Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.208
123.151.684
 
Dọc đường văn nghệ (tiếp theo phần 23)
Trần Dzạ Lữ

 

 

Ở Nha Trang-Khánh Hòa:

Khi nghe bản nhạc Nha Trang Ngày Về của nhạc sĩ Phạm Duy không ai không thể không mường tượng ,liên tưởng đến một Nha Trang-thành phố biển của tỉnh Khánh Hòa thơ mộng..Tôi cũng vậy.Hình ảnh con dã tràng cứ ẩn hiện trong tôi như một phận người kém may mắn với tình yêu, tình người.Ở đó, tôi chưa hề có một tình yêu và tình người ,bạn bè thân thiết thì càng hiếm hoi...dẫu đây là vùng đất sản sinh nhiều văn nghệ sĩ lẫy lừng nói chung và thi ca nói riêng.Có những tượng đài sừng sững mà tôi chưa hề gặp dù rất muốn.Vì vậy ,trong hồi ức này tôi chỉ quen biết và gặp gỡ được 3 nhân vật.Đó là Trần Vạn Giã, Tôn Nữ Thu Dung và Nguyễn Vũ Sinh.Cho nên xin mọi người cảm thông.Trân trọng

 

TRẦN VẠN GIÃ, NGƯỜI THƯƠNG ĐẤT, THƯƠNG LÀNG

   Tình bạn giữa tôi và TVG đã ngót nửa thế kỷ.Phần lớn thời gian chúng tôi trôi nổi trong chiến tranh nên ít có dịp gần gũi.Tuy vậy, vẫn luôn mong ngóng, đọc thơ của nhau qua báo chí và bạn bè.Lần gần đây nhất ,tôi đã có những suy nghĩ về TVG:

 Cách đây gần 50 năm,tôi vẫn nhớ như in những ngày ở Đà Nẵng.Chúng tôi Trần Dzạ Lữ,Vũ Hữu Định,Trần Vạn Giã,Phạm Thế Mỹ,Trường Thi,A Khuê...

 thường bên nhau dọc sông Hàn say khướt trong men bia Sài Gòn hoặc vượt sông Hàn qua bán đảo Sơn Trà đi trong gió cát tìm Đoàn Huy Giao hay đến một ngôi chùa cô tịch nơi Hồ Đắc Ngoc đang ẩn tu trốn lính...

Trần Vạn Giã và tôi lang thang về quê tôi ở Ngọc Anh thắp nhang ba tôi – Người mất sớm nên giấc mộng văn khoa của tôi tan tành.Thời đó chúng tôi, tuổi vừa đôi mươi,yêu đời,yêu bạn bè văn nghệ,yêu đắm say thơ ca.Thế mà chiến tranh bạo tàn đã đẩy chúng tôi phiêu dạt khắp mọi miền đất nước,đứa vào tù,đứa đi lính,đứa trốn lính,đứa giang hồ,đứa đi tu....mỗi số phận khắc nghiệt trên mỗi đời người, chúng tôi nổi trôi trong chiến tranh Việt Nam ngày càng ác liệt và nỗi khát khao hoà bình về trên quê hương cháy bỏng trong lòng.

Tôi mất liên lạc với Trần Vạn Giã gần 50 năm.

Sau năm 1975,tôi ngóng tin bạn bè văn nghệ ai mất,ai còn,ai đã bỏ quê hương ra đi.Riêng Trần Vạn Giã thỉnh thoảng tôi có đọc thơ anh trên Văn nghệ Tp HCM,Kiến thức Ngày nay,Thanh niên Cn,Tuổi Trẻ CN...lúc đó tôi tin Trần Vạn Giã còn sống ,còn ở Việt Nam.Tôi đã gặp lại Trần Vạn Giã ở Tp.HCM,tóc trên đầu chúng tôi đã bạc và những lần gặp gỡ ấy rồi chia tay vội vàng bởi cơm áo hối thúc .Chia tay để mà nhớ,nhớ ơi trong nỗi nhớ không bao giờ tàn phai....(Với tôi tình cảm văn nghệ không biên giới, chẳng tả khuynh, hữu khuynh.Hồn ai nấy giữ, không đố kỵ dù biết anh cũng ở trường hợp THDV,TNS,NMT,VQ )

   Đọc thơ anh tôi luôn cảm nhận: Anh sinh ra để không ngớt thương đất, thương làng.Là người làm thơ không sao tránh khỏi oan nghiệt đời thường và tình yêu mãi là điều bất hạnh ( không chỉ riêng anh )  mà với hầu thi sĩ trên thế gian này.Những bài thơ sau,nghe ra da diết và cảm động khôn cùng:



CHIM QUYÊN XUỐNG ĐẤT ĂN TRÙN

Đành thôi ra ngẩn vào ngơ
Bài thơ cứ gởi. Bến chờ cứ mong
Tội tình con chữ chạy rong
Quanh đi quẩn lại trong vòng nhân gian


Người ta đi hái hoa vàng
Còn tôi cô độc bên hàng cau xanh
Xa em như lá lìa cành
Chim Quyên xuống đất tôi đành lên non
Lên non : nước chảy đá mòn
Lên non: tìm lại đau còn cỏ may

Cát kia cồn nọ lưu đày
Đọng trên đầu lưỡi đắng cay thuở nào
Bên em ruộng thấp bờ cao
Và đi trong giấc chiêm bao đêm này.

