Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.276
123.158.103
 
Xóm núi
Tiêu Đình

 

 

            Dãy Hòn Tàu nhểu một vệt dài chảy thòng xuống cánh đồng Trầm Tây như cái bọng mật của tổ ong ruồi. Ba bên giáp ruộng, một bên cắm vào đồi núi làm thành thế tựa muôn đời cho Xóm Núi. Không thấy sách phong thủy nào ghi, nhưng người dân Trầm Tây nhiều đời vẫn đoan chắc rằng Xóm Núi là một nhánh nằm trong hệ thống Ngũ Long của Hòn Tàu đã được trời đất ban tặng. “Bao giờ Đá Tịnh hết cây. Ly Ly hết nước đất nầy hết quan”. “Đất quan” được minh chứng từ cái bằng tiến sĩ của cụ Phan Quang, một trong “Ngũ phụng tề phi” của Quảng Nam dưới thời vua Thành Thái. Rồi từ đó, bằng hư thực niềm tin, họ thường ngồi đếm với nhau từng vị tú tài, cử nhân của xóm làng để tin rằng con cháu mình sau này nhất định sẽ mở mày nở mặt với thiên hạ.

 

            Xóm Núi có đủ lý do để tồn tại thêm một tên gọi thứ hai: xóm Đá Tịnh. Từ tỉnh lộ 411 nhìn băng qua cánh đồng Trầm Tây hẹp, uốn éo như dãy lụa trong gió, dễ dàng nhận ra núi Đá Tịnh làm phông nền cho Xóm Núi nhô cao chênh vênh giữa trời xanh mây trắng. Đó là bốn tảng đá lớn nhỏ từ đời này sang đời nọ chồng lên nhau thành hình tháp bền vững. Nhiều người cho đây là thần giữ xóm nên không ai dám khai thác củi gỗ quanh bốn hòn đá chồng lên nhau như bốn viên ngọc của thiên đình. Ông Thắm kể, hồi chiến tranh, trên đỉnh Đá Tịnh là một đồn lính có thể quan sát rộng lớn bốn bề đất ta, đất địch. Những năm tháng ác liệt nhất, đồn bị hai bên đánh qua chiếm lại như trong phim. Có lần núi bị dội bom cả ngày, nấp dưới hầm nhìn lên ông thấy cả người chạy, người chết. Vậy mà bốn hòn đá thì vẫn cứ trơ trơ. Hòa bình, những mái nhà tranh, ngói đan xen trong cây lá mướt xanh của xóm lúc nào cũng như đang gối đầu lên hòn Đá Tịnh mà ngủ một giấc yên lành.

“Ngã ba Sung Sướng” là nơi giao nhau giữa con đường đất băng đồng vào xóm và một con đường khác chạy dọc theo chiều dài của xóm. Thằng Bảy đặt tên “Ngã ba Sung Sướng” là vì ở đây có quán mỳ Quảng nổi tiếng của bà Sau từ thời kháng chiến chống Pháp. Quán nổi tiếng nhờ lá mỳ tự tráng bằng gạo lúa Hẻo dẻo thơm, nhưn mỳ gà nấu với dầu phụng thứ thiệt, rau bắp chuối xắt khéo tay, nhất là cái miệng ăn nói dẻo queo của bà chủ quán. Sau đó, tại đây mọc thêm một quán nước, một mái tôn che tạm để bán thượng vàng hạ cám cho đủ bộ “sung sướng”. Người dân Xóm Núi dường như chỉ có ba nơi để đi về hằng ngày: rừng, đồng và ngã ba Sung Sướng. Ứng với năm tháng thịnh suy của xóm, ngã ba Sung Sướng tồn tại như một nhân chứng khó tính, lúc èo ụt, lúc tươi tắn. Thăng trầm nhưng không bị hủy diệt, kể cả vào thời điểm chiến tranh ác liệt lan gần quanh đó. Thậm chí, khi máy bay Mỹ thả trận bom lịch sử ngay trên đỉnh Đá Tịnh thì quán mỳ Quảng tại đây cũng chỉ tạm đóng cửa mấy ngày.

