Cảnh dưới chân đèo ngang
Nếu có ai đó bảo điểm danh top 10 con đèo đẹp nhất Việt Nam, tôi dám chắc phải có tên của Đèo Ngang trong danh sách đó. Và trong top 10 ấy, nếu bảo đèo nào nổi tiếng nhất tôi cũng dám chắc: Đèo Ngang. Tôi dám chắc vậy! Ai đó không tin thì cứ thử khảo sát xem tên đèo nào ở đất nước này được lưu truyền sử sách và được nhiều người biết đến nhất từ xưa đến nay (chắc chắn sẽ là đèo Ngang). Vậy thì cái gì làm nên sự nổi tiếng kỳ diệu đó: độ cao, chiều dài hay sự hiểm trở nào chăng? Có lẽ, tất cả những thứ đó không phải. Tôi nghĩ chính cảnh đẹp thơ mộng và những yếu tố địa lý - lịch sử đắc hiểm đã làm nên sự nổi tiếng của con đèo chạy dọc nhưng cứ gọi là ngang (ý thơ của Phạm Tiến Duật).
1. Con đèo trữ tình thơ mộng. Phải nói, dải đất hình chữ S thân yêu này có rất nhiều đèo, trong đó có nhiều con đèo được truyền tụng về độ cao, chiều dài, cảnh đẹp và cùng cả sự nguy hiểm nữa, ví như đèo Mã Pì Lèng ở Hà Giang (cao khoảng 1200m, dài khoảng 20 km), đèo Ô Qui Hồ nối Lao Cai với Lai Châu (cao khoảng 2000m, dài khoảng 50 km), đèo Khau Phạ ở Yên Bái (cao khoảng 1500 m, dài khoảng 30 km), đèo Pha Đin nối Sơn La với Lai Châu (cao khoảng 1650 m, dài khoảng 32 km), đèo Hải Vân nối Thừa Thiên Huế với Đà Nẵng (cao khoảng 500 m, dài khoảng 20 Km, đèo Ngoạn Mục nối Ninh Thuận với Lâm Đồng (cao ngót 1000 m, dài 20 km), đèo Hòn Giao nối Khánh Hòa với Lâm Đồng (cao khoảng 1700 m, dài 33 km) ... Nếu tính về độ cao, chiều dài hay sự hiểm trở, gian nguy thì đèo Ngang không thể so sánh. Đèo Ngang chỉ cao trên 250 m và dài chỉ hơn 6 km. Nhưng so với tất cả những con đèo trên, đèo Ngang nổi tiếng về sự thơ mộng, trữ tình và vị thế đắc hiểm trong chiều dài lịch sử.
Đèo Ngang nằm trên con đường thiên lý Bắc - Nam, ở phần đầu của khúc ruột miền Trung, chính cái nơi hẹp nhất, chỗ non xanh xích lại bên biển biếc. Nguyên bản, đèo nằm trên một dãy núi tách khỏi dải Trường Sơn hùng vĩ đâm thẳng ra biển, theo chiều từ Tây xuống Đông, nhìn tựa như mũi kiếm. Núi ấy cao trên 1000m. Từ xưa, để đi được từ bên này sang bên kia núi người ta đã phải tạo thành ba con đường đèo, trong đó đường đèo Ngang là chính (hai đèo khác, một gọi là đèo Nhỏ và một gọi là đèo Mũi Dao). Đường đèo Ngang uốn lượn từ sườn đồi này vắt nối sang sườn đồi khác như một dải lụa mà điểm bắt đầu từ bên mạn Bắc là chân núi Kỳ Nam (thuộc huyện Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh) và điểm kết thúc thuộc chân núi Quảng Đông (thuộc huyện Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình) bên phía mạn Nam. Theo hành trình vượt đèo ấy người đi hẳn là sẽ mãn nhãn bởi được chiêm ngưỡng một bức tranh thiên nhiên với đầy đủ mây trời non nước hiện lên rất đỗi hữu tình. Thong thả trên đèo bên rừng thông vi vu gió lộng, tản bộ trên con đường mòn rợp bóng cây xanh trên đỉnh đèo Ngang, ta sẽ được tha hồ mở toang lồng ngực đón làn gió biển ngọt ngào mặc cho tâm hồn sảng khoái, khiến bao mệt mỏi cũng phải nhanh chóng tiêu tan. Cái nắng, cái nóng của tiết trời tháng sáu ở miền Trung bỗng nhiên tan biến ta chỉ còn thấy bao trùm lên cả là một bầu không khí mát lành mới mẻ trong một không gian núi non hùng vĩ cùng mây giăng la đà giữa bốn bề chim hót cùng thông reo khiến cho cõi lòng trở nên thư thái đến vô cùng.
