Cuối năm 2017, tôi nhận được tập truyện ngắn và tùy bút Một phút tự do của Tiến sĩ Ngôn ngữ và Văn học Elena Pucillo Truong sau khi tập sách được nhận tặng thưởng của Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh. Cuốn sách thật cuốn hút với một lối viết lời không nhiều nhưng ý tứ rất sâu. Song, trong văn chương, sợ nhất là “thấy người ta ăn khoai mình cũng vác mai đi đào”. Xung quanh Một phút tự do, chắc chắn không ít lời khen ngợi. Viết nữa, thì có thể thành nói góp, vụng nữa thì thành nói leo…
Nhưng đến đầu năm 2018, khi nhận được tập Vàng trên biển đá đen (tập truyện ngắn và ký) của cùng tác giả thì tôi không thể không đọc, đọc đi đọc lại cả hai tập sách và trong tôi trỗi dậy những xúc cảm mạnh mẽ. Hạnh phúc vì được tác giả quý mến và tặng sách; quan trọng hơn, hạnh phúc vì cảm nhận rất rõ rằng, mỗi trang viết ăm ắp tấm lòng người cầm bút. Bởi, tôi hình dung, đi đâu, gặp ai, chị cũng quan sát và trân trọng như yêu lần đầu và vui như lần gặp sau cuối. Nghĩa là, lúc nào, chị cũng sống hết lòng trong mỗi phút giây và luôn ứng xử theo cách rất nhân hậu: luôn nhìn con người và sự việc ở mặt tích cực!
Bởi thế, ở mỗi tập sách, tôi cảm phục tác giả ở phần truyện nhưng tôi lại rung động mạnh ở phần ký (tùy bút, tạp bút, tản văn). “Nếu truyện ngắn của Elena Pucillo tối giản và thuộc gam màu lạnh thì tản văn của Elena Pucillo tràn đầy chi tiết, ấm áp bạn bè” (Nguyễn Thị Thanh Xuân)[1]. Quả đúng vậy, những bài ký có nhiều chi tiết độc đáo chứng tỏ tầm quan sát của tác giả tinh tế và khả năng ngôn từ sắc sảo.
Trong sự thành công của hai tập sách nói trên qua bản tiếng Việt, không thể không kể đến công lao của “đồng tác giả” Trương Văn Dân. Bởi, tiếng Việt ở bản chuyển ngữ khá mềm mại và uyển chuyển, nhiều chỗ tinh tế bất ngờ. Khen sự đồng điệu tâm hồn của người viết và người dịch không biết có thừa không nhưng quả là sự tung hứng giữa nguyên tác bằng tiếng Ý và bản dịch tiếng Việt đã đến độ khó cưỡng sự thán phục của bạn đọc.
Trong cuốn Một phút tự do, bạn đọc có thể cảm nhận được sự thích thú khi tác giả lần đầu chứng kiến cảnh tằm ăn dâu: “Đối với tôi đây là lần đầu tiên và tôi lăng xăng đi lại giữa những nong tằm đang rệu rạo ăn dâu với đôi mắt mở to và kinh ngạc như đứa bé lần đầu nhìn thấy biển” (Hơi ấm của một vòng tay).
Tôi thích từ láy “rệu rạo” ấy. Nguyên văn tiếng Ý, tác giả Elena dùng từ “brulicanti” (Per me era la prima volta e mi aggiravo tra le ceste di bachi silenziosamente brulicanti con gli occhi pieni di meraviglia e stupore, come un bambino che vede il mare per la prima volta.) “Brulicare” (động từ) có nghĩa 1. di chuyển một cách lộn xộn (nói về người và sâu bọ, đàn ong chẳng hạn); 2. đông đảo và tạo ra tiếng ồn. “Brulicanti” được nhà văn Trương Văn Dân dịch là “rệu rạo” để diễn tả vừa hình vừa thanh của những cái nong tằm đang ăn lên rào rào và cả sự “lăng xăng” thích thú xen lẫn bối rối của một người lần đầu đứng trước nong tằm ăn rỗi như một đứa trẻ lần đầu đứng trước biển bao la, thăm thẳm!
Cũng trong tập sách trên, người đọc thú vị biết bao khi trải nghiệm cùng tác giả trên một chuyến xe bus đời thường bằng một ngôn ngữ rất “đời”: “Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ một chuyến đi chừng một giờ trên xe bus, tuyến Sài Gòn – Biên Hòa. Trên xe có tài xế, cô gái bán vé và một phụ xe. Nhiệm vụ của anh này là “bắt” các hành khách đang đợi ở dọc đường hay đứng chờ ở bến.” (Angkor Wat. Đi, với trái tim).
(Nguyên tác: Ricordo un percorso di circa due ore su un autobus di linea da Saigon a Bien Hoa, con autista, bigliettaia e un giovanotto il cui ruolo era di prelevare fisicamente i poveri viaggiatori che aspettavano il bus lungo la strada.)
Từ “bắt (khách)” vốn là từ “prelevare fisicamente” nghĩa là “nắm lấy, cầm lấy” (về phương diện vật lý). Tương quan hai từ tương tự nhau, đều diễn tả hoạt động đón khách khá vội của những tuyến xe bus công cộng. Tuy nhiên, khi dịch là “bắt” là một từ thuộc phương ngôn Nam Bộ thì dịch giả đã đưa văn hòa vào đời sống thật sự.