 

Như thường lệ, hôm nay ngồi cà phê sớm nhất tại ngã ba Sung Sướng là thằng Bảy, được xem là cây văn học dân gian của xóm. Nó chính là người đã tự đặt, tự cải biên rất nhiều câu hát dân gian ví von thông minh cho cả làng Trầm Tây và Xóm Núi nói riêng. Đội văn nghệ của thôn đi thi mà không có nó đặt vè “xây dựng nông thôn mới” thì cũng bí xở. Đến như cụ Thắm, bậc lão làng còn lại, dù vẫn chưa hết cay cú chuyện cái biệt danh “ông Truyền Thống”, cũng phải khen nó nhanh miệng, nhạy bén. “Đúng là cháu nội của ông Phó Cửu có khác. Ông nội nó hồi xưa cũng thông minh, hát hò khoan đối đáp nổi tiếng cả huyện, ai mà chẳng biết”. Vắng mặt thằng Bảy cụ Thắm mới khen là vậy, còn ngồi với nó, cụ thường lạnh tanh mặt đồng, gọi là để chấn chỉnh bớt cái miệng lẻo mép.

Cụ Thắm vừa lững thững qua khỏi khúc quanh đám mía nhà cụ thì thằng Bảy đã oang oang từ trong quán:

-Chào cụ Thắm! Hôm nay có chuyện thời sự chi động đến truyền thống hay không mà cụ mất ngủ, đi dạo sớm thế?... Ờ, mà sao cụ cứ mặc hoài cái áo Trung Quốc đó vậy? Thời buổi dàn khoan 981 lấn biển của mình thì cũng nên thể hiện quan điểm, lập trường chớ cụ.  

-Mày chỉ giỏi nói - cụ Thắm vừa kéo ghế, sửa lại cái áo thằng cháu mua từ cửa khẩu về tặng, vừa nổ lại - Sắp tới sẽ bê-tông hóa con đường chính từ tỉnh lộ vô xóm. Sao mày không lo ở nhà tính chuyện vận động nhân dân cùng làm với nhà nước mà cứ đi suốt ngày vậy. Sáng sớm vừa thấy mặt ở đây là biến đâu mất tiêu, khuya mới nghe rù xe trở về. Nhân sĩ xóm làng mà ai cũng như mày thì đời mô mới xây dựng nổi xóm văn hóa.

-Ôi cụ, chuyện nhỏ mà cụ. Thông cảm cho lớp tụi con, đụng đâu làm đó chớ có bám được ruộng đất như các cụ mô. Ly nông bất ly hương như ri cũng tốt rồi.

            - ...

-Cụ thấy đó, “Nay thì Đá Tịnh tan hoang/ Hố Mây cũng cạn xóm quan còn gì” - Thằng Bảy nhấp chút cà phê, nói tiếp – Mà còn đâu đất ruộng để gắn với bó, đến đá cũng hết nữa là.... Tóm lại, cụ cứ để đó đi, ngày mai con sẽ bàn với xóm trưởng rồi tính sau. Chủ yếu huy động đóng góp từ lớp trẻ đi làm ăn nơi xa, chớ mấy cụ chừ hả, có mà đóng góp xương với da cũng không đủ.

Ông Thắm trầm ngâm nhìn ra cánh đồng Trầm Tây hẹp bề rộng, eo thắt bề dài, mùa nẳng nứt nẻ, mùa mưa trắng nước. Thằng Bảy nổ đùng đoàng như thiên lôi mà nghe có lý. Dường như cánh đồng Trầm Tây ngày càng hẹp thêm với nhiều nhà ở và công trình công cộng được xây dựng tràn ra. Đất teo người nở kiểu ni thì đến một lúc nào đó không chừng con cháu lại phải dắt nhau lên hết trên núi. Hồi chiến tranh bom đạn thế kia nhưng Đá Tịnh vẫn cứ trơ trơ, chừ thì chỉ mới mười mấy năm sau ngày hòa bình mà mạnh ai người đó khai thác sạch cây, đất, đá… Loạn cả! Không biết điềm dữ nào đây sắp ứng với những lời nguyền được cho là sấm truyền: “Bao giờ Đá Tịnh hết cây…”?

Thằng Bảy nói huyên thuyên rồi chào cụ Thắm, bước ra bật chân chống xe, nổ máy. Vừa lúc đó, chú Thảo thôn phó, cũng là trưởng xóm Núi vào quán. Nó quay lại:

-Anh Thảo ơi, nhà nước 70%, nhân dân mình 30% đúng không?

