Phần này bàn về các ghi nhận thời tự điển Việt Bồ La về dạng bị động trong tiếng Việt, cũng là vào lúc các LM Dòng Tên sang Đông Á truyền đạo. Các tương quan ngữ âm đưa ra trong bài này như bị ~ phải, thụ ~ chịu, đắc ~ được không nhất thiết khẳng định nguồn gốc Môn-Khme, Nam Á hay Hán cổ của những từ này vì cần nhiều dữ kiện hơn nữa. Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là một số tác phẩm bằng chữ Nôm của LM Maiorica cùng ba tác phẩm của LM de Rhodes soạn: cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC) và từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra từ điển này trên mạng, như ở trang này
http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false . Các chữ viết tắt khác là NCT (Nguyễn Cung Thông), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), P (tiếng Pháp), A (tiếng Anh), L (La Tinh), CG (Công Giáo), VN (Việt Nam), TQ (Trung Quốc), HV (Hán Việt), Bắc Kinh (BK), TCTGKM (Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông), CTTr (Các Thánh Truyện), MACC (Mùa Ăn Chay Cả quyển chi nhị), ĐCGS (Đức Chúa Giê Su quyển 9 và quyển 10), ĐCT (Đức Chúa Trời), V (Verb, động từ), S (Subject, chủ ngữ/chủ từ), O (Object, túc từ/tân ngữ). Trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để bạn đọc tiện tra cứu thêm.
Có lẽ nên nhắc lại ở đây truyền thống tư duy phân tích (analytical logic) của Tây phương: cắt một câu thành ra nhiều thành phần, sau đó phân biệt loại câu với dạng chủ động (active voice) và thụ động (passive voice) dựa vào vị trí của chủ thể (chủ ngữ, chủ từ S), tân ngữ (túc từ, O) và thì của động từ (V) - như trong tiếng Anh:
Câu chủ động S + V + O
Câu bị động O + (to be[2] + V/past participle) + S
Câu bị động có chủ ngữ là tân ngữ của câu chủ động, do đó nếu câu chủ động không có tân ngữ (như trường hợp của intrasitive verb/nội động từ) thì không thể đổi ra dạng bị động được[3]. Câu bị động thường gặp trong ngữ hệ Ấn-Âu vì (1) để nhấn mạnh nhấn mạnh liên hệ nguyên nhân và kết quả (cause and effect, tư duy phân tích hay logic đường thẳng) hay nêu ra đối tượng bị tác động bởi một hành động, thay vì chủ thể gây ra hành động (2) không biết và không cần biết chủ thể gây ra hành động là ai, ở đâu - nhất là các câu viết trong báo cáo/tài liệu khoa học - vì kết quả khoa học thực nghiệm luôn có tính chất khách quan - hoàn toàn độc lập với địa điểm, thời gian và người liên hệ (chủ quan).
Thí dụ một câu chủ động đơn giản sử dụng các động từ promote (lên chức) và demote (xuống chức, ‘hạ tầng công tác’) :
The management board promotes him (hội đồng quản trị lên chức ông ấy)
The management board demotes him (hội đồng quản trị cách chức ông ấy)
Câu trên đổi qua dạng bị động là
He is promoted by the management board (ông ta được lên chức bởi hội đồng quản trị)
He is demoted by the management board (ông ta bị xuống chức bởi hội đồng quản trị)
Tuy nhiên, tiếng Việt với tư duy tổng hợp[4] (synthetic logic) lại có những cách dùng chủ động và bị động khác hơn nữa
Ông ta/hắn ta/nó/ngài (S) được lên chức/thăng cấp (V) bởi hội đồng quản trị (O).
Ông ta/hắn ta/nó/ngài (S) bị xuống chức/giáng cấp (V) bởi hội đồng quản trị (O).
Chủ từ (đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất) thể hiện qua nhiều hình thức tuỳ theo địa vị trong xã hội và liên hệ với người nói: ông/anh ta, ông/anh ấy, hắn, nó, ngài ... Động từ cho dạng bị động cũng thể hiện bản chất tích cực hay tiêu cực của động từ dạng chủ động: lên chức ---> được, xuống chức ---> bị. Tiếng Anh/Pháp không có các khuynh hướng trên: is promoted cũng dùng tương tự là is demoted hay cấu trúc to be demoted (tiếng Anh ~ être rétrogradé tiếng Pháp) không thay đổi vì nét nghĩa của động từ promote (~ promouvoir tiếng Pháp) hay demote (~ rétrograder tiếng Pháp). Ngay cả cách dùng động từ[5] lên chức, khi dùng từ HV như thăng chức hay thăng cấp thì có vẻ ‘trang trọng’ hơn! Có khi động từ được và bị không cần hiện diện (hiểu ngầm) trong câu bị động vì ngữ cảnh có nhiều chi tiết bổ túc cho nghĩa của động từ chính: "Ông ta lên chức vào tháng bảy sau khi tốt nghiệp đại học bên Pháp"…
Trở về đầu thế kỷ XVII khi các giáo sĩ Dòng Tên sang An Nam truyền đạo, các vị này đã được huấn luyện thuần thục tiếng La Tinh (td. Kinh Thánh) với cấu trúc bị động còn phức tạp hơn các tiếng Anh và Pháp. Thí dụ như câu chủ động sau đây
"Gladius virum necarvit" (Lưỡi kiếm đã giết chết người chồng/NCT: gladius ~ gươm, virum < vir là đàn ông/chồng, động từ necarvit < necare là giết chết)
Đổi ra dạng bị động thành "Vir gladio necatus est" (Người chồng bi chết vì lưỡi kiếm/NCT): không những vị trí các chữ phải thay đổi, nhưng chính các chữ này cũng phải thay đổi (inflected) cho đúng thể/cách cũng như thêm vào động từ thì/là (tiếng Anh là to be ~ sum tiếng La Tinh > est cho ngôi thứ ba số ít) - xem thêm chi tiết trong mục 1.1. Như vậy là các cách dùng đã thay đổi (ông/hắn/nó, được/bị/"hiểu ngầm", lên/thăng, xuống/giáng) theo ngữ cảnh (chủ đề của toàn câu và ý muốn của chủ ngữ) trong tiếng Việt so với chính các chữ dùng phải thay đổi (inflections) cùng với sự xuất hiện của trợ động từ (to be/être/sum) trong tiếng Anh/Pháp/La Tinh.
