Đó là tên con sông lớn chảy giữa lòng thành phố Phan Thiết với biết bao trang văn, câu thơ, khúc nhạc ngợi ca đã bất tuyệt thấm đẫm lòng người. Thế nhưng chỉ với một tên gọi Mương Mán/ Mường Mán thôi mà vẫn còn lắm điều chưa hẳn ai cũng dễ dàng chấp nhận.
Sông Mương Mán/ Mường Mán xuất phát từ thượng nguồn Núi Ông (Tánh Linh) dài 65 km, đến đoạn qua trung tâm thành phố Phan Thiết hợp hưu với dòng sông Cái chảy từ Hàm Minh, Hàm Cường nhập vào, có tên sông Cà Ty. Về tên gọi hiện nay có nhiều văn bản hành chánh của các ngành, kể cả sách Địa chí tỉnh Bình Thuận- 2006 vẫn chưa cùng cách gọi về địa danh Mương Mán hay Mường Mán. Ở giới hạn bài viết này, xin được giới thiệu một số cơ sở để liên hệ nhằm định hình một cách tương đối về địa danh Mường Mán/ Mương Mán. Sách Đại Nam nhất thống chí (ĐNNTC), biên soạn dưới thời nhà Nguyễn, gọi con sông này là sông Phan Thiết, viết: “…có một chi từ núi Đài chảy xuống đông 13 dặm và một chi từ động Mán chảy xuống đông nam 11 dặm đến thôn Phú Hội, lại chuyển qua phía nam chảy 9 dặm đến xã Phú Tài, rồi 2 chi hiệp lại chảy 27 dặm nữa đến thôn Đức Thắng. Lại có một chi nữa từ Bình Tân chảy xuống đông nam 6 dặm đến phía tây cầu Minh Lâm thì nhập lại, rồi hiệp lưu chảy độ 3 dặm đến cầu Đức Thắng” và trổ ra biển. Như vậy địa danh Mường Mán chỉ xuất hiện rộng rải từ khi xây dựng đường xe lửa đoạn qua Bình Thuận (1905-1912) và có tên ga Mường Mán. Tư liệu Monographie de la Provine de Binh Thuan (Địa chí tỉnh Bình Thuận) năm 1935, trên bản đồ giao thông có ghi ga Mường Mán và sông Cà Ty. Trong tác phẩm thơ văn của Nguyễn Thông khi ở Bình Thuận (khoảng 1880- lập Ngọa Du Sào) có nói đến dòng sông này là Phan giang. Như vậy nguyên thủy là sông Cà Ty theo âm ngữ của người Chăm bản địa, rồi chuyển hóa thành sông Phan Thiết và sau đó lại mang tên Mường Mán/ Mương Mán. Trong đó, với đoạn sông từ Phú Hội chảy ra cửa biển Cồn Chà khoảng 7 km vẫn mang tên sông Cà Ty. Tại cửa sông, năm Giáp Dần 1794 có chiếc cầu gỗ đầu tiên, dài 41 trượng.
Nghiên cứu địa danh là một khoa học,với vấn đề liên hệ thì đây là nhóm địa danh cư dân địa phương trên cơ sở ngữ âm tiếng dân tộc Chăm. Bởi Mương Mán/ Mường Mán nằm giáp địa bàn cư dân Chăm lâu đời của vùng đất Hàm Thuận và coi đây là một bộ phận người Chăm sinh sống. Cạnh đó còn có một nhóm người miền núi K’ho từ thổ phủ Di Linh, Gia Bát dạt xuống đây quần tụ nhưng gặp vùng đất khô kiệt nên khó hình thành làng, ấp… Cho đến khi có tuyến đường xe lửa chạy qua và xây dựng nhà ga Mường Mán nối với ga Ma Lâm và ga Suối Kiết, Sông Phan thì dân cư mới phát triển. Địa danh Mường Mán do người Kinh gọi đối với cộng đồng người dân tộc thiểu số ở đây. Nhìn lại bối cảnh xã hội thời phong kiến, có phần nào ở người kinh mang nặng tính phân biệt nên gọi chung người miền núi là Thượng, Mọi và người Chăm là Mán, Mường,Thổ, Hời, Chàm… Điều này rất rõ qua cách viết trong phần “Kiến trí duyên cách” (sách ĐNNTC, tập 12- Bình Thuận) nói về cư dân huyện Hòa Đa, Tuy Phong… mà người Chăm vốn là dân bản địa nhưng vẫn gọi đó là Thổ Mán. Tổ chức hành chánh “Huyện thổ Hòa Đa” có 8 tổng Mán đều do các lại- lệ người Thổ quản lý. Trong phần Phong tục, sách ghi: “…tuy là dân Mường, Mán mà vẫn còn có phong tục trung tín vậy”, khi nói về tiết lễ, tang tế theo Chiêm tục. Nếu theo cách hiểu bây giờ dân tộc Mán (gốc dân thời nhà Thanh chạy sang) và dân tộc Mường (Mol, Mon…) chỉ có ở miền núi phía Bắc hoặc các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Lào Cai,Thanh Hóa … Nhưng với những hạn chế của nhà chép sử bấy giờ đã gọi chung là Mường, Mán để phân biệt với người Kinh. Câu ca dao xưa “Tiếc cho cây quế giữa rừng/ Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo”, ám chỉ về cuộc hôn nhân của vua Chiêm Chế Mân với Công chúa Huyền Trân để đổi lấy 2 châu Ô, Lý có thể lý giải được vì sao người Kinh vẫn gọi người Chăm là Mường, là Mán… Như vậy, mặc dù cư dân bản địa là người Chăm nhưng vẫn gọi là Mường, Mán và dòng sông chảy ngang qua địa bàn này trở thành địa danh như thường thấy. Suy cho cùng, cách gọi về một cộng đồng cư dân thế nào cũng không làm thay đổi giá trị, phẩm chất và truyền thống văn hóa của họ. Qua đó trong nghiên cứu cũng cần khẳng định là Mường chớ không phải tránh né (sợ cho là miệt thị) để cho là Mương, không mấy hợp lý.
Tìm hiểu qua nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Kinh Duy Trịnh (Tuy Phong), với tên sông Cà Ty (Kati) được coi đây là âm ngữ Chăm, có 2 âm tiết. Nếu không có từ sông (tiếng người miền núi K’rông, người Chăm Kraung hay Krôn) thì riêng chữ Kati có nghĩa là cân bằng và rộng hơn là dòng sông hiền hòa bởi chảy qua khu vực bình địa nên lưu lượng nước sông không chảy xiết. Cho nên đoạn sông này luôn có hai dòng nước từ nguồn đổ xuống (ngọt) pha trộn với nước thủy triều (mặn) dâng lên tạo thành làn nước lợ cũng là phù hợp với ngữ nghĩa Kati và người Việt đọc trại thành Cà Ty. Không riêng gì dòng sông Mường Mán có tên thứ hai là sông Cà Ty mà ở nhiều nơi như Ninh Thuận dòng Sông Pha (Krong Pinh) còn có tên sông Dinh, sông Cái ; ở La Gi có sông Dinh nhưng hạ lưu là sông La Di/ La Gi…
Với một vấn đề liên quan đến tình cảm, nhận thức của con người, thì việc nêu ra những bất cập về địa danh Mương hay Mường Mán, chắc chắn sẽ đón nhận được nhiều ý kiến khác nhau và đó là điều cần thiết.