Kỷ niệm trưa nào với Đoan trở về cùng tôi khuya nay, khi tôi dừng xe lại đầu ngõ nhà Nụ, chờ nghe lời từ giã. Nhưng không, Nụ đã nhỏ giọng hỏi:
»Nụ mời anh vào nhà uống với Nụ một tách cà-phê.«
Tôi muốn hỏi, Nụ có biết, rủ rê như vậy là lộ liễu lắm không? Nhưng tôi không dám lên tiếng, sợ nàng chê tôi làm bộ làm tịch. Tôi không đáp, chỉ tắt máy, mở cửa bước ra. Chúng tôi sánh đôi bên nhau như hai con mèo giữa mùa tình ái. Như thế, cảm tình của Nụ dành cho tôi đã rõ. Còn tôi vẫn chưa xác định được vai trò mình trong đời sống nàng. Những tối ra hội quán chơi bi-da, tới giờ đóng cửa tôi vẫn sắm vai tài xế đưa Nụ về, không một dụng ý. Để đến tối nay, khi nghe Nụ ngỏ lời, tôi chợt thấy mình ngô nghê, loắt choắt như một con nhện đực thận trọng men theo sợi tơ tìm tới nhện cái. Xong xuôi phải nhớ dọt lẹ, cà rịch cà tang là có nước bị xơi tái.
Nhà Nụ ở tầng trên cùng trong một chung cư cũ. Thang máy chuyển động lịch xịch như được kéo bằng tay thời nô lệ. Từ nãy tới giờ, nhện đực ngậm tăm, nhện cái cũng tịnh khẩu. Chúng tôi là không gian và thời gian yên tĩnh tuyệt đối trước cơn địa chấn cấp chín. Thời tiết đang chuyển mùa rối loạn trong tôi. Tuyết chưa tan mà đã sang hè. Lá vừa rụng, ấy mà những nụ linh lan đả xởn xơ đâm chồi. Niết bàn nội tâm tôi chợt bốc lửa thành hoả ngục, đủ bộ tham sân si và lục dục thất tình. Ai muốn thành thánh, bồ tát gì, kệ họ, còn tôi trong giây phút này chỉ muốn mình là một con ngạ quỉ. Tôi thầm kêu, thượng đế ơi, xin ban cho con đủ can đảm đóng trọn vai trò một con quỉ đêm nay.
Nụ đẩy tách cà-phê tới trước mặt tôi, vói tay bật máy cát-sét. Nhạc đang tới đoạn: "...Nhưng ai bạc bẽo mình vẫn không đành lòng quên. [3]" Người nữ ca sĩ láy đi láy lại lời than não nuột rồi chấm dứt bài hát. Tôi chặc lưỡi:
»Nhạc Việt nam nghe sao đoạn trường«, rồi quay đầu nhìn quanh, hỏi: »Nụ có cho phép anh hút thuốc?«
»Người khác thì không, nhưng anh thì được.«
Nói xong, Nụ đi lấy cho tôi cái dĩa con làm gạt tàn. Nhạc chuyển sang bài khác. "Mưa khuya hắt hiu xuyên qua mành, tình đơn giá lạnh... [4]" Lại một khúc đoạn trường khác. Tôi rít một hơi sâu, thong thả nhả khói. Gương mặt Nụ mờ nhoà. Nhất định là Nụ không đẹp. Còn tôi không phải là một gã háo sắc. Nhưng khuya nay, không biết chất xúc tác nào đã đẩy đưa tôi và Nụ phản ứng cùng nhau. Và động cơ nào đã bắt tôi hoài nghi về sự có mặt của thượng đế. Đáng yêu vô cùng bàn tay của đấng tạo hoá đã phân cảnh vở tuồng cho tôi gặp Nụ. Đào thương và kép đẹp gân cổ song ca vọng cổ thì phải biết, mùi rệu. Tôi bật cười khan khi nghĩ tới cảnh mình sắp tử nạn sa trường, còn ngóc cổ nghêu ngao bài vọng cổ. Xong sáu câu mới tắt thở.
»Anh cười gì?«, Nụ hỏi.
Tôi không biết nói láo:
»Anh vừa nghĩ tới thượng đế và mấy tuồng cải lương.«
»Kỳ cục«, Nụ trợn mắt.
»Thượng đế bày chi những tấn tuồng thảm thương quá vậy«, tôi thều thào.
»Diểu dở.«
»Đã có người khen anh nói chuyện có duyên«, tôi trơ trẽn.
