Thị trấn Xuân Hòa - Vĩnh Phúc hơn hai mươi năm trước...
Tối mịt, sau khi ăn uống quấy quá cho xong tại quán cơm bình dân, tôi và Trần Hòa Bình đang định quay lên căn phòng tập thể của Bình ở Đại học Sư phạm Hà Nội II, thì Bình bảo: "Tôi với ông dạo quanh thị trấn đi?"
Hồi ấy, chỉ cần ra khỏi khu vực của trường ĐHSP là khung cảnh vắng ngắt, ao chuôm đầm lầy ngổn ngang. Chúng tôi lang thang trong đêm vắng. Chỉ có tiếng côn trùng, ếch nhái hân hoan chào đón những bước chân lãng du...
Thời đó, Trần Hòa Bình còn là một thầy giáo ngành sư phạm. Thỉnh thoảng, tôi lại phóng xe lên Xuân Hòa với anh, những hôm anh có giờ dạy ở trường. Quang cảnh tịch mịch của thị trấn nghèo không xa lạ với chúng tôi. Nhưng lần nào chúng tôi cũng đều tìm thấy thêm một điều gì đó thi vị, thân thương đối với hai kẻ cô đơn, hạnh phúc gia đình trắc trở... Đi mãi lên gần phía hồ Đại Lải, một cơn mưa giông bất chợt ào xuống, chúng tôi chạy vội trú chân trong một quán lá sơ sài ven đường. Hai đứa rét run, im lặng nhìn mưa đêm, âm thầm theo đuổi những nỗi niềm run rẩy mơ hồ của cõi đời phù du...
Hơn tiếng sau, mưa ngớt, chúng tôi lóp ngóp trở về phòng tập thể của Bình... Quá nửa đêm, khi tôi đang gật gà ngủ ngồi bên một cuốn sách, thì Trần Hòa Bình lay tôi dậy. Anh đã đặt sẵn chai rượu trắng nút lá trên sàn đá hoa. "Ngủ làm gì ông, phí của giời!" Anh với tay lên bàn cầm một tờ giấy có những dòng viết vội. "Làm tí rượu nhạt cho tỉnh, rồi tôi đọc ông nghe. Tôi vừa viết xong đây."
Bình đã đọc cho tôi nghe bài thơ đó, bằng cái giọng sang sảng của một giảng viên văn khoa và đượm nghẹn ngào của của một thi sĩ đa cảm mà sự mộng mị đắm đuối đầy những linh cảm bất trắc được khung cảnh vắng lặng nhoè mưa của thị trấn buồn phụ hoạ thêm...
Mai em về nhà chồng
Tặng Nguyễn Anh Tuấn
Cớ sao mắt em buồn như đêm mưa xứ đồi
Cớ sao cơn mưa xứ đồi lại đến cùng anh
Đêm thương buồn giữa hạ?
Chỉ còn đêm mưa này
Ngày mai em về nhà chồng
Mưa giăng trắng cánh đồng
Phố xá sau lưng, bạn bè trăm ngả
Anh nhìn em qua mưa hun hút đường dài...
Mọi sự đều không đúng lúc
Đã quá muộn để nói lời yêu đương
Lại quá sớm khi nói lời giã biệt!
Mai em về nhà chồng
Hết rồi những cơn mưa ướt mái đầu con gái
Một đêm nào chúng ta chia tay
Bong bóng nước dưới chân dập dờn nghìn hoa trắng...
Mai em về nhà chồng
Mưa theo em ròng ròng thương nhớ
Mai em về nhà chồng
Nước mắt gửi vào mưa âm thầm khung cửa...
Anh thức qua đêm nhìn mưa
Anh thức qua năm tháng nhìn em
Anh thức qua cuộc đời nhìn tình yêu
Bong bóng nước trôi xuôi vỡ nghìn hoa cánh trắng
Đâu rồi dấu chân em
In mòn thời thiếu nữ?