Trưởng xóm Thảo vốn là người ít nói, và thường uốn lưỡi hơn bảy lần trước khi nói nên thằng Bảy không thể chờ đợi lâu hơn:

-Vậy thì rẹt rẹt đi. Tui chịu vận động 30% còn lại. Tuần sau là bắt đầu. Nhưng mà anh phải có trách nhiệm vận động cho đươc 100% các hộ xóm mình tham gia đầy đủ đó nghe. Ai có tiền nhiều góp nhiều, ít góp ít, không tiền thì góp công. Dân mình còn nặng đầu óc phong kiến lắm, hay ỷ lại và nhìn mặt nhau. Bao sân được thì rồi việc chung khác cũng phải oằn mình ra mà lo.

 

Thằng Bảy rú ga, vèo xe máy ra khỏi quán, lao về phía cánh đồng, xuống tỉnh lộ. Quán có thêm mấy người uống cà phê sớm, nhưng mỗi người dường như là một phổng đá quá quen thuộc. Nếu không có chuyện thời sự nóng, họ chỉ lặng lẽ nhâm nhi chút cà phê, lặng lẽ nghĩ về những nẻo đường mưu sinh khác nhau. Chú Thảo thì mỗi lần nghe nói đến “vận động nhân dân” là cảm giác cứ ơn ớn. Gần nửa đời người làm cái việc phun nước bọt nhận tiền, chú thấy mình dường như đã chai lỳ cảm xúc. Nhân dân cũng không còn hồ hởi như thời đầu hòa bình. Không phải họ nghèo, không phải họ cạn tình, mà do một vướng víu tâm lý nào đó chú vẫn chưa thể nghĩ ra. Hơn nữa, chú cứ thấy ngài ngại mỗi lần bước chân vào những căn nhà luôn đóng cổng và chỉ toàn người già, trẻ con ở lại.

 

 “Thằng này giỏi nói nhưng chả biết có làm được chi không”. Cụ Thắm, sau khi nói vuốt khống khứ theo chân thằng Bảy, đang nghĩ đến việc mình có nên trao lại trách nhiệm xóm làng cho lớp trẻ hay không. Cuối cùng thì lão thầm nhắc mình là không nên. Lớp trẻ bây giờ lạ quá. Giỏi thì có giỏi, biết lo làm ăn, nhưng lại thiếu cái tâm với việc chung. Nhậu vô hứng lên, chúng nói mạnh miệng như sách vở, nhưng rồi ra tay thì cũng chỉ có mấy người già ở lại. Hơn nữa, lúc nào chúng cũng chỉ nghĩ văn hóa là lớp vỏ vật chất bên ngoài, còn cái hồn bên trong thì chẳng để ý.

-Bác Thắm nè, - cô chủ quán cà phê, người luôn chứng tỏ mình là con ngựa hay, trải nghiệm tứ phương vì bí nước phải hồi làng, bỗng lên tiếng - các nơi người ta xây dựng nông thôn mới khỏe như hút ốc, sao xóm mình lúc nào cũng như lên núi bắt cọp không bằng. Tốn bao nhiêu đó các bác, các chú cứ tính từ nguồn kinh phí nhà nước cấp chớ cần chi phải vận động thêm nhân dân. Xóm mình còn nghèo nên dân mới đổ hết ra phố kiếm sống. Chỉ vận động họ góp công là đủ rồi. Người ta rút ruột các công trình xây dựng cả hàng tỷ đồng còn chả ngán, mình có bỏ tiền vào túi riêng của ai đâu mà lo. Phải có đường bê-tông đi cho sướng chân, sạch làng đẹp xóm với thiên hạ đã. Còn tốt xấu, bền hay không bền thì tính sau.