Ngược dòng thời gian, chỉ cách đây gần hai thế kỷ, tiếng Việt dùng dạng bị động như qua cách dùng phải[6] lừa trong truyện Kiều:
料命世意沛?世箕
Liều mình thế ấy, phải lừa thế kia (câu 2894)
3254 câu thơ Kiều không thấy dùng chữ bị. Tuy không biến đổi chữ (inflection) như tiếng Anh/Pháp/La Tinh ở trên để cho ra dạng bị động, nhưng cách dùng này phải được nhận ra qua ngữ cảnh. Cách dùng "phải lừa" trong tiếng Việt hiện đại lại mang nghĩa khác hẳn với thời đại Nguyễn Du (1766-1820), thí dụ như các câu sau
Tôi phải lừa nó mới thoát ra ngoài được! (chủ động)
Tôi bị lừa nên mất hết tiền (bị/thụ đông)
Đây là trường hợp dễ nhận ra, còn nhiều trường hợp bị động khác nhưng khó nhận diện vì phải nhìn vào ngữ cảnh của các cách dùng này. Bài này giới hạn vào các trường hợp bị động phản ánh qua ngữ pháp thời VBL. Tiếng Việt cách đây bốn thế kỷ (chữ quốc ngữ) không đơn giản và dễ ‘phân tích’ như trường hợp truyện Kiều[7] (chữ Nôm, hay chữ quốc ngữ ‘cũ’), tuy nhiên quá trình tìm hiểu ngữ nghĩa thời VBL cũng cho ra nhiều kết quả rất thú vị. Hi vọng bạn đọc sẽ thấy thích thú và tìm tòi sâu xa hơn về tiếng mẹ đẻ của chúng ta.
1. Các cách dùng dạng bị động
1.1 LM de Rhodes
"việc này đã đoạn[8]" BBC trang 28. LM de Rhodes dịch ra tiếng La Tinh "hoc opus iam factum est" (công việc này đã hoàn tất/NCT). Cấu trúc của dạng bị động trong câu La Tinh trên cũng dùng trợ động từ sum (to be/have tiếng Anh) nhưng trở thành est cho ngôi thứ ba số ít; factum là động từ làm (< facere) ở dạng bị động (supine/passive) và iam là đã qua (already/A). Các ngôn ngữ LM de Rhodes thông thạo như La Tinh/Pháp/Bồ đều có cấu trúc bị động giống nhau (xem phần trên).
"Phải tàu" là bị đắm tàu; "phải[9] biển" là bị đắm ngoài khơi; "thuyền phải cạn phải đá"; "phải nước, phải gió" là bị nước, gió làm hại; "phải liệt[10]" là bị hay mắc bệnh phải nằm trên giường; "phải vạ" là bị vạ; "phải sấm sét" là bị sét đánh - VBL trang 590.
"Thì tàu mới phải cạn[11] mà nghỉ trên núi đất" PGTN trang 99.
"đã ba mươi tám năm, có phải liệt làm vậy" - PGTN trang 192.
"Phải bia" là trúng bia; "phải lòng ai" là yêu ai vì xác thịt - VBL trang 591
"Bị phong ba" là bị gió bão lớn ở biển - VBL trang 34. Ngoài mục bị với nét nghĩa là túi: "Lấy bị đi ăn mày" VBL trang 34, không thấy LM de Rhodes ghi cách dùng động từ bị cho dạng bị động ngoại trừ cụm từ "bị phong ba".
"Chịu tội, chịu chết" là mắc tội, chịu đựng đau khổ (patior/L) - VBL trang 109
"Chịu luỵ" là vâng theo (obedio/L) - VBL ghi hai lần trang 109, 431.
"Được là thắng trong chiến tranh hay cuộc chơi" VBL trang 247; "thì hãy tin ĐCGS hết thì mới được giặc" CTTr tháng 12 trang 7.
"được vui vẻ đời sau ... được lên trên thiên đàng" - PGTN trang 6, 9 ...v.v...
"Phải trận[12]" là chết trong trận đấu hay chết trận (mori in rixa/L) - VBL trang 830.
"Phải dấu" là bị thương tích (vulnerari/L) - VBL trang 166.
"Song le Người chịu phải dấu vì tội lỗi chúng tôi" - PGTN trang 224.
"có khi thì phải đau nặng mà chết" - PGTN trang 127
"cùng trong mình mẩy phải những chốc lếch … Ai trễ nải mà chê đấy, thì phải phạt chết vô cùng" - PGTN trang 128, 305 - chốc lếch là thương tích.
"khiến ra khỏi xác kẻ phải quỷ ám" - PGTN trang 188.
"Thụ lộ, thộ lồ" là ăn hối lộ, chịu hối lộ, VBL ghi hai lần trong mục thụ và lồ (lộ) trang 417, 770; "có kẻ thì thụ lộ (thộ lồ) mà nói ra như lời bảo ấy" - PGTN trang 244.
"Vậy thì các đấng chịu sáng bởi ĐCT" - PGTN trang 61. Câu này cho thấy ngữ pháp tương tự như một số ngôn ngữ Ấn-Âu như La Tinh, Anh, Pháp ...v.v…
Với phạm trù nghĩa rộng của chữ phải, và theo cách hiểu ngày nay, câu sau đây trở nên tối nghĩa (ambiguous) "khi phải phán xét chung trước mặt thiên hạ thì tỏ ra hết" PGTN trang 264. "Phải phán xét chung" hàm ý, theo Kinh Thánh, là "bị phán xét chung", hay khi ĐCGS và thiên thần phán xét tất cả mọi người để phân định tội trạng và công phúc.
"thì những sự khốn nạn và mình và họ mình phải vì mình phạm tội ấy" - PGTN trang 94: khốn nạn nghĩa là khốn khổ/khó khăn (không có nghĩa như cách hiểu hiện đại), cấu trúc và ... và ... tương ứng với vừa ... vừa ... (tiếng Việt hiện đại), phải hàm ý hứng chịu hay bị (bị động, tiêu cực).
1.2 LM Maiorica
"phải liệt[13]" thường xuất hiện trong các bản Nôm của LM Maiorica/cộng sự viên, nghĩa là bị (mắc) bệnh: "Khỏi hai tháng, một người kia phải liệt, mà bởi dái chết chăng … để cho anh phải liệt nặng lắm" TCTGKM trang 149, 70; "phải liệt" dùng 6 lần trong CTTr tháng 5; "chịu ghe sự khó nên phải liệt ... công nghiệp đã nhiều thì phải liệt nặng" - CTTr tháng giêng trang 216, 235.
