Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.080
123.164.131
 
Bên người tình rụng răng
Vũ Hồng

Nghe người bạn nói lại, tôi quyết định đi đến Bến Tre vào một ngày tháng Chạp. Khi ấy, so đũa nở hoa trắng xóa hai bên quốc lộ và chuyến phà chiều thật đông người. Trên chiếc xe ca, tôi ngồi cạnh một bà buôn gà lắm điều và tôi cảm thấy khó chịu vì bên tai cứ văng vẳng lời ca cẩm chế độ trong khi nơi cổ bà ta đeo thật nhiều vòng vàng.

Sẫm tối, tôi đến khách sạn đăng ký phòng và sau đó thì lang thang qua những đường phố hẹp của tỉnh lỵ. Tôi thấy Bến Tre có nhiều cô gái đẹp nhờ vào mái tóc dài và đôi mắt hiền.

Tôi không chắc sẽ gặp được nàng. Lúc chia tay thì nàng đã 25 tuổi và vừa có chồng. Ba mươi năm trôi qua, bây giờ tôi đã bước đến ngưỡng cửa 60 và nàng bằng tuổi tôi. Tôi còn nhớ lúc tiễn nàng cùng chồng ra ga để đáp chuyến tàu trưa về Nha Trang, bỏ lại tôi và cơn mưa mùa hè mù mù, ẩm lạnh.

Tôi ghé vào quán cà phê Huê Liên và gọi cà phê sữa. Tôi đã bỏ uống cà phê đen cách đây mười năm. Ở quán vắng người nên tôi thấy dễ chịu.

Một người đàn ông đã già ở một xứ lạ, tôi bần thần nhìn ra đường. Nơi đó nhạt nhòa ánh đèn và những ngôi nhà cửa đóng im ỉm. Một đôi tình nhân trên chiếc Honda vụt qua. Tôi chỉ kịp nhìn vào đôi chân thon của cô gái mặc mini jupe màu trắng ngồi phía sau.

Tôi nói với cô chủ quán rằng hãy mở nhạc mà trong đó có câu "Mười năm cách biệt tình đành quên lãng". Cô ta cười và phân trần là nhạc như thế bị cấm. Tôi đành sống trong suy tưởng trên nền nhạc rậm rịch của phương Tây. Phía bên bàn đối diện có hai gã ăn mặc kiểu phụ nữ, độn ngực và hai gã có mái tóc kiểu bờm ngực đang cười nói. Từ phía sông Bến Tre đưa về những luồng gió lạnh và thoang thoảng mùi chợ.

*

*    *

"Ông Kiên đó ư?"

Nàng hỏi khi gặp tôi. Lúc đó, nàng đang tưới hoa vạn thọ trước sân. Tôi nhìn thấy phía xa là cánh đồng và những cánh cò. Tháng Chạp, buổi sáng ở đồng bằng trong trẻo với những đám mây trắng bồng bềnh. Tôi cười nhưng lòng đượm buồn khi nói rằng tôi đã đi tìm nàng suốt quãng đời còn lại. Nàng trầm ngâm, đưa mắt nhìn con đò ngang đang đưa khách phía dòng sông.

Nàng mời tôi vào nhà. Tôi thấy nàng hơi gầy với đôi tay ốm và dài.

"Mấy cháu đâu?".

Tôi hỏi điều đó khi thấy căn nhà gỗ vắng lặng. Nàng buồn rầu, pha trà và nói rằng chẳng có đứa con nào. Và nàng tiếc là ông nhà đã đi Giồng Trôm chứ nếu không thì để cho hai người ngồi uống rượu với nhau. Tôi nói rằng tôi sẽ rời khỏi thị trấn này vào sáng ngày mai nên cũng hy vọng gặp chồng nàng vào buổi chiều.

"Mới đó mà ba mươi năm!" - Nàng thở dài.

"Ờ, ba mươi năm!".

Nàng ngồi thừ người và tôi thấy xót xa khi nhìn thấy lớp da nhăn nhúm trên má nàng.

"Sao ông biết...?".

"Biết chứ! Ngày đó Hương về Nha Trang?".

"Rồi đi khắp cả: Huế, Buôn Ma Thuột, Tân An và cuối cùng thì đến đây".

"Chạy lúc 75?".

Nàng gật đầu. Tôi biết là nàng đã lén gạt những giọt nước mắt. Nàng bảo tôi hãy cùng nàng đi dạo. Chúng tôi đi qua những luống hoa hồng, cúc vàng và cẩm chướng. Nàng nói vợ chồng nàng sống bằng nghề trồng hoa. Tôi nghe phảng phất trong gió có mùi hoa bưởi xen lẫn với mùi cỏ dại.

Nàng bước những bước ngắn và nhẹ nên tôi thấy hình như bên cạnh tôi đó chính là cô gái tên Hương ngày nào. Lúc trẻ, khi nhìn vào những bà già tôi thấy xấu ghê gớm nhưng bây giờ tôi lại thấy nàng đẹp. Hóa ra, việc xấu đẹp là do cách nhìn của mỗi độ tuổi con người.