Nụ trúng đạn, á khẩu. Tôi giả giọng khiêm tốn:
»Riêng anh thấy mình vô duyên như ngỗng đực.«
Nụ được dịp:
»Vô duyên cái túi không tiền, cái môi xám xịt, cái lưỡng quyền nhô cao.«
»Lưỡng quyền cao là tướng sát phu, không phải tướng vô duyên. Vô duyên chưa nói đã cười, chưa đàn đã hát, chưa mời đã ăn.«
»Như vậy là Nụ cũng không phải tuýp người kém duyên. Còn thượng đế?«, Nụ khẳng định.
Tôi ngớ mặt:
»Ông trời tháng mười chưa cười đã tối, cũng khá vô duyên.«
»Nụ muốn hỏi, anh nghĩ gì về thượng đế?«, Nụ cười khúc khích.
Tôi dụi tắt điếu thuốc, hớp ngụm nhỏ cà-phê, nhìn lên tấm ảnh Đức Mẹ ẵm Chúa hài đồng lộng kính treo trên tường. Nét mặt Đức Mẹ thuần hậu. Nét mặt Chúa hài đồng rạng rỡ, ấm áp giao cảm. Nhưng mà thượng đế trong tôi lại vô tướng, nên tôi không biết phải hình dung như thế nào để thượng đế của mình có một chân diện thật sắc sảo. Tôi thật thà trỏ tay vào tim rồi lên đầu mình:
»Thượng đế ở trong tâm và trí anh.«
»Người bình thường không thể hiểu nổi.«
»Đâu có gì khó hiểu. Dùng tình và lý để làm lành tránh dữ, đạt tới trạng thái an nhiên tuyệt đối«, tôi phát biểu ẩu tả.
»Như vậy là thượng đế đó hả?«, Nụ vặn vẹo.
Tôi khẳng định:
»Thượng đế là một trạng thái ý thức, không có hình tướng.«
»Ý nghĩ anh cao siêu quá, vượt bức tường âm thanh, Nụ không hiểu«, Nụ lắc đầu.
»Làm sao giải thích được lý lẽ của trái tim.«
»Anh lắm lời«, Nụ cười trào nước mắt sống.
Rồi nàng đứng dậy dọn tách dĩa. Nhạc chuyển sang một khúc đoạn trường khác: "Đường vào tình yêu có trăm lần vui, có vạn lần buồn... [5]" Nụ vừa xả nước rửa tách, vừa rỉ rả hát theo: "Đôi khi nhầm lỡ, đánh mất ân tình cũ..." Tôi sà tới sau lưng Nụ, nhẹ tay đặt lên hai bên thắt lưng nàng. Người Nụ nẩy nhẹ. Đầu Nụ khẽ xoay nghiêng, cho tôi thoáng thấy màu mặt ửng hồng. Thừa thắng xông lên, tôi khép tay lại trước bụng Nụ, từ từ lấn lên. Ngực Nụ vừa tầm, mềm ấm kỳ lạ.
»Anh Trình... Coi chừng bể!«, Nụ thở hắt.
Tôi vội vàng rút tay về, ngơ ngác:
»Cái gì bể?«
»Mấy cái tách.«
Tôi cười nhẹ nhõm, ngả đầu xuống vai Nụ. Môi tôi cạ kề ngấn cổ thon. Mồ hôi Nụ có màu mơ chín. Hương tóc Nụ có màu nắng hoang dã. Cảm xúc tôi là những đợt sóng sủi bọt, nhấp nhô khua bãi. Từng đợt lại đừng đợt bền bỉ. Bờ cát Nụ trải ra, chờ đợi. Cát và sóng không nói với nhau lời nào, cứ lặng lẽ như thế, lúc dịu dàng lúc vồ vập. Những mảnh gương ký ức loé sáng trong tôi. Khuôn mặt Đoan lung linh ẩn trong khuôn mặt Nụ. Bàn tay Nụ là bầy rùa di động trên thân thể tôi. Những chiếc qui đầu vươn ra, sù sì, gân guốc. Những con mắt lừ đừ vô cảm ngó tôi chằm chằm. Những rãnh miệng mở hé, để lại những đường nhớt mê hoan trên ngực tôi. Thịt da tôi mở ra một thửa đất rộng, đón nhận tất cả. Tôi trăn trở như lòng đất trước cơn động kinh. Qua khe mắt, tôi lờ mờ nhìn ra khuôn mặt Nụ chập chờn như một bóng ma quá khứ.
