Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
943
123.366.855
 
Bãi giữa
Vinh Anh

 

 

 

        Cuối thu mà vẫn ngột ngạt. Cái ngột ngạt của thành phố với ồn ào bụi bặm và đầy những đua chen làm ta nuối tiếc một cái gì xa xưa mơ hồ. Ta đâu đã là người của “muôn năm cũ” mà sao vẫn cảm thấy có điều gì lạc lõng, không bắt nhịp được với cuộc sống thời hiện đại. Hồn quê vẫn luôn ám ảnh trong ta, mọi sự xảy ra trong cuộc sống vẫn nảy trong ta sự so sánh, luôn làm ta ngẫm ngợi để rồi chỉ lưu lại chút gì đó bâng khuâng, gợn lên chút gì đó xao xuyến vời vợi. Những điều nhẹ nhàng và êm ả, lăn tăn rồi dịu lắng, gờn gợn rồi trong veo như mặt nước hồ phản chiếu trời thu.

Đời cho ta sự đồng cảm. Cùng vợ lên xe, lượn một vòng quanh Hồ Tây. Đi hai người không cảm thấy cô đơn. Nghe thoang thoảng trong chiều tiếng chuông chùa, hồn như được mềm lại từ những âm vang hư ảo, phảng phất khói sương của một vùng đầy huyền thoại, chất chứa biết bao nhiêu kỳ tích từ ngày vua Lý dời đô về đất này.

Rồi theo bánh xe lăn, con đường ven đê lộng gió đưa chúng tôi về về với cuộc sống đời thường. Phía kia là chiếc cầu hình rồng uốn mình vắt qua sông Cái. Con sông chứa chất tất cả những niềm vui nỗi buồn của vùng châu thổ xứ Bắc. Mẹ là thế và “Cái” cũng là thế. Nét mềm mại của chiếc cầu có tuổi đời trăm năm như cử chỉ dịu dàng và tấm lòng đôn hậu lòng mẹ, dù nét xưa chỉ còn sót lại trong dĩ vãng, mới đó mà như đã xa xăm.

Dựng xe bên mép lan can cạnh chòi của người trông cầu, gửi mấy người nhà quê bán hàng trên cầu. Đôi ba chiếc quang gánh với mấy cái bắp cải mớ rau “tự phát thành chợ cóc”. Nhiều nhất là ngô, những chiếc bắp lá còn mỡ màng màu xanh mướt mát tươi nguyên, mới bẻ dưới bãi sông mang lên, đón bán cho những người đang hối hả về thành phố, những người mà trong lòng như vẫn còn một nỗi niềm trắc ẩn với tiếng gọi đồng quê, bất chợt bắt gặp một thứ quà quê thân thiết thuở ấu thơ, dẫu có dân dã nhưng chất chứa nhiều thơm thảo, gợi nhớ những thương nhớ và cả sự đồng cảm với một thời nghèo khó.

Hai khúc cầu thang thật dốc, dài đến ba chục mét, đưa chúng tôi xuống bãi giữa sông. Nước sông không lớn, vài con tầu chở cát ậm ạch. Những ngày nước lũ đã qua từ lâu. Tôi và  vợ bước từng bước dò dẫm trên mặt cát ươn ướt, đậm đặc phù sa. Nàng bên tôi như một cặp tình nhân trẻ trung, ngây thơ với những câu nói ngồ ngộ, chẳng phải nói với tôi mà là nói với một thời thiếu nữ: “Ôi hoa này, hoa gì đẹp thế nhỉ, anh nhìn kìa?; Ơ, cây ổi này, liệu có quả không nhỉ, anh thấy không?…Lại cả một bụi mâm xôi với lác đác những quả đỏ thắm ngòn ngọt bé tí, có cả bãi ngô này, lạc nữa này, mà sao mát thế, gió nhiều quá…”.Tôi cũng vui vì nét vô tư, trong veo, tươi mát có phần muốn làm duyên của nàng nữa và tôi, tôi cho đó là sự đồng cảm trước cái tự nhiên vốn có nhưng xa đã lâu của một con người. Sự thể hiện của nàng là cuộc hành trình trở lại và bắt gặp cái xưa, sẵn có đâu đó trong ký ức hay đang ngầm chảy trong dòng máu của nàng. Điều đó cũng đôi khi xảy ra với tôi.

