Phương(bên trái) và tôi tại chùa Thiên Mụ, Huế (1998)
Tháng 6/1969, chúng tôi bốn đứa tuổi chưa tròn 20 nhưng đồng khí tương cầu nên đã sớm thân nhau, vì cả bốn đứa đều mơ ước làm nghệ sĩ. Nói thật trong tâm cả bốn thằng, học thì học nhưng hồn thì lãng đãng muốn tìm về một cõi. . .để thoát ra khỏi cuộc đời quá nhiều biến cảnh đau thương, mất mát. . .bể dâu, ấy là máu xương oan ngiệt của tết Mậu-Thân 1968.
Phương những năm ấy tôi không nhớ là đang học trường nào ở Huế, tôi chưa hề thấy Phương mặc áo trắng quần xanh đến một trường trung học nào ở thành phố Huế cả ngoài trường Quốc Gia Âm Nhạc trong Đại Nội nơi thầy Mẫn và thầy Bửu Ý giảng dạy những bộ môn nghệ thuật.
Người bạn thứ hai thủa ấy là Nguyễn Văn Phước ở đường Võ Tánh [ bây giờ là Nguyễn Chí Thanh]. Phước sinh trưởng trong một gia đình viên chức của chính quyền VNCH, anh em trong nhà đều tài hoa, Phước là em của họa sĩ Nguyễn Thi, người đã dựng công tạo tác bức tượng Đức Thánh Trần-Hưng-Đạo ở Vũng-Tàu. Phước năm ấy đang theo học ở trường Cao-Đẳng Mỹ-Thuật trong Đại-Nội Huế.
Người bạn thứ ba là Lê-Minh-Đức, nhà ở cạnh chùa Tăng-Quang-Tự cũng trên đường Võ-Tánh [bây giờ là Lê-Minh-Đạo, trưởng ban nhạc Hải-Đăng Nha-Trang, đã về hưu]. Cha mẹ Đức là những bậc phụ mẫu hiền nhân, xem chúng tôi như con cháu mỗi lần chúng tôi đến chơi với Đức. Năng khiếu âm nhạc Đức đã thể hiện thời kỳ ấy rồi. Đức đã hát bài “ Bến Xuân “ của Văn-Cao trên đài truyền hình đen trắng Huế vào năm 1970 mà tôi xúc động lắng nghe khi ở trong lao Thừa Phủ vào chiều tối thứ bảy tù nhân được xem tivi.
Còn tôi, nhà ở 1 Hồ-Xuân-Hương Huế, tử vi đã chấm “ thiếu niên tân khổ “, nên tết Mậu-Thân, yêu nước quá sớm, bỏ học đi theo mấy ông VC lên rừng, bị Mỹ bắt ở Đồng-Xuyên, Quảng-Điền nơi quê hường của ông thi-sĩ Trần-Vàng-Sao, may mà được phóng thích sớm để về tiếp tục đi học thêm vài năm nữa và tiếp tục mộng làm thi sĩ..
Mùa hè năm 1969, bốn thằng chúng tôi bàn tính với nhau tìm một nơi nào thanh cảnh để cảm xúc mà sáng tác. Phương gợi ý :
-
Tau đi về Bao-Vinh nhìn qua Tiên-Nộn thấy đình chùa cây cao bóng cả thật đẹp.
Mẹ Phương thời ấy bán đủ loại vật liệu của quân đội VNCH và quân đội Mỹ, có những thùng xốp to như chiếc xuồng, thế là Phương lấy một chiếc xuồng xốp. Sáng hôm ấy chúng tôi hẹn hò mang theo lương thực, nồi niêu làm một cuộc lãng mạn tìm cảm hứng.
-
Phước thì mang theo giá vẽ, bút màu.
-
Đức thì ôm cây đàn ghita.
-
Còn Phương và tôi hai thằng tập tành làm thơ chỉ có giấy và bút.
Đứng bên nầy Bãi-Dâu, đoạn gần Bao-Vinh nhìn qua bên kia Tiên-Nộn nơi có ngôi đình rợp bóng cây cao bóng cả, đúng như lời Phương nói. Thiên nhiên thật hoành tráng cảm xúc. Thế là bốn thằng chúng tôi cởi áo quần, đồ đạt bỏ lên xuồng xốp rồi níu lấy xuồng mà bơi.