Có phải Đoan đó không? Đoan đang trở về qua hiện thân Nụ. Tôi vùng dậy, gập người cắm cúi trên thân Nụ. Sợi dây chuyền móc đồng tiền chữ phúc rơi thõng trên ngực người con gái. Tôi dúi mặt vào tóc Nụ. Hai nhịp thở gấp rút. Tay Nụ bấu lấy vai tôi. Tôi hình dung ra những chiếc cầu vắt vẻo treo ngang những dòng sông đã trôi qua tiềm thức. Tôi muốn lấp kín những dòng cuồng lưu. Tôi muốn phá gẫy những nhịp cầu nối kết. Tôi muốn mình mất trí nhớ, bình thản như một giọt sương chờ khô héo.
Nụ mân mê sợi dây chuyền quanh cổ tôi, run giọng:
»Anh có khinh Nụ không?«
Tôi nghiêng mặt nhìn Nụ. Đèn đêm viền nửa mặt nàng, nhoà nét như tấm ảnh chụp run tay. Tôi hỏi lại:
»Tại sao?«
»Vì Nụ và anh chưa là gì của nhau.«
»Nụ là người tình, là bạn, là em gái của anh«, tôi nói loanh quanh.
»Đại huynh ơi, dù mai này có ra sao, cũng đừng quên tiểu muội!«, Nụ tha thiết.
Tôi xúc động, rúc mặt vào cổ Nụ, kêu tới tấp:
»Tình nương ơi, hiền muội ơi, xí-muội ơi...«
Nụ nâng mặt tôi, ngắm nghía một chặp rồi vặn mũi tôi một cái:
»Hiền cái gì, dữ lắm đó!«
»Không cắn là được rồi.«
»Cắn chớ sao không.«
Để chứng minh, Nụ vít đầu tôi xuống, ngoạm chặt vành tai tôi. Tôi phân bua:
»Tại sao không đeo bảng "coi chừng người dữ", để khách phương xa đề phòng?«
Nụ nhả tai tôi ra, cười lí nhí. Tay nàng lại tìm xuống cổ tôi, sờ soạng đồng tiền chữ phúc.
»Kỷ vật gia đình, phải không anh?«, giọng Nụ nhẹ tênh.
»Của má«, tôi đáp cho xong.
»Chạm hình gì vậy? Tối quá, Nụ không thấy.«
»Chữ phúc và mấy con dơi.«
»Sao lại có hình dơi trong đó?«
»Đối với người Tàu, dơi là biểu tượng của phúc, hai chữ đọc giống nhau.«
»Anh là Tàu lai à?«
»Không.«
»Tại sao lại đeo mấy thứ này?«
Tôi ngửa người ra giường, thở ra:
»Đã bảo là của má. Má cho gì, đeo nấy.«
Và đột nhiên, tôi cảm thấy mệt mỏi như quàng phải ngàn cánh dơi quanh cổ. Tôi xoay lưng, quấn chăn, tìm giấc ngủ. Nụ đặt tay lên vai tôi. Hơi thở nàng khoả ấm gáy tôi. Tôi vói tay tắt chụp đèn cạnh giường. Bóng tối ôm lấy thân thể tôi. Đêm trầm tư thiền tịnh. Hai vòm mắt khép chợt mở ra cho tôi thấy lại cõi hồi ức lê thê trải ra một con đường sắt. Trí nhớ tôi là đoàn xe lửa sầm sập chạy hoài không mỏi, thỉnh thoảng ghé lại ga nhỏ, rồi rít còi, xậm xịt nhả khói, lầm lì tách bến, lao mình vào chuyến phiêu lưu không một lời hứa hẹn. Đã lần nào tôi hứa với ai lời gì? Không, tất cả chỉ là những câu nói suông. Đừng tin vào lời hứa của quỉ. Tôi cứ thắc mắc tại sao mình không thể là một con rùa đền vàng vô tư, miệt mài nghe trộm kinh mà thành Phật?
*
Đám bạn bi-da của tôi thường bàn với nhau, hội quán này xem chừng không thọ, vì tiền nhà cao, lại thưa khách. Một đứa đề nghị, đáng lẽ phải có thêm máy bấm tiền và trò bài bạc cho đỡ nhạt. Đứa khác táo bạo hơn, mướn thêm mấy em từ Ba-lan, Tiệp-khắc làm thành quán bia ôm cho rồi. Đa số độc thân ủng hộ ý kiến này. Tôi thì... sao cũng đưọc.
