LỜI GIỚI THIỆU
Đọc thơ Hồng Sơn, có thể nói đó là tất cả mọi hỉ nộ ái ố của một tâm hồn đa mang khúc mắc, luôn quay quắt kiếm tìm mà chưa bao giờ thỏa mãn với những gì mình đạt tới. Trong thơ anh, có một điều ta nhận ra rằng, ở con người nầy không thể nào tách bạch giữa hai khái niệm khổ đau và hạnh phúc, mà cả hai cứ vận vào nhau, xoắn vào tim vào não khiến anh luôn bị ám ảnh, luôn bị dày vò cắn rứt lương tâm.
Chắc tại hồn ta gió dông nhiều quá.
Nên cư trú nơi nào cũng không
thấy bình yên
Quen mãi ta còn thấy ta hoang lạ
Lúc ma chành
Lúc ma xó
Lúc người ta
(Đùa)
Chập chờn giữa tỉnh và say, giữa hư và thực, đôi khi ta bắt gặp hình ảnh Hồng Sơn như một kẻ bụi đời, một gã lang bạt tóc quăn, đi nhặt nhạnh ngôn từ khắp chân cầu góc chợ để làm thành nét riêng cho thơ mình.
"Về Sóc Trăng nên đầu tóc cũng quăn"
Anh hay diễu với bạn bè như thế
Rao tình cảm nhằm chợ chiều
đành ế nhệ
Đứng ngậm ngùi ray rứt giữa đường quê.
(Về Sóc Trăng)
Có lẽ cái mâu thuẫn lớn nhất khiến Hồng Sơn luôn suy tư dằn vặt, luôn cày xới nội tâm, cố tìm cho ra lời giải. Là sự phân thân giữa cái thiện và cái ác, có lúc nó nhấn chìm anh xuống vũng lầy sa đọa vô phương gột rửa, có khi lại ra dáng vẻ hiền lành của một đứa con hối lỗi.
Đời đã vậy rồi - con biết phải làm sao
Con đã thế- thì thôi con đành vậy
Tự thăm thẳm, tự cội nguồn xa xôi ấy
Má ơi ! Má hiểu lòng con…
(Nghĩ về má)
Cuộc sống luôn biến động, con người không thể tách mình ra khỏi mọi âu lo phiền toái giữa dâu bể đời thường. Cái hư vô của Hồng Sơn khiến ta chạnh nghĩ đến kiếp người ngắn ngủi rồi tự hỏi: Có phải ta đã phung phí đời ta cho quá nhiều điều vô bổ, để tới lúc giật mình quay lại, có hối tiếc thì cũng đã muộn
màng. Nước mắt đàn ông không biết lặn vào trong để dễ dàng cam chịu, mà nó muốn vượt thoát, muốn tung hê tất cả để tìm về trái tim thuần phác của một đứa trẻ ngoan bên chái bếp mỗi chiều hôm của mẹ.
Thơ là chỗ dựa tâm linh. Thơ giúp con người giải tỏa mọi khổ đau u ẩn để vươn tới cái đẹp, cái ý nghĩa của cuộc sống trần gian là yêu thương và lượng thứ. Nhà văn Hy Lạp Kazanzakis đã từng thốt lên trong tiểu thuyết Alexis Zorba:
- "Đời tôi là một tiếng thét. Tác phẩm của tôi là lời bình về tác phẩm đó". Chúng tôi xin mượn câu nói nầy để thay cho lời kết.
Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng.