( Đọc Băng Qua Nỗi Nhớ - bản thảo thơ Phan thị Liên Giang)
"Chỉ là một ngọn nến nhỏ nhoi
Tôi sinh ra để cháy…"
(Ngọn nến)
Đó là thông điệp của Liên Giang, khi chị nhận mình là ngọn nến. Vâng, tôi cho rằng Phan Thị Liên Giang, người thơ nữ mang tinh thần phúc âm này đã khẳng định một đức tin chân thật là : Tôi sinh ra để cháy !
Và cháy một cách khát khao để "tự cứu rỗi cuộc đời / bằng ánh sáng nhỏ nhoi". Câu thơ nhỏ bé, xinh xắn, đơn giản mà mạnh mẽ, đã nói lên sức sống mãnh liệt của một tâm hồn. Tôi biết Liên Giang đang kiếm tìm nơi miền đất hứa một thứ hạnh phúc vô biên, mà chỉ có tỉnh thức mới nhận được :
"Thắp mình lên
Tôi đang chiến thắng đêm đen
chợt nhận ra mình hạnh phúc vô kể
khi cháy đi
để khoảng không quanh tôi được rạng rỡ
( Ngọn nến)
Đây chính là tâm tình hiến dâng, nếu không sống phúc âm sẽ không dễ nhận ra. Nhà thơ là một người con Chúa biết cháy hết mình để đem lại ánh sáng cho người khác; nếu không là chứng nhân của Đức Giê-su sẽ không viết được như thế !
Đem phúc âm vào đời sống là bổn phận của từng tín hữu, Liên Giang là một người thơ nữ đã băng qua nỗi nhớ như thế nào trong tinh thần ấy ? Phải rồi, chị bắt đầu bằng một tình yêu. Nhưng tình yêu ấy không lộ diện, mà bằng cảm xúc của người mẹ :
"Mẹ đi qua thời con gái
Tóc xanh xõa một lần yêu
Hôm nay thấy mình trẻ lại
Trước mối tình đầu của con"
( Mẹ)
Thật tài tình, bằng cách ám dụ, Liên Giang đã nói về tình đầu của mình đầy âu yếm và trắng trong, thông qua hình ảnh mẹ. Để rồi chị khẳng định một tình yêu nồng thắm :
"nắng cho bầu trời xanh
biển gọi về xanh thẳm
cuộc đời cho ta làm người
và tình yêu gọi ta những nụ hôn say đắm !"
( Nụ hôn)
Sống để yêu và tình yêu ngọt ngào đem lại nguồn hạnh phúc trần gian. Tôi liên tưởng cây nến ấy đã cháy đến đoạn rực rỡ nhất của cuộc đời. Tuy nhiên, không phải lúc nào tình yêu cũng đẹp đẽ, nên trong lúc sóng gió, người thơ lại dâng tâm tình lên Đấng Tình Yêu :
"Chỉ có Chúa mới thấu nổi
Mọi ngõ ngách nơi trái tim mình !"
( Đối ẩm)
Bởi vì tình yêu và nỗi nhớ là một khoảng cách, mà người tình phải vượt qua để thấy rằng :
"Anh cũng giống nỗi nhớ
chỉ thích chòng ghẹo em
nên cứ xa vời vợi…"
( Nỗi nhớ và anh )
Thế đấy, phận má hồng dễ bị thời gian trêu ghẹo. Nếu không có nỗi nhớ thì người ta biết vin vào đâu để sống ? Nhưng vin vào nỗi nhớ xa vời vợi, chẳng khác nào ôm lấy khổ đau chồng chất, ôm lấy những cơn mơ :
"Có thể nào sau cơn cuồng phong
Biển bình lặng ru cát ngủ hiền hòa
Sau giận hờn và những cách xa
Có thể nào tình yêu sẽ chắp cánh
Cho em mơ về một vòng tay ấm ?"
( Tự vấn)
Rồi tự vấn cũng là tự trả lời. Bằng ánh sáng nhỏ nhoi ấy, tác giả đã nhận ra tình trường vốn không đơn giản, mình chỉ là một đấu thủ không cân sức trong cuộc chơi tay ba :
"em là đấu thủ không cân sức
trong cuộc chơi cút bắt tay ba"
( Trốn anh)
Cuối cùng thì người thơ đã chọn giải pháp “ trốn anh “ , cũng chính là trốn những trò đời nghiệt ngả, cút bắt vô thường, để sống phúc âm. Phan Thị Liên Giang đã băng qua nỗi nhớ như thế đấy, chị đi :
"trên con thuyền ngược gió
khát vọng không còn chỗ
cho nghi ngại hờn ghen…"
( Ngược gió )
Và, con thuyền ấy đã chở người thơ về bến bình an, tựa nương nơi Phúc Âm Chúa, mang lấy chiếc ách nhẹ nhàng trong tâm hồn yêu thương vô cùng tận. Vì thế mà thơ Liên Giang là một cây nến rực rỡ chưa bao giờ thôi cháy sáng…
Đà Lạt những ngày hè