Dù xuất hiện sớm và trở thành một trong những cây bút trẻtiêu biểu trên thi đàn miền Nam trước 1975, nhưng với Trần Thuật Ngữ - người con của đất Long Phụng, Mộ Đức, Quảng Ngãi; tôi xin cam đoan rằng, anh không hề dính dáng đến trường phái nghiên cứu Thi pháp học, nhất là những khái niệm về “Không gian nghệ thuật”, “Thời gian nghệ thuật” khá phức tạp và rắc rối này. Suốt đời làm một thầy giáo dạy văn Trung học cơ sở, nghề nghiệp cũng không đòi hỏi ở anh những vấn đề lý thuyết cao siêu. Còn với người làm thơ, Trần Thuật Ngữ cũng chỉ đơn giản cầm bút viết lên những gì mà cõi lòng mình thúc giục. Vậy mà rồi… đọc thơ Trần Thuật Ngữ, ta cứ bị ám ảnh bởi sự rợn ngợp của không gian bao la và cảm giác lành lạnh trước dòng chảy thời gian vô chung vô thỉ.
1.Có lẽ chính vì thế chăng mà tên của cả hai tập thơ anh đều bị chi phối bởi cảm thức về không gian như không thể nào vượt thoát.Hết “Viết dưới trời” lại đến “Viết trong trời”(Viết dưới trời xuân thu - 2010 và Viết trong trời nắng hạ - 2017).Cảm thức không gian dường như bàng bạc khắp những bài thơ anh viết:
Có phải bao đêm hồn đất khách
Còn đau câu chuyện dưới trời xa (Tây Nguyên hành).
Hết nỗi đau ly hương “dưới trời xa” nơi đất khách, anh lại ngửa mặt “trông trời”. Mặt trông trời, nhưng không mở to mắt nhìn trời mà lại tự khép mắt ru người. Đó chính là cách đối diện với không gian bao la trong thế giới nội tâm của một hồn thơ theo kiểu của những thiền sư “Thập niên diện bích”:
Qua đây ngửa mặt trông trời
Khép đôi mắt nhỏ ru người trăm năm (Đưa bạn qua Mõ Cày Mộ Đức).
Hết “ngửa mặt trông trời”, lại “bơ vơ bên trời” cho “mộng về vây bủa”, để cảm thấy cái “chân trời cũ” cũng tan loãng “trong ngày em bỏ tôi đi”:
Bơ vơ mộng bủa bên trời
Chút thương mến cũ đã rời đôi tay(Viết trong ngày em đi).
Giữa không gian Tây Nguyên mênh mông, lộng gió, anh cũng không mở toang cửa lòng ra đón gió mà chỉbồi hồi “lặng nhìn mây trắng” giữa trời caođể gửilòng theo chút nắng cuối ngày của hoàng hôn dần khép:
Quê người ai lặng nhìn mây trắng
Và gửi lòng theo nắng cuối ngày (Tây Nguyên hành).
Ngày đã khép. Đêm trăng về. Anh lại cũng ngồi lặng im dưới không gian vô biên để nâng niu một mối tình thơ của một thời cắp sách:
Lặng im dưới bóng trăng tà
Tôi nằm bên phượng ôi da thịt hồng (Phượng).
Hết “ngồi dưới trăng”, anh lại hóa thân thành cánh chim trời gục chết “dưới non” trong một “ngày hoang mang ngủ” cho hồn hòa trong “cỏ sương” và xác về với đất:
Chim bay về chết dưới non
Ngày hoang mang ngủ xanh hồn cỏ sương (Khi về đất).
Theo quan niệm của người Việt, chết là “về” - xác “về với đất” để linh hồn bước sang một thế giới mới. Nắm được quy luật thường hằng đó nên dù có “về với đất”, Trần Thuật Ngữ vẫn không hề bi quan mà nhận thấy “bóng đổ trên cao”, “môi hôn mặt đất” để trả “tuổi mình” cho trần ai và giã từ những nỗi đau trần thế, bước vào một không gian minh minh man man của cõi vĩnh hằng:
Nằm đây bóng đổ trên cao
Môi hôn mặt đất mòn đau tuổi mình (Khi về đất).