Chúng tôi đi vào vườn, dẫm qua những tàu lá dừa khô và ngồi xuống bãi cỏ cạnh đìa, nơi đó nở đầy bông súng tím. Tiếng bìm bịp kêu nước lớn, thật buồn. Tôi kể cho nàng nghe về những năm tháng qua và đoạn đường tôi lưu lạc. Và khi ở R, tôi đã gặp cô gái văn công người Bình Dương để sau này thành vợ tôi. Nàng hỏi rằng vợ con tôi hiện giờ sống ở đâu. Tôi đáp là ở ngoại ô Sài Gòn và vào mùa này thường có những đàn cò di cư trở về.

Tôi không hỏi nàng một điều gì về cuộc đời của nàng vì khi nhìn dáng nàng tôi cũng đoán biết được phần nào. Sự khổ tâm thường hiện rõ trên đôi mắt hơn là hiện trên thân thể.

"Ông thật hạnh phúc!" - Nàng nói.

"Hạnh phúc?".

Và tôi nói thêm là nàng đừng buộc tôi trả lời câu ấy; một câu rất bình thường nhưng cay nghiệt, cay nghiệt cho tôi và cả cho nàng. Tôi thấy một con ong đang vo ve trên nụ hoa bưởi và tôi cũng không quên liếc nhìn tay nàng giờ chằng chịt những mạch máu.

"Trước ngày cưới của tôi, ông đến nhà ông ấy làm gì?".

"Gã không kể lại?".

"Có, nhưng muốn nghe chính miệng ông nói".

"Anh thèm gừng!".

"Tôi không hiểu?".

"Hôm đó anh có uống rượu. Dân gian nói gừng giã rượu. Anh biết nhà chồng Hương có nhiều gừng".

Nàng cười, nụ cười thời con gái trên gương mặt người đàn bà ở độ tuổi xế chiều. Tôi đoán là nàng hiểu tôi nói đùa. Một câu nói đùa khi không có câu đùa đáp lại thường rơi vào sự lố bịch. Tôi nghĩ như thế nên im lặng.

"Ngày tôi ra đi, ông nghĩ gì về tôi?" - Nàng nhìn tôi, buồn bã.

Nàng muốn nhắc đến ngày cưới của nàng, tôi không trả lời mà chỉ nhìn ánh mặt trời nhảy nhót trên mặt sông trước mặt. Một lát sau tôi mới nói rằng đêm ấy tôi cười rất nhiều, cười để giấu sự nuối tiếc.

"Lúc cần có ông bên cạnh, ông lại bỏ đi" - Nàng thở dài.

"Anh nghĩ là Hương không yêu anh" - Tim tôi lại lên cơn đau.

"Vì sao?".

"Hương quá lạnh lùng!".

Tôi đáp mà không nhìn nàng nhưng tôi biết là nàng nhìn tôi.

"Cũng như ông, ông lấy nụ cười để giấu nỗi buồn. Còn tôi, tôi dùng mặt lạnh để giấu sự mặc cảm".

Tiếng con chim khách kêu từ phía vườn xa và tôi thấy chạnh lòng trước cảnh một gã ngồi câu cá cô độc trên chiếc xuồng nhỏ.

Chúng tôi đi qua vườn dừa, đến cánh đồng và không ai nói với ai một lời nào nữa. Tôi đốt một điếu Casio vì bác sĩ bảo dạo này tôi mắc chứng viêm họng nặng. Tôi thấy nàng đi khập khiễng nên tôi biết là nàng bị bệnh phong thấp. Mái tóc dài của nàng ngày trước bây giờ chỉ còn là một búi tóc tròn sau gáy, lốm đốm bạc.

"Bước đường đi của người ta, mình vẫn dõi theo mà người ta không biết. Thì thôi!" - Nàng nói bâng quơ.

"Hương rụng mấy cái răng rồi?" - Bất chợt, tôi thốt lên câu mà hồi niên thiếu tôi thường chọc ghẹo nàng.

"Ba. Còn ông?".

"Bảy. Người thất tình hay rụng răng sớm".

"Cũng cái giọng ấy".

"Anh sẽ bỏ khi không còn nhớ Hương".

"Khi nào không nhớ?".

"Chết!".

Tôi nhìn đồng hồ và thấy đã 12 giờ. Tôi cũng không hiểu vì sao đến giờ này tôi không cảm thấy đói. Lúc ấy chúng tôi đang đi dọc triền sông. Tôi đọc cho nàng nghe bài "Tiếng thu" của Lưu Trọng Lư mà thời đó tôi đã chép vào sổ tay của nàng. Nàng khóc. Tôi sợ những giọt nước mắt của người già nhưng tôi lại thích nhìn nước mắt nàng rơi. Giọt nước mắt nàng dù ở tuổi 55 nhưng đối với tôi nó vẫn như ở tuổi 20.