THƯA MẸ CON VỀ

Con về lại mái nhà xưa
Rêu phong từ độ nay chưa lụn tàn
Khói rơm bay cuối đường làng
Xa xa bóng núi vắt ngang trời chiều

Tay con níu lại cánh diều
Càng thương dáng mẹ liu xiu cuối đời
Mưa đông đen nghịt góc trời
Thơ con vẫn ấm trong lời mẹ ru

Nửa đời đau bước lãng du
Thương quê ,nhớ mẹ cho dù cách xa
Dù con nhung lụa,ngọc ngà
Cũng không quên thuở mẹ già áo nâu

Mẹ và con tóc bạc đầu
Bóng con và mẹ đêm sâu dãi dầu
Dãi dầu trôi dạt về đâu
Về đâu cát bụi nhuốm màu hư không
Mẹ ơi cây lúa ngoài đồng
Gié đang nở rộ những bông đầu mùa.

GẶP BẠN CŨ Ở LONG AN

Mời nhau một trái bần giòn
Mày và tao vẫn cứ còn chất quê
Người xưa uống rượu ăn thề
Ta nay uống rượu và mê đờn cò

Đờn rằng nhớ lẩu mắm kho
Chín dòng sông lớn đủ đo lòng người
Chiều nghiêng theo gió Tháp Mười
Tiếng con cúm núm tiễn người qua sông

Mênh mông mùa lúa chin đồng
Mây tan theo ngọn mưa giông cuối trời
Đi xa gần hết một đời
Gặp nhau rượu ngọt uống lời bạn quê

Người Nam lòng thật khà khề
Nước qua trăm rạch cũng về nghĩa nhân
Phèn ơi hãy dính bàn chân
Để cho chiều rụng trái bần trong mơ.

Có gì mà phải tái tê
Giữ thơm từng hạt gạo quê ở rừng

Trải qua ngày tháng biền bưng
Nồng nàn lối cỏ ta đừng xa nhau
Gian nan thì phải cơ cầu
Đừng quên cái thuở ban đầu lên non.

Và tôi đã dừng lại rất lâu ở bài thơ sau  rất đời, rất thật  rồi không khỏi chạnh lòng:

 

 

EM ĐÃ LÀ NHƯ THẾ

 

Alo em đang ở đâu
Cứ thế mỗi chiều anh không biết em đang ở đâu
Anh đón con
Anh giặt đồ 
Anh lau nhà
Anh vào bếp
Mâm cơm thường xuyên trống một chỗ ngồi

Mỗi chiều em điện thoại đang tiếp khách
Đang đón bạn đồng môn
Đang tiển bạn Việt Kiều ra sân bay
Đang sửa xe bị thủng lốp...
Những cái đang cứ đan xen thời gian

Em gom về 
Mùi thuốc lá trên môi em và núm nơi đỉnh cao bầu sữa mẹ
Dấu răng nựng trên vai em bệnh hoạn
Em ngủ vùi sau cơn lửa tình dồn dập
Sau cường lực vòng tay của gã tình nhân
Có những đêm trong cơn mơ sâu em ú ớ
Con giật mình
Gọi má má ơi

Khởi thuỷ là lời
Nhưng bây giờ lời anh đã cạn
Thôi em cứ vô tư đi dọc về ngang
Tình yêu
Không là hữu hạn
Đành vậy thôi
Nếu bây giờ còn là thời trung cổ
Anh không ném đá em
Vì anh biết trái tim em nhiều cửa sổ
Và mùi đàn bà em ô nhiểm gió đa tình

Em đi bình an với những người đàn ông mới
Về nhen con
Ngày sắp tàn và đêm buồn đang đợi
Ba không thể trả lời 
Má bỏ con đi đâu ???

Trần Vạn Giã

     Đến đây tôi nhớ hai câu thơ của thi hào Nguyễn Du:

          Bắt phong trần phải phong trần

          Cho thanh cao mới dự phần thanh cao...

       Theo tôi hầu hết những thi sĩ trên thế gian này đều chịu phong trần và hạnh phúc với họ là điều xa xỉ...( chỉ hiếm hoi mới có người đẻ bọc  nhận niềm hân hoan của Trời ban tặng).Xa cách lâu ngày không hiểu hiện tại thế nào .Nhưng nếu thật như bài thơ thì xin rưng rưng chia sẻ với anh đó Trần Vạn Giã

 

    TÔN NỮ THU DUNG - NIỀM ĐAM MÊ VĂN CHƯƠNG CHÁY BỎNG

 

