(Bản mới nhất, 10 tháng 4, 2018)
Tình yêu thám hiểm những bí mật của con người. Không ở đâu người ta có thể hạnh phúc hơn hay tuyệt vọng hơn, hèn yếu hơn hay cao cả hơn, như trong tình yêu.
Em ngồi đây, ngồi sát nữa, người thương
Kìa những ngày thơ rụng đỏ chân tường
Kìa sự sống như những chiều bãi biển
Thơ Trần Dạ Từ là tình yêu thời mới lớn, say đắm vụng về, và tình yêu của người đứng tuổi, trải qua hoạn nạn, tù đầy. Đó là tiếng thơ giàu vần điệu, không có nhiều khai phá về ngôn ngữ; tuy vậy khả năng đào sâu của tác giả vào các đề tài tưởng như đã rất cũ, từ đó mở ra những ngã rẽ cảm xúc làm người đọc bất ngờ. Trong thơ Trần Dạ Từ có một nỗi buồn rầu, phiền muộn, như khái niệm blue của người Mỹ, mặc dù thế, thơ ấy không tuyệt vọng, than thở, bi lụy. Ngôn ngữ bám rễ vào đời sống thành thị, dân nghèo, tầng lớp cơ cực. Sự dằn vặt, lối nghĩ ngợi, phân vân, là tiêu biểu cho những người trẻ tuổi trong một xã hội tự do và lo âu, chứa mầm loạn lạc từ bên trong hoặc bên ngoài. Thơ ông như lời độc thoại có kịch tính, lời nói không hướng tới người đọc mà hướng tới một nhân vật nào khác, có mặt trong bài thơ hoặc ngoài bài thơ, đứng đâu đó trước mặt chúng ta. Ngôn ngữ ấy tìm cách ghi lại ký ức, phản ánh đời sống cùng thời, đời sống trí thức không chịu thỏa hiệp.
Chuồng gà đã bỏ không từ lâu
Chả còn tiếng gì giục giã nữa
Trong các góc phòng và cánh cửa
Bóng tối đập đôi cánh vùng vằng
Thơ ca dạy ta cách vượt qua biên giới giữa bóng tối và ngày mới, giữa căm phẫn và thương xót, cách đi qua sự trống rỗng vô nghĩa của tồn tại, truy tìm những thực tại mới hay ý nghĩa của những thực tại ấy. Thơ Trần Dạ Từ, mặt khác, ca ngợi tình yêu, niềm vui vỡ òa lồng ngực của tuổi trẻ; có bài được phổ thành ca khúc nổi tiếng. Trong giai đoạn sớm, tính chất yêu đời và hồn nhiên của ông vẫn nổi bật hơn cả.
Tỉnh dậy dưới chân đồi
Ruộng ngô ai ngào ngạt
Chạy khắp ruộng tìm coi
Nào ngờ em trốn mất
Được nén lại trong kích thước năm chữ, nhiều khổ thơ, "Mùa Ngô Cũ" là một trong những bài thơ trong sáng, dễ đọc. Trần Dạ Từ cũng có nhiều bài thơ tình khác, cùng thời, đôi khi ngôn ngữ khá cũ kỹ, rõ ràng do ông chưa thoát ra khỏi ảnh hưởng của thơ tiền chiến. Khi vượt qua được ảnh hưởng ấy, ông có những bài thành công hơn hẳn.
Rất sớm, tình yêu từ thời niên thiếu đã pha đậm tình dục, mạnh mẽ, cảm xúc, gần như điên rồ, trong bài thơ lục bát ngắn:
Biết yêu người thủa mười lăm
Trong vườn ngây dại ta nằm sót sa
Cỏ cây ồ ạt ra hoa
Chùm môi bông phượng la đà tới lui
Khi không da thịt cả cười
Cùng ta trộn lẫn đất trời với em
(Buổi Hẹn Đầu, toàn bài)
Thể xác ấy không chỉ ao ước tình nhân mà còn muốn ôm lấy cả đất trời, cùng bao thèm muốn khác. Da thịt tự cười, vì muốn xé toang giới hạn của chúng. Như thế là ông đã dùng cỏ cây để mô tả một thứ tình yêu ướt đẫm thể xác trước hay cùng thời với Bùi Giáng: cỏ trong mình mẩy em sầu ra sao.
Tuy đã làm chủ các loại thơ vần điệu, nhưng thực ra chỉ ở thể tự do, thơ Trần Dạ Từ mới hoàn toàn sảng khoái, phóng túng, rào rạt.
Anh sẽ về, câu chuyện mùa thanh trà
Dăm ba nỗi đớn đau đôi chút niềm hối tiếc
Là tình yêu chúng ta
Hai trái tim nhỏ nhoi
Gom lại báo động thế kỷ này
Những đất đai chia cắt
Công phẫn ngực, nghẹn ngào hơi
Chờ chóng mặt
Là tình yêu chúng ta
Hai nỗi bi thương cộng một
Tiếng kêu tổ quốc này
Đòi mở mắt
Hai niềm tin hèn mọn những lòng tin chất ngất
Bài hát ấy nhắc anh thời có em
(Thơ Tình Năm Tám )
Trần Dạ Từ làm thơ từ thời trẻ, khoảng những năm 1950, nhưng bút hiệu ấy chỉ xuất hiện cùng với những bài thơ tình đầu tiên từ năm 1957 trên bán nguyệt san Gió Mới do Nguyên Sa chủ bút, và từ năm 1958 trên tạp chí Sáng Tạo, Mai Thảo chủ biên. Sinh tại miền Bắc, Trần Dạ Từ là nhà thơ miền Nam thời chiến tranh hai mươi năm. Nửa đầu của những năm sáu mươi, thời kỳ miền Nam biến động, với chiến tranh lan rộng, cũng là lúc thơ ông thực sự đổi khác. Đó là thơ tuổi của hai mươi chấn động và nhập cuộc, không chỉ trên trang giấy mà còn trong đám đông. Những bài thời kỳ này tới sau nhưng được tập hợp in thành sách trước, trong tập "Tỏ Tình Trong Đêm", xuất bản 1965. Sách sau đó bị tịch thu vì tính chất phản chiến (1). Thơ của tuổi trẻ chiến tranh và bụi bặm thành phố.
Khi buổi chiều rụng xuống lũ cột đèn đứng lên
Con phố này nỗi đau buồn bật sáng
Lời hát ru an lành từ nguồn cội nay bị đẩy sâu vào tình huống hoang tàn tang tóc của cuộc chiến:
Ru con mượn bóng thay người
Mượn bia làm gối mượn trời làm chăn
Mượn giông mượn bão làm màn
Mượn cây làm quạt mượn tàn làm hiên
Mượn sao làm mắt mẹ hiền
Mượn nơi chiến trận làm miền rong chơi
Mượn xương máu bọc nụ cười
Mượn cơn bom đạn làm lời ru con
(Bài Ru Mới, toàn bài)
Riêng những bài thơ tình đầu tiên, tuy tới sớm hơn, từ những năm 1950, nhưng mãi tới 1971 mới được in thành sách, trong tập "Thuở Làm Thơ Yêu Em"(2). Thuở là một khoảng thời gian rộng, nhiều ngày hay nhiều năm, thay đổi tùy mỗi người, tùy ký ức, vì thuở là nhớ lại. Thuở làm thơ là một lịch sử, một chương của lịch sử nối vào những chương khác. Đó là không gian bạn đã sống, thời gian bạn đã yêu, thở, chết, sống lại. Một khúc quanh, một dòng sông, một cây cầu gẫy, bạn ngắm nhìn, đặt tay lên, và bạn lắng nghe: tiếng rì rầm tàu chạy.
Người đi qua đời tôi
Chiều âm vang tiếng sóng
Bàn tay mềm khói sương
Tiếng hát nào hơ nóng
Chúng ta có những ngày như vậy, mùa hè ríu rít chim chóc, mùa đông ảm đạm chết người, mùa thu lịm tắt, cỏ cây không hồi phục. Thơ tình Trần Dạ Từ như căn nhà, bếp lửa, cánh cửa sổ, ở đó bạn từng ngồi xuống giữa những người khác, trước mặt một người khác. Những bài thơ ngắn nén chặt, bạn không thể buông ra giữa chừng, như một thể thống nhất, giữa sự vật, thời gian đi qua nhanh như cắt khiến lịch sử không kịp hiện hữu. Khi thì như đứa trẻ lớn lên trên đường phố, dan díu, hóa thân.
