Vương quốc Champa có khoảng 17 thế kỷ tồn tại (192 – 1832), là một quốc gia có một nền văn minh, văn hóa rực rỡ và có những vị vua nổi tiếng trong lịch sử. Trong đó, tên tuổi những vị vua như Chế Mân, Chế Bồng Nga… vang dội đến mức hậu duệ dân tộc Chăm vinh dự và tự hào được mang họ các ngài.
Chế Mân (Jaya Simhavaman III) trước khi lên ngôi là Thái tử Sri Harijit Po Devada Svor (hay Po Devitathor, sách Trung Quốc chép là Pou Ti)([1]) nổi tiếng với tài thao lược với chiến công năm 1282 đã chặn đứng gót ngựa xâm lăng Chiêm Thành của đội quân Mông Cổ hùng hậu do Hốt Tất Liệt chỉ huy. Năm 1288, Ngài kế ngôi của cha, lấy hiệu là Simhavaman III, là một vị vua anh minh, thương dân, thường lấy lòng hòa hiếu mà đối đãi, nhất là với quốc gia Đại Việt ở phía bắc, nên đã đem hai châu là Ô và Lý (từ đèo Hải Vân đến phía bắc Quảng Trị ngày nay) làm sính lễ cưới Công chúa Huyền Trân – con của Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông, em gái vua Trần Anh Tông để giữ tình hòa hiếu giữa hai nước. Huyền Trân Công chúa về Champa tháng 6/1306, được Chế Mân phong là Vương hậu Paramecvari thì tháng 5/1307 Nhà vua băng hà. Tháng 10/1307, tướng Trần Khắc Chung theo lệnh vua Trần Anh Tông sang Champa lập mưu đưa Huyền Trân về lại Đại Việt. Hoàng tử Chế Đa Da con của vua Chế Mân và Huyền Trân sau này không hề nghe sử sách nhắc đến, không biết là lưu lạc ở đất Champa hay đã theo mẹ và tướng họ Trần về Thăng Long. Chỉ biết rằng, Huyền Trân Công chúa sau một năm lênh đênh trên biển, về đến Đại Việt thì vào chùa đi tu.
Chế Bồng Nga (Po Binasuor/ Po Bin Thwơr/ Che Bunga, Minh sử chép là A Đáp A Giả) lên ngôi năm 1360, tử trận năm 1390. Chế Bồng Nga là một vị vua kiệt xuất của Champa, bậc thiên tài quân sự, người có công phục hưng Vương quốc Champa thành một quốc gia hùng mạnh. Với tài năng thao lược, Chế Bồng Nga mười hai lần bắc phạt nhằm giành lại hai châu Ô và Lý mà Chế Mân đã chuyển giao cho Đại Việt, trong đó có đến ba lần đánh vào tận kinh đô Thăng Long. Sau khi Chế Bồng Nga tử trận, Champa đã khép lại giai đoạn hào hùng nhất trong lịch sử các vương triều, suy yếu dần và cuối cùng bị xóa tên trên bản đồ thế giới.
Hình tượng nhân vật lịch sử Chế Bồng Nga (Ảnh: Internet)
Trong tiếng Chăm, “Po” (Ppo) có nghĩa là “ngài, đấng, trời”, từ dùng để gọi các vị thần (chẳng hạn Nữ thần Po Inư Nagar là Nữ thần Xứ sở) hoặc để tôn xưng các đấng vương thượng (như Po Binasuor, tức Chế Bồng Nga)… Người Chăm còn dùng các tiền tố từ để thêm vào vương hiệu các bậc vua chúa để bày tỏ sự tôn kính, trong đó có từ “C’ri” (hay S’ri, S’hri) phiên âm là “Chế”, sau này được nhiều người dùng, lâu dần thành một trong những họ của người Chăm.
Người Chăm vốn không có họ, thường chỉ thêm chữ “Ja” trước tên người nam và chữ “Mư” trước tên người nữ, cũng giống như người Việt, tên người nam thường có “Văn”, nữ có “Thị”. Nhưng từ năm 1832, sau khi Minh Mạng sáp nhập đất nước Chiêm Thành vào Đại Nam([2]) thì theo lệnh của nhà vua, người Chăm buộc phải có họ.
