Cái nhấm nhắc bí bách đã thay ngọn gió xuân phớt phát chút đông muộn và kéo theo những hơi ẩm từ biển hay từ miền xa đâu đó về làm tầm nhìn thu hẹp, bàu trời xám xịt đang cố kéo xuân về, đong đưa vài hạt mưa khiến con đường đất trộn đá thời hiện đại qua một đêm trở nên nhớt nhát. Đường thành phố mà chẳng khác gì đường làng vì những bãi phân chó rải rác. Tự dưng muốn thở dài cái thượt để cái buồn xâm chiếm rồi lại nhếch môi cười với những “nếp sống văn minh, gia đình văn hóa” ở đất ngàn năm văn vật. Cái nét rất văn hóa đó như chẳng được ai quan tâm.
Một ông già dáng khòng khòng trong bộ áo mùa đông với bộ mặt cũ kỹ, đậm màu thời gian, miệng xô lệch một bên chẳng rõ duyên cớ khi ông thấy một cậu trung niên dắt một lúc bốn chú chó lăng xăng. Ông đưa mắt nhìn theo anh chàng dắt chó và một ánh nhìn nhạt thếch, chẳng thể luận được điều gì.
Giăng một bức mành ngang qua hồ là đám sương mù mà giơ tay có thể cảm thấy cái nhẹ, cái lạnh và cái ướt át. Vẫn còn những sợi mưa mảnh như sợi tơ bám hờ trên mặt ông già. Ông sung sướng đón nhận cái lạnh ấm áp của những sợi mưa mảnh như sợi tơ của mùa xuân. Sương mù buổi sớm và những sợi mưa làm ông thanh thản, những nét nhăn nheo và hốc hác trên khuôn mặt già nua dãn ra. Nhờ màn sương mà ông nhận biết được mùa xuân vẫn có gì đó lưu giữ nét ngày xưa, cái ngày xưa yêu dấu, thương nhớ cồn cào trong ông mỗi khi có điều gì đó gợi lại.
Ông nhớ cái ngày xưa đó khi vùng đất này chưa có một nếp nhà cao đến hai tầng. Mọi mái ấm đều dấu mình trong những hàng cây lâu năm um tùm. Hàng năm vào cỡ này, sương bò vào từng nhành lá, từng ô cửa. Ra ngoài ngõ là như đã ngập chìm vào sương. Màn sương đặc khiến sự mờ tỏ trở nên bồng bềnh, đáng yêu. Như người mù, ông cảm thấy sự chênh chao, lơ lửng khi ngập trong màn sương,như chuyện cổ tích nói về ông Tiên, ông Bụt. Rồi màn sương mỏng dần, lại thấy sự mờ ảo thần tiên của sự bảng lảng, hơi sương vờn quanh ta, chùm lên người ta một tấm voan siêu nhẹ rồi nó bay lên cao, nó tan đi… để lại những nuối tiếc cái gì đó hoang hoải, huyền thoại.
Ông lẩm bẩm chẳng ra chê, chẳng ra khencái ỡm ờ của làn sương mơ ảo vốn là đặc trưng của thời tiết mùa này. Ông không thích sự nhớp nháp của cái “quá mù ra mưa”, ông thích cái làn sương đậm đặc sà sát mặt đất, ông thích làn sương mỏng tang lởn vởn, lơ lửng khi lấp ló ánh mặt trời, ông thích những sợi mưa nhẹ bẫng chẳng mấy khi nhìn thấy mà chỉ cảm nhận được qua cái mát lạnh thấm vào da mặt. Cái thứ mưa đó người già cổ như ông gọi là mưa phùn, mưa bụi, người trẻ tân tiến gọi là mưa xuân. Có vẻ như như mưa phùn thì nó quê, nó gợi ra cái mộc mạc, mưa xuân thì nó tân tiến, nó tươi trẻ. Ông thích cái quê.
Ờ thì mưa xuân, mưa bụi hay sương mù gì đó cũng là để chỉ “cái tiết trời” cữ đầu năm mà thôi. Mưa xuân mang dáng dấp mưa phùn, nặng hạt hơn, ướt át hơn. Ông thích mưa bụi vì nó nhè nhẹ giống như làn sương, chỉ chút ít thoang thoảng với những tín hiệu nhận được từ hơi mát dễ chịu của làn da.
Rồi ông nghe thấy tiếng chim hót trên hàng cây quanh nhà. Nhà ông lọt thỏm bên dưới bóng cây nên ông nghe được nhiều tiếng chim và nhận ra cả tiếng hót của những đôi chim đặc biệt đang ở thời xuân sắc. Ông nhìn chúng nó tỉa tót, nhảy chuyền mà bỗng thấy nhẹ bẫng, quên phắt cái cuộc đời lận đận ông đang mang trên vai.
