Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.063
123.197.997
 
Tái hôn
Hoàng Nga

 

 

 

Tôi trợn mắt:

- Mắc mớ gì biểu em tái hôn?

Hãn lắc đầu:

- Ai mà biểu được em. Anh chỉ đề nghị vậy thôi.

Tôi la lên:

- Em tái hôn cho anh mừng hả?

Hãn ậm ờ, nói trại ý tôi:

- Ưm..., tái hôn cho anh uống rượu mừng.

Đến đây thì tôi bật cười, bĩu môi:

- Nè anh, em là người đàn bà chỉ lấy chồng một lần… cho biết. Biết rồi, em chạy mất dép thì còn lâu mới lập lại điều đó lần nữa. Em đâu có khùng!

Hãn hỏi:

- Chớ bộ em định sống hoài như vậy sao?

Tôi gật đầu:

- Đúng, em sẽ sống hoài như vậy. –Và tôi gặng- Anh thấy có cái gì sai trật trong chuyện em không thèm tái hôn sao?

- Không có gì sai trật hết. Nhưng sống một mình buồn chết.

Tôi bật cười:

- Em chưa bao giờ than buồn vì sống một mình. Mà nhớ lại giùm em đi, em chỉ than buồn khi có hai mình thôi. Đúng không?

Hãn ờ, ờ. Tôi nói:

- Thành Cát Tư Hãn của em ơi, em sống như vầy là có mục đích đàng hoàng.

- Mục đích gì? Đừng có nói là em muốn đi tu nha. Thấy cái hình nào của em gửi cho anh cũng có cây thánh giá ở đàng sau lưng.

Tôi cười ha ha:

- Đó là hình em chụp ở nhà thờ, dành để gửi… riêng cho anh. Còn hình em mặc bikini, thì anh không phải là người mà em muốn “tặng anh một tấm ảnh này, để làm kỷ niệm những ngày xa nhau”. Và chuyện đi tu thì không có trong danh sách kế hoạch cuộc đời của em đâu. Bởi vì đơn giản đi tu có nghĩa là em không còn được uống rượu, không còn được đi nhảy đầm, nhất là không còn có ai muốn tán tỉnh em. Báo cho anh biết, cái lý do duy nhất em sẽ không bao giờ tái hôn là vì em muốn sống như vậy để... ám đời anh!

Hãn xịu mặt. Nhưng chắc có lẽ không phải sợ tôi “ám”, mà vì “khuyên” mà tôi không thèm nghe. Bạn bè, cận thân của chúng tôi vẫn thường hay thắc mắc hai đứa đều độc thân tại chỗ, nghề nghiệp ổn định, đời sống không có gì để lo lắng, thân thiết nhau đã lâu, và tính tới tính lui thì cũng có thể... yêu nhau được, vậy mà không chịu nghĩ tới chuyện ăn đời ở kiếp với nhau. Nhiều bận đụng mặt cứ bị hỏi sao không cưới nhau cho rồi, một lần, tôi trêu bạn:

- Bộ hết chuyện làm rồi hay sao mà mà tụi bây biểu tao phải lấy ông Hãn?

Bạn bè nói “tại thấy hai người ok quá”, nhưng sau đó cả lũ đã trợn mắt hỏi lại tôi:

- Mà mày nói hết chuyện nghĩa là sao?

Tôi đáp:

- Thì như tụi bây nói đó, “cưới nhau cho rồi”, nghe giống y như ra chợ mua đại thứ đồ nào đó cho rồi, hay là làm đại chuyện gì đó “cho rồi”. Tao sẽ không bao giờ lấy chồng, nhất là lấy ông Hãn để “cho rồi”.