 

Mọi người cười cười nhìn cô chủ quán có đôi mắt dao cau, tóc màu bánh đúc bỏ bột nghệ. Chỉ chú Thảo thì muôn đời vẫn thế, đúng sai, vui buồn ít khi để lộ ra ngoài. Hôm nay họp cán bộ thôn để bàn việc xây cái cổng chào vô xóm văn hóa Đá Tịnh. Chú đang nghĩ phải tham mưu xây thế nào đây cho “vừa tiên tiến vừa đậm đà truyền thống văn hóa” như lời ông Thắm dặn. Cô chủ quán làm chú chợt nghĩ số hộ và lao động chính của xóm sắp phải báo cáo. Trên 50% lao động chính chỉ có tên trong sổ hộ khẩu mà cả năm không thấy mặt. Họ gửi tiền ít nhiều theo chu kỳ về cho gia đình. Đất ruộng thuê làm hoặc giao cho cỏ, nhà cửa đóng kín cổng hoặc để trống thông thốc từ trước ra sau cho người già và trẻ con. Cụ Thắm đã sai khi cố bảo vệ từng chút đất nông nghiệp. Biết đâu, đến một lúc nào đó có đất, có nhà mà lại không có người ở.

            Qua khỏi ngã ba Sung Sướng, chú Thảo dừng xe, dùng mắt ước đo lần cuối bề ngang, chiều cao của cái cổng vào xóm, tưởng tượng quy cách xây và vẻ bề thế của Xóm Núi sau đó, rồi thẳng xuống cơ quan thôn. Lúc này, cô chủ quán mới nói vớí theo: “Làm cán bộ thôn như chú Thảo vợ ghen là phải. Đi vận động, thâu thuế, thâu tiền chi mà đêm mô cũng lò mò đi miết!”.

            -Con này nói thúi, ban ngày người ta lên rừng, ra đồng cả, không tranh thủ ban đêm thì gặp sao được. Đừng có biến cái ngã ba Sung Sướng này thành ngã ba nhiều chuyện đó nghe!

            Ông Thắm vừa nói vừa bước ra khỏi quán. Ngã ba Sung Sướng bắt đầu thể hiện trọn vẹn vai trò của nó: quán bún, mỳ Quảng ăn sáng, chiếc xe đẩy lắc lư những nước, bánh mỳ, xôi, và khoảng chợ trung chuyển thu nhỏ đều đã sẵn sàng…

                                                       *  *

                                                         *

            “Sống ở trên đời nhất miếng dồi chó, chết xuống âm phủ biết có hay không”. Bụp…, phù…, nóng…, bụp…phù phù… Nè, làm miếng trước đi. Ở đời thứ chi cũng đợi lên mâm bát sẵn thì dở lắm…

Nuốt chưa xong miếng dồi chó, thằng Bảy đã đưa tay vẫy vẫy hai đứa bạn nhậu từ xóm Truông qua cửa sau chạy rè xe máy vô sân. Sau một thời gian bỏ hoang, hôm nay ngôi nhà cổ của cha mẹ nó bỗng mở cửa đón khách. Lâu rồi căn nhà dường như chỉ được trí phần vào việc thờ cúng, chỉ ngày giỗ chạp mới dọn dẹp, mở cửa để đón con cháu về thắp hương. Lối đi phụ xé rào ngược núi vừa được thằng Bảy dẫy cỏ, sửa sang sạch sẽ. Lâu lắm khói bếp mới có dịp cuộn tròn ấm áp trên lớp ngói cũ đã ngã màu rêu. Mùi thịt nướng lừng lựng khắp vườn. Dưới bóng cây nhãn cổ thụ, một xô đá lạnh và một thùng bia đang đợi sẵn. Thằng Bảy nhấc máy alo, giờ G rồi, Đá Tịnh gọi, xóm Chợ nghe rõ không trả lời...? Hai đứa bạn xóm Truông hỏi chen vào, định phát triển công nghiệp, lâm nghiệp hay chăn nuôi gì mà “quy sơn” có vẻ bề thế vậy anh Bảy ơi?

Thằng Bảy không trả lời, ra hiệu mời mọi người nhập bàn rồi lại chỉ tay về hướng núi:

-Núi rừng sắp có điện thay sao. Ăn mừng đi rồi tính sau. Không ngờ chỉ một đoạn đường bê-tông vô xóm mà ì ạch vận động dân cả tháng ni vẫn chưa xong. Trong khi con đường quốc phòng, dân sinh gì đó xuyên Đá Tịnh thì nghe đâu sắp khởi công nay mai rồi.

Tin nóng hổi. Mấy thằng xóm Truông, xóm Chợ há hốc nghe, tỏ ra nễ phục sự nhạy bén xưa nay của thằng Bảy. Họ cùng nhìn ra trùng điệp những rừng keo, bạch đàn và nghĩ đến tương lai lột xác của một Xóm Núi muôn đời khó hiểu.