Tường vôi trắng là hồn
Dù về sau tác giả làm thơ tự do nhiều hơn, lục bát Trần Dạ Từ vẫn là một dòng tươi tắn, mới lạ, tài hoa. Tình yêu như niềm vui thú: niềm vui của tình yêu là có thật, lớn lao, khó cắt nghĩa, bàng hoàng; nhận thức về nó đẹp như ảo giác. Trong các loại tình như tình mẫu tử, tình yêu bí nhiệm đối với đấng tối cao, tình huynh đệ, tình nhân loại, thì tình yêu nam nữ biến ảo nhất, bất ngờ, ngọt ngào, chua xót nhất, để lại dấu ấn lớn lao bậc nhất trong đời sống cá nhân.
Tiếng cười đâu đó giòn tan
Nụ hôn ngày đó miên man một đời
Tình yêu như một công việc: sống là công việc khó khăn, sống trong tình yêu càng khó khăn. Những thử thách của chiến tranh, tù đầy, nghèo đói, các hoàn cảnh phi nhân tính, guồng máy bạo lực xấu xa, và các cá nhân độc ác quanh ta, thuộc đủ mọi lập trường, lúc nào cũng hiện diện. Thơ tình vừa ca ngợi tình yêu vừa chuẩn bị cho người đọc nỗi âu lo của các nhân vật, sự hoang mang, số phận đen tối của họ. Những người yêu nhau phải kết hợp để vượt qua nghịch cảnh, nhưng họ cũng phải vượt qua yếu đuối của chính họ, tan rã của chính họ.
Lần đầu ta ghé môi hôn
Những con ve nhỏ hết hồn kêu vang
Vườn xanh, cỏ biếc, trưa vàng
Nghìn cây phượng vĩ huy hoàng trổ bông
Trên môi ta, vạn đóa hồng
Hôn em trời đất một lòng chứa chan
Tiếng cười đâu đó ròn tan
Nụ hôn ngày đó miên man một đời
Hôm nay chợt nhớ thương người
Tiếng ve mùa cũ rụng rời vai anh
Trưa vàng, cỏ biếc, vườn xanh
Môi ai chín đỏ đầu cành phượng xưa.
(Nụ Hôn Đầu, toàn bài )
Đây là bài thơ tình nổi tiếng của Trần Dạ Từ, và, tôi nghĩ, một trong những bài lục bát hay nhất của mọi thời đại. Hình ảnh và giọng điệu di chuyển giữa lối kể chuyện và ca khúc; một câu chuyện thông thường, không có gì đặc biệt. Chỉ là mối tình đầu. Và tình đầu nào cũng tan vỡ, và khi nhớ lại bạn không thể nào hiểu tại sao nó tan vỡ. Tình đầu bao giờ cũng đẹp vì được bạn nhớ lại và vì nó đẹp thật. Một mối tình đẹp như thế phải được đặt trong bối cảnh thơ mộng hợp với lứa tuổi mới lớn. Cái tài tình của Trần Dạ Từ là ở đây: khung cảnh. Một khung cảnh giản dị, thuần phác. Có thể có người cho rằng đó là khung cảnh thuần túy nghệ thuật, không có thực. Điều thú vị là tất cả những cảnh được mô tả, trưa vàng, cỏ biếc, tiếng ve, đều là cảnh thông thường, dễ gặp trong một mùa hè nhiệt đới, không phải cảnh mai lan cúc trúc như trong thơ Đường, cũng không phải cảnh đượm màu giấc mơ:
Vùng cúc bên ngoài đọng dưới sương
(Xuân Diệu)
Cũng không cách điệu như trong lục bát tiền chiến:
Nghiêng nghiêng mái tóc hương nồng
Thời gian lặng rót một dòng buồn tênh
(Lưu Trọng Lư)
Thơ Trần Dạ Từ, vào những năm khởi đầu của miền Nam, cố gắng vượt khỏi ảnh hưởng của thơ lãng mạn, chạm tới khuynh hướng hiện đại, nghiêng về tả thực, về một khuynh hướng ngôn ngữ giản dị và trực tiếp, khách quan. Trong toàn bài thơ, chỉ có một hình ảnh có vẻ không thật, nhưng lại được tác giả chỉ ra rõ ràng:
Trên môi ta, vạn đóa hồng
Đó là cách nói tượng trưng, hơn là hình ảnh của bài thơ. Câu thơ ấy thực ra không có gì đặc biệt, nhưng dễ được người đọc chấp nhận vì nó chủ ý nói về một tâm sự chứ không mô tả. Cái hay của toàn bài là sự mô tả sống động, mặc dù giản dị, các hình ảnh được lặp đi lặp lại, mở đầu và kết thúc cân đối, ngắn gọn mà miên man, vì gợi lên nhiều hoài niệm, khơi đúng mạch tình cảm nhiều người. Đó là cách đọc liên văn bản. Anh chỉ cần biết, đối với anh, tình yêu là mới, cái cầm tay là mới, môi hôn là mới.
Lần đầu ta ghé môi hôn
Những con ve nhỏ hết hồn kêu vang
Vô thức tình yêu.
Tiếng ve râm ran ở đâu? Hàng cây, lưng chừng giữa trời và đất. Nhưng thật ra chúng từ đâu tới? Một lần tôi trở lại Huế, vào chùa Thiên Mụ buổi trưa, đi thẩn thơ trong vườn, nhớ người thiếu nữ tên một loài hoa đã cùng đi qua đó nhiều năm trước, trong im lặng, chợt trỗi vang lừng âm nhạc kỳ lạ, có dễ hàng chục năm tôi chưa được nghe. Thứ âm nhạc ấy vang lên, không phải từ một phía mà hai, bốn phía, khắp nơi, không phải từ những nhành cây nơi ta biết loài ve sầu thường sống ở đó, mà từ trên trời, đám mây, từ dưới đất, trong cỏ, từ phía sau chiếc xe hơi trong vụ tự thiêu nổi tiếng kia. Và lúc đó tôi biết rằng tôi được nghe tiếng ve lần đầu, miên man thế này:
Vườn xanh, cỏ biếc, trưa vàng
Nghìn cây phượng vĩ huy hoàng trổ bông
Như vậy xúc cảm là mới nếu sự kết hợp hình ảnh là mới. Mới và chân thành. Dựa vào một nhạc điệu quen thuộc, lục bát Trần Dạ Từ sử dụng hình ảnh không xa lạ nhưng trong một kết hợp lạ, ít nhất là đến thời điểm ấy, và sự trở lại của nó ở đoạn cuối, vừa là sự kết thúc đẹp vừa là sự mở lớn chiều kích xúc cảm, nâng chúng lên. Sự đau khổ mà số phận mang lại còn chưa đến, những tình nhân hãy còn ngây thơ. Thế giới với ta là một. Chúng ta yêu nhau, trời đất yêu nhau. Chúng ta muốn hòa bình. Muốn bên nhau đời đời.
Hôn em trời đất một lòng chứa chan
Trời đất một lòng với chúng ta. Trời đất dung chứa chúng ta và được làm đầy lên bởi tình yêu của chúng ta. Nhưng rồi cũng như tất cả những mối tình đầu khác, tình yêu chỉ tự ý thức về mình khi nó không còn hiện hữu, như linh hồn nhìn ngắm lại cuộc hiện sinh của mình sau khi đã bay ngoài cõi.
Hôm nay chợt nhớ thương người
Tiếng ve mùa cũ rụng rời vai anh
Tự do của một đất nước cũng tự ý thức về mình như thế, một khi không còn nữa.
Và hạnh phúc cũng thế. Tuổi thơ càng thế.
Nhưng thiên nhiên vẫn ở đó, tan nát rồi bền bỉ, bối cảnh tình yêu vẫn còn. Sức mạnh của ký ức mang chúng ta trở lại, giữa đất trời, trong đúng thứ phối hợp màu sắc như hội họa.