Trên đỉnh đèo Ngang, ngoảnh lại, nhìn về phương Bắc nơi cửa biển Xích Mộ một thời thủa xưa (nay đã bị bồi đắp) trên đất Hà Tĩnh hiện lên với những núi đồi trập trùng ngọn cao ngọn thấp như thể bức rèm xám kéo dài ra tận biển cùng những ghềnh đá lô nhô xen lẫn những bãi tắm cát trẳng phẳng mịn và cung đường vượt đèo uốn lượn quanh co trên những sườn đồi khiến ta lại nhớ đến câu thơ của Dương Thúc Hạp: “Sơn tòng Vọng Liệu tằng loan hạ/ Địa thị Kỳ Anh lục thụ đa/ Phiếu Diếu cao phong lâm cự hải/ Sà nga liệt bích chướng trường sa” - Bàn Độ Sơn – Nghệ Tĩnh Sơn Thủy vịnh (Tạm dịch: Núi non tầng tầng lớp lớp từ Vọng Liệu đi xuống/ Đất Kỳ Anh cây rừng rợp bóng xanh um/ Những ngọn núi cao chất ngất kéo ra tận biển lớn/ Như những bức thành chót vót dăng bủa trên bãi cát dài). Hướng về phương Nam, phía xa là hồ nước Quảng Đông trong xanh ăm ắp; nhìn gần, trên đường qua đèo là những dòng suối nhỏ quanh co nước chảy róc rách từ những núi đá đổ về trong văn vắt xen lẫn những ruộng lúa, xóm làng lại làm ta nhớ vần thơ của Bà Huyện Thanh Quan: “Bước tới đèo Ngang bóng xế tà/ Cỏ cây chen đá, lá chen hoa/ Lom khom dưới núi tiều vài chú/ Lác đác bên sông chợ mấy nhà”. Nhìn về phía Tây, những vách núi dựng đứng hơn 1000 m sừng sững hòa trong mây xanh quấn quện tựa như bức bình phong vững trãi làm cho con đèo như thể tựa sơn đạp thủy. Trông về phía Đông là biển cả bao la ngàn năm sóng vỗ con nước xanh rờn. Phía dưới chân đèo có con hầm xuyên sơn hiện đại dài ngót 500 m nối gần hai miền Nam - Bắc. Xa xa là Mũi Ròn, Hòn La và Vũng Chùa - Đảo Yến, nơi yên giấc vĩnh hằng của vị tướng huyền thoại cùng với biết bao đảo nhỏ nhấp nhô xôn xao trên sóng nước.
Có đến đèo Ngang, dừng chân trên Cổng Trời để ngắm cái cảnh “trời non nước” ta mới thấy con đèo quả là một tuyệt tác của tạo hóa đã ban tặng cho xứ sở này. Cái cảnh sắc nước mây trời của non nước Hoành Sơn ấy hiện lên trong tầm mắt làm cho ta thấy sao mà lại trữ tình mơ mộng đến thế. Hóa ra, đến đây ta mới ngộ ra một điều, không phải ngẫu nhiễn, bao đời nay, vẻ đẹp trứ danh của con đèo này đã làm nên sức hút lạ kỳ với biết bao tao nhân mặc khách cùng muôn đời thi sĩ đất Việt thương yêu.
