bút  trẻ Vũ Hồng nổi bật vì một tiếng nói nghệ thuật trẻ trung và nhiều rung cảm chân thành…. có sức hàm chứa, dí dỏm, giàu chất Nam bộ và không kém phần sắc sảo, chua chát”.

 

Nội dung trong truyên ngắn không mới, thực tế ngoài đời ta cũng thấy nhiều hoàn cảnh éo le như vậy, chung quy cũng tại chiến tranh. Kim lên đường tập kết ra Bắc, Tím ở lại chờ đợi chồng với đứa con trong bụng. Ngày giải phóng, thiếu tá Kim ngỡ ngàng khi Tím đã là vợ của Tân, một sĩ quan nguỵ, và đã có riêng một con gái. Sau khi cải tạo, ông Tân được bảo lãnh sang Mỹ, cô con gái theo chồng sang Pháp. Bà Tím cự tuyệt không theo chồng và cũng từ chối nối lại tình nghĩã xưa. Một lời thề sống cho đến cuối đời bên sông Hàm Luông đã mở đầu cho một tình yêu mới. Chàng (đã về hưu với cấp bậc Đại tá) và Nàng (Nàng kém tôi năm tuổi. Sáu mươi mốt tuổi, nàng đã vượt qua ngưỡng cửa của một đời người) cũng hẹn hò, cũng chờ đợi ngày gặp mặt, cũng đùa vui bên nhau như tình yêu của thuở ban đầu.  Kể ra thì đơn giản như vậy nhưng trong truyện vẫn có những chi tiết “xung đột”: Ông Tân đã cố tình cưới vợ có chồng đi tập kết để được lãnh thưởng, đứa con của hai người bị tra tấn đến nỗi sẩy thai…Tất cả những nút thắt ấy, được nhà văn Vũ Hồng mở một cách nhẹ nhàng, đầy nhân bản và vị tha, chứng tỏ trong tình yêu không có chỗ cho lòng thù hận, văn xuôi mà đọc như thơ: Tất cả rồi sẽ qua đi, dù là người thường hay anh hùng cũng thế, chỉ còn tình yêu ở lại. Tình yêu của nàng mà tôi đã nâng niu suốt cuộc chiến tranh. Nó như tiếng chuông lòng dẫn tôi vào cõi thiên thai rồi dần đi xa mãi…”

 

Hoặc: “tiếng chuông ngân như tiếng gọi của linh hồn ai đó đang trôi trên những dòng sông miền châu thổ để tìm về một hình bóng xa xưa”.

           

Nhà thơ Nguyễn Bá viết : “Nhân vật và cảnh sắc của Vũ Hồng ở “Tiếng chuông trôi trên sông” đầy lãng mạn và có tính sử thi. Đó là chất người, chất truyền thống, nói đúng hơn đó là hào khí của vùng địa linh nhân kiệt lừng lẫy mấy đời của Bến Tre xứ dừa…”.

           

Chính cái lãng mạn và sử thi mà tôi đâm “lo” cho kịch bản đầu tay của nhà báo Phan Lữ Hoàng Hà. Từ Chàng – Nàng đơn điệu đã hình thành “chuyện ba người”: Kim – Tím – Tân ít nhiều đã tạo sự hấp dẫn cho bộ phim. Những cảnh tuổi thơ đi học, chăn trâu, tắm sông, hái trái… như cố làm cho chúng ta mau quên đi thời chiến tranh. Chúng ta không quên quá khứ, nhưng khép lại quá khứ và hướng đến tương lai là việc cần nên làm. Việc làm “sống” lại nhân vật Tân và “trong sáng hoá” nhân vật cô con gái tên Loan là một thành công của kịch bản. Dù có o ép gia đình để cưới được Tím, nhưng Tân vẫn một lòng yêu Tím, sống có trách nhiệm và yêu thương gia đình. Nghĩ về chuyện ông Tân không được ăn cơm cùng vợ con suốt bao nhiêu năm mới thấy ông đáng thương hơn là đáng trách. Ông Kim không còn thường xuyên lui tới nhà Tím với tư cách người chiến thắng, mà hứa chỉ đến thăm khi có mặt của ba người. Cảnh ông Kim đến thăm nhà Tím, nhưng “đến rồi lại đi” thấy thương thương làm sao! Cảnh ông Kim đến thăm ông Tân ở trại cải tạo  với quà cáp trong tay, ngồi cùng “tình địch” bàn bạc về người mình thương yêu, có người cho rằng điều đó quá giả tạo. Theo tôi, dù truyện hay phim, các tác giả vẫn hướng chúng ta về cái đẹp, cái thiện. Dù đại tá Kim của Vũ Hồng thật hơn, nhưng tôi vẫn thích đại tá Kim của Phan Lữ  Hoàng Hà. Khi bà Tím nói:”Tôi không xứng đáng với ai hết” chúng ta mới đồng cảm được hết tất cả các nhân vật. Ai cũng nhận mình có lỗi, thật cao thượng. Cảnh Loan trở về quê hương khóc nức nở trước mộ “cậu Hai” là một cảnh đẹp, xúc động và có hậu.