Trưa vàng, cỏ biếc, vườn xanh
Đây là sự sắp xếp lại câu lục trên kia:
Vườn xanh, cỏ biếc, trưa vàng
Chính sự tráo đổi các cặp chữ, trưa từ trước ra sau, vườn từ sau ra trước, gây ra ấn tượng xáo trộn thời gian, chuyển ngược kim đồng hồ. Chính nhờ sự chuyển dịch vừa tự nhiên vừa nhân tạo ấy mà thi sĩ gặp được người cũ của mình.
Môi ai chín đỏ đầu cành phượng xưa
Đỏ như vết thương.
Một bài thơ tình nở bừng bừng như phượng mà vẫn dịu dàng khiêm tốn. Đó là sự quan sát bị phân rã trong thời đại tối tăm, một tình nhân đứng đó giữa đổi thay thời thế, bơ vơ tìm dấu tình đầu như nguồn cội. Cảm giác được thấy lại lần đầu tiên sự bừng nở và lụi tàn của mùa hạnh phúc. Có sự giao thoa giữa giấc mơ và hiện thực, giữa quá khứ và hiện tại, sự tự vấn giữa sôi nổi thèm khát và hoài niệm. Trong vài trường hợp khác, có bước nhảy vọt giữa ý nghĩa này và ý nghĩa khác, hoặc giữa ý nghĩa và vô nghĩa:
Người đi qua đời tôi
Hồn lưng mùa rét mướt
Người đi qua đời tôi
Chiều ầm vang tiếng sóng
Bàn tay mềm khói sương
Như thế là có vị của siêu thực.
Tuy nhiên thơ ông nhắc nhở người đọc về hiện hữu của thế giới khác, của người khác, khi chúng ta đã vào hẳn bên trong tâm hồn tác giả. Không có một thiên đường để mất. Quá khứ ám ảnh:
Những ngày thơ đánh mất
Còn níu theo chân đòi
Tình yêu của Trần Dạ Từ già hơn tuổi của mình, triết lý, suy nghiệm.
Người đi qua đời tôi
Hồn lưng mùa rét mướt
Đường bay đầy lá mùa
Vàng xưa đầy dấu chân
Lòng vắng như ngày tháng
Đen tối vùng lãng quên
Đó là tình yêu bị đánh cắp. Cơn bão bên kia thành phố sắp tới. Thời gian không thuộc về chúng ta. Cuộc chiến tranh không thuộc về chúng ta. Mọi thứ ngoài tầm kiểm soát của tuổi trẻ, của thi sĩ. Ngay cả trong những bài thơ tình như bài này, âm điệu thì du dương, vì vậy đã được phổ nhạc, ngôn ngữ của ông vẫn cứ sắc bén. Sau khi thi sĩ nói xong, mọi người đều thấy đó là ngôn ngữ bình dân, dễ dàng, gần như ai nói cũng được, nhưng trước ông, không ai nói thế.
Không ai nói:
Người đi qua đời tôi
Không ai nói:
Mây mù lên mấy vai
Gió mù lên mấy trời
Chưa ai từng nói:
Không nhớ gì sao người
Ngôn ngữ đằm thắm mà cứng cỏi, dồn nén mà bồi hồi. Sự thân mật trong thơ Trần Dạ Từ là đặc biệt. Sự thân mật: đó là khoảng cách giữa tác giả và người đọc, giữa người đọc và nhân vật văn chương. Mặc dù thoạt nhìn, thơ ông kín đáo độc thoại, không có giao tế, kịch, một ngôn ngữ thầm thì, nhưng đó là trò chuyện giữa hai người dưới ngọn đèn mờ tỏ, kể lại chuyện tình dưới đêm trăng, vết thương trong bùn lầy nước đọng, tội ác trong rừng, các biên giới mà thơ trữ tình muốn chạm tới. Giọng nói của người kể chuyện nhỏ nhẹ nhưng rõ ràng, chi tiết, tỉnh thức, soi sáng, tự ý thức về mình, của một cá nhân vừa yếu đuối vừa mạnh mẽ. Dù đôi khi tác giả chỉ nói về một sự vật thoáng qua, một kỷ niệm nhỏ.
Thủa làm thơ yêu em
Trời mưa chưa ướt áo
Hoa cúc vàng chân thềm
Gió may lưng bờ dậu
Chiều sương dầy bốn phía
Lòng anh mấy ngã ba
Tiếng đời đi rất nhẹ
Nhịp sầu lên thiết tha
Thủa làm thơ yêu em
Cả giòng sông thương nhớ
Cả vai cầu tay nghiêng
Tương tư trời thành phố
Anh đi rồi lại đến
Bài thơ không hết lời
Bao nhiêu lần hò hẹn
Sớm chiều sao xa xôi
Mười bẩy năm chợt thức
Bây giờ là bao giờ
Bàn tay trên m ái tóc
Nghìn sau còn bâng quơ.
(Thuở Làm Thơ Yêu Em, toàn bài)
Thương nhớ xảy ra trong khoảng cách. Khoảng cách càng lớn, trong không gian hay thời gian, thương nhớ càng tăng lên. Như vậy tình yêu trong Trần Dạ Từ là thương nhớ, nghĩ về, sống lại. Tình yêu ấy được sinh trở lại bởi khoảng cách, hoài niệm. Hoài niệm là đặt bạn vào vị trí ngoại biên và đối tượng được hoài niệm di chuyển về trung tâm. Thủ pháp nhân cách hóa được Trần Dạ Từ sử dụng thường xuyên, trở thành một trong những phương pháp chính yếu. Ngôn ngữ thơ là sự bắc cầu giữa vẻ đẹp và hiện thực mới, giữa vẻ đẹp và sự thất bại, giữa niềm đau có thật của t ình y êu và mất mát có thật của chiến tranh. Một trong những lợi thế của phong cách trầm tư, độc thoại, với cấu trúc rộng mở, buông lỏng, như trong bài thơ Thuở Làm Thơ Yêu Em là các câu thơ nối vào nhau một cách liên tục nhưng không quá chặt chẽ, các hình ảnh có thể đảo ngược, thậm chí trật tự thời gian cũng có thể xáo trộn, nhưng câu chuyện ấy vẫn là câu chuyện được kể lại, tuy rời rạc, chắp nối mà vẫn chỉ có thể là của một người, và của người ấy mà thôi. Đó là nhờ giọng điệu âu yếm và lo âu. Lo âu nhưng không sợ hãi. Thật ra đó là một hình thức suy nghĩ về tương lai, sự tiên đoán về những sự kiện sắp xảy ra, nhu cầu định hướng trong một thực tại hỗn loạn của tình yêu và ly tán, của tội ác chống con người trong chiến tranh và sau chiến tranh, của sự nhầm lẫn giữa sự thật và gian dối. Tình yêu đầy âu yếm và xao xuyến là của một người hoàn toàn lành mạnh đi giữa những hoàn cảnh khắc nghiệt.
Năm suốt những con đường mưa giông
Năm dọc những bờ hè giá rét
Năm với lời vỗ về chiều tàn
Năm cùng tiếng trở mình khuya khoắt
(Giã Từ Năm Thìn, trong tập Tỏ Tình Trong Đêm)
Bên kia âu lo là chờ đợi. Bên kia chờ đợi là hy vọng. Là giấc mơ hòa bình, và khi đã có hòa bình là giấc mơ tự do, vì đó là một nền hòa bình trong tù đầy. Thơ mô tả đời sống thực, hối hả xáo trộn, biến ảo khôn lường, nhịp đập của đời sống, sự vui thú, chán chường mệt mỏi. Cảm giác ngột ngạt nóng nảy của thời đại kinh hoàng, bóng ma chiến tranh ngày một tới gần, vừa đi qua, bạn vừa nhìn thấy nó. Sự nổi loạn ngấm ngầm, sự lạc đường. Khi ngôn ngữ thơ mô tả một tâm trạng lo lắng, một vết thương tình yêu, sức mạnh của chúng bộc lộ. Thơ Trần Dạ Từ viết ở thể hiện tại, mô tả sự vật trong vị trí di chuyển, đầy sức sống, hơi thở. Cái nhìn của nhà thơ bao giờ cũng là cái nhìn trở lại, nhận thức và nhận thức lần nữa, tình yêu là tình yêu lớn lên, gần như trưởng thành ngay ở tuổi nhỏ, điều ấy có liên quan gì đến cuộc đời riêng của tác giả hay không, những kinh nghiệm riêng tư, có lẽ không ai biết. Mặc dù ngôn ngữ thơ ông trong sáng, không phải bài nào đoạn thơ nào cũng được thế, không phải vì chúng khó hiểu mà vì chúng gợi lên những góc khuất, riêng tư đến nỗi mọi diễn dịch tùy thuộc ở người đọc.