Lũ bạn tôi đay nghiến, bảo tôi thuộc loại khó chịu, chẻ sợi tóc ra làm tư, vạch lá tìm sâu, bới lông tìm vết, chỉ chờ dịp để bắt bẻ từng chữ người khác nói ra. Đứa nào cũng nói chỉ muốn “ám chỉ” tôi và Hãn ngó “được” quá, cần nên xáp lại với nhau cho đời bớt tẻ lạnh. Tôi lườm:

- Tụi bây thúi vừa vừa, tao với ông Hãn lạnh thì đắp mền, co ro thì xài lò sưởi. Chẳng mắc mớ gì mà phải xáp lại mới thấy ấm. Cái hồi tao còn trẻ, con tao còn nhỏ, cần phải có một thằng cha để khiêng bao gạo vô nhà bếp, xông pha vô nhà tắm sửa cái ống nước, gò lưng cào đống tuyết trên đường đi…, mà tao còn chưa thèm “lấy đại cho rồi”. Huống gì bây giờ từng tuổi này, rước người là rước nợ, rước nguyên cái bịnh viện vô nhà, không đau tim cũng cholesterol, không thấp khớp cũng tiểu đường. Thuở tao cần một người đi làm nuôi hai mẹ con, thì thằng cha Hãn chưa có mặt trong đời tao, đâu có chia xẻ với tao cái gì, giờ tự nhiên tụi bây biểu tao nhảy vô lấy thằng chả để hầu hạ thằng chả chắc!!!

Cãi qua cãi lại một hồi, lũ bạn tôi lên án tôi quan niệm chuyện hôn nhân giống như… bán cá. Lấy chồng mà chỉ nghĩ để nhờ khiêng bao gạo và sửa ống nước. Tôi phì cười. Cuối cùng trước khi bỏ ra về, cả lũ nói lẫy “thôi, kệ... chó tụi bây”.

Lúc đám bạn tôi đã về rồi, tôi vẫn còn ngồi trong phòng khách cười ha hả. Bởi thật sự ra, mấy con bạn tri kỷ của tôi mà biết rõ ra tôi với Hãn là hai con người ngay từ đầu mới quen nhau đã hơi... quái quái dị dị, đã cà trớt, thì tụi nó còn chửi tôi tới chừng nào. Cổ nhân nói tương kính như tân, trong khi tôi và người đàn ông này từ thuở chưa thân nhau đã chẳng đứa nào thèm nể trọng đứa nào, chẳng hề tương kính thì lấy gì để mà “như tân”. Tự điển đời tôi vốn không hề có hai chữ tái hôn, trong mối giao hảo với Hãn, cái từ ngữ này càng lúc càng bị siết cổ, án tử hình. Tôi nhớ ngày Hãn rủ tôi đi thăm Hãn, cái giọng ra lịnh cho cấp dưới đã thành thói quen trong nhiều năm làm xếp lớn, lộ rõ ra một cách rất kỳ dị trong giây nói:

- Anh mua vé máy bay cho em đi thăm anh!

Tôi nhảy dựng:

- Gì? Gì? Tự nhiên mua vé cho em! Khi không mua vé cho em! Là sao?

Hãn tỉnh bơ:

- Thì để em đi thăm anh.

Tôi la muốn bể điện thoại:

- Mắc cười chưa! Anh muốn em đi thăm thì phải hỏi em nhã nhặn như sắp sửa cầu hôn với em mới phải. Mà chưa chắc là em đã đồng ý. Tự nhiên cái nói mua vé cho em đi thăm anh! Nghĩ thử đi, em là người chưa bao giờ xài tiền bất cứ của ai ngoại trừ tiền của má em, nên ở đó mà em ừ dễ dàng với anh như vậy sao?

Hãn chậc lưỡi:

- Em khó khăn, khó chịu làm cái gì chớ. Em mới từ Âu châu về lại đây, đang thất nghiệp, em nên đi thăm anh cho đỡ buồn. Còn chuyện tiền bạc thì vì anh đang có công ăn việc làm, anh mời em đi thăm anh mà bắt em mua vé máy bay là không công bình cho em.

Tôi im. Ngẫm nghĩ một hồi thấy Hãn nói cũng đúng, nên thôi không dẫy giụa như con trùn bị đào lên mặt đất nữa. Hơn nữa mới hồi cư, chưa quen với nhịp sống của thành phố này, nằm dài người thất nghiệp cũng buồn thiệt, cuối cùng tôi ừ. Hãn vừa nói chuyện với tôi, vừa nhảy lên internet kiếm vé. Lát sau Hãn bảo:

- Có vé rồi. Em đi lúc năm giờ sáng.