Con đường mòn đưa hai chúng tôi đến một ngôi nhà nơi bãi giữa. Cũng rào dậu như một ngôi nhà nơi làng quê nhưng quá đỗi đơn sơ và tuyềnh toàng. Mái lợp cỏ lau và giấy dầu. Cửa nửa đóng nửa mở. Có vẻ như chủ nhà chỉ ở tạm, ở nhờ. Bọn chó nằm rải rác dưới gốc cây thấy người lạ thi nhau sủa, tiếng sủa râm ran cả một vùng rồi tan vào bãi sông mà chẳng thấy bóng người nào chạy ra. Lòng tôi ấm lại vì tiếng chó sủa. Nó gợi cho tôi nơi đây phải có một cộng đồng sinh sống chứ không chỉ đơn điệu một nếp nhà xiêu xiêu đổ. Tôi vốn sợ nỗi cô đơn và cũng dễ trạnh lòng với những nỗi cô đơn.

Đúng vậy. Vòng vèo quanh ngôi nhà một lúc với những gốc chuối, gốc na, những cây khế cây bưởi và với cả nhiều loại rau khác nữa, chúng tôi ra phía đằng sau. Hoá ra ngôi nhà án ngữ phía trước và nằm hơi cao nên che hết cả khoảng rộng đến vài mẫu mặt sau. Tôi chỉ quen với những ngôi nhà phân lô ở thành phố có chiều sâu hun hút, không quen ước lượng những khoảng rộng với những ngôi nhà nghỉ cuối tuần của các đại gia, đi tìm những phút giây thư thái nhuốm màu đồng quê yên tĩnh, nhưng nếu so với cái vườn của bố mẹ tôi ở quê, vùng đất này có thể gọi là mênh mông. Tôi có cảm tưởng đứng trên doi đất của bãi giữa này, phần đất ngoi lên của sông còn rộng hơn phần nước của con sông Mẹ. Và thật, không chỉ có một nhà đâu, lơ thơ phía xa kia cũng còn vài cái nhà nữa. Tôi nhận ra bởi mấy tấm bạt che, gió thổi bay bay như những mái che cũ nát chợ làng quê tôi. Vâng đâu cũng vậy, đất làng quê ta cứ thấm đẫm cái nghèo, dù nơi đây có cách xa kinh thành là bao.

Những “người chủ” nơi bãi giữa đầu tiên chúng tôi gặp ra dáng một cặp vợ chồng còn trẻ. Tôi chỉ ngôi nhà vừa đi qua và hỏi họ có phải là chủ nhân. Họ gật đầu không muốn bắt chuyện. Kiểu cách của chúng tôi xa lạ với cuộc sống của họ. Tôi nhận ra cái nhìn không mấy thiện cảm của người chồng. Có lẽ trong mắt họ, chúng tôi là những kẻ nhàn nhã, rỗi hơi. Tôi  giả bộ không biết đến sự lạnh nhạt đó. Cuộc sống khác nhau vẫn tạo ra những rào cản. Một lẽ rất thường ở đời.

Sau những câu hỏi vu vơ của tôi với anh chồng trẻ và những câu trả lời nhát gừng đầy cảnh giác của anh ta, cô vợ của tôi đã kéo được cô vợ trẻ của người đàn ông nọ ra khỏi bãi lạc. Họ kéo nhau vào trong căn nhà tuyềnh toàng nhiều gió sông và cũng nhiều nỗi niềm. Tôi đoán thế bởi tôi thấy cặp vợ chồng này có điều gì khang khác.

Bọn em phải thuê cả đấy. Thuê lại của người địa phương nơi đây. Tôi thoáng nghe được lời của cô vợ trẻ nói với vợ tôi. Vậy ra là thế. “Đất có thổ công, sông có hà bá” mà, đâu có dễ dàng sở hữu một miếng đất, dù nó tồn tại ở giữa sông, một năm mất mấy tháng chạy lụt với bao nhiêu bất tiện cho cuộc sống kề sát chốn phồn hoa.