Tuổi trẻ đi qua một lần, một lần thôi
Tôi hèn nhát như một loài dế cỏ
Hạnh phúc đi qua một lần
Cũng chỉ một lần thôi
Và sự tan vỡ ấy làm mọi người cười rộ
(Buổi Trưa về Thị Nghè)
Một bài thơ trở nên khó hiểu khi nó quay lưng với người đọc. Hoặc vì sự quay lưng ấy là cần thiết cho người đọc hoặc vì cần thiết cho chính nó. Những bài thơ thế sự của Trần Dạ Từ chua chát, buồn rầu, là những câu mô tả ngắn gọn, một nghệ thuật làm thơ hiện đang bị bỏ quên. Mỗi chi tiết của bài thơ đều hướng về phía kết thúc hoặc nhằm tạo dựng một không khí, như thể bài thơ là ngôi nhà. Tập thơ "Tỏ tình trong đêm", giữa những cuộc đảo chính, một xã hội phân rã, trước ngọn lửa chiến tranh dâng cao, là một lời "tỏ tình" kiểu khác. Của một tình yêu già trước tuổi.
Năm đọa đầy những đêm giới nghiêm
Năm đằng đẵng những ngày tuyệt thực
Năm máu chảy và năm ruột mềm
(Giã Từ Năm Thìn)
Suy nghiệm triết lý đầy chất thơ. Sự trao đổi vị trí giữa nhà thơ và sự vật, cảnh vật bên ngoài hóa thành tâm cảnh và ngược lại, tôi biến thành em và em biến thành tôi.
Cho tôi xin nửa bóng trăng ngoài
Với nửa mùa thu trong mắt ai
Lá rụng bao nhiêu hè phố cũ
Sao nghe lòng rưng rưng nhớ người
(Trăng Mười Sáu)
Trong giai đoạn sau của miền Nam, chúng ta thấy sự mất cân bằng trong ngôn ngữ thơ thời ấy. Trần Dạ Từ nhắc đến mặt trời, mùa hè, mùa nắng, bông phượng, con đường, hè phố, chân tường, sự lấp lánh, và chúng không phải là những vật trang sức mà chính là linh hồn của thế giới mà ông đi qua, đẹp nhưng sẽ mất. Những hình ảnh ấy được sắp xếp sao cho chúng làm nổi bật lên nhân dáng khốn khổ của tác giả hay của bạn bè, cùng giai đoạn. Thơ ông là ánh sáng và bóng tối, ánh sáng của quá khứ và bóng tối của tương lai. Nỗi trầm tư trong thơ ông không phải là triết lý siêu hình mà là phản ứng tất nhiên của người trí thức trước một thời đại, là sự tra vấn của nhà thơ đối với lương tâm mình. Đó là sự chuyển hóa các tình huống khách quan thành điều kiện tâm lý, là sự lý giải trật tự của đời sống, bằng bước đi của cá nhân. Lịch sử dân tộc là tập hợp tổng thể các tính cách cá nhân. Là cuộc huynh đệ thương tàn, sự phá hủy của những giá trị dân tộc.
Tặng cho em cuộc chiến hung tàn
Trên quê hương của bao nhiêu bà mẹ
Nơi đồng bào ta ăn bom đạn thay cơm
Nơi lá chuối khô được bện làm mũ tang
vẫn không đủ để đội đầu con trẻ
(Tặng Vật Tỏ Tình)
Nhiều năm sau, sau cuộc đổi đời của dân tộc, từ trong tù đầy, Trần Dạ Từ viết nhiều bài thơ mới, như "Hòn Đá Làm Ra Lửa"(3) . Thật ra đây không phải là lần đầu tiên Trần Dạ Từ phải đi tù và làm thơ trong tù. Thời 1963, Đệ nhất Cộng hoà, ông đi tù trong vài tháng, còn sau 1975, hơn mười hai năm. Trong năm 1963 ác liệt, ông viết những câu thơ dũng cảm, làm rung động lòng người:
Nửa đêm nàng bị bịt mắt dẫn về đó
Chúng tra khảo nàng để tìm chàng
Nàng bị cặp điện vào hai tai
bị cặp điện vào vú
Trong khi đó chàng ở sát cạnh nàng
Ở ngay trong tim nàng
Ở những nơi mình nàng rõ
(Thơ Viết Trong Tù 1963)
Tình yêu là cách nhìn ra bên ngoài, là cách sống giữa thiên nhiên, nhưng trong thơ ông, đó cũng là nhìn vào bên trong, sự trở lại, đầy dũng cảm. Tình yêu là trở lại. Làm thế nào để một người có thể vượt qua thời gian, đi tìm tuổi thanh xuân? Chỉ bằng cách nhìn vào bên trong, sống lại chính đời sống của mình, kéo dài đời sống ấy. Trước cái đẹp, trước hoài niệm, trước nỗi buồn, con người trở nên khiêm tốn. Con người khiêm tốn hơn trong t ình yêu thương. Thì ra khiêm tốn chỉ sinh ra từ sự kính trọng đối với người khác, và sự kính trọng đối với người khác sinh ra trong một bầu khí quyển tự do. Sự gắn bó của tâm hồn vào những mất mát làm tăng thương tổn và cùng thời làm tăng cái đẹp, sự dũng cảm.
Ném lên. Ném lên. Ném lên nữa
Từng trái bắp. Từng lát đường
Ném lên. Ném lên. Ném lên nữa
Từng gói thuốc. Từng vắt cơm
Ném cả gánh hàng rong
Ném tràn như nước mắt
Ném hết. Ném hết
Ném cho người đi đầy
Tấm lòng Phan Rang.
Tấm lòng. Ôi ViệtNam
(Tấm Lòng Phan Rang)(4)
Tình đồng bào.
"Hòn Đá Làm Ra Lửa" là một bài thơ dài hơn, có thể gọi là trường thi hay trường ca. Một bài thơ nhân chứng, một bài thơ tình, kiểu khác. Mạnh mẽ, đau xót, nhưng trầm tĩnh. Giọng điệu của tác giả thay đổi, khi lạnh lùng khách quan, khi nghĩ ngợi, khi hài hước châm biếm, khi ân cần thương cảm. Cấu trúc của bài thơ là cấu trúc mở, gồm những mặt phẳng liên tiếp cắt ngang. Lịch sử các nhà thơ không thể tách rời khỏi lịch sử của những thứ sau đây: một xã hội tự do, một đất nước chiến tranh, sự sụp đổ, sự đàn áp. Dù vô tình hay với ý thức rõ rệt, các nhà thơ thuộc thế hệ Trần Dạ Từ tích hợp thể thơ trữ tình cá nhân, bắt nguồn từ truyền thống lãng mạn tiền chiến nhưng táo bạo đi xa hơn, tách ra, đôi khi như sự nổi loạn, đôi khi chỉ là sự tiếp tục dấn bước, với một ngôn ngữ trực tiếp, dũng cảm, rách xé, rời rạc, phẫn nộ, lo âu, có tính chất phê phán, đặc trưng cho một thời đại tan vỡ.
Khỏi cần sần sùi nữa
Hòn đá cổ sơ đen đúa của ta
Tôi biết chúng ta sẽ ra sao
Bạn bè chúng ta. Kẻ thù chúng ta
Quê hương đẫm lệ và thế giới ngộp khói
Tôi biết chúng ta sẽ gặp nhau thế nào
Trong mắt. Trong cổ. Trong ngực em
Trong mắt. Trong cổ. Trong ngực tôi
Ngọn lửa ta hớn hở, tung tăng
Tình yêu là tự do vượt khỏi ràng buộc nghi lễ, truyền thống. Hơn thế nữa, vượt khỏi những khổ đau bí mật và những bất hạnh bị chính ta đè nén do định kiến và quy ước. Tình yêu không phải là mục đích tự thân mà là hành trình, và chính trong hành trình ấy mà tình yêu nảy nở, trở nên bền vững.