Tôi tá hoả tam tinh:

- Ê ê, đi thăm anh chớ bộ đi ăn trộm hay sao mà anh lại mua cho em cái vé lúc gà chưa gọi sáng vậy?

Hãn “sorry”:

- Ờ, quên. Tại thấy cái vé ok quá, anh mua liền, không để ý giờ đi của em.

Không để ý giờ đi của tôi! Vậy chứ thằng cha này để ý cái gì! Tôi hỏi lẫy:

- Như vậy giờ về chắc cũng là nửa đêm phải không?

Hãn vội vã:

- No! No! Không có đâu. Nửa đêm thì làm sao anh đưa em ra phi trường? Em sẽ về lúc ba giờ chiều, sau khi má mấy đứa nhỏ tới đón tụi nó, anh hoàn toàn rảnh rang…

Mường tượng Hãn mà đang ở trước mặt tôi, chắc tôi sẽ đấm một phát cho hả dạ. Tôi nghĩ không ra. Không tưởng tượng được một con người có thể nói là mê văn chương chữ nghĩa, mê sách vở, hội họa nhiếp ảnh, biết rất nhiều thứ mệnh danh là nghệ thuật trên đời, lại là quan chức lớn trong ngành truyền thông –có được một cái chức vụ ai nghe tới cũng chảy nước miếng- mà lại nói chuyện trơ như thổ địa, lạt nhách còn hơn cả nước ốc tới như vậy!

Tôi nghĩ ngay đến chuyện phải dặn lòng không được mơ màng hay tơ tưởng về những cảnh phim ciné lãng mạn tình tứ, mà Hãn sẽ đóng vai một anh chàng tình si ôm bó bông hồng mười mấy đóa trị giá năm sáu chục bạc đứng chờ tôi ở đâu đó trong phòng đợi. Ở vào cái lứa tuổi Juliet… về chiều, một đời chồng một đứa con, già quắc cần câu, bụng không nhiều mỡ đến nỗi cần phải đi thẩm mỹ viện, nhưng không còn dám mặc đồ bó eo, thì tốt nhất là phải nên tính tới chuyện “hạ tầng cơ sở”, chuyện thảm hại nhất có thể xảy ra để đỡ bẽ bàng. Tôi đề nghị:

- Vậy thì lúc tới phi trường, em sẽ gọi cho anh, anh canh giờ chạy ngang qua chỗ arrival, em sẽ ra đứng sẵn ở phía ngoài để anh khỏi gửi xe làm gì cho mệt và tốn tiền.

Hãn khen tôi thông minh và nói cám ơn. Tôi nghiến răng cười thầm một mình. Tôi mà không thông minh thì không cách gì làm bạn được với cái con người này. Về sau này càng thân với Hãn hơn, tôi càng thấy suy nghĩ của mình thật vô cùng chí lý .

Nhưng cẩn tắc vô áy náy đến như vậy, mà rồi tôi cũng vẫn còn bị hố. Trước ngày đi thăm Hãn, chưa quen nước quen cái, và quên hết đường đi lối về ở thành phố sau hơn mười lăm năm không hề trở lại, tôi đã trần thân, khổ ải lắm mới kiếm ra được một món quà nhỏ cho Hãn, vậy mà lúc mở ra xem, Hãn lại trố mắt ngó tôi:

- Cám ơn em, nhưng tưởng em biết nhà anh không bao giờ xài đèn cầy, bạch lạp, hay trầm hương nến thơm gì hết chớ. Em mua cái này chắc chỉ để chưng ở đây thôi.

Vừa nói Hãn vừa chỉ lên nóc tủ. Tôi hơi chưng hửng ngó lại cái chân nến thật dễ thương mà mình đã mua. Giận cành hông, nhưng là khách, tôi đành phải dằn lòng để không phun ra một câu tàn nhẫn. Đại loại, “được rồi, anh cứ để dành đó, mai mốt em sẽ mua tặng thêm anh một cây nữa cho anh làm... bàn thờ”.