"Kẻ xưa có tật nguyền thì khỏi chẳng còn tật nguyền chi nữa" - ĐCGS quyển 9/10 trang 137-138.
"ĐCGS chữa đã kẻ phải tật nguyền" - ĐCGS quyển 9/10 trang 157. Để ý cách dùng tương đương của "có tật nguyền" và "phải tật nguyền" vào thời VBL.
"Xác nên đen, xấu xa như quỷ, cả và mình như phải dấu[14] vậy" - TCTGKM trang 137.
"Có khi mắc sự giảng cùng giúp linh hồn người ta" - CTTr tháng 12 trang 14.
"thì ĐCT chẳng cho linh hồn Đức Mẹ mắc phải tội tổ tông" - CTTr tháng 12 trang 58.
"Xác ai đã phải lửa đốt ra tro … bởi mày cho tao phải khốn làm vậy … "hai ta khi sống chẳng khứng yêu nhau, khi chết phải ghét trong địa ngục" - TCTGKM trang 86, 150; "Hỏi người có phải chước ma quỷ gì chăng?" - TCTGKM trang 26.
"giữ đạo ĐCGS cùng chịu luỵ ông thánh Pha-Pha ở thành Rô-Ma" TCTGKM trang 75, chịu luỵ (chữ Nôm 召累) xuất hiện 9 lần trong TCTGKM. TCTGKM không dùng bị 被.
"những phá bể ra phải lửa cháy hết chẳng còn" - ĐCGS quyển 9/10 trang 134.
"Vậy (các thầy cả) phải lửa chết... khi bổn đạo nguyện thì nghe tiếng hát nơi các thánh chịu lửa ấy" - CTTr tháng giêng trang 80.
"Có một người có đạo phải giặt bắt làm tôi, nó khó mặt liên" - TCTGKM trang 49.
"như phải dao sắc thâu sắc thâu qua lòng vậy" - MACC quyển chi nhị trang 107.
"Thương ĐCGS phải đánh đòn như kẻ trộm cướp trước mặt thiên hạ" MACC quyển chi nhị trang 69.
"Nhưng mà quân Giu-Dêu phải trận chết một muôn người" - ĐCGS quyển 9/10 trang 125.
"kẻ phải trận làm tôi nước khác" - CTTr tháng 2 trang 162.
"liền phải quân giặc ném nó hòn đá ngã xuống liền chết" - ĐCGS quyển 9/10 trang 127.
"bắt quỷ cho tôi kẻo mắc phải tay nó ... tôi một ước cho phải nanh nó như gạo thóc phải cối đâm cho nát" - ĐCGS quyển 9/10 trang 103, 118.
"kẻ xưa vác củi lên núi mà rình phải gươm cha chém … thì nó liền phải đau bụng mà đi ngoài ... " - ĐCGS quyển 9/10 trang 15, 68. “Đi ngoài” là đi tiểu (đái) khi nói một cách lịch sự (VBL trang 531).
"con thứ hai trẩy sang đấy cũng phải gươm đâm mà chết" - CTTr tháng giêng trang 99.
"vì quan ăn của thụ lộ[15]" - CTTr tháng 12 trang 40.
"kẻ phải phong ba mất hết của" CTTr tháng ba trang 63. "Phải phong ba" dùng 3 lần trong cuốn CTTr tháng ba, thường gặp trong các bản Nôm của LM Maiorica (không thấy dùng "bị phong ba" - cụm từ này chỉ thấy một lần trong VBL). So sánh với câu 135 trong CTTr tháng ba:"Bổng chốc gió mạnh làm phong ba lả hết cây cối trên rừng ấy", đây là dạng chủ động (active voice) "làm phong ba" (gây ra/tạo ra sóng gió) so với dạng bị động (passive voice) là "phải phong ba".Cách dùng bị phong ba (de Rhodes) và phải phong ba (Maiorica) vào cùng thời kỳ cho ta cơ sở liên hệ bị và phải (xem thêm mục 3.1). Nhìn rộng hơn ra và so sánh một số câu có cấu trúc chủ động và bị động trong vài thí dụ sau đây:
(a) Ra lửa (đốt/cháy) và phải lửa, chịu lửa (bị cháy)
(a1) "Vậy linh hồn người sáng láng hơn lửa trên trời, đêm thì ra lửa thay thảy" - CTTr tháng 12 trang 108.
(a2) "Ngày trước người chịu tiếng xấu ấy mà phải lửa" - CTTr tháng 12 trang 97. Phải lửa thường gặp trong các cách dùng như "phải lửa địa ngục", có lúc thêm động từ đốt cho rõ nghĩa hơn như "chạy vào một nhà nhỏ ẩn mình đấy phải lửa đốt" CTTr tháng 4 trang 3.
(a3) "khi nghe tiếng hát nơi các thánh chịu lửa ấy" CTTr tháng giêng trang 80; trong cùng một trang, phải lửa cũng được dùng "quan giận liền dạy đốt các nhà thầy cả ở, vậy phải lửa chết"...v.v...
(b) Làm phúc và được/chịu/hưởng phúc
(b1) "vì đến giữa đường hết gió phải vào nước mồ hóng mà làm phúc đấy" CTTr tháng 12 trang 11. Làm phúc thường gặp trong các cách dùng như "làm phúc làm phận", "làm phúc đức" ...v.v...
(b2) "Đoạn đầy công nghiệp được lên thiên đàng chịu phúc vô cùng" CTTr tháng 12 trang 74 (cũng để ý cách dùng được lên thiên đàng).
(b3) "thì rước lên thiên đàng hưởng phúc vô cùng" CTTr tháng 12 trang 35.
(b4) "cho người ta được biết linh hồn người đã được phúc trên trời" CTTr tháng 12 trang 74.
(c) Bỏ vạ và phải vạ
(c1) "Lại ghét kẻ bỏ vạ cho ai" CTTr tháng 12 trang 70
(c2) "Chẳng hay nó phải vạ sự gì mà bị vua bắt" CTTr tháng 12 trang 49.
(d) Phạt và phải (bị) phạt
(d1) "Phạt tội ... Thưởng kẻ lành, phạt kẻ dữ" - VBL trang 597.
(d2) "mà xưng ra mình đã phải phạt trong địa ngục vô cùng" - CTTr tháng tư trang 11.