Có thể chúng ta sẽ sống sót. Sẽ trở về
Cùng vuốt ve lại trang giấy bị vò nát ném bỏ
Cùng bắt đầu lại. Từ chỗ được bôi xóa
Thơ chống lại quên lãng. Khả năng quên lãng, khả năng sống trong một xã hội không có lịch sử, có thể tồn tại ở nhiều người thiếu can đảm và thiếu trung thành với các nguyên tắc, bọn cơ hội, đầy rẫy dưới những chế độ chính trị khác nhau. Sáng tạo được sinh ra bởi giây phút mà phẩm chất làm người chiếu sáng nhất, chống lại hư vô, chống lại bôi xóa, chống lại phản bội lịch sử. Mặc dù không phải là một nhà thơ có tuyên ngôn trường phái rõ ràng, Trần Dạ Từ thể hiện khuynh hướng hiện đại từ sớm. Đó là khuynh hướng tin vào sự hiện hữu đương thời, giây phút sáng tạo, hình mẫu văn hóa, khả năng rời bỏ sự ràng buộc của quá khứ. Một điểm đặc sắc của thơ Trần Dạ Từ là điểm nhìn của người kể chuyện, chúng thay đổi, từ các phía khác. Tình yêu cũng là hôn nhân, giữa chồng và vợ qua chiến tranh, tù đầy, hoạn nạn. Bất kỳ một quan hệ nào cũng sẽ thay đổi qua thời gian, tình yêu cũng thế, nhưng chính trong thử thách mà chúng lớn lên. Chính là khả năng của một con người được tái hợp với cái bình thường, sau những năm mất tự do, chính khả năng của họ chạm tay vào một cánh tay yêu dấu, một cánh cửa quen thuộc, chính khả năng ấy làm nên ý nghĩa của phẩm giá con người. Trần Dạ Từ có khả năng nhìn vào sự vật, hòn đá, vật vô tri, sờ lên chúng, cọ sát chúng vào nhau làm phát sáng lửa.
Chỉ có tôi và em cất giữ
Rời nhau ra. Lặng lẽ. Dư thừa
Hợp đôi lại, chúng làm ra lửa
Em hay người nữ trong thơ Trần Dạ Từ là chủ đề đặc biệt. Trong những bài thơ viết về sau, người nữ là vợ, là mẹ, là người đàn bà tri âm tri kỷ của tác giả. Tình yêu là hôn nhân. Hôn nhân là sự mất mát, bất hạnh, chia lìa, nhưng cũng là niềm tin, cứu rỗi, là cái còn lại sau cùng của ý chí tự do. Như vậy hôn nhân là thiêng liêng, tình yêu là nơi nương tựa. Nhưng người nữ ấy cũng trôi dạt, long đong như bao số phận khác, vì vậy đó còn là lo âu. Thơ ông là thơ về nỗi lo âu, triền miên, ám ảnh.
Tôi không biết giờ này em ra sao
Có lượm lại đủ lũ con cái tan tác không
Em có gì để ăn. Cho chúng ăn
Em làm cách gì để thở. Cho chúng thở
Em còn chỗ nào để nương náu, tạm bợ
Trần Dạ Từ sử dụng một từ vựng không lớn trong các bài thơ tình, nhưng khi chuyển sang làm thơ thế sự, đặc biệt những bài viết trong tù, ông sử dụng nhiều hơn các chữ ít dùng trước đó, trần trụi, đời thường, thậm chí gai góc dữ dội. Đen đúa, sần sùi, không đáng một xu, quạ không thèm mổ, kiến không thèm bu, em đã nhe răng, ăn nhằm gì, rôm rả, nước miếng ứa, chẳng hề hấn gì là những chữ chúng ta gặp trong thơ ông giai đoạn sau. Chính sự cần thiết của việc bày tỏ, giao tiếp, của sự mở một cánh cửa mà có việc sử dụng một ngôn ngữ đời thường đến thế, dân gian, mãnh liệt, hài hước và khinh mạn, có sự bất cần và phản kháng đến thế. Các nhà thơ tài năng sử dụng ngôn ngữ trần tục khi cần thiết. Hơn thế, ngoài những nghĩa thông thường có thể tìm thấy trong từ điển, chữ trong thơ Trần Dạ Từ có ý nghĩa riêng, tạo cảm xúc riêng, hồi ức riêng, những tham chiếu khác nhau ở người đọc khác nhau. Dù vậy, chữ của ông không mang lại cảm giác mơ hồ, phân vân (ambiguity) như một số nhà thơ khó đọc khác. Thơ ông dễ hiểu, khá giản dị, gần như trong sáng, trong nhiều đoạn, nhiều bài. Nhiều chữ trong thơ có thể giãn nở, nới rộng để bao gồm nghĩa khác cho những văn cảnh khác. Giọng điệu có tính tuyên bố, biểu hiện, trực tiếp, nhưng vẫn không thô ráp, đó là nhờ sự tinh tế.
Tôi sẽ sửng sốt nhìn. Sẽ thật thà mô tả
Cho bạn hữu và kẻ thù cùng biết
Những hạt cơm tương lai
Phải cười như thế nào
Trong con mắt háu đói của nhân loại
Thơ hy vọng giữ lại giây phút của lịch sử, đóng đinh các số phận lên bức tường ký ức, làm cho người chết sống lại, làm cho trí tưởng tượng trở thành phương tiện duy nhất của con người vượt khỏi hoàn cảnh phi nhân. Sự thương tiếc mà thơ ca mang lại mở ra mối tương thông giữa nhà thơ và thế giới bên ngoài, kéo dài sự sống sót của một nền văn hóa qua khỏi ngọn lửa bạo động, chống lại hủy diệt, thắp một ngọn đèn nhỏ bên cửa sổ, cuối đường. Xã hội miền Nam, dưới một chế độ nay đã hoàn toàn biến mất, ngày ấy trong chiến tranh, đầy những khiếm khuyết, những âm mưu, những lầm lỗi, vẫn là một nền dân chủ đang hoàn thiện, vẫn là một xã hội có tính chất dân sự cao nhất cho đến nay, chưa hề được đánh giá một cách công bằng, thì nay đã được thơ ca nhìn nhận lại.
Phải rồi. Chúng ta có chung một thành phố
Nơi định mệnh chân dài của mỗi người đã ngủ
Những cây me Nguyên Sa canh cửa dịu dàng
Cột điện Thanh Tâm Tuyền dữ tợn
Quán rượu Mai Thảo, Phạm Đình Chương
Đêm nguyệt cầm Cung Tiến.
Thơ ấy là một loại thơ nhân chứng được viết trong hoàn cảnh bi đát, cá nhân, trực tiếp, với góc nhìn cận cảnh, với ngôn ngữ giản dị và mỉa mai, tự tin và ngậm ngùi, trong một ý thức sáng rõ mà dịu dàng. Nếu so sánh thơ viết sau này với những bài thơ trước đó, Trần Dạ Từ là một trong những người viết thực sự thay đổi bút pháp. Nếu Thanh Tâm Tuyền từ sở trường thơ tự do trở lại với thơ cổ điển có vần, chẳng hạn, thì Trần Dạ Từ thay đổi theo hướng ngược lại, những bài thơ trong tù một số lớn được viết dưới thể tự do, hoặc có vần nhưng âm điệu phóng khoáng. Sự va đập dữ dội của hiện thực, sự tan vỡ của những niềm hi vọng vào một tương lai tự do, sự đàn áp, săn đuổi, để lại dấu ấn rất sâu trong thơ Trần Dạ Từ. Khác với nền thơ có phần hư vô, chán nản, ít chịu trách nhiệm trước đây ở miền Nam, thơ ông sau này là tiếng nói dõng dạc, kẻ đứng thật trên đôi chân của mình trước dông bão. Trong tiếng gào thét của xã hội mới, giọng nói nhỏ nhẹ, quyết liệt nhưng hóm hỉnh của ông vang lên như sự từ chối thua cuộc, sự thản nhiên bất khuất, trong một ngôn ngữ dửng dưng mà xúc động, nén lại.