Cớ sao mắt em buồn như đêm mưa xứ đồi
Chỉ mình anh nhận thấy?
Sớm mai ra là góc bể chân trời
Chúng mình xa nhau mãi mãi
Đưa tiễn một thời con gái
Mưa bây giờ lùa ướt tóc anh...
Tôi định hỏi ngay: "Vì sao ông lại đề tặng tôi, chẳng phải là ông viết cho Em nào sẽ về nhà chồng?" Nhưng tôi đã không hỏi, và không bao giờ hỏi nữa. Bởi ngay sau đó, tôi chợt đặt mình trong tâm trạng của Bình. Nếu tôi có làm được một dòng thơ nào trong đêm ấy, dù là có nghĩ về ai hay làm cho một đối tượng nào đó, tôi cũng sẽ chỉ đề tặng THB mà thôi. Độc thoại trong đêm mưa và đối thoại trong im lặng đã là nguyên cớ để bài thơ ra đời. Cô em nào đấy ngày mai, hoặc ngày kia đi lấy chồng, đâu có quan trọng! Điều chính yếu là từ rất lâu rồi, THB đã để tuột cơ hội tìm một tình yêu và hạnh phúc đích thực... Nỗi cô đơn và cảm giác bất lực xót xa trước những gì tốt đẹp ta hằng khao khát cứ rời xa ta từng ngày từng giờ đã là một nguồn cảm hứng thơ ca của nhiều thời đại; và thật không may (hay là may mắn?) THB đã bị chúng bất chợt "tóm" mất hồn vía trong một đêm mưa thật buồn!
Anh thức qua đêm nhìn mưa
Anh thức qua năm tháng nhìn em
Anh thức qua cuộc đời nhìn tình yêu
Cái cách mà tác giả "thức" qua đêm nhìn mưa để rồi liên tưởng tới những năm tháng dài, tới cả cuộc đời "thức" để tìm em, để nhìn tình yêu quả là đậm "chất THB": thông minh, biến hóa một cách tài hoa, nhưng nhờ cảm xúc mạnh mà ấn tượng về "tiểu xảo" đã bị xóa nhòa trong thụ cảm người đọc... Thức qua cả cuộc đời để nhìn tình yêu, tìm tình yêu, sao có cái gì đó thật xa vời, vô vọng, song vẫn cứ phải làm thế, như một thứ định mệnh. Có điều, nỗi buồn rưng rưng bởi Tình yêu chưa thành, chưa tìm thấy, ở đây vô tình hòa nhập với khát vọng về sự hoàn thiện nên nó kịp mang một giá trị về Thẩm mỹ và Nhân cách.
Cả cái triết lý bất đắc dĩ này nữa:
Mọi sự đều không đúng lúc
đã quá muộn để nói lời yêu đương
lại quá sớm khi nói lời giã biệt…
Sự thông minh đã không biến chúng thành triết lý vặt, "khổ lắm biết rồi", bởi có những vần thơ phập phồng nhớ thương tiếc nuối làm nền trải khắp bài để chúng trở thành phát hiện bất ngờ mới mẻ về nhân tình thế thái - điều mà chúng ta vẫn gặp phải song ít khi ngẫm về chúng như một chiêm nghiệm thấm thía. Không phải chỉ riêng trong Tình yêu, mà còn cho mọi lĩnh vực của quan hệ xã hội mà ở đây Tình yêu chỉ là một cái cớ trực tiếp, cụ thể, như giọt nước làm tràn cốc nước...
Ông thầy dạy văn bậc đại học giàu hồn thơ THB thời đó dường như vẫn chưa cắt được hết cái "đuôi" của một anh giáo làng quê mà hồi xưa từng được hình tượng hóa trong "thầy đồ Cóc" dân gian, bởi lẽ thi hứng và thi liệu trong bài thơ khá "siêu thực" này lại mang đậm âm hưởng ca dao Bắc Bộ ngàn đời:
Bong bóng nước dưới chân dập dờn nghìn hoa trắng...