           

Sau khi xem phim trên chương trình Tạp chí Văn nghệ (TFS) phát vào lúc 8g30 ngày 4.9.2005 tôi thực sự ngạc nhiên khi biết đoàn làm phim đã chạy đua với thời gian và hạn hẹp về kinh phí để ra mắt bộ phim vào dịp 60 năm kỷ niệm lễ Quốc khánh. Với tư cách khán giả tôi xin được góp vài ý kiến. Điều đáng ghi nhận là diễn viên ưu tú Kim Xuân với vai bà Tím đã xoá đi “ác cảm” của tôi với vai diễn trong phim “Vòng xoáy tình yêu”. Từ dáng đi, mắc cỡ, bẽn lẽn của người tình già đến nụ cười héo hắt, những giọt nước mắt chứng tỏ tài năng của một diễn viên có nghề và cũng chứng tỏ con mắt tinh đời của đạo diễn Võ Việt Hùng. Diễn viên Phụng Hiệp trong vai ông Tân đã thể hiện tròn vai dù đây là một vai khó đóng. Danh hài Thanh Nam trong vai đại tá Kim khác với những gì tôi tưởng tượng về một đàn ông gầy còm trong bộ quần áo giản dị  khi đọc truyện ngắn, nhưng Thanh Nam vẫn diễn ra được chất lính, chất Nam bộ dù còn đôi  chút ảnh huởng của sân khấu.

           

Cái chết của ông Kim do đột quỵ khi chèo đò qua sông thăm người yêu trong mưa gió thật xúc động và mang đậm nét sử thi. Quay phim Bùi Vi Nghi đã tạo được một cảnh đẹp trên sông với những trang nhật ký lững lờ trôi.

           

Cái tôi chờ đợi nhiều trong phim là những âm thanh của miền châu thổ: tiếng mưa rơi vỡ trong buổi hoàng hôn, tiếng con bìm bịp kêu nước lớn giữa đêm thanh vắng, con vạc sành kêu khoắc khoải nơi vách lá và nhất là tiếng chuông đã không có hoặc có nhưng chưa  đạt, kể cả bài hát “Tiếng chuông trôi trên sông” của nhạc sĩ Ngọc Sơn qua tiếng hát của ca sĩ Hương Giang cũng chưa thật sự ấn tượng.

 

N.V.K.H

(Trường Cao đẳng Bến Tre)

Nguyễn Võ Khang Hạ
Số lần đọc: 3282
Ngày đăng: 08.09.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đôi nét về “văn minh miệt vườn ” trong ca dao Nam bộ - Mai Văn Sang
Diệp Minh Châu , Con người bẩm sinh là nghệ sĩ - Lê Phú Khải
Bàn tay đáng bắt - Lê Phú Khải
Một trái tim nhân hậu - Lê Phú Khải
Đôi Mắt NgườI Sơn Tây - nàng là ai ? - Nguyễn Duyên
DU TỬ LÊ hay là "NHỮNG VÌ SAO CHƯA BIẾT NGỦ MỘT MÌNH" - Trần Mạnh Hảo
Món ăn Huế trên đất Phương Nam - Tiểu Kiều
Chè HUẾ - Tiểu Kiều
Nhà giáo Vĩ Đại Hồ Chí Minh - Nguyễn Phúc Nghiệp
VĂN HỌC trên KÊNH TRUYỀN HÌNH VTV3 : '' NGÔNG'' là PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT NGUYỄN TUÂN ! - Trần Mạnh Hảo