Chúng ta có chung một thời đại
Con đường tình ngoằn ngoèo của Phạm Duy
Khu rừng lau mênh mông của Doãn Quốc Sĩ
Mụ đế quốc khốn khổ của Võ Phiến
Những khuôn mặt dị dạng trong thế giới của Choé
Trong chiến tranh, chúng ta mơ hòa bình; trong cảnh tù đầy, chúng ta sẽ mơ tự do. Nhưng trong cả chiến tranh và hòa bình, trong cả tù đầy và tự do, người nghệ sĩ đều phải nghĩ đến nhân phẩm.
Không thứ cờ quạt nào vấy nhơ nổi bầu trời
Không thứ chủ nghĩa nào bôi bẩn được trí nhớ
Đồi núi và em mặc chung áo nắng vàng
Suối nước và em đi chung từng bước chân
Giản dị như ngày nào, em tới
Chúng ta dễ dàng nhận ra nhau
Và nụ cười em rì rào cùng cỏ cây mặt đất:
“À. Anh ấy nằm đây
Phải vậy chớ
Anh ấy vẫn giữ nó
Hòn đá làm ra lửa.”
"Hòn đá làm ra lửa" vừa là câu chuyện kể, có mở đầu và kết thúc, có những diễn tiến phù hợp với tiểu sử tác giả, vừa là sự phản kháng đối với các ảo tưởng, nhưng đó cũng là một bài thơ trữ tình. Mối quan tâm của nó là sự hành hạ đối với con người, các chủ nghĩa mê tín, sự vượt qua chúng, không những bằng lòng dũng cảm mà còn bằng tình yêu, không những bằng sự phản kháng mà còn bằng lòng tin. Tôi nghĩ rằng lòng tin là ý tưởng cốt lõi của toàn bộ tác phẩm này. Lòng tin vào điều gì? Vào nhân cách, vào giá trị nhân loại, lòng tin vào một nửa đất nước tự do, thật ra là giấc mơ cao nhất của tất cả người Việt, dù họ ý thức được điều đó hay không, đã bị đánh bại trong chiến tranh, vào một xã hội được hướng dẫn bởi công lý, vào lý tưởng hay sự tìm kiếm lý tưởng của thế hệ mình. Bài thơ nói về tình yêu, lòng chung thủy, tính dũng cảm, sự điềm tĩnh với chút bùi ngùi, và sự thèm khát đoàn tụ, của kẻ phải đi qua những ngày đen tối. Cấu trúc của bài thơ là một cấu trúc khó định hình, vì dựa vào các hình ảnh và ý tưởng đầy cảm hứng, chúng là dịp để bày tỏ các quan niệm về đời sống và về chính trị, nhưng chúng hiện hữu trước hết như những hình ảnh và ngôn ngữ thơ ca. Bài thơ "Hòn đá làm ra lửa" vận động như một cấu trúc trầm tư và mô tả. Bài thơ tập trung vào các chi tiết cụ thể, ngắn gọn, có thật, trong những đoạn thơ đặc biệt, sự mô tả ấy chuyển thành những suy nghĩ triết lý, sự phản kháng, tiếng cười và tiếng khóc thầm lặng lẽ, xao xuyến trước cuộc đời bất trắc và lòng tin vững mạnh vào giá trị của một truyền thống xã hội đã mất.Trần Dạ Từ chưa bao giờ tỏ ra nghi ngờ sức mạnh của ngôn ngữ như một số nhà thơ sau này. Nỗi băn khoăn có tính triết học ấy ít xảy ra trong một xã hội đầy biến động khi ngôn ngữ hiển nhiên trở thành phương tiện quan trọng và cuối cùng của việc gìn giữ các niềm tin và truyền đi những giá trị cao quý. Kẻ sống sót sau chiến tranh vừa cảm thấy có lỗi với người đã mất, bạn bè mình, đồng thời tự mang thêm trách nhiệm của những người ấy trên vai, trong cuộc hành trình đi qua cái chết.
Có thể sẽ không còn. Cũng chẳng mất đi đâu
Dòng chảy nào không thẩm thấu, không bốc hơi
Có thể chúng ta vẫn quân quất đâu đó
Như bọt nước tung tóe reo vui
Nơi này. Nơi kia
Trong bước đi bất tận của dòng suối sinh nở
Khác với các nhà thơ hậu Auschwitz của châu Âu như Samuel Beckett, các nhà thơ Việt Nam thời kỳ sau này có nhiều niềm tin hơn vào khả năng bày tỏ và giao tiếp của thơ ca. Rõ ràng là trong một bối cảnh kinh hoàng không kém, hỗn loạn không kém, vì nhiều lý do, các nhà thơ ấy tin rằng họ có thể vượt qua thời đại khó khăn mà không gục ngã, bằng sự can đảm của người tin vào các giá trị mà họ bảo vệ. Tôi cho rằng chính niềm tin ấy trực tiếp dẫn họ đến niềm tin vào ngôn ngữ, hiện tượng ít tra vấn đối với nó.
Cánh cửa bứt khỏi cổng. Nhà bứt khỏi người
Trang giấy bứt khỏi mặt bàn
Chữ nghĩa bứt khỏi sách
Đó là hoàn cảnh bên ngoài chống lại ngôn ngữ. Đó là sự truy vấn hiện thực, một hiện thực không bình thường. Mặc dù hình như Trần Dạ Từ chỉ nói về những điều ông biết, sống với chúng, đã nghiền ngẫm chúng, như tình yêu thời trẻ và năm tháng tù đầy, sự thật của chúng không phải là không có gì để bàn cãi nữa. Sự hoang dã của điều kiện sống trong nhà tù và điều kiện xã hội bên ngoài, đặc biệt những năm bảy mươi tám mươi thế kỷ trước, là chống lại văn hóa dân tộc. Niềm hy vọng của tác giả trong bài thơ "Hòn đá làm ra lửa" có phải là một ảo tưởng không? Có phải những năm tháng tù đầy sẽ chấm dứt và tự do sẽ xuất hiện. Có phải sự đoàn tụ của hai người yêu nhau sẽ làm nên một ngày mới, có phải sự kết hợp giữa hai hòn đá sẽ làm ra lửa. Có phải đó là niềm lạc quan không thực tế? Ngày nay nhìn lại sau chừng ấy năm, người đọc có thể nghĩ thế, và họ có thể đúng. Nhưng vào khoảnh khắc ấy của lịch sử, niềm hy vọng ấy không phải chỉ là hy vọng. Đó là khả năng sống sót của một nạn nhân, nhờ thế người tù ấy có thể bước qua mặt đất bùn lầy, giúp họ ngẩng đầu lên trong buổi sáng tháng Giêng.