Sau đó tôi kể lại cho Nụ nghe, nàng bĩu môi:
»Đàn ông các anh là một bầy dê.«
»Cả anh?«, tôi ngây thơ.
Mắt Nụ rời quyển sách, giọng hóm hỉnh:
»Anh là một con dê ngầm. Ánh mắt, nụ cười, điệu bộ, giọng nói và luôn cả ý nghĩ của anh sặc mùi... dương tính.«
Tôi pha trò:
»Cà-ri dê là món ăn tăng cường sinh lực. Còn ngọc dương dê hầm thuốc bắc là một món độc đáo. Nhất dạ lục giao, sinh ngũ tử đó em! Nước Ấn-độ đông dân vì vậy.«
»Không ham. Nhất định chỗ này không thể trở thành quán bia ôm.«
»Anh chỉ nói lên ý kiến của người khác.«
»Còn ý anh?«
»Miễn bàn.«
»Anh là một người bốn phải.«
»Hơi ít. Năm, sáu phải gì đó.«
»Anh nói chuyện nghe chán phèo«, Nụ nguýt.
»Lâu lâu em cũng nên cho các bạn anh thả dê, cho đỡ buồn«, tôi mỉm cười lạc lõng.
Nụ gấp sách lại, thẹn thùng:
»Ai cấm. Nhưng anh nói, nghe kỳ.«
»Chuyện tự nhiên, đâu có gì kỳ.«
Tôi giằng lấy quyển sách trên tay Nụ, ngắm nghía. "Xóm vắng" của Quỳnh Dao. Tôi kêu thầm, trời ạ, lại thêm một hố thẳm tư tưởng giữa tôi và Nụ.
»Hay không?«, tôi nhỏ nhẹ hỏi.
»Cảm động dễ sợ«, Nụ chớp mắt.
»Em nên đọc "Anh em nhà Karamasow" của Dostojewski và "Ngàn cánh hạc" của Kawabata«, tôi bàn tới.
»Nghe như trùm điệp viên KGB và hiệu bán giày dép«, Nụ thẳng thừng.
Tôi cảm thấy như chính mình bị xúc phạm:
»Hai văn hào của văn học quốc tế đó, đừng nói bậy!«
»Còn Quỳnh Dao? Sách của bà ta được hàng triệu người đọc, bà nổi tiếng khắp châu Á, cũng là văn hào chớ bộ.«
Tôi ghét hai chữ "chớ bộ" không biết học lóm ở đâu của Nụ, gân cổ lên:
»Tiểu thuyết của bả không có tư tưởng gì ráo.«
»Có chứ, tư tưởng của đám đông.«
»Ý anh muốn nói, tư tưởng là quan niệm riêng về đời sống, chẳng hạn như hoài nghi của Dostojewski về thượng đế và thiện, ác. Đám đông làm gì có tư tưởng«, tôi giải thích vòng vo.
»Viết để làm đẹp cuộc đời. Ai ở hiền sẽ gặp lành. Kẻ nào gieo gió sẽ gặt bão. Không là tư tưởng chứ là gì?«, Nụ cãi.
»Tư tưởng có nhiều loại, giống như hạng ghế trong rạp hát«, tôi đuối hơi.
Nụ giật lại quyển sách, cất vào hộc, hất mặt:
»Anh đọc cái gì, kệ anh. Còn Nụ đọc những thứ Nụ thích. Thượng đế của anh ở đâu, kệ anh. Còn thượng đế của Nụ ở trên trời. Đừng có lộn xộn!«
Tay tôi nâng cằm, mắt tôi nhìn Nụ ngoe nguẩy thu dọn trong xó bếp, không nói tiếp lời nào. Cứ mỗi lần nhắc tới thượng đế là tôi lại thấy một lằn ranh cắt chia giữa tôi và Nụ. Tôi đâu phải là người cố chấp. Quan niệm của tôi về đức tin phóng khoáng, cởi mở và đơn giản lắm mà. Thượng đế của tôi vô hình tướng. Chỉ vì mê chấp mà loài người thấy ra những thượng đế và tôn giáo khác nhau.