(e) Làm chước và phải chước (mắc/bị chước)
(e1) "Song le, thấy chẳng cháy đến mình thì lại làm chước khác cho khốn" - CTTr tháng 12 trang 87.
(e2) "hỏi người có phải chước ma quỷ gì chăng" - TCTGKM trang 26…v.v…
(f) Có khi không cần phải dùng các động từ bị/được vì ngữ cảnh đã có khá nhiều chi tiết để hiểu nội dung của câu nói:
(f1) "Ông Thánh I-Si-A vua dữ cưa mình người làm hai, ông Thánh Giê-Rê-Mi-A phải ném đá chết, ông Thánh Giu-Ong phải chém" - ĐCGS quyển 9/10 trang 16. Câu trên, theo ngữ pháp tiếng Việt hiện đại, thiếu động từ bị ---> "Ông Thánh I-Si-A bị vua dữ cưa mình người làm hai". Tuy nhiên, hai câu tiếp theo cho thấy rõ hơn trường hợp ông Thánh I-Si-A[16] bị cưa chứ không phải vua dữ kia bị cưa.
(f2) "dù mà ai hùm ăm cá nuốt thì được sống lại như vậy nữa" - ĐCGS quyển 9/10 trang 137. Không thấy dùng động từ bị (hiểu ngầm[17]): theo ngữ pháp tiếng Việt bây giờ thì phải viết là " dù mà ai bị hùm ăn cá nuốt".
(g) Cấu trúc bị động theo ngôn ngữ Ấn Âu (vì dịch trực tiếp từ Kinh Thánh bằng tiếng La Tinh): chịu + động từ/V + bởi + O
(g1) "thì chịu sáng bởi một ĐCT ... Vậy thì các đấng chịu sáng bởi ĐCT" - PGTN trang 61.
Rõ ràng là vào thời các LM de Rhodes và Maiorica sang An Nam Quốc, tiếng Việt đã dùng nhiều dạng bị động. Vấn đề là tìm ra các quan hệ mà ít người nhìn ra được, do đó đưa ra những kết luận chính xác hơn về dạng bị động trong quá trình hình thành tiếng Việt.
2. Các dạng bị động trong Hán ngữ
Bị 被 là động từ trong tiếng Hán dùng cho dạng bị động, cũng như các từ nhượng (nhường) 讓, khiếu 叫, thụ 受, vi 為 hay cấu trúc phức tạp hơn bằng cách dùng đắc 得, địa 地, thị 得, đích 的 ...v.v... Thí dụ như bị nạn 被難 từng xuất hiện trong Chu Thư 周書, Vi Hưu Truyên 韋祐傳 (bộ 43) soạn xong vào năm 636. Bị tửu 被酒 là say rượu, đã dùng trong Sử Kí 史記 soạn vào năm 94 TCN (tác giả là Tư Mã Thiên). Thụ luỵ 受累 là vâng lời/chịu luỵ, đã từng hiện diện từ thời nhà Minh trong tiểu thuyết 初刻拍案驚奇 Sơ khắc phách án kinh kì. Các cách dùng bị (~ phải), thu (~ chịu), đắc (~ được) sẽ được bàn thêm chi tiết ở phần sau. Ít người biết động từ bị HV 被 không hàm ý bị động hay tiêu cực vào thời cổ đại: như 被褐懷玉 bị hạt hoài ngọc (mặc áo vải thô, lòng như viên ngọc - Đạo Đức Kinh) hay 傅說被褐帶索, 庸築乎傅嚴 Phụ Thuyết bị hạt đái tác, dung trúc hồ Phụ Nghiêm (Phụ Thuyết mặc áo vải thô và buộc dây thừng, được thuê làm xây dựng ở Phụ Nghiêm - Mặc Tử/Thượng Hiền Trung 墨子·尚賢中). Vết tích của nét nghĩa cổ của bị (không tiêu cực) còn thấy trong cách dùng bị tuyển 被選 (được chọn), bị biểu chương 被表彰 (được tuyên dương, được tưởng lệ), 被嘉獎 bị gia tưởng (được thưởng), 被推荐 bị thôi tiến (được tiến cử) ...v.v... Càng ngày càng nhiều câu bị động xuất hiện dùng động từ bị - xem thêm chi tiết trong bài viết "The rise of catchword 被 bei-XX - Grammaticalization and reanalysis" của tác giả Yun Xiao (2016).
3. Các động từ[18] thường gặp trong dạng bị động
3.1 Liên hệ giữa phải và bị
Phải có một dạng chữ Nôm là phái/bái HV 沛. Phải có liên hệ gì đến bị không? Chữ bị 被 (thanh mẫu tịnh 並 vận mẫu chi 支 thượng/khứ/bình thanh, khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết
皮彼切 bì bỉ thiết (ĐV, NT, TTTH)
皮義切 bì nghĩa thiết (ĐV, TVGT, TV) - để ý một biến âm của nghĩa là ngãi
平義切 bình nghĩa thiết (TV, LT)
部靡切,音罷 bộ mĩ thiết, âm bãi (TV, LT, VB, CV, TVi) - TVi ghi âm bệ 音陛
攀糜切,音披 phàn mi thiết, âm phi (VH)
TNAV ghi vận bô 齊微 tề (trai) vi (khứ thanh)
CV ghi cùng vần/bình thanh 紕 ? ? 批 鈹 披 被 翍 㱟 旇 耚 ? 磇 錍 (bì phê phi)
CV ghi cùng vần/thượng thanh 避 辟 薜 ? 敝 弊 獘 斃 幣 被 髲 骳 鞁 鼻 比 ? 庳 婢 濞 淠 備 ? 犕 鞴 奰 糒 贔 紕 陛 (tị thí/tích bệ tệ tễ bị bỉ bí *tì)
篇夷切 thiên di thiết (CV, TVi) - TVi ghi âm phê 音批
毗意切 bì ý thiết (CV, TVi, CTT) - TVi ghi âm tị 音避
蒲昧切 bồ muội thiết (TVi)...v.v...
Giọng BK bây giờ là bèi pī so với giọng Quảng Đông bei6 pei5 pei1 và các giọng Mân Nam 客家话: [海陆丰腔] pi1 pi3 [陆丰腔] pi1 [沙头角腔] bi1 bi5 pi1 [客语拼音字汇] pi1 pi4 [台湾四县腔] pi1 pi3 [客英字典] pi1 pi3 [宝安腔] pi1 [梅县腔] pi1 pi5 [东莞腔] pi3, giọng Mân Nam/Đài Loan pi7, tiếng Nhật là hi và tiếng Hàn phi.