Trước đó, vào năm 1471, sau khi bắt được vua Chiêm là Trà Toàn, dựng đá Thạch Bi trên đèo Cả (nay thuộc tỉnh Phú Yên) phân định biên giới Việt – Chiêm, vua Lê Thánh Tông trở về, ra sắc chỉ: “Những người nguyên là quan lại ngụy, những người là cha Ngô mẹ Việt, bọn phản nghịch và người Ai Lao, Chiêm Thành hết thảy là nô tì của nhà nước. Con cái còn bé cho thay đổi họ tên làm dân thường.”([3]) Đến năm 1472, nhà vua lại ra sắc lệnh: “cho Thái bộc tự khanh xét họ tên của bọn người Chiêm, người Man. Họ của người Chiêm thì mới cũ theo đúng quy chế, họ của người Man thì dồn lại”([4]). Và người Chăm bắt buộc phải mang một họ nào đó, bất kể là Đinh, Lê, Lý, Trần, Phan, Nguyễn([5])…
Đến thời nhà Nguyễn, chính sách Việt Nam hóa Champa rất quyết liệt, trong đó có việc “ban họ” cho người Chăm. Vua Minh Mạng sau khi dẹp tan cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Duyệt với sự tham gia của nhiều người Chăm vào năm 1832, đã xóa bỏ danh xưng Champa, thống nhất đất nước Việt Nam. Tuần phủ (Tỉnh trưởng) buộc người Chăm phải lấy họ theo người Hoa như Quảng, Hứa, Đàng, Lâm, Châu, Thành… nhưng cấm người Chăm lấy họ của người Kinh (như Nguyễn, Lê, Trần…)([6]).
Song, cách thức ban họ của triều đình rất khó đoán quy luật. Nói cách khác, nó khá tùy tiện, theo kiểu “lấy đại một họ gì đó cũng được!” Đọc một đoạn trong cuốn sách “Người Chăm xưa và nay” (tác giả Nguyễn Duy Hinh), chúng ta sẽ thấy rõ điều đó:
“Ở Nghệ An: thổ tri huyện ở Liêm huyện phủ Trấn Ninh tên Uẩn, nay cho họ Triển tên Uẩn; thổ huyện thừa là Đông Xỉ nay cho họ Đông tên Hỉ; thổ tri huyện Khâm huyện tên là Xá nay cho họ là Định tên là Xá; thổ huyện Thừa là Xỉ La Điếm nay cho họ Đa tên là Điếm; thổ tri huyện ở Khang huyện là Trình Tuận nay cho họ là Trình tên Tuấn; thổ huyện thừa là Kiển Khâm Ma nay cho họ là Kiện tên là Hòa; thổ tri huyện ở Cát huyện là Khâm Phanh nay cho họ là Sầm tên Hanh; thổ huyện thừa là Uất Ta Mã La Huân nay cho họ là Uất tên Huân; thổ tri huyện ở Quang huyện là Tạo Thiệt nay cho họ Tạo tên Cát
…..
Ở Thanh Hóa: thổ tri huyện Trình Cổ, phủ Trấn Man tên là La nay cho họ là Cảm tên là Hóa; thổ huyện Thừa là Phìa Cam Bôn nay cho họ là Cam tên là Côn; thổ tri huyện huyện Sầm Nứa là Tạo Mường nay cho họ là Bảo tên là Cương; thổ huyện thừa là Tạo Nam nay cho họ là Đạo tên là Nam; thổ tri huyện huyện Man Xôi là Tạo Y Xán nay cho họ là Huy tên là Xán; thổ huyện thừa là Tạo Ấn nay cho họ là Cát tên là Ấn.”([7])
Hoặc theo lời kể của Nhà văn-Nhà thơ Inrasara, chúng ta có thể thấy tinh thần ban họ nghe có vẻ “có quy luật” (vì đọc chệch âm) nhưng thật ra cũng không hề có quy luật nào trong việc tạo ra họ cho người Chăm. Tôi xin trích một đoạn trong “BUỔI THUYẾT TRÌNH CỦA THẦY…K”:
“Bước vào lớp, K lật sổ, hô tên điểm danh. Bên dưới có vài tiếng cười khúc khích.
