Thế kỷ 21, bên cạnh những tiến bộ phi thường, con người lại hoang mang trước cửa ngõ tâm linh. Nghĩa là có quá nhiều những lễ hội, từ tín ngưỡng dân gian đến tôn giáo, quá nhiều những huyền thoại, truyền thuyết từ ngọn núi, con sông, con vật cho đến con người. Trong khi đó, những vấn nạn về môi trường, kỳ thị, bệnh tật, nghèo đói luôn đè nặng lên đôi vai mong manh gầy rạc của kiếp người; thì lời Phật dạy như ngọn đuốc, như chất liệu đem lại an bình trong tâm hồn và hóa giải những vấn nạn nhân sinh.
Lịch sử truyền bá Phật giáo trong suốt chiều dài hơn 25 thế kỷ, đã minh chứng điều đó. Đức Phật và các vị Đại đệ tử đã mang ánh sáng từ bi, trí tuệ lan tỏa khắp địa cầu. Tầm ảnh hưởng là vô cùng rộng lớn, như bài Haiku nhỏ nhoi cảm niệm về công đức này :" Trăng lên / Bật tung xiềng xích / Địa cầu" {thơ NTN}.
Thật vậy, Ngài là ánh trăng xua tan bóng tối, một khi đã xuất hiện liền chặt đứt bao xiềng xích bất bình đẳng, cởi trói giai cấp đem lại bình đẳng cho xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ :" Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, không có hận thù trong giọt nước mắt cùng mặn". Và giờ đây, thế giới này đã và đang bớt phân biệt chủng tộc; bình đẳng quốc gia, tôn giáo, sắc tộc là nhu cầu bức thiết đem lại hạnh phúc cho nhân loại. Chính tinh thần nhập thế tích cực ấy, đã nâng con người lên vị trí cao thượng :"Tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật !" Câu nói vĩ đại cách nay hơn hai ngàn năm trăm năm vẫn còn hiện hữu, là một minh chứng hùng hồn cho một Đức Phật lịch sử. Tuy nhiên, bên cạnh một Đức Phật lịch sử, còn có một Đức Phật truyền thuyết khá là u huyền, mênh mông khiến con người đời nay vốn đã gánh chịu nhiều thống khổ, lại càng bế tắc bởi niềm tin lỗi nhịp, không còn hợp với khoa học và thời đại. Đó là truyền thuyết về một Đức Phật ra đời trong kho dữ liệu bao la...nhuốm màu huyền thoại. Ai cũng biết, sự ra đời của Thái Tử Tất Đạt Đa, là dấu son vĩ đại trong lịch sử loài người, bởi không những nó đem lại sự thừa hưởng cao quý về trí tuệ như ánh thái dương soi chiếu địa cầu, mà còn đem lại năng lực phi thường về chuyển hóa nghiệp chân thiện cho tất cả chúng sinh. Tuy nhiên, con người không chịu dừng lại ở lịch sử, mà còn "vẽ" thêm lịch sử, đến nỗi chỉ còn huyền thoại không thôi! Đối với Phật tử tri thức thời nay, khi tìm hiểu và đặt ra nhiều câu hỏi đã cảm thấy khó chịu vì "bị ăn bánh vẽ" quá nhiều. Bởi lý do đó, chúng tôi cho rằng, ngoài ý nghĩa "nâng cao" Đức Thế Tôn, con người lúc bấy giờ đã không tôn trọng lịch sử. Bởi khi được học ở chùa, hoặc trong sách vở người ta luôn dạy rằng Thái Tử được sinh ra từ nách phải của Hoàng Hậu Maya, có chư thiên đỡ lấy, có vòi rồng phun hai dòng nước nóng lạnh tắm cho Ngài; mới sinh ra Ngài đã đi bảy bước trên bảy hoa sen, rồi Ngài nói rằng "thiên thượng, thiên hạ, duy ngã độc tôn", Ngài có 32 tướng tốt vv...và vv..
Những huyền thoại ấy như khuôn vàng thước ngọc, định vị cho những vĩ nhân, gắn vào giáo chủ các tôn giáo cho có vẻ khác người thường. Khi khoát cho Đức Phật chiếc áo màu nhiệm ấy, vô hình trung người ta đã hướng con người lạc vào mê tín. Nhưng đạo Phật là một đạo trí tuệ, Đức Phật không bao giờ tự xưng mình là giáo chủ, Ngài chỉ đem đến cho chúng ta phương thuốc trị bệnh đau khổ và chỉ cho chúng ta con đường thoát khổ. Ngược lại với Đức Phật, chúng ta bây giờ lạc vào rừng mê tín, cầu xin, cúng vái nhiều hơn là tu tập. Khi mê tín tăng cao người ta biện minh rằng một đấng giáo chủ phải nổi tiếng về mặt huyền thoại mới "thu hút" hay "lôi kéo" được nhiều tín đồ hơn, được tín đồ "cúng dường" nhiều hơn. Nếu không có như vậy sẽ không có ai đi chùa!. Chúng ta, những Phật tử chân thành cảm thấy hoang mang với lập luận tiêu cực này.
Và không biết bao lâu nữa chúng ta mới được sống trong không khí "một đạo Phật thật sự?"...
Phải chăng, chúng ta mong, Đức Phật của chúng ta được trả lại đúng như thời Ngài còn tại thế. Đức Phật là một vị Thầy vô cùng cao quý, được thế gian tôn kính như đấng Cha lành, gần gủi thân yêu, chứ không xa lạ và mâu thuẫn như một vị thần linh, quyền phép và ảo tưởng. Suốt cuộc đời Đức Phật là một tấm gương hy sinh cao cả nhất, tu tập và giáo hóa chúng sinh, sáu năm khổ hạnh rừng già, 49 ngày đêm thiền định dưới cội Bồ Đề mới hoát ngộ, chứ không phải một vị "Bồ Tát từ trên trời rơi xuống", như "văn hóa Đại thừa" rao giảng. Lý nhân quả mà Đức Phật đã dạy, cho chúng ta thấy sự thành công của Ngài là do bền gan tu tập, quyết chí tìm con đường giải thoát khổ đau; và Ngài đã đi đúng con đường cao cả đó bằng cuộc "ra đi vĩ đại" của một vị Thái Tử đương thời.
Kết quả của Ngài là sự bừng sáng toàn bích, điều này giúp con người tin tưởng hơn về năng lực phi thường trong mỗi con người là có thật, là có thể đi theo bước chân Ngài đến bến bờ giác ngộ chân lý tối thượng...
Tôi may mắn có cuộc hành hương qua nhiều thánh tích của Đức Phật, từ Ấn độ đến Nepal, có dịp suy ngẫm về cuộc đời cứu khổ vĩ đại của Ngài, càng nhận ra những giá trị chân thật, hơn là lớp sương mù "truyền thuyết" là những gì còn mờ ảo và không có thật!
Do đó, những người con Phật thức tỉnh hôm nay, phần nhiều thiên về Đức Phật lịch sử. Chúng tôi mạo muội cho rằng phải như thế, và như thế thì "Tuần lễ Vesak" mà chúng ta thường gọi là Lễ Phật đản hàng năm mới có giá trị và ý nghĩa đích thực hơn, đi vào đời sống con người hơn, như một tấm gương chói ngời chân lý, trí tuệ, dũng mãnh, và từ bi...
Tháng Tư Vesak 2018