Các dạng tương đương của bị 被 là 帔 (bí > váy) cũng như 襬 (bi, bãi > váy). TVGT ghi bị 被 là “tùng y bì thanh 从衣, 皮聲” - bì có một dạng âm cổ phục nguyên là *bai: dựa vào các dữ kiện trên bị có một dạng âm cổ phục nguyên là *bai? và có thể liên hệ đến dạng phải tiếng Việt, dựa vào cách đọc thời Tập Vận 部靡切,音罷 bộ mĩ thiết, âm bãi[19] (khuynh hướng biến âm b > ph, i > ai).
Ngoài yếu tố hài thanh bì[20] 皮, nét nghĩa bao phủ/trùm chăn của bị lại còn hàm ý bị động như tình trạng nằm trong bao/túi, trong bị (một thực thể khác với chủ thể) cho nên không thể chủ động được. Như vậy ta có cơ sở để cho thấy phải là một biến âm của bị, cũng như nội hàm tiêu cực[21] và giải thích được các cách dùng phải liệt, phải dấu, phải tàu, phải biển, phải cạn, phải vạ, phải lửa, phải phong ba, phải đòn ... thường gặp vào thời VBL. So sánh các cách dùng HV cho thấy tương quan giữa bị và phải như bị hoạ 被禍 ~ phải vạ/phải tai vạ (VBL trang 855), bị động 被動 ~ phải động:"mà đất thì phải động" PGTN trang 230. Tính chất tích cực (được) và tiêu cực (bị) từng được học giả Phan Khôi đặt vấn đề trong ‘Việt ngữ nghiên cứu’ trang 147:"tôi ‘được’ ăn cỗ ... chỉ vì thích ăn cỗ nên mới nói ‘được’ không thích ăn nhạt nên nói bị".
3.2 Liên hệ giữa chịu và thụ/thọ
Chữ thụ/thọ 受 (thanh mẫu thường 常 vận mẫu vưu 尤 thượng thanh, khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết
殖酉切 thực dậu thiết (TVGT, ĐV, QV)
殖酉翻 thực dậu phiên (BH 佩觿)
時酉切 thì dậu thiết (NT, TTTH) - NT ghi nghĩa của thụ là đắc dã 得也.
是酉切,音壽 thị dậu thiết, âm thọ (TV, LT, VH, CV, TG 字鑑, LTCN 六書正?, TVi, CTT)
大到切 đại đáo thiết (TV, LT)
後到切 hậu đáo thiết (TV, LT)
胡到切 hồ đáo thiết (LTCN 六書正?, CTT, KH)
TNAV ghi vận bộ 尤侯 vưu hầu (thượng thanh)
CV ghi cùng vần/thượng thanh 受 綬 授 壽 (thụ thọ)
承呪切 thừa chú thiết (CV) - khứ thanh
上與切 thượng dữ thiết (TVi)
許候切 hứa hậu thiết (CTT)
神呪切,收去聲 thần chú thiết, thu khứ thanh (CTT)
叶音暑 hiệp âm thử (KH)...v.v...
Giọng BK bây giờ là shòu so với giọng Quảng Đông sau6 và các giọng Mân Nam 客家话: [梅县腔] shu5 shiu5 [陆丰腔] shiu6 [客英字典] shiu5 [台湾四县腔] su5 [客语拼音字汇] su4 [宝安腔] su3 siu3 [沙头角腔] su5 [海陆丰腔] shiu6 潮州话:siu6 (sĩu), giọng Mân Nam/Đài Loan siu7, tiếng Nhật ju shuu và tiếng Hàn swu.
Dựa vào các cách đọc phiên thiết và phương ngữ Nam TQ, một dạng âm cổ phục nguyên của thụ là *ʑiu (td. Vương Lực phục hồi âm cổ là *ʑĭəu) hay một dạng có phụ âm đầu lưỡi tắt là *duh ... Tiếng Việt thời VBL vẫn bảo lưu âm cổ của thụ là chịu, phản ánh qua các dạng chữ Nôm dùng âm triệu/thiệu HV 召 (Maiorica trong TCTGKM, CTTr ...). Thời VBL đã hiện diện hai dạng thụ và chịu: để ý TVGT còn ghi một âm cổ của thụ[22] là chu (舟省聲 chu tỉnh thanh).
Giáp cốt văn cho thấy chữ thụ tượng hình: hình như bàn tay 爪 (trảo) đưa một cái đĩa 凡 (phàm) cho tay 又 (hựu) khác: hàm ý nhận lấy, dung nạp ... Thời cổ đại dùng với nghĩa 授 (thụ là cho, trao tay). Các dạng chịu và cho trong tiếng Việt đều có khả năng liên hệ đến thụ HV. So sánh các từ HV và cụm từ dùng vào thời VBL và các bản Nôm (Maiorica)
Thụ khổ 受苦 chịu khó
Thụ giáo 受教 chịu đạo
Thụ ân 受恩 chịu ơn (đội ơn, mang ơn)
Thụ hình 受刑 chịu hình:"mà bắt ở trong lửa chịu hình đời đời" PGTN trang 67
Thụ tội 受刑 chịu tội
Thụ phạt 受罰 chịu phạt
Thụ thai 受胎 “chịu thai, nghén, có thai” (VBL trang 733); "Thánh Ma-Ri-A chịu thai sinh đẻ đồng trinh ... Đã trọn đời đồng trinh khi chưa có thai" TCTGKM trang 36, 41.
Thụ luỵ 受累 (chịu phiền luỵ), chịu luỵ (vâng lời) rất thường gặp vào thời VBL:"mà đàn bà phải chịu luỵ chồng ... vì chưng khi ấy thân xác thịt thì có chịu luỵ linh hồn" PGTN trang 77, 81; "chịu luỵ ĐCC cho đến qua đời ... có chịu luỵ ông Thánh Pha-Pha" TCTGKM trang 46, 76.