Bước vào “đêm đen” của cả một không gian (nghĩa địa) đen trong cõi u minh, lần cuối cùng, anh cũng xin nghiêng mình cúi chào tạ ơn “mặt trời” chiều, “cúi chào anh em bằng hữu”:
Xin cúi thấp chào mặt trời xuống núi
Đêm bắt đầu đen trên nghiã địa đen
Xin cúi thấp chào anh em bằng hữu
Ngày bắt đầu đen trên trái tim đen (Lời chào một ngày).
Con người đến và đi giữa cõi đời này như một lẽ vô thường, thân phận nhỏ nhoi như hạt bụi giữa không gian vô biên trong một chiều lẻ loi ngồi khóc:
Lẻ loi tôi khóc trong chiều
Ngực đau tiếng máu đêm khêu ngọn tàn (Phượng).
Cả khi nằm ngủ anh vẫn nằm “dưới mưa sương” để nghe cánh “chim bay ngoài mộng” và tiếng ru “lạc” về từ một thời quá vãng:
Đêm nay nằm ngủ dưới mưa sương
Em ơi! Chim vẫn bay ngoài mộng
Và tiếng ru xưa lạc cuối vườn (Gửi chiếc lá cây xanh).
Với Trần Thuật Ngữ, hình như không gian trần thế “dưới trời” luôn tan hòa trong không gian “địa phủ”. Người trần thế thì “bước lộn dưới mưa” để nghe những trận cuồng phong lạnh ngắt của “hàn âm địa phủ” “thổi cuồng” cả trưa hè trần gian rơi đầy xác phượng:
Phượng về bước lộn dưới mưa
Hàn âm địa phủ những trưa thổi cuồng (Phượng).
Chính vì lẽ đó, thế giới thơ của Trần Thuật Ngữ là tiếng vọng của không gian hư vô với những “bóng động bên mồ” giữa “bãi hoang sầu dựng”:
Ngực đau vết máu êm đềm
Tôi ngồi gõ nhịp bên thềm hư vô
Trăng xao bóng động trên mồ
Bãi hoang sầu dựng bóng cờ thiên thu (Quảng Ngãi sau ngày mưa bão).
Dường như cảm nhận được thân phận nhỏ nhoi của con người trước sự phẫn nộ của thiên nhiên trong ngày mưa bão, trước sự tàn phá của cuộc chiến đã qua, nên cho dù đang viết về quê hương cụ thể, Trần Thuật Ngữ vẫn đặt quê hương với tình yêu tha thiết của mình trong một không gian hư không mang tính biểu tượng:
Xa quê nhà xa dòng sông mẹ
Yêu một thời mà nợ suốt trăm năm
Tiếng ai hát những rừng xa vọng
Ta phương trời tóc trắng hư không
Xa quê nhà xa chiều Long Phụng
Xa nắng sông Trà xa gió cô thôn
Nơi thường trú suốt những mùa mưa bão
Nơi hoà bình mắt mẹ vẫn cô đơn (Mùa xuân đến tự bao giờ).
Không thoát lên tiên, lên mây,… thơ Trần Thuật Ngữ vẫn loanh quanh ở không gian trần thế. Điều đó chứng tỏ anh không thoát ly khỏi, mà luôn say đắm với cuộc đời. Nhưng cuộc đời trong thơ anh, tahiếm thấy những niềm vui. Hay nói đúng hơn, thì dù nói về niềm vui thanh bình, niềm tin về tương lai của đất nước, quê hương, anh cũng rất kiệm lời. Đó là thứ niềm vui âm thầm và sâu lắng, không quá phô trương, lên gân mà chỉ khiêm tốn với những vần thơ vừa đủ để làm “ấm lên” những ngày đông băng giá:
Mai cháu lớn chắc thanh bình trở lại
Những nấm mồ cỏ mọc đã lên xanh
Xóm làng xưa khói cơm chiều bay ấm
Anh em về quanh bếp lửa mùa đông (bài thơ viết ngày chiến tranh).
