[Trích bản thảo thơ “Nước Đức & châu Âu, đến và đi”; Phần I: Hình Tổ quốc]
“Hỡi ôi! Những kẻ lên đường
Đang tâm để cả cô đơn lại nhà”
Nguyễn Bính (1918 - 1966)
“Văn chương Dân tộc lúc này không nói lên nhiều lắm;
kỷ nguyên của văn chương Thế giới đang tới,
và mọi người cần nỗ lực thúc đẩy nó đi nhanh.”
J. W. Goethe (1749 - 1832)
•
BỨC TƯỜNG TỪ THỨC
(Tặng V & B, T & H, T & L)
“Bởi mi sống bằng thời gian khác
chưa yếu già
như ta
hiển nhiên!”
Bức tường Berlin
phần di tích hẳn cũng dài cả kilômét
nhìn ta
chân cẳng
cười cười
ý hỏi còn có thể leo qua
như hồi ba mươi năm trước
“Mi trẻ trung
ai cũng biết
ta đâu ở không mà thử sức
với chàng Từ Thức thời nay?”
PHẬN THÚY KIỀU SỐ TỐ NHƯ
(Tặng THQ và NTV)
Từ phòng ăn ra nhà vườn
Còn toan kéo tới hòa nhạc ngoài trời Bach[1]
chuyện tiếp
Ối
chuyện
chuyện
chuyện
Tạm biệt bạn và cả nhà
nhé
Rê qua mấy gương mặt gặp lần đầu đã thuộc
tôi ngoái lên ô cửa nhỏ lầu xinh
đang trách móc
nhìn
Xếp hàng thẳng băng
tuần tự (khiếp, kỷ luật Đức!)
sau rèm cửa xanh
những văn bản Truyện Kiều các kiểu
Ôi
bạn viết lách
cái chi chi
tôi chộp rải rác
chữ tộ chữ tác
tiện tính hỏi mà nhác
Thì vẫn
Phận Thúy Kiều số Tố Như
Nhiều ba trăm năm nữa
Cũng thế thôi
Thì vẫn
HOA ĐỨC VÀ THƠ ĐỨC
(Tặng TKL và C & H)
Có một người tới trễ
Với hoa và với thơ
Hoa gia chủ bày tiệc
Hè Muenchen trong mơ
Thơ người đưa tặng ta
Hai cuốn đôi tay đợi
Lời hẹn tự năm xưa
Tay chờ hoài chưa mỏi
Hoa vườn nhà Đức quốc
Nom giông giống hoa ta
Thơ Đức, ồ rất khác!
Ta đọc và không ra
Không ra bao điều mới
Không ra bao điều hay
Không ra bao điều lạ
Không ra cả điều này:
Có một người tới trễ...
BẠN ĐƯỜNG TRƯỜNG
(Tặng BTP)
Bạn thân tên vần M
giới thiệu bác tên cũng vần vậy
âm na ná nhau
tai phải tai quấy tôi quên cái vèo
đặt bạn M1 bác M2 cho lẹ
Vừa chạm mặt
cổ thi tôi nhớ vội
"Đường về chiều
mãi tìm không ra bạn mới"
Phải công nhận
gần ba trăm kilômét đêm xa lộ
chúng mình chuyện thật lụa
phần tôi
mắt thảng khi gà lúc vịt
miệng và óc luôn sáo sậu
Rồi té ra cùng bạn ruột
gia chủ trang cưng
cuối tuần tôi mang hẹn tới thăm
thấy dư dả chuyện
đủ quất tới tận cực bắc Hamburg
Đến bãi đậu xe mép nhà M1 hâm rượu đợi
dưới trăng
M2 xoắn vặn bộn đường cua
tôi lại biết trên đời thêm một tay lái lụa
Hôm tạm biệt
tính ghé tai nói nhỏ mà lu bu
(nhà M1 khách cứ đông như giặc)
“”Ngày mai
bác có đi cướp nhà băng[2]
phần tôi
đường trường
vẫn không mất một người bạn!”
CÓ NHẼ CHÚA Ạ!
(Tặng TTĐ)
Chụp mãi
chúng con chụp đi chụp lại
đổi máy đổi người
vị trí góc nhìn ánh sáng
(chẳng phải dân chuyên nghiệp
đã đành)
thiệt tình
chúng con máy móc người ngợm
đâu đến nỗi
Chúng con chụp mãi
hình chúng con vẫn lạc
không nhập tới
đỉnh nhà thờ
chót vời
Trên đó quanh Ngài
có nhẽ tất cả
linh hồn vô tội những kẻ
nghển cổ chờ chuyển tiếp
một ngày đẹp trời
giây phút thiên đàng lên hẳn
Chúng con không cầu trên đó
thiên đàng
chỉ muốn sánh đỉnh nhà thờ
tấm hình kỷ vật đơn sơ
mai rồi từ biệt
chả biết đến bao giờ
Có nhẽ là một tội?
Chúng con không cầu trên đó
thiên đàng
chỉ mong làm dân thường đất lành sống chết
dưới đỉnh nhà thờ mãi mãi
Có nhẽ là hai tội?
Còn nhiều tội khác
có nhẽ
chúng con nghe Ngài phán quyết
(trong khi loay hoay
chụp đi chụp lại mình
với đỉnh
nhà thờ chính tòa Koeln[3]
tót vót)
Chúa ạ!
CHỢ VIỆT TRỜI ÂU
(Tặng PTH)
Chợ Đồng Xuân[4] giữa Berlin
Vẫn say như buổi hòa bình Tây - Đông[5]
Em xinh rõ xỉnh xình xinh
Mời bún chả Hà Nội mình đây anh
Chợ Đồng Xuân giữa Berlin
Gắp một gắp trúng cái tình Việt Nam
[Trích bản thảo thơ “Nước Đức & châu Âu, đến và đi”; Phần I: Hình Tổ quốc]
Vancouver, 7/7 - 7/8/2018
• • •
[1] J. S. Bach (1685 - 1750) nhà soạn nhạc người Đức.
[2] “Nếu không thành nhà thơ/ Tôi sẽ thành kẻ cướp” (Thơ S. Esenin).
[3] Nhà thờ nổi tiếng thế giới nằm sát nhà ga chính của thành phố Koeln, phía tây nước Đức.
[4] Tên gọi của “Dong Xuan Center” - trung tâm thương mại, sinh hoạt hàng đầu của người Việt ở Đức.
[5] Ngày nước Đức thống nhất (3/10/1990) chấm dứt thời kỳ Chiến tranh Lạnh.