3.3 Liên hệ giữa được và đắc
Được có một dạng chữ Nôm cổ (Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập) dùng đắc 得 so với chữ Nôm sau này dùng đặc 特 (đực) gần âm được hơn. Được có liên hệ với đắc hay không? Chữ đắc 得 (thanh mẫu đoan 端 vận mẫu đức 德 nhập thanh, khai khẩu nhất đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết
多則切 đa tắc thiết (TVGT, ĐV, QV, CV, TTTH)
都勒切 đô lặc thiết (NT, TTTH)
丁勒切 đinh lặc thiết (NT, TTTH)
的則切,音德 đích tắc thiết, âm đức (TV, VH, LT)
TNAV ghi vận bộ 齊微 tề vi (thượng thanh) - đến thời TNAV, phụ âm cuối -k đã tha hoá: 入聲作上聲 nhập thanh tác thượng thanh
CV ghi cùng vần/nhập thanh 德 ? 㥁 得 (đức đắc)
都木切,音篤 đô mộc thiết, âm đốc (TVi, CTT, KH)
多則切,音德 đa tắc thiết, âm đức (TVi)
都騰切,音登 đô đằng thiết, âm đăng (TVi) ...v.v... Giọng BK bây giờ là dé dē děi so với giọng Quảng Đông dak1 và các giọng Mân Nam 客家话: [东莞腔] det7 [客英字典] det7 [台湾四县腔] det7 [梅县腔] det7 [海陆丰腔] det7 [客语拼音字汇] ded5 diad5 [沙头角腔] diet7 [陆丰腔] det7 [宝安腔] det7, giọng Mân Nam/Đài Loan tek1, tiếng Nhật toku và tiếng Hàn tuk. Dựa vào các cách đọc phiên thiết và phương ngữ, một dạng âm cổ phục nguyên của đắc là *tək, tiếng Việt còn bảo lưu dạng cận âm cổ là được[23] (so với cận âm là đức vào thời Tập Vận). Để ý thêm là một biến âm sau này của đắc là đăng, có thể liên hệ với dạng đặng tiếng Viêt (Béhaine/Taberd ghi đặng trận là thắng trận).
Giáp cốt văn của chữ đắc cho thấy hình bàn tay cầm lấy bối HV 貝 (tiền thời xưa dùng vỏ sò - xem hình bên dưới), do đó đắc có nghĩa gốc là giành lấy, đạt được. Vì là do chính mình đã (cầm) lấy được, như ý muốn của cá nhân (chủ thể), nên được có nội hàm tích cực so với bị.
Giáp Cốt Văn Kim Văn Tiểu Triện Khải Thể
4. Một số trường hợp đáng chú ý trong tiếng Việt
Cũng như các thí dụ 1.2 (f), một số câu bị động được hiểu ngầm trong tiếng Việt như
(h) "có một bà Thánh tên là Ba-Ba-Ra sinh ra ở thành Ni-Cô-Mê-Đi-A ... Ông Thánh này sinh ra ở nước Ca-Pha-Đô-Ri-A" CTTr tháng 12 trang 21, 28 ...v.v... Sinh ra (chữ Nôm/Maiorica 生羅) tương ứng với tiếng Anh to be born ~ [(được) sinh ra] hay tiếng Pháp être né [(được) sinh ra], đều là các dạng bị động!
(i) "sinh nên, sinh thành, sinh ra" cùng nghĩa, "sinh đẻ con" - VBL trang 687.
(j) "đẻ Roma" là sinh ra ở Roma - VBL trang 213.
(h) Để ý sự thay đổi nghĩa của phải: "phải giết" là bị giết chết (être tué/P) - theo LM Louis Caspar (tên Việt là Lộc) trong cuốn "Notions pour servir à l'étude de la langue annamite" (1878) trang 141. Trong tiếng Việt hiện đại, "phải giết" hàm ý chủ động và khi dùng riêng rẻ thì còn mang thêm tính chất ra lệnh.
(i) "Tại nó làm giặc cho nên nó phải chém" theo tác giả Alfred Bouchet, "Cours élémentaire d'annamite" (Tonkin - Hà Nội/Hải Phòng) trang 88. Trong Nam thì Trương Vĩnh Ký dùng bị chém (1886) cũng như Huỳnh Tịnh Của (ĐNQATV/1895).
Tóm lại, vào thời VBL ra đời, tiếng Việt đã sử dụng nhiều dạng bị động rất phong phú dựa vào các động từ phải, được, chịu, đã, có, mặc, thụ, 'hiểu ngầm'.... Nếu chỉ áp dụng các tiêu chí cứng nhắc như cách chia động từ (thì) và trợ động từ (be, get, have/A), vị trí của chủ ngữ và tân ngữ của ngôn ngữ Ấn Âu thì khó nhìn thấy[24] được tiếng Việt có dạng bị động. Thành ra không làm ta ngạc nhiên khi LM de Rhodes đã đưa ra nhận xét về ngữ pháp tiếng Việt "Passiva propriè non dantur - không có dạng bị động/NCT" trong BBC trang 28. Liên hệ với các từ Hán Việt với các động từ như phải (~ bị), chịu (~ thụ), được (~ đắc) làm ngữ pháp thêm linh hoạt và súc tích hơn. Từ nguyên nghĩa, các động từ này chỉ hoạt động cụ thể (sở hữu/có, giành lấy, cầm lấy, bịt/bao lấy ...) và sử dụng một cách rất độc lập như các động từ khác vào thời VBL, chứ không là phụ hay hư từ! Giao lưu văn hoá và ngôn ngữ với Tây phương từ thế kỷ XVII - nhất là sau thời kỳ Pháp xâm chiếm Việt Nam và khi chữ quốc ngữ trở nên phổ thông - cho thấy khuynh hướng dùng bị và được theo dạng trợ động từ, dựa vào cấu trúc truyền thống của phương Tây[25]. Có khả năng miền Nam (Nam Kỳ) sử dụng các động từ bị động như phải, bị, được (đặng) có khác hơn ngoài Bắc. Ngoài ra, các tài liệu chữ Nôm của LM Maiorica/cộng sự viên hay bằng chữ quốc ngữ của LM de Rhodes (VBL) là những mảng văn xuôi quý giá của thế kỷ XVII, và cần phải khai thác thêm nữa để thấy rõ hơn quá trình hình thành tiếng Việt hiện đại từ nhiều góc độ khác nhau.
5. Tài liệu tham khảo chính và ghi chú thêm
1) Pigneau de Béhaine (1772/1773) - Bá Đa Lộc Bỉ Nhu "Dictionarium Annamitico-Latinum" Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM - 1999).
(1774/Quảng Đông à Địa phận Đàng Trong tái bản năm 1837) "Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ" 聖教要理國語 viết bằng chữ Nôm theo dạng Hỏi-Thưa. Y Doãn Ninh/Lê Bảo Tịnh phiên âm và chú giải, La Vang Tùng Thư xuất bản (Mỹ).