        Tôn Nữ Thu Dung là tên khai sinh , các bút hiệu khác là Nguyễn Phước Tiểu Di ( vì mê bài hát “Bay Đi Cánh Chim Biển”) và Trần Thụ Duy (vì mê bài hát “Khúc Thụy Du”)
Thời đi học, trước 75 viết cho Tuổi Ngọc , Tuổi Hoa và các báo thiếu nhi.
Các tác phẩm đã xuất bản:
Các tập thơ: Kỷ Niệm , Nhật Ký, Tiểu Khúc 
Các tập truyện ngắn: Hướng Dương Giấu Mặt, Thiên Thần Không Mang Đôi Cánh
Các tập truyện vừa: Ngày Tháng Nào, Mùi Bánh Kem,Thủy Tinh Tan Vỡ.
Hiện định cư tại Mỹ, nghề tay phải: nhân viên xã hội. Nghề tay trái : Tổng biên Tập trang mạng văn chương TUONGTRI.COM và nhà Xuất Bản TƯƠNG TRI
Có một số giải thưởng văn chương nho nhỏ như giải đặc biệt viết về nước Mỹ, giải nhất những bài thơ tình thời mới lớn
Tóm một điều:  Hạnh Phúc nhất là  được nhận xét rằng: Đây là một người làm thơ biết viết văn và luôn có đông đảo những fan hâm mộ nhí!

     Lướt qua tiểu sử của  nàng Tôn Nữ gốc Huế, sinh sống ở Nha Trang, sau đó định cư tại Mỹ ,tôi thấy Dung mang theo bên đời mình niềm đam mê cháy bỏng trong sinh hoạt văn chương.Thời mới lớn, Dung đã là cây bút ( cùng Trần Văn Nghĩa ) xuất hiện thưòng xuyên trên tuần báo tuổi mới lớn( Tuổi Ngọc) của nhà văn Duyên Anh tại SàiGòn và có nhiều fan nhí hâm mộ nàng.Khi sang Mỹ,  Dung viết nhiều hơn không chỉ thơ mà còn truyện ngắn, truyện vừa...Tôi nghĩ chắc một điều là cô em gái này rất khéo vun vén gia đình nên dành nhiều  thời gian cho viết lách.Đặc biệt  là chăm sóc trang mạng Tương Tri.Com và nhà xuất bản Tương Tri với cương vị là tổng biên tập.Một trang mạng uy tín ,quy tụ nhiều tên tuổi lừng danh ở trong và ngoài nước.Phải như con ong, cái kiến cần mẫn cô mới làm được điều này bằng trái tim và trí tuệ của mình.Biết Dung từ thập niên 70 trên báo chí nhưng mãi đến năm 2013 mới gặp lúc cô về VN ra mắt tuyển tập TT ở nhà hàng Sông Trăng của Văn Công Mỹ.Một con người của hoàng tộc nhưng Dung bình dị,nhỏ nhẹ,khiêm tốn gì đâu bởi chẳng thấy cung cách “các mệ” của nàng.Do vậy mà anh em rất dễ thân tình, rất dễ thương mến.

   Lần gần đây nhất là TNTD về ra mắt tuyển tập thơ Hư Ảo Tôi 2018-Cũng ở nhà hàng Sông Trăng-Bình Quới có sự hiện diện đông đảo văn nghệ sĩ tên tuổi ở SG.Tuyển tập khác lạ là mỗi bài thơ đều có chữ ký của tác giả.Trình bày đẹp.Thơ hay.Hy vọng thời gian tới Tôn Nữ còn khiến bạn đọc ngạc nhiên đến thú vị từ niềm đam mê văn chương ngồn ngộn của mình.

 

 

 

NÍU

 

Chiều níu tay vào gió

Mây níu tay vào trời

Sương níu tay vào cỏ

Em níu tay vào tôi.

 

Đêm níu tay vào mộng

( Mộng chỉ là hư vô)

Biển níu tay vào sóng

Từng điệu buồn đuổi xô.

 

Lơ đãng hồn níu bóng

Hạnh ngộ níu tàn phai

Giữa cõi người tuyệt vọng

Tôi níu vào tay ai?

UYÊN

Uyên của ngày thu muộn

Khúc lạc cầm u hoài

Chìm nổi dòng luân lạc

Chiều Nội Thành mây bay.

 

Uyên của ngày ly biệt

Chạnh lòng mưa cuối sông

Vỡ toang mùa trăng biếc

Rơi những lời ăn năn.

 

Uyên của ngày hoan lạc

Khắc khoải rèm mi cong

Uyên của ngày hạnh phúc

Đong đưa tình trăm năm.

 

Uyên của ngày địa ngục

Tan chảy thành tro than

Lửa hành hình bí ẩn

Đốt một đời tan hoang...

KHÚC THÁNG CHÍN
 

Gác kiếm người xưa quy ẩn

Giang hồ chưa chắc lòng nguôi

Chỉ sợ nhớ thời giông bão

Lời thề lại xóa mất thôi

 

Qua sông, mịt mờ cố xứ

Ngửa tay, hứng giọt sương buồn

Tiếng sóng, tiếng lòng tan vỡ

Cuối trời... mây khói mênh mông...

 

Cúi xuống, soi mình bóng nước

Một vầng trăng khuyết chông chênh

Dáng mong manh gầy thuở trước

Chớp mắt... đã là lãng quên.