2. Địa hiểm nơi khúc ruột miền Trung. So với những con đèo nổi tiếng khác trên đất Việt, đèo Ngang được cả huyền sử lẫn chính sử nhiều lần nhắc đến. Có lẽ là do cảnh đẹp và cái thế đắc địa của con đèo này chăng. Tôi thì vẫn luôn nghĩ vậy. Theo dòng lịch sử, ngay từ hồi thế kỷ thứ II, khi người Chămpa lập quốc đèo này đã trở thành biên giới tự nhiên của hai quốc gia Đại Việt và Lâm Ấp. Để bảo vệ quốc gia của mình, người Chiêm Thành đã không ngừng đắp đồn lũy dọc theo đỉnh núi, từ Xuân Sơn (Kỳ Lạc) qua Thần Đầu đến Ngưu Sơn (Kỳ Nam), dài khoảng 30 km. Kể từ thời đó cho đến các triều đại phong kiến sau này “Lũy cổ Lâm Ấp” không ngừng được các thế lực chính trị của người Chăm và người Việt gia tăng củng cố. Dấu tích của một vùng biên ải ngày ấy bây giờ vẫn còn được hiển hiện qua những bức tường thành chỗ còn chỗ mất rêu phong còn sót lại trên đèo mặc cho nắng gió, phong trần nơi đầu non góc bể.
Vương quốc Lâm Ấp một thời thịnh trị với biết bao dấu tích vàng son đã không ngừng đem quân xâm chiếm, cướp phá Đại Việt. Khi ấy, đèo Ngang chắc chắc là một nơi giao tranh đầy máu lửa. Thế rồi, thế gian biến cải. Để bảo vệ sự bình yên của Đại Việt, để tăng cường mối quan hệ bang giao của hai quốc gia mà những cuộc Nam chinh và cả những cuộc hôn nhân chính trị (thời Trần) đã không ngừng diễn ra. Theo đó, biên giới phương Nam của người Việt cũng đã được mở rộng dần xuống dải đất phương Nam, bằng chứng là châu Ô và châu Lý đã được vua Chiêm là Chế Mân dâng cho nhà Trần vào hồi thế kỷ XIII, khi được vua Trần gả con gái Trần Huyền Trân.
Chưa hết, thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, để tránh mưu sát của chúa Trịnh, Nguyễn Hoàng đã nghe theo lời dạy của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, nghĩa là: “Một dải núi ngang có thể dung thân muôn đời được” mà đã nhờ chị xin với Trịnh Kiểm cho mình được vượt đèo Ngang vào trấn thủ ở Thuận Hóa. Không biết thực hư của giai thoại vừa kể ra sao nhưng quả thực Nguyễn Hoàng vào trấn thủ ở Thuận Hóa đã tránh được sự tận diệt của nhà Trịnh, đồng thời cũng bắt đầu mở ra một trang sử mới cho nhà Nguyễn. Kể từ đây, nếu như sông Gianh trở thành ranh giới của Đàng Trong và Đàng Ngoài thì đèo Ngang đã trở thành vùng đất tiền đồn của nhà Trịnh. Và gần đây nhất, thời chiến tranh chống Mỹ, vùng đất đèo Ngang cũng đã trở thành một trong những phòng tuyến bị kẻ thù đánh phá ác liệt. Một lần nữa mảnh đấy hữu tình ấy đã trở thành chiến địa của quân dân ta. Cái chiến địa ấy cũng đã một thời làm cho nhà thơ Lê Anh Xuân phải khắc khoải, lo lắng: “Tôi đau đớn Mỹ dội bom tàn phá/ Tất cả những gì tôi quí, tôi yêu/ Dù đèo Ngang tôi chưa từng đến/ Thơ bà huyện Thanh Quan tôi đã thuộc lòng/ Hoa lá cỏ cây có bị bom cháy xém?/ Mái nhà kia dưới núi có còn chăng?” …