2) Dương Hữu Biên (2016) "CÂU CHUYỂN TÁC BỊ ĐỘNG TỪ GÓC NHÌN CỦA TÍNH CHUYỂN TÁC VÀ SỰ TRI NHẬN" tạp chí Khoa Học Đại Học Đà Lạt, tập 6 số 1.
3) Alfred Boucher (1908) "Cours élémentaire d'annamite" Imprimerie D'Extrême-Orient (Tonkin - HaNoi/HaiPhong).
4) Louis Caspar/tên Việt là cố Lộc (1878) "Notions pour servir à l'étude de la langue annamite" Imprimerie de la Mission (Tân Định) – trang 140-146.
5) Huỳnh Tịnh Của (1895-1896) "Đại Nam Quấc Âm Tự Vị" Tome I, II - Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4 rue d'Adran (SaiGon).
6) Đỗ Quang Chính (1972) “Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659” NXB Đuốc Sáng (Sài Gòn).
7) Nguyễn Hồng Cổn/Bùi Thị Diên (2004) "Dạng bị động và vấn đề câu bị động trong tiếng Việt" đăng trong tạp chí Ngôn Ngữ 7, 8.
8) Nguyễn Thiện Giáp (chủ biên)/Đoàn Thiện Thuật/Nguyễn Minh Thuyết (2006) "Dẫn luận Ngôn Ngữ Học" NXB Giáo Dục (Hà Nội) - tái bản lần thứ 11.
9) Nguyễn Hồng (1959) "Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam - Quyển 1 - Các Thừa Sai dòng Tên 1615 - 1665" NXB Hiện Tại (Sài Gòn).
10) Phan Khôi (1954) "Việt ngữ nghiên cứu" NXB Đà Nẵng (1997).
11) Giêrônimô Maiorica (thế kỷ XVII) "Mùa Ăn Chay Cả", "Thiên Chúa Thánh Mẫu - Quyển thượng", "Thiên Chúa Thánh Mẫu - Quyển trung", "Đức Chúa Giê-Su - Quyển chi cửu & Quyển chi thập", "Thiên Chúa Thánh Giáo Hối Tội Kinh", “Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông”, "Kinh Những Ngày Lễ Phục Sinh - Quyển thứ ba", “Các Thánh Truyện” tháng giêng đến tháng 12. Sách lưu hành nội bộ (năm xuất bản 2002/2003 - LM Nguyễn Hưng).
12) V. S. Panfilov (2008) "Cơ cấu ngữ pháp tiếng Việt" NXB Giáo Dục (Hà Nội).
13) Alexandre de Rhodes (1651) "Phép Giảng Tám Ngày" - Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 - Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.
(1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính - NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).
“Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).
"Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646" dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên - Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).
14) Lin Sun (2014) "Comparative Analysis of English and Chinese Passive Voice in Machine Translation" Master dissertation, Universidade do Algarve.
15) Jean Louis Taberd/tên Việt là cố Từ (1838) "Dictionarium Annamitico-Latinum" Serampore (Bengale).
16) Nguyễn Cung Thông (2018) "Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes - Kinh Lạy Cha (phần 5B)" có thể xem toàn bài trên trang https://nghiencuulichsu.com/2018/04/23/tieng-viet-tu-thoi-lm-de-rhodes-kinh-lay-cha-phan-5b/ hay https://www.facebook.com/conggiao.info/posts/1586641711427101 ...v.v...
(2018) "Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes - Kinh Lạy Cha (phần 5A)" có thể xem toàn bài trên trang này chẳng hạn http://conggiao.info/tieng-viet-tu-thoi-lm-de-rhodes---kinh-lay-cha-phan-5a-d-44174
(2016) "Tiếng Việt thời LM de Rhodes - cách dùng đỗ trạng nguyên, trên/dưới… (phần 4)" có thể xem toàn bài trên trang http://chimvietcanhnam.blogspot.com.au/2018/02/
17) Yun Xiao (2016) "The rise of catchword 被 bei-XX - Grammaticalization and reanalysis" đăng trong tạp chí Chinese as a second language 51:1 trang 79-97.
[2] Các trợ động từ khác dùng cho dạng bị động, ngoài động từ to be, có thể là get, need, have ... td. "That car needs to be fixed (xe ấy cần sửa)", "She got hired by the company in 2018 (Cô ta được công ty mướn vào năm 2018)".
[3] Có những động từ chỉ trạng thái (state verbs) cũng không đổi ra dạng bị động được như "I have two brothers" (Tôi có hai anh/em), "This truck weighs two tons" (Xe tải này nặng hai tấn) ...
[5] Vào thời VBL, ăn cơm là cách dùng thông thường cho đại chúng, nhưng dùng (dụng HV) thì lịch sự hơn (trong Kinh Lạy Cha) và cầm thực là cách dùng cho các bậc vua chúa cao sang (và cho đức Chúa Giê-Su).
[6] Các câu khác dùng phải (bị) trong truyện Kiều như câu 2897: 沛??奇負傍 Phải tay vợ cả phũ phàng ...v.v...
[7] Tuy chỉ cách đây khoảng hai thế kỷ, truyện Kiều vẫn có những trường hợp đọc/hiểu (chữ Nôm) khác nhau!
[8] Đoạn 断 斷 là hết, dứt, xong ... VBL trang 226 ghi một nét nghĩa của đoạn là finio (hoàn tất).
[9] VBL ghi thêm một cách đọc khác của phải là phởi, phản ánh phương ngữ miền Trung VN mà giọng Quảng Nam ngày nay vẫn còn bảo lưu cách đọc này.
[10] Các LM Béhaine/Taberd ghi bại trận cùng nghĩa với bị trận. Nhưng trong mục trận, lại ghi nghĩa của bị trận là tử trận! Đây cũng là sự khác biệt giữa cách dùng phải trận giữa VBL và các bản Nôm của LM Maiorica – xem thêm các thí dụ trong mục 1.2.
[11] Đáng lẽ là phải liệt kê tất cả cách dùng và tần số xuất hiện (tần suất) của các từ này trong các văn bản, nhưng không làm theo vậy vì bài viết nhỏ này chú trọng đến cách dùng/nét nghĩa và ngữ pháp bị động trừ trường hợp rất đặc biệt hay rất hiếm - như ức chỉ dùng một lần ("nghìn ức" - PGTN trang 42) mà VBL không ghi.