Khi quan sát một bàn tay phụ nữ rót trà đã nâng lên thành nghệ thuật, nữ văn sĩ tả đầy thán phục: “Bằng một động tác thật thuần thục, cổ tay thon mềm của bà chuyển động nhẹ đến nỗi như không thể nào nhận biết, bà chiết đầy trên tất cả các tách trà” (Tà áo lụa và những cánh sen).
Thường thì người ta sẽ dịch là “rót” (trong nguyên tác là “riempire via via tutte le tazzine” có nghĩa là từ từ rót đầy các tách trà (bằng một động tác thuần thục). Nhưng ở đây, nhà văn dịch là “chiết” thật chính xác và uyển chuyển, hoàn toàn phù hợp với động tác đầy nghệ thuật và mỹ cảm.
Ngôn ngữ của tập Vàng trên biển đá đen cũng rất tinh xảo. Có những chỗ rất tạo hình. Chẳng hạn: “Chiếc xuồng trôi đi thật chậm và cuối cùng dừng lại bên một đầm nước có những cánh sen trắng và hồng đang đong đưa trên cuống” (Trà Sư, thánh địa của loài chim).
Trong nguyên tác tiếng Ý, Elena Pucillo viết câu ấy như sau: “La canoa costeggia ora dei fior di loto dai fiori bianchi e rosati, dondolanti sul lungo stelo.” Từ “đong đưa” mà nhà văn Trương Văn Dân dịch, trong nguyên tác là từ “dondolante”, thuộc động từ “dondolare” có nghĩa là chuyển động lắc lư như quả lắc. Chuyển động qua lại, lắc lư mà thành “đong đưa” thì thật là mềm mại và không thiếu tình tứ. Đó là sự sáng tạo lại chứ không dừng ở mức độ là dịch nghĩa.
Đó là sự rung cảm trước cái rung động của hoa. Còn sức chấn động của cái đập cánh nhất loạt của rừng cò thì đến độ “bàng hoàng”: “sự cuồng nhiệt từ tiếng đập cánh đồng loạt của đàn cò đã rung lắc tôi bằng sức mạnh đến bàng hoàng”. Từ “bàng hoàng” vốn là từ “scosso” nghĩa là bị chấn động mạnh về tâm lý, rất ấn tượng.
Ấn tượng về Hà Nội ngồn ngộn trong tản văn Hà Nội, nét đẹp bí ẩn. Trong đó có sự ngạc nhiên đến trầm trồ, thán phục về những tháp trái cây xếp cao ngất nghểu như “thách thức” trái tim hồi hộp của người ngắm nghía: “Tôi kinh ngạc nhìn các kim tự tháp bằng trái cây đặt trước các cửa hàng bên lề đường, trái nọ chồng lên trái kia (…) như thách thức quy luật thăng bằng”. Từ “sfida” nghĩa là thách thức, “sfida le regole di equilibrio” là thách thức quy luật thăng bằng. Trường hợp này dịch sát đồng nghĩa với việc phô diễn cái đẹp của ngôn từ nguyên tác.
Có thể thấy, khi mắt và tim tác giả Elena bập vào cuộc đời làm bật lên hình ảnh, âm thanh, ánh sáng, hương vị của cuộc sống, con người qua phần ký (tùy bút, tản văn) của hai cuốn sách Một phút tự do, Vàng trên biển đá đen thì dịch giả Trương Văn Dân đã rung động hết mình trong thế giới nghệ thuật ấy để chuyển ngữ, để lẩy lên những ngôn từ chính xác, biểu ý và biểu cảm đến độ khó có thể thay thế.
Không có ngôn ngữ không tồn tại văn chương. Lời văn càng công phu thì phẩm chất thẩm mỹ của tác phẩm càng cao. Có người còn ví von sự lựa chọn ngôn từ trong tác phẩm như việc bài binh bố trận! Sự tổ chức lời văn, trong đó có sự lựa chọn từ ngữ để vừa chuyển tải ý tưởng sáng tạo vừa làm cho bạn đọc thụ cảm những điều tác giả muốn nói một cách mới mẻ là yêu cầu hàng đầu của người cầm bút. Có thể nói, nhà văn Elena Pucillo đã làm điều đó một cách đầy ý thức và đến lượt mình, nhà văn Trương Văn Dân một lần nữa lại tái tạo vừa nghiêm cẩn vừa thăng hoa. Dịch mà không chỉ là dịch, vì nhà văn Trương Văn Dân có cùng những trải nghiệm với nhà văn Elena Pucillo, không chỉ hiểu nội dung tác phẩm mà còn đồng cảm sâu sắc với tác giả.
Có thể nói một cách công bằng là: nếu không có nhà văn Trương Văn Dân thì chắc chắn sẽ có một dịch giả nào đó sẽ chuyển ngữ hai tập sách này bởi giá trị tự thân của hai tác phẩm. Nhưng chuyển ngữ “đồng sáng tạo” sách của nhà văn Elena Pucillo như nhà văn Trương Văn Dân thì chắc chỉ có Trương Văn Dân. Trời đã sinh ra cặp đôi Trương Văn Dân - Elena Pucillo và xếp đặt hai văn tài ấy cạnh nhau để cùng tỏa sáng trên hai tập sách vừa qua và chắc chắn là cả những tập kế tiếp trong tương lai rất gần của Elena Pucillo Truong.
[1] Nguyễn Thị Thanh Xuân, Thay lời giới thiệu/ Vàng trên biển đá đen (NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2018).