Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
956
123.366.902
 
Mẫu Sơn một thoáng chênh chao
Nhiều Tác Giả

 

 

Mỗi lần nhắc đến Mẫu Sơn là người ta thường nghĩ đến một đỉnh núi có tuyết rơi thuộc vào loại đẹp nhất trên đất Việt. Nghe kể, cứ mỗi lần có tuyết, người khắp nơi lại nô nức đổ về để nhìn băng, ngắm tuyết phủ đầy trên những cành cây, mái nhà hay trên khắp mọi ngả đường, triền núi khiến cho giao thông lên đỉnh Mẫu Sơn bị tắc nghẽn, tê liệt hàng nhiều giờ đồng hồ. Thú thực, biết vậy, thích vậy nhưng tôi chưa có cái may mắn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tuyết rơi trên cái đỉnh núi cao thâm trầm cùng với những biệt thự cổ kính này để có thể thả hồn vào những cơn mưa tuyết tựa như những đám bông trắng trong, tinh khiết đang bay bay giăng mắc mà cảm nhận về cái tiết trời khắc nghiệt của mùa Đông đất Bắc hay tận hưởng sự thích thú lạ lẫm của mùa tuyết phủ tựa như giữa trời Âu. Chúng tôi đến Mẫu Sơn vào một buổi chiều tháng sáu giữa cái nắng nóng như nung như nấu mặt đường, tuy không có được cái cảm nhận về vẻ đẹp riêng biệt của mùa băng tuyết nhưng đổi lại cũng được tận hưởng một bầu không khí thoáng đáng, mát lành của tiết trời ôn hoà tựa như Đà Lạt trên cao nguyên Lâm Viên.

Mẫu Sơn là vùng núi cao, nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Lạng Sơn, ở sát ngay biên giới Việt - Trung, trải rộng trên ba xã Mẫu Sơn, Công Sơn (thuộc huyện Cao Lộc) và Mẫu Sơn (thuộc huyện Lộc Bình). Dải núi này từng được mệnh danh là “đệ nhất hùng quan” và được ví như một nóc nhà của vùng Đông Bắc, có diện tích khoảng 550 km² với một quẩn thể khoảng 80 ngọn núi lớn nhỏ khác nhau trong một địa hình khá đa dạng. Độ cao trung bình của các ngọn núi khoảng từ  800 đến 1000 m so với mặt nước biển, trong đó có hai đỉnh núi cao nhất là Phia Po (cao 1541 m) và Pia Mê (cao 1520 m) ... Vùng núi này quanh năm có mây phủ, nhiệt độ bình quân khoảng 15,5 °C, mùa đông nhiệt độ có khi xuống tới độ âm cùng băng giá và cả tuyết rơi. Có thể nói, với những cảnh quan núi rừng và khí hậu như thế Mẫu Sơn là một địa điểm du lịch và nghỉ dưỡng khá hấp dẫn mọi người trong suôt cả bốn mùa; đặc biệt là một nơi chốn nắng lý tưởng trong những ngày hè oi bức, nóng nực.  