Và vậy đó, tôi với Hãn cứ… cà chớn, ăn nói trớt quớt với nhau như hai “thằng” bạn thân, nên làm sao mà có được một cái “date” đàng hoàng, lãng mạn để yêu nhau. Những ngày tôi đi thăm Hãn, y như... cô phụ, Hãn đi làm, mấy đứa con của Hãn đi học, tôi ở nhà không làm gì hết ngoại trừ đọc sách và lên internet chat chit với bạn bè năm châu bốn biển. Được hai bữa, tôi ngán muốn tự tử. Tôi nổi quạu với Hãn:

- Ê, bồ rủ mình tới nhà, rồi bồ đi làm cả ngày, chưa bao giờ ăn được với mình một bữa cho đàng hoàng mà kêu là đi thăm bồ cho vui là sao?

Hãn chậc lưỡi:

- Anh có nói em đem laptop theo để viết lách. Ở đây khung cảnh yên tĩnh...

Tôi trợn mắt:

- Chời ơi, nếu chỉ viết lách thì mình đâu có cần tới đây mới viết được! Xưa nay mình vẫn viết ở bất cứ nơi đâu. Phi trường, xe lửa, thậm chí trong... restroom nữa mà.

Hãn nhìn lại tôi:

- Thì biết vậy rồi. Nhưng đây là thành ý của anh. Muốn em thay đổi không khí… Thôi mai anh chở em đi Footscray, cho em đi chợ của người Việt mình.

Thành ý của Hãn, mời tôi đi thăm một thành phố tôi đã biết từ mười mấy năm về trước, chỗ nào đẹp đẽ, hay ho cũng đã tới, cả cái khu chợ đồng hương lớn nhất nhì miền Nam bán cầu Hãn vừa nhắc, tôi cũng đã đi... nát bét rồi! Tôi nhìn không thấy lòng thành của Hãn ở đâu hết, nên nói cám ơn. Hãn hỏi vậy thì em sẽ làm gì ngày mai. Tôi đáp kệ tôi. Hãn im im không trả lời.

Và tưởng nói vậy thì Hãn sẽ tìm ra cho tôi tiết mục nào đó cho để đỡ chán, không ngờ sáng thức dậy, tôi thấy tấm giấy để lại ở bàn ăn, “anh có cuộc họp, chiều về trễ lắm. Em đi loanh quanh xuống làng cho vui. Bữa nay có chợ trời”. Đọc xong tôi nghẹn ngào, la trời cũng không muốn nổi chứ nói gì đến đi chợ trời. Mới tám chín giờ sáng, tôi mở tủ lạnh, lựa thứ nào ngon nhất đem ra ăn và nốc hết nửa chai rượu vang mà Hãn đã nói mua riêng cho tôi vì Hãn chỉ uống rượu mạnh. Vừa ăn tôi vừa lầu bầu rủa Hãn cho tới lúc xong bữa. Sau đó tôi đi ngủ. Ngủ dậy, lại ra kiếm thức gì đó bỏ bụng và vào phòng đóng cửa kín mít như đóng cửa thành, không thèm ló đầu ra ngoài. Kể cả khi nghe tiếng đám nhóc con của Hãn về học lao xao ngoài sân, rồi tiếng xe của Hãn chạy lên con dốc vào garage, tôi cũng không buồn trở dậy. Tôi bế môn toả cảng, chẳng thèm chào hỏi chủ nhà. Hãn không dám gõ cửa phòng tôi, nên text cho tôi cái message “em ok không?”. Tôi trả lời “đang ngủ”.

Vậy đó. Hết tuần lễ ở nhà Hãn, tôi ra về trong trạng thái không lấy gì làm vui vẻ. Nhưng Hãn thì nói cám ơn tôi đã chịu khó đi thăm. Tôi ậm ừ trong cổ họng, không “you’re welcome” cho phải phép lịch sự gì cả. Đến lúc đã toạ vị trên máy bay, nhớ tới câu “see you soon” của Hãn, tôi nhủ thầm có cho vàng tôi cũng không bao giờ trở lại cái căn nhà có lối đi với hai hàng cây như những bụi trà ngăn nắp, thẳng thớm ấy. Một kiểu thẳng thớm hệt như cái tính tình của người đàn ông này.