- Các em muốn học không nào? – K đập bàn một cái rõ to. Thế là im thít.
- Bắt đầu nè: La Văn Thủi!
- Dạ có.
- Em có biết họ “La” của em từ đâu ra không?
- Dạ, nghe nói từ thời Pháp khi người Việt bắt đầu bổ túc chữ Quốc ngữ, chính phủ cần đặt họ đâu ra đấy cho mọi công dân ạ. Chăm thiếu cái họ, cứ JA với MƯ mà kêu, nên họ quyết định lấy cái tiếng nào khác cái họ người Việt mà đặt, đụng ai nấy chịu (CDT nhấn mạnh).
- Sinh viên thời buổi này thuộc bài thì rõ rồi, nhưng tôi hỏi cụ thể từ đâu mà ra, chứ không phải từ thời nào. Tôi không dò bài cậu…
- Không thưa chú, dạ xin lỗi, à… thưa… thầy.
- Thầy với chú! Nó ra lò từ họ “Lã” đó. Mặt mũi cậu mà đòi cùng họ với siêu lực sĩ Lã Bố hay đại gian hùng Lã Bất Vi sao? Vậy là: - Bây làm khai sinh cứ xóa dấu “ngã” cho ta, họ không hay đâu. “Lã” thành ra “La”, có nguyên do thế đấy, hiểu chưa nào?
…”([8])
Cứ thế, họ “Lộ” là từ họ “Lỗ” mà ra, “Đào” thành ra họ “Đạo” cho Chăm, “Quản” thành “Quảng”, “Đồng” thành “Đổng”, “Lữ” thành “Lư”, “Tôn” thành “Tồn” v.v… Hiện nay, tỉnh Bình Thuận có các họ Chế, Qua, Bích, Lý, Thanh, Hấp, Lâm, Thường, Chúc, Mai, Kinh, Dương, Lưu, Lượng, Tôn, Thông, Nguyên, Tồn, Đãng… Tỉnh Ninh Thuận có các họ Thành, Từ, Mã, Lâm, Phú, Đàng, Đảng, Châu, Quảng, Lưu, Lộ, Thuận…
Có bốn họ Chăm còn lại cho đến nay có gốc gác từ Champa, vốn là những tiền tố từ đứng trước tên vua, người hoàng tộc hoặc sứ giả của nhà vua là “Ong” (hay Ông, Ung), “Ma”, “Trà”, “Chế” do phiên âm từ những chữ “Aung”, “Maha”, “Jaya”, “C’ri” mà thành.
Từ “Chế” là phiên âm Hán Việt của tiếng Phạn “C’ri” (hay S’ri, S’hri) có nghĩa là quang vinh, phồn vinh, uy nghiêm, tối tôn, vua… Khi thuật ngữ này đứng trước tên một nhân vật thì có nghĩa là người ấy là đấng tối tôn, uy nghiêm, quyền lực. Chẳng hạn, “S’ri” hay đứng trước tên các nữ thần (chẳng hạn Nữ thần Pârvati, vợ của thần Shiva cũng gọi là S’ri). Chữ “C’ri” đứng trước tên các vị vua để chỉ đức vua quang vinh, uy nghiêm, uy lực. Cũng có trường hợp người có chữ “Chế” nhưng không phải là vua như Chế Cai là cháu vua, Chế Đông là sứ giả của nhà vua. Vậy chữ “Chế” vốn ban đầu không phải là họ nhưng qua thời gian đã trở thành một họ của người Chăm, như là một cách hoài niệm về một thời hoàng kim hoặc có gốc tích hoàng gia.
Nói đến họ Chế, có lẽ không ai không biết đến Ca sĩ-Nhạc sĩ Chế Linh. Tên thật của ông là Jamlen (Trà Len), tên Việt là Lưu Văn Liên. Chế Linh là một trong tứ trụ nhạc vàng thập niên 60 của thế kỷ XX và nổi tiếng đến tận ngày nay với dòng nhạc bolero và giọng ca da diết, nức nở.