-Nè Bảy, sao nghe nói việc đền bù trở ngại nên chưa thể khởi công con đường xuyên núi này được?

-Kinh phí quốc gia mà lúc nào mày cũng nghĩ như việc của xóm. Nói vận động xây dựng công trình dân sinh chỉ là để bớt chi phí đền bù chứ thực ra đâu đã vào đó hết cả rồi. Mấy nhà thầu lớn họ phải xoay tiền như chong chóng mới có lãi được, cần thì họ cứ bỏ con tôm câu con tép cho qua chuyện. Chỉ có người nông dân chủ đất thì chả biết đâu mà lường…

Bức tranh chiều Xóm Núi đậm màu đen xám dữ dội của mây trời, màu xanh đậm của lá rừng và màu rựng đỏ của mặt trời sắp lặn. Dưới con mắt của thằng Bảy chưa bao giờ núi rừng, làng xóm lại trở nên kỳ vĩ một cách bí ẩn như hôm nay. Nó đang nghĩ đến mấy hec-ta đất rừng sỏi đá từ thời ông nội để lại bỗng dưng hóa thành vàng, nó nhanh chóng trở thành đại gia bất động sản đầu tiên của Xóm Núi. Rồi nó sẽ bán mua, mua bán xoay vòng, và đất sẽ đẻ ra vô số đất, nó sẽ có nhà dưới phố như mấy thằng bạn trên Thị Trấn, dưới xóm Chợ. Ha ha, nó thúc mấy đứa bạn: “Ê, vô mạnh lên chứ tụi bay! Nào, một trăm phần trăm nè, dô!”…

Sáng hôm sau, xe cày ủi đất hì hục bới đắp, sang lấp, ô tô tải đủ loại, đủ cỡ ồ ạt đổ cát, sỏi, đất, đá, xi măng… thành từng đống lớn dọc theo chân núi Đá Tịnh. Trại cho công nhân ở tạm được vội vàng xây dựng. Một cực Tây Bắc của Xóm Núi bỗng biến thành công trường nhộn nhịp. Bụi mù trời, rừng thức giấc, ngơ ngác dụi mắt nhìn quanh. Từ trong nhà cha mẹ thằng Bảy nhìn qua cửa sau, núi rừng đang giống như con rắn oằn mình lột vỏ sống đời, nông thôn mới hiện đại như chỉ còn cách xóm mấy sãi tay. Ở cực Đông Nam, ngã ba Sung Sướng cũng nóng không kém. Người ta vừa chê thằng Bảy đem đâu cái đám ngưu mã về nhậu tưng bừng trong xóm mà không mời ai đã quay sang khen nó nói đùng đoàng như thiên lôi mà đúng. Có người còn vẽ bóng thêm râu để khẳng định nó phải là tay trong chân ngoài của nhà đầu tư công trình đường xuyên núi Đá Tịnh. Nhưng dù sao cũng phải khen lớp cháu con Xóm Núi bây giờ làm ăn thoáng, năng động. Đâu phải cứ an phận sống khép kín như cái thời trai gái trong xóm đóng cửa yêu nhau, lấy nhau nội bộ.

Dân Xóm Núi lại đổ xô nhau đi xem người ta thi công con đường xuyên huyện băng qua xóm làng, Việc đền bù giải tỏa được nhắc đến đầu tiên. Nghe nói bà Hội cứng đầu không chịu hiến đất rồi cuối cùng cũng được lót tay cả chục triệu sau khi bị mời lên mời xuống để quán triệt. Thật là bất công, biết vậy mình đâu dại gì hiến đất không cho nhà nước, thiệt thà là thiệt thòi chứ được chi!

Trọng tâm nóng hôm nay vẫn là chuyện thằng Bảy đã láng xong đoạn đường xi măng vào nhà theo hướng núi. Từ đây, có thể chạy thẳng ô tô vào tận ảng nước nhà nó bằng con đường phụ mà tổ tiên chưa từng nghĩ đến. Giỏi thiệt, đường chung còn ngổn ngang như bãi phế liệu, đường riêng đã xong. Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, ông nội nó hồi xưa mua khống cái danh Cửu phẩm đâu phải dễ. Nó bây giờ cũng vậy, lấy của làng làm lịnh chớ có bỏ ra đồng nào đâu. Cứ xem vườn nhà cha mẹ nó như cái kho của bên thi công thì rõ. Nó muốn làm đường, xây thêm bao nhiêu nhà cửa mà chẳng được.