Tôi muốn tìm hiểu thêm về các mối quan hệ đất cát lằng nhằng này nhưng anh chồng đứng bên cửa từ lúc nào, gạt đi. “Bọn em ở đây theo thời vụ cũng chẳng biết nhiều các mối quan hệ…” Ờ thì biết vậy cũng được, tôi tự nhủ. Tiếng anh chồng: “Sống trên bãi này dẫu sao cũng hơn mấy người trên chiếc thuyền mong manh bé tẹo đằng kia…” Tôi nhìn ra phía tay anh chồng chỉ. Nơi đó, cái lạch nước sát với bờ sông, có trên chục con thuyền đang cắm sào. Những con thuyền nhỏ nhoi, cũ kỹ và cổ xưa như tôi đã từng biết cách đây vài chục năm. Mỗi chiếc thuyền bé tẹo đó có một gia đình tồn tại. Xóm vạn đò bên sông Mẹ là đấy, gần sát ngay bãi giữa.

Trời mùa thu trong xanh. Chiều trên bãi sông càng đẹp. Ráng chiều vàng bảng lảng màu u buồn phản chiếu ánh nắng trên mặt sông lấp loáng. Gió đã mạnh hơn. Những con gió mùa thu dìu dịu ru mát làm mắt tôi díu lại. Cái ngột ngạt ong ong của nắng quái không còn nữa. Thay đổi thật nhanh. Mùa thu vẫn là mùa thu. Cư dân thời vụ nơi bãi giữa vẫn cúi mặt trên ruộng lạc. Trùm lên cái không gian rộng lớn trên sông chỉ có tiếng của gió và tiếng cỏ cây, tịnh không một tiếng động của thời hiện đại vọng về. Hoang sơ vẫn như còn đâu đó còn tươi mát thì ăm ắp trước mặt. Phả vào tấm thân nhuốm bụi trần của ta là gió mát, những ngọn gió tươi rói từ thượng nguồn xa xăm và từ sông Mẹ sản sinh. Bỗng dưng thấy sạch sẽ và sảng khoái, thứ sạch sẽ và sảng khoái của thiên nhiên ban tặng khác hẳn mọi tiện nghi của nền công nghiệp hiện đại mà con người tạo ra.

Chúng tôi về xách theo một túi ngô và một túi lạc, sản phẩm của bãi giữa. Đấy là mẹo của vợ tôi kéo cô vợ trẻ vào nhà của họ. Thì ra trong bất kỳ tình huống nào, phụ nữ vẫn là những người cởi mở.

Tôi thầm tiếc một chiều thu hiếm hoi qua nhanh. Ở đây có những ngọn gió và những con người vẫn như nặng một nỗi lòng. Có phải lúc nào con người cũng sẵn mở lòng với thiên nhiên được đâu. Và thiên nhiên cũng vậy, chỉ những con người biết yêu và tôn trọng mới hoà được vào nó. Tôi muốn được quay trở lại nhiều lần nữa, tôi thật sự vẫn chưa hiểu bãi giữa. Tôi muốn được lọc sạch những bụi bặm, gạt bỏ được sự chen đua nơi phố phường.

 

6/10/09  

 

 

Vinh Anh
Số lần đọc: 1592
Ngày đăng: 10.08.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cô bé bong bóng - Bùi Thanh Xuân
Khúc cho những ngọn đồi và anh - Bạch Diệp
Sương mù và mưa bụi - Vinh Anh
Ghi lại những mẫu đối thoại rời … - Lê Viết Yên
Hai miếng vá - Bùi Thanh Xuân
Đêm Kiên Giang, nghe "Hành phương Nam"… - Hoàng Kim Oanh
Chút miên man giữa trời rộng mênh mông - Nguyễn Văn Thượng
Lại nhớ Saigon - Phan Văn Thạnh
Bếp lửa hồng ngày giáp tết - Bùi Thanh Xuân
Tiếng keng của đồng xu - Bùi Thanh Xuân
Cùng một tác giả
Mưu sinh (truyện ngắn)
Chuyện vặt (truyện ngắn)
Lão và hắn (truyện ngắn)
Phượng (truyện ngắn)
Công chức (truyện ngắn)
Gặp lại ngày xưa (truyện ngắn)
Lời từ nơi hư ảo (truyện ngắn)
Vào hội (truyện ngắn)
Bãi giữa (tạp văn)
Mùa thu (tạp văn)
Người quê (truyện ngắn)
Nhớ làng (truyện ngắn)
Bạn thời lính (truyện ngắn)
Ánh mắt sông quê (truyện ngắn)
Ngõ nhỏ ngày xưa (truyện ngắn)
Đất làng (tạp văn)
Ở rừng (truyện ngắn)
Chuyện tình kể lại (truyện ngắn)
Hai thằng nó và tôi (truyện ngắn)
Hương vô tình (truyện ngắn)