 

Bắt chước người xưa quy ẩn

Đừng gọi tôi hoài...lênh đênh

Bắt chước người xưa lận đận

Tình tôi,

chao đảo thác ghềnh...

 

KHÚC NGÂU
 

Thiên sứ muôn đời trong sáng

Thiền sư đôi lúc lỗi lầm

Từng ngày chia nhau khổ nạn

Đừng hỏi ai người vô tâm ...

 

Đời vẫn trầm luân nhật nguyệt

Sương tàng rơi ướt đêm thâu

Thảng thốt những hàng lệ tuyết

Bờ xa, bến thẳm về đâu ...

 

Một dòng mong manh khói biếc

Buông tay...gió tạt hiên người

Nhắm mắt ...thả lời ly biệt

Một điều không nói

rơi...

 

 

PHƯƠNG ẤY

 

 

Nắng mật ong cho tôi vàng thương nhớ

Chiều tương tư em tóc xõa trên đồi

Hồn lơ đãng cứ mơ về cố xứ

Gót chân hồng em nhẹ đến xa xôi.

 

Mây có tụ thành những quầng ngũ sắc

Gió vẫn bay tan tác cuối chân trời

Sương còn đọng long lanh buồn phương ấy

Đêm nghẹn ngào ai thao thức cùng tôi.

 

Nhớ một thuở có còn đau một thuở

Ngày hoang vu mưa bong bóng chập chờn

Em cầm ngón tay tôi vàng khói thuốc

Lặng thinh nhìn... như gởi một yêu thương.

 

 

Và một truyện ngắn rất Huế:

 

CON TÒ HE



Huế của tôi buồn lắm, một thành phố buồn nhất hành tinh, những ngày mưa bão kéo dài cả tháng úng trời úng đất không nói làm gì sao vẫn buồn cả những ngày nắng hạ chói chang và phượng đỏ rực rỡ như màu môi thiếu phụ. Thành phố lúc nào như cũng đắm chìm trong hồi ức vàng son  và trong quá khứ nhạt nhòa rêu phủ.

…Nhưng bây giờ là mùa xuân, những hoa cúc Đại Đóa nở vàng rực trong vườn ông ngoại, Đăng Tâm nói:

– Đăng Tâm thích màu vàng dễ sợ.

Tôi cười:

– Đó là màu bội bạc.

Đăng Tâm mím môi để lộ hai hạt gạo lún sâu hai bên khóe miệng:

– Ai nói? Màu vàng thật sự là màu cô độc kiêu sa nên dễ bị hiểu lầm là bội bạc.

Bao giờ tôi cũng chịu thua Đăng Tâm để được nhìn nụ cười cô rạng rỡ:

– Đăng Tâm nói đúng, màu cô độc kiêu sa.

Đăng Tâm đốt xong mớ giấy tiền vàng bạc dưới chân trang thờ và rải gạo muối chung quanh… Những con chim se sẻ từ đâu sà tới, ríu ra ríu rít tranh nhau nhặt gạo. Đăng Tâm luôn được bà ngoại phân công  việc cúng cô hồn trong những ngày rằm, mùng một… Ông ngoại không thích điều này vì cho rằng bà ngoại hối lộ cô hồn các đảng bằng cô cháu cưng xinh đẹp để mưu cầu lợi ích cho đại gia đình. Ông ngoại giận giữ khi bà ngoại bày cho Đăng Tâm khấn vái cầu xin  cô hồn các đảng cho cả nhà mạnh khỏe, bình an … Bà ngoại phải vuốt giận bằng cách khi Đăng Tâm đi ra vườn cúng vào những chiều chạng vạng thì bị bôi lên mặt mấy vết lọ nghẹ và có tôi đi theo hộ tống.

Không một khu vườn nào ở Huế mà không có một trang thờ leo lét ngọn đèn dầu hiu hắt. Huế trải qua bao nhiêu tang thương biến động trong những cuộc chiến, bao nhiêu người chết oan chết ức, bao nhiêu đền đài đổ nát tan hoang. Nhà ông ngoại đã nhiều lần tan nát vì bom đạn  nhưng lần nào ông ngoại cũng xây lại với nguyên bản cũ: Một ngôi nhà rường ba gian hai chái, khuất sau một bình phong cổ kính với chiếc hồ bán nguyệt thả sen thả súng cho cô cháu nội cưng Đăng Tâm rửa chân…  Cây Ngô Đồng cao rủ bóng  thỉnh thoảng rơi vài chiếc lá xuống hồ làm bầy cá quẫy lao xao.

Đăng Tâm đọc:

– Ngô Đồng nhất diệp lạc

Thiên hạ cộng tri thu

Tôi lắc đầu:

– Ngô Đồng nhất lạc diệp

Thiên hạ cộng tri xuân

Đăng Tâm cười:

– Tấn thông minh dễ sợ… Nhất lạc diệp… một chiếc lá reo vui đón mùa xuân đang tới.

Đăng Tâm luôn đem niềm vui cho người khác và cô gặt lại cho mình những mùa buồn đau.