Thế đấy, cái địa thế hiểm yếu của đèo Ngang đã khiến cho vùng đất này bao đời nay là một địa bàn chiến lược quan trọng của đất nước, từ các triều đại phong kiến cho đến tận ngày nay. Chẳng thế mà ngay từ thời xa xưa, các thế lực chính trị của người Chăm hay người Việt đều rất quan tâm, coi trọng cái vị trí chiến lược này. Họ đã từng cho xây đắp những chiến lũy và bày đặt đồn binh trên đỉnh đèo để kiểm soát và ngăn chặn binh biến. Có lẽ vậy, năm 1842, khi ngự giá Bắc tuần, vua Thiệu Trị đã khắc thơ vào đá ca ngợi Hoành Sơn Quan: “Gìn Nam giữ Bắc chia nghiêm cửa/ Suốt cổ về kim chốt chặt đàng”. Và rồi đến năm 1838, vua Minh Mạng cho đúc chín đỉnh đồng để đặt trong nội thành Huế, nhà vua vẫn không quên cho khắc cảnh vật của Hoành Sơn – Đèo Ngang vào Huyền đỉnh. Bây giờ núi sông đã liền một dải từ địa đầu Lũng Cú cho tới chót mũi Cà Mau nhưng chiến lũy và Hoành Sơn Quan vẫn còn đó trên đèo như thể là một minh chứng cho cái vị thế địa hiểm của con đèo trong suốt một trường kỳ khói lửa binh đao. Bây giờ, cái vai trò vùng biên ải hay tiền đồn của đèo Ngang không còn nữa. Nó đã được hoán đổi thành vai trò cầu nối. Đèo Ngang (hay hầm đường bộ xuyên đèo Ngang) đã trở thành một chiếc cầu nối giữa hai vùng đất Bắc - Nam. Chiếc cầu nối ấy có người ví như chiếc đòn gánh để gánh hai đầu đất nước. Một bên nạm Bắc là “Hà Tĩnh mình thương” - vùng đất địa linh quê hương của Nguyễn Du và một bên mạn Nam là “Quảng Bình quê ta ơi” có biển Vũng Chùa đang an giấc ngàn thu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi trăm tuổi trở về với đất mẹ.
Chỉ lược qua vậy thôi, cũng đủ để cho ta thấy giá trị của cái vị trí chiến lược hiểm yếu mà đèo Ngang đã từng đảm đương trong suốt trường kỳ của dân tộc: hôm qua, hôm nay và cả ngày mai.
3. Nét cổ kính rêu phong và cảm hứng của muôn đời thi sĩ. Trên đỉnh đèo Ngang, dấu vết lịch sử của một thời binh lửa vẫn còn hiện hữu trong từng cảnh vật và đang được thời gian lưu giữ bằng những nét rêu phong. Sách sử còn ghi, năm 1833 vua Minh Mạng cho làm Hoành Sơn Quan cao hơn 4 m và hai bên là thành đăng dài chừng 30 m cùng gần 2000 bậc đá đi về hai phía trước và sau, mỗi bên có ngót ngàn bậc đá uốn lượn theo sườn đồi (phía Bắc có 980 bậc, phía Nam có 900 bậc). Và sau đó 17 năm vua Thiệu Trị cũng tiếp tục cho dựng văn bia cách Hoành Sơn Quan khoảng 20 m làm cho con đèo không chỉ có sơn kỳ thủy tú mà chứa đầy linh khí của đất trời sông núi. Dưới chân Hoành Sơn Quan, cách khoảng chừng 500 m về phía Nam là đền thờ bà chúa Liễu. Công trình kiến trúc tuy khiêm tốn nhưng được bố trí hài hòa cân xứng và giữ được những đường nét mỹ thuật của Á Đông với các chạm khắc, đắp vẽ tinh xảo vừa diễn tả được cái đẹp vừa thể hiện được sự trang nghiêm, tôn kính. Với trên 460 năm tồn tại cùng với những huyền tích về bà chúa linh thiêng, ngôi đền đã góp phần tôn thêm cái thâm u, trầm mặc, huyền bí, cổ tích cho con đèo.
