Lê Thành Văn ra mắt cuốn sách “Miền thơ thao thức”, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, 2017, gồm 34 bài viết tâm đắc về những bài thơ hay, những bài thơ được nhiều người yêu thích, như là bông hoa đẹp gửi cho các thế hệ học trò, người yêu thơ và bạn đọc xa gần.
Từ lâu, người ta biết đến anh như một thầy giáo mẫu mực, một nhà thơ trẻ, nay anh cho phát hành một công trình bề thế, cảm nhận về cái hay, cái đẹp của những bài thơ của những thi sĩ nỗi tiếng từ thời Phong trào Thơ mới đến những thi sĩ hôm nay. Việc bình luận thơ ca là một thú vui lý thú, một công việc bếp núc hấp dẫn, một nghề của nhà phê bình, do vậy phải có đam mê, nhiệt huyết. Ở khía cạnh này, Lê Thành Văn là ứng viên đáp ứng các tiêu chí. Anh yêu thơ, say thơ, làm thơ và kiếm sống bằng thơ, cộng với kiến thức tiếp thu từ nhà trường và sách vở trong hai thập kỷ qua, đủ cho anh đưa ra các tiêu chí độc lập về bài thơ hay, khám phá cấu trúc thơ ở nhiều tầng nghĩa, giải mã ngôn ngữ dưới góc độ ngữ âm, ngữ pháp, tu từ, từ đó chỉ ra thi pháp và mã văn hóa trong bài thơ.
Tôi đọc cẩn trọng cuốn sách “Miền thơ thao thức” nhiều lần, và phát hiện ra rằng: công trình 248 trang này có cá tính sáng tạo của nhà phê bình, có dấu ấn riêng, khó lẫn lộn giọng điệu với các cuốn sách của Mộng Liên Đường, Tản Đà, Xuân Diệu, Hoài Thanh, Vũ Quẩn Phương, Lê Bá Hán, Vũ Bình Lục, Trương Tham… Lê Thành Văn bình thơ bằng cảm xúc đắm say của một thi sĩ; khai phá nét đẹp tinh tế của bài thơ bằng lối bình dung dị, dễ thẩu cảm của một thầy giáo; tư duy và đưa ra những nhận xét, đánh giá, kiển giải bằng phương pháp có tính khoa học, giải mã cấu trúc nghệ thuật của tác phẩm bằng cái tâm của người có nghề.
Hầu hết các bài viết được anh lấy tiêu đề từ cái tứ của bài thơ. Đó là cách lý giải tự nhiên cấu trúc của thi phẩm, mà không gò bó, hoặc “lạc” trong các tầng nghĩa ẩn dụ. Có thể thấy rất nhiều lần tác giả rút tít như thế, ví như: Duyên thiếu nữ qua bài thơ “Tựu trường” của Nguyễn Bính; Gặp quê hương trên mọi quê hương (viết về bài thơ Nghe quan họ trên Cao nguyên của Hữu Chỉnh), Máu tim anh đã nhuộm hồng sắc nắng (viết về bài thơ Một ngày không chiến tranh của Phạm Doanh), Khoảng trống tình yêu ngàn lần xao xuyến gọi ( Ra cửa của Trinh Đường); Giờ biết làm sao cầm được hoa (Cầm chân em, cầm chân hoa – Yến Lan); Phút giây sống với ước mơ muôn đời (Biểu tượng Ê đê – Vũ Quần Phương); Hôn và tuyên ngôn Phùng Quán (Hôn – Phùng Quán); Vết bùn già hơn tuổi mẹ tôi (Vết bùn trong kẽ móng chân mẹ tôi – Đặng Bá Tiến); Phía sau lời đá hỏi (Đi chơi – Bùi Minh Vũ)… Để rút được tiêu đề cho một bài bình là cả một quá trình suy tư, từng trải và thể nghiệm.
Có những bài trước đây tôi từng nghe, từng đọc nay đọc lại cuốn sách của Lê Thành Văn, thấy hay hơn. Phạm Doanh viết “Một ngày không chiến tranh” vào năm 1994, 23 năm sau, tác giả thẩm bình thấy sang trọng bài thơ lên, câu thơ như có cánh: “…như một nhà thiết kế sân khấu có tài dựng cảnh, nhà thơ Phạm Doanh điểm xuyết thêm trên cái nền không gian của quê hương người lính với vẻ đẹp của bầu trời xanh bất tận, một vẻ đẹp bình thường, đơn sơ nhằm để khắc sâu thêm cái bình yên từ cảnh vật đến con người:
Trời xanh, xanh bất tận
Đâu đẹp bằng quê anh?