Mùa xuân trong thơ thường đẹp với bầu trời thanh tân, những sắc hoa rực rỡ cùng muôn sắc áo khoe màu, nhưng với Trần Thuật Ngữ, niềm vui mùa xuân cũng được anh miêu tả và khái quát một cách nhẹ nhàng - một ánh vui nho nhỏ, một cái đẹp khiêm nhường như ánh “mắt trẻ thơ”:
Trăng bốn mùa đẹp như mắt trẻ thơ
Mùa xuân đến tự bao giờ (Mùa xuân đến tự bao giờ)…
Sự xuất hiện dày đặc các cụm từ “dưới trời”, “trông trời”, “bên trời”, “dưới bóng trăng tà, “dưới non”, “bóng đổ trên cao”, “mặt trời xuống núi”,“dưới mưa sương”, “dưới mưa”, “trăng xao bóng động”… chính là độ lặplàm nên không-gian-nghệ-thuật củathơ Trần Thuật Ngữ. Đó là một cảm thức không gian trần thế, luôn luôn “ở dưới” không hề vượt lên “phía trên” của những bồng lai tiên cảnh xa vời như ta thường gặp trong thơ ca lãng mạn.
2. Đi liền với không gian luôn là cảm thức về thời gian. Đây là một cặp song trùng của bộ môn Thi pháp học. Giữa không gian trần thế “dưới trăng ngà”, Trần Thuật Ngữ đã thả thơ mình theo dòng thời gian trôi man man cho dù đó là một “đêm hôm qua” người đang “say khướt”:
Có đêm nào như đêm hôm qua
Hai ta say khướt dưới trăng tà (Tây Nguyên hành).
Hết “đêm nào” lại đến “đêm tối nào” báo hiệu bình minh, “mùa xuân nào” mang theo những cơn mưa bạo liệt:
Có đêm tối nào không báo hiệu bình minh
Có mùa xuân nào trở về không mang theo dấu vết những cơn mưa tàn bạo (Thư tình mùa xuân).
Cùng “những chiều mưa”, “những chiều mưa xanh” thấm đẫm hồn người:
Những chiều mưa
Bên sông
Những chiều mưa xanh áo mộng
Những chiều mưa xanh hồn anh (Huyền thoại em và mùa xuân).
Hết đêm nảo “đêm nào” lại đến “chiều nào”, rồi hôm nảo “hôm nào” tơi bời mưa rụng hòa cùng xác phượng tả tơi:
Hôm nào phượng khóc trong tôi
Hôm nào mưa rụng tơi bời vài bông (Phượng).
Dài hơn nữa, là năm nảo “năm nào” của một thời gian đã thuộc về quá khứ tuổi thơ sánh vai nhau “bóng đổ bóng xuống vai cầu” cùng mùa xuân xưa có sắc hoa “nở đỏ”:
Có phải năm nào xưa bên nhau
Ta đi bóng đổ bóng vai cầu …
…Có phải năm nào xưa không em
Mùa xuân hoa nở đỏ bên thềm (Gửi chiếc lá cây xanh).
Cảm thức thời gian ám ảnh mãi khiến thơ anh hết “đêm nào” lại đến “chiều nào” rồi đến “hôm nào”. Hết “hôm nào” lại đến “năm nào”, rồi cuối cùng là đến “bao năm”,kéo dài từ thuở “tóc xanh” cho đến lúc “bạc đầu” của đời một con người:
Bao năm sương gió sờn vai áo
Đâu biết ngày xanh tóc bạc đầu (Tây Nguyên hành).
Đến nỗi ru người, ru em cũng là tiếng ru buồn của một kiếp người ngân trong “ngày tháng muộn phiền”:
Ru em ngày tháng muộn phiền
Thân tôi chừ đã trăm miền bán buôn (Khi về đất).