Tôi biết bạn bè chúng ta, kẻ thù chúng ta
Quê hương đẫm lệ và thế giới ngộp khói của chúng ta sẽ ra sao
Tôi biết chúng ta sẽ gặp nhau thế nào
Trong mắt. Trong cổ. Trong ngực em
Trong mắt. Trong cổ. Trong ngực tôi
Tôi nghe nó thì thầm
"Chẳng hề hấn gì. Chẳng hề hấn gì"
Và tôi mỉm cười
Thư thái hình ảnh em bước tới
Thơ Trần Dạ Từ, như thế, là một tình yêu tự ý thức. Tình yêu thực sự bao giờ cũng ngây thơ, gần như tuổi trẻ, xúc cảm, bồng bột, mạnh mẽ, điên cuồng, ít tự ý thức. Nhưng đến một lúc nào, bỗng dưng mọi chuyện trở thành giản dị trước mặt bạn, như chân trời mở ra sau một khúc quanh. Bạn vẫn còn dũng cảm và liều lĩnh, nhưng bạn hiểu được giới hạn của mình. Thi sĩ hiểu rằng giữa tình yêu và cuộc đời, giữa trái tim và hiện thực, nhiều khi có những sự thật khác. Bao giờ cũng có một khoảng cách. Phương pháp của Trần Dạ Từ là sử dụng các vần điệu cổ điển, thậm chí các hình ảnh cũng không mới, để nói về một tình cảm rất mới. Tình yêu thì có gì mới? Nhân loại ngàn đời vẫn yêu nhau như thế. Nhưng thi sĩ không cần biết điều ấy. Thật khó khăn để tự nhìn lại mình. Một bài thơ tự nhìn lại mình khi phải đi xa một quãng, giữ được khoảng cách với đối tượng của nó. Thơ trong tù của Trần Dạ Từ đóng góp vào dòng thơ lừng lẫy của những tù nhân lương tâm: Vũ Hoàng Chương, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Nguyễn Chí Thiện, Cung Trầm Tưởng, Trần Dạ Từ, Hoàng Hưng, Hà Thúc Sinh. Những bài thơ nổi bật của ông: Thơ mừng sinh nhật Nhã 83, Chôn bạn ngày mưa, Hòn đá làm ra lửa. Giai đoạn ở tù, và sau đó nữa, bài thơ Hòn Đá Làm Ra Lửa dài như trường ca, dữ dội, huyền ảo, phát sáng. Bài thơ đứng vững chãi như tư cách của người tù lương tâm. Đi qua một xã hội chiến tranh, những ngày mất tự do và bị hành hạ, cuộc sống lưu vong, những gánh nặng, bài thơ như một người ngồi bên kia đường trong một quán cà phê tồi tàn, ở một góc tối mà bạn không nhìn rõ vì bạn ở ngoài mới bước vào, nhưng định thần lại bạn có thể nhìn thấy. Như vậy sức mạnh của bài thơ nằm ở sự chuyển hóa, ở khả năng thay đổi, sự phức tạp của hình ảnh, của ngôn ngữ, của thông điệp, sự phức tạp ấy đã từng làm hỏng nhiều bài thơ của các tác giả khác nhau và ngay cả những người viết tài năng cũng bị nó dẫn đi lạc đường, đã trở thành quyền lực của ngôn ngữ trong trường hợp "Hòn đá làm ra lửa". Đó là một bài thơ vừa độc thoại vừa đối thoại, vừa trữ tình vừa có tính kịch, nhiều mô tả mà vẫn đi giữa thức điệu trầm tư sâu lắng. Từ ngữ phóng khoáng mà chặt chẽ, phép tu từ khéo léo ẩn kín. Cấu trúc thoáng đãng, nửa như một bài hành, nửa như một trường ca, đi dọc xương sống thời gian, quay vòng trở lại, với điệp khúc, các hình ảnh lặp lại, như xáo trộn của ký ức đối với người khác. Người khác đối với ta không phải là địa ngục. Người khác đối với ta là chú tâm, là hy vọng, là ý nghĩa. Cũng như trong tình yêu, chỉ sự hiện diện đã làm đầy tất cả. Sự gần gũi, tin tưởng, sự không phân biệt giữa một người đem lòng yêu người khác và một người được yêu thương, sự đồng nhất ấy là cao quý trong những quan hệ giữa người và người. Thơ làm xúc động người đọc không chỉ bằng kêu gọi, thương khóc, hay bày tỏ thái độ, nước mắt, sự kêu ca, thậm chí, căm giận lộ rõ. Tất nhiên không phải bao giờ Trần Dạ Từ cũng được thế, trong một số bài thơ, một số đoạn thơ, ông vẫn không giữ được bình tĩnh đối với kẻ thù. Nhiều người cũng có nhược điểm ấy, họ quên mất rằng trong các tranh luận lịch sử, dù trong văn chương hay các cuộc bầu cử, trong khi chúng ta giận dữ thì kẻ thù bình tĩnh. Mục đích của tranh luận không phải là kẻ đối diện, mục đích của nó là khán giả. Thật ra cũng chính bằng cảm xúc dữ dội mà ông viết được những câu thơ ít người viết được trong hoàn cảnh khốn khổ, ở vị trí cao hơn hẳn so với tội ác.
Chiến tranh. Cách mạng. Ngày hội của quần chúng
Tội nghiệp. Họ được dạy dỗ thế
Tội nghiệp. Họ tin sống tin chết như thế
Đó gần như là sự ngạo nghễ. Nhưng trước đó nhà thơ cũng đã có lúc nói:
Tôi quên nói với em điều này:
Tôi yêu em đến mức có thể yêu luôn
những người đang gọi chúng ta là kẻ thù
Hòn đá bình thường mà kỳ dị kia chính là một nhân vật, nhân vật thứ ba của bài thơ tình. Trong bài thơ dài ấy còn có nhiều người khác.
Nguyễn. Và Nguyễn. Và Nguyễn nữa. Sắp chết
Sẽ đến lượt Lưu. Đến lượt Lê. Đến lượt Doãn
Có thể sẽ không còn chúng ta
Câu thơ bi đát, lớn lao. Có thể sẽ không còn chúng ta, người trí thức tự do. Tinh hoa của dân tộc. Điều ấy thật đáng sợ. Sự mất mát, thua cuộc, sự sụp đổ của một nửa đất nước, sự tan vỡ của những hạnh phúc, sau những thứ ấy con người sống thế nào? Bằng lòng tri ân không ngớt đối với cuộc đời, sự giữ gìn cẩn thận các giá trị văn hóa. Lòng tự trọng, kiên nhẫn lặng lẽ, sự trầm tư, cảm giác vững chãi khi đặt chân lên mặt đất, cảm giác thuộc về. Và lòng tin, bao dung, có cái cười mỉm rất lặng lẽ.
Lửa và khói. Hạnh phúc và lỗi lầm
Chúng ta đã bứt ra khỏi nhau
Em mất tích. Em kiệt sức. Em một mình
Thật quá nặng cho em
Làm sao em thở
Trong một thời đại như hôm nay, thơ ca hoặc là lạc đường hoặc là tìm lại được sứ mệnh của nó, ngôn ngữ hoặc là bị xé nát, bị lạm dụng, bị biến đổi hoặc là tìm thấy sức mạnh lớn nhất của nó, khả năng chia sẻ.
Lòng ta ở với người
Dù thân ta đầy ải
Dù sức ta đĩa dầu vơi
Vẫn sáng lên một lời
Lời ta ở với người
Bài thơ này được tác giả phổ nhạc. Trần Dạ Từ là một nghệ sĩ đa năng: làm báo, làm thơ, viết nhạc. Là tác giả của nhiều ca khúc. Nhờ những người như ông, thơ và nhạc nắm tay nhau như hai tri kỷ.
Chàng thi sĩ ngu ngơ
Và năm tháng bơ vơ
Bờ nắng bờ mưa
Mẹ già khô héo
Nợ nần kêu réo
Ân oán mè nheo
Xương máu hò reo
Bạn hãy nghe "Gọi Tên Dòng Sông"(5). Khi tôi nghe Tuấn Ngọc hát bài này, hay Quang Tuấn, trong một bài khác, tôi nhận ra sức mạnh của âm nhạc, của âm thanh, của sự hiện diện của người khác. Nhân đây, cần nói thêm rằng khi ca từ đạt đến đỉnh cao của vẻ đẹp ngôn ngữ, chúng tựa như thơ. Chính vì vậy mà nhiều người nghĩ lầm rằng ca từ cũng là thơ, nhưng thật ra, tuy có nhiều điểm tương đồng, chúng vẫn khác nhau. Thơ là ngôn ngữ trên nền trắng im lặng. Ca từ, hay lời của ca khúc, là ngôn ngữ trên nền của âm thanh. Chính các giai điệu, các nhạc cụ, cấu trúc thính phòng, không gian, khán giả...tạo ra hậu cảnh hay môi trường của ca khúc. Như vậy, thơ không cần môi trường, ca khúc cần môi trường. Mặt khác, như thi sĩ Hayden Carruth (6) nói: lịch sử thực sự của văn học là lịch sử của tình yêu. Ngôn ngữ, cũng như âm nhạc, không làm thay đổi lịch sử, nhưng có thể thay đổi cái nhìn của chúng ta đối với nó. Xuyên suốt nhiều năm, mặc dù với số lượng tác phẩm không lớn, Trần Dạ Từ thường xuyên trở lại với những ưu tư về thế sự, nỗi lo âu đối với đời sống và xã hội cùng thời, những tra vấn có tính triết học đối với số phận cá nhân, không ngừng trở lại với tình yêu và phẩm chất của nó, sự vui thú, chia sẻ, sự hy sinh. Ngôn ngữ thơ ngắn gọn, nhiều động từ, nghĩa cụ thể, nặng về mô tả, giọng thản nhiên, hài hước, có chút bi phẫn nhưng không cay đắng, là một câu chuyện kể có thứ tự trước sau với những mảnh rời xếp chồng lên nhau. Đó là câu chuyện của hai người yêu nhau, của vợ và chồng hay tình nhân, sự chia tay nhưng không đổ vỡ, sự xa cách nhưng gắn bó, sự mất mát nhưng vẫn sở hữu. Sự thua trận nhưng vững vàng, lòng tin vào chiến thắng cuối cùng của lương tâm. Cấu trúc của một bài thơ hay thường có những điểm uốn về tư duy hoặc giọng điệu, đôi khi những bước ngoặt. Điều này thấy rõ hơn trong những bài thơ dài, trường ca, nhưng cũng có thể xuất hiện ở những bài thơ ngắn khác. Nhân vật trong bài thơ Hòn đá làm ra lửa có thể xem là tác giả. Hoàn cảnh và điều kiện của nhân vật ấy, trong tù đầy, dành một không gian cho riêng mình, một lãnh thổ của tự chủ, nhẫn nại, lòng yêu đời, như cánh cửa đêm đêm vẫn mở lòng ra hít thở khí trời.
