Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.278
123.158.748
 
Đỗ Trung Quân
Phạm Thanh Chương

 

  (Hoa phượng tháng năm rơi đầy vỉa hè

      Rụng xuống trên vai người thầy học cũ)

 

Tháng năm trời Sài Gòn nóng như đổ lửa, tôi chờ khách để bán tờ báo cuối cùng, người,xe qua lại đông đúc nhưng chẳng có ai mua. Tôi cố ngồi nán lại trong cái nóng rát bỏng của những ngày sắp vào hè.

 Cuối cùng, tờ báo vẫn bị ế và đành phải xếp lại đem về. Tôi đã“gặp” Đỗ Trung Quân với bài thơ“Có một chiều tháng năm” của anh đăng trong tờ báo ấy. Đó là sau 1975, một thời gian  dài tôi ngồi bán báo lẻ ở vỉa hè, những ngàytháng sống trong nỗi lo âu và chật vật vì cơm áo.

 

“Gặp” anh trong trường hợp như vậy,mãi cho đến lúc cùng làm việc chung với anh tại tờ Áo Trắng.

    Đỗ Trung Quân phụ trách chuyên mục “Tuổi vào đời” trên Tuổi Trẻ chủ nhật, anh cũng là họa sĩ vẽ minh họa. Là thành viên trong ban biên tâp thơ văn Áo Trắng cùng với hai nhà văn Đinh Tiến Luyện và Đoàn Thạch Biền, anh là người chọn thơ cho mỗi tuyển tập AT từ trong chồng thơ dày cộm của bạn đọc gởi cho mỗi chủ đề. Báo Tuổi trẻ và Nxb.Trẻ  chỉ cách nhau một bức tường ở gần cuối đường Lý Chính Thắng. Hàng ngày anh vẫn qua lại giữa hai nơi làm việc : tập san Áo Trắng và báo Tuổi Trẻ, lúc qua đưa bài vở, lúc qua chọc cười các biên tập viên rồi biến mất, có ngày Đỗ Trung Quân ghé lại chỗ tôi làm việc 2,3 lần nhưng có khi cả tuần không thấy mặt anh đâu. Tìm Đỗ Trung Quân cũng không đơn giản chút nào. Qua báo Tuổi trẻ, đến phòng anh làm việc chỉ thấy chiếc bàn trống, hỏi thăm thì không ai biết anh ở đâu.Lúc đó chưa có điện thoại di động như bây giờ.

Đỗ Trung Quân - một người lãng mạn và đầy chất nghệ sĩ, nên được làm việc chung với anh là một điều thú vị,  mỗi lần vào chỗ tôi làm, anh thường mang đến một tin “giật gân” với câu nói trở thành quen thuộc: “quí vị biết tin gì chưa?” hoặc một mẫu truyện cười do anh “sáng tác” hay bắt gặp đâu đó trên đường,  có lúc anh đến với Phạm Chu Sa, có lúc anh đi cùng Nguyễn Nhật Ánh là hai “chuyên gia” nói tếu làm cả phòng cười nghiêng ngã. Nên mỗi khi đến chỗ làm, tôi cứ mong Đỗ Trung Quân ghé lại, nhưng nhiều lúc cũng muốn “khùng”luôn, vì khi cần tìm anh để lấy bài bổ sung đưa đi nhà in cho kịp thì anh lại “biến mất” không để lại chút dấu vết nào.

   Nói đến Đỗ Trung Quân người ta liên tưởng đến nhạc phẩm Quê Hương, một nhạc phẩm nổi tiếng trong thập niên 1990 do Giáp Văn Thạch phổ từ bài thơ :“Bài học đầu cho con” của anh. Đây là bài thơ anh viết từ năm 1986 để làm quà sinh nhật cho cháu Quỳnh Anh con gái của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Khi phổ nhạc bài thơ, Giáp Văn Thạch đã đổi tựa thành Quê Hương, một bản nhạc không những nổi tiếng trong nước mà còn lan tỏa đi xa, gợi nhớ hình ảnh của thân yêu của một quê nhà mà ai cũng có.

Giáp Văn Thạch mất năm 1986, rất tiếc là khi nhạc phẩm Quê Hương thành công vang dội thì anh không còn nữa. Năm 1996 đài truyền hình NHK của Nhật Bản công bố giải thưởng cho bài Quê Hương là ca khúc châu Á được sử dụng lâu dài 10 năm (1986-1996) trên truyền hình của Nhật với số tiền thưởng một ngàn đô la Mỹ. Đỗ Trung Quân đã dành trọn số tiền này trao cho vợ nhạc sĩ Giáp Văn Thạch. Báo Tuổi Trẻ đã tổ chức lễ trao giải vào năm 1997. Từ 20 năm nay, Đỗ Trung Quân đã trao toàn bộ những gì thuộc về vật chất cho gia đình nhạc sĩ quá cố và anh cũng có văn bản với nội dung như trên gởi cho Cục Bản quyền

 

 

   Đỗ Trung Quân là một người đa tài trong nhiều lĩnh vực, nói theo nhà văn Nguyễn Đông Thức, Đỗ Trung Quân là người nhẹ ký (anh chỉ có 39 ký) nhưng trong lĩnh vực văn chương, nghệ thuật anh không hề nhẹ ký chút nào.

   Là một MC nổi tiếng, có lúc anh ngồi trên “ghế nóng”, từ người ta thường ám chỉ cho những người làm giám khảo trên truyền hình và …anh cũng là một diễn viên điện ảnh trong bộ phim nhiều tập “ Bỗng dung muốn khóc”. Lĩnh vực nào anh cũng “chơi” được một cách xuất sắc.

    Tại làng du lịch Bình Quới trên bán đảo Thanh Đa, hẳn ngưởi tham dự lễ kỷ niệm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong những năm gần đây vẫn không quên một Đỗ Trung Quân trong vai trò MC nổi bật và để lại nhiều ấn tượng khó quên trong lòng của mọi người

    Là một nhà thơ tên tuổi nhưng trong  hội họa anh cũng là một tay “cựphách”, tết nguyên đán năm ngoái anh đã “phóng bút” một loạt tranh gà nóng hổi không kịp trao tay cho bạn bè hay người hâm mộ. Điều đáng nói ở đây là tấm lòng… một tấm lòng, dù là “để gió cuốn đi”. Anh đã gởi tặng những bức tranh giá trị cho “Mô Tô học bổng” một tổ chức từ thiện của hai nhà văn Nguyễn Đông Thức và Đoàn Thạch Biền bán đấu giá để góp vào quỉ học bỗng tặng cho những học sinh nghèo ở những vùng nông thôn heo hút.

    Tôi chưa hề biết hay nghe nói một văn nghệ sĩ nào là người giàu có ngoại trừ trường hợp đặc biêt ở thời tiền chiến, lúc đó Việt Nam chỉ có hai chiếc xe hơi đắt giá và sang trọng vào bậc nhất, một chiếc của Thủ hiến Bắc kỳ và chiếc còn lại là sở hữu của người nhạc sỹ tài hoa Đoàn Chuẩn. Ông viết những nhạc phẩm về mùa thu óng ả, mượt mà hay đầy lãng mạn như..“Gởi gió cho mây ngàn bay”, ông nổi tiếng đào hoa và cũng nức tiếng là người giàu có một thời. Đỗ Trung Quân đã trải qua những tháng ngày lận đận, anh mở quán Dziều Đỏ nhưng không thành công như quán Ruốc của Mường Mán hay quán Đo Đo của Nguyễn Nhật Ánh.

Vừa rồi anh đến thăm tôi, ngày xưa thì khác, có biết bao điều để nói. Giờ khi gặp lại nhau,  tôi chỉ hỏi anh có hai điều : sức khỏe và cuộc sống. Trong lúc trao đổi với anh thì có người đến xin anh chữ ký. Anh ký tên,ân cần hỏi han, chuyện trò với họ như một người bạn lâu ngày.

   Nắng buổi sáng đã bắt đầu gay gắt, tôi nghĩ, khi ra đường Đỗ Trung Quân có nhiều người biết mặt, nhiều người ngưỡng mộ thật là một điều ấm áp biết bao.

 

  Saigon, tháng 4. 2018

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phạm Thanh Chương
Số lần đọc: 2697
Ngày đăng: 31.05.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nguyễn Nhật Ánh - Phạm Thanh Chương
Đọc tập thơ Đủng đỉnh trăng về - Bùi Minh Vũ
Nhà văn Hồ Việt Khuê với tác phẩm mới - Phan Chính
Trần Hoàng Vy “những trang thơ thơm ngát gió sông Trà” - Lê Ngọc Trác
Hai văn tài trên hai cuốn sách - Chế Diễm Trâm
Tôi sinh ra để cháy - Nguyễn Thánh Ngã
Đọc “Dấu hỏi” của Đặng Xuân Xuyến - Đặng Xuân Xuyến
Đọc “Miền thơ thao thức” - Bùi Minh Vũ
Biển của Nguyễn Thanh Lâm trong Rừng Xanh Mưa - Đặng Xuân Xuyến
Câu chuyện thơ văn xuôi (6). - Lê Anh Thu