Đã có lần tôi giảng đạo cho Nụ: "Cũng một vật, tại sao lại có nhiều tên gọi không giống nhau? Tôn giáo cũng vậy. Ông Phật, ông Chúa, ông Allah, ông Schiwa thật ra chỉ là một mà thôi." Nụ không đồng ý: "Là một sao được? Ông Phật là người Ấn-độ, Chúa xuống thế ở Do thái, còn ông Allah ra đời ở Trung đông. Họ hoàn toàn không có bà con gì với nhau. Nói tầm bậy." Tôi cố vớt vát: "Họ là biểu tượng cho mỗi giáo phái, mà biểu tượng là do con người đặt ra, còn cứu cánh cuối cùng đâu có gì khác. Thiên Chúa ngự trong lòng mình. Phật tánh tại tâm. Đừng tìm đâu xa, thêm mệt." Nụ ngoan cố: "Ông Phật và ông Chúa là hai người. Một ông Ấn-độ da ngâm, một ông Do thái da trắng, là một chỗ nào?" Tôi kêu lên: "Em bị bệnh nặng, hết thuốc chữa." Nụ không vừa: "Còn anh cứng đầu cứng cổ, ba hoa chích choè, sẽ có ngày đền tội"... Lần đó chúng tôi giận nhau hết một tuần. Tối thứ sáu, thấy vắng mặt tôi tại hội quán, có người gọi điện về nhà hỏi han. Tôi viện cớ phải tiếp bạn từ xa đến chơi, không đi được. Nhưng tôi chỉ nằm nhà chịu đựng được một tuần. Đời sống nơi đây buồn chán quá. Đêm tới, ngày đi, lặng lẽ thay phiên. Phần tôi cứ mãi tưởng nhớ tới những bóng ma quá khứ. Và tôi nhất định quên Đoan, cũng như cố gắng xua đuổi hình ảnh lũ rùa gớm ghiếc dấy loạn tâm tôi bấy lâu.
Một hôm, tôi tháo đồng tiền chữ phúc, cất vào hộp. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm như có luồng khói huyền thoại vừa tuôn ra từ những khe hở ký ức. Tôi run rẩy nhận diện tội phạm. Chính tôi, chính là tôi chứ không ai khác. Bao lâu nay, tôi đã đánh mất hiện tại mà không hay biết.
Giọng hát ai khàn khàn cất lên, nhại theo bài "Trên bốn vùng chiến thuật":
»Tôi thường đi đái đêm, một đêm ba bốn bận, ghèn đầy hai con mắt ứ...«
Nụ bụm miệng cười. Tôi run đùi đắc chí.
»Vô duyên«, Nụ lẩm bẩm.
Tôi chống chế giùm người đang ca Karaoke:
»Có duyên đó chứ.«
»Sao anh ưa cãi ngược quá vậy?«, Nụ cau có.
»Đâu có«, tôi hạ giọng.
»Lại cãi.«
»Đàn bà con gái, người nào cũng dữ hết. Kẻ dữ ra mặt, người dữ ngầm. Dữ quá xá quà xa«, tôi phân trần.
Nụ nghinh mặt, định nói điều gì nhưng ngăn lại kịp. Lát sau nàng nới nhỏ nhẻ:
»Đàn bà con gái chúng em là những con rắn.«
»Con rắn trong thánh kinh, chứ không phải con rắn trong lý thuyết của Freud.«
»Ai vậy? Lý thuyết gì vậy?«
»Bạn học, chết rồi. Lý thuyết tâm thần nhảm nhí«, tôi xẳng giọng.
Nói giỡn chút xíu, vậy mà lúc tôi đưa Nụ về nhà, nàng rụt rè lên tiếng:
»Tội nghiệp cho người bạn của anh, tại sao chết vậy?«
»Hả? Bạn nào chết?«, tôi ngẩn ngơ.
»Thì cái người với lý thuyết con rắn đó«, Nụ hầm hè.
Tôi suýt phì cười, thở khì:
»Ờ, ông Freud. Thì tới tuổi, già chết chớ sao.«
»Anh cũng có bạn già nữa à?«
»Bạn vong niên«, tôi gật gù.
Nụ xoắn lấy cổ tay tôi, mềm giọng:
»Còn anh là bạn đời của Nụ.«
Người tôi xúc động nổi gai. Tôi im lặng dành một phút mặc niệm về những liên hệ đã được tôi an táng xong xuôi. Cảm giác ấm áp của Nụ truyền sang tay tôi, bắt tôi bất chợt rưng rưng nước mắt. Cuộc tử biệt nào cũng đau lòng. Bứt lìa nào cũng xót xa. Tôi giơ tay bật máy cát-sét. Giọng hát cất lên ray rứt: "Còn gì nữa, tuổi vàng qua mất rồi... [6]" Tôi phân vân tự hỏi, không lẽ Nụ là trạm dừng chân của đời tôi?