Không hề từ mặt trời từ gió nồm
Chính từ lửa chung của đôi ta
Những cành phượng chụm đầu bốc cháy
Lợp đỏ một mùa hè ngây dại
Thơ trữ tình còn là nhận thức, triết lý về xã hội. Trong hầu hết các bài thơ của Trần Dạ Từ, có những khúc quanh, đưa người đọc từ chỗ tối ra chỗ sáng, hoặc ngược lại từ sự mất mát đến hoài niệm, từ cái chết đến hy vọng, từ trạng thái an toàn, hòa bình tạm thời đến chiến tranh. Thơ ông có một nhịp điệu âm nhạc giấu kín, bề ngoài phóng túng mà bên trong chặt chẽ. Tôi chưa thấy ai viết về một thành phố, Sài Gòn phải không, văn xuôi mà nhiều nhạc tính như thế này.
Chớp mắt. Thấy mình có trong nhau
Mở cửa. Thấy anh em đông đủ
Bắt tay, chào hỏi. Thấy thành phố
Bước đi, trò truyện. Thấy quê hương
Hất mặt, vươn vai. Thấy bầu trời
Hít hà. Thấy thời đại mình thở
Phải rồi. Chúng ta có chung một thành phố
Nhạc tính ẩn kín ấy là niềm lạc quan, tình yêu đời sống, niềm tin vào con người, vang mãi trong ngôn ngữ của Trần Dạ Từ năm này qua năm khác, như vốn quý mà dân tộc ký truyền lại. Giọng điệu ấy là độc thoại, trữ tình, nhưng vẫn có tính đối thoại, giao tiếp, tính kịch. Một người muốn chia sẻ, trước hết phải khiêm tốn và mạnh mẽ, nhẫn nhục và khoan thứ, và ấm áp.
Sự nhẹ nhõm tự nhiên trong việc chọn chữ làm cho sự giản dị trở thành cái đẹp tự nó, và hình ảnh sắc bén và giàu có, ý tưởng rõ ràng, và có cả một nhân cách đứng đằng sau những bài thơ viết trong ngày khó khăn của đời mình, tất cả những thứ ấy đã làm ông trở thành một trong những nhà thơ nhân chứng quan trọng của thời thế hôm nay, của tình yêu hôm nay.
Đêm biếc cành soan, thơm giấc mơ
Đầu hiên hoa trắng nở bao giờ
Em mười sáu tuổi trăng mười sáu
Áo lụa phơi buồn sân gió xưa
Kể từ những bài thơ tình đầu đời, được nhiều người yêu mến, trong một không gian hạnh phúc, những ngày dậy thì của miền Nam, đến những bài thơ thế sự đa đoan của giai đoạn chiến tranh khốc liệt, đến những bài thơ viết trong tù và sau đó, trong hoàn cảnh nhiễu nhương, thơ Trần Dạ Từ cốt lõi vẫn là thơ tình, là lòng say mê đắm đuối đối với cái đẹp và lương thiện, là lời ca hát không ngừng của hạnh phúc đôi lứa, thanh sạch vững vàng.
Của một buổi sáng tháng Giêng rực rỡ.
Tháng 4 năm 2018
(trong chuỗi bài Đọc Thơ, bài 13)
Chú thích:
(1) Trích đoạn chú thích của nhà thơ Trần Dạ Từ: Tỏ Tình Trong Đêm, xuất bản bởi Tạp chí Tiếng Nói, Sàigòn 1965. Sau khi phát hành, tập thơ bị thu hồi giấy phép xuất bản vì lý do “vi phạm sự kiểm duyệt”, sách bị tịch thu. Một số thơ trong tập được chuyển sang Anh ngữ và phổ biến tại Hoa Kỳ thời cuối thập niên 60’ bởi Giáo sư Huỳnh Sanh Thông tại Đại Học Yale và một số dịch giả khác. Các bản dịch Anh ngữ của Huỳnh Sanh Thông được in lại trong “An Anthology of Vietnamese Poems: from the Eleventh through the Twentieth Centuries” do Yale University Press xuất bản năm 1996. Bản thảo được đánh máy lại từ ấn bản đầu tiên do một thân hữu tại Pháp còn giữ trao cho tác giả năm 1991. Một số câu, đoạn thơ từng bị sai lạc khi phổ biến dưới sự kiểm duyệt được chỉnh sửa lại theo trí nhớ.
(2) Tập thứ hai này được Giải thưởng văn chương toàn quốc năm 1971 - 1972. Trang đầu tiên của tập thơ ghi: Thuở Làm Thơ Yêu Em, Phổ nhạc: Cung Tiến, Phạm Đình Chương, Phạm Duy, Bìa và minh họa : Nguyễn Trung, NXB Thương Yêu 1971.
Từ 1971 tới 1975, sách ba lần được tái bản.
Bài tiểu luận này khởi đầu từ thơ Trần Dạ Từ trong tập ấy.
(3) Hòn Đá Làm Ra Lửa (chú thích của tác giả, bản gốc): Trại tù Gia Trung-Hàm Tân, Vietnam 1979 – 1988. Viết thành chữ lần đầu tại Thụy Điển, tháng 11, 1988.
(4) Chú thích củaTrần Dạ Từ cho "Tấm Lòng Phan Rang". - Ở đầu bài: "Nơi đoàn xe chở tù đi lưu đày phải ngừng đổ xăng, vào buổi trưa ngày 30 tháng 8 năm 1977" - Ở cuối bài: "Ca khúc Trần Dạ Từ 1978. Thu thanh lần đầu: Nguyên Khang, trong CD 2015, “Thương Linh: Bay”. Trình diễn lần đầu: Lê Uyên . Segerstrom Center for the Arts. Costa Mesa, California, May 30, 2015"
(5) Ca khúc "Gọi Tên Dòng Sông"
www.youtube.com/watch?v=BuzwgRX6sPs
Trình diễn lần đầu: Tuấn Ngọc, Segerstrom Center for the Arts. Costa Mesa, California, May 30, 2015.
Trước 1975, tại Saigon Trần Dạ Từ từng nhiều năm chủ trương Tuần báo nghệ thuật "Truyền thanh và truyền hình," đồng thời là nhà sản xuất chương trình âm nhạc cho Đài phát thanh. Qua những năm tù đày, những bài thơ ngắn khác được ông phổ nhạc thành "bài hát thơ" theo nghĩa như cặp đôi từng được mô tả trong kinh Vệ Đà "Anh là bài hát / Em là câu thơ".
(6) "the real history of literature is the history of love", ghi theo trí nhớ của người viết.
Tài liệu tham khảo:
* Cám ơn nhà thơ Trần Dạ Từ đã cung cấp những văn bản chính xác, kèm các chú thích, mà người viết đã dùng để trích đăng thơ và đưa vào chú thích trong tiểu luận này. NĐT.
* Đỗ Quý Toàn, Tìm thơ trong tiếng nói, NXB Thanh Văn, 1992
* Caroline Forché, Against Forgetting, NXB Norton, 1993
* Thi Vũ, Bốn mươi năm thơ Việt Nam, 1945-1985, NXB Quê mẹ, Paris 1993
* Hanna Segal, Psychoanalysis, Literature and War, NXB Routledge, London, 1997
* David Constantine, A Living Language, NXB Bloodaxe, 2004