Tuy nhiên, sau khi về tới nhà và nhiều năm sau đó, mỗi bận nhớ về Hãn, tôi vẫn còn buồn cười. Tôi tự hỏi lòng mình đã thất vọng điều gì ở Hãn trong khi chính bản thân mình không hề dệt mộng, không mơ tưởng, cũng không để lòng cám cảnh hay yêu thương con người ấy. Ngay từ đầu tôi đã biết tình cảm của mình dành cho Hãn có cái tên gọi như thế nào, biết cái ranh giới giữa chúng tôi sẽ dừng lại ở nơi đâu. Và biết chắc chắn sẽ không bao giờ xem nhau là tình nhân. Vậy mà tôi vẫn ấm ức như thể Hãn đã... lừa gạt mình!

Một vài tháng sau, ngộ ra mình hơi… kỳ, tôi viết thư xin lỗi, nhưng không nói rõ lý do. Hãn phone lên hỏi chuyện gì. Tôi nói:

- Em cảm thấy áy náy vì lẽ ra em phải cám ơn tấm thịnh tình của anh, khi anh nghĩ tới những ngày buồn chán của em lúc em mới qui cố hương. Anh công bình mà em không công bình.

Hãn ờ:

- Tưởng em không biết vậy.

Hãn làm tôi cụt hứng. Tôi nhăn mặt kêu thầm trong bụng. Tôi mà có thể yêu được con người này chắc đất trời sẽ sụp đổ nay mai. Tôi nói:

- Lẽ ra anh phải trả lời em là “đâu có sao”.

Hãn bật cười:

- Lòng anh có sao mà trả lời đâu có sao thì không được.

Tôi thở ra:

- Lịch sự tối thiểu với em cũng không có hả?

- Nhưng đó là sự thật. Anh không muốn nói sai sự thật.

Tôi chậc lưỡi, người gì mà thẳng thắn y như cái cột nhà, nói năng chẳng sợ làm người khác đau lòng. Tôi nói với Hãn như vậy. Hãn cười. Tuy nhiên nói thì nói thế thôi, chứ tôi nghĩ thầm, kể ra thì Hãn cũng đã… lịch sự, gentlement hơn tôi tưởng rất nhiều! Bởi vì ít nhất ra là Hãn đã giận, chắc chắn là đã giận, nhưng lại chịu khó để bụng chứ đâu nói ra với tôi.

Mấy năm sau, lại lần nữa khăn gói hành trang lên đường, rời bỏ nơi tôi những tưởng là quê nhà thứ hai của mình, viết cho Hãn mấy chữ giã từ. Nhớ tới cô bạn thân, người làm cái gạch nối giữa tôi và Hãn, có kể cho tôi nghe Hãn từng muốn bước đi bước nữa, và nghe thêm chuyện Hãn được thăng chức thành chief executive, tôi bảo, “chúc mừng anh. Có tái hôn nhớ cho em biết”.

Hãn trả lời “Cám ơn em, nhưng anh đang bắt chước em, không muốn tái, cũng không muốn hôn gì ai nữa. Anh sẽ sống như vầy, để… ‘ám’ đời em”.

 

                                                                                                           

 

Hoàng Nga
Số lần đọc: 1678
Ngày đăng: 22.03.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trời xám - Trương Đình Phượng
Tình yêu chạy làng - Trần Yên Hòa
Một lần đi dọc giòng sông - Hà Thủy
Sum vầy - Trần Quang Phong
Mùa xuân đầu tiên - Hoàng Nga
Cuối năm. - Trạch An – Trần Hữu Hội.
Ly Hương (cuộc đời yêu dấu 3) - Nguyễn Đức Tùng
Thời thượng - Trần Yên Hòa
Bức thư của người mẹ trẻ - Trương Văn Dân
Người đàn bà trong hoàng cung lặng gió - Nguyễn Anh Tuấn
Cùng một tác giả
Bỏ mặc con đường (truyện ngắn)
Giả đò ngó lơ (truyện ngắn)
Mùa xuân đầu tiên (truyện ngắn)
Tái hôn (truyện ngắn)
Nhà trên đồi (truyện ngắn)
Nửa thu (truyện ngắn)