Một câu hỏi tu từ thật hay, hỏi nhưng là để khẳng định vẻ đẹp bình yên của quê hương bản quán người lính. Nào đã có điều gì chẳng lành dự báo trước về sự bất trắc mà người lính phải đón nhận sau này! Chính trên cái nền của cảnh vật thanh bình, tươi đẹp và cuộc sống con người lao động hiền hòa trên mảnh đất quê hương, nhà thơ đã chuẩn bị cho một "kíp nổ" bắt đầu. Tứ thơ độc đáo, sự òa vỡ cảm xúc và tác động đến người đọc cũng nằm ở chỗ đó.” [trang 40]. Lại nữa, bình bài thơ “Cầm chân em, cầm chân hoa” (Yến Lan), tác giả chỉ ra cái hay da diết, xé lòng: “Cái hay của bài thơ là nhờ tác giả dựng lên một câu chuyện xin hồng, từ đó làm nổi bật tấm lòng xót xa, luyến tiếc về một cuộc tình duyên không trọn vẹn:
Hôm nay hồng nở, bóng em xa
Câu thơ xé làm hai vế, hồng nở đằng hồng, em đi đằng em. Chia biệt. Đoạn tuyệt. Bất giác buổi em đến xin hồng đã hóa thành quá khứ buồn thương vương vấn trong lòng người ở lại - chủ nhân của vườn hồng xinh đẹp. Bây giờ hình ảnh người con gái xin hồng và đóa hồng đang nở lại đồng hiện trong tâm hồn tác giả với bao nhớ tiếc ngẩn ngơ:
Cầm em bữa trước, em không ở
Giờ biết làm sao cầm được hoa?
Chữ "cầm" ở đây được nhà thơ dùng rất độc đáo. Cầm là giữ lại, mời lại một cách thân tình. Hình như người miền Trung ở Quảng Ngãi và Bình Định mới hay dùng chữ "cầm" khi thể hiện tình cảm muốn mời mọc, níu kéo ai đó nán lại. "Cầm em" hôm em đến xin hồng sao em không chịu khó ở lại, để bây giờ hoa nở rồi em lại không có đây!” [tr 112].
Thẩm bình bài thơ hay, câu thơ hay, mỗi người có một cách hiểu, một cách cảm thụ, nhìn nhận đánh giá khác nhau, nhưng tựu trung là hiểu đúng, bình đúng, giải mã trúng ý tác giả nhằm tìm ra cái hay, cái đẹp chìm khuất trong các ký hiệu ngôn ngữ. Ở góc độ này, Lê Thành Văn tránh được lối thẩm bình chủ quan, cảm tính, tránh được những kiến giải lệch lạc, những suy diễn mơ hổ, gây cho người đọc một cảm giác gần với văn bản thơ, yêu thơ hơn. Hãy nghe một đoạn Lê Thành Văn bình bài thơ “Vết bùn trong kẽ móng chân mẹ tôi” (Đặng Bá Tiến): “Tứ thơ hay và độc đáo như ngôi nhà có nền móng chắc chắn, các trụ cột vững chãi, mưa gió bão bùng khó làm lay chuyển nên bền lâu với thời gian. Tôi nghĩ bài thơ Vết bùn trong kẽ chân mẹ tôi của Đặng Bá Tiến là một điển hình như thế. Ở đây, tên bài thơ đã là một tứ thơ, một tứ thơ mà nhiều người cũng đã viết nhưng vẫn còn nằm ở dạng hình ảnh, hình tượng, nghĩa là chỉ điểm qua, kể qua kiểu như "bầm ra ruộng cấy bầm run, chân lội dưới bùn tay cấy mạ non" (Tố Hữu). Vết bùn trong kẽ móng chân của mẹ giờ đã bất động rồi, mẹ không tự mình lấy ra được nữa mà chính con đây - đứa con chuẩn bị tiễn mẹ về với ông bà tổ tiên phải bấm từng móng chân của mẹ để lấy ra. Từ hình ảnh, hình tượng quen thuộc, tác giả đã nâng lên thành một ám ảnh, một đau xót, một cảm thương về nỗi nhọc nhằn của đời mẹ, nhờ đó bài thơ thực sự có được một vị trí xứng đáng trong mảng thơ ca viết về đề tài người mẹ.” [tr 204].