*
Một hôm tới thăm Nụ, tôi thấy nàng ngồi rưng rưng nước mắt bên bàn ăn, tay cầm lá thư. Tôi tới cạnh, mềm giọng hỏi:
»Nhận được tin buồn, hả Nụ?«
Nụ gật đầu, lặng lẽ lau nước mắt.
»Đời người, ai cũng một lần, cho anh chia buồn cùng em. Ai chết vậy?«, tôi chân thành.
Nụ sửng mắt, ngó tôi gườm gườm:
»Có ai chết đâu!«
»Vậy sao khóc?«, tôi chưng hửng.
Nụ đưa cho tôi lá thư. Tôi liếc mắt, thấy chữ chi chít, không muốn đọc.
»Thư ai vậy? Chuyện gì, kể anh nghe!«
»Thư chị Hạnh, chị em bà con với em. Chị biên thư báo, sẽ bị về nước vào tháng tới«, Nụ thảm não.
»Hết hợp đồng làm việc, phải về nước là đúng rồi, sao em khóc?«
»Chị không thích về, muốn được ở lại, đi làm giúp gia đình. Đọc thư chị than thở, em mủi lòng.«
»Chị không xin gia hạn hợp đồng được à?«
»Nếu được, đã không có chuyện để nói. Hãng chị bị sập tiệm, sa thải toàn thể nhân công. Chỉ còn một cách để được ở lại, nhanh và bảo đảm, là có người lưu trú hợp pháp tại đây kết hôn cùng chị.«
Tôi nhún vai nhủ thầm, sức người có hạn, không giúp gì được. Vậy mà đêm đó, nằm cạnh nhau, Nụ thủ thỉ:
»Em có đề nghị này, nghe xong anh đừng mắng, em mới nói.«
Tôi xoay người, quàng tay ôm Nụ, không nói. Im lặng là đồng ý. Nụ cũng lặng lẽ đỗi lâu. Tôi cảm nhận nhịp tim nàng đập nhẹ dưới lòng tay úp. Thịt da Nụ ấm mịn như lá non ngậm nắng mới. Tôi nghe tiếng thời gian cựa mình theo mạch máu luân lưu trong thân thể chúng tôi. Có những hình bóng đã qua đời cũng như vừa được khai sinh trong tôi. Dù thế nào đi nữa, cũng là những mất mát. Chiến sĩ xông pha trận mạc tình ái về lại quê quán, ngỡ ngàng như Từ Thức hồi hương. Tất cả đã khác. Cả lòng mình cũng bầm dập thương tích.
Nụ thở ra, nói mau như sợ đổi ý:
»Anh làm giấy hôn thú với chị Hạnh được không?«
Tay tôi chết trơ trên ngực Nụ. Tôi rút vội tay về, cứng lưỡi hồi lâu mới lắp bắp:
»Đừng... đừng giỡn... chứ em!«
»Em thật lòng, không giỡn.«
»Anh không phải là món đồ chơi của mấy bà«, tôi bắt đầu văn hoa tiểu thuyết.
»Ai nói vậy bao giờ?«, Nụ chặc lưỡi.
»Chuyện tình cảm không giống trò bài bạc mà em đòi "bán cái".«
Nụ cười rinh rích. Tôi ca thêm:
»Em không sợ anh "có đó quên đăng, có trăng quên đèn" sao? Đàn ông ai lại chẳng ham chuyện "hoa thơm ngắt cả cụm"?«
Nụ ngồi dậy, vói tay bật chụp đèn đêm, thắt mười ngón quanh cổ tôi, rít:
»Chuyện sống chết của chị Hạnh và của... em, không được đùa!«
»Đừng bóp cổ chứ em!«, tôi ấm ứ.
Nụ nới tay. Nàng dạng chân ngồi lên người tôi. Đèn đêm soi mờ gương mặt không điểm trang, vàng tái như tấm bột bánh chưa nướng. Khoảng cách giữa tôi và Nụ thật gần mà cũng thật xa. Bỗng dưng tôi mơ hồ cảm nhận, sờ mó được cái chết. Nụ cúi mặt, thì thầm lời thương yêu vào tai tôi. Mắt tôi chói loà vòng sáng kỳ lạ. Tai tôi bắt được những ngôn ngữ gẫy vụn. Quanh tôi lúc này, tất cả hoá thành tàn tật. Tôi là gã phế binh độc nhất sống sót sau trận chiến tanh máu với bầy nữ yêu tình ái. Họ cứ đeo bám dằn vặt tôi, lâu lâu còn đem quân lấn sang cứ địa độc thân có tôi miệt mài trấn thủ. Từ ngày thất trận với Đoan, tôi treo gươm lên vách, thề thốt với bóng mình, sẽ không bao giờ dại dột "rơi vào tình yêu" lần nữa. Con ong đã rụt vòi, quyết tâm tu tĩnh, chỉ uống sương chứ không thèm hút nhuỵ. Vậy mà trời đất dun rủi khiến tôi gặp Nụ. Nàng đã khuấy động dòng nước tình cảm lênh láng trong tôi. Nàng xách nhiễu dục tính tôi, và gôm sạch bóng Đoan trong tâm tưởng tôi. Hôm nay, nàng còn vọc nước giỡn trăng, đề nghị tôi làm chuyện táo bạo.