Nàng đưa cho tôi một bông hồng đã héo rũ và bảo tôi hãy làm thơ về thân phận của nó. Tôi nói rằng tôi đã bỏ làm thơ từ khi mất nàng. Tôi choàng tay qua vai nàng nhưng nàng đẩy ra và nói bây giờ là ban ngày. Tôi cảm thấy mỏi nhừ hai đầu gối và bắp chân nên chúng tôi ngồi lại nghỉ dưới gốc cây me già. Nàng bóp chân cho tôi. Tôi cảm nhận được bàn tay nàng khác bàn tay vợ tôi dù cả hai đều là bàn tay phụ nữ.

"Mình về!" - Nàng mở lời.

Tôi thở dài và nhìn nhụy bần rơi trắng bãi sông.

"Gặp nhau chỉ vậy thôi sao?".

"Già rồi".

"Tình đầu dù ở khoảng thời gian nào vẫn là tình đầu".

"Ông muốn tôi sống hạnh phúc chứ?".

"Không!".

Nàng ngạc nhiên nhìn tôi. Tôi giải thích là hai người yêu nhau thật lòng và người nào bước sang ngang thì người còn lại chỉ ước mong sao người kia phải sống khổ sở để mà ân hận, nuối tiếc người cũ.

"Ông là người ích kỷ và có cái tật nói ngang không hiểu nỗi".

"Ai bị mất tình yêu cũng đều tỏ ra cao thượng trước mắt mọi người nhưng thật sự đó chỉ là sự cao thượng bên ngoài".

"Dù cao thượng vẫn hay hơn?".

"Lúc trẻ anh không dám nói. Bây giờ đã già và anh mạnh dạn nói rằng mọi người con gái đều lầm ở cái khoản đó".

Nàng đứng lên và đi về phía vườn hoa nhà nàng. Tôi đi theo dấu chân nàng in trên đất giồng có màu sẫm và hát nho nhỏ bài dân ca Nga có giai điệu buồn. Gió chướng vu vơ trong buổi chiều muộn.

Tôi gặp chồng nàng khi chúng tôi về đến nhà. Gã đang ngồi lặng lẽ vót những nan tre. Gã gật đầu chào tôi và tôi cũng biết rằng gã đã nhận ra tôi của 30 năm về trước qua ánh mắt thoáng sững sờ. Tóc và râu của gã đã bạc không khác gì tôi. Tôi im lặng đốt một điếu thuốc. Khi ấy, tôi nghe có tiếng chim non đói mồi kêu trên cây trâm bầu. Từ phía thị trấn văng vẳng lời rao của đội chiếu Vidéo.

Nàng đến bên gã và bảo hãy tìm chút gì để đãi khách. Tôi không khách sáo vì tôi bắt đầu thấy đói. Mắt tôi dù mờ nhưng cũng phụ bắt được một con gà nòi đang chạy rong chưa chịu vào chuồng.

Ở buổi tiệc nhỏ ấy, tôi và gã không ai nói tới ai. Nàng ngồi bên, lặng im rót rượu. Đêm châu thổ sông Tiền tôi nghe có tiếng lá dừa xào xạc và nhìn thấy ánh lân tinh đom đóm lập lòe nơi rặng bần ven sông. Gã uống rồi lặng lẽ trao sang tôi. Sau đó, gã âm thầm đốt những điếu thuốc được cuốn bằng những sợi Xuân Lộc màu vàng.

Khi hết nửa lít tôi bảo rằng nàng hãy cho thêm một xị nữa. Từ lâu, uống rượu vào là tôi bị mất ngủ trừ phi phải uống thật nhiều. Tôi bỗng nhớ tới vợ tôi, ba đứa con và ba đứa cháu ở Sài Gòn giờ này chắc không biết tôi ở nơi đâu. Tôi cảm thấy thương vợ tôi.

Nàng trở về và đưa cho gã chai rượu. Gã rót rượu, còn nàng thì gắp thức ăn cho tôi. Tôi hiểu nỗi hiu quạnh của đôi vợ chồng già không con nên lúc này nỗi căm thù gã đã chiếm mất người yêu của tôi hình như tan biến. Tôi mang máng nhận ra giờ đây tôi thấy thương mến cả hai người. Ở phía bờ sông có giọng đàn ông gọi đò trầm trầm và tiếng con vạc sành kêu đêm róc rách như tiếng mưa rơi trên mái nhà.

"Buồn, ông bạn" - Gã chợt nói.

"Ờ, buồn!".

Nàng mím môi và nhìn ra cửa sổ. Ở đó, trăng thượng tuần hắt xuống khoảng sân ánh sáng nhàn nhạt.

*

*    *

Có phải nàng ở đấy không? Tôi tưởng tượng ra lúc tôi và nàng gặp nhau. Tôi trả tiền cà phê và đốt một điếu Mélia. Tôi trở lại khách sạn trong đêm khuya của tỉnh lỵ cuối năm và nhận biết trời càng lúc càng lạnh.

Biết chắc phải nàng ở đấy không? Tôi nhớ tới địa chỉ nàng do người bạn trao cho. Nơi ấy, là một thị trấn đìu hiu nằm bên dòng sông và ngày ngày có chuyến đò ngang đưa khách.

Vũ Hồng
Số lần đọc: 2973
Ngày đăng: 05.05.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại