Anh là bậc đàn anh, còn tôi thuộc vào hạng đàn em thân tín (chính anh bảo thế). Cái gì ở anh cũng hơi trái khoáy. Lúc đang nhậu thì không ai trẻ bằng, đến lúc trả tiền thì anh già lụ khụ. Khi anh nói, khí thế hăng như giữa đám cãi nhau, song lúc phải nghe thì anh lập tức lờ đờ như lên cơn buồn ngủ. Ai thuận theo thì anh khen tít mây xanh, ai phản đối thì anh mắng là đồ này đồ nọ. Chúng tôi vẫn thường nói vụng với nhau: “may mà lão này vác phi cái số giả quan, nghĩa là cũng có chút địa vị, chức tước gọi là. Chứ vô phúc mà làm lãnh đạo to thì chắc độc tài phải biết...). Được cái anh giao du rộng, chỗ nào cũng có người quen. Cũng bởi anh có nhiều tài năng trời phú, văn thì xuôi như nước chảy chỗ trũng, còn thơ thì chắc như đinh đóng cột. Trong cái làng gọi là văn chương lốm đốm rải ra khắp nước, anh chả cần phải tự nắm tóc lôi mình lên, thì lúc nào cũng có cảm tưởng mình trội hơn người khác. Đã thế vợ con anh đề huề, cửa nhà anh đĩnh đạc. Nhân tình (nghĩa là những người hâm... nóng anh) thì gặp đâu có đấy, sẵn như đồ trong túi lôi ra, dễ như quả trên cây hái xuống... Người như thế, rõ là có tướng đại quý. Không ngũ đon (năm cái ngắn) thì cũng lục trường (sáu cái dài), không tam nhu (ba cái mềm) thì cũng phải nhất cương (một cái cứng)...
Chỗ anh ở Thủ đô, còn tôi Sài gòn. Một hôm nghe anh điện thoại, tôi mừng như dẫm phải vàng. Anh bảo đến gặp anh ngay, anh mới bay vô, đang ở Hô - teo Chiến thắng. Tôi phóng đến bằng ba chân bốn cẳng. Vừa bước vào phòng, anh hỏi ngay, giọng vồ vập:
- Chào chú em yêu quí. Ông bà già có khoẻ không?
Tôi cảm động suýt oà lên khóc, vội trả lời mà nước mắt bỗng rưng rưng, giọng như muốn nghẹn lại giữa chừng:
- Chỉ có mỗi anh vẫn quan tâm đến... bố mẹ em. Dạ!... Bố mẹ em đang...
Anh chưa kịp nghe tôi nói hết, đã vội ngắt lời:
- Anh vừa xuống sân bay, có lãnh đạo Hội văn sĩ Sài gòn ra đón. Các anh ấy... (anh kể ra một loạt các tên tuổi văn chương lừng lẫy, nổi tiếng sóng cồn) muốn tổ chức chiêu đãi trọng thể. Nhưng anh có việc với chú nên xin hoãn đến mai. Chờ anh vào toa lét đã nhé, rồi chú chở anh đi đâu thì đi. Nhớ chọn cái quán nào đèm đẹp...
Tôi dẫn anh tới một quán nhậu mát mẻ. Vừa ngồi xuống, anh hỏi thăm ngay:
- Chú sống thế nào? Ông bà già có khoẻ không?
Tôi chưa trả lời vì thấy anh còn đang mải nhìn mấy em gái xinh đẹp, ngon như những miếng bít - tết biết đi. Anh ngẩn ra một lát rồi lại bảo:
- Nghề của anh là nghề sáng tạo. Nếu thiếu người đẹp là ảnh hưởng tới năng suất sáng tạo ngay. Chú có quen văn sĩ Sài gòn nào thì mời đến cho vui.
Tôi bảo có số điện thoại của cái bác “lừng lẫy” ấy. Lại biết cả điện thoại của vị thi sĩ “sóng cồn” kia nữa. Anh mừng lắm vỗ đùi bảo:
- Thật đúng ý anh. Chú mau gọi điện mời họ tới.
Kết quả là bác “lừng lẫy” tới trước. Tôi chào bác, bác bắt tay tôi mà quái lạ, chả thấy bác đả động gì đến anh. Anh bèn cất tiếng chào rõ to, dõng dạc gọi cả họ lẫn tên của bác ra. Bấy giờ bác mới trỏ tay hỏi:
- Mày là thằng nào?
Tôi suýt bật cười nghĩ bụng bác này chắc đãng trí. Anh chẳng bảo với tôi rằng bác mới cùng đoàn văn sĩ Sài gòn ra “đón” anh ở sân bay đó sao?
Cuối cùng thì anh đành tự giới thiệu tên tuổi, bút danh... của mình. Tất nhiên anh không quên liệt kê kèm theo một hai giải thưởng...
Thi sĩ “sóng cồn” đến sau một lát. Hai người (anh và thi sĩ) vốn biết nhau từ trước nên không cần phải nói. Nhưng có thêm chuyện này, nhân tiện kể ra luôn. Để chứng tỏ sự “quảng đại” của mình, anh bèn móc điện thoại ra tuyên bố sẽ gọi cả “thằng đấu sĩ” lừng danh họ Trình tới nhậu cho vui. Sau một hồi a-lô, anh gập điện thoại lại tiu nghỉu:
- “Thằng” ấy (đấu sĩ họ Trình) đang ở tận Hồng Kông, vợ nó bảo thế.