»Anh chịu«, tôi gật đầu lia lịa.
»Chịu cái gì?«, Nụ nhíu mày.
»Chịu làm hôn thú giả với chị Hạnh«, tôi cố làm mặt tỉnh.
Nét mặt Nụ trở nên khờ khạo khó tả. Giọng nàng hơi lạc:
»Chịu thật à?«
»Thật! Ứ, không phải, chịu... giả.«
Nụ không cười, lầm bầm:
»Mới nói chút xíu, đã chịu rồi sao?«
»Anh là người dễ dạy.«
Nụ ngả người nằm xuống, tắt đèn. Tôi bụm miệng cười lén. Nụ trăn trở một lát, rồi xoay lưng, úp đầu vào vai tôi. Tôi phà hơi thở vào tóc nàng. Hương thuốc gội hoà với mùi mồ hôi ngọt sắc.
»Kể chuyện chị Hạnh cho anh nghe đi!«, tôi thều thào.
Tôi nghe tiếng Nụ thở dài. Nỗi sầu nào không tên hé vội cánh cửa cho tôi lách vào, đứng đấy một mình trong cõi thênh thang của không gian xanh khói. Tôi muốn ám thích quá khứ. Chính hắn, kẻ đã theo dõi tôi bao nhiêu năm nay, như rình bắt gian phi. Tôi đã phạm tội, đã hãm hại ai, khi nào và tại sao? Tôi khép lại những niềm vui tạm, vội trở về cùng những hoang mang không thể giải thích. Tôi thấy mình tầm thường như một kẻ ngoại tình, dối vợ vụng trộm với một người không xứng đáng. Nụ có "môn đăng hộ đối" với tôi không? Trời, cái gì nàng cũng khác tôi, từ tôn giáo, giai cấp cho tới những sở thích vụn vặt. Chúng tôi, như mặt trăng và địa cầu vô tình "giao thoa" trong hành trình thái dương hệ, nhưng suốt đời vẫn xoay quanh quĩ đạo riêng mình. Tôi rưng rưng chạnh nghĩ tới cánh dơi ngậm đồng tiền chữ phúc ngày xa xưa ấy. Tay tôi ngập ngừng luồn vào tóc Nụ.
Giọng Nụ trầm trầm:
»Gia đình Nụ di cư vào Nam năm 1954. Nụ được sinh ra ở Sài gòn, nên chỉ biết về Hà nội qua chuyện kể của bố mẹ, và nhiều hơn hết, của chị Hạnh. Chị là con cả của bác gái Nụ, chị của mẹ. Chị thương Nụ lắm, mỗi lần tới thăm thường dắt Nụ đi vườn thú, ăn kem hay chơi phố. Chị kể chuyện quê Bắc nghe hay lắm. Chị bảo nhớ mùa thu Hà nội, nhớ ánh trăng rọi trên đường Cổ Ngư, nhớ hương hoa sữa ngất ngây bên hồ Thiền Quang, nhớ cốm vòng, nhớ chuối trứng cuốc, nhớ hồng ngâm ngày Tết, nhớ na. Nhớ ơi là nhớ. Cho tới bây giờ trí Nụ vẫn đậm nét cảnh hồ Hoàn kiếm và tháp rùa trong mưa qua chuyện kể của chị. Thỉnh thoảng trong mơ, Nụ thấy lại tượng rùa ngậm bảo kiếm nhạt nhòa trong mưa phùn xứ Bắc, thơ mộng và cổ kính ghê!«
Tôi nẩy người, những ngón tay khựng lại bối rối trong tóc Nụ. Điềm gì đây? Tại sao có chuyện trùng hợp kỳ lạ này? Chưa lần nào tôi kể Nụ nghe về Đoan cũng như về những ám ảnh quái quắc kia. Tôi tự cho mìnhh đã tới bến, vất vũ khí xuống dòng sông cũ, thẳng lưng bước một mạch, không ngó lại. Kinh Kha hề, đầu đội trời, chân đạp...