Ông Thắm, sau cái hôm Xóm Núi có mấy công dân bị mời xuống Xã điều tra vụ lấy trộm vật tư thi công, đã dằn mặt thằng Bảy:

-Mày phải giữ mồm giữ miệng mà ăn nói cho khéo một chút. Có đùa vui chi cũng không thể gọi là “Ngã ba đồng khởi” như thế được. Tiếng dữ đồn xa, dân mình quen miệng nói theo thành nếp thì mang tiếng cho cả xóm văn hóa. Hơn nữa, có cả dân xóm Truông qua ăn cắp cát sỏi nữa chớ riêng chi xóm mình.

-Con đùa chút cho vui mà cụ -Thằng Bảy cười hề hề đáp lời ông Thắm- Vật chất chỉ thay đổi vị trí chứ có mất đi đâu mà lo. Để dân mình “đồng khởi” kiếm thêm ít cát, đá, xi măng về tu sửa đường sá, sân nhà cũng là góp phần làm sạch làng đẹp xóm. Con nghĩ xã chỉ muốn nhắc khéo chung chung vậy thôi, chứ muốn bắt ai chôm công sản thì quá dễ dàng. Sờ sờ trước mắt đó chứ ba cái thứ này có nuốt giấu vô trong bụng được đâu.

Nói gì rồi nơi giao nhau giữa con đường đất cũ xuyên xóm và đường bê-tông mới xuyên huyện rộng đến 4m vẫn được người dân nơi đây quen gọi là “Ngã ba đồng khởi”. Đêm khuya vắng vẫn thường bắt gặp những “bóng ma” gánh chở trộm vật tư về đúc cái chậu cây cảnh, vá sửa đoạn đường vô sân hay đúc đổ tấm đanh ngồi rửa chén dĩa... Tại đây, chủ thi công cũng đã hứa sẽ dành tặng cho xóm một cột điện cao to xứng tầm và một đoạn đường bê-tông dẫn vào trung tâm xóm. Chú Thảo thôn phó và ông Thắm mừng ra mặt nên thường dựa vào vận hội mới này của xóm để động viên bà con góp công của lo tu sửa lại miếu thờ các bậc tiền bối. Lúc nào ông cũng như sợ văn hóa xóm làng nghiêng lệch về phía đường sá, cổng ngõ, tường rào: “Cái gốc của văn hóa là đời sống tâm linh. Móng đó mà không vững thì bà con mình có xây lên bao nhiêu cũng hỏng”.

Không phải chỉ có một ngày hội mà người dân Xóm Núi đang có cả nhiều tháng hội tưng bừng nối tiếp nhau. Xóm náo nhộn từ trong những góc khuất lặng lẽ đến ngoài đường, quán xá. Giữa lúc đó thì bà Hợi, cô ruột của thằng Bảy, bị trúng gió độc đột tử. Bà sống một mình, chết một mình giữa đêm khuya vắng, con cháu đều ở riêng dưới Chợ và đi làm ăn xa nên không hay biết. Gần trưa hôm sau, người hàng xóm sang mượn cái cuốc mới phát hiện xác bà cứng đơ, nằm co quắp trên chiếc giường tre còn lại duy nhất của xóm. Bọt mép khô đọng một vệt nhầy nhụa nơi má teo tóp của bà Hợi. Mấy con kiến đất đã phát hiện mùi thức ăn quen thuộc nên dẫn nhau từng đàn vào cửa.

Tang lễ bà Hợi được thôn xóm tổ chức nghĩa tình. Chiêng trống, cờ tang, rừng người đưa đám băng qua con đường bê tông ngược núi rồi mất hút trong bạt ngàn cây keo lá tràm. Vài chiếc ô tô con từ phố về, đậu nép mình một nửa trong bóng lá, một nửa phô ra ngoài nắng Thu hiếm hoi. Riêng những chiếc xe ủi đất, xe chở vật tư thì vẫn miệt mài, hì hục như chưa hề biết trong xóm vừa có một đời người vĩnh viễn đi xa. Người bị sốc nặng từ cái chết của bà Hợi là ông Thắm. Ông tiễn bà Hợi qua khỏi ngã ba Đồng Khởi rồi than nhức đầu, xin phép quay về. Ông cầm tay chú Thảo, nghĩa tử là nghĩa tận, chú cố lo việc an táng bà con trong xóm cho chu đáo. Lớp trẻ bây giờ như rắn không đầu vậy đó.