Tôi biết vợ “đấu sĩ” họ Trình vốn hành nghề y. Xưa nay thường “dấu” chồng một chỗ, không cho đến những chỗ nhậu nhẹt, sợ tổn hao sức khoẻ, ảnh hưởng tới sự nghiệp “đấu đá”. Bèn buột miệng:
- Hồng Kông hồng kiếc gì. Lão đang ở trong... toa - lét thì có.
Anh chợt cáu lên với tôi:
- Không tin, chú gọi lại thử xem.
Tất nhiên là tôi cũng móc ngay điện thoại ra. Vẫn gặp cái bà vợ sử chồng rất kĩ, dụng chồng... như dụng mộc ấy. Nhận ra tôi, bà vồn vã: “gặp anh hả... chú chờ một lát để chị gọi anh ra nói chuyện nhé...”
Quả là “đấu sĩ” vẫn có nhà. Tôi nhìn thấy màu đỏ trên mặt anh đang “bò” dần xuống cổ, bèn chữa thẹn cho anh:
- Số là bác không biết đấy thôi. “Đấu sĩ” họ Trình vốn rất yêu môn địa lý. Trong nhà ông, mỗi chỗ đều được đặt tên theo bản đồ... thế giới. Ví dụ phòng khách là “Pa ri”, phòng ăn là “Đà lạt”. phòng ngủ tầng trên gọi là “Bắc Kinh”, phòng ngủ tầng giữa gọi là “Hà nội”. Nhà bếp thì gọi là “Công Tum”, còn toa - lét, cái thì đặt tên là “Hồng Kông”, cái thì đặt tên là “Thượng Hải”... Vợ chồng con cái nhà ông vốn quy ước với nhau như thế. Lúc nãy bác gọi, đúng là “đấu sĩ” ấy đang ở... (toa - lét) “Hồng Kông” thật.
Sau đó bữa nhậu diễn ra khá vui. Các văn sĩ gặp nhau bao giờ chẳng rôm rả. Đề tài (được anh lái) tới chuyện giải thưởng của hội năm nay. Té ra bác “lừng lẫy” vốn có chân trong ban giám khảo. Còn vị thi sĩ “sóng cồn” nghe nói thân với ông Hội trưởng... Rồi thì cụng ly, đọc thơ, tán chuyện... hay đáo để. Đang vui, mặt anh bỗng xị xuống, bùi ngùi:
- Em vừa đi một “quệt” từ Bắc vào Nam. Thấy văn sĩ làng ta bây giờ, ở đâu cũng khốn nạn, cũng khổ sở, khổ hơn cả chó. Nhất là các bác trong này. Em thương lắm, đau lòng lắm...
Vừa nói, anh vừa đưa tay lên, dùng ngón tay day day vào hai cái túi nước mắt to bằng hai quả táo nằm ngay dưới mi mắt. Lập tức, hai dòng nước mắt chảy xuống ròng ròng. Tôi biết, môn này anh luyện đã tới mức thượng thừa. Đó gọi là “nhãn thuật” (thuật của mắt). Cũng như “khẩu thuật” (giả được tiếng thú), hay “nhĩ thuật” (vẫy được hai tai)... Rồi anh rút khăn mùi soa ra lau, nhân thể hỉ mũi luôn mấy cái. Cảnh tượng lại càng thêm bi tráng. Đến nỗi khiến cho một kẻ khô khốc như tôi, mà cũng cảm thấy tan nát cõi lòng. Hỡi ôi! Lão Tử ngày xưa sinh ra ở huyện Khổ, nước Sở, mà cũng có đến nông nỗi này đâu?...
Rồi bữa nhậu cũng đến lúc tàn. Trong lúc tôi móc tiền ra trả, anh vừa dúi vào tay tôi mấy cái phong bì rỗng, vừa ghé tai tôi nói nhỏ:
- Chú vào toa lét, bỏ vào mỗi phong bì một triệu đồng rồi mang ra đây cho anh. Có việc phải dùng đến bây giờ...
Rồi tôi đưa anh về lại Hô - teo Chiến thắng. Trước khi chia tay, anh vẫn không quên nhắc lại lời thăm hỏi lúc chiều:
- Ông bà già có khoẻ không?...
Cuối năm ấy, có dịp ra Thủ đô, giữa phố đông người, tôi giật mình nghe tiếng anh gọi. Chưa kịp định thần thì anh đã ào tới, mừng rỡ nắm lấy hai vai tôi, vồn vã:
- Chú ra bao giờ thế? sao không điện cho anh. Ông bà già có khoẻ không? Báo ngay để chú mừng. Tập... của anh vừa được Hội Văn sĩ nước ta trao giải. Chú có tiền đấy không? anh em ta phải kiếm chỗ nào ăn mừng mới được...
Anh kéo tôi vào một quán bia hơi. Đã có mấy người bạn mặt trắng của anh ngồi sẵn từ lúc nào. Mọi người nâng cốc chúc mừng chiến thắng của anh. Anh tỏ vẻ sướng ra trông thấy. Nghĩ cũng phải thôi, đến như tôi, chỉ hưởng cái sướng lây mà cũng tê tái cả người. Đang say sưa, chợt nghe ở bàn nhậu phía sau lưng, có tiếng ai đang ngâm một bài thơ cổ:
“Giải văn có phải đi cầu?
Mà xem danh giá như màu cỏ cây!
Mới hay muôn sự từ đây
Đường tu có nẻo một ngày thành... sư!
Chẳng say cũng giả ngất ngư
Mặt ai nhìn mãi vẫn như... chưa nhìn!”