Đây đúng là Bến Tiên. Trước sân đình cạnh bến sông là một không trời cây xanh, sông nước mênh mông. Phước dựng giá vẽ, Đức ôm đàn hát mấy khúc tình ca, còn Phương và tôi loay hoay chuẩn bị bếp núc làm một bữa ăn thật ngon với cỏ cây hoa lá.
Khi cơn gió ban trưa bắt đầu xao xuyến cây cành, dòng Hương gợn sóng, nắng ngập tràn khắp nơi. . .bỗng từ đường thôn Tiên-Nộn một nàng tiên mặc áo màu thiên thanh xuất hiện, ban đầu nàng có vẻ ngạc nhiên đứng nhìn chúng tôi, nhìn Phước đang cầm cọ trên giá vẽ, nhìn Đức ôm đàn, nhìn Phương và tôi loay hoay bếp núc. Bốn thằng chúng tôi rộn rã niềm vui, không có thằng nào dám mở một lời. Hình ảnh tôi còn nhớ đến ngày nay, nàng mặc áo màu thanh thiên, tóc dài, đẹp thật đẹp, nàng đứng dưới tàn cây khá lâu, vít cành cây và nhìn chúng tôi cười. . .rồi khuất bóng.
Phương và tôi lấy giấy bút ra làm thơ, tôi nhớ tôi làm bài thơ ngũ ngôn, đến nay không nhớ một câu, còn bài thơ của Phương, lạ thật, tôi thuộc khi nào không biết và tin chắc, sau 58 năm, kể từ ngày về Tiên-Nộn, tôi vẫn nhớ từng chữ, thời non trẻ Phương đã thể hiện hồn thơ mơ ước về “ Cái Đẹp “. Đây là một trong những bài thơ của Phương mộng làm thi-sĩ đầu đời:
BẾN TIÊN
Lãng nhân ghé bến ngày hè
trên cành cao gió mân mê lá ngàn
mây tắm hồn giữa trường giang
lăn tăn sóng gợn cuộn vàng giọt châu
buồn thu nước chảy về đâu
còn đây hoa lá điểm màu cho tranh
bến Tiên không bụi vòng quanh
không gai rào mộng không thành cảng mơ
không tù trói buộc hồn thơ
ta giờ Lý-Bạch đợi chờ tiên nương.
Tháng 6/2002 tôi đang ở Sài-Gòn thì tin Phương đã theo Lý-Bạch ở dòng sông nào đó ở Quảng-Trị sau cuộc lưu linh với bạn thơ giữa ban ngày. Tôi không về được để thắp một nén nhang tưởng tiếc.
Tháng 2/2017 tôi về Huế, tâm niệm đi thăm mộ Phương, mộ họa sĩ Bửu-Chỉ, và THI-SĨ Thái-Ngoc-San. Trước đó tôi đã hẹn với chị Tường-Vi [ phu-nhân Bửu-Chỉ] và chị Phan-Lệ-Dung [phu nhân Thái- Ngọc-San] trước khi vào Sài-Gòn phải lên uống vài lon bia với những người anh, người bạn suốt đời tôi quý trọng. Mộ Bửu-Chỉ nằm ở Ba-Đồn, không gian mênh mông khát vọng, mộ Phương oai hơn cả, nằm ở mặt tiền, vòng mộ là những đóa hoa sen, bên cạnh là tảng đá điêu khắc có bài thơ của thiền-sư thi-sĩ Minh-Đức Triều-Tâm-Ảnh, còn mộ thi sĩ Thái-Ngọc-San là nơi thông reo tưởng chừng như là núi đồi ở Đà-Lạt.
Những con người của Huế thương yêu ấy đã cùng nhau “ Một Cõi Đi Về “ đúng như lời ca bất tử của Trịnh-Công-Sơn “ Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, rồi một mai tôi về thành cát bụi “
trích từ “ Những Kỷ Niệm “