Đăng Tâm rủ:

– Lên Điện Hòn Chén xin xăm đi Tấn. Rủ con Tò He luôn để nó chèo thuyền.Trốn đi chớ bà nội bắt Đăng Tâm vô chia bài tứ sắc bây giờ.

Tôi chọc:

– Nhưng ở nhà có nhiều tiền lì xì hơn. Và chút nữa bác Tạo sẽ dẫn anh con trai bác sĩ ở Mỹ về tới giới thiệu cho Đăng Tâm đó.

Đăng Tâm đỏ hồng hai má:

– Đăng Tâm còn nhỏ mà

– Bác Tạo sẽ mang gạo tới để nuôi Đăng Tâm thêm vài năm nữa.

Đăng Tâm hét lên bỏ chạy vô nhà:

– Tấn còn nói nữa thì Đăng Tâm nghỉ chơi với Tấn đó.

Tôi đã nhìn thấy con bác Tạo sau mười mấy năm không gặp, anh chàng bác sĩ cao ráo đẹp trai … tôi hình dung Đăng Tâm đứng cạnh anh ta, đôi mắt phượng ngơ ngác nhìn anh ta đầy ngưỡng mộ, nụ cười xinh xắn dành cho anh ta tươi tắn dễ thương, bàn tay bé nhỏ mềm mại nằm trong tay anh ta dịu dàng tin cậy… Tôi ghét Đăng Tâm rồi. Người luôn yêu cái màu vàng phản bội. Tôi ghét cái thành phố buồn thỉu buồn thiu này làm người ta đi để mà nhớ chớ không phải là ở để mà thương…

Nhưng tôi đâu dễ dàng bỏ cuộc , Đăng Tâm là của tôi từ nhỏ, chúng tôi là anh em cô cậu, không ai có thể bắt Đăng Tâm của tôi. Tôi tìm con Tò He, con nhóc em họ khác, rất thông minh, lanh chanh như hành không muối và luôn coi tôi như thần tượng
– Mi tìm cách chia rẻ Đăng Tâm với Phước cho tao
Tò He le cái lưỡi dài nhọn hoắc ( thỉnh thoảng nó lại biểu diễn liếm lổ mũi cho bọn tôi coi):
– Em không làm mô, bà ngoại cạo đầu em đó. Bà ngoại nói anh Phước ở Mỹ về mà hiền hậu dễ thương, chị Đăng Tâm khù khờ lấy anh thì không sợ bị ăn hiếp. Mà răng anh ghét anh Phước rứa?
– Mắc chi mà tao ghét Phước, nhưng tao không thích Đăng Tâm lấy chồng.
Tò He nhìn tôi, con mắt nó đọng đầy xót xa:
-Anh thương chị Đăng Tâm hả anh? Mình bà con với nhau mà.
Tôi cáu kỉnh:
– Đồ con nít nhiều chuyên, tao không muốn Đăng Tâm lấy chồng , mà tao cũng không thèm lấy vợ.
Tò He nhíu mày thương cảm:
– Anh nói cũng đúng, ai mà thèm lấy anh!
Phản xạ của Tò He nhanh hơn con sóc nếu không nó đã bị một cái bạt tai, nó mở to hai con mắt nâu khờ khạo hỏi:
– Rứa răng anh không nói với chị Đăng Tâm?
-Chưa thấy ai ngu như mi, nói thì Đăng Tâm sẽ cho là tao ganh tị.
– Được rồi, em hiểu, nhưng em lấy lý do chi để chia uyên rẽ thúy trong khi anh Phước thông minh giàu có đẹp trai phong độ…
Mỗi cái đức tính của Phước mà Tò He nêu ra như một mũi dao cứa vô trái tim tôi vì tôi thấy quá chính xác mình không thể nào bì được. Nhưng biết tẩy Tò He lậm nặng những điển tích cũ hoắc cũ huơ mà bà ngoại cứ bắt võng dưới gốc cây vãi thiều ầu ơ ngâm nga ru nó ngủ ngày xưa… À, nếu mi muốn nghe những câu chuyện lâm ly thì sẽ được nghe những chương hồi bi ai rơi nước mắt.
– Tò He, nghe anh nói đây, anh và Đăng Tâm là thanh mai trúc mã, anh không muốn Đăng Tâm đi lấy chồng xa… chim kêu vượn hú biết nhà mình mô… Anh không muốn bọn anh biến thành uyên ương gãy cánh mõi mòn mà chết!
Tò He hứ một tiếng bắt chước y bà ngoại:
– Rứa mà anh dám nói anh không thương chị Đăng Tâm!
Rồi nó chép miệng cũng y bà ngoại:
– Thôi được, để coi.
Tôi căn dặn:
-Tò He phải hứa danh dự là không được nói với ai.
– Dĩ nhiên rồi, nói thì anh cũng chẳng bị chi mô, bà ngoại cưng anh như vàng ngọc, còn em thì bị bà ngoại cạo đầu… Ủa, nhưng mà em được lợi chi trong việc ni?
Tôi mừng rỡ, biết nó thuộc lòng văn chương thi phú, tôi đốc khứa:
Quân tử thi ân bất cầu báo, nhưng anh sẽ biết ơn Tò He cho tới mấy kiếp luôn!
Tò He nguýt:
– Thôi thôi, nói rứa chớ  em không hứa chi hết đó nghe.
Tôi nịnh nọt:
– Biết rồi, nhưng một lời em nói là Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy!
Tò He lại nguýt, con mắt có cái đuôi ngoe ngoe nguẩy nguẩy.