Đỉnh núi Mẫu Sơn nằm cách thành phố Lạng Sơn khoảng chừng 30 km. Trong đó, đi từ chân núi lên đến đỉnh, nơi trung tâm của phố núi, độ dài khoảng chừng ngót 20 km nhưng đó là một chặng đường thú vị bởi những cung đường lên xuống quanh co uốn lượn như một dải lụa mềm mại vắt từ quả núi này sang quả núi khác để đưa ta đến với một màu xanh bất tận của những rừng thông vi vu trong gió giữa bốn bề trập trùng núi biếc hay được lặng lẽ ngắm nhìn những ngôi nhà thấp bé đang ẩn hiện trong mây khói của đồng bào bên những thửa ruộng bậc thang phía dưới thung sâu cùng đàn trâu đeo mõ lốc cốc đủng đỉnh gặm cỏ bên những triền đồi khiến cho ta không khỏi nao lòng trong một bức tranh chiều sơn cước hoang sơ mà đẹp đến mê hồn. Nói vậy thôi, cái cung đường nên thơ ấy cũng chất chứa đầy hiểm nguy bởi không chỉ dốc dựng, núi cao vực sâu mà còn do lòng đường nhỏ hẹp với nhiều chỗ hai xe ô tô đi ngược chiều không thể qua được khiến cho không ít bác tài cứ phải lùi lên lùi xuống mà nhường đường tránh nhau. Chẳng những thế, đường càng lên cao càng có nhiều đoạn cua gấp khúc như khuỷu tay khiến cho không ít tài già phải gật mình sởn gai ốc. Tuy vậy khi lên đến đỉnh núi ta sẽ thấy thích thú và sảng khoái bởi cảnh vật cổ kính tựa như trời Âu của những khu nhà biệt thự hàng trăm tuổi hòa trong bầu khí hậu trong lành mát mẻ bên những vườn hoa tử dương (cẩm tú cầu) với đủ các sắc màu từ phớt hồng, xanh lam, xanh biếc đến tím nhạt … đang đua nhau khoe sắc để hút hồn các cô gái đến check-in cùng hoa hay lưu giữ những khoảnh khắc xuân thì.  

Lên Mẫu Sơn ngắm nhìn cảnh núi non hùng vĩ cùng những biệt thự có tuổi đời hàng trăm năm rêu phong cổ kính của người Pháp còn sót lại trong buổi chiều hôm bên những người thân ta như được trải nghiệm với không ít ngỡ ngàng của các cung bậc cảm xúc khác nhau mà chẳng có ngôn ngữ nào lột tả hết được. Không gian và thời gian nơi đây tựa hồ như một chất keo có thể kết dính được những yêu thương nhưng nó cũng khơi dậy những cảm xúc dâng trào trước một vẻ đẹp đầy sức sống mãnh liệt đang tiềm tàng trong thiên nhiên hoang dại, hùng vĩ, thơ mộng. Tuy thế, trong sâu thẳm của cảm xúc, không gian và thời gian ấy cũng dễ gieo vào lòng người một nỗi buồn man mác, ngấn lệ tựa như một nỗi niềm hoài cổ bởi những giới hạn của tạo hóa, của kiếp người trước trời cao đất thẳm và cả những phế tích rêu phong đang còn hiện hữu trong sự hoang tàn đổ nát trên mặt đất cao hơn 1000 m này.

Núi rừng hoang sơ của Mẫu Sơn được trời phú cho cái khí hậu mát mẻ, nhất là khi hè đến trên cái xứ sở nhiệt đới phương Đông. Với bốn bề núi đồi trùng điệp nhấp nhô, quanh năm mây xanh mây trắng quấn quyện vương vấn khiến người đi như đang cất bước trên những tầng mây để ngắm nhìn con sông Kỳ Cùng phía bên kia nước bạn cùng với phố thị của Lạng Sơn đang rộn ràng tấp nập phía dưới chân núi mờ xa hay những con đường vừa qua đang hiện ra trước mặt ngoằn ngoèo uốn lượn bên những vạt rừng thông xanh thẳm tựa như một nét chấm phá độc đáo của bức tranh sơn cao rừng thẳm. Cảnh vật hoang sơ mơ mộng tựa chốn thiên đường ấy khiến cho không ít người ngẩn ngơ mà ví nơi này như một nàng công chúa của núi rừng Đông Bắc. Và cái cảnh vật hùng vĩ nhưng chứa đầy vẻ hoang sơ ấy cũng đã làm cho không ít người bị mê hoặc luyến nhớ một cách xót xa để thốt lên lời ai oán một cách đầy cưng nựng: nàng công chúa còn chưa thức dậy.