»Tội nghiệp, nhà chị nghèo«, Nụ ngậm ngùi buông tiếng.
Tôi hít một hơi sâu, chép miệng:
»Anh không làm chuyện đó được.«
»Nụ đùa đó mà«, Nụ áp má lên ngực tôi.
»Đúng là con cháu bà Triệu Ẩu, chuyên môn nói... ẩu.«
»Nụ muốn nói thật với anh vỏn vẹn ba tiếng« Nụ tha thiết.
Tôi phì cười, cao giọng:
»Ngộ ái nị?«
Nụ cạp cằm tôi, rít:
»Anh ranh mãnh như một con sóc.«
»Ngộ ái nị mà nị không ái ngộ, ngộ ái đại, không ái ngại.«
»Có bao giờ anh nói với Nụ ba tiếng đó, dù chỉ là tiếng Tàu«. Nụ trách.
Người tôi mềm nhũn. Tôi quay mặt, soi mắt vào bóng tối bủa quanh. Tiểu thuyết gọi đó là "bóng đêm đồng loã", tiếp tay cho tội ác và tình yêu vụng trộm. Tôi mang tội tày trời vì đã lạm dụng bừa bãi thứ tình yêu... xí được. Chưa lần nào tôi nói lời yêu thương với Nụ. Tôi nhận mười, chỉ cho một, hai. Lẽ bất công này, trời hỡi, tôi nào muốn. Nếu có một ngày Nụ thưa tôi ra toà vì tội lường gạt ái tình, tôi sẽ quì xuống biện hộ rằng, tôi hoàn toàn vô tội, tôi chỉ là nạn nhân của định mệnh oái oăm.
»Đôi lúc Nụ có cảm tưởng, anh là kẻ sở khanh«, Nụ nói như kết án.
»Sở khanh là người dụ dỗ rồi bỏ, còn anh là người bị dụ và chưa bỏ ai«, tôi lý luận.
Nụ nghiến răng vào bả vai tôi. Tôi kêu "ái", xô Nụ ra. Nụ cười khúc khích trên lưng tôi. "Tôi mang cho em một bó quần, quần thơm hay môi em thơm. Tôi mang cho em một chút tình, miệng cười khúc khích trên lưng."
»Chúa xui khiến cho anh gặp em.«
Nụ phán một một câu làm tôi cụt hứng. Tôi hầm hừ:
»Chúa không có thì giờ làm mấy chuyện bá láp này. Em đem Chúa ra nói trong phòng the, tội lỗi ngập đầu.«
Nụ im re. Tôi giảng giáo lý thêm vài câu, rồi quấn chăn dỗ giấc. Nụ lẩm bẩm mắng tôi "kỳ thị tín ngưỡng", "vô thần", "chờ tới ngày phán xét sẽ đền tội"... rồi quay lưng, im tiếng. Tôi nằm nhắm mắt để đó. Hai mắt tôi trân tráo trong đêm đen không đáy. Hoài niệm tôi toang hoác miệng vực, sâu hoắm một lỗ xuyên ngang địa cầu. Trí tưởng tôi là chiếc siêu vệ tinh bay vèo từ vũ trụ này sang vũ trụ khác, dễ như chơi. Tôi bứt lìa thời gian và không gian, thoát ra ngoài những ràng buộc vật lý. Hấp lực nhân sinh trở thành vô nghĩa. Luân lý chỉ là những mảnh vụn bánh mì, phủi một cái, cho vào thùng rác. Còn đạo đức được nhắc tới như những giọt sương lấm bụi môi sinh, bốc hơi và để lại vết nhơ trên lá. Còn tôi là cái gì? Tôi tự cho mình là một hạt cát vô danh như muôn trùng hạt cát khác ngoài bãi rộng. Hạt cát tôi tình cờ sa vào guồng máy trơn mỡ của Nụ, cản trở chút chơi.
(đón đọc phần cuối)
(Trích tập truyện "Ngôn Ngữ Tuyết", Quyên Book, 2006, USA. Nhuận sắc, 03.2018)
[3] Sầu lẻ bóng, Anh Bằng.
[4] Phố vắng em rồi, Mạnh Phát & Nguyễn Đan Thanh..
[5] Buồn trong kỷ niệm, Trúc Phương.
[6] Sao đêm, Lê Trọng Nguyễn.