Mai em về nhà chồng
Mưa theo em ròng ròng thương nhớ
Mai em về nhà chồng
Nước mắt gửi vào mưa âm thầm khung cửa...
Xứ đồi đêm ấy đã gợi cho THB bao suy tưởng về Xứ Đoài nghèo khó thân thương của anh, nơi anh từng chứng kiến những cơn mưa ướt mái đầu con gái và thẫn thờ trước dấu chân em/ In mòn thời thiếu nữ...
Gần cuối bài, THB nhắc lạicâuthơ đầu: Cớ sao mắt em buồn như đêm mưa xứ đồi, như chưa hết bàng hoàng về cái cảnh ngộ «bỗng dưng» mà nhờ nó anh chợt tìm ra nỗi khao khát đồng cảm trong nhiều năm ròng (Cớ sao cơn mưa xứ đồi lại đến cùng anh). Nhưng xót xa thay, nỗi khao khát đồng cảm đó Chỉ mình anh nhận thấy…
Tuy trĩu buồn bởi ký ức, nhưng anh đã gắng bình thản đểĐưa tiễn một thời con gái và chia tay với một "thời xa vắng" của mình:
Sớm mai ra là góc bể chân trời
Chúng mình xa nhau mãi mãi
Đưa tiễn một thời con gái
Mưa bây giờ lùa ướt tóc anh...
Có lẽ đây là một trong những bài thơ tập trung nhiều nhất tâm lực, cảm nghĩ, nước mắt của THB ; và anh viết như không thèm đếm xỉa đến kỹ thuật thơdù nó thường trực trong một người viết rất có ý thức về sự chuyên nghiệp!Đêm mưa Xuân Hòa ấy thức dậy trong anh bao đêm mưa và chiều mưa của một tuổi trẻ từ "xứ đồi" ra thành phố, nghèo túng, long đong, phải chật vật tìm hướng đi cho khát vọng đời mình, tìm cách giải tỏa bao cơn "tức nghẹn" của sự nghiệp văn chương, khi Phố xá sau lưng, bạn bè trăm ngả và hạnh phúc tưởng đã nắm gọn trong tay mà hóa ra mịt mù sương khói... Giả sử anh có một cô người yêu nào sắp lấy chồng ngày đó thì chắc cũng không da diết, buồn thương khắc khoải đến thế! Mà thực ra, không ít cô gái- trong đó có học trò thầm đeo đuổi anh chàng tài hoa đeo kính cận dày cộp có khả năng làm tan hoang rơi rụng trái tim người bởi giọng nói tự tin thủ thỉ, và có thể cũng được anh đền đáp ít nhiều về tình cảm, rồi họ chẳng liên tiếp báo tin là sẽ đi lấy chồng đấy thôi! Nói cho công bằng, "cô em mai đi lấy chồng" trong bài thơ là hình bóng của tất cả những cô gái yêu anh, được anh trân trọng tình yêu đó- nhưng họ lại không có điều kiện để đến được với nhau lâu dài... THB ít có khả năng dung hòa được giữa thực tế trần trụi và ước vọng cao vời, anh tìm an ủi trong học trò, bè bạn. Không có bất kỳ khả năng "đập phá" nào, anh tìm sự giải tỏa trong thơ, nhạc, tranh vẽ... Và anh đã chọn một đêm mưa Xuân Hòa, đúng hơn là đêm mưa đó đã chọn anh- khi đồng cảm cùng thằng bạn cũng "ngơ ngẩn" về đời sống như mình, để lưu lại trong vườn Thơ một đóa hoa không màu mà chứa đủ các màu sắc như giọt mưa giữa bầu trời của tâm hồn thi sĩ...
Kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhà thơ, nhà báo Trần Hòa Bình
(16/8/2008 - 16/8/ 2018 )
Ảnh: Trần Hòa Bình ở Cao Bằng ( của N.A.T)