[12] Các LM Béhaine (1772/1772) và Taberd (1838) ghi bị trận là chết trận. Huỳnh Tịnh Của giải thích bị trận là thua trận, tử trận (ĐNQATV/1895).
[13] Liệt có nghĩa là yếu, ốm đau (bệnh hoạn), "phải liệt" là ‘bị liệt’, bị ốm (bệnh) chứ không phải là bị bại liệt (không cử động được hay hệ thần kinh không có tác động gì đến các cơ/bắp thịt) như theo cách hiểu của tiếng Việt hiện đại. Thời VBL vẫn còn giữ nghĩa Hán Việt của liệt 劣 là yếu đuối, kém cỏi ...
[14] Các LM Béhaine (1772/1773) và Taberd (1838) còn ghi thêm phải dấu là bị dấu.
[15] Thụ lộ HV 受賂 là nhận của hối lộ - đã hiện diện trong Liệt Nữ Truyện 列女傳 thời Hán (năm 18 TCN - tác giả là Lưu Hướng), hay trong Hậu Hán Thư 後漢書 (năm 445 - tác giả Phạm Diệp 范晔). Các tác phẩm chữ Nôm của LM Maiorica và chữ quốc ngữ của LM de Rhodes đều dùng thụ lộ, phản ánh vết tích của lớp từ cổ HV so với cách dùng hối lộ 賄賂 gần thời nay hơn. Hối lộ xuất hiện trong Tam Quốc Diễn Nghĩa 三國演義 (thế kỷ XIV) hay Sơ Phách Khắc Án Kinh Kì 初刻拍案驚奇 (thế kỷ XVII).
[16] Ông Thánh Isaiah hay nhà tiên tri Do Thái sống vào thế kỷ VIII TCN. Ông bị vua Giu-Da Manasseh hành quyết bằng cách cưa thân thể ra làm hai, hay là một trong những Thánh tử vì đạo trước thời ĐCGS.
[17] Dạng "hiểu ngầm" vẫn còn hiện diện trong tiếng Việt hiện đại như kiểu nói "Nhà xây xong (rồi)" (The house has been built/A), tuy cấu trúc là dạng chủ động theo ngữ pháp Tây phương nhưng nghĩa lại hàm ý thụ động: tự cái nhà không thể xây dựng một mình được! Trong câu trên, ta không biết hay không cần biết tác nhân (người) đã xây nhà là (những) ai.
[18] Có tác giả gọi bị/được là trợ động từ, phụ từ, hư từ, hay động từ đã được ngữ pháp hoá ...v.v…
[19] Tương quan giữa phụ âm đầu/môi b- và ph-: bụt ~ phật, buông ~ phóng, buồng ~ phòng, buồm ~ phàm ... Và tương quan giữa nguyên âm -i- và -ai-: trĩ ~ trãi, chi ~ chai (da chai), phi ~ bay, mi ~ mày ...v.v...
[20] bì là da bao bọc cơ thể, cũng không khác với nghĩa bao trùm của bị. Vì vậy, bị có thể là một chữ vừa hội ý vừa hài thanh - cũng như băn khoăn về loại chữ hội ý hay hài thanh của học giả Đoàn Ngọc Tài.
[21] Mắc cũng là một động từ diễn tả một hoạt động cụ thể: mắc lưới, mắc mùng ... Hay hàm ý liên luỵ, dính líu - do đó còn có thể dùng cho câu bị động với nghĩa tiêu cực vào thời LM de Rhodes: "mắc việc", "đàng mắc voi" hàm ý đường đi gặp voi cản trở (VBL trang 444). Thời Béhaine/Taberd (1772/1773-1838) còn ghi nhận mắc vạ (~ phải vạ), mắc bệnh, mắc nợ. So sánh với một động từ khác là mang (đem trên vai/cổ), cũng hàm ý liên luỵ (tiêu cực) với nghĩa mở rộng, như mang tật (bệnh), mang nợ, mang vạ ...v.v...
[22] Tương quan giữa phụ âm đầu tắt th- và ch- của lớp từ trước thời Đường Tống: thị ~ chợ, thì ~ chừ, thục ~ chuộc, thượng ~ chuộng, thúc ~ chú, thốt ~ chợt (đột), thụ ~ chịu (cho) ...v.v...
[23] Liên hệ giữa đắc và được còn thấy trong cách đọc chữ đắc bộ thuỷ (~ dak - nác - nước) 淂 (thanh mẫu đoan 端 vận mẫu đức 德 nhập thanh, khai khẩu nhất đẳng). Chữ đắc 淂 là chữ hiếm với tần số dùng (tần suất) là 161 trên 171894734 có các cách đọc theo phiên thiết
都勒切 đô lặc thiết (NT, TTTH) - NT/TTTH đều ghi là thủy dã 水也
都則切 đô tắc thiết (QV) - QV ghi là thủy mạo 水貌
的則切,音德 đích tắc thiết, âm đức (TV, LT) - TV/LT ghi thủy mạo, chú thêm là 一曰水名 nhất viết thủy danh (để ý nghĩa mở rộng từ nước/chất lỏng đến hình dạng ướt/nước và tên sông nước ...)
丁力切 đinh lực thiết (QV)
丁力反 đinh lực phản (LKTG)
音得 âm đắc (LKTG)
多則切,音德 đa tắc thiết, âm đức (TVi, CTT) - các tài liệu sau thời TV/LT như TVi/CTT ghi thủy mạo ...v.v...
Giọng BK bây giờ là dé dī so với giọng Quảng Đông dak1 và các giọng Mân Nam 客家话: [海陆丰腔] det7 (tet7) [梅县腔] det7 [陆丰腔] det7 [客英字典] det7 [台湾四县腔] det7. Cách đây hơn ngàn năm, tài liệu Hán cổ đã ghi âm *dak (dak, nác) là nước đến từ phương Nam!
[24] Thành ra không ngạc nhiên khi một số tác giả cho rằng tiếng Việt không có câu bị động như A. de Rhodes, G. Cardier, M.B. Emeneau, Trần Trọng Kim, Nguyễn Thị Ảnh, Cao Xuân Hạo, Nguyễn Kim Thản, Nguyễn Minh Thuyết/Đoàn Thiện Thuật/Nguyễn Thiện Giáp ...
[25] Không những chỉ có các câu bị động, ngữ pháp tiếng Việt còn thay đổi các cách dùng loại từ con và cái cho chính xác hơn (theo nghĩa tĩnh vật và động vật của Tây phương), giới từ sở hữu (của), vị trí chữ (word order)…