Có một thi sĩ họ Phan nhưng lấy nghệ danh họ Chế: Chế Lan Viên (1920 – 1989). Tác giả Chế Lan Viên là người Kinh hay là người Kinh mang một nửa dòng máu Chăm? Sinh thời, Chế Lan Viên hình như cũng không băn khoăn về điều này. Được sinh ra trên quê hương Quảng Trị nhưng lớn lên tại thành Chà Bàn (còn gọi là thành Đồ Bàn thuộc Tiểu Vương quốc Vijaya, thuộc tỉnh Bình Định ngày nay), Phan Ngọc Hoan lấy bút danh Chế Lan Viên, sáng tác tập thơ đầu tay khi đang tuổi 17 nhưng đó lại là đỉnh cao của sự nghiệp thơ ông: tập “Điêu tàn” (1937). “Điêu tàn” là tiếng thơ “trên đường về” với dân tộc Chăm mà ông gọi là dân tộc Chàm (Tháp Chàm đua nhau đổ dưới trăng mờ), dân tộc Hời (Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi hay Nỗi buồn thương nhớ tiếc giống dân Hời), dân tộc Chiêm (Chiêm nương ơi cười lên đi em hỡi). “Điêu tàn” là tiếng lòng một dân tộc đã tàn vong, thi sĩ mượn đó mà bộc bạch tấc lòng của người dân Việt mất nước.
Có một số văn nghệ sĩ như Nhà thơ Thanh Thảo, Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp khẳng định mình là “Chăm một nửa”, tức là cha Việt mẹ Chăm hoặc ngược lại. Nhà báo-Nhà văn Hồ Trung Tú người Quảng Nam sống tại Đà Nẵng qua cuốn sách “Có 500 năm như thế” đã đi đến một phán đoán có phần chắc chắn: người Quảng nói giọng Quảng chính là người Chăm nói tiếng Việt! Gần đây là Nhà thơ-Nhà văn Mai Bá Ấn (người Quảng Nam, sống ở Quảng Ngãi) cũng đã tự hỏi phải chăng họ Mai của mình là từ họ “Ma” (Maha) của Chăm ra chăng?
Làm sao trả lời cho chính xác được khi có hai thực tế xảy ra. Một là, thường xuyên có những dòng người Chăm lưu vong. Khi đến vùng đất mới, một số không nhỏ đã lấy vợ/chồng là người Việt, sinh con đẻ cái, dần dần mất gốc. Thứ hai là một số lượng rất lớn người Chăm vẫn ở lại trên đất đai ông bà mình, lập gia đình với những người Việt mới đến, hình thành những ngôi làng Việt mới, thế hệ mới.
Hiện nay, có nhiều người Chăm 100% nhưng không mang họ Chế và ngược lại, nhiều người có họ Chế nhưng không thể kê khai là dân tộc Chăm (vì đã qua nhiều đời khai là dân tộc Kinh). Và hiện nay cũng khó lòng thống kê có bao nhiêu người mang họ Chế trên đất nước Việt Nam và nhiều vùng đất trên thế giới.
Họ Chế nói riêng và họ của người Chăm nói chung là một đề tài rất đáng cho ngành Dân tộc học nghiên cứu nhưng hình như đến nay vẫn còn bị bỏ ngỏ…
[1] Tất cả những danh từ riêng phiên âm trong tiểu luận này đều lấy từ Wikipedia.
[2] Vua Minh Mạng từng xin triều đình Mãn Thanh đổi tên nước Việt Nam thành Đại Nam nhưng phải đến năm 1839, nhân nhà Mãn Thanh suy yếu, nhà vua mới công bố Quốc hiệu Đại Nam.
[3] Hồ Trung Tú (2011), Có 500 năm như thế, NXB Thời đại.
[6] Xem Minh Mệnh trừng phạt dân tộc Champa (1832 – 1833) http://dev.champaka.info/images/stories/CHAMPAKA/TAPSAN/Champaka12/07%20trung%20phat.pdf
[7] Nguyễn Duy Hinh (2010), Người Chăm xưa và nay, NXB Từ điển Bách khoa và Viện Văn hóa.
[8] Inrasara (2015), Những cuộc đi và cái Nhà, NXB Hội Nhà văn.