Hơn ai hết, ông Thắm đã cảm nhận được sự phân cực thấu đáy của Xóm Núi. Sự chật chội, nhốn nháo của xóm vào những ngày lễ tết, giỗ chạp, sự vắng lặng đến lạnh người của những ngôi nhà ngày ngày đóng cửa hay thả trôi cho trẻ con và người già. Sự phình ra về không gian, thời gian tồn tại của ngã ba Sung Sướng, sự được mất của một cái tên mới “ngã ba Đồng Khởi”… Từng này tuổi đời rồi, đã đủ độ trải nghiệm để ông cảm thấy mình bơ vơ cô độc. Biết đâu đến một ngày nào đó, như bà Hợi, sẽ không ai hay biết ông nằm chết một mình bên đám kiến gián.

 

Xóm vừa mất thêm ba con chó khôn ngoan. Chính quyền xã vừa vây bắt một tụ điểm bài bạc lớn tại Ngã ba Đồng Khởi. Những tay anh chị các nơi đều trốn thoát cả, hiện trường chỉ còn lại một chiếc xe máy biển số giả, một người dân Xóm Núi ngã gãy chân trái. Tuần sau xóm sẽ tổ chức lễ cúng tạ miếu xóm, cổng chào vào xóm đã được quét lớp sơn cuối cùng, cắm cờ tổ quốc mới tinh, điện đã được kéo về ngã ba Đồng Khởỉ, con đường bê-tông rộng 4m xuyên núi Đá Tịnh đang tấp nập các loại xe mới cũ, quen lạ… Đó là những tin nóng mà chú Thảo cung cấp cho ông Thắm khi thăm ông tại bệnh viện huyện. Riêng việc thằng Bảy đang khởi công xây nhà dưới phố và chú Thảo xin nghỉ làm cán bộ thôn, chuyển nhà xuống mặt tiền tỉnh lộ 411 thì vẫn còn giấu kín.

 

Ông Thắm nằm lắng nghe mà không nói gì. Ông đang nghĩ đến lời người xưa: “Bao giờ Đá Tịnh hết cây/ Ly ly hết nước đất này hết quan”. Phải chăng xóm làng đang vận hành theo một vận số riêng mà những người như ông, chú Thảo, thằng Bảy… không tài nào thay đổi được? “Tiếng là xóm Đá Tịnh mà không tịnh”, chú Thảo giật mình, lạnh người, khi nghe ông Thắm như đang thì thầm độc thoại với chính mình. Bấy giờ, chú mới để ý đến thân xác khô khốc và thần sắc kém vui của ông. Tuổi già như đang trôi tụt về phía cuối dốc. Ở đó, càng lúc ông càng mất hút giữa bốn bề sôi động và vắng ngắt.

                                  

 Nhà sáng tác Nha Trang, tháng 10. 2017

                                          

 

 

           

 

 

Tiêu Đình
Số lần đọc: 1439
Ngày đăng: 26.03.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện Cũ Chuyện Mới - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Tái hôn - Hoàng Nga
Trời xám - Trương Đình Phượng
Tình yêu chạy làng - Trần Yên Hòa
Một lần đi dọc giòng sông - Hà Thủy
Sum vầy - Trần Quang Phong
Mùa xuân đầu tiên - Hoàng Nga
Cuối năm. - Trạch An – Trần Hữu Hội.
Ly Hương (cuộc đời yêu dấu 3) - Nguyễn Đức Tùng
Thời thượng - Trần Yên Hòa
Cùng một tác giả
Ngoài Tầm Bão Xoáy (truyện ngắn)
U 60 (truyện ngắn)
Freud Lắc Đầu (truyện ngắn)
Hương Dủ Dẻ (truyện ngắn)
Sóng Xao Bến Rì (truyện ngắn)
Riêng Trong Riêng (truyện ngắn)
Giả Vờ Yêu Nhau (truyện ngắn)
Đền Bà Ru Con (truyện ngắn)
Xóm núi (truyện ngắn)