Bà ngoại giận điên lên khi người Phước đòi cưới là Tò He chớ không phải Đăng Tâm. Trời có sập xuống bà ngoại cũng không tin nỗi là Phước từ chối cô cháu nội cưng tiểu thơ khuê các để chọn một cô cháu ngoại , cũng tiểu thơ nhưng khá Lọ Lem. Cuối cùng bà ngoại chép miệng nhủ thầm : thôi mấy cái hủ mắm treo đầu giàn ai rước hủ nào thì mừng hủ đó!

Ba má Phước khuyên lên khuyên xuống, bà con giòng họ nói tới nói lui, bạn bè bàn qua bàn lại… bởi vì nếu đặt lên cân đo đong đếm thì Tò He nhẹ hổng. Nhưng từ nhỏ tới lớn Phước đã nổi danh là con cua ngang ngạnh đâu dễ gì ai thuyết phục.Hơn thế nữa, Phước thành đạt ở Mỹ mà chịu về Viêt Nam lấy vợ con nhà đàng hoàng  do gia đình chọn chứ không dính một cô Mỹ, cô Mễ nào đó thì cũng thiệt là đại phước, cũng làm nguôi ngoai cơn giận của cả nhà.Thế là mâm bưng quả rước, Tò He ngang xương trở thành bà bác sĩ dù chỉ mới học lớp 12. Đã nói con gái học chi cho lắm, muốn được gọi là bà bác sĩ thì cứ lấy một ông bác sĩ; muốn được gọi là bà giáo sư thì cứ lấy một ông giáo sư; muốn được gọi là bà kỹ sư thì chỉ việc lấy một ông cư sĩ, ủa quên, một ông kỹ sư!
Trong thiệp hồng không đề tên Tò He Tò Hiếc, Cô là Hoàng thị Cát Tường, cái tên và con người của cô luôn đem tới niềm may mắn cho người đối diện.
Không ai biết bà ngoại đã âm thầm tự trấn an, ai cũng tưởng bà ngoại buồn giận nên không cho Tò He đến gần bà ngoại. Cho đến khi bà ngoại gọi Tò He vào phòng khóa cửa, ai cũng xanh mặt tái mày lo sợ. Tôi và Đăng Tâm túc trực ở ngoài, chỉ sợ bà ngoại…bức tử Tò He, bắt nó uống thuốc độc hay thắt cổ bằng một dãi lụa trắng như trong kinh điển. Nghe tôi nói, Đăng Tâm tái xanh tái mét gõ cửa dồn dập, bà ngoại nạt :
– Đứa mô ồn rứa.
– Đăng Tâm đây bà nội ơi!
– Vô biểu
Cửa phòng mở hé, Đăng Tâm bước vô, tôi lò dò đi theo :
– Thằng quỷ nhỏ vô luôn đi, khi mô cũng tò tò đi theo con gái như cái đuôi.
Tôi vội vàng nhìn Tò He, nó vẫn tươi tắn chỉ có mấy giọt nước mắt trong veo còn trên má, tôi thở phào nhẹ nhỏm khi nhìn quanh không thấy ly thuốc độc lẫn dãi lụa nào.
Bà ngoại hỏi:
– Bọn mi cần chi mà gấp gáp rứa. Tao đang dạy con Tò He bổn phận làm dâu làm vợ. Tao không muốn về đó họ chưởi nhà mình vô phước!
Tôi lanh chanh:
– Đăng Tâm sợ bà ngoại bức tử Tò He!
– Thằng quỷ, răng mi cứ nhồi vô cái đầu con ngu nớ mấy cái điều bậy bạ?
Đăng Tâm suốt đời là một con nhóc khờ khạo hiền thục không giận hờn ai bao giờ:
-Con sợ thiệt mà bà nội. Rứa là bà nội tha cho Tò He cái tội giựt chồng của con.
Bà ngoại phì cười:
– Chồng mổng chổng mông,
Rồi chép miệng, bày tỏ nhân sinh quan rất hiện đai:
– Tình yêu biết răng mà nói cho ngạ! Tò He có lỗi chi mô khi cái thằng bác sĩ khù khờ nớ thương yêu và muốn rước hắn về thờ?

Tôi lại thở phào, mùa xuân này Tò He lên thuyền hoa ( Đăng Tâm đã thiết kế ý tưởng đó, thuyền hoa xuất phát từ bến sông Như Ý trước nhà, xuôi về Vỹ Dạ, cập vào Cồn Hến… ăn chè bắp rồi chụp hình cưới nhìn nắng hàng cau nắng mới lên…)
Không còn ai vét cho tôi lớp mứt gừng cháy thơm phức đáy nồi, không còn ai lột giùm tôi lớp lá bánh tét cho khỏi dơ tay…  Từ khi Tò He đi theo chồng tôi bỗng dưng mất mác quá nhiều lợi ích!