Vùng núi Mẫu Sơn đẹp và giá trị như vậy nhưng không phải ai cũng biết. Phát hiện và biến vùng núi cao hiểm trở này thành một nơi nghỉ dưỡng lý tưởng như bây giờ là công lao của những người Pháp. Phải nói, người Pháp khá tinh tế trong việc tìm chọn các nơi du lịch và nghỉ dưỡng trên đất Việt. Cứ thử điểm xem những nơi nghỉ dưỡng nổi tiếng trên vùng đất nhiệt đới này có nơi nào là nơi không do người Pháp tìm ra: Đà Lạt ở Lâm Đồng, Bà Nà ở Đà Nẵng, Ba Vì ở Hà Nội, Tam Đảo ở Vĩnh Phúc, Sa Pa ở Lào Cai và Mẫu Sơn ở Lạng Sơn … Chỉ sơ qua thế thôi cũng đủ thấy con mắt đầy tinh tường của họ. Phải chăng những người ở xứ sở ôn đới họ rất dễ nhạy cảm với những tiểu vùng có khí hậu ôn hòa trên đất nước nhiệt đới này chăng? Không biết có phải vậy không, kể từ khi đặt chân được đến đất Việt người Pháp cũng đã biến những vùng đất lý tưởng ấy trở thành những thiên đường nghỉ dưỡng của họ ở Đông Dương. Giờ đây, trên dưới một trăm năm đã đi qua, không ít những công trình kiến trúc của người Pháp vẫn còn đó. Dấu vết vàng son một thủa xem như vẫn còn ẩn hiện ở đâu đó trên từng mái ngói hay những bức tường đá trầm mặc, cổ kính, rêu phong của các khu biệt thự còn đang hiện hữu trên những đỉnh núi mờ xa. Bây giờ, những Đà Lạt, Sa Pa, Bà Nà hay Tam Đảo … đã trở thành những điểm đến quanh năm của biết bao người tây ta trong cái thời buổi mà ngành công nghiệp không khói đang rất thịnh hành. Giữa tấp nập đông vui ấy, điểm cao lý tưởng Mẫu Sơn dường như vẫn còn đang ngon giấc giữa núi rừng xanh thẳm cùng mây vờn vách núi.

Tạm biệt Mẫu Sơn trong dáng chiều gác núi. Tiếng gió thổi liên hồi trên những đồi thông vi vu nghe như tiếng sáo diều. Xa xa từng ánh dương yếu ớt như đang uể oải bên những triền núi cao xám xịt. Không gian thung lũng trước mặt bỗng trở lên chênh chao với bóng nàng sơn nữ thấp thoáng đi về trong khói lam chiều của nhà ai đó đang bảng lảng bay lên hoà cùng mây núi. Khung cảnh sơn cước chiều hôm như thế ai chẳng níu lòng, chùng xuống mênh mang…

 

                                  THU HIỀN - PHAN ANH

                            (Trường THCS Nguyễn Văn Huyên, Hoài Đức, Hà Nội)

 

Nhiều Tác Giả
Số lần đọc: 1747
Ngày đăng: 15.06.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hollandse Nieuwe Đặc Sản Hoà Lan - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Phương xích lô và tôi - Vương Kiều
Phạm Chu Sa - Phạm Thanh Chương
Dọc đường văn nghệ : Nhà văn Sơn Nam “Ông vua đi bộ” - Trần Dzạ Lữ
...Vài kỷ niệm với những văn nghệ sĩ tôi quen biết (tiếp theo) - Phạm Thanh Chương
…Vài kỷ niệm với những văn nghệ sĩ tôi quen biết - Phạm Thanh Chương
Gửi chiều Đông nào nhung nhớ ! - Phan Văn Thạnh
Với quê nhà yêu dấu ( Nhật Ký Hành Trình ) - Trần Dzạ Lữ
Hoa ôm - Phạm Nga
Thầy Văn và Thơ - Nguyễn Thanh
Cùng một tác giả
Chia Buồn (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Cảm tạ (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
CHIA BUỒN (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Tin buồn. (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Tin Buồn (văn hóa)
Phở Việt Nam (văn hóa)
CƠN MÊ (thơ)