Cứ như vậy, dòng thời gian trôi qua thơ Trần Thuật Ngữ với bao biến động của cuộc đời “bồi, lở, đợi, trông”, qua suốt bốn mùa “xuân, hạ, thu, đông”. Nhưng nhà thơ tiệt nhiên không “chạy quanh” theo những “biến động” cuộc đời mà chỉ ngồi nhìn “chiếc bóng” cô đơn của chính mình “chạy quanh” cuộc đời “biến động” để rồi im lặng nhìn thời gian trôi, để nghiệm ra quy luật một đời người, lẽ vô thường của một kiếp người:
Riêng chiếc bóng
chạy quanh bờ biển động
Chào bốn mùa
Xuân
Hạ
Thu
Đông
Chào bốn mùa mang mang bờ sông Vệ
Bên lở
bên bồi
bên đợi
bên trông(Tự khúc thời gian).
Tương tự như không gian, thời-gian-nghệ-thuật trong thơ Trần Thuật Ngữ cũng được anh nhìn nhận ở phía chiều sâu của cảm thức. Anh không miêu tả bề mặt ồn ào, sôi nổi của thời gian mà luôn gắn cái trôi của dòng thời gian với sự cảm nhận của chính nội tâm sâu lắng riêng mình cho dù đó có thể là một “chiều xuân” ngồi “uống rượu trên đồi”. Rượu tết lẽ ra phải thường uống cùng người thân và bạn hữu, nhưng không, hình như trong tâm trạng anh chỉ có riêng anh tự mời mình và tự mời hoa cỏ mùa xuân:
Chiều xuân uống rượu trên đồi
Chén mừng hoa cỏ chén mời riêng ta (Chiều xuân uống rượu trên đồi).
Chính cảm thức như vậy khiến thời gian trong thơ Trần Thuật Ngữ cứ “đi qua”, “trôi qua” “bay qua” mà ít khi dừng lại. Có chậm lắm thì cũng là “đi qua”, “về qua”:
Mưa chiều phố cũ đi qua
Người đâu lạ mặt gọi ta là mình (Về Thu Xà viếng Bích Khê).
Về qua phố thị tiêu điều
Nghe lau lách mọc dâng triều nước lên (Quảng Ngãi sau ngày mưa bão).
Chậm một chút là “đêm đi qua”, nhưng cũng thoăn thoắt như “vó câu qua cửa sổ”:
Qua đêm lòng vẫn tưởng ngày
Bóng con ngựa chạy bụi bay mịt mù
Khuya dồn tiếng sóng âm u (Viết trong ngày em đi).
Nhanh hơn chút là “mưa qua”:
Đêm rừng ru tiếng chim kêu lạnh
Những bóng mưa qua những mái nhà (Tây Nguyên hành).
Mưa qua phố cũ ngậm ngùi
Nước xuôi dòng chảy nối lời sông xa (Khi về đất).
Nhanh hơn chút nữa là “mây qua”:
Chiều đồng nội ngóng mây qua
Lắng trong sương đục hồn ta gọi người (Viết trong ngày em đi).
Nhanh hơn nữa là “bay qua”. Đầu tiên là “thả nắng bay qua” giữa kiếp người long đong, sầu muộn:
Nghiêng lòng thả nắng bay qua
Long đong phận nhỏ bao la giấc sầu (Khi về đất).
Rồi đến “mây bay qua” dể nghe dưới trăng tà rơi một tiếng yêu vọng về từ quá vãng:
Có phải dòng sông giờ đã xa
Mây trời hôm trước đã bay qua
Mùa đông trong mắt phai màu lá
Và tiếng em xưa dưới nguyệt tà (Gửi chiếc lá cây xanh).
Nhanh nhất là thời gian “như chim bay”để “thả bay tóc nhớ”:
Vườn hoang động giấc chim bay
Ngày thê thiết ngủ đêm dài tiếng than
Xuống rừng đứng ngó về non
Thả bay tóc nhớ xanh hồn cỏ cây (Viết trong ngày em đi).
Hay:
Chim bay về núi đứng vỗ cánh mừng
Đầu đông cuối hạ khô cánh hư không
Và con nước rộng cuốn theo bụi hồng (Thánh địa).