Thả hồn trên đèo ngang, ngắm nhìn cảnh vật núi, đồi, cây cối cùng trời, mây, biển cả mênh mông xanh biếc tao nhân, thi sĩ bao đời nay đã không khỏi dạt dào cảm xúc. Nhớ lại, hồi thế kỷ XV, vua Lê Thánh Tông khi “Qua đèo Ngang” đã viết: “Bãi thẳm ngàn xa, cảnh vắng teo/ Đèo Ngang lợi bể, nước trong veo/ Thà là cúi xuống, cây đòi sụt/ Xô xát trông lên, sóng muốn trèo/ Lảnh chảnh đầu mầm, chim vững tổ/ Lanh chanh cuối vũng cá ngong triều/ Cuộc cờ kim cổ chừng bao nả/ Non nước trông qua vẫn bấy nhiêu”. Rồi đến thế kỷ XVIII, Ngô Thì Nhậm từng “Lên đèo Ngang ngắm biển” mà có thơ: “Bày đặt khen thay thợ hóa công/ Khéo đem hang cọp áp cung rồng/ Bóng cờ Trần đế dường bay đó/ Cõi đất Hoàn vương thảy biến không/ Chim đậu lùm xanh, xanh đã lão/ Ngạc đùa sóng bạc, bạc nên ông/ Việc đời bọt nổi, xưa nay thế/ Phân họp giành trong giấc hạc nồng”. Lời thơ ấy có phần bi tráng mang sắc thái thiền như để phê phán những cuộc tranh giành của hai nhà Lê - Trịnh. Đến đầu thế kỷ XIX, Vũ Tông Phan khi đi qua lũy Ninh Công tức cảnh mà cất bút: “Đất này ví thử phân Nam, Bắc/ Hà cớ năm dài động kiếm dao/ Trời tạo Hoành Sơn còn chẳng hiểm/ Người xây chiến lũy tổn công lao/ Thắng, thua rốt cuộc phơi hoang mộ/ Thù hận dư âm rợn sóng đào/ Thiên hạ nay đà quy một mối/ Non sông muôn thuở vẫn thanh cao”. Đó cũng là cảm hứng phê phán chiến tranh. Cùng thời với Vũ Tông Phan, Chu Thần - Cao Bá Quát lên “Ải Hoành Sơn” đã cảm khái mà viết những lời thơ ẩn chứa đầy tâm sự giằng co tâm trí: “Non cao nêu đất nước/ Liền một dẫy ra khơi/ Thành cũ trăm năm vững/ Ải xa nghìn dặm dài/ Chim về rừng lác đác/ Mây bám núi chơi vơi/ Chàng Tô nấn ná mãi/ Tấm áo rách tơi rồi”. Trong chuyến Bắc hành, vua Thiệu Trị xúc cảm trước cảnh vật đèo Ngang mà đã viết: “Một dãy giăng dài đứng chắn ngang/ Nhô nhê lởm chởm giữa vùng Loan/ Khéo ngăn Nam Bắc hai khu vực/ Tầng trải xưa nay một hiểm quan”. Và vẫn con đèo ấy, vẫn cảnh ấy nhưng khi nữ sĩ Thanh Quan đi qua để vào Huế nhận chức Cung Trung Giáo Tập thì lại thốt lên: “Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà/ Cỏ cây chen đá, lá chen hoa/ Lom khom dưới núi, tiều vài chú/ Lác đác bên sông, chợ mấy nhà/ Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc/ Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia/ Dừng chân đứng lại trời, non, nước/ Một mảnh tình riêng, ta với ta”. Có lẽ đây không phải là cảnh thực. Nó là bức tranh tâm cảnh. Phải chăng, nữ sĩ mang nặng nỗi niềm hoài Lê, lại xa quê nhớ nhà nên “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Sau này, trong những năm đánh Mỹ, nhà thơ Văn Lợi cũng đã tả thực con đèo rất sinh động như cái vốn có của nó mà chất chứa đầy cảm xúc: "Nối mây với sóng là đèo/ Ngang đây ngỡ biển cuộn theo chân người/ Trầm ngâm tạc dáng giữa trời/ Nghìn năm cần mẫn chọn lời cho thơ … Triền đèo trăm hố bom phơi/ Đá xô nên bậc, lá rơi nên tầng/ Mặt đèo nghiêng nỗi bâng khuâng/ Nghiêng vào khoảng nhớ một lần ai qua...".
Rồi đây, năm tháng sẽ đi qua, chỉ có con đèo ngàn năm vẫn vậy. Sừng sững hiên ngang bên bờ biển Đông mà che gió bấc cho sườn Nam xứ Quảng và tiếp tục thổi hồn vào muôn đời thi sĩ để gọi về trong ta những niềm thương nỗi nhớ vô bờ. Bây giờ, cùng với khu mộ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở dưới chân đèo nơi Vũng Chùa - Đảo Yến bên núi Thọ Sơn, chắc chắn đèo Ngang sẽ mãi là điểm đến của biết bao người đất Việt
(Trường THCS Nguyễn Văn Huyên, Hoài Đức, Hà Nội)