Chọn bài thơ hay quả là khó theo một tiêu chí, nhưng say mê, phát hiện, và thích thì Lê Thành Văn bình; do vậy; lời thẩm định thường rất trữ tình, đầy cảm xúc, đốt lên ngọn lửa, gợi lên các giá trị thẩm mỹ, nhân văn. Anh không “tán”, không ngoài đề, không xông vào vùng ngoại biên xa thẳm, mà vào trung tâm, vượt qua các giải phân cách, bóc tách các tầng ý nghĩa qua cảm xúc thăng hoa. Khi anh hạ lời thẩm định: “Khổ thơ cuối bài lặp lại hành động ra cửa, khi khoảng trống không em cứ thảng thốt gọi gào trong sự mê muội từ tâm tưởng của kẻ đang yêu:
Chiều nay sau cánh cửa
Khoảng trống lại gọi anh
Không cưỡng được lòng mình
Anh lại đi ra cửa.
"Không cưỡng được lòng mình" như con muỗi tìm đến ánh sáng của ngọn đèn chiếu rạng, như con nghiện vật vờ tìm chất kích thích để giết chết đời mình. Trong tình yêu, người ta có thể đau khổ vật vã, có thể u sầu điên dại, có thể sống mà như đã chết rồi; nhưng hoang tưởng đến mê lầm, thực ảo đan xen, xác hồn rời rạc đến tội nghiệp chỉ có thể nói đến ở bài thơ Ra cửa này của Trinh Đường.” [tr 68]. Cách bình khoa học, cách lý giải dựa vào ký hiệu học trong phê bình văn học đã bộc lộ tài năng của tác giả khi giải mã một tầng nghĩa trong bài “Đi chơi” của Bùi Minh Vũ. Ta nghe Văn bình câu mở đầu của bài thơ với lối tư duy lý thú và thông minh: “Ngắn gọn và mới mẻ trong ngôn ngữ biểu đạt, Đá hỏi mở đầu bằng một câu thơ có vẻ khác thường:
Hôm qua tôi đưa tôi đi chơi
Câu thơ có 7 tiếng, tác giả sử dụng toàn thanh bằng (B) nghe cứ nhẹ thênh như một cuộc rong chơi vô định, "không còn không còn ai/ ta trôi trong cuộc đời" (Ru ta ngậm ngùi - Trịnh Công Sơn). Nghệ thuật trần thuật ở đây rất cụ thể, có thời gian "hôm qua", có hành động "đi chơi" của nhân vật trữ tình xưng "tôi". Có điều lạ, tôi không đi chơi với ai khác mà lại đi chơi với chính tôi, còn lại "đưa" nhau nữa mới trang trọng chứ. Người đọc một thoáng trầm tư, mỉm cười như thể xem thi sĩ muốn biểu đạt điều gì sau cách kể chuyện có vẻ lẩn thẩn ấy. Quái, sao lại "tôi đưa tôi đi chơi" nhỉ?! Hay là có sự nhầm lẫn nào chăng? Câu thơ đầu tiên vì vậy phảng phất chút gì như là khói sương huyền ảo, dù tác giả đang hồi ức lại một cuộc đi chơi đã diễn ra ở thì quá khứ tương đối rành mạch, cụ thể. Sự song hành có vẻ thiếu lôgic trong hành trình "đi chơi" đã khiến cái tôi trữ tình tác giả phân thân, tách rời để đối thoại. Dấu hiệu của thơ hậu hiện đại chăng? [tr 241].
Đọc Miền thơ thao thức nên đọc chậm, đọc lại, bạn sẽ thấy chất thơ thấm đấm qua từng kẽ chữ, sẽ thấy chất trí tuệ qua từng đoạn văn; nhưng cũng bất ngờ để thấy từng chi tiết, hình ảnh, so sánh, ẩn dụ được phân tích tỉ mỉ; lý thú hơn là sẽ nhận diện cấu trúc nghệ thuật được giải mã một cách tài hoa qua con mắt của nhà phê bình, trái tim tràn đầy yêu thương của thi sĩ, lỗ tai thẩm thấu của người thầy từng nhiều năm đứng trên bục giảng đang thủ thỉ tâm tình với các thế hệ học trò. Nhiều bài thơ hay qua tác giả thẩm bình, thấy cảm xúc hơn; nhiều bài thơ chưa quen với học trò, với bạn đọc, quaMiền thơ thao thức, sẽ thấy cái hay, cái lạ, mà lâu nay đã chưa một lần để ý.
Có thể nói, mỗi tác giả (dù là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam hay chưa vào hội, dù là ngoài tỉnh hay trong tỉnh), Lê Thành Văn chỉ chọn một hoặc vài bài yêu thích, nhưng qua giọng thẩm bình đầy cá tính sáng tạo, đã vẽ ra chân dung từng nhà thơ, khẳng định thêm tên tuổi đã từng, nhưng cũng trân trọng, nâng niu những người mới bước vào nghề thơ với bao bỡ ngỡ và lạ lẫm trong sân chơi trí tuệ.