Đành rằng, trong không gian bao la và thời gian mênh mang của thơ Trần Thuật Ngữ có những “hồn cỏ cây xanh” của cuộc đời, có tiếng chim “vỗ cánh mừng” giữa hoàng hôn khi “bay về núi”. Nhưng những vang động ấy không đủ sức làm vui lại “tiếng than trong đêm dài” giữa một “hư không khô rã” cuốn bay trong “bụi hồng” trần thế.
3. Có thể nói rằng: thơ Trần Thuật Ngữ hướng nội hơn là hướng ngoại, âm thầm nhiều hơn rộn rã, buồn nhiều hơn vui, cô đơn nhiều hơn tụ hội. Đọc thơ anh, hiển hiện trong ta là một dáng ngồi cô độc để tự ngẫm về lẽ nhân sinh giữa không gian vô biên và thời gian vô hạn…Nhưng thôi, nói như nhà thơ Hoàng Vũ Thuật là “Không ai được quyền tước đi nỗi buồn của thơ”. Cuộc đời còn lắm nỗi buồn, nhìn nhận được nỗi buồn để phản ánh qua thơ cũng là liều thuốc để con người thanh lọc lòng mình, hướng tới nhiều hơn những niềm vui trần thế. Chỉ có điều bâng khuâng này: Nếu Trần Thuật Ngữ tự thoát bớt cái “âm tính - hướng nội” vào lòng mình để làm phép quân bình với “dương tính -hướng ngoại” ra cuộc đời đang náo động thì ngòi bút anh sẽ khỏe khoắn hơn lên, thơ anh sẽ đa dạng hơn trong đề tài và phạm vi phản ánh. Tôi nói điều này để nhằm lý giải nguyên nhân vì saoTrần Thuật Ngữ sinh năm Bính Tuất (1946),bắt đầu làm thơ và nổi tiếng từ trước 1975, nhưng đến nay, khi đã bước sang tuổi “cổ lai hi”, anh vẫn chỉ vẻn vẹn trình làng hai tập thơ với khoảng trên dưới 60 bài thơ ngắn.
Tất nhiên, giá trị thi ca không nhất thiết phải là số lượng. Nhưng, cũng như công việc đãi vàng, khi lượng quặng nhiều thì sẽ giúp ta thanh lọc được nhiều vàng ròng hơn từ kho quặng ấy. Và có thể nói, đây chính là nững cụm-thơ-vàng mà tôi đã chắt lọc ra từ 60 bài thơ anh viết - Những cụm-thơ đầy tính khái quát và trở thành những biểu tượng ám ảnh trong lòng người đọc: “Trái hạnh phúc câm”, “Ngày hoang mang ngủ”,“Nghe lau lách mọc”, “ngồi gõ nhịp bên thềm hư vô”, “Bãi hoang sầu dựng”,“Chim bay ngoài mộng”, “tiếng ru…lạc cuối vườn”, “Lẻ loi mưa rụng”, “mưa xanh áo mộng”,“con ngựa chứng giữa đôi bờ”, “Đêm… đen trên nghiã địa đen”, “Uống trái sương mù”…
Xin giới thiệu trang thơ Trần Thuật Ngữ cùng bạn đọc xa gần.
BÀI THƠ VIẾT NGÀY CHIẾN TRANH
Mai cháu lớn chắc thanh bình trở lại
Những nấm mồ cỏ mọc đã lên xanh
Xóm làng xưa khói cơm chiều bay ấm
Anh em về quanh bếp lửa mùa đông
Những sớm mai sương bay trắng núi đồi
Chú lùa bò qua đồng cỏ yên vui
Tay gõ nhịp trên từng bia đá cũ
Ai nhớ ai lạnh lẽo bên trời
Mai cháu lớn đi lên rừng xuống biển
Qua những con đường xương trắng phơi
Ồ! Chí lớn có tan trong hồ rượu
Dù đớn đau chú vẫn vỗ tay cười…
VIẾT TRONG NGÀY EM ĐI
Chiều đồng nội ngóng mây qua
Lắng trong sương đục hồn ta gọi người
Bơ vơ mộng bủa bên trời
Chút thương mến cũ đã rời đôi tay
Vườn hoang động giấc chim bay
Ngày thê thiết ngủ đêm dài tiếng than
Xuống rừng đứng ngó về non
Thả bay tóc nhớ xanh hồn cỏ cây
Qua đêm lòng vẫn tưởng ngày
Bóng con ngựa chạy bụi bay mịt mù
Khuya dồn tiếng sóng âm u.
TỰ KHÚC NGÀY XUÂN
Nắng và mưa
có chung lòng kim cổ?
Tôi và em
có riêng nỗi u hoài!
Riêng chiếc bóng
chạy quanh bờ biển động
Chào bốn mùa
Xuân
Hạ
Thu
Đông
Chào bốn mùa mang mang bờ sông Vệ
Bên lở
bên bồi
bên đợi
bên trông
Rượu đêm xuân mời em uống cạn
Trăng xanh
Trăng xanh
Trăng xa
Màu trăng xuân.
KHI VỀ ĐẤT
Chim bay về chết dưới non
Ngày hoang mang ngủ xanh hồn cỏ sương
Buổi đi trong nắng hoàng hôn
Mịt mờ tôi đứng tay dang với người
Mưa qua phố cũ ngậm ngùi
Nước xuôi dòng chảy nối lời sông xa
Nghiêng lòng thả nắng bay qua
Long đong phận nhỏ bao la giấc sầu
Nằm đây bóng đổ trên cao
Môi hôn mặt đất mòn đau tuổi mình
Ru em ngày tháng muộn phiền
Thân tôi chừ đã trăm miền bán buôn.
TÂY NGUYÊN HÀNH
Có đêm nào như đêm hôm qua
Hai ta say khướt dưới trăng tà
Thằng nằm chỏng gọng bên sườn núi
Thằng ngồi im lặng nhớ quê xa.
Giang hồ ai tiếc thân lưu lạc
Sao mắt nhà ngươi lệ bỗng nhòa
Có phải bao đêm hồn đất khách
Còn đau câu chuyện dưới trời xa.
Đêm rừng ru tiếng chim kêu lạnh
Những bóng mưa qua những mái nhà
Ta nhớ thương gì thời chiến quốc
Mà lòng đau mãi khúc bi ca.
Anh, em, cha, mẹ, hề! đâu biết
Vợ con mong đợi, hề! có hay
Quê người ai lặng nhìn mây trắng
Và gửi lòng theo nắng cuối ngày.
Người ơi! tâm sự chiều xuân ấy
Có lệ ta hoà men rượu cay
Bao năm sương gió sờn vai áo
Đâu biết ngày xanh tóc bạc đầu.
CHIỀU XUÂN UỐNG RƯỢU TRÊN ĐỒI
Chiều xuân uống rượu trên đồi
Chén mừng hoa cỏ chén mời riêng ta
Chén thương con vợ quê nhà
Chén phai màu tóc chén pha màu trời
Chén vui xin tạ ơn đời
Tạ ơn trời đất góp lời xuân ca.
*
TÂY NGUYÊN HÀNH
Có đêm nào như đêm hôm qua
Hai ta say khướt dưới trăng tà
Thằng nằm chỏng gọng bên sườn núi
Thằng ngồi im lặng nhớ quê xa.
Giang hồ ai tiếc thân lưu lạc
Sao mắt nhà ngươi lệ bỗng nhòa
Có phải bao đêm hồn đất khách
Còn đau câu chuyện dưới trời xa.
Đêm rừng ru tiếng chim kêu lạnh
Những bóng mưa qua những mái nhà
Ta nhớ thương gì thời chiến quốc
Mà lòng đau mãi khúc bi ca.
Anh, em, cha, mẹ, hề! đâu biết
Vợ con mong đợi, hề! có hay
Quê người ai lặng nhìn mây trắng
Và gửi lòng theo nắng cuối ngày.
Người ơi! tâm sự chiều xuân ấy
Có lệ ta hoà men rượu cay
Bao năm sương gió sờn vai áo
Đâu biết ngày xanh tóc bạc đầu.
*