Có vẻ như ngày xưa đó dài và ấn tượng hơn bây giờ. Ông không thích cái dứt khoát của những trận mưa rào, nó đến nhanh và đi mau, chỉ để lại bầu không khí tươi tắn trong chốc lát. Ông cho rằng cách cư xử như thế phũ phàng. Sau cơn mưa, ông đứng dưới gốc nhãn già và cứ để cho những giọt nước to chảy qua các kẽ lá, rơi xuống và đậu lên đầu, lên vai ông, thấm qua áo quần ông, ông không muốn cái thanh thản, mát mẻ đi qua nhanh. Cơn mưa rào như báo hiệu sang một mùa mới, nó như là làn ranh phân chia nóng lạnh, nhưng rồi cái bức bối đeo bám nhơm nhớp sau đó lại làm ông không thích. Ông nghĩ, cơn mưa nhanh quá, chưa đủ độ để gột sạch những u trần, bụi bặm.
Ông thích màn sương đặc hơn mưa rào vì cho rằng màn sương quấn quít gắn bó và gần gũi hơn. Ông có thể bơi trong nó, hòa vào nó và ẩn hiện trong nó. Ông nhớ lũ bạn ấu thơ, vùng vẫy, nhảy nhót trong màn sương đặc rồi ôm chặt nhau cười hồn nhiên giòn như pháo nổ, như ngô rang.
Cái trò trẻ con đó cứ tiếp tục mãi cho đến khi những hạt nước bết lại trên tóc, trên đầu bọn trẻ, những hạt sương đã ngưng tụ thành hạt nước li ti bay lượn gần mặt đất đã va đập vào đầu tóc chúng, những hạt li ti đó cũng rơi xuống mặt đất. Mà hình như nó không rơi, nó cứ lởn vởn, nó rải đều mọi chỗ. Đúng là nó rải đều khắp nơi. Chỉ li ti, li ti thôi nhưng mà rải mãi, rắc mãi cũng đọng thành vệt nước trên đường đi, thậm chí có chỗ đọng thành vụng. Chẳng giải thích nổi vì sao, ông lão thấy những li ti này sạch hơn, trong trẻo hơn, lạ như đã côđọng trong nó cái tinh túy hương đất trời nữa. Nghĩa là ông thích thú với li li hơn những hạt mưa rào ào ào, xối xả mùa hè. Ông tự thấy mình đã có sự thiên lệch về phía nhẹ nhàng, bé nhỏ, mềm mại.
Cái thích theo suy nghĩ khác của ông là những ngày có sương kéo dài đủ độ. Làn sương mỗi sớm kia đến chơi với ông vừa đủ độ thân thiết, độ quyến luyến và đã đến lúc ông thấy chán, thấy khó chịu. Không còn sương thì cũng chấm dứt cái cảnh mờ ảo, ươn ướt, âm ẩm. Những tia nắng kéo về, sương mù không còn nữa, ông lại nhớ, lại tiếc cái cổ tích thần tiên ngây thơ như trong mộng đó. Ông đã từng mơ, giá như, những làn sương đó bay vào tận chiếc giường ấm cúng mà ông đang nằm, chắc ông sẽ hình dung mình đang được nâng lên trên trời cao, ông sẽ được bay cùng các thiên thần, nơi có vườn địa đàng, nơi đầy ắp tình thương… và cứ thế mơ màng, đều đều theo giọng nói của bà ngoại đang ôm ông, ông lại ngủ tiếp trong lòng bà.
Ông chầm chậm đến bên đống lửa còn leo lét. Ông biết nơi đó có một ông già vô gia cư cỡ tuổi ông. Đã nhiều lần hai người nói chuyện với nhau như những người bạn đồng niên. Họ hòa hợp trong mọi câu chuyện. Ông không bao giờ hỏi về gia cảnh của người bạn vô gia cư đó. Ai chẳng có những uẩn khúc chỉ muốn chôn chặt, giữ cho riêng mình. Cái gọi là san sẻ của người đời lắm lúc cũng chỉ là chiếu lệ, dẫu không cố tình đánh bóng bản thân nhưng vẫn bị nghi ngờ… Cái gọi là tiếng đời muôn điệu là thế…
Hai ông già huơ những bàn tay già nua, nhăn nheo, khô khẳng lên ngọn lửa tàn. Họ ngồi im không nói. Những giọt nước li ti theo gió tạt vào mặt ông. Mùi khói khen khét hòa lẫn hơi sương tạo nên một giải xanh xám quấn quít trên tán cây si, chỗ ngủ của ông bạn vô gia cư, như muốn giữ lại chút hơi ấm cho người có hoàn cảnh éo le. Ông nhận ra chẳng riêng gì ông lo cho ông bạn này mà cây cỏ, thiên nhiên cũng đang che chở cho ông ta. Cuộc đời vẫn có sự bao dung, đền đáp, bù trừ như thế.
Tiếng lích chích của bọn sẻ nâu kêu đùa nhảy nhót trên cành làm ngắt mạch đoạn hồi tưởng xưa nay lẫn lộn trong ông. Tiếng chim tạo nên niềm vui. Những chồi non đang nhu nhú đâm chìa ra những cành cây tưởng còn như khô mốc. Ông đứng lên, đôi mắt hai ông già đều đã bạc màu thời gian chạm nhau.
Vinh Anh-16/3/17
Những ngày ướt át