Còn Đăng Tâm, nhóc em họ làm tôi điêu đứng suốt tuổi học trò vẫn luôn là một con bé sống ở trên mây…Nhiều năm sau gặp lại, nó đã là một ni sư đáng kính, nhưng tôi cũng vẫn bâng khuâng như cũ… Nếu bà ngoại còn sống, bà ngoại sẽ nat: Thằng quỷ , khi mô mi mới chịu lớn khôn?!

Nhưng bà ngoại mất lâu lắm rồi, chiều nay, một mình tôi lang thang trên đồi Forest Lawn lộng gió, những ngôi mộ ẩn chìm dưới cỏ, tôi đốt một nén nhang thơm bái vọng quê nhà…

Quê nhà yêu dấu của tôi.

 

 

    NGUYỄN VŨ SINH- NGƯỜI MÊ THƠ ĐẾN CÙNG TẬN

 

        Biết Sinh từ thời đăng thơ trên Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc của SG trước 75 nhưng mới quen nhau trên FB và ngoài đời vài năm trở lại đây.Là người con của Diên Lạc-Diên Khánh-Khánh Hòa  vốn chân chất ,hiền hậu như khoai như sắn nhưng tâm hồn luôn bay bổng theo văn chương.Sinh đúng là người mê thi ca đến cùng tận sau Trường Thi, Trần Hữu Nghiễm mà tôi đã từng quen biết.Ở đâu, làm gì cũng thơ...đến từng cây số!.Trường Thi vì thơ mà khổ đến cuối đời.Trần Hữu Nghiễm vì thơ và thuốc lá mà chết  bởi bệnh ung thư...Cay đắng, xót xa là thế nhưng thơ chính là dưỡng chất nuôi tâm hồn lớn dậy của họ.Chấp nhận đánh đu cùng số phận để cất lên tiếng lòng của mình khi đi qua sự khắc nghiệt của cuộc sống.Những năm sau này Sinh viết nhiều và thướng xuyên đăng thơ trên trang Vuông Chiếu của thi sĩ Luân Hoán.Thơ Sinh có bài đọc để giật mình chiêm nghiệm về cuộc đời ,song cũng có bài chỉ để đọc lướt qua.Tuy nhiên ,đây là cách chơi ...đẹp của tâm linh và chữ nghĩa vậy.Nói như nhà thơ Trần Xuân An: “Mình chơi thơ cũng là cách chơi tao nhã và thú vị...thay vì đam mê cờ bạc, ma túy, rượu chè, gái gú... có hại hơn đúng không nhỉ? “ Chính xác  quá Trần Xuân An ạ.Các bạn cứ phát triển tư duy và cảm hứng.Mỗi người cảm nhận thơ một cách khác nhau.Các bạn cũng như tôi, may lắm là để lại cho đời một hai bài hoặc vài câu thơ cũng quá đủ rồi.Đến như thi hào Nguyễn Du cũng tự nhận” Mua vui cũng được một vài trống canh...”  dù  truyện Kiều cho đến nay  vẫn là số 1 trong thi ca mà chưa có hiện tượng “sao đổi ngôi” nào sánh được !

     Một kỷ niệm nhỏ với Nguyễn Vũ Sinh khiến tôi nhớ hoài: Năm 2017 về Huế giỗ mẹ, tiện đường tôi ghé Diên Lạc thăm Sinh.Nghe tôi điện thoại cậu ta đã mượn một chiếc xe 7 chỗ ra đón tôi.Gặp nhau chúng tôi tha hồ tâm sự như những cố nhân.Sinh mời tôi ở lại một vài bữa để Sinh đưa đi rừng.Nghe thật thích nhưng thấy thời tiết không đẹp nên tôi từ chối.Ở với Sinh vài giờ là tôi chia tay để lên tàu vào SG.Khi tàu đến Phan Rang thì nghe Sinh gọi điện báo bão vừa đổ bộ vào Khánh Hòa.Nhà sinh cây cối ngã đổ nhưng nhà đúc nên không sao.Hú vía thật.Nếu tôi ở lại thì phải tránh bão thêm vài ngày rồi.Về SG cứ nhớ mãi bữa cơm trưa ở nhà Sinh.Tuy không cao lương mỹ vị gì nhưng vợ Sinh nấu ăn ngon lạ lùng.Tôi cũng khen Sinh là có phước mới lấy được người vợ trẻ, đảm đang , hiền thục và khi Sinh làm thơ thì bóng dáng mỹ nhân ấy hiện lên trong thi ca.Chỉ là những cảm nhận ít oi về NVS như vậy.Có lẽ nên biết về tác giả Nguyễn Vũ Sinh và thơ nhỉ.

Nguyễn Vũ Sinh là tên thât.Bút hiệu là Nguyễn Văn Ngọc Sinh.Sinh ngày16.12.1953  tại Diên Khánh-Khánh Hòa.

 

THƠ NGUYỄN VŨ SINH

TỰ DO VÀ CÁI CHẾT MỎI MÒN

 

Dù biết trở về rừng nguyên sinh không còn nữa
Nhưng chim thanh vẫn da diết nỗi mong chờ
Từng ngày qua náu trong lồng tù hẹp
Khát khao một lần quay lại chốn xưa .

Giọng hót mỗi ngày vẫn ngân vang thánh thót
Lòng hằng mong tung đôi cánh giữa bầu trời
Trong chiếc lồng hẹp từng ngày qua vẫn đợi
Như loài chim muông khao khát ánh dương soi .

Thà vòm trời rộng tung bay đôi cánh mỏi
Hít thở tự do hơn chết rũ một đời
Cánh cửa khép bao ngày qua tăm tối
Mong về nguồn xưa xanh bóng núi đồi .

Dù đại ngàn những lòng sông suối cạn
Hàng cây già thưa thớt đứng mồ côi 
Lồng son hẹp song khe thưa mắt mỏi 
Tiếng chim thanh giờ đã hót nghẹn lời .

 

LẠC DẤU CHIÊM BAO

Nghe tháng ngày hư hao
Đã qua đi thuở nào
Cánh phượng hồng năm cũ
Lạc mộng giấc chiêm bao .

Mòn mỏi trông trời cao
Chim xoải cánh phương nào
Bóng sa mờ ải nhạn
Tiếng hót gầy âm hao ...

Kỷ niệm xa rồi sao
Nghe sóng vỗ thét gào
Lời ru nào cho bãi
Đã úa màu xanh phai .

Vì sao , tại vì sao ?
Giọt lệ mãi tuôn trào
Kiệt khô bờ hốc mắt
Bao phận người lao đao ?

Có còn đêm trăng sao
Tỏa sáng trên trời cao
Giờ môi thơm mắt biếc
Cũng nhạt nhòa hư hao .

Hương thơm trao ngọt ngào
Cứ mãi đợi khát khao
Bao môi người đã mỏi
Mà chẳng hiểu vì sao ?

Vì sao và vì sao ?
Nỗi nhớ quê cồn cào
Trông mây mờ viễn xứ
Đã lạc dấu chiêm bao .

 

MIMOSA

Chân qua bước dạo lang thang
Mimosa nở sắc vàng áo hoa
Phố giờ thưa thớt người qua
Trời Đà Lạt thắm màu hoa dã quỳ

Đường nghiêng níu bước người đi
Mưa bay ướt dấu buồn ghi phố phường
Sớm mai trời đất mờ sương
Ly cà phê nóng quyện hương đại ngàn

Mimosa nở hoa vàng
Tô trời Đà Lạt thêm ngàn sắc hoa 
Cao nguyên phố thị bây giờ
Dấu xưa chừng đã phai nhòa nét hương ?

 

Nguyễn Vũ Sinh

 

 

Trần Dzạ Lữ
Số lần đọc: 2085
Ngày đăng: 20.07.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ứng dụng thành tựu công nghiệp cách mạng 4.0 Để phát triển sản phẩm văn hóa nghệ thuật biểu diễn - Tuấn Giang
Đoàn Thị Điểm và Nguyễn Thị Điểm: Ai đã dịch Chinh Phụ Ngâm ra chữ Nôm? - Nguyễn Cẩm Xuyên
“…Canh gà thọ xương”chuyện bịa như thật - Nguyễn Cẩm Xuyên
Đoàn Thạch Biền ( những ân tình còn đó…) - Phạm Thanh Chương
“Tiếng chuông Thiên Mụ” hay “Tiếng chuông Trấn Vũ”? - Nguyễn Cẩm Xuyên
Nguyễn Vỹ - nhà báo với ý thức dấn thân trong cái nhìn của các nhà nghiên cứu ở miền Nam (1954 – 1975) - Trần Hoài Anh
Ý thức vũ trụ - Võ Công Liêm
Thơ Như Quỳnh de Prelle, lắng nghe sự hiện hữu của thực tại. - Trần Duy Trung
Đánh Thiền sang bằng Thiền và Thiền - Võ Công Liêm
Nguyễn Văn Sâm và dòng chảy văn chương Nam Kì Lục Tỉnh - Hoàng Kim Oanh
Cùng một tác giả
Hương cau quê nhà (truyện ngắn)
Cắt (thơ)
Thư Gửi Chị (tạp văn)
Liếc (thơ)
Nhớ (thơ)
Chờ O (thơ)
Khát (thơ)
Câm (thơ)
Nhớ Bạn (tạp văn)
Tát (thơ)
Cần (thơ)
Tím Nhớ (tạp văn)
Dắt (thơ)
Nhốt (thơ)
Chìa (thơ)
Trượt (thơ)
Trộn (thơ)
Bắt (thơ)
Xa cách (thơ)
Chặt (thơ)
Lấn (thơ)
Cách ly (thơ)
Quỳ (thơ)
Tôi (thơ)
(thơ